Chương 24: Bồn Man Nổi Loạn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiếng hét thất thanh của Thu Đào làm Xuân Mai giật mình rồi từ trong bếp chạy ra. Lúc đó, cái bóng trong rặng trúc đào cũng tiến đến càng lúc càng gần làm Thu Đào thêm khiếp đảm. Khuôn miệng nàng há to định hét tiếp thì đã bị bàn tay của Xuân Mai ngăn lại, dường như cô bé đã hiểu chuyện gì đang xảy ra nên phì cười trấn an:

- Cô đừng sợ, là nhị tiểu thư đấy!

Thu Hằng lúc này cũng đã đến đủ gần để chị gái nhận ra mình không phải là hồn ma. Nàng ta cười cười hỏi chị:

- Em xinh đẹp thế này mà chị lại tưởng là ma?

Thu Đào ôm ngực thở phào:

- Trời ơi, suýt thì tim thòng đến rốn!

Hít thở vài hơi cho lại sức, Thu Đào mới bình tĩnh hỏi:

- Sao em lại đứng trong góc tối đó, lại không thắp đèn, làm chị suýt tắt thở vì sợ!

Thu Hằng chỉ tay vào chiếc lồng đèn bị rách toang một lỗ to mà phân trần:

- Em vẫn thường dậy sớm để hứng sương trên cánh hồng, không may bị gai hồng xé rách lồng đèn, gió lùa vào tắt mất. Em đang định đến nhà bếp nhờ Xuân Mai thắp lại đèn thì đã bị chị la hét đến chấn động cả phủ rồi!

Xuân Mai gật gù xác nhận lời của Thu Hằng:

- Đúng rồi, nhị tiểu thư thức sớm lắm, dạo gần đây lại thường xuyên giúp em canh lửa sắc thuốc cho cô đấy!

Nghe qua lời kể, theo lẽ thường thì người chị phải cảm động vì tình cảm của em gái dành cho mình, nhưng mối quan hệ không mấy thân thiết của hai chị em nhà phủ Điện Tiền làm dấy lên trong lòng Thu Đào một thoáng hồ nghi. Trong khoảnh khắc, nàng không kịp định nghĩa cảm giác ấy là gì, chỉ thấy lòng bất an một chút nên nụ cười trên môi có phần gượng gạo.

Cuối cùng, Thu Đào đành tạm gác lại mối lo âu, định bụng sẽ điều tra rõ ràng trước chứ không nên đoán mò rồi nghi oan cho người tốt. Nàng cảm ơn Thu Hằng một cách chân thành, rồi nhoẻn cười thú nhận với Xuân Mai:

- Xuân Mai à, lúc nãy chị định dọa ma cho em giật mình một phen, ai ngờ ý đồ xấu xa chưa thực hiện được thì trời đã phạt chị chịu quả báo trước rồi. Rốt cuộc lại nhìn Thu Hằng thành bóng ma rồi tự dọa mình sợ khiếp vía! Đúng là quả báo nhãn tiền mà, sau này không dám có ý đồ xấu xa với em nữa đâu! Ha ha ha!

Xuân Mai nghe xong câu chuyện liền đắt ý cười khanh khách, cô bé nói thêm vào:

- Phải đó, sau này cô còn ăn hiếp em nữa thì sẽ bị trời phạt!

Nói cười một lúc, Xuân Mai chợt nhận ra cả ba đang đướng giữa khoảnh sân sương sớm giăng đầy, cái lạnh lẽo ban đêm vẫn chưa tan hẳn bèn giật mình nhớ đến lời cảnh báo của Lê Hạo. Cô bé cuống quýt đẩy Thu Đào về hướng phòng ngủ, than rằng:

- Thôi chết, cô mau về phòng đi. Sáng sớm trời còn lạnh, cô mà bị cảm nữa thì em khó sống với Bình Nguyên Vương...

Chữ "vương" còn chưa ra khỏi khóe miệng thì cái trừng mắt của Thu Đào làm Xuân Mai nhận ra ngay mình đã lỡ lời trước mặt cô nhị tiểu thư vốn tính hay hờn dỗi. Cô bé rụt cổ đứng khúm núm một góc lấm lét nhìn chủ cầu cứu. Thu Đào nghiêm khắc hừ lạnh một tiếng rồi mới vỗ vai em gái, dịu dàng nói:

- Xuân Mai nhỏ tuổi nên nói năng không chuẩn mực. Chắc chắn Bình Nguyên Vương dặn dò nó như thế cũng chỉ là thuận miệng khi đi thăm bệnh, phép lịch sự tỏ ra quan tâm người đang ốm thôi! Em đừng nghĩ ngợi nhiều!

Thu Hằng mỉm cười hiền hòa:

- Không sao, em hiểu mà!

Thấy em gái có vẻ không chấp sự thất lễ của Xuân Mai, Thu Đào mới yên tâm trở về phòng.

Ánh sáng lờ mờ của buổi sớm mai không đủ để soi tỏ bất cứ vật gì, nó mờ ảo đến mức hình dáng người chị gái ruột thịt đang bước đi phía xa lại trở thành kẻ tình địch đáng ghét nhất trong mắt Thu Hằng.

Đứng im lặng nhìn theo chị gái cho đến khi khuất bóng, cô gái đang đứng giữa sân chợt cầm chiếc lồng đèn rách trong tay lên ngắm nghía rồi cười khẩy:

- Nếu có quả báo, thì quả báo sẽ đến với người cố tình tranh đoạt tình yêu của em gái mình!

Ngọn lửa trong nhà bếp in hằn trong đáy mắt Thu Hằng hai đốm sáng đỏ rực, nàng ta ôm chiếc lồng đèn vào lòng rồi lại phóng tầm mắt về phía xa nơi Thu Đào vừa đi khuất. Ánh nhìn vừa buồn bã vừa uất giận, vừa bất nhẫn lại vừa không cam lòng...

****

Mặt trời ló dạng, ánh ban mai lọt qua khung cửa sổ rọi vào chiếc trâm trên tóc Thu Đào tỏa ánh vàng lấp lánh. Xuân Mai đứng kế bên khen ngợi:

- Con dao nhỏ này chế tác thật là đẹp mắt, nhìn sơ qua ai cũng nghĩ nó là trâm cài, cô mang nó theo bên người để phòng thân thật là tốt!

Thu Đào ngắm nghía hình ảnh phản chiếu của trâm vàng trong gương và nhớ đến chủ nhân cũ của nó, đoạn nàng khinh khỉnh đáp:

- Chỉ có mấy tên xảo quyệt đáng ghét như hắn mới nghĩ ra trò trâm cài trá hình này!

- Cô nói Lê thị vệ hả? – Xuân Mai nghiêng đầu hỏi.

Thu Đào chun mũi đáp:

- Chứ còn ai nữa!

Tỏ vẻ chán ghét không thèm nhớ đến Lê Tuấn nữa, Thu Đào chuyển chủ đề sai Xuân Mai cho bát thuốc vào bình sứ, cả bã thuốc cũng gói lại để mang ra ngoài thành hỏi thăm thầy thuốc khác.

Qua lời kể của Xuân Mai, Thu Đào biết Nguyễn Đức Trung đã rõ mối lo ngại trong lòng nàng và ông ta chắc chắn sẽ sai người đi kiểm tra thuốc do thầy lang kê đơn, nhưng Thu Đào còn có mối nghi ngờ khác nên muốn tự mình điều tra.

Vừa đặt chân đến tiền viện Thu Đào đã thấy Lê Hạo đứng lù lù ngay trước cổng phủ đệ. Chàng khoanh tay nghiêm nghị nhìn Thu Đào một lúc rồi tiến đến hỏi:

- Nàng muốn đi đâu?

Thu Đào siết chặt chiếc túi có chứa thuốc bên trong như sợ ai đoạt mất, nàng ấp úng nói:

- Ta... ta không phải tù nhân của chàng, đây là nhà của ta, muốn đi đâu phải hỏi ý chàng sao?

Lê Hạo không đáp, chàng lạnh mặt nhìn Thu Đào một cái rồi đột ngột rút cây sáo ra quất vào không khí vun vút mấy chiêu để chứng tỏ sức mạnh của nó, xong liền kề sát cổ Xuân Mai mà nói:

- Nàng bước ra khỏi phủ nửa bước ta sẽ đánh gãy chân Xuân Mai! Ta đường đường là vương gia của bổn triều, nàng có muốn thách thức ta không?

Thu Đào nhìn cô tì nữ đang tái mặt đi vì sợ mà phẫn uất kêu lên:

- Đồ ngang ngược! Ỷ thế áp bức dân nữ!

Lê Hạo mặc không biến sắc nói:

- Phải, ta ngang ngược như vậy đấy! Nàng thử trái lời ta xem?

Đôi mắt ầng ậng nước, Thu Đào gạt cây sáo ra khỏi cổ Xuân Mai rồi ôm lấy cô bé vào lòng. Nàng không kiềm được uất ức mà hét vào mặt Lê Hạo:

- Sỹ Thành cũng vậy, Lê Tư Thành cũng vậy, đều ngang ngược đáng ghét như nhau!

Thu Đào nói xong thì nước mắt liền rơi xuống lả chả, nàng vừa khóc vừa kéo Xuân Mai trở về phòng, trước khi đi còn gay gắt ném vào Lê Hạo ánh nhìn bất mãn.

Thấy cô gái mình thương yêu rời đi với những giọt nước mắt, trái tim Lê Hạo như bị ngàn vạn mũi kim châm vào. Chàng thẫn thờ nhìn theo bóng dáng bé nhỏ rồi âm thầm tự trách:

- Ta thật tệ, bên cạnh ta nàng luôn phải khóc! Nhưng... lần này ta không thể để nàng đùa giỡn với sức khỏe của mình như vậy nữa!

Lê Nghi Dân đứng nấp sau cánh cửa phòng khách và chứng kiến toàn bộ sự việc. Đợi Thu Đào đi khuất rồi hắn mới bước ra, khó hiểu hỏi :

- Sỹ Thành là ai?

Lê Hạo lắc đầu thở dài, chàng vừa đặt cây sáo vào tay áo vừa đáp:

- Em cũng không biết. Cũng không hiểu vì sao từ lúc rơi xuống hồ cẩm lý tỉnh lại thì nàng thỉnh thoảng vẫn gọi em bằng cái tên đó.

Lê Nghi Dân nghe xong thì nhíu đôi mày như đang cố nhớ lại việc gì đó rồi hắn buộc miệng kể lại:

- Hôm qua nàng ấy cũng có gọi anh là "Phúc Nguyên"!

- Phúc Nguyên là ai? – Lê Hạo nghiêng đầu hỏi lại.

Thay cho câu trả lời, Lê Nghi Dân nhún vai tỏ ý mình cũng chẳng biết.

Vẻ bất lực hiển hiện trên gương mặt, Lê Hạo lại thở dài:

- Nàng quả thật rất kỳ lạ, sức khỏe của nàng không ổn chút nào! Tất cả là do em đã hại nàng!

Lê Nghi Dân hiếm khi quan tâm các anh em của mình, nhưng sau buổi chơi cờ tối qua Lê Nghi Dân biết Lê Hạo không phải kẻ tầm thường, nếu chiêu dụ được người này về phe mình thì hắn sẽ thêm phần lợi thế. Nghĩ vậy, hắn mới cố trở thành một người anh thân thiện, bèn khoác vai Lê Hạo ra chiều an ủi, nói:

- Anh đoán không lầm thì đây mới là cô gái trong lòng em. Nhưng thôi, sự việc đã thế này ta không nên cưỡng cầu. Chúng ta là con trai của đế vương, đừng đề chuyện tình cảm nam nữ quấy nhiễu mà hỏng chí lớn!

Nuốt nổi muộn phiền vào lòng, Lê Hạo nở nụ cười héo hắt rồi khẽ gật đầu. Hai người đang đứng giữa sân ngẩn ngơ theo đuổi ý nghĩ của mình thì có một người lính của dịch trạm (*) mang theo thư khẩn đến trước cổng phủ Điện Tiền. Nhận ra hai vị vương gia, người lính quỳ sụp vái chào rồi ngắn gọn nói:

- Chiến sự Bồn Man(*) có tin khẩn, lính dịch trạm chúng tôi đang chia nhau mang tin tức về cho triều đình và các vị võ quan!

Lê Hạo đưa tay đỡ lấy ống trúc trên tay người lính rồi khẩn trương hỏi:

- Có phải Bồn Man lại nổi loạn?

Trong lúc Lê Hạo lộ rõ sự bất an và liên tục tra hỏi người lính thì Lê Nghi Dân lặng lẽ đứng yên một góc mà nghĩ ngợi. Hắn nhớ đến lời mẹ là bà Dương Thị vẫn luôn nhắc nhở rằng khi ngai vàng vô chủ thì Lạng Sơn Vương – Hoàng tử cả của Thái Tông Hoàng Đế sẽ là người kế nhiệm danh chính ngôn thuận. Bởi thế bao năm nay hắn trăm phương ngàn kế muốn lật đổ Lê Tuấn nhưng bất thành. Thì nay bỗng dưng cơ hội nghìn năm có một lại bất ngờ ập đến làm Lê Nghi Dân thấy run lên cả người khi nghĩ đến một mai kế lớn đạt thành. Viễn cảnh tốt đẹp khiến hắn không kiềm được mà khẽ reo lên trong tâm khảm:

- Đúng là trời giúp ta mà! Ta mới chính là chân mạng thiên tử!

*****

Sau ba ngày bày bí mật bố trí thuộc hạ phục ở Lôi Dương, rốt cuộc Lê Tuấn chỉ nhận được bức mật thư do ám tiễn phóng vào giữa sân nhà Phùng Chí Kha, trong thư chỉ vỏn vẹn dòng chữ thông báo hủy bỏ cuộc họp mặt tháng này.

Thất vọng, Lê Tuấn định bụng sẽ đích thân tra xét từng tên sơn tặc Ngôn Kinh Hội để tiếp trục truy tìm thủ lĩnh của chúng. Chàng trở về thư phòng trong Ngọa Sơn điện, cẩn thận đọc đi đọc lại khẩu cung của Phùng Chí Kha và tất cả tấu sớ của quan địa phương trình bày về những vụ cướp bóc do nhóm người này gây ra.

Tìm hiểu kỹ càng những vụ án của chúng xong, Lê Tuấn chợt phát giác ra một chuyện chứng tỏ tên thủ lĩnh này phần nhiều không phải người Tây Kinh. Ánh mắt chàng sáng lên rồi cầm bút định ghi chép lại những manh mối mình tìm hiểu được, thì Lý Lăng bước vào mang theo một số giấy tờ trên tay.

Không cần nhìn thuộc hạ lấy một cái, Lê Tuấn vừa hí hoáy viết vừa nói:

- Vẫn không có manh mối gì về hành tung của tên thủ lĩnh, đúng không?

Lý Lăng đặt những giấy tờ mới thu thập được từ quan địa phương lên bàn rồi thở dài tâu:

- Mạt tướng chỉ bắt thêm được vài tên ở các nơi bọn chúng thường tụ tập đưa tin tức cho nhau. Nhưng tất cả đều không ai mảy may biết thư mình nhận được là do ai đưa đến. Có kẻ thì do bồ câu đưa thư, có kẻ là ám tiễn phóng vào, lại có kẽ là lúc đang đi ngoài phố thì được ai đó ném thư vào người...

Lê Tuấn dừng bút nhìn Lý Lăng, hỏi:

- Những bức thư ấy đâu?

Nhận cái hộp nhỏ từ tay Lý Lăng, Lê Tuấn cẩn thận lấy ra từng mảnh mật thư đặt ngay ngắn trên bàn rồi quan sát thật kỹ. Đoạn, chàng cười nhẹ một tiếng làm Lý Lăng mở tròn mắt ra ngạc nhiên và chờ đợi được nghe tin tốt lành.

Lê Tuấn chậm rãi chấp tay sau lưng đi lại vài bước để giảm đi cái tê dại ở đôi chân vì ngồi quá lâu, đoạn nói:

- Không cần phí công tìm kiếm nữa, phần nhiều tên thủ lĩnh Ngôn Kinh hội không sống ở Tây Kinh này đâu!

Lý Lăng bày ra vẻ mặt khó hiểu, chưa kịp hỏi thì Lê Tuấn đã nói tiếp:

- Nét chữ trong những bức thư này hoàn toàn giống nhau. Quan trọng nhất là cách viết nét móc cong cong rất độc đáo mà Trẫm chỉ hay gặp ở người Ứng Thiên, thừa tuyên Thiên Trường(*).

Đôi mắt sáng lên tia hi vọng, Lý Lăng phấn chấn thưa:

- Mạt tướng lập tức cho người đi thu thập hết chữ viết của dân chúng cả vùng Thiên Trường ngay, có lật tung cả Đông Kinh cũng quyết bắt được đầu sỏ của bọn phản tặc này!

Lê Tuấn khẽ gật đầu đồng ý nhưng lại đấm vào vai Lý Lăng một cái rồi nhắc nhở:

- Lý Lăng, ngươi năng nổ nhiệt tình nhưng phải cái tính bốc đồng. Đột nhiên lại đi thu thập chữ viết dân chúng một cách công khai thì đánh rắn động cỏ mất, khác nào nói cho bọn chúng biết ta đã truy ra đầu mối?

Biết mình đã quá vội vàng, nhưng Lý Lăng không kiềm được sự nôn nóng trong lòng mà khổ sở thưa:

- Hoàng Thượng thánh minh! Nhưng xin Người mau mau ra lệnh để mạt tướng đi làm nhiệm vụ, vì ngày nào chưa bắt được phản tặc thì ngày ấy mạt tướng không ngủ ngon được!

Hướng ánh mắt ra ô cửa vuông vắn, Lê Tuấn trầm ngâm ngắm cây hoa lê đang dần trút bỏ lớp áo vàng vọt, khung cảnh hữu tình trước mắt như nhắc nhở chàng tiết trời có bốn cảnh, mỗi mùa đều một vẻ kiều diễm riêng biệt. Thu đi, Xuân năm nay sẽ đến, mà với chàng có lẽ năm nay sẽ là một mùa Xuân còn đặc biệt vì hậu cung sắp đón vị chủ nhân đầu tiên. Hình bóng ai đó xuất hiện trong tâm tưởng làm Lê Tuấn khẽ cười, chàng cố giấu đi niềm vui nhỏ đáng yêu sau bộ mặt nghiêm nghị của vị quân chủ, rồi nói:

- Trong năm sau Trẫm sẽ lập phi tần, ngươi đi truyền chỉ cho dân chúng Đông Kinh ai cũng phải viết một hai câu thơ chúc phúc. Thơ hay sẽ được thưởng, bất tuân sẽ phạt năm quan tiền làm quà mừng đại hôn cho Trẫm.

Lý Lăng vỗ tay đánh "đét" một tiếng rồi không kiềm được mà khen:

- Hai chuyện nhìn bề ngoài không có liên quan gì, ấy vậy mà lại thu thập được chứng cứ! Mạt tướng bái phục!

Lê Tuấn lại ngồi vào bàn làm việc cầm bút lên viết tiếp, chàng căn dặn thêm:

- Đông Kinh là kinh đô của Đại Việt, Tây Kinh là quê hương của Thái Tổ, dân chúng Tây Kinh cũng phải làm thơ chúc mừng đại hôn. Vì cũng không chắc chỉ người Thiên Trường mới có thói quen viết nét móc như vậy, Trẫm không muốn bỏ sót khả năng hắn ta là người ở Tây Kinh nhưng được đi học ở chốn kinh thành.

- Tuân chỉ! - Lý Lăng hồ hỡi phụng mệnh.

*****

Việc truy tìm thủ lĩnh Ngôn Kinh Hội xem như đã tìm ra bước đi kế tiếp, Lê Tuấn tạm gác lại sự việc để trở về kinh thành tiếp tục chăm lo chính sự. Phần vì chàng rời cung cũng đã quá năm ngày, nếu không mau chóng trở về thì e là Đào Biểu sẽ báo với Thái Hậu rồi làm náo loạn cả hoàng cung mất.

Trước khi trở về cung, Lê Tuấn tiếc rẻ khung trời xanh biếc nơi giếng ngọc nên lại tìm đến từ sáng sớm. Khi vừa đến nơi Lê Tuấn đã thấy một người đang cắm cúi vớt những chiếc lá sen tàn úa ra khỏi mặt nước, lòng đinh ninh đó là cha của Phan Tường nên định đến cáo biệt. Nào ngờ càng đến gần thì càng nhận ra đó là một chàng trai vạm vỡ cao lớn chứ không phải người thầy thuốc gầy guộc hôm trước. Thấy vua bước đến, Phan Tường vội hành lễ rồi thưa:

- Hoàng Thượng vạn phúc. Hôm nay mạt tướng thay cha đến dọn dẹp giếng Ngọc, xong đâu đấy sẽ lên đường về Đông Kinh xin Bình Nguyên Vương cho được tòng quân!

- Tòng quân? – Lê Tuấn ngạc nhiên hỏi.

Phan Tường thấy thái độ của vua liền hiểu ra, chàng tâu:

- Lính dịch trạm đã truyền tin khẩn từ Bồn Man về khắp kinh thành. Dòng họ Lư Cầm (*) có dấu hiệu muốn tạo phản, e là nay mai khó tránh chiến sự. Tình hình khẩn cấp nên tin tức chỉ vừa về đến Đông Kinh, Hoàng Thượng thì đang ở đây nên chưa kịp biết chăng?

Nghe xong, Lê Tuấn có một chút chấn động trong lòng nhưng chàng biết với binh lực của triều đình thì dòng họ Lư Cầm xứ Bồn Man có muốn tạo phản cũng không phải ngày một ngày hai mà thành. Đoạn bèn giữ nét bình thản nói:

- Hãy cùng Trẫm về kinh ngay hôm nay!

*****

Vì tình hình chiến sự khẩn cấp, buổi thiết triều diễn ra sớm một ngày so với dự định ban đầu.

Sáng ngày mười ba tháng tám âm lịch, vua Diên Ninh thiết triều tại Thiên Hưng điện. Tất thảy văn võ bá quan nhận được tin tức về Bồn Man đều có mặt để vua tôi cùng bàn thảo kế sách.

Vừa xong lễ quỳ bái, Thái Bảo Đinh Liệt liền tấu rằng:

- Tâu Hoàng Thượng, theo tin cấp báo từ Bồn Man thì cuộc nổi loạn lần này phần nhiều có liên quan đến dư đảng của vua Chiêm Thành Bí Cai. Mười năm trước hắn bị Đại Việt ta đánh bại, mất ngôi và lưu lạc tha hương nên không không cam lòng. Nay hắn lại tập hợp lực lượng, dụ dỗ dòng họ Lư Cầm tập trận khiển binh, lấy cớ giành lại lãnh thổ Bồn Man mà thường xuyên cướp phá dân chúng, chiêu binh mãi mã nhiễu loạn biên giới, mong Hoàng Thượng sớm có đối sách để dẹp yên loạn đảng!

Diên Ninh nghe xong, bèn hỏi ý quần thần:

- Dư đảng của Bí Cai bị đánh bại đã mười năm trước, còn Bồn Man cũng sáp nhập thành châu Quy Hợp của Đại Việt ta. Nay chúng lại cấu kết bất ngờ gây chiến thì chắc chắn cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, ta không nên khinh địch. Vậy có vị ái khanh nào hiến kế cho Trẫm nghe không?

Lê Nghi Dân từ lúc nghe tin về chiến sự Bồn Man thì trong lòng vui mừng lắm, bởi hắn xem đây là cơ hội ngàn vàng để lật đổ Lê Tuấn. Như mưu kế đã suy tính, Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân cho ý kiến:

- Tâu Hoàng Thượng, đúng là không thể xem thường dư đảng Bí Cai. Nhưng chúng vẫn chỉ là một lũ ô hợp căn cơ không vững, ta nên dùng uy thế triều đình, cho vạn quân đến đánh một trận áp đảo, giết sạch không chừa một tên, bọn chúng ắt sẽ biết khó mà từ bỏ dã tâm.

Nghe đến đây, Đinh Liệt vốn là vị tướng tài từ triều Lê Thái Tổ liền hừng hực khí thế muốn đánh giặc giúp vua, ông tâu:

- Xin Hoàng Thượng hãy để thần cầm quân diệt loảng đảng Bồn Man!

Sợ Đinh Liệt chen vào phá hỏng kế hoạch, Lê Nghi Dân bình thản mà phân tích:

- Đinh tướng quân là mãnh tướng dày dặn kinh nghiệm từ thời Thái Tổ, Minh triều phương Bắc luôn dòm ngó Đại Việt ta nhưng biết biên giới phía Bắc do Ngài trấn giữ nên vẫn luôn dè chừng. Quân Chiêm yếu ớt lần này không cần phiền đến Ngài đâu!

Nói xong, Nghi Dân im lặng vài giây để dò xét thái độ bá quan. Dường như lời hắn nói cũng có lý nên ai nấy đều im lặng ngẫm nghĩ. Nghi Dân được thế tiếp tục hiến kế:

- Bổn vương có cách này, vừa có thể nêu cao uy danh của Hoàng Thượng, vừa dễ dàng áp đảo khí thế quân Bồn Man, khiến chúng chưa đánh đã sợ mà xin hàng. Chỉ là trước khi bẩm tấu, dám xin Hoàng Thượng tha tội trước đã!

Diên Ninh dừng ánh mắt trên người Lê Nghi Dân vài giây, rồi đáp:

- Trẫm miễn tội, Lạng Sơn Vương cứ nói!

Lê Nghi Dân thưa:

- Chỉ cần Hoàng Thượng thân chinh dẹp loạn, với thanh thế của đương kiêm thánh thượng, cộng thêm một vạn quân tinh nhuệ, bổn vương cam đoan quân Bồn Man chưa đánh đã khiếp vía xin hàng, việc hao binh tổn tướng sẽ tránh được. Lần này chỉ là trận đánh nhỏ không nguy hại đến long thể, lại được dịp giúp Hoàng Thượng có thêm uy danh phục chúng, tuyệt đối chỉ lợi không hại.

Nghe đến việc vua thân chinh đánh giặc, nhiều vị văn võ bá quan có lời phản đối vì không muốn vua phải mạo hiểm. Tuy nhiên Lê Nghi Dân đã dùng uy tín và sức ảnh hưởng của mình liên tục đốc thúc các vị quan lại cùng phe khiến cuộc tranh luận kéo dài gần nửa canh giờ vẫn không có hồi kết.

Diên Ninh vẫn ngồi trên ngai vàng giữ thái độ điềm nhiên nghe hết ý kiến của từng người. Cuối cùng hạ lệnh tạm gác việc này, ba hôm sau sẽ tuyên bố thánh ý cho quần thần được rõ.

*****

Bãi triều, Lê Tuấn vội vã trở về Thừa Càn Cung thay thường phục, chàng không thèm nhìn đến ngọ thiện cơ man là sơn hào hải vị dọn sẵn trên bàn mà chỉ chăm chăm ngắm mình trong gương, dò xét thật kỹ xem có sót lại món đồ gì để người khác đoán ra thân phận của mình không. Xong đâu đấy, Lê Tuấn mang bộ y phục của nữ nhi mà chàng đã chuẩn bị từ trước cẩn thận cho vào túi vải, đoạn vừa định rời đi thì Đào Biểu đã ngăn lại:

- Hoàng Thượng, người có muốn đi đâu thì cũng phải dùng thiện đã chứ!

Lê Tuấn lắc đầu định từ chối thì Thái Hậu ở đâu đột ngột xuất hiện ngoài cửa cung, bà cười lạnh hỏi:

- Vừa về đến cung chưa kịp nghỉ ngơi thì lại muốn đi đâu?

Nghe mẹ hỏi, Lê Tuấn thất kinh rồi trừng mắt nhìn Đào Biểu cay cú nói:

- A! Ông dám bán đứng Trẫm?

Đào Biểu quỳ sụp xuống kêu oan một thôi một hồi thì Thái Hậu khoát tay lệnh cho ông ta lui ra, xong bà mới nói với con trai:

- Con trai của mình ra khỏi nhà thời gian dài như vậy mà không biết thì còn làm mẹ thế nào? Mẹ từng thay con trông coi việc nước, con nghĩ kẻ vụn về như Đào Biểu có thể qua mắt được mẹ chăng?

Lê Tuấn cúi đầu im lặng vài giây rồi phân trần:

- Con đến Tây Kinh cũng là việc chính sự, nhưng lần này là việc cơ mật nên không muốn tiết lộ với bất kỳ ai!

- Kể cả mẹ? – Thái Hậu nhếch môi phật lòng hỏi.

Đến mức này, Lê Tuấn cũng thẳng thắn trả lời:

- Phải! Con nay đã tự trông coi chính sự, có những việc không muốn để hậu cung chen vào. Mong mẹ hiểu cho!

Nghe đến đây, Thái Hậu đuối lý nhưng vẫn cứng cỏi đáp:

- Chính sự thì mẹ không bận tâm nữa. Nhưng an nguy của con mẹ nhất định phải can thiệp!

Đoạn, bà ngồi xuống ghế hít một hơi sâu lấy lại bình tĩnh rồi nói:

- Hôm nay thiết triều Lê Nghi Dân có ý muốn con thân chinh dẹp giặc. Con nhất định không được đi. Làm sao biết được khi con xuất cung sẽ có điều gì chờ đợi ngoài kia? Nếu đương kiêm Hoàng Thượng có gì bất trắc thì kẻ nào được lợi trước mắt? Con nên suy xét cẩn trọng.

Hiểu ý mẹ nên Lê Tuấn không vội đáp mà chậm rãi ngồi xuống bên cạnh bà. Chàng rót cho mẹ tách trà rồi bày tỏ:

- Con biết, nhưng anh cả nói cũng có lý. Nếu có cách nào làm cho quân Bồn Man khiếp sợ chưa đánh đã hàng thì thật tốt. Con không muốn động binh đao mà tổn hại nhân mạng.

- Mạng của ai lại quý hơn cả Hoàng Thượng chứ? Trận này trước sau cũng thắng, con không cần phải mạo hiểm! – Thái Hậu ra sức khuyên lơn.

Vốn tính nhân hậu, Lê Tuấn thật không muốn vì mình mà biết bao người thiệt mạng. Tận trong thâm tâm chàng rất muốn làm theo cách của Lê Nghi Dân để tránh nạn binh đao. Nhưng tình thế này mà cứ đôi co với Thái Hậu thì thật vô ích, phần vì nôn nóng muốn đến phủ Điện Tiền gặp Thu Đào nên Lê Tuấn đành trấn an mẹ:

- Được rồi, mẹ yên tâm. Con sẽ suy xét cẩn thận! Bây giờ con có việc phải xuất cung, bây giờ không đi thì e là trời tối vẫn không về kịp.

Xong, không đợi Thái Hậu nói thêm câu nào thì Lê Tuấn đã hóm hỉnh hành đại lễ trong cung để cáo biệt mẹ, chàng chấp tay ngay ngắn rồi kính cẩn thưa:

- Mẫu hậu hãy về cung nghỉ ngơi, nhi thần cáo lui!

Nói xong Lê Tuấn lập tức đi như bay ra khỏi Thừa Càn Cung.

Thái Hậu không kịp trở tay, chỉ đành bất lực gọi với theo bóng lưng chàng thiếu niên mười lăm tuổi đang tất tả chạy theo tiếng gọi của trái tim:

- Hoàng Thượng! Gượm đã... Bang Cơ! Bang Cơ!

Còn lại một mình, Thái Hậu thẫn thờ nhìn lên tầng tầng lớp lớp những mái ngói thanh lưu ly rực rỡ dưới nắng. Bà nhớ về tháng năm còn là Thần Phi của Thái Tổ đã sống trong biết bao mưu toan tranh đoạt mà bất giác cười chua chát. Lúc đó, ngôi vị Thái Tử cứ liên tục thay đổi tùy theo vị phi tần vua sủng ái nhất là ai. Bởi thế dù Bang Cơ của bà đã yên vị ở Đông Cung (*) nhưng hai mẹ con vẫn phải sống trong phập phồng lo sợ, không biết mình sẽ bị hãm hại lúc nào. Trừ được Dương Phi kiêu ngạo thì lại đến Tiệp Dư Ngô Thị mộng thấy tiên đồng giáng thế làm con(*). Chốn thâm cung không biết ai thù ai bạn, kẻ xấu liên tiếp mưu tính tranh ngôi đoạt vị, dù bà có muốn yên phận cũng không thể. Làm dê sẽ bị ăn thịt, vì vậy bà đã chọn làm sói để kẻ khác phải khiếp sợ mà phục tùng.

Lại nhớ đến việc Lê Nghi Dân hiến kế cho vua thân chinh dẹp giặc, Thái Hậu không kiềm được tức giận mà giằng tách trà xuống bàn đánh "cốp" một tiếng. Bà rít lên trong phẫn uất:

- Hai mẹ con ngươi đến bây giờ vẫn không buông bỏ dã tâm. Muốn ám hại con của ta rồi dùng danh nghĩa con trai cả của Thái Tổ mà lên ngôi chứ gì?

Sau tiếng cười lạnh lẽo, Thái Hậu lại nhủ thầm:

- Được! Được lắm... Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng, các ngươi muốn hại con của ta trước, đừng trách sao ta độc ác!

---- Hết chương 24 ----

Chú thích:

1(*) Dịch trạm: Các trạm truyền tin tức thời phong kiến. Lính dịch trạm sẽ nhận thư rồi đi đến trạm kế tiếp nghỉ ngơi, tại dịch trạm họ sẽ thay người khác tiếp tục hành trình để tin tức được liên tục truyền đi.

2(*) Bồn Man: Bồn Man hay Trấn Ninh, Muang Phuan là một quốc gia cổ từng tồn tại ở khu vực tỉnh Xiêng Khoảng, một phần các tỉnh Hủa Phăn đến Khăm Muộn, ở phía Đông nước Lào, và một phần phía tây các tỉnh miền Bắc Trung bộ Việt Nam. Dưới thời Lê Sơ, Bồn Man đã được sáp nhập vào Đại Việt với tên gọi là châu Quy Hợp. Độc giả nên tìm các tài liệu chính sử để tham khảo về quá trình Bồn Man được sáp nhập vào nước ta từ khi Thái Hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính. Tài liệu đề xuất: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đại Việt Thông Sử....

Trong tiểu thuyết này, cuộc chiến với Bồn Man do vua Diên Ninh thân chinh chỉ là cảm hứng sác tác của tác giả dựa trên sự kiện Bồn Man được sáp nhập vào Đại Việt sau nhiều lần nổi loạn bất thành.

3(*) Lư Cầm: Một dòng họ nắm vương quyền ở xứ Bồn Man thời Lê Sơ.

4(*) Phủ Ứng Thiên ở thừa tuyên Thiên Trường: Tên địa danh ở vùng Tây Nam Thăng Long. Địa danh này tức là gồm các huyện: Thanh Oai (huyện và một phần quận hiện nay), Chương Đức (huyện và một phần quận hiện nay), Sơn Minh ( hiện nay), Hoài An (phần phía nam huyện và một phần huyện hiện nay).

5(*) Đông Cung: chỉ ngôi Thái Tử

6(*) Mộng thấy tiên đồng giáng xuống làm con: Giai thoại truyền rằng mẹ của vua Lê Thánh Tông (Tức Lê Hạo trong tiểu thuyết này) lúc mang thai ông đã mộng thấy một tiên ông đến báo rằng có vị tiên đồng giáng thế đầu thai làm con trai của bà. Cũng vì lời đồn này mà bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao bị nhiều phi tần khác ganh ghét và đem lòng ám hại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro