Chương 23: Thế Cờ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sấm lại nổ vang rền, tia lửa điện đỏ rực xuất hiện tựa như một vết nứt khổng lồ đang muốn tách đôi bầu trời.

Lê Hạo cố nén cơn giận rồi nhìn Xuân Mai lúc này đã cầm ô trờ tới che cho Thu Đào, chàng gằng giọng:

- Ngươi hết để tiểu thư đá cầu dưới trời nắng gắt rồi lại dung túng cho nàng dầm mưa, suýt chút nữa là bị vó ngựa giẫm phải... Lần này bổn vương phải phạt ngươi thật nặng!

Thấy Xuân Mai vì mình mà bị mắng, Thu Đào đẩy cô bé ra sau lưng rồi bất mãn nói:

- Xuân Mai là tì nữ của ta, không ai được động vào em ấy!

Lê Hạo tức đến nỗi hai mắt long lên sòng sọc:

- Không cho phép nàng ngang bướng nữa! Mau về phủ, nếu không bổn vương sẽ cùng Nguyễn Đức Trung phạt cả hai thật nặng!

- Chàng lấy quyền gì mà quản thúc ta? – Thu Đào tức giận nghênh mặt lên cãi.

Lê Hạo á khẩu, trái cổ chạy lên chạy xuống báo hiệu chàng vừa nuốt cơn giận to tướng vào bụng. Bàn tay bị băng bó siết chặt đến nổi làm rịn ra một vệt máu đỏ tươi. Thu Đào nhìn thấy vết máu thì lòng áy náy lắm, lúc này nàng mới chịu xuống nước:

- Về... về thì về, có gì đâu mà làm căng?

Lúc đó, người ngồi trong cổ xe ngựa mới vén rèm bước xuống. Tùy tùng đi theo xòe ô ra hộ tống người đó đi đến chỗ Thu Đào và Lê Hạo đang đứng.

Hắn mặc trên người bộ y phục đen có thêu hoa văn màu vàng ánh kim sang trọng, tóc búi gọn trên đỉnh đầu, võng cân che nửa trán càng tôn lên khí chất của một công tử giàu có. Hắn càng đến gần, hai tròng mắt của Lê Hạo càng mở to đầy kinh ngạc.

Nhìn thân cây to đùng đổ rạp giữa lòng đường ngày phía trước cổ xe, hắn chép miệng rồi chậm rãi nói với Lê Hạo:

- Lâu ngày gặp lại, không ngờ lại được Thu Đào cứu thoát một phen nguy hiểm!

Lê Hạo lúc bấy giờ mới lên tiếng hỏi:

- Anh cả, sao lại là anh?

Lê Nghi Dân không vội trả lời em trai, hắn ra lệnh cho thuộc hạ đến che mưa cho Lê Hạo và Thu Đào, xong thì cả đoàn người cùng đến quán trà gần đó để trú mưa.

Gió giật và sấm chớp vẫn cứ liên hồi ngoài mái hiên, áng chừng cơn mưa phải kéo dài ít nhất một canh giờ. Cả đoàn người bình thản ngồi uống trà trú mưa, họ chiếm hẳn tầng lầu của quán không cho thường dân nào được ngồi lẫn vào.

Sự xuất hiện bất ngờ của Lê Nghi Dân làm Lê Hạo kinh ngạc chỉ có một, mà Thu Đào sửng sốt phải đến mười. Lúc nãy khi gương mặt Lê Nghi Dân vừa xuất hiện sau màn mưa dày đặc thì Thu Đào đã thốt lên trong cổ họng:

- Anh Phúc Nguyên!

Phúc Nguyên chính là anh trai ruột của Sỹ Thành ở thời hiện đại. Thế mà bây giờ Lê Hạo lại vừa gọi người này là "anh cả", vậy hóa ra ở thời không này Phúc Nguyên vẫn là anh trai của Sỹ Thành, mà Sỹ Thành bây giờ lại là Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành, vậy thì...

Cầm chén trà nóng hớp một ngụm, Thu Đào lấm lét nhìn người có gương mặt giống hệt Phúc Nguyên, lắp bắp hỏi:

- Anh... anh là...

Đoạn, như vừa nghĩ ra chuyện gì đó, Thu Đào quan sát xung quanh thật cẩn thận trước khi nói. Hiểu ý, Lê Nghi Dân khoát tay cho thuộc hạ lui ra xa để không ai nghe được câu chuyện của họ. Lúc bấy giờ, Thu Đào mới hỏi tiếp:

- Anh là... Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân?

Người con trai có gương mặt giống Phúc Nguyên bật cười, hắn ra vẻ thân thiện chỉ tay vào Thu Đào rồi nhìn Lê Hạo trêu ghẹo:

- Chẳng phải em nói Thu Đào đã mất hết ký ức sao? Lúc nhỏ gặp nhau có vài lần thôi mà bây giờ em ấy vẫn nhớ anh đây này!

Lời trêu đùa của Lê Nghi Dân nghe có vẻ vô hại, nhưng với Thu Đào thì nó chát chúa chẳng kém những tiếng sấm vang trời ngoài kia. Nàng lại thấy đầu óc trống rỗng, hoa mắt chóng mặt. Bây giờ ngồi bình tĩnh lại thì mới nhận ra, vị trí cổ xe của Lê Nghi Dân xuất hiện lúc nãy chính là nơi ông lão trong ảo giác chỉ tay đến. "Phải ngăn hắn lại..."

- "Hắn"? Hắn tức là Lê Nghi Dân sao? – Tiềm thức của Thu Đào không ngừng tự hỏi chính mình.

Cơn chóng mặt làm Thu Đào cứ xoa xoa thái dương, đoạn lại dùng lòng bàn tay đỡ lấy trán, lòng dạ thì chất chứa muôn vàng nghi vấn:

- Lê Nghi Dân? Mình vừa cứu Lê Nghi Dân? Mình đã cứu người sau này giết chết Lê Bang Cơ? Nhưng mà, sao hắn lại có gương mặt của anh Phúc Nguyên? Anh Phúc Nguyên và Sỹ Thành là anh em, Lê Thánh Tông và Lê Nghi Dân cũng là hai anh em...

Nghĩ đến đây, cơn đau đầu như búa bổ đột ngột xuất hiện khiến Thu Đào không trụ nổi nữa, bàn tay trượt ra khỏi trán, nàng ngã gục xuống mặt bàn ngất lịm.

*****

Trời về chiều, sau cơn mưa không khí ngập tràn mùi cỏ ướt. Cây bạch quả trước cửa phòng Thu Đào không giữ nỗi những chiếc lá úa trước cơn gió dập mưa vùi, khắp sân vì vậy mà la liệt những chấm vàng hình rẻ quạt.

Trong gian phòng nhỏ, mùi hương hoa nhài từ trong lư đồng tỏa ra dịu nhẹ. Nguyễn phu nhân ngồi bên giường sờ trán Thu Đào, chốc chốc bà lại dò xét từng cái nhíu mày nhướng mắt của thầy lang đang bắt mạch cho con gái hòng đoán được phần nào bệnh tình của nàng.

Thầy lang bắt mạch xong bèn cẩn thận đẩy cánh tay Thu Đào vào bên dưới lớp chăn mềm, ông chưa kịp nói gì thì Lê Hạo đã lên tiếng trước cả Nguyễn phu nhân:

- Vì sao nàng uống thuốc đã lâu mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm? Chỉ là ngã xuống ao thôi mà cớ gì cứ luôn không khỏe vậy? Ngươi có khám kỹ càng cho nàng chưa? Lúc ngã xuống ao nàng có bị va đập vào chỗ nào không...

Nguyễn Đức Trung ngó thấy thái độ của Lê Hạo đang làm Thu Hằng sa sầm nét mặt, bèn đứng lên cắt ngang lời chàng:

- Bình Nguyên Vương cứ gượm đã, để cho thầy lang nói trước xem sao!

Nguyễn phu nhân nghe chồng nói có lý bèn gật gù, bà nhìn thầy lang từ tốn hỏi:

- Con tôi rốt cuộc là không khỏe chỗ nào? Ông hãy khám kỹ cho một chút!

Thầy lang kính cẩn chấp tay thưa:

- Tôi xem qua thì thấy sức khỏe tiểu thư vẫn ổn cả, chỉ có điều mạch đập hơi yếu. Trước mắt tôi sẽ kê đơn thuốc bồi bổ khí huyết, an thần dễ ngủ để tiểu thư tịnh dưỡng. Có lẽ do dãi nắng dầm mưa trong lúc chưa hồi phục nên nhất thời cơ thể chống đỡ không nổi mà ngất xỉu thôi. Xin cả gia đình cứ yên tâm.

Lê Hạo tỏ vẻ không hài lòng, chàng lại chất vấn:

- Mấy tháng trước ông cũng đã nói là chỉ cần tịnh dưỡng sẽ khỏe, nhưng đến tận bây giờ nàng vẫn yếu ớt như vậy, hơi tí là ngất xỉu. Trước kia nàng khỏe mạnh biết bao nhiêu, cưỡi ngựa bắn cung, luyện võ... Có bao giờ thấy nàng ốm yếu thế này đâu?

Thầy lang bấy giờ mới vuốt râu nhìn Xuân Mai, ông ta hỏi giọng nghi hoặc:

- Tiểu thư có tịnh dưỡng tốt như lời lão dặn dò không?

Xuân Mai bị hỏi thì giật mình, cô bé lí nhí trong miệng:

- Là... là lỗi của con hết! Xin ông bà tha tội. Tiểu thư luôn muốn rong chơi đây đó, ăn uống lại thất thường tùy hứng, con khuyên mãi không được...

Như người chết đuối vớ được cọc, thầy lang nói chen vào để chứng tỏ y thuật của ông không có vấn đề gì, tất cả là do cô tì nữ này chăm sóc chủ nhân chểnh mảng:

- Đấy, lão biết ngay mà! Những loại thuốc lão kê đều là loại thượng hạng, nếu tuân thủ thì chỉ trong mười ngày nửa tháng là hồi phục ngay! Mong đại nhân soi xét cho!

Lê Hạo nghe xong không nén được bực dọc mà ném cho Xuân Mai ánh mắt trách móc. Lúc đó, cô bé tội nghiệp cúi gầm mặt nước mắt rơi lả chả làm chàng mềm lòng, tuy không quở trách nặng nề nhưng Lê Hạo vẫn lên tiếng răn đe:

- Xuân Mai, trong vòng một tháng tới mà sức khỏe của tiểu thư không hồi phục thì ta sẽ trị tội ngươi đầu tiên!

Xuân Mai nghe trong lời nói của Lê Hạo đã có phần nhẹ nhàng, bèn mừng rỡ hứa hẹn:

- Dạ, lần này em sẽ hết sức chăm sóc tiểu thư. Ông bà và Bình Nguyên Vương cứ yên tâm!

Sau lời nói của Xuân Mai, cả gian phòng chìm vào im lặng, thỉnh thoảng lại có tiếng ai đó thở dài đầy mệt mỏi. Bỗng Thu Hằng đứng phắt dậy nói:

- Thầy lang đã nói sức khỏe của chị không có gì đáng lo, con yên tâm rồi, xin phép về phòng trước!

Xong, nàng ta bước chân nhanh như chạy mà rời khỏi gian phòng.

Thấy thái độ của Thu Hằng, Lê Hạo chợt nhớ ra nàng ta vẫn còn đang giận dỗi. Dù lòng còn lo lắng cho Thu Đào nhưng chàng biết đã đến lúc đi an ủi cô nàng hay hờn dỗi này nên liền nối gót theo sau. Trước khi ra khỏi phòng chàng không quên nói với Nguyễn Đức Trung:

- Nguyễn đại nhân, chốc nữa ta cùng đến thư phòng nhé!

Nguyễn Đức Trung chấp hai tay trước mặt ra tỏ ý đã rõ.

Lê Hạo vừa khuất sau cánh cửa, Nguyễn phu nhân nhìn thái độ của chồng rồi thắc mắc:

- Có việc gì à?

Nguyễn Đức Trung gật đầu chứ không nói thêm điều gì, ông lệnh cho gia nô tiễn thầy lang ra về rồi mới trả lời vợ:

- Bình Nguyên Vương thấy Thu Đào vẫn uống thuốc của thầy lang này kê và đang hồi phục tốt, đột nhiên dạo này lại ham ngủ bất thường nên muốn kiểm tra xem y thuật của ông ta có đáng tin không. Buổi trưa tôi cùng ngài ấy đến đây xem Thu Đào ra sao thì phát hiện con bé đã bỏ ra ngoài chơi, Bình Nguyên Vương mới lập tức đi tìm nó về. Haizzz, quả nhiên vừa lơ là một chút là nó đã chạy ra ngoài nghịch ngợm!

Nghe đến đây, Xuân Mai cảm thấy như bị đá xéo nên cúi gầm mặt không dám nhìn ai. Lúc ấy cô bé chợt nhớ ra Thu Đào cũng có ý định đi hỏi thăm thầy thuốc khác về phương thuốc mình đang uống, bèn lí nhí thưa:

- Thưa ông bà, tiểu thư thấy gần đây cơ thể uể oải bất thường nên lo là uống thuốc lâu ngày gây ra tác dụng phụ, cô ấy đã sai con ra ngoài hỏi những thầy lang khác, nhưng chưa kịp đến nơi thì đã gặp Lạng Sơn Vương giữa đường!

Nguyễn Đức Trung nghe xong thì thở dài rồi hướng mắt ra ô cửa sổ nhìn mấy chiếc lá đang lả tả rơi theo gió. Ông tự mình ngẫm nghĩ về thái độ sốt sắn của Lê Hạo suốt ngày hôm nay sau khi phát hiện ra sức khỏe Thu Đào có vấn đề. Từ trong ánh mắt của chàng trai trẻ, ông nhận ra rằng bắt Lê Hạo rời xa Thu Đào là một sự trừng phạt to lớn đối với chàng. Nhưng, Nguyễn Đức Trung vốn không định chia cắt đôi trẻ, đến khi lệnh vua ban xuống ông cũng đã nghĩ trăm phương nghìn kế định thuyết phục Hoàng Thượng đổi ý. Nào ngờ chưa kịp hành động gì thì chính Lê Hạo là người chủ động rời bỏ Thu Đào, để con gái ông phải phẫn uất đi tìm Lê Hạo chất vấn mà dẫn đến cục diện ngày hôm nay.

Không ngăn được cái lắc đầu ngao ngán với chuyện đời nhiều xoay chuyển, Nguyễn Đức Trung hớp một ngụm trà rồi lặng lẽ nhìn vợ đang cho thêm một ít cánh hoa nhài vào chiếc lư đồng xông hương. Một lúc sau, chợt nhớ đến ngoài thư phòng vẫn còn một nguời khác đang đợi, ông đoán chừng lúc này Lê Nghi Dân cũng đã thay y phục xong xuôi và ngồi chờ ở đó, bèn căn dặn Xuân Mai chăm sóc con gái cẩn thận rồi đến thư phòng theo lời đã hẹn với Lê Hạo.

*****

Trời đã tối hẳn, con đường từ hậu viện ra đến thư phòng đã được thắp đèn lồng sáng rực. Ánh đèn vàng óng soi rõ bóng Thu Hằng đang vội vã bước đi bất chấp Lê Hạo đang gọi với theo phía sau:

- Thu Hằng!

Nàng ta bịt hai tai lại, đôi chân bướng bỉnh vẫn bước liên tục không ngừng.

Không còn đủ kiên nhẫn nữa, Lê Hạo đứng sựng lại và gắt gao nói:

- Bổn vương cảm thương nàng phải chịu thiệt trong chuyện của ba chúng ta nên đã nhúng nhường! Nếu nàng còn không đứng lại ta sẽ mặc kệ nàng!

Câu nói tưởng chừng thể hiện sự quan tâm, nhưng sâu trong đó là lời thừa nhận rằng Lê Hạo đối với nàng chỉ có "cảm thương" chứ không phải là "yêu thích". Thu Hằng nửa muốn mạnh mẽ rảo bước tiếp, nửa lại sợ mất luôn cả chút cảm thương nhỏ nhoi này nên đành bất lực đứng lại. Đưa tay lau vội giọt nước trong suốt vừa trào ra nơi khóe mắt, định sẽ xuống nước với Lê Hạo nhưng Thu Hằng rốt cuộc vẫn là một cô gái có khí chất và lòng tự trọng cao, nàng không cam chịu lùi bước mà vừa cứng vừa mềm nói:

- Đa tạ chàng thương cảm! Ta không oán trách gì, chỉ là hôm nay vất vả cả ngày nên có hơi mệt mỏi. Hẹn chàng hôm khác chúng ta lại đi mua sắm!

Âm thanh nghèn nghẹn chứng tỏ người con gái trước mặt đã khóc, câu nói tuy mang ý muốn giãn hòa nhưng nàng lại không muốn cùng chàng trò chuyện, Lê Hạo nghe qua đều hiểu cả. Một chút bất nhẫn làm tim chàng khẽ nhói, Lê Hạo bước đến sau lưng Thu Hằng, đặt một tay lên vai nàng an ủi:

- Vậy nàng hãy về nghỉ sớm, bổn vương hứa ngày khác lại đưa nàng đi dạo kinh thành!

Thu Hằng không nói gì cũng không quay mặt lại, nàng chỉ khẽ ngoáy về phía sau một chút rồi gật đầu, xong lại chạy một mạch về phòng.

*****

Thư phòng của Nguyễn Đức Trung vừa được gia nô vào thắp nến, thoáng một cái cả căn phòng đã ngập tràn ánh sáng vàng rực rỡ. Ngày thường Nguyễn Đức Trung vốn tính tiết kiệm nên chỉ dùng vài ngọn đèn đủ để đọc sách, hôm nay có khách quý đến phủ nên ông đã đặc biệt căn dặn người hầu phải đón tiếp cẩn thận.

Lê Nghi Dân đã thay bộ thường phục và ngồi chờ gia chủ ra trò chuyện. Hắn nhìn quanh một lúc rồi nháy mắt ra hiệu cho Phan Ban đang đứng kế bên. Hiểu ý chủ, Phan Ban lấy cớ muốn đổi ấm trà mới để đuổi khéo người hầu của phủ điện tiền ra ngoài.

Người gia nô vừa ra khỏi cửa, Phan Ban đã nhíu mày thưa:

- Lạng Sơn Vương, chúng ta có tiếp tục đến Tây Kinh không?

Lê Nghi Dân đứng lên bước vài bước ra cửa, hắn nhìn phía xa thấy thấp thoáng ánh đèn lồng nên đoán rằng Nguyễn Đức Trung và Lê Hạo sắp quay trở lại, không tiện bàn việc cơ mật ở chỗ này, bèn nói:

- Tạm hoãn! Ngươi đi truyền tin bãi bỏ họp mặt tháng này đi!

Phan Ban lo lắng hỏi tiếp:

- Ngày mai chúng ta có thể tiếp tục hành trình được mà?

Lê Nghi Dân hừ lạnh một tiếng rồi mắng giọng bất mãn:

- Ngu dốt! Bây giờ đã bị Lê Hạo bắt gặp ở kinh thành nên buộc bổn vương phải vào cung chào hỏi vua mới đúng lẽ thường. Ta đột nhiên biến mất hắn sẽ về Lạng Sơn thăm dò, nếu lại không thấy ta ở đó ngươi nghĩ hắn có đi truy lùng tin tức không? Rồi sau đó sẽ thế nào? Bí mật của ta còn giữ được không?

Phan Ban biết mình suy nghĩ nông cạn nên đành cuối đầu im lặng. Lúc ấy, Lê Nghi Dân bỗng thở phào nói tiếp:

- Cũng may gần đến buổi thiết triều ngày mười bốn, sau đó là cung yến mừng Trung Thu ngày mười lăm. Nếu không bổn vương thật khó lòng giải thích vì sao giờ này lại có mặt ở kinh thành!

Phan Ban được dịp xu nịn:

- Lạng Sơn Vương có mệnh thiên tử, trời ắt phù trợ cho người!

Khóe môi nhếch lên một nụ cười ngạo mạn, Lê Nghi Dân phóng tầm mắt ra trước cửa thư phòng thì đã thấy Nguyễn Đức Trung và Lê Hạo cầm đèn lồng đang đến gần. Hắn quay đầu căn dặn Phan Ban:

- Ở đây không còn việc của ngươi, mau lui ra đi truyền tin đi!

Phan Ban nhận lệnh rồi nhanh chóng bước ra khỏi phòng.

Nguyễn Đức Trung vừa gặp đã liền vái chào Lê Nghi Dân, sau vài lời thuật ngắn gọn về sự gặp gỡ bất ngờ ở cổng thành phía Tây, ông bèn mời hai vị vương gia vào trong phòng để tiện trò chuyện.

Giữa căn phòng lung linh ánh nến, ba người đàn ông bày ra một bàn tượng kỳ (*) để vừa chơi cờ vừa trò chuyện. Ván đầu tiên là Lê Hạo chơi cùng với Lê Nghi Dân.

Khiêm tốn đặt quân tốt tiến lên chỉ một bước, Lê Hạo hỏi thăm anh trai:

- Lần này ngày mười bốn mới thiết triều, sao anh vào kinh sớm vậy?

Lê Nghi Dân đã đoán trước sẽ bị hỏi câu này nên hắn vờ như không mấy để tâm, ngón tay đẩy tiếp một quân tốt tiến lên, giọng tự nhiên đáp:

- Lần này vào cung trước là thiết triều, sau là dự cung yến nên anh muốn đi sớm để tự tay mua sắm vài thứ dâng Hoàng Thượng. Cũng đã lâu anh em không có dịp tụ họp, đêm Trung Thu dự yến xong chúng ta cùng đến Thang Tuyền Cung một chuyến nào!

Lời giải thích quá hợp lẽ khiến Lê Hạo tạm gác mối nghi ngờ, chàng cũng không bày tỏ cảm xúc gì rõ ràng, ngón tay cũng thuận theo nước cờ của Lê Nghi Dân mà đẩy quân tốt sang một bên chứ không đối đầu trực tiếp.

Đi xong một nước cờ, Lê Hạo lại hỏi:

- Vậy anh vẫn ở điện Cảnh Linh như mọi khi à?

- Ừ, sáng mai anh vào cung yết kiến Hoàng Thượng và báo sẽ ở lại đến sau Trung Thu.

Việc Lê Nghi Dân thỉnh thoảng vào cung rồi ở lại mười ngày nửa tháng là chuyện thường tình, Lê Hạo không có gì thắc mắc. Nhưng lạ ở chỗ chàng đã gặp Lê Nghi Dân ở cổng thành dẫn ra con đường về Tây Kinh, nếu tiếp tục truy hỏi thể nào Lê Nghi Dân sẽ nói là đến từ sớm để đi mua hàng hóa bởi nơi đó là khu chợ sầm uất nhất kinh thành. Còn nếu hỏi hàng hóa đâu, ắt hẳn sẽ được câu trả lời rằng chưa chọn được món nào vì gặp mưa to. Bởi thế, Lê Hạo mỉm cười gật đầu tỏ vẻ không mấy bận tâm đến lý do vì sao Lê Nghi Dân lại xuất hiện ở kinh thành vào thời điểm này.

Quả nhiên sau vài nước cờ, Lê Nghi Dân đã tự phân trần:

- Anh đến kinh thành từ sáng sớm cơ, nhưng chọn mãi chẳng được thứ gì, đang định về cung thì lại gặp Thu Đào trong hoàn cảnh thế này.

Nói đến đây, Lê Nghi Dân chợt nhớ đến Thu Đào nên quay sang Nguyễn Đức Trung hỏi thăm:

- À, Thu Đào thế nào rồi? Lần này không nhờ có em ấy thì bổn vương không chết cũng trọng thương! Ơn này nguyện sẽ báo đáp!

Nguyễn Đức Trung thấy một vương gia lại kính cẩn chấp tay khi nói chuyện với mình thì thất kinh đứng phắt dậy đáp lễ:

- Ấy! Lạng Sơn Vương quá lời! Bảo vệ hoàng thất vốn là bổn phận của bầy tôi, xin người đừng quá bận tâm!

Lê Nghi Dân gật đầu tỏ vẻ hài lòng vì sự lễ độ của Nguyễn Đức Trung, hắn hỏi thăm vài câu hời hợt rồi quay lại trận cờ.

Hắn nhìn bàn cờ suy xét một lúc lâu rồi bỏ qua quân "pháo thí" mà Lê Hạo đã dọn sẵn để dụ hắn ăn mất. Lê Nghi Dân cười ha hả nói:

- Ăn được quân pháo thì đúng là tốt thật, nhưng chỉ vì quân pháo mà liên tiếp mấy nước cờ sau sẽ bị bắt mất quân xe, quân mã. Anh dù không muốn nhưng để bảo về quân tướng thì buộc phải làm theo em sắp đặt! Bình Nguyên Vương suy tính quả nhiên chu toàn. Em tính trước mấy nước cờ đều đúng cả, chỉ có điều anh sẽ không làm theo những gì em nghĩ đâu! Ha ha ha.

Lê Hạo cười khiêm tốn, chàng tỏ vẻ tiếc rẻ nói:

- Em không qua mắt được anh rồi!

Lê Nghi Dân hả hê vì nhận ra cái bẫy trên bàn cờ của Lê Hạo giăng sẵn, hắn chủ quan liên tục tấn công liên tiếp đến chục nước cờ.

Lê Hạo mỉm cười kín đáo, chàng bóp trán vờ như đang suy nghĩ nước cờ tiếp theo nhưng kỳ thực là đang tự hỏi:

- Lời anh ấy giải thích đúng như mình đã đoán, nhưng... giờ này Nghi Dân muốn đến Tây Kinh để làm gì?

Thấy em trai suy ngẫm hơi lâu, Lê Nghi Dân đắc ý thúc giục:

- Nào, xuống cờ đi chứ!

Lúc này, Lê Hạo mới nhìn anh cười cười, nói:

- Cảm ơn anh đã nhường!

Sau đó, chàng nhẹ nhàng dời quân xe đến ngay đối diện quân tướng của Nghi Dân, nói:

- Chiếu tướng!

Lúc bấy giờ, Lê Nghi Dân mới nhìn lại thế cờ. Thì ra từ lúc giăng bẫy lần đầu thất bại, Lê Hạo đã giả vờ rút binh để dụ cho hắn đem tất cả những quân cờ mạnh nhất tràn qua địa phận, thuận theo thế cờ chàng đã hi sinh hết những quân mạnh nhất, chỉ chừa lại đúng ba quân cờ hữu dụng chiếu bí hết ba lối đi của quân tướng bên đối thủ. Thế cờ đã bày ra trước mắt, Lê Nghi Dân tuy có tức giận nhưng dù sao đây chỉ là một trò chơi nên hắn không tiện bày tỏ cảm xúc, chỉ đành nuốt cục tức xuống rồi thở dài chịu thua:

- Anh đã khinh địch rồi!

Lê Hạo lại cúi đầu khiêm hạ:

- Là anh đã nhường! Lối chơi cờ của anh nhiều lúc làm em thấy khó đoán trước ý định. Lần này do em may mắn thôi!

Đêm hôm ấy, ba người đàn ông thay phiên nhau chơi liên tiếp mấy chục ván cờ, Lê Nghi Dân tuy có lúc thắng lúc thua nhưng trong lòng hắn luôn canh cánh về ván cờ đầu tiên bị bại trận trước Lê Hạo. Bất giác trong lòng hắn dậy lên một ý nghĩ:

- Tên hoàng tôn không màn sự đời này có lẽ không đơn giản như những gì hắn vẫn thể hiện đâu!

*****

Tản sáng, tiếng gà gáy ở đâu vọng lại đánh thức Thu Đào. Vừa mở mắt ra, người đầu tiên nàng nghĩ đến chính là Lê Nghi Dân, nhân vật gây ra thảm cảnh đảo chính giết vua nổi tiếng trong lịch sử. Nhìn ánh nến leo lét trên bàn dội lên vách tường những hình thù kỳ quái, Thu Đào vô thức nhìn trân trối vào những cái bóng không rõ hình dạng đó và không ngừng tưởng tượng đến nét mặt của Phúc Nguyên, hay nói đúng hơn là Lê Nghi Dân lúc ra tay giết chết Lê Bang Cơ. Lại nghĩ đến mình chính là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết cho vị vua trẻ thì lại thoáng rùn mình, nàng tự hỏi:

- Nếu hôm qua Lê Nghi Dân bị cây to đè chết, thì lịch sử sẽ tiếp diễn như thế nào? Lê Bang Cơ không bị mưu sát thì làm sao có Hồng Đức thịnh thế của Lê Tư Thành đây? Mà rốt cuộc có phải do mình Lê Bang Cơ mới chết không? Đừng mà, làm ơn chết vì lý do khác đi được không? Đừng để tôi trở thành nguyên nhân khiến ông ra đi trong sự thương tiếc của biết bao người mà!

Đang miên man suy nghĩ, Thu Đào chợt nhận ra sáng nay mình rất tỉnh táo chứ không ngủ mê mệt như những ngày vừa qua. Nàng đoán rằng hôm qua ngất xỉu nên không có uống thuốc, và vì vậy nên không buồn ngủ chăng?

Thu Đào trở dậy bước xuống giường. Không thấy Xuân Mai nằm trên trường kỷ nên nghĩ cô bé đã đi sắc thuốc, Thu Đào lấy chiếc áo khoát lên vai rồi cầm nến bước ra nhà bếp tìm người.

Còn vài bước nữa là đến nhà bếp thì Thu Đào đã thấy bóng dáng quen thuộc của Xuân Mai đang ngồi canh lửa. Nàng cười tinh quái định bụng sẽ dọa ma cô bé một phen cho vui nhà vui cửa. Gian kế chưa kịp thực hiện thì một cái bóng trắng lửng lơ không thấy chân ở rặng trúc đào làm nàng sợ đến mặt mày tím tái. Trời chưa sáng, nếu là người thì vì sao không mang theo đèn? Ý nghĩ đó thoáng qua trong đầu làm Thu Đào khiếp đảm hét lên:

- A a a a!

---- Hết chương 23 ----

Chú thích:

1(*) Tượng kỳ: Cờ tướng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro