Chương 21: Ánh Sao Trong Sân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong đình hóng mát, bát chè hạt sen giải nhiệt được mang ra như một liều thuốc cấp bách mà Thu Đào đang rất cần, bởi nàng vừa phát hiện ra một bí mật siêu "hot" theo cách nói của thế kỷ hai mươi mốt, không nhanh chóng làm dịu đi thì không khéo ruột gan sẽ bị cháy rụi mất.

Cầm chiếc muỗng khuấy khuấy trong bát, Thu Đào hết trộm nhìn Thu Hằng rồi lại liếc sang Lê Hạo, họ ở trước mặt nàng bây giờ bỗng dưng đẹp đôi một cách lạ thường. Nàng cho một hạt sen vào miệng nhai nhưng chẳng cảm nhận được mùi vị gì, đầu óc cứ mãi lơ mơ nghĩ ngợi:

-       Thì ra chuyện tình của họ đẹp đến mức được ghi chép trong giai thoại, còn Thu Đào và Lê Hạo trước kia chẳng qua chỉ là mây khói thoáng qua, một chữ cũng không được nhắc đến trong những giai thoại chuyện tình của Lê Thánh Tông(*)! Thu Đào... chẳng là cái gì trong cuộc đời của Lê Hạo, cũng như Trà My chỉ là một người bước qua cuộc sống của Sỹ Thành trong phút chốc!

Thu Đào ngước nhìn những áng mây trôi bồng bềnh giữa nền xanh trời xanh biếc, thời gian cứ như vậy từng khắc một trôi qua. Nàng chợt thấy thắc mắc vì sao ý thức của mình lại ở đây, ngay thời khắc này, để chứng kiến cái gì chăng?

Kiếp này đã không duyên phận, mấy trăm năm sau không có Lê Hạo cũng chẳng còn Thu Đào, nhưng ông trời lại để Trà My gặp được Sỹ Thành làm gì? Là ai đến để trả nợ cho ai? Nếu gặp nhau chỉ để trả lại những món nợ tình, nàng thà kiếp này không thèm gieo rắc duyên phận để làm gì!

Trong khoảnh khắc nghĩ về thời gian mênh mông cùng đoạn duyên phận của mình, Thu Đào bất giác nghe cay cay nơi sống mũi. Nàng không biết vì sao lại nhớ đến Sỹ Thành để rồi thấy chạnh lòng đến như thế. Sợ mình không kiềm chế được cảm xúc, Thu Đào cầm bát chè lên uống một hơi cạn sạch rồi đứng dậy cáo từ:

-       Hai người cứ tự nhiên, ta còn phải tranh thủ làm tiếp kẻo không kịp đêm Trung Thu mất. 

Nói xong, không đợi hai người ngồi cùng có đồng ý hay không thì Thu Đào đã quay lưng rời khỏi.

Lúc đó, tròng mắt đỏ hoe của Thu Đào đã làm Lê Hạo lờ mờ nhận ra nỗi buồn man mát trong lòng nàng. Thật ra thì Lê Hạo cũng cảm thấy rất khó hiểu, bởi khi chàng cố tình gợi nhớ chuyện cũ thì Thu Đào luôn tỏ ra ngây ngô không nhớ chút gì về quá khứ của hai người. Nhưng lại có lúc Lê Hạo bắt gặp ánh nhìn chất chứa nỗi uất ức oán hờn, hệt như cái ngày họ cãi nhau bên bờ hồ cẩm lý. Chàng không ngừng tự hỏi:

-       Nàng quên ta thật hay chỉ giả vờ? Bị nàng lãng quên chính là hình phạt tàn nhẫn nhất đối với ta, nàng biết đúng không? Cho nên nàng cố tình trả thù ta đúng không? 

Ánh mặt trời nóng bỏng rọi trên làn tóc Thu Đào, cái bóng bé nhỏ của nàng nhún nhảy đuổi theo chủ nhân như đang muốn trốn chạy khỏi điều gì đó. Lê Hạo bất giác chụp lấy chiếc ô rồi vừa đuổi theo vừa gọi:

-       Thu Đào, cầm lấy ô này!

Bị gọi bất ngờ, Thu Đào giật nảy người quay lại. Lúc bấy giờ Lê Hạo cũng đã đến gần, chiếc ô nghiêng hẳn về phía nàng như chờ đợi được đón nhận.

Thu Đào khẽ liếc nhìn về phía em gái thì thấy nàng ta đang điềm tĩnh húp từng muỗng chè, dáng vẻ chẳng để lộ chút gì quan tâm đến thái độ của Lê Hạo. Đoạn, Thu Đào đón lấy chiếc ô, không dám nhìn Lê Hạo cũng chẳng dám chần chừ thêm phút nào, nàng cúi đầu nói nhỏ:

-       Đa tạ chàng!

Xong liền bỏ đi ngay.

Thu Đào quay lưng đi trước, Lê Hạo đứng nhìn từ phía sau, khung cảnh tưởng chừng hết sức bình thường ấy dưới con mắt Thu Hằng đang ngồi trong đình hóng mát lại là một sự khiêu khích kịch liệt.

Lê Hạo quay trở về ngồi xuống trước mặt Thu Hằng, nàng ta liền cười cười mà nói ẩn ý:

-       Chàng mang ô tặng cho chị ấy rồi, thì phải ngồi đây với ta đến khi trời tắt nắng mới được rời đi đấy! Vì... ta cũng sợ nắng lắm!

Lê Hạo thản nhiên đáp:

-       Thu Đào rời đi trước nên phải cầm theo ô. Ta và nàng thì khác...

Chàng ngưng lại giây lát rồi nghiêm nghị nhìn Thu Hằng nói tiếp:

-       Nàng có cả mái đình này, có ta ngồi đây cùng nàng... Nên đừng để ý đến chiếc ô bé xíu kia của Thu Đào!

Thu Hằng nở một nụ cười nhạt thếch, nàng sớt thêm một ít hạt sen vào bát cho Lê Hạo rồi nói:

-       Chàng hãy nhớ những gì đã nói hôm nay là được!

****

Tối hôm ấy, Lê Hạo được Nguyễn Đức Trung mời ở lại dùng cơm tại phủ Điền Tiền. Đồ ăn thức uống đã được bày biện sẵn sàng, các thành viên trong nhà cũng đã có mặt đủ cả, duy chỉ có Thu Đào là mãi chẳng thấy tăm hơi. Nguyễn phu nhân không muốn để Lê Hạo chờ lâu bèn sai Xuân Mai chạy ra hậu viện gọi nàng vào. Cô bé vâng lệnh chủ nhanh nhẹn rời đi mà không hay biết bóng lưng của mình đang bị Lê Hạo mãi miết dõi theo.

Nguyễn phu nhân cẩn thận gắp thức ăn riêng ra bát để phần cho con gái, xong lại gắp một miếng cho Thu Hằng rồi nói với cả nhà:

-        Chúng ta cứ ăn đi không cần chờ. Con bé Thu Đào từ lúc ốm dậy giờ giấc sinh hoạt rất kỳ lạ. Buổi sáng mặt trời lên tận cây sào mới tỉnh dậy, ban đêm thì mãi chẳng chịu ngủ, cơm nước cũng bữa ăn bữa không nên chẳng biết đâu mà lần!

Lời kể của Nguyễn phu nhân tưởng chừng chỉ là câu chuyện phiếm cho bữa cơm không quá tẻ nhạt, nào ngờ điều này đã khiến Lê Hạo khẽ nhíu mày một cái. Chàng chậm rãi gấp thức ăn cho vào miệng ra vẻ như đang tập trung dùng bữa nhưng đầu óc thì cứ lửng lơ ngoài hậu viện.

Một lúc sau, Lê Hạo đặt đũa xuống bàn rồi nâng chén rượu hớp một ngụm, chàng nói với Nguyễn Đức Trung bằng giọng đều đều:

-       Trung Thu sắp tới hay là Nguyễn nhân cho Thu Hằng và Thu Đào vào cung dự yến vậy! Thu Đào ốm dậy đã một thời gian nhưng ít khi được ra ngoài dạo chơi. Chi bằng cho nàng hít thở khí trời một chút sẽ tốt hơn cho bệnh tình chăng?

Thu Hằng không nói gì, nàng cúi đầu vân vê bát cơm nhưng chốc chốc lại nhìn nhìn cha dò xét ý tứ. Lúc ấy, Nguyễn Đức Trung ra chiều nghĩ ngợi rồi nói:

-       Nhưng Thu Đào đang có bệnh trong người, luật bất thành văn của của các buổi cung yến là không cho người đang thương tích bệnh tật vào dự mà. Thái Hậu biết được e là sẽ không hay!

Nguyễn phu nhân cũng hiểu luật ngầm ấy nên dù rất muốn cho con gái được đi chơi nhưng cũng không tránh khỏi e ngại, bà lên tiếng:

-       Phải đấy! Dù tôi cũng rất muốn cho hai con được dự cung yến, nhưng e là...

Lê Hạo mỉm cười trấn an:

-       Thu Đào khỏi bệnh cũng lâu rồi, chỉ là sức khỏe hơi yếu thôi. Hôm cung yến hai chị em cứ đi theo Nguyễn đại nhân, có bổn vương ngồi cạnh thì không ai làm khó đâu!

Vợ chồng Nguyễn Đức Trung có được đảm bảo của Lê Hạo thì liền thấy yên tâm, cả hai đều cười rất vui vẻ. Nguyễn phu nhân xoa đầu Thu Hằng:

-       Mẹ sẽ chuẩn bị váy áo cho hai chị em thật xinh đẹp để vào cung dự yến. Lớn từng tuổi này mới được vào hoàng cung, hai đứa sướng rồi nhé!

Thu Hằng cười e thẹn rồi gật đầu, nàng quay mặt ra cửa sổ vờ ngắm cảnh đêm để không ai thấy được nỗi buồn man mát trong lòng mình. Đêm cung yến Hoàng Thượng sẽ mời rất nhiều khách quý, tiểu thư con nhà quan đến dự sẽ rất đông. Hẳn là lúc đó ai nấy đều xiêm y lộng lẫy để mong lọt vào mắt Thánh Thượng, còn Thu Hằng chỉ mong được Lê Hạo để mắt mà thôi. Thật ra Thu Hằng tự tin với nhan sắc của mình, nàng còn định bụng đêm Trung Thu sẽ điểm trang thật đẹp cho người trong mộng ngắm nhìn. Nhưng bây giờ Thu Đào cũng được đi thì kế hoạch của nàng xem như bị phá vỡ mất. Thu Đào vốn đã rất xinh đẹp thanh nhã, khí chất khó ai bì kịp, huống chi Lê Hạo lại cứ nhất mực để nàng ta trong tim nên làm gì có thời gian mà ngắm nhìn cô em gái này nữa. Nghĩ bản thân mình từ bé đến lớn chưa một lần thắng thế trước chị, Thu Hằng thoáng buồn rầu thầm than:

-       Có chị thì chàng sẽ không nhìn mình dù chỉ là một cái. Không! Mình không thể để việc này xảy ra được!

Bữa cơm kết thúc trong tiếng nói cười rộn rã, cả nhà không ngừng bàn luận đêm cung yến sẽ làm gì, mặc gì, mang vào cung lễ vật gì dâng vua, rồi cung yến sẽ có những món gì, những ai sẽ đến...

Lê Hạo nhìn không khí vui tươi của cuộc chuyện trò mà trộm nghĩ:

-       Hi vọng cung yến sẽ làm nàng vui vẻ. Tâm trạng vui thì cơ thể mới mau hồi phục được chứ!

Gió đêm mang hơi lạnh lùa vào ô cửa nhắc Lê Hạo rằng thời gian không còn sớm nữa. Mượn cớ muốn đi dạo ngắm cảnh đêm và dễ tiêu thực(*), chàng xin phép dạo quanh một vòng phủ đệ rồi mới ra cửa trở về nhà. Nguyễn Đức Trung đồng ý ngay, ông còn tặng cho chàng một bình rượu nhỏ để vừa đi vừa uống.

Lê Hạo cáo từ vợ chồng Nguyễn Đức Trung rồi khoan thai bắt đầu cuộc tản bộ của mình. Thu Hằng nhìn theo dáng hình dần chìm vào màn đêm của chàng mà đôi mày khẽ nhíu lại, nàng chợt nhếch mép cười rồi nhớ đến Thu Đào vẫn còn đang ở hậu viện, trộm nghĩ:

-       Nếu ta đoán không lầm thì chị ấy chính là nguyên nhân chàng muốn đi tản bộ!

****

Hậu viện phủ điện tiền vào ban đêm đèn lồng chỉ treo rải rác, đêm nay lại không trăng nên con đường nhỏ dọc theo bờ hồ thủy tạ cứ ẩn hiện trong thứ ánh sáng mờ ảo.

Lê Hạo chậm rãi từng bước một, chốc chốc lại nhấp một ngụm rượu rồi khoan khoái hít thở khí trời, định bụng sẽ ẩn mình trong bóng tối để lén theo dõi xem Thu Đào đang làm gì. Vừa nghĩ đến nàng thì bước chân Lê Hạo cũng vừa đặt lên con đường nhỏ dẫn đến khuôn viên nơi có phòng ngủ của hai chị em Thu Đào. Lúc đó, chàng nhìn thấy trước cửa phòng Thu Đào cơ man là những chiếc lồng đèn hình dáng kỳ lạ treo lủng lẳng, ánh sáng của những cây nến nhỏ bên trong lồng đèn rọi xuyên qua lớp giấy đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng trông rất lung linh bắt mắt. Lê Hạo nghiêng đầu nhìn không chớp mắt, chàng bất giác mỉm cười tự nhủ:

-       Nàng lại bày ra trò gì đây? Lại có lửa à, hi vọng là sẽ không gây hỏa hoạn!

Khoảng sân trước phòng Thu Đào sáng rực rỡ bởi những chiếc lồng đèn ông sao kiểu dáng thời hiện đại. Không chỉ ở cột trụ trước hành lang, Thu Đào còn cắm thêm nhiều cột tre ở khắp nơi trong sân, trên mỗi cây tre đều có một lồng đèn ông sao tạo thành một dãy những cột đèn màu sắc đủ loại xen kẽ lẫn nhau mà phát sáng.

Thu Đào đứng giữa sân ngắm nhìn thành quả lao động suốt mấy ngày liền của mình, đoạn vỗ vai Xuân Mai nói giọng tự mãn:

-       Không cần phải khen đâu, chị tự biết tài năng của mình mà! Sao? Có đẹp không?

Xuân Mai cười tít mắt, luôn miệng khen:

-       Sao cô có thể nghĩ ra hình dáng này, trông lạ mắt quá! Ánh sáng từ năm cái góc nhọn phát ra lung linh quá! À mà... đây là hình gì vậy?

-       Ngôi sao trên trời! – Thu Đào tự hào nói.

Trong lúc cô tỳ nữ vẫn còn mắt tròn mắt dẹt mà ngẫm nghĩ thì Thu Đào đã nghe một giọng nói từ ngoài sân vọng vào:

-       Sao nàng biết những ngôi sao có hình dạng đó?

Thấy Lê Hạo từ bên ngoài bước vào, Xuân Mai ý nhị cúi chào rồi bỏ đi dọn dẹp những dụng cụ làm lồng đèn vươn vãi trong sân, cố tình nhường lại không gian cho chủ trò chuyện.

Thu Đào thấy chàng thì hơi chột dạ, nhưng vẫn trả lời câu hỏi:

-       Ta tưởng tượng ra như vậy!

Lê Hạo không nói gì, chàng mỉm cười đến gần một chiếc lồng đèn ngắm nhìn. Chiếc lồng đèn màu xanh lá cây rọi lên gương mặt chàng thứ ánh sáng mát dịu và huyền ảo. Nụ cười thân thiện nở trên môi hệt như một thứ trang sức vô hình điểm tô cho nét tuấn tú của chàng. Phút chốc, Thu Đào lại cảm tưởng như Sỹ Thành đang đứng trước mặt và nói với nàng:

-       Đẹp đấy!

Mãi đắm chìm trong nhan sắc đỉnh cao của Sỹ Thành phiên bản cổ trang, Thu Đào bị lời khen của chàng làm giật mình bừng tỉnh. Nàng ấp úng nhưng vẫn cố làm ra giọng kiêu hãnh, đáp:

-        Phải... phải đẹp rồi! Sáng kiến của con người mấy trăm năm sau...

Giữa chừng chợt nhận ra mình lại nói chuyện chẳng khác một con thần kinh, Thu Đào vội sửa lại:

-       À... không biết chừng mấy trăm năm sau người đời mới biết cách làm này của ta!

Lê Hạo phì cười vì sự ngạo mạn của nàng. Chiếc cằm bé nhỏ này ngày trước vẫn thường hay hất lên với chàng như thế mỗi lần làm tốt việc gì. Mặc dù cả văn lẫn võ Lê Hạo đều vượt trội trong số các hoàng tử của vua cha, nhưng trước Thu Đào chàng lúc nào cũng nhận phần thua kém, cốt chỉ để đổi lấy làn môi xinh đẹp mỉm cười. Lần này cũng không ngoại lệ, Lê Hạo nhẹ nhàng hưởng ứng:

-       Phải! Nàng rất nhiều sáng kiến!

Quản như chàng dự đoán, Thu Đào hất hàm một cái rồi khoanh tay trước mặt cười đắt ý. Trong đáy mắt của chàng, mấy chục ngôi sao đang phát sáng xung quanh không có cái nào sáng hơn nụ cười của Thu Đào.

Lê Hạo mượn cớ ngắm lồng đèn mà ở lại với Thu Đào một lúc rất lâu, mãi đến khi có vài ngọn nến tắt đi chàng mới có ý định ra về. Trước khi đi, chàng nói với Thu Đào:

-       Đêm Trung Thu trong cung có yến tiệc, ta đã nói với Nguyễn đại nhân cho hai chị em vào dự. Nàng hãy mang theo những chiếc lồng đèn này làm lễ vật dâng Hoàng Thượng nhé!

Nghe đến "cung yến", đôi mắt Thu Đào sáng lên, nàng hấp tấp hỏi:

-       Cung yến là tiệc trong cung vua đó hả, có nem công chả phượng mà người ta hay nói à? Rồi có được ăn thử thức ăn của vua không?

Lê Hạo lại phải cố mím chặt môi mới khỏi bật cười, chàng từ tốn đáp:

-       Có! Tất cả đều có hết!

-       Được! Quá tốt! Ta sẽ mang đến thật nhiều lồng đèn để tặng Lê Bang Cơ, xem như quà ra mắt!

Ba chữ "Lê Bang Cơ" vừa thoát ra khỏi miệng thì không khí xung quanh bỗng dưng có gì đó ngột ngạt đáng sợ. Lê Hạo tái mặt nhắc:

-       Không được tùy tiện gọi húy danh của Hoàng Thượng! Nàng không giữ mồm miệng thì Nguyễn đại nhân sẽ không cho vào cung dự tiệc đâu!

Nhận ra sự thất thố của mình, Thu Đào tự bịt miệng rồi gật đầu lia lịa. Đoạn nàng khép kín năm ngón tay đưa thẳng lên trời mà rằng:

-       Xin hứa! Xin hứa sẽ không nói nhảm nữa!

Lê Hạo gật đầu, nhưng dường như vẫn chưa yên tâm lắm nên nét mặt cứ căng như dây đàn. Rồi không biết trong lòng nghĩ đến việc gì, chàng bất giác thời dài rồi lại tiếp:

-       Thu Đào! Chốn thâm cung tuy cao sang quyền quý nhưng bên trong đầy rẫy hiểm họa. Sau này làm phi tần rồi nàng nên cẩn thận lời ăn tiếng nói, kẻo chuốc họa vào thân. Biết chưa?

Mặc dù không có ý định sẽ yên phận tiến cung làm phi cho Lê Bang Cơ, nhưng vẻ mặt lo lắng của Lê Hạo làm Thu Đào không nỡ cãi bướng, nàng gật đầu:

-       Ừ... Biết rồi!

-       Khuya rồi, ta về đây! Nàng nhớ phải ngủ sớm, ăn uống đầy đủ. Bướng bỉnh không nghe lời đến lúc cung yến lại đổ bệnh ra thì không được vào cung chơi đâu! – Lê Hạo căn dặn.

Thường khi trước mặt nhiều người, Thu Đào vốn đã quen với thái độ lạnh nhạt thờ ơ của Lê Hạo. Nên hôm nay chàng đột nhiên dịu dàng ân cần làm Thu Đào thấy lạ lắm. Đoạn, lại nghĩ người ta hỏi han như thế thì mình cần có một lời quan tâm để "trả lễ", Thu Đào bèn chỉ vào bàn tay hãy còn băng một miếng vải nhỏ của Lê Hạo rồi nói:

-       Chàng cũng vậy, hãy tự biết chăm sóc mình cho tốt!

Lê Hạo rời hỏi hậu viện lúc sương đêm đã dày hơn một chút. Chiếc áo khoác trên vai chàng theo làn gió bay phấp phới trong tầm mắt của Thu Hằng đang nấp sau góc tường. Khi bóng chàng đã khuất, Thu Hằng mới chậm rãi bước ra để về phòng của mình. Lúc đi ngang qua cửa phòng Thu Đào, nàng ghé mắt nhìn vào bên trong thì thấy chị mình vẫn đang gọt gọt giũa giũa dù Xuân Mai nhiều lần khuyên dừng tay dùng cơm tối. Nói mãi không được, Xuân Mai mới bực dọc múc thìa canh đút hẳn vào miệng buộc Thu Đào phải há mồm. Một chủ một tớ, người mãi miết làm, kẻ cứ tranh thủ thời cơ là đút cơm. Tiếng cười giòn giã phát ra từ căn phòng nhỏ làm Thu Hằng chợt chạnh lòng. Nàng lầm lũi bỏ về phòng mà không ngừng tự hỏi:

-       Xuân Hoa chưa bao giờ thân thiết với mình như thế. Mình thật sự khó gần và khó yêu như vậy sao? Thu Đào bây giờ không có tài năng và khí chất như trước nữa, sao ai nấy vẫn yêu mến chị không hề thay đổi vậy?

*****

Trở về với câu chuyện của Lê Tuấn ở Tây Kinh.

Lần này đến hành cung Lam Kinh trong bí mật nên Lý Lăng không hề thông báo cho các nội giám quan rằng vua đã ngự ở đây. Để tránh bị người khác để ý, Lê Tuấn cũng lấy danh nghĩa là thị vệ dưới trướng vua và cùng trú ở Ngọa Sơn Điện gần Vĩnh Lăng của Thái Tổ (*).

Từ trong ngục trở về, Lê Tuấn đến Thái Miếu trong hành cung quỳ bái tổ tiên xong thì thong dong dạo bước gần Giếng Ngọc trong hành cung.

Cái tên "Giếng Ngọc" không biết được người ta đặt từ khi nào, nhưng người ở Tây Kinh đều biết đó là một cái giếng cổ rất to, nước lại rất trong và mát. Điều đặc biệt là khi nhìn từ trên xuống nước giếng có một màu xanh ngọc bích rất lạ mắt. Ai cũng nghĩ do màu xanh đó mà nó được gọi là Giếng Ngọc từ bao đời nay.

Lê Tuấn rất thích phong cảnh ở vườn hoa nơi có cái giếng này, mỗi lần đến hành cung Lam Kinh vào mùa sen nở chàng đều đến đây để ngắm màu nước xanh biếc và tận hưởng làn hương thoang thoảng của những đóa sen hồng. Lần này cũng vậy, từ Thái Miếu bước ra thì nơi đầu tiên chàng nghĩ đến là đây.

Buổi sáng, ánh mặt trời ấm áp rọi xuống giếng nhìn từ xa cứ như có muôn vàn ánh sao ban ngày thi nhau lấp lánh trên mặt nước. Lúc đó, bóng dáng một người đàn ông đang men theo miệng giếng lọt vào tầm mắt Lê Tuấn, chàng liền bước đến gần xem thử.

Người đàn ông ước chừng hơn bốn mươi tuổi, dáng cao dong dỏng, gương mặt chữ điền phúc hậu với đôi mày rậm, sống mũi tuy không quá cao nhưng thẳng tắp, ánh nhìn cương trực, rõ là tướng của một trang quân tử. Thấy Lê Tuấn đến gần, ông ta dừng tay lại nhìn chàng giây lát rồi gật đầu chào, ngập ngừng:

-       Anh đây là...

Lê Tuấn lịch thiệp đáp:

-       Tôi là thị vệ từ kinh thành đến đây làm công vụ, vài ngày sẽ quay về!

Nghe nhắc đến kinh thành, người đàn ông xem chừng có một chút nghĩ ngợi, đoạn lại tiếp tục hái lá sen và nói tiếp:

-       Con trai của tôi là thị vệ ở hành cung này, còn tôi là thợ làm vườn ở đây.

Lê Tuấn nhíu mày hồ nghi, bởi lần nào đến đây chàng cũng ở lại mười ngày nửa tháng, có khi nào trông thấy người làm vườn này đâu? Vừa định hỏi thì may sao kịp ngưng lại, vì nếu hỏi thẳng thì khác nào tự nhận mình chính là vua rồi! Lê Tuấn đang định tìm cách hỏi khéo để giải đáp thắc mắc trong lòng thì có tiếng ai đó từ xa vọng lại:

-       Cha!

Cả hai đồng loạt hướng mắt về nơi phát ra tiếng gọi.

Phan Tường - người lính gác cổng mà Lê Tuấn đã gặp ở ngôi nhà gần rẫy ngô đang chạy đến. Chàng nhìn sang người đàn ông đứng bên cạnh mà thầm "à" lên một tiếng trong lòng:

-       Thì ra là cha của Phan Tường!

Khi đến nơi, Phan Tường gặp Lê Tuấn thì ánh mắt khẽ động, chàng nói với cha:

-       Cha hãy mau trở về, cũng có năm sáu người đang chờ khám bệnh rồi đấy!

Lê Tuấn nghe xong lại ngạc nhiên thêm lần nữa:

-       Ông còn là thầy thuốc nữa à?

Phan Tường nhanh nhảu trả lời:

-       Thưa Lê thị vệ, cha tôi vừa làm vườn cho hành cung vừa ở nhà bốc thuốc kiếm thêm chút ít để chi tiêu qua ngày.

Lê Tuấn nhìn người đàn ông rồi gật gù. Ông ta vốn đã nghe Phan Tường kể lại chuyện được Lê Tuấn cứu giúp ở rẫy ngô nên liền chấp hai tay hành lễ với chàng:

-       Thì ra là ân nhân, xin đa tạ cậu đã cứu con tôi!

-       Ấy! Đừng khách sáo! – Lê Tuấn đỡ lấy người đàn ông, ngăn không cho ông ta kịp quỳ xuống.

Lúc bấy giờ, ông ta mới cung kính nói:

-       Tôi có việc phải về trước, có dịp xin ân nhân hãy theo Phan Tường về nhà dùng bữa cơm đạm bạc, cho tôi có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn với!

Phan Tường cũng hưởng ứng theo cha:

-       Cha mạt tướng nói phải, có dịp xin Lê thị vệ hãy cùng Lý thị vệ ghé qua, có như vậy cả nhà tôi mới được an lòng.

Không tiện từ chối, Lê Tuấn vỗ vỗ bàn tay người đàn ông và gật đầu:

-       Ơn nghĩa gì đâu, xin chú đừng quá bận tâm! Đừng gọi tôi là ân nhân, gọi Lê Tuấn được rồi!

Sau vài câu từ biệt, cha của Phan Tường mang theo một giỏ chứa đầy lá sen ra về. Khi bóng cha vừa khuất, Phan Tường mới cẩn thận quan sát xung quanh. Khi chắc chắn không còn ai xung quanh ở đủ gần để nghe thấy câu chuyện của hai người, Phan Tường mới lập tức chấp hai tay trước mặt rồi quỳ xuống hành đại lễ, thưa:

-       Đội trưởng tiểu đội thị vệ hành cung Phan Tường, bái kiến Hoàng Thượng. Cung chúc Hoàng Thượng thiên niên vạn tuế!

Lê Tuấn kinh ngạc lắm, không hiểu vì sao Phan Tường lại biết rõ thân phận của mình, bèn hỏi:

-       Ngươi biết Trẫm?

Phan Tường thưa:

-       Mạt tướng vốn là gia đinh theo hầu Bình Nguyên Vương ở chùa Huy Văn, may mắn được Bình Nguyên Vương tiến cử đến làm thị vệ trong đợt tuyển binh cho hành cung hai năm trước. Quê hương của mạt tướng vừa hay lại ở Tây Kinh nên đã về đây hầu hạ! Mạt tướng đã có phúc được thấy mặt rồng lúc người đến chùa Huy Văn gặp Bình Nguyên Vương, vì vậy mạt tướng nhận ra người!

-       Thì ra là vậy! – Lê Tuấn gật gù.

Xong, chàng lại nghiêm mặt căn dặn:

-       Ngươi không được tiết lộ cho kẻ khác biết việc Trẫm đang ở đây, rõ chưa?

Phan Tường vừa nói "tuân lệnh" xong, Lê Tuấn lại nhìn theo người đàn ông vác theo giỏ lá sen lúc bấy giờ đã khuất sau bức tường, chàng bất giác hỏi:

-       Cha ngươi hái lá sen để làm gì?

Phan Tường đáp:

-       Lá sen có tác dụng chữa cảm nắng, đau bụng, lại có thể cầm máu. Cha đem về để làm thuốc!

Lê Tuấn vốn định nhân cơ hội điều tra thêm vì sao trước đây chưa từng gặp người làm vườn này, thì bóng dáng Lý Lăng từ phía xa đang chaỵ đến cắt ngang ý nghĩ của chàng. Trên tay Lý Lăng cầm một chiếc hộp màu đen mà Lê Tuấn vừa nhìn đã biết đó chắc chắn là tin tốt từ lao ngục.

Sau khi cho Phan Tường lui xuống,  Lê Tuấn lập tức theo Lý Lăng về Ngọa Sơn điện để đọc khẩu cung của Phùng Chí Kha.

---- Hết chương 21 ----

Chú thích:

1. (*) Lê Thánh Tông: Tức Lê Hạo trong tiểu thuyết này.

2. (*) Tiêu thực: tiêu hóa thức ăn.

3. (*)Thái Tổ: Chỉ Lê Thái Tổ - Lê Lợi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro