Chương 18: Manh Mối Ở Tây Kinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lưỡi dao được bàn tay Lê Hạo chụp được ngay trước khi nó bổ vào trán Thu Đào. Bàn tay chàng siết chặt nó không dám buông lơi, máu tươi chảy thành dòng len lỏi xuống cổ tay rồi thấm vào ống tay áo. Vết máu bê bết trên nền vải trắng đục làm Thu Đào hoảng kinh, tim nàng như có ai bóp nghẹt, đôi mắt ngấn lệ, Thu Đào ôm lấy bàn tay chàng và kêu lên:

- Lê Hạo!

Nàng hấp tấp gỡ lấy lưỡi dao trong lòng bàn tay Lê Hạo vứt sang một bên. Một vết cắt sâu hoắm cứa vào giữa lòng bàn tay chàng, máu từ đó đang trào ra từng đợt theo mỗi lần mạch đập. Thương tích trên lòng bàn tay chàng nhưng lòng Thu Đào đau như có ai cắt nàng một nhát sâu hệt như thế.

Ngay sau đó, ai nấy lập tức xúm lại vây quanh Lê Hạo mà lao nhao:

- Bình Nguyên Vương! Người không sao chứ?

- Chết rồi, mau gọi thầy lang!

Xuân Mai tuy cũng hơi hoảng nhưng cô bé đã nhanh nhảu chạy vào trong chùa báo cho sư trụ trì.

Mồ hôi rịn ra trên trán, Lê Hạo cắn chặt răng để kiềm chế cơn đau.

Thu Đào nhìn nét cam chịu của chàng mà vô cùng xót xa, nàng vội chụp lấy bầu nước uống của gia nô mang theo để rửa vết thương cho chàng. Nhìn lưỡi dao bằng kim loại đã có một chút rỉ sét, Thu Đào lo lắng vết thương sẽ nhiễm trùng. Nàng hấp tấp đỡ Lê Hạo đứng dậy rồi sai gia nô chạy vào trong nhà pha nước muối loãng cho chàng rửa vết thương.

Trái với sự vội vàng của Thu Đào và những người xung quanh, từ đầu tới cuối Lê Hạo không nói một câu gì, cũng không than đau đớn chi hết. Chàng lẳng lặng quan sát thái độ của Thu Đào, từng cái nhíu mày, từng ánh nhìn lo lắng của nàng đặt lên vết thương... từng chút, từng chút một đều là những thứ nguyên liệu làm bừng cháy ngọn lửa yêu thương trong lòng Lê Hạo.

Thường ngày chàng vẫn luôn kiềm nén bản thân không được đến gần nàng, không được bày tỏ tình cảm với nàng. Hôm nay thì khác, vết thương này như một lý do để chàng ngang nhiên tiếp cận Thu Đào mà không bị ai dò xét. Lê Hạo cứ thế im lặng tận hưởng chút ấm áp hiếm hoi do Thu Đào mang lại, thứ ấm áp mà ngày còn bên nhau chàng chẳng bao giờ thiếu thốn, cái cảm giác trái tim được vuốt ve xoa dịu này đã hơn ba tháng nay Lê Hạo mới lại cảm thấy được.

Mãi đắm chìm trong cảm xúc, Lê Hạo quên cả đau đớn. Đoạn đường từ rừng tre sau hậu viện về đến phòng của mình Lê Hạo cứ như kẻ bị thôi miên mặc cho Thu Đào điều khiển. Nàng bảo đi thì đi, đứng thì đứng, nàng muốn nắm bàn tay hay xoa đôi vai gì cũng được, tất cả đều phó mặc cho nàng!

Cho đến khi bị nước muối dội vào vết thương, cái đau rát nơi lòng bàn tay mới khiến Lê Hạo giật mình nhíu mày. Tuy chưa kịp phát ra tiếng xuýt xoa, nhưng vẻ mặt biến sắc của chàng đã lập tức bị Thu Đào phát hiện, nàng nhướng mày hỏi ngay:

- Đau à?

Khẽ lắc đầu, Lê Hạo lại cắn răng chịu đựng.

Thu Đào yên tâm tiếp tục đổ nước muối lên vết thương. Nàng bảo Xuân Mai:

- Em mang khăn và vải khô qua đây cho chị!

Sau tiếng "dạ", Xuân Mai đã mang đến một khay chứa toàn băng gạc. Thu Đào nhẹ nhàng lau sạch vết thương rồi nhét vào tay chàng một mớ vải khô, đoạn lại dùng dây vải buộc chặt để cầm máu.

Lúc đó, Ngô phu nhân cùng một thầy lang đã bước vào cửa phòng.

Nhìn thấy con trai ngồi đó với cái ống tay áo dính đầy máu, Ngô phu nhân hốt hoảng nhào đến chụp lấy tay con, xuýt xoa:

- Sao lại thế này hả con?

Bàn tay quấn đầy băng gạc của Lê Hạo làm bà tưởng tượng vết thương bên trong hẳn là to lắm nên Ngô phu nhân cứ há hốc mồm ra mà nhìn.

Thầy lang nhìn vết thương được băng bó một cách vụn về thì không nhịn được mà phì cười, ông hỏi:

- Ai băng bó cho Bình Nguyên Vương vậy? Như thế này làm sao mà cử động được chứ?

Bàn tay Lê Hạo bị Thu Đào dồn quá nhiều vải khô và băng gạc vào nên phồng to như một cái tay gấu, chưa kể đến những sợi dây vải chấp nối luộm thuộm quấn xung quanh trông chẳng khác cái bánh chưng được gói bởi một nàng dâu vụn về.

Thu Đào bấy giờ mới e thẹn nói:

- Là... là con băng lại để cầm máu!

Thầy lang gật gật đầu rồi hiền lành nói:

- Cầm máu được là tốt rồi, để lão băng lại cho!

Khám xét vết cắt trên tay Lê Hạo một lúc, thầy lang gật đầu trấn an:

- Không sao, vết cắt tuy hơi sâu nhưng không chạm vào điểm trọng yếu nào cả, vả lại còn được rửa sạch sẽ rồi cầm máu. Vị tiểu thư đây tuy không khéo léo việc băng bó nhưng cách xử lý vết thương thì đúng rồi. Lão kê cho Bình Nguyên Vương một ít thuốc để bó vào, vài ba hôm sẽ liền da thôi!

Lê Hạo nãy giờ vẫn chưa lên tiếng, nhưng thấy mẹ lo lắng nên chàng đã thuật lại ngắn gọn sự việc cho bà nghe. Ngô phu nhân liền nhìn Thu Đào, dùng thái độ quan tâm thăm hỏi, nói:

- Thu Đào, con không sao chứ?

- Dạ, con không sao. Chỉ có... Lê Hạo vì con mà phải thương tích như thế này...

Lê Hạo nhìn nàng, thái độ lại quay về vẻ lãnh đạm thường ngày, tuyệt nhiên không còn nhìn thấy chút gì thân thiện như lúc sáng ở rừng tre. Chàng nói:

- Không hề gì, dù là ai rơi vào hoàn cảnh đó ta cũng sẽ cứu!

Thu Đào nghe xong câu "dù là ai rơi vào hoàn cảnh đó ta cũng sẽ cứu" thì đôi mày thoáng chau lại một chút, sau đó lại nhanh chóng giãn ra ngay. Nàng cười nhạt, cúi đầu tạ ơn:

- Đa tạ chàng đã ra tay giúp đỡ.

Lê Hạo chăm chăm nhìn vào động tác băng bó của thầy lang chứ không nhìn Thu Đào, chàng lại dùng giọng lạnh lùng mà tiếp rằng:

- Nàng cũng đã giúp ta cầm máu kịp thời. Chúng ta không ai nợ ai cả!

Một lần nữa, câu "không ai nợ ai" như một gáo nước lạnh tạt vào mặt Thu Đào. Nàng hậm hực nghĩ thật uổng công lúc nãy mình đau lòng vì hắn. Xong, lại tự trách bản thân:

- Trà My ơi Trà My, người ta rõ ràng muốn phân chia ranh giới với mày, sao cứ suốt ngày xem người ta là Sỹ Thành rồi tự lừa dối mình, tự ôm lấy cái tình cảm không có thật này làm chi không biết.

Ngô phu nhân nhìn nét tiu nghỉu của Thu Đào mà thấy thương cảm, bà biết Lê Hạo đang cố gắng và cố ý làm nàng tắt hẳn hi vọng về mối tình này nên liên tiếp nói lời lạnh nhạt. Nhưng, như vậy thì thương cho cô gái nhỏ bé này quá!

Bất giác, Ngô phu nhân xoa đầu Thu Đào, dịu dàng nói:

- Cảm ơn con! Đêm Trung Thu hãy cùng cha mẹ đến đây, mang theo một ít lồng đèn con làm ra tặng cho ta và Lê Hạo xem như đền bù nhé!

Như đứa trẻ được vỗ về, Thu Đào nhoẻn miệng cười gật đầu.

Mặc dù vậy, trong lòng Thu Đào vẫn trào dâng một cảm giác giận dỗi dành cho Lê Hạo. Nàng quyết định bỏ mặc chàng mà nhanh chóng về phủ, dù sao thì Ngô phu nhân và thầy lang đều đã có mặt cả, nàng ở đây cũng chỉ dư thừa mà thôi.

Sau vài lời tạ ơn và cáo biệt, Thu Đào cùng Xuân Mai lễ phép bước ra khỏi cửa phòng. Ánh nắng buổi sớm chiếu vào cây trâm vàng trên tóc Thu Đào làm phát ra thứ ánh sáng lấp lánh đập vào mắt Lê Hạo. Khoảnh khắc đó, hình ảnh Lê Tuấn lại hiện ra như một bức tường ngăn cách chàng và Thu Đào. Nụ cười chua chát trên môi, Lê Hạo thu ánh mắt lại, buộc mình không nhìn theo bóng dáng bé nhỏ ngoài kia nữa. Chàng nằm xuống nhắm mắt, một hơi thở vốn đang bị kiềm giữ trong lồng ngực hắt ra dài thường thượt.

Ngô phu nhân hiểu lòng con, bà bất nhẫn lắm nhưng cũng không còn cách nào khác. Bởi bà hiểu đứng trước tiền đồ sự nghiệp của con trai và sự an nguy của hai mẹ con, thì tình cảm nam nữ thật là bé nhỏ biết chừng nào. Bà vỗ về bàn tay con trai, dịu dàng an ủi:

- Rồi sẽ ổn thôi con!

*****

Xế chiều. Tiếng chuông chùa báo kết thúc một ngày vang lên "boong... boong..."

Lê Hạo ngồi trên đình hóng mát giữa hồ thủy tạ của chùa, chàng nhắm mắt tận hưởng âm thanh tuy vang dội mà thanh tịnh của chiếc chuông đồng to lớn.

Một chú chim bồ câu bay đến đậu trước mặt Lê Hạo, chàng nhìn nó bình thản như bao lần vẫn thế. Mang theo một ống đồng nhỏ xíu ở dưới chân, chú bồ câu nhảy nhót qua lại trước mặt Lê Hạo một lúc thì bị chàng tóm lấy.

Sau khi gỡ lấy bức mật thư do bồ câu mang đến, Lê Hạo cẩn thận quan sát xung quanh đến khi xác định không có ai đang theo dõi mình thì mới mở ra đọc.

Dòng chữ ngắn gọn ghi rằng:

- Lê Nghi Dân mang lễ vật đến chiêu dụ, lão thần chưa tỏ rõ chí hướng. Sắp tới xuất quân e có kẻ mai phục để săn rồng(*), xin báo tin để điện hạ tiện bề ứng phó. Đinh Liệt chi bút.

****

Lại nói về Lý Lăng, sau khi nhận lệnh vua điều tra hành tung của Lê Nghi Dân, chàng đã rất tích cực tra xét nhất cử nhất động của vị vương gia này chứ không chỉ là lịch trình vào hoàng thành thôi. Đọc lại ghi chép của đội vệ binh canh giữ bốn phía Đông Kinh (*), Lý Lăng không phát hiện ra điều gì bất thường cả, Lê Nghi Dân đều vào cung vào những buổi thiết triều hoặc cung yến, ngoài ra thì không rời khỏi trấn Lạng Sơn quá một ngày. Mà những lần ra khỏi trấn Lạng Sơn đều là bận công vụ theo yêu cầu của triều đình, tuyệt nhiên không có gì đáng ngờ.

Cho đến một hôm, Lý Lăng tình cờ phát hiện có một người tên là Phan Ban thường xuyên lui tới Sử Quán, có khi một tháng mà đến tận năm, sáu lần. Truy ra lý lịch thì hắn vốn là một gia nô của phủ Lạng Sơn Vương, sau này nhờ giỏi võ nghệ nên được Lê Nghi Dân tin tưởng giao cho việc bảo vệ trong ngoài của phủ vương gia.

Vì sao Phan Ban lại hay tới lui Sử Quán? Một tên võ phu như hắn nghiên cứu sử sách để làm gì? Phần nhiều là đi điều tra tin tức cho Lạng Sơn Vương thôi. Nghĩ đến đây, Lý Lăng cảm thấy khâm phục tài suy đoán của Lê Tuấn, Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân quả nhiên có âm mưu gì đấy mờ ám. Nếu muốn đọc tài liệu của Sử Quán thì cứ tự nhiên mà đến, việc gì phải nhờ một người gia nô đi thay?

Không thể chần chừ thêm, Lý Lăng mang theo lệnh bài vua ban đến thẳng Sử Quán để kiểm tra xem tên Phan Ban đó đã đọc những quyển sách nào.

Để giữ kín bí mật về thân phận của mình, Lý Lăng không mặc chế phục của chỉ thi vệ mà chỉ vận bộ giao lĩnh mày nâu kiểu dáng gọn gàng của một võ phu(*), đeo mặt nạ bằng đồng che một bên mắt như kẻ bị chột. Đến Sử Quán, Lý Lăng không vội lên tiếng, chỉ lặng lẽ đưa lệnh bài ra ngang mặt Ngô Sĩ Liên đang ngồi tại chiếc bàn canh gác. Nhìn người tráng sĩ mang mặt nạ che một mắt, thân hình cao lớn vạm vỡ đang cầm lệnh bài trong tay, Ngô Sĩ Liên đưa ra một chiếc chuông nhỏ ra rồi đọc ám hiệu đã được mật ban khi ông nắm giữ quyền hành quan trọng về việc ghi chép sử sách cho hoàng tộc:

- 随关门时间摇铃! (Sẽ rung chuông tùy theo giờ đóng cửa) (*)

- 黄铃摇就是换钥匙时对吗!(Khi chuông reo là lúc trả lại chìa khóa đúng không?)(*)

Nghe đúng ám hiệu cộng với chiếc lệnh bài trước mắt, Ngô sĩ Liên gật đầu rồi giao một chiếc chìa khóa cho Lý Lăng. Có được lệnh bài mật ban của vua, Lý Lăng có thể xem bất cứ sách vở nào trong Sử Quán mà không bị ai tra hỏi. Đầu tiên, chàng yêu cầu Ngô Sĩ Liên tìm một người có tên là Phan Ban thì kết quả lại khiến chàng rất bất ngờ. Vốn tưởng tên Phan Ban này sẽ tìm những ghi chép liên quan đên binh quyền trong tay các vị đại thần hoặc đường đi nước bước của vua, nhưng thật không ngờ rằng thứ hắn xem toàn là danh sách những vị thái y chăm sóc sức khỏe cho các cung phi thời Thái Tông Hoàng Đế.

Nhắc đến triều đại của Thái Tông Hoàng Đế, Lý Lăng lập tức nghĩ đến cuộc đấu tranh sống chết tranh ngôi thái tử vẫn thường nghe cha chàng kể. Kết quả của cuộc đấu tranh khốc liệt đó là phần thắng thuộc về Thái Hậu Nguyễn Thị Anh và đương kiêm Hoàng Thượng như ngày nay. Thoáng nghĩ đến việc ấy, Lý Lăng lại chép miệng nhớ đến lời đồn thổi vua Diên Ninh không phải huyết thống hoàng tộc. Chàng lờ mờ đoán ra ý đồ của Lê Nghi Dân: một là tìm ra chứng cứ đương kiêm Hoàng Thượng không phải con cháu họ Lê, hai là dựa vào đó để kết tội Thái Hậu năm xưa hãm hại hai mẹ con Lê Nghi Dân để giành ngôi thái tử. Nếu sự thật đúng như thế thì đoan chắc các vị đại thần sẽ nhất loạt buộc vua trả ngôi lại cho trưởng tử Lê Nghi Dân. Lý Lăng nheo mắt thì thầm trong cổ họng:

- Quả là mưu tính sâu xa!

Giữ trong tay Mật Vụ Lệnh Bài(*) của Lê Tuấn ban cho, Lý Lăng có thể bí mật vào được Sử Quán của Hoàng Cung mà không cần khai báo thân phận. Chàng cầm chìa khóa của Ngô Sĩ Liên giao cho rồi đi một mạch đến gian phòng chứa những tư liệu ghi chép về cung phi thời Lê Thái Tông.

Bước vào căn phòng kín đáo ít ánh sáng, Lý Lăng cảm nhận được cái lạnh lẽo do đã lâu ngày không ai lui tới. Chàng mở cửa sổ đón chút nắng, vừa để thông thoáng vừa để lấy ánh sáng mà đọc chữ. Dừng chân bên kệ sách ghi chép danh tính những vị thái y hầu hạ dưới thời tiên đế, quả nhiên Lý Lăng đã tìm được một người: "Thái y Châu Mẫn – người chăm sóc long thể cho Lê Thái Tông từ thuở mới lên ba. Cũng chính Châu Mẫn đã đích thân giám định rằng vua bị trúng độc mà băng hà. "

Hơn nữa, phần thân thế của Châu Mẫn lại có chép rằng: "Châu Mẫn là người huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, khi Nguyễn Thần Phi (*) vào cung ông được giao việc chăm sóc bà lúc thai nghén... "

Đọc đến đây, Lý Lăng cảm thấy như có cơn gió lạnh thổi vào sống lưng, chàng liếc mắt nghĩ ngợi hồi lâu, đoạn lại thì thầm lời thán phục dành cho Lê Tuấn:

- Cùng quê hương với Thái Hậu? Hoàng Thượng anh minh, Người đoán đâu là đúng đấy!

Lý Lăng lại đọc tiếp: "Quốc tang kết thúc, Châu Mẫn lấy lý do muốn theo canh giữ lăng mộ cho tiên đế để từ quan. Sau đó ông lui về Hựu Lăng ở Tây Kinh thờ phụng khói hương cho Thái Tông, chỉ ba tháng sau thì bỗng nhiên mất tích không rõ lý do, từ đấy không còn tin tức gì nữa."

Mười lăm năm trôi qua, Châu Mẫn năm ấy cũng chỉ gần ba mươi tuổi nên khả năng ông ta vẫn còn sống khỏe mạnh là rất cao, xem như manh mối vẫn chưa bị đứt đoạn. Dừng mắt lại trên đoạn ghi chép tin tức cuối cùng về Châu Mẫn, Lý Lăng nheo nheo đôi mắt, miệng lẩm bẩm:

- Tây Kinh, Hựu Lăng!

*****

Lê Tuấn định đi Tây Kinh là sự thật chứ không chỉ là cái lý do để báo cho Thu Đào biết về sự vắng mặt của chàng trong vài ngày sắp tới. Sau khi nghe Lý Lăng bẩm báo toàn bộ tin tức hắn điều tra được trong suốt thời gian qua, Lê Tuấn càng thêm nghi ngờ Thái Hậu có điều gì che giấu chàng. Hơn nữa, quả như chàng dự đoán, Lê Nghi Dân đã bắt đầu đi tìm chứng cứ chàng không phải là huyết thống hoàng tộc. Nếu để hắn tìm ra Châu Mẫn trước thì Lê Tuấn sẽ như cá nằm trên thớt, khó tránh được bị giết để giành lại ngôi báu. Vì vậy, chàng tự nhủ bằng mọi giá phải tìm ra Châu Mẫn trước Lê Nghi Dân để bảo vệ tính mạng của chính mình và Thái Hậu.

Vọng Nguyệt Lầu ở Thừa Càn Cung ban đêm gió thổi mát lạnh. Đứng nơi lầu cao làm Lê Tuấn có cảm giác tách biệt với thế giới xung quanh, không gian yên tĩnh khiến chàng có thể bình tâm suy nghĩ mỗi khi gặp vấn đề nan giải. Hôm nay cũng vậy, sau khi nghe Lý Lăng bẩm tấu chàng đã đứng lặng im ở đây rất lâu, từ lúc mặt trời còn đỏ rực phía trời Tây đến khi sao đêm mọc chi chít chật kín cả bầu trời.

Lý Lăng ở bên cạnh vua từ lúc chàng còn là một cậu bé, ngoài nghĩa quân thần ra thì tình thân như thủ túc cũng ngấm ngầm lớn lên trong lòng chàng. Sẽ không hề nói quá nếu ai đó gọi Lý Lăng là tâm phúc của Lê Tuấn. Từ lúc loạn đảng nổi dậy ở Tây Kinh với lý do giành lại ngôi báu cho con cháu họ Lê, Lý Lăng đã không ít lần chứng kiến Lê Tuấn tự nghi ngờ chính bản thân mình và lấy đó làm dằn vặt. Chàng rất không vui, và tự hứa với lòng sẽ dốc sức tìm ra sự thật để Lê Tuấn không còn ưu phiền nữa. Hôm nay, thấy vị vua chàng hết lòng tôn kính đang chìm sâu vào phiền não, Lý Lăng cảm thấy vô cùng bất nhẫn. Chàng vẫn đứng im sau lưng Lê Tuấn từ chiều đến bây giờ, cuối cùng không kiềm chế được mà lên tiếng:

- Hoàng Thượng, sao người phải tự dằn vặt mình như vậy chứ? Mạt tướng tin tiên đế không hồ đồ đến mức nhận lầm con mình. Mạt tướng mong tìm được Châu Mẫn để chính miệng ông ta nói Người chính là con cháu họ Lê, để Người được yên tâm. Chứ trong lòng Lý Lăng tiên đế không thể nào sai phạm việc hệ trọng như thế được, và Người chắc chắn là long chủng, tuyệt không thể sai được đâu Hoàng Thượng!

Nghe những lời chân thành của Lý Lăng, vị vua trẻ không khỏi cảm động mà quay đầu lại nhìn người bầy tôi trung thành. Ánh đèn dầu sáng choang rọi lên gương mặt Lê Tuấn và soi rõ nụ cười hiền hòa của một bậc minh quân. Lý Lăng cũng không ngần ngại mà nhìn thẳng vào mặt vua với ánh mắt khuyên lơn, phút giây này chàng chẳng mong gì hơn là được thấy vua an lòng để còn chuyên tâm lo việc quốc gia.

Lê Tuấn vỗ vai Lý Lăng một cách thân tình, đoạn kéo Lý Lăng ngồi xuống rồi tự tay rót cho hắn một chén trà. Lê Tuấn chậm rãi nói:

- Trẫm biết ngươi rất trung thành, Trẫm cũng từ lâu xem ngươi là anh em bạn hữu chứ không chỉ đơn giản là quân thần. Nhưng Lý Lăng à, ngươi phải hứa với Trẫm một việc...

Lê Tuấn dừng lại một chút để nhấp một ngụm trà, Lý Lăng thì ngồi nhìn vua nóng lòng chờ nghe vua phân phó.

Giọng nói đều đều, Lê Tuấn căn dặn:

- Nếu như sau này biết ra Trẫm không phải là con của tiên đế, ngươi nhất định không được có lòng oán hận tân đế. Trái lại, nếu ngươi còn làm quan ngày nào thì phải hết mực trung thành với tân đế ngày ấy, như vậy mới là người hiểu đại nghĩa, rõ chưa?

Lý Lăng than thở kêu lên:

- Sẽ không bao giờ như vậy đâu Hoàng Thượng, người nhất định là...

- Nếu thân phận của Trẫm không có gì uẩn khúc, thì vì sao Thái Hậu lại che giấu chuyện của Châu Mẫn? Châu Mẫn vì sao không dám ở lại hoàng cung mà chấp nhận đi giữ lăng mộ chứ? Ông ta không phải sợ Thái Hậu giết người bịt miệng thì là vì cái gì? – Lê Tuấn lên tiếng cắt ngang lời Lý Lăng.

Lý Lăng cúi đầu, bàn tay hắn nắm chặt thành quyền, bóp mạnh đến nỗi gân xanh nổi lên chằn chịt. Đoạn, hắn đột ngột quỳ xuống mà thưa:

- Hoàng Đế Đại Việt không phải là Diên Ninh, thì Lý Lăng sẽ không làm quan nữa!

Lê Tuấn đỡ Lý Lăng đứng dậy, chàng đấm vào ngực hắn một cái rõ mạnh rồi hai tay ôm lấy vai hắn. Đôi tay Lê Tuấn đặt trên vai Lý Lăng bóp chặt, chàng giữ nguyên tư thế ấy rất lâu, đến khi mỏi rả rời mới chịu buông lỏng. Đoạn, Lê Tuấn hướng mắt xuống dưới lầu gọi to:

- Đào Biểu, mang rượu lên đây cho Trẫm!

---- Hết chương 18 ----

Chú thích:

1. (*) Võ phu: Người học võ

2. (*)随关门时间摇铃!: Hai chữ đầu và cuối câu là随铃 khi phát âm ra giống với từ 谁令, nghĩa là "lệnh của ai?"

黄铃摇就是换钥匙时对吗: Hai chữ đầu 黄铃, khi phát âm giống với từ 皇令, nghĩa là "hoàng lệnh", ý nói " lệnh vua".

3. (*) Mật vụ lệnh bài: Lệnh bài do vua bí mật ban.

4. (*) Quê hương của Thái Tổ: chỉ Thanh Hóa, quê của Lê Thái Tổ - Lê Lợi.

5.(*) Săn rồng: Ý nói giăng bẫy để hại vua

6.(*) Đông Kinh: Cách gọi khác của Kinh Thành Thăng Long dưới thời Lê Sơ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro