Chương 17: Tìm Ra Dư Địa Chí

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 17: Tìm Ra "Dư Địa Chí"(*)

Sử Quán sau giờ ngọ không còn đông đúc, ngoài trừ đội vệ quân bảo vệ tư liệu sách vở ở đây thì trong đại sảnh chỉ còn lại hai vị quan thủ thư (*) đang chăm chú ghi ghi chép chép.

Nhác thấy hai người đang bước thẳng vào đại sảnh, một vị quan ngẩng đầu lên nhìn, ông ta giật nảy mình như gặp phải ma, lật đật đứng dậy chấp tay cung kính thưa:

- Hoàng...

Lúc ấy, Lê Tuấn lập tức chen vào cướp lời:

- Hoàng Thượng sai mạt tướng đến đây tìm một vài tư liệu, lệnh bài đây!

Vị quan thủ thư đón lấy lệnh bài trong tay chàng, ông ta dùng tay áo lau mồ hôi đang rịn ra trên trán rồi lắp bắp thưa:

- Dạ, xin... xin mời vào!

Thu Đào không để ý đến biểu cảm của quan thủ thư, nàng chỉ lo nhìn ngang ngó dọc, háo hức muốn xem Sử Quán thời Lê Sơ ra làm sao. Vừa nghe lời mời của ông ta nàng liền hớn hở nói:

- Được, mau đưa ta vào trong xem thử!

****

Thu Đào bước vào gian phòng rộng lớn chứa cơ man là sách vở đủ loại. Từ sách khắc trên thân tre cho đến sách dạng giấy, muôn hình vạn trạng, tất cả đều được sắp xếp gọn gàng trên giá có ghi chú đầy đủ thư mục và loại sách. Lê Tuấn nhìn vẻ mặt háo hức của nàng thì không nhịn được mà trêu ghẹo:

- Lần đầu tiên ta thấy kẻ mù chữ lại thích sách đó!

Thu Đào đanh mặt lườm chàng một cái, đoạn tự hào mà khoe:

- Ta không có mù chữ, chỉ tại nơi ta sống không dùng loại chữ này thôi! Mà nói cho ngươi hay, loại chữ viết mà ta biết vừa dễ học lại có hình dáng ký tự thống nhất với đa số các dân tộc trên thế giới này, thuận lợi cho việc phát triển văn hóa, kinh tế, giáo dục lắm đấy! Hoàng Thượng mà nghe qua chắc chắn sẽ bái ta làm thầy!

Lê Tuấn nhìn vẻ dương dương tự đắc của Thu Đào và một lý luận nho nhỏ có vẻ hợp lý thì tò mò lắm, chàng nghiêng đầu hỏi:

- Hay ho như vậy à? Đó là loại chữ viết gì?

- Chứ sao? Vểnh tai lên mà mở mang đầu óc này, đó là chữ viết theo ký tự La-Tinh, dễ học dễ viết. – Thu Đào giảng giải.

Lê Tuấn lại thêm một ngạc nhiên khác, chàng lắp bắp lặp lại cái từ ngữ lạ lùng:

- La... tinh?

Chàng nhíu mày suy nghĩ một lúc lâu rồi hỏi tiếp:

- Nàng thấy chữ Hán và chữ Nôm của Đại Việt ta khó học lắm sao?

Không cần đợi thêm giây nào, Thu Đào liền ào ào mà bày tỏ nỗi lòng:

- Lại còn không khó à? Nét ngang nét dọc, một từ lắm nghĩa nữa! Nhắc tới thôi là đau đầu!

Lê Tuấn lại tiếp:

- Chữ "Latinh" thì không cần nhớ nét à?

Thu Đào lại gật gù giải thích:

- Đúng rồi, cả thảy chỉ có hai mươi bốn ký tự, theo đó mà ghép âm ghép vần thôi, âm gì cũng có thể ghép ra, đầu óc chậm chạp cách mấy cũng có thể nhanh chóng nhớ được trong vòng vài tháng! Ngươi nghĩ xem, như vậy có phải là cả nước ai cũng có thể biết chữ không?

Lê Tuấn lần đầu tiên nghe qua hệ tư tưởng tiến bộ của thế hệ kỷ hai mươi mốt thì đầu óc như được ai thắp đuốc sáng bừng. Mặc dù chưa được tận mắt thấy loại chữ viết ưu việt mà Thu Đào kể, nhưng với một người đã quen học chữ Hán và chữ Nôm với hơn hai trăm bộ thủ ghép lại mà thành, thì việc chỉ cần dùng hai mươi bốn ký tự để ghi chép tất cả các âm đọc quả nhiên là một sáng kiến mang tính đột phá. Tư duy cầu tiến của một bậc quân chủ khiến chàng háo hức muốn học hỏi, khám phá. Lê Tuấn vừa tò mò vừa van lơn, nói:

- Nàng có thể dạy ta loại chữ đó được không?

Thu Đào liếc mắt nhìn chàng một cái rồi dùng giọng kẻ cả ra điều kiện:

- Được thôi, nhưng trước tiên ngươi phải đọc cho ta nghe bất cứ loại sách gì ta muốn, mỗi tháng hai quyển, không được thiếu một trang!

- Tuân lệnh! – Lê Tuấn vui mừng đáp ngay.

Vẻ mặt đắc ý, Thu Đào gật gù hài lòng.

Nàng tạm gác việc nhận "đệ tử" sang một bên, tiếp tục đi loanh quanh xem khắp nơi một lượt rồi tình cờ dừng lại ở một giá sách nằm trong cùng, cạnh vách tường. Một vài quyển sách cũ kỹ nằm ngay ngắn trên giá, bụi đã kịp bám một lớp mỏng chứng tỏ đã lâu chưa ai chạm vào.

Thu Đào đưa tay phủi phủi, bụi được ống tay áo của nàng quạt vào một cơn gió nhẹ nên đồng loạt bay lên làm nàng ho sặc sụa. Nghe tiếng ho, Lê Tuấn vội bước đến dùng tay phe phẩy cho đỡ bụi, tay còn lại kéo nàng ra khỏi khu vực bụi bặm. Trong lúc vô tình, lưng Lê Tuấn chạm vào một giá sách cũ kỹ làm vài quyển rơi ra nằm la liệt dưới đất.

Thu Đào vội ngồi xuống cùng chàng nhặt lên. Quyển sách bìa màu nâu nhạt có ghi ba chữ "輿地誌"ở góc trên cùng bên phải đập vào mắt làm nàng hiếu kỳ nhặt lên xem thử.

Thu Đào nheo nheo mắt rồi cố đọc ra từng chữ một:

- Hưng... Địa... Chí!

Tiếng phì cười của Lê Tuấn làm nàng đỏ mặt, Thu Đào hậm hực:

- Ta đọc sai à?

Cố gắng giữ cho mình không cười tiếp, Lê Tuấn tằng hắng vài cái rồi dùng ngón tay chỉ vào chữ 輿, nói:

- Đây là chữ "Dư", hơi giống chữ Hưng nên nàng nhầm rồi. Đây là quyển "Dư Địa Chí"

Đôi mắt Thu Đào phụt sáng lên một tia nhìn khó hiểu, nàng nhìn trân trân vào mặt Lê Tuấn, lắp bắp:

- Dư Địa Chí của... của Nguyễn Trãi?

Lê Tuấn khẽ nhíu mày, chàng gật gù vẻ hài lòng, nhưng lại như có điều khó hiểu, bèn hỏi:

- Kiến thức của nàng cũng không phải quá kém, thế mà lại không biết chữ? Lạ thật!

Một niềm xúc động trào dâng trong lồng ngực, Thu Đào rung rung nâng niu quyển sách. Nàng không hiểu tại sao khi biết đây là Dư Địa Chí nổi tiếng trong sử sách thì cảm thấy lòng dạ nao nao hoài niệm, cứ như đang cầm kỷ vật của ai đó rất thân thương trong tay. Bất giác, Thu Đào nghe khóe mắt cay cay, nàng không hiểu nổi chính mình vì sao lại xúc động đến như vậy. Thu Đào rung giọng hỏi:

- Đây... là thân bút của Nguyễn Trãi?

Lê Tuấn nhìn vẻ mặt tràn đầy cảm xúc của nàng mà cảm thấy vô cùng khó hiểu, tuy vậy chàng vẫn nhiệt tình hồi đáp:

- Đúng vậy, Hoàng Thượng đọc qua những quyển sách của Nguyễn Trãi biên soạn thì rất cảm phục văn tài của ông ta. Tiếc thay, lại vì người đàn bà mà danh tiếng cả đời tiêu tan. Vì trân trọng những quyển sách do chính tay Nguyễn Trãi viết nên Hoàng Thượng đặc biệt tự tay chép lại một bản để đọc lúc cần, nguyên gốc thì mang đến nơi này cất giữ. Không ngờ mấy tên lười biếng này lại không siêng năng lau chùi để bụi bặm thế này! Ta sẽ về bẩm lại với Hoàng Thượng trị tội đám biếng nhác này!

Một giọt nước mắt lăn dài trên má làm Thu Đào ngạc nhiên khôn xiết, nàng đưa tay quệt lấy rồi nhìn chăm chú vào giọt nước trong suốt trên đầu ngón tay mình. Lê Tuấn thấy nàng khóc thì càng ngạc nhiên hơn, chàng nhíu mày hỏi:

- Nàng có quen biết với gia quyến của Nguyễn Trãi không? Sao lại cảm thương đến như vậy?

Thu Đào ngước nhìn chàng bằng đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ, nàng thành thật nói:

- Ta cũng không biết vì sao lại thấy buồn bã thế này!

Không gian chìm vào im lặng một lúc lâu thì tiếng thở dài của Lê Tuấn phá tan sự tĩnh mịch ấy, chàng nhìn Thu Đào với ánh mắt của một người đồng cảm, kể rằng:

- Thật ra vụ án của Nguyễn Trãi còn nhiều uẩn khúc, đến nay Hoàng Thượng vẫn không tin ông ta có lý do gì để mưu hại tiên đế cả! Chuyện của vị công thần khai quốc này cũng khiến cho nhiều người thương cảm lắm, nàng chắc cũng vì nghĩ cả gia tộc ông ta bị chết oan mà chạnh lòng thôi!

- Năm xưa Thái Hậu đã nhận định như thế nào mà xử tru di ba đời của Nguyễn Trãi vậy? – Thu Đào hỏi giọng tò mò.

Lê Tuấn chậm rãi cầm quyển Dư Địa Chí lên đặt lại vị trí cũ, chàng hít một hơi sâu rồi nói với giọng điệu man mác nỗi áy náy:

- Năm xưa Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ thức hầu tiên đế lúc người đến ngự ở chùa Côn Sơn rồi mất. Các quan đại thần nhất loạt cho rằng Nguyễn Trãi và vợ âm mưu giết vua.

- Ông ta giết vua vì mục đích gì? – Thu Đào hấp tấp hỏi.

Thật ra câu hỏi của Thu Đào cũng chính là điều chàng thắc mắc bấy lâu nay. Lê Tuấn bất giác muốn san sẻ mọi suy nghĩ của mình nên bộc bạch hết với Thu Đào. Hai người chọn một góc yên tĩnh trong thư quán, giọng Lê Tuấn vang lên đều đều dần dần đưa Thu Đào vào câu chuyện của mười lăm năm trước.

Theo lời của Thái Hậu, năm xưa cả triều đình cho rằng Nguyễn Trãi được vua cho vời ra làm quan sau thời gian ở ẩn thì lấy làm đắc chí, cho rằng mình là người tài năng xuất chúng nên thái độ với vua quan triều đình không đúng mực.

Trong vụ án bảy tên trộm vào tháng ba năm , ông tranh cãi với và về việc xử lý bảy tên ăn trộm ít tuổi can tội tái phạm. Ông khuyên nên nhân nghĩa:

- "Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người, e không phải là hành vi của bậc đại đức".

Nhưng khi Lê Sát và Lê Ngân đề nghị ông dùng nhân nghĩa cảm hóa kẻ trộm thì ông từ chối. Cuối cùng xử chém hai tên, còn lại năm tên thì xử lưu đày.

Sau vụ án đó, Nguyễn Trãi cảm thấy không còn chung chí hướng với vua và các đại thần trong rất nhiều vụ việc khác, ông cho rằng mình bị cô lập nên ngấm ngầm bất mãn.

Mãi đến khi Thái Tông đi duyệt quan ở núi Chí Linh, Nguyễn Trãi mời vua về ngự ở chùa Côn Sơn nghỉ ngơi thì băng hà. Ai nấy đều cho rằng ông ta cố tình giết vua trước khi bị phế đi quan vị.

Nghe đến đây, Thu Đào bỗng đứng bậc dậy phản bác:

- Vô lý! Thứ nhất, nếu Nguyễn Trãi quan tâm đến quan vị như vậy thì ông ta đã không ba lần bảy lượt cáo quan về quê để cầu bình an. Thứ hai, lúc đó Nguyễn Thị Lộ đang được tiên đế hết mực tín cẩn, tiên đế là chỗ dựa của bà ta và của Nguyễn Trãi, sao họ có thể vì nỗi lo lắng vu vơ mà đi đến quyết định giết vua chứ? Muốn giết người thì phải có động cơ đủ mạnh, huống chi đây là giết vua đó! Giết vua mà bất thành thì hậu quả không lường. Nguyễn Trãi học cao hiểu rộng, ông ta nhất định không làm việc hồ đồ như thế! Vô lý, vô lý lắm!

Phân tích của Thu Đào giống hệt như những gì Lê Tuấn đã nghĩ. Ngặt vì chàng lúc đó chỉ mới một tuổi, mọi việc đều chỉ được nghe kể lại. Đã không ít lần khi lật lại ghi chép về vụ án chàng đã chép miệng tiếc rẻ cho một bậc anh tài. Có nói thế nào Lê Tuấn vẫn không tin Nguyễn Trãi lại giết vua cha của chàng.

Nhưng, án đã định, ba họ nhà Nguyễn Trãi cũng đã bị chém, đến nay mọi chứng cứ gần như không còn lại chút gì, chàng muốn minh oan cho vị đại thần này thật là khó hơn lên trời. Hơn nữa, người ra ý chỉ tru di tam tộc Nguyễn Trãi lại chính là mẹ ruột của chàng, Thái Hậu Nguyễn Thị Anh. Giải oan cho Nguyễn Trãi thì phải có cả lời giải thích hợp lý vì sao năm xưa Thái Hậu lại quyết định nhẫn tâm như vậy. Việc bảo vệ thanh danh cho Thái Hậu e là còn khó hơn cả việc minh oan cho Nguyễn Trãi. Không thể toàn vẹn đôi đường, bao năm nay Lê Tuấn gần như lực bất tòng tâm trước vụ án oan khuất này.

Cứ như vậy, mười lăm năm nay con cháu Nguyễn Trãi phải mang tiếng là dòng dõi kẻ tội thần, họ phải thay tên đổi họ sống chui rút ở khắp nơi trên lãnh thổ Đại Việt, mỗi lần nghĩ đến Lê Tuấn đều cảm thấy chạnh lòng thương cảm. Nên từ khi lên nắm triều chính, dù vẫn có tiếng là truy nã con cháu của Nguyễn Trãi về quy án, nhưng sự thật Lê Tuấn vẫn luôn thả lỏng không đốc thúc điều tra, cũng chẳng đặc biệt giao phó nhiệm vụ này cho một người nào cả. Bởi chàng muốn tha cho con cháu Nguyễn Trãi một con đường sống chờ ngày được rửa oan.

Thấy Lê Tuấn im lặng không nói gì, Thu Đào ngồi xuống đối diện chàng mà hỏi:

- Ngươi có biết Hoàng Thượng nghĩ sao về việc này không?

Lê Tuấn nhìn nàng, đôi mắt có mang một ý cười sâu lắng vì tìm được người có cùng suy nghĩ, chàng nhẹ nhàng đáp:

- Hoàng Thượng cũng nghĩ như nàng!

- Thế sao không minh oan cho ông ta? – Thu Đào lại gấp gáp hỏi.

Vừa định khen Thu Đào là người có tâm tư sâu sắc, suy nghĩ thấu đáo này nọ, nhưng câu hỏi vô tri của nàng đã làm Lê Tuấn thức tỉnh. Chàng nhếch miệng cười, thầm nghĩ nàng rốt cuộc vẫn chỉ là một cô gái đơn thuần, làm sao hiểu hết được nỗi khó xử của một quân vương chứ!

Cảm thấy có giải thích cũng khó lòng nói cho nàng thông hiểu tường tận, Lê Tuấn bèn mượn cớ thoái thác câu trả lời:

- Thánh ý khó đoán, trên vai người là cả thiên hạ chứ đâu chỉ có mỗi gia đình Nguyễn Trãi!

Thu Đào thất vọng bĩu môi:

- Không biết thì cứ nói đại cho rồi, bày đặt "Thánh ý khó đoán"!

Lê Tuấn liếc nàng một cái rồi đặt quyển "Hoàng Thành Thực Lục" ra trước mặt nàng, giọng khinh khỉnh hỏi:

- Hôm nay nàng đến đây để nghe chuyện của Hoàng Thượng hay là nghe chuyện của Nguyễn Trãi?

- Chuyện Hoàng Thượng nghĩ sao về vụ án của Nguyễn Trãi!

Câu trả lời nước đôi tham lam của Thu Đào làm Lê Tuấn tức đỏ mặt, chàng híp mắt trách móc:

- Trên đời chưa thấy cô gái nào gian manh như nàng! Thôi không nói chuyện phiếm nữa, cứ y theo mục đích ban đầu mà làm, bắt đầu từ ghi chép về Hoàng Thượng vậy!

Thấy gian ý của mình bị Lê Tuấn đoán trúng, Thu Đào chỉ đành bất lực nghe theo lời hắn. Vả lại nàng còn nhiều thời gian để tìm hiểu về cả hai nhân vật này nên chẳng có gì phải vội. Nghĩ vậy, Thu Đào liền nhìn Lê Tuấn mà đưa ra yêu cầu:

- Đọc cho ta nghe một đoạn giai thoại nào đó về Hoàng Thượng đi!

Chàng gật gù, đôi tay lật giở từng trang sách nghe loẹt xoẹt trước đôi mắt háo hức của Thu Đào.

Chuyện rằng:

"Tiết Trùng Dương năm Diên Ninh thứ hai (1455), quân vương Đại Việt tròn mười bốn tuổi. Năm đó có sứ thần Minh triều sang thương thảo chuyện mua bán vải vóc giữa hai nước, gặp đúng dịp cung yến nên được Thái Hậu và Hoàng Thượng mời dự yến.

Biết được người phương Bắc rất tin vào phong thuỷ thiên tượng, họ cho rằng sáu và chín là những con số may mắn nên sau khi dùng các món chính của yến tiệc, Thái Hậu đã chuẩn bị một bàn điểm tâm đặc biệt gồm chín đĩa điểm tâm, sáu đĩa hoa quả đặc sản của Đại Việt để thiết đãi sứ thần. Chẳng biết thế nào mà đĩa bánh trôi bột nếp lại biến mất, thành ra điểm tâm chỉ còn lại tám đĩa. Đến lúc Thái Hậu mời sứ thần dùng điểm tâm, ông ta đã chú ý đến số lượng đĩa đang được bày biện và hỏi một câu khiến Thái Hậu phải bất ngờ:

- Bẩm Thái Hậu, bổn sứ ta xưa nay rất quan tâm tìm hiểu nền văn hoá của quý quốc, nay được thiết đãi yến tiệc long trọng, trong lòng bổn sứ cảm kích tấm thịnh tình của quý quốc vô cùng. Nhưng thứ lỗi cho ta hiểu biết nông cạn, xin Thái Hậu khai sáng cho một việc. Theo như nghi thức thông thường, bổn sứ hay được thiết đãi chín đĩa điểm tâm, sáu đĩa hoa quả biểu trưng cho vĩnh cửu, tài lộc. Tại sao lần này lại là tám và sáu?

Thái Hậu nghe xong mặt biến sắc, bối rối không hiểu vì sao chỉ còn có tám? Nhưng chẳng lẽ lại đi thừa nhận với sứ thần rằng do cung nhân sơ suất để thiếu sót? Mà nếu không phải thế thì biết nói sao?

Lúc ấy, Hoàng Thượng liền ôn tồn đứng lên, hai bàn tay mười ngón đan lại ngay ngắn đưa lên ngang mặt, hành lễ rất đúng mực với sứ thần phương Bắc, rồi chậm rãi nói với sứ thần bằng tiếng Hán một cách trôi chảy:

- 这儿是朕的主意的。听说在贵国所地方有一个叫广东。在广东方言, "八" 和 "発","六"和"禄" 的发音是一样的!所以用广东方言来发音八六就是"発禄",盛好的意义对吗?(Đây là chủ ý của Trẫm. Nghe nói ở quý quốc có một địa phương gọi là Quảng Đông, trong tiếng Quảng Đông thì chữ "tám" và chữ "phát" đồng âm, chữ "sáu" và chữ "lộc" đồng âm. Như thế thì "sáu tám" phát âm ra là "Phát Lộc", mang ý nghĩa rất tốt đúng không?)

Sứ thần nghe xong rất lấy làm nể phục Quốc Vương Đại Việt, hết lời khen ngợi nhà vua tuổi trẻ tài cao, chẳng những phong thái nho nhã anh tuấn mà còn am hiểu sâu rộng. Tiếng phương Bắc không phải ai cũng nói được trôi chảy như thế, thân là quân chủ một nước quả không thẹn với văn võ bá quan trong triều, ai nấy đều muôn phần bội phục Diên Ninh Hoàng Đế của họ"

Thu Đào nghe xong liền trố mắt hỏi:

- Hoàng Thượng nói được tiếng Hán? Lại nhanh trí đối đáp như thế, hẳn là rất tài năng!

Lê Tuấn không tiện thừa nhận quá lộ liễu, bản chất khiêm nhường chỉ cho phép chàng được gật đầu một cái nhẹ nhàng sau lời khen của Thu Đào.

*****

Những ngày sau đó, sau mỗi buổi học Lê Tuấn đều đưa Thu Đào đến Sử Quán đọc sách hết một canh giờ mới chịu về nhà(*), cũng nhờ vậy mà vốn chữ nghĩa của Thu Đào cũng tiến bộ rõ rệt, nàng thỉnh thoảng vẫn có thể tự đọc được những câu chữ đơn giản ngoài bìa sách hoặc bảng hiệu của những cửa hàng ngoài phố chợ. Tình cảm của Lê Tuấn và Thu Đào cũng vì tiếp xúc lâu ngày mà càng lúc càng trở nên khắn khít, Thu Đào cũng chẳng biết từ bao giờ mà nàng đã thôi không còn ghét cái tên thị vệ lắm trò ngang ngược ấy nữa. Thậm chí mỗi khi hắn sai Lý Lăng đến truyền tinh rằng bận công vụ không thể đến được trong vài ngày thì Thu Đào thấy trong lòng bức bối như thiếu thiếu thứ gì.

Thấm thoắt đã qua ba tháng.

Còn mười ngày nữa là đến Trung Thu. Dù sao thì ba tháng ở đây Thu Đào vẫn luôn được sống trong tình thương yêu của phu phụ Nguyễn Đức Trung, Thu Hằng tuy không quá thân thiết nhưng cũng là một người em gái đáng để học hỏi, nên để trả ơn họ, Thu Đào quyết định cho họ một cái Tết Trung Thu kiểu thế kỷ hai mươi mốt để khỏi sống uổng một kiếp.

Nghĩ là làm, Thu Đào bắt đầu từ việc trang trí phủ đệ bằng lồng đèn ông sao. Nàng định bụng sẽ rủ rê Lê Tuấn cùng đi đốn tre về vót, chưa kịp thông báo với hắn thì Lý Lăng lại đến phủ báo tin Lê Tuấn theo Hoàng Thượng đi Tây Kinh công vụ đến Trung Thu mới trở về. Thất vọng, Thu Đào buồn bã tự nhủ:

- Xem như ngươi không có phước được hưởng thú vui dán lồng đèn này vậy! Thôi bỏ đi, làm với Xuân Mai cũng được rồi!

Sau khi nói rõ ý định, Thu Đào được Xuân Mai mách nước là phía sau hậu viện của chùa Huy Văn là một rừng tre xanh tốt. Muốn đốn tre thì không đâu tốt bằng nơi ấy. Vì muốn tạo bất ngờ cho mọi người trong phủ, chuyện vót tre làm lồng đèn này chỉ có Thu Đào và Xuân Mai biết, ngoài ra ai hỏi cũng chỉ mỉm cười ra vẻ bí hiểm. Nguyễn Đức Trung gặng hỏi nhiều lần Thu Đào vẫn tuyệt nhiên không tiết lộ khiến ông chỉ đành cười xòa bó tay. Tuy vậy vẫn cho ba bốn gia nô khỏe mạnh theo cùng để giúp đỡ tiểu thư đốn tre chở về phủ.

Buổi sáng hôm ấy, trụ trì chùa Huy Văn vui vẻ đón tiếp đoàn người đến xin tre của Thu Đào, ông còn tận tình hướng dẫn tre chỗ nào là xanh tốt nhất để Thu Đào tha hồ lựa chọn. Xong đâu đấy, trụ trì liền trở vào căn dặn các đệ tử chuẩn bị trà nước cho đoàn người của đại tiểu thư phủ Điện Tiền, ai nấy đều tất bật đi qua đi lại, mang bánh pha trà trước cửa thư phòng làm Lê Hạo đang ngồi đọc sách cũng phải chú ý nhìn ra. Nghe một chú tiểu báo rằng tiểu thư phủ Điện Tiền đến xin tre về làm đèn lồng Trung Thu, Lê Hạo thấy tò mò lắm. Chàng nhớ về mùa Thu năm ngoái, có một lần Thu Đào không biết học từ ai mà nghĩ ra cái trò xông trầm hương trong lồng đèn rồi treo ở phòng đọc sách để giúp định thần dưỡng khí gì đấy. Nàng đã một hai đòi thắp một chiếc lồng đèn trong thư phòng này cho chàng, hậu quả là đã làm cháy mất của chàng cả cái rèm cửa và một giá sách to. Bất giác mỉm cười, Lê Hạo thầm nghĩ:

- Nàng mà động vào lửa thì sẽ có hỏa hoạn ngay! Không biết năm nay sẽ làm cháy mất thứ gì nữa đây?

Rừng tre sau hậu viện buổi sớm không khí rất trong lành. Mùi lá tre ngọt lịm thoang thoảng trong tiết trời se se khiến Lê Hạo không cầm lòng được mà hít sâu vài hơi. Chàng mặc bộ giao lĩnh màu trắng đục, chân mang hài đen, đầu đội mũ vải giản dị kiểu học trò, chầm chậm tiến đến chỗ nhóm người của Thu Đào đang cắm cúi đốn tre.

Thu Đào đang ngẩng đầu nhìn lên chọn những cây tre không quá già cho dễ vót, chợt nghe tiếng bước chân đạp trên lá khô xào xạc ngay sau lưng nên quay lại nhìn. Lê Hạo xuất hiện trước mặt nàng thật điềm đạm nho nhã. Không biết có phải do dư âm của ký ức đẹp đẽ lúc nãy chàng vừa nhớ lại hay không, mà Lê Hạo lại nở một nụ cười cực kỳ hiếm hoi rồi nhìn Thu Đào nói:

- Nàng muốn đốn tre làm lồng đèn à?

Thu Đào ngạc nhiên vì Lê Hạo hôm nay không còn vẻ lạnh lùng như thường khi, nhưng nàng không có thời gian nghĩ nhiều, cũng không tiện mà tìm hiểu nên chỉ đơn giản là gật đầu đáp trả:

- Phải!

Phải nói rằng sau cái hôm tạm biệt trước cổng phủ đệ, đây là lần đầu tiên Lê Hạo chủ động bắt chuyện với Thu Đào. Nàng cũng mãi đến hôm nay mới lại mặt đối mặt trò chuyện cùng chàng. Tuy vậy, nét thân thiện này của Lê Hạo lại cứ như hai người họ đã thân thiết từ rất lâu và chưa bao giờ có sự xa cách nào.

Sau lời hỏi thăm, Lê Hạo xắn tay áo lên rồi chọn lấy một con dao. Chàng lại vui vẻ mở lời:

- Ta giúp nàng một tay!

Dù có ngạc nhiên đôi chút nhưng Thu Đào cũng thuận theo mà gật đầu. Cả nhóm người cứ thế mà đốn một lúc được gần chục cây tre nhỏ.

Đang mãi miết đốn hạ một cây tre khá to, vành tai Lê Hạo bỗng nhiên giật lên vài cái vì nghe thấy âm thanh lạ.

Phập, phập, phập...

Tiếng lưỡi dao cắm vào thân tre đang đều đặn có lực bỗng chốc trở nên chan chát như chém nhầm chỗ. Lê Hạo đoán chắc đây là một lưỡi dao đang bị nới lỏng khỏi cán, chỉ cần vài nhát nữa thôi e là lưỡi dao sẽ văng ra mất thôi.

Nhận thức được điều nguy hiểm, Lê Hạo nhanh mắt nhìn theo nơi phát ra âm thanh, vừa lúc ấy người gia nô đang vung con dao lỏng cán lên để bổ xuống nhát cuối cùng. Đúng như Lê Hạo dự đoán, cái lưỡi dao bị hất tung lên rồi bay thẳng đến Thu Đào đang ngồi đối diện.

Xuân Mai lúc ấy cũng nhìn thấy nên kêu lên:

- Tiểu thư, coi chừng!

Thu Đào nghe gọi thì lập tức ngẩng đầu lên, nàng chỉ kịp nhìn thấy lưỡi dao đang lao vun vút về phía mình thôi chứ hoàn toàn không có năng lực né tránh.

Bụp!

Lưỡi dao bay đến cắm phập vào một bàn tay chắn ngang trước mặt Thu Đào. Ai nấy như bị điểm huyệt đứng hình mất mấy giây, cho đến khi nghe tiếng Thu Đào kêu lên thất thanh:

- Lê Hạo!

---- Hết chương 17 ----

Chú thích:

1(*) Dư Địa Chí: Dư địa chí, còn gọi là Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí, Đại Việt địa dư chí, An Nam vũ cống, Nam Quốc vũ cống hoặc Lê triều cống pháp, là sách địa chí do Ức Trai Nguyễn Trãi, danh thần của nhà Hậu Lê, biên soạn vào năm 1435.

2(*) Thủ Thư: Chức quan quản lý sách vở trong thư viện.

3(*) Một canh giờ: Hai tiếng đồng hồ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro