Chương 20: Chạm Trán Loạn Đảng Ngôn Kinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lê Nghi Dân theo lời mẹ chỉ điểm mà bắt đầu đi tìm những người trong gia tộc Nguyễn Trãi đã thoát chết năm xưa. Nhưng ngặt vì Nguyễn Trãi hiện là tội thần bị xử tru di nên con cháu đã thay tên đổi họ bỏ trốn cả. Hơn nữa trong lòng họ có oán hận với triều đình, chắc gì đã chịu giúp đỡ Thái Tử của hoàng tộc lấy lại ngôi vị chứ? Chưa biết chừng huyết thống hoàng tộc bị nhiễm tạp lại khiến họ thấy hả hê là khác.

Tuy vậy, Lê Nghi Dân vẫn hi vọng sẽ dùng vinh hoa quyền thế để mua chuộc con cháu của Nguyễn Trãi. Nhưng cái khó tiếp theo của hắn là làm sao để truy lùng tung tích của họ Nguyễn, bởi mười mấy năm nay triều đình đã công khai tìm kiếm mà vẫn chưa bắt được ai, huống chi hắn phải tự mình âm thầm tra xét, chẳng biết đến bao giờ mới lần mò ra được tin tức.

Ngồi một mình ở thao trường bí mật, Lê Nghi Dân buồn chán nhìn những tên lính đang tập bắn cung cưỡi ngựa. Chợt hắn nghĩ ra một việc nên khóe môi nở nụ cười bí hiểm:

- Phải rồi, sao mình không nghĩ ra sớm nhỉ? Đội quân ở Tây Kinh mình nuôi chúng bấy lâu nay có việc dùng rồi!

Để tránh tai mắt của triều đình, Lê Nghi Dân chọn lúc nửa đêm dắt theo tướng lĩnh thân tín là Phạm Đồn cùng đến Tây Kinh.

Lê Nghi Dân ngồi trong xe ngựa vén rèm nhìn ra bên ngoài. Bầu trời hôm nay chi chít những vì sao làm hắn cứ nhìn mãi không chán. Ngôi đế tinh (*) sáng nhất lấp lánh trong đáy mắt làm Nghi Dân khẽ nhếch môi một cái, nhủ thầm:

- Ngọn đế tinh kia dù chưa chiếu đến ta, nhưng một ngày không xa nhất định ta đoạt lại được những gì vốn thuộc về mình!

****

Ngồi trên lưng ngựa hơn một ngày đường, đoàn người của Lê Tuấn dần thấm mệt.

Nắng tắt, mặt trời sắp khuất sau ngọn đồi thoai thoải. Càng vào sâu trong núi thì đường sá càng vắng người. Lê Tuấn nhớ lại lúc trưa chàng có gặp một đoàn thương buôn đang ngược hướng với chàng đi vào kinh thành, từ đó đến giờ con đường này tuyệt không hề thấy thêm một bóng người.

Tiết trời trở nên mát mẻ, xa xa vọng đến những tiếng rì rào như một khúc nhạc du dương. Lê Tuấn trỏ tay về hướng có dãy núi trập trùng, nói:

- Đi theo hướng Đông thêm một canh giờ sẽ thấy biển!

Lý Lăng gật đầu thưa:

- Quả đúng vậy, mạt tướng đã một lần đến làng chài nhỏ ở đó, cuộc sống người dân tuy còn thiếu thốn nhưng vẫn vui vẻ đầm ấm lắm!

Lê Tuấn nheo mắt tận hưởng vẻ đẹp của những tia nắng cuối ngày đang lấp ló phía xa, chàng nhìn Lý Lăng cười hiền lành:

- Con đường này hiện vẫn còn vắng vẻ hiểm trở, e là sẽ có nguy hiểm khi đi lại lúc tối trời. Năm sau Trẫm sẽ cho khai phá rộng lớn hơn, dân chúng ở vùng này sẽ dễ dàng đến được kinh thành mà buôn bán.

- Hoàng Thượng nhân đức! – Lý Lăng cúi đầu đồng tình.

Qua khỏi con đường dồi dốc hiểm trở, cả đoàn người đi vào vùng đất bằng phẳng lúc trời nhá nhem tối. Lác đác hai bên vệ đường đã có nhà cửa xen lẫn những nương ngô đã cho bắp to mướt mắt. Mùi hương tươi ngọt của những bắp ngô len lõi vào mũi làm Lê Tuấn thấy đói bụng. Chàng ra lệnh hạ trại ở một bãi đất trống rồi cùng quân lính đi tìm chủ nhân rẫy ngô kia để mua lấy vài bắp.

Căn nhà nhỏ cách rẫy ngô độ chừng một trăm bước chân ẩn hiện sau làn khói bếp. Tưởng chừng sẽ gặp cảnh một gia đình đang chuẩn bị bữa cơm tối, nào ngờ càng đến gần Lê Tuấn càng nghe rõ tiếng la hét inh ỏi xen lẫn âm thanh chan chát của vũ khí chém vào nhau tới tấp. Lê Tuấn quắc mắt chạy nhanh đến gần ngôi nhà, mười người thị vệ lập tức bày trận đứng vây xung quanh để hộ giá cho vua, mười người còn lại theo Lý Lăng xông lên phía trước.

Lý Lăng vừa đến gần cánh cửa bằng thân tre đã sờn cũ, một gã đàn ông bị ai đó tung chưởng giữa ngực nên văng ra ngã "phịch" ngay dưới chân chàng. Trong căn nhà có hai phe đang quần thảo nhau kịch liệt, một bên là ba thanh niên mặc quân phục của lính gác hành cung(*) làm Lê Tuấn khẽ nhướng mắt lên mà quan sát, bên còn lại đông người hơn hẳn, ước chừng có đến hơn mười tên nhìn như là lục lâm thảo khấu (*), mặt mày bặm trợn, râu tóc rậm rạp, bọn chúng ra chiêu nào là muốn đoạt mạng chiêu ấy, trong khi ba chàng lính gác hành cung thì chỉ muốn giữ an toàn cho hai cụ già đang nép mình trốn trong góc bếp.

Nhận rõ đâu chính đâu tà, Lê Tuấn lạnh giọng ra lệnh:

- Bắt sống hết lũ này cho ta!

Ba chàng lính gác hành cung chừng như đã thấm mệt nên liền buông xuôi sau câu nói của Lê Tuấn, họ lùi ngay về phía sau để giữ lấy hơi thở mệt nhọc, không thèm quan tâm đến những người đang cứu mình là ai. Trong số đó, một chàng trai vóc dáng cao to nhất nheo mắt nhìn Lê Tuấn đầy ngờ vực, đoạn chàng ra hiệu cho anh em đến chắn ngang trước mặt hai cụ già để bảo vệ cho họ, để mặc bọn côn đồ cho người của Lê Tuấn giải quyết.

Trước đội ngự tiền thị vệ tinh nhuệ bậc nhất hoàng cung, bọn ô hợp đang hoành hành này chẳng qua chỉ có loại cõ công mèo ba cẳng. Loáng một cái toàn bộ đã bị khống chế. Một tên có vẻ là đầu sỏ trong số bọn chúng quắc mắt nhìn Lý Lăng và Lê Tuấn. Tuy đang bị khóa chặt hai tay ra sau lưng nhưng hắn vẫn giọng lớn lối mà nói:

- Nhìn các ngươi có vẻ là ở nơi khác đến nên mới không biết Ngôn Kinh hội, khôn hồn thì mau thả bọn ta ra, nếu không thì cho dù hôm nay bọn ta có chết thì các ngươi cũng đừng hòng toàn mạng ra khỏi Tây Kinh!

Lê Tuấn mặt không biến sắc, chàng hướng mắt nhìn cái bàn đặt giữa nhà một cái thì liền có thị vệ chạy ra phủi sạch lớp bụi trên ghế cho chàng ngồi. Lê Tuấn chậm rãi ngồi xuống rồi liếc nhìn Lý Lăng ra hiệu.

Hiểu ý vua, Lý Lăng cười khẩy đến gần tên đầu sỏ, kê sát tai hắn mà nói:

- Vậy thì phải giết ngươi trước rồi thả bọn tay chân của ngươi về báo tin mới được, bọn ta ở đây chờ!

Trước khí thế của Lý Lăng, tên đầu sỏ hơi tái mặt, hắn cố dùng giọng cứng cỏi mà đáp:

- Ngươi đúng là chán sống!

Lý Lăng nhìn hắn bằng nửa con mắt:

- Bổn công tử không có thời gian đùa với ngươi. Nói mau, Ngôn Kinh hội là cái quái gì?

Lúc này, chàng trai cao lớn đang đứng ở góc bếp mới đỡ hai cụ già đứng lên, đoạn trờ tới nói:

- Bẩm vị anh hùng đây, Ngôn Kinh hội vốn là lũ sơn tặc, gần đây chúng được lãnh đạo bởi một chủ công có hiệu là Ngôn Kinh. Những lời đồn không hay về đương kiêm Hoàng Thượng do chính bọn chúng loang tin! Cả Tây Kinh mấy tháng nay đều bị bọn chúng tác oai tác quái, cho dù có mang danh nghĩa là phò tá huyết mạch hoàng tộc, nhưng bản chất côn đồ vẫn không đổi, chúng thường xuyên quấy phá cướp bóc dân chúng ở những vùng vắng vẻ. Thật là coi trời bằng vung!

Nghe nói lời đồn về thân thế của mình do Ngôn Kinh hội mà ra, Lê Tuấn khẽ động đậy tròng mắt, chàng kín đáo nhìn chàng trai mặt mày sáng sủa đứng trước mặt, hỏi:

- Các anh em đây là thị vệ ở hành cung à?

Chàng trai gật đầu, chấp hai tay ngang mặt hành lễ, thưa:

- Tôi là Phan Tường, đội trưởng một đội thị vệ ở hành cung Lam Kinh, hai người này là Trương Phương và Trần Dĩnh, đều là đội viên của tôi!

Lê Tuấn gật đầu rồi im lặng nghĩ ngợi hồi lâu. Trời đã tối hẳn, chàng tự tay thắp một ngọn đèn cháy bằng dầu lạc rồi hạ giọng chậm rãi nói với mười hai tên Ngôn Kinh hội:

- Các ngươi muốn khai ra tên kẻ cầm đầu hay là cùng chết ở đây?

- Dám giết bọn ta thật à? Các ngươi sẽ phải hối hận! – Tên đầu sỏ rít lên.

Lê Tuấn vẫn không đổi sắc mặt, chàng không quan tâm đến lời hâm dọa của tên đầu sỏ, ngọn đèn trên tay chàng dí sát mặt hắn mà lạnh lùng hỏi lại:

- Vậy là ngươi chọn chết ở đây?

Ánh mắt sắt bén của Lê Tuấn rực sáng dưới ngọn đèn làm tên đầu sỏ không rét mà run, đầu óc hắn trở nên trống rỗng, dù rất muốn phun ra những lời dọa nạt hòng làm chàng e dè mà tha mạng, nhưng... người thanh niên trước mặt toát lên một khí chất uy quyền ngút trời làm hắn cảm thấy tứ chi như tê liệt.

Nỗi hoang mang của tên đầu sỏ không thể qua mắt được Lê Tuấn, chàng chỉ cần hất hàm nhìn Lý Lăng một cái thì hắn đã toát mồ hôi lạnh. Chưa kịp nghĩ ngợi gì thì cơn đau từ sau gáy đã làm trời đất trước mắt hắn tối sầm. Trước khi ngất lịm, phần ý thức còn sót lại đã giúp hắn nghe được câu nói cuối cùng của Lê Tuấn:

- Giết hết cho ta!

Bóng đen thăm thẳm đổ sụp xuống thân thể tên đầu sỏ.

Không biết đã qua bao lâu thời gian...

Cái lạnh lẽo và ê ẩm do nền đất thô cứng mang lại dần đánh thức tên đầu sỏ. Qua khe hở chật hẹp của đôi mi, hắn lờ mờ nhìn thấy một người thanh niên ngồi bên ngoài những chấn song bằng gỗ. Không gian u tối chỉ leo lét ánh đèn dầu cùng mùi ẩm mốc của rơm rạ, gỗ mục chứng tỏ nơi đây đã lâu ngày không đón được ánh nắng mặt trời. Tay chân động đậy một chút, tên đầu sỏ từ từ ngồi dậy, ánh mắt vẫn dán chặt lên người thanh niên đang ung dung ngồi uống trà bên ngoài chấn song. Trong khoảnh khắc, hắn nhận ra mình đang ở trong lao ngục bèn lập tức ngó nghiêng để xem đồng bọn đang bị giam ở đâu.

Lúc ấy, Lý Lăng mới cười ha hả rồi lạnh giọng nói:

- Đợi ngươi qua thế giới bên kia rồi sẽ gặp lại bọn chúng, không phải mất công tìm đâu!

Tên đầu sỏ lạnh người nhớ đến câu nói của Lê Tuấn trước khi hắn bất tỉnh:

- Giết hết cho ta!

Lăn lộn giang hồ từ nhỏ, hắn vốn đã quen với những lời dọa nạt giết chóc nên dù có gặp thổ phỉ sơn tặc lưu manh đến đâu cũng không nao núng, thậm chí đến quan binh cũng chưa hề làm hắn nhíu mày. Ấy vậy mà cái giọng điệu của Lê Tuấn lúc đó không cao không thấp, không giận dữ hay hả hê gì lại khiến hắn chỉ nhớ lại thôi cũng ớn lạnh sống lưng.

Gương mặt tái nhợt đã tố cáo tâm trạng của hắn cho Lý Lăng biết, chàng cười mỉa một cái rồi lại nói:

- Công tử nhà ta đã nói là làm, không cho cơ hội ngươi được nói lại lần hai đâu. Nghe đây, cầm đầu Ngôn Kinh hội là ai? Một là nói, hai là chết!

Tên đầu sỏ nheo mắt cố làm ra vẻ cứng cỏi:

- Muốn chém muốn giết thì cứ việc, rơi vào tay triều đình các ngươi thì ta không mong gì sống nữa rồi!

Đôi mày Lý Lăng khẽ động đậy, chàng im lặng nhìn hắn dò xét. Đoạn lại gằng giọng hỏi lại một lần:

- Tức là ngươi chọn đường chết?

Tên đầu sỏ cười khẩy vẻ trịch thượng:

- Ta không chọn cái chết, mà chọn được sống để cùng chủ công lật đổ tên vua mạo nhận huyết thống hoàng gia kia! Nhưng ta được chọn sao? Ta bị bọn ngu trung các ngươi ép chết thôi!

Lý Lăng nộ hoả xung thiên, chàng chụp lấy cây roi da để trên bàn rồi lớn giọng ra lệnh cho lính cai ngục:

- Lôi ra dùng hình! Ta xem miệng ngươi cứng hay là roi của ta cứng!

Cai ngục vừa tra chìa khóa vào ổ định mở cửa thì có tiếng bước chân từ xa vọng lại kèm giọng nói trầm ổn:

- Ngươi có chứng cứ gì mà nói Diên Ninh không phải huyết thống hoàng gia?

Mọi ánh mắt đổ dồn về phía chàng trai cao lớn trong bộ y phục màu đỏ tía đang chậm rãi bước vào. Chàng khoát tay ra hiệu cho cai ngục đừng mở cửa, đoạn tiến đến sát cạnh chấn song mà nhìn chằm chằm vào tên đầu sỏ.

Ánh mắt toát lên khí thế ngút trời khiến tên phản tặc ngồi bên trong lập tức nhận ra Lê Tuấn. Hắn nhìn y phục và phong thái đậm chất vương giả của chàng mà hỏi:

- Ngươi hẳn là một vương gia đương triều?

Lý Lăng tức giận chen vào:

- Thân phận của công tử là để cho tên phản tặc như ngươi hỏi đấy à?

Thái độ của Lý Lăng làm tên đầu sỏ không còn nghi ngờ gì nữa, hắn đinh ninh người đứng trước mặt không phải Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành tài năng vang dội, thì ít nhất cũng là Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân vẫn được thiên hạ đồn đoán là rất có khí chất quân chủ vì ít gì cũng đã từng là một thái tử. Hắn hơi chột dạ nhưng vẫn cố làm ra giọng anh hùng, nói:

- Nếu là quân tử thì đừng giấu diếm thân phận... Ngươi hỏi ta dựa vào đâu mà nói Diên Ninh không phải con cháu họ Lê à? Bí mật lớn như vậy các ngươi có tư cách gì mà nghe chứ!

Lê Tuấn nheo mắt nhìn hắn vẻ nghĩ ngợi một lúc rồi chậm rãi ngồi xuống bàn. Chàng tự rót cho mình tách trà và nhìn Lý Lăng ra ám hiệu. Vốn theo hầu vua đã lâu, Lý Lăng nhanh chóng hiểu được thánh ý bèn nói với tên đầu sỏ:

- Bổn tướng là Tổng Tri Mã Bế Vệ ở Hoàng Thành Thăng Long. Lý Lăng!

Thấy Lý Lăng thay chủ công khai danh tính, tên đầu sỏ càng thêm chắc chắn người ngồi trước mặt hắn phải có thân phận gì hiển hách trong triều lắm nên mới cố tình che giấu. Hắn hồ nghi nhìn Lê Tuấn một chút thì đã bị Lý Lăng mắng:

- Ngươi đã biết bổn tướng là ai rồi thì mau cung khai đi. Đừng nghĩ ngươi có tư cách mà nghe đại danh của công tử!

Lê Tuấn lúc này mới bỏ tách trà xuống, tia nhìn uy nghiêm chọc thẳng vào tên đầu sỏ, rồi lại dùng cái ngữ điệu chẳng hề hâm dọa nhưng lại khiến người ta sợ phát run mà nói với hắn:

- Trả lời câu hỏi của ta rồi sống tiếp trong ngục... Hoặc là ta thả ngươi ra ngoài... để lo hậu sự cho cha mẹ và vợ con ở Lôi Dương(*) nhé, Phùng Chí Kha!

Bị gọi đúng tên tuổi quê quán, người thân trong nhà gồm những ai cũng bị Lê Tuấn nói đúng hết, tên đầu sỏ tên gọi Phùng Chí Kha kinh sợ đến tột độ. Từng thớ thịt trên người run lên, hắn lao đến ôm lấy chấn song mà gào lên:

- Không được động tới người nhà của ta! Van xin các người...

Lê Tuấn ngồi im nhìn hắn với vẻ mặt hờ hững, nét lạnh lùng không biểu lộ tâm trạng của chàng làm Phùng Chí Kha như phát điên lên. Hắn gào thêm vài ba câu nữa thì Lý Lăng cười khẩy, nói:

- Muốn người nhà bình an thì dễ thôi! Nói, chủ công của ngươi là ai? Dựa vào đâu nói Hoàng Thượng không phải là huyết mạch hoàng thất?

Phùng Chí Kha nhìn Lê Tuấn nói như hét lên:

- Làm sao ta tin các ngươi? Làm sao ta biết người nhà vẫn bình an chứ?

Lê Tuấn lấy trong ống tay áo ra một phong thư ném về phía hắn, nghiêm giọng nói:

- Mỗi tháng ngươi sẽ có thư nhà một lần để chứng tỏ họ vẫn bình an. Gia đình ngươi ở quê nhà cứ nghĩ ngươi lập công bắt được trộm ở hành cung nên được cho làm lính gác cổng. Đâu biết rằng ngươi ngu muội đi theo quân loạn đảng để rồi bị bắt giam nhục nhã như thế này! Thanh danh của ngươi ta đã bảo toàn, ngươi thấy có nên đáp ứng yêu cầu của ta không? Ta làm vậy không phải vì tên ngu si như ngươi, mà là vì đứa bé trai thông minh chăm chỉ, vì người vợ hiền lành tần tảo nuôi con và cha mẹ của ngươi ở quê nhà đấy! Chủ công của ngươi có bảo vệ được họ như ta không? Hay hắn chỉ xem các ngươi như lũ ô hợp, là quân chốt thí để thực hiện hành vi tạo phản đại nghịch bất đạo?

Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu, từng câu từng chữ của Lê Tuấn vang vọng bên tai khiến tâm hồn u tối bấy lâu nay của Phùng Chí Kha chợt có một tia sáng rọi vào. Hắn run rẩy cầm bức thư nhà trong tay, không biết là lời khuyên của Lê Tuấn hay là nỗi sợ hãi mất đi người thân đã khiến hắn chùn bước. Phùng Chí Kha ngồi phịch xuống đất, gục đầu vào chấn song im lặng rất lâu.

Nói xong, Lê Tuấn cũng không muốn ngồi đó chờ hắn cung khai, chàng nghĩ những gì cần làm mình đã làm hết rồi nên quay đầu rời khỏi nhà lao. Đi được vài bước thì phía sau lưng vọng lại tiếng của Lý Lăng:

- Mang giấy bút ra cho hắn viết lời khai!

*****

Lại trở về hậu viện phủ Điện Tiền nơi Thu Đào đang ngồi vót tre làm lồng đèn. Từ lúc tạm biệt Lê Tuấn, nàng cứ thế mãi miết làm đến tận non trưa mà không hề hay biết ánh mắt đố kỵ của Thu Hằng vẫn dõi theo mình từ sáng đến giờ. Ngồi lâu quá đến nổi hai vai mỏi nhừ, Thu Đào đứng lên vươn người một cái rõ dài đầy sảng khoái, ánh nắng buổi trưa đã bắt đầu nóng bỏng rọi trên gương mặt bầu bỉnh. Nhấc chiếc ấm lên định rót một chén trà nhưng thấy nó đã nhẹ tênh, Thu Đào nheo mắt nhìn quanh tìm Xuân Mai để sai bảo.

Được một lúc, Xuân Mai thì chẳng thấy tăm hơi nhưng từ xa đã thấy thấp thoáng bóng hình quen thuộc. Chàng cầm ô che nắng, bước chân vội vã dường như muốn bay ngay về hướng này vậy.

Thấy Lê Hạo đang hấp tấp tiến về phía mình, Thu Đào nghiêng đầu tự hỏi:

- Hôm nay là ngày gì mà liên tiếp gặp hai người đẹp trai vô đối, nhưng chẳng có ai là người mình có thể mơ tưởng tới được hết! Haizzz!

Lê Hạo vừa đến nơi, chiếc ô trên tay chàng định nghiêng về phía Thu Đào thì chợt khựng lại. Thu Đào không hiểu được cái nhíu mày của Lê Hạo lúc ấy là gì, chỉ thấy chàng thoáng ngập ngừng rồi nhìn ra phía sau lưng nàng rồi nói:

- Nắng như thế này mà ra ngoài lại không mang ô à?

Xong, chàng mới quay sang nói với Thu Đào:

- Nàng cũng cùng đến bên kia tránh nắng một chút đi!

Thu Đào không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, cũng không biết Lê Hạo vừa rồi đã quở trách ai ra ngoài không mang ô che nắng nên nhìn ra sau lưng xem thử.

Vừa quay đầu lại, em gái Thu Hằng đã lù lù xuất hiện tự lúc nào làm Thu Đào giật thót, nàng lên tiếng:

- Em ra đây từ lúc nào mà chị không biết!

Thu Hằng cười nhẹ rồi nghiêng đầu chui ngay vào dưới ô của Lê Hạo như sợ chậm một chút nữa thôi là sẽ có người khác chen vào vậy. Lê Hạo mặt mũi sượng sùng, rút ô lại thì không được, mà chỉ che cho một cô gái thì lại thấy có lỗi với người còn lại, chàng lúng túng muốn dợm bước đi về nơi có bóng râm, thì Thu Hằng đã nhanh nhảu nói với Thu Đào:

- Em vừa bước ra thì đã thấy chàng đến đón rồi!

Thu Đào nghe xong thì hiểu ngay. Hóa ra lúc nãy chàng thấy Thu Hằng đi một mình dưới nắng nên vội đến để che ô!

Có một nỗi buồn man mát len lõi trong tâm trí làm giọng nói của Thu Đào hơi đứt quãng:

- À... à, ra vậy!

Thu Hằng kéo lấy cánh tay chị rồi giằng lấy chiếc ô trong tay Lê Hạo che cho mình và chị gái, đoạn cười cợt nói với chàng:

- Phiền chàng chịu nắng một chút vậy! Thôi, ta cùng ra đình hóng mát dùng chè hạt sen đi! Sáng nay em dậy sớm nấu chè, định mang đến chùa Huy Văn cho chàng. Nào ngờ chàng đã đến thì ta cùng nhau thưởng thức ở đây vậy!

Nhìn gương mặt bầu bĩnh với đôi mắt trong suốt như sương đang yên vị dưới bóng râm của chiếc ô, Lê Hạo thầm cảm kích Thu Hằng vì đã cứu chàng khỏi một phen khó xử. Nói đúng ra thì Lê Hạo cảm kích Thu Hằng vì đã giúp chàng che chở cho cô gái chàng quan tâm mới phải. Để đền đáp "cái ơn" đó, Lê Hạo mỉm cười với Thu Hằng rồi nói bằng giọng dịu dàng hiếm thấy:

- Được, ta cũng đang muốn ăn chút gì đó!

Thái độ ấm áp của Lê Hạo làm Thu Hằng thoáng vui một chút dù hiểu rõ nguyên nhân đằng sau chẳng qua là vì có cả Thu Đào cùng đi. Tạm bỏ qua những khúc mắc vụn vặt, Thu Hằng mỉm cười kéo tay chị đi ra đình hóng mát. Lê Hạo lùi về sau một bước để nhường đường cho hai cô gái, không hiểu vì sao trong lòng chàng bất giác lại mang một niềm vui đạm bạc. Hóa ra chỉ cần có một lý do chính đáng nào đấy để được gặp Thu Đào thì chàng sẽ không từ bỏ, hóa ra chỉ cần được nhìn thấy nàng thì cả thế giới trong tâm trí Lê Hạo lại là một màu thanh thản đến như vậy.

Lê Hạo nhớ rất rõ có một lần chàng đưa Thu Đào đến thành Cổ Loa chơi và bất cẩn không mang theo ô, nàng đã vì vậy mà bị nắng táp vào mặt đến đen sạm đi. Lê Hạo còn nhỏ không hiểu nhan sắc với nữ nhi rất quan trọng nên buông lời trêu ghẹo, Thu Đào vừa thẹn vừa buồn nên òa khóc, hại chàng phải dỗ dành mất vài ngày mới làm hòa được. Từ đó, Thu Đào trở nên rất ghét phải phơi nắng, Lê Hạo thì chẳng bao giờ dám để nàng phải đầu trần dưới nắng gắt như thế nữa, chàng còn tự hứa với lòng sẽ che chở bảo bọc cho Thu Đào, chỉ cần ngày nào chàng còn sống, người con gái của chàng sẽ phải thật sung sướng, chuyện dãi nắng dầm sương tuyệt đối không tái diễn.

Lặng lẽ bước phía sau hai chị em, nhưng đáy mắt Lê Hạo chỉ in hằn duy nhất một cô gái có tên Thu Đào. Kỷ niệm xưa tràn cứ tràn trề trong tâm tưởng làm Lê Hạo bất giác buông lời tự trách:

- Ta đã không thể giữ được lời hứa này nữa...!

Về phần Thu Đào, từ lúc phát hiện ra Lê Hạo thực chất là sợ cô em gái của nàng chịu nắng nên mới hấp tấp cầm ô chạy đến thì có chút hụt hẫng trong lòng. Tuy vậy, nàng cũng không tiện từ chối lời mời ra đình hóng mát ăn chè nên cứ vậy mà đi theo thôi. Sóng đôi bên cô em gái vừa xinh đẹp lại vừa tốt số, Thu Đào không khỏi ngưỡng mộ mà trộm nghĩ:

- Thu Hằng thật là hạnh phúc vì được làm người phụ nữ của nam nhi hoàn hảo như Lê Hạo! Sau này còn là vợ của vua nữa...

Nghĩ đến đây, đôi mắt Thu Đào chợt đứng tròng. Nàng nhìn cô em gái đi bên cạnh đầy kinh ngạc, rồi bất giác hỏi:

- Thu Hằng... tên đầy đủ của chị em ta là gì?

Thu Hằng nghiêng đầu tỏ vẻ khó hiểu, Lê Hạo đi sau lưng cũng đang chăm chú nhìn Thu Đào để theo dõi xem vì sao nàng lại hỏi như vậy.

Nhìn người chị kỳ quái của mình một lúc, Thu Hằng bỗng thở dài rồi nói giọng thông cảm:

- Ngay cả tên của mình chị cũng không nhớ à? Mà cũng không trách được, chị vẫn còn chưa khỏi hẳn cơ mà!

Im lặng vài giây, Thu Hằng mới trả lời câu hỏi của chị, từng chữ nàng nói ra đều có một mãnh lực bí ẩn làm Thu Đào chết điếng từ trong tâm tưởng. Giọng Thu Hằng đều đều:

- Chị là Nguyễn Thị Đào, em là Nguyễn Thị Hằng. Chữ "Thu" là do cha thêm vào vì chị em mình sinh ra vào cuối Thu. Làm như vậy vừa để kỷ niệm ngày sinh, vừa để không quá nhiều người biết tên thật của chúng ta thôi!

Thu Đào nghe xong thì bước chân chậm hẳn lại, nàng không có một chút gì tỏ vẻ quan tâm đến tên thật của bản thân mình mà chỉ trân trối nhìn vào cô gái đi bên cạnh, lắp bắp:

- Em... em là Nguyễn Thị... Nguyễn Thị Hằng?

Thu Hằng gật đầu thay lời đáp, ánh mắt vẫn không thôi quan sát người chị kỳ lạ.

Thu Đào nuốt nước bọt đánh ực một cái rồi cố gắng trấn tĩnh mà đi tiếp. Một chuỗi những thông tin trong đầu nàng liên kết lại với nhau tạo nên sự việc chấn động, ít ra là chấn động đối với một cô gái hiện đại "không may" trôi dạt về quá khứ để gặp những con người mà cô chỉ được thấy tên trong sử sách. Trong đầu Thu Đào không ngừng tự hỏi:

- Nguyễn Thị Hằng? Con gái của Nguyễn Đức Trung? Sao mình không phát hiện ra sớm vậy ta? Thu Hằng chính là Nguyễn Quý Phi của Lê Thánh Tông! Mình đang được chứng kiến mối tình nổi danh là một đôi "tiên đồng ngọc nữ"(*) đây sao?

---- Hết chương 20 ----

Chú thích:

1.(*) Đế tinh: Ý chỉ sao Tử Vi, vua của các vì sao. Ở đây ẩn ý nói về ngôi vị hoàng đế.

2. (*) Hành cung: ý chỉ cung vua ở một nơi khác ngoài kinh thành ra. Ở đây ý chỉ hành cung Lam Kinh ở Tây Kinh (Thanh Hóa)

3. (*) Lục lâm thảo khấu: Danh từ riêng Lục Lâm sau này trở thành danh từ chung "lục lâm" chỉ các lực lượng thảo khấu (giặc cướp, giặc cỏ) chống đối chính quyền và hay gọi chung là "lục lâm thảo khấu" chỉ về những kẻ cướp, giặc cỏ ở vùng rừng núi hẻo lánh.

4. (*) Lôi Dương: một huyện nhỏ ở Thanh Hóa dưới thời Lê Sơ, một phần thuộc các huyện , , và hiện nay.

5.(*) Giai thoại về Lê Thánh Tông và Nguyễn Quý Phi:

Lê Thánh Tông khi còn là hoàng tử, trong một lần đi dạo chơi bên bờ sông Tống Sơn – Thanh Hóa chợt thấy bà, một cô gái xinh đẹp đang ngồi vo gạo dưới bến. Tức cảnh sinh tình, Lê Thánh Tông bèn ra một vế đối:

"Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả...".

Câu đối bỏ lửng như một lời ngỏ ý khéo léo khiến người ta phải rung động. Bà nghe thấy khúc khích cười rồi đối đáp lại:

"Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho...".

Câu đối vừa cho chàng trai một chút hy vọng nhưng vừa là một lời trách người con trai phải biết lo việc đời trước khi lo duyên, thế mới xứng là đấng nam nhi.

Nghe lời đối đáp ấy, trái tim vị hoàng tử trẻ loạn nhịp và thầm nghĩ sao trên đời lại có người con gái tài sắc vẹn toàn đến vậy. Lê Thánh Tông quyết phải chinh phục bằng được đóa hoa quý giá này.

Hoàng tử dò hỏi mãi, mới biết bà tên là Nguyễn Thị Hằng, là con của tướng Nguyễn Đức Trung. Mà vợ của vị tướng này lại là bạn thân của mẹ hoàng tử (, tức Ngô phu nhân trong tiểu thuyết này). Đã có duyên gặp gỡ nay lại được thêm duyên phụ mẫu vun đắp. Mối tình của hoàng tử Lê Thánh Tông và bà nhanh chóng đơm hoa kết trái. , năm Quang Thuận thứ nhất () bà được Lê Thánh Tông phong làm , cho ở để vua luôn được gần bên người đẹp. Bà cũng được Thánh Tông yêu quý nhất trong số các cung nhân. Lúc này hoàng đế còn trẻ tuổi, rất đa tình và chưa có con trai.

Trong giai thoại dân gian truyền lại thì Lê Thánh Tông và Quý Phi Nguyễn Thị Hằng là đôi tiên đồng ngọc nữ. Trong tiểu thuyết "Lê Triều Bí Sử 1" này thì mối tình của họ được viết lại dưới góc nhìn của tác giả. Giai thoại khác với chính sử, và tiểu thuyết lấy cảm hứng lịch sử cũng không hoàn toàn đúng với chính sử. Rất mong độc giả chấp nhận bộ truyện như một tác phẩm để giải trí, không quá khắt khe về những chi tiết không đến nỗi là xuyên tạc lịch sử để tác giả được tự do sáng tạo nhé! Xin cảm ơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro