Chương 16: Dưới Bóng Cây

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lê Tuấn ngồi xuống bên cạnh Thu Đào, chàng đưa mắt liếc sang để dò xét xem nàng có con giận chuyện "lỡ tay" lần trước hay không. Thấy Thu Đào có vẻ còn bực, chàng cười cười giải thích về sự có mặt của mình trong lớp học:

- Ta vẫn thường theo lệnh Hoàng Thượng đến xem tình hình học tập của các vị vương tôn công tử thôi!

Thu Đào lộ nét mặt chê bai:

- Sao? Ngươi đến xem người ta học hành thế nào à? Vậy chắc ngươi hay chữ lắm nhỉ?

Lê Tuấn phất tay áo chỉnh lại dáng ngồi ngay ngắn, ra vẻ bắt đầu chú ý đến lời giảng của Ngô Sĩ Liên, chàng điềm nhiên nói:

- Cũng tàm tạm thôi!

Ống tay áo của Lê Tuấn phất lên mang theo một làn gió dịu dàng đáp lên mặt Thu Đào. Hương thơm đặc biệt quen thuộc vờn quanh cánh mũi làm nàng chợt nhớ đến lần đầu tiên gặp Lê Tuấn ở phủ đệ. Không hiểu sao mỗi lần nghe hương thơm này Thu Đào lại thấy lòng bình yên không chút gợn sóng, cái nôn nao vừa lạ lẫm vừa như thân thuộc từ thuở nào khiến nàng nghe nhói trong tim một chút. Đôi lông mày lá liễu khẽ nhíu, nàng bất chợt tự hỏi mình:

- Mình... có từng quen biết người này không nhỉ?

Lúc đó, giọng nói khảo bài của Ngô Sỹ Liên cất lên cắt ngang dòng suy nghĩ của Thu Đào:

- Có ai đã vẽ xong tranh và đề thơ như thầy đã dặn chưa?

Cả lớp im phăng phắc, kẻ vò đầu bứt tay, người giả vờ chăm chú nhìn sách đọc mà mồ hôi rịn ra ướt trán, chỉ cầu sao không bị thầy gọi trúng tên. Thu Đào nhìn không khí lớp học mà phì cười, thầm nghĩ hóa ra từ xưa đến nay việc trả bài luôn là cơn ác mộng với học trò. Nàng huých cùi chỏ vào người Lê Tuấn, hỏi nhỏ giọng châm chọc:

- Ngươi có "làm bài tập về nhà" không, trả lời thầy đi chứ!

- Ta chỉ đến dự thính thôi! – Lê Tuấn điềm nhiên đáp

Môi dưới chìa dài hơn hẳn so với môi trên, nàng khinh khỉnh nhìn Lê Tuấn bằng nét mặt chê bai, tự nói thầm:

- Viện cớ để khỏi mất mặt chứ gì?

Dù rất muốn trêu chọc tên thị vệ này để hả giận, nhưng Thu Đào tự biết thân phận cũng chẳng khá khẩm hơn người ta cái khoản chữ nghĩa nên đành ngậm miệng chờ dịp khác.

Lại nói về Ngô Sỹ Liên, ông nhìn khắp lớp một lượt vẫn không thấy ai dám đứng lên xung phong thì có hơi thất vọng, đoạn ông nhìn Lê Hạo với ánh mắt tràn đầy niềm tin, nói:

- Tứ Điện Hạ, chắc hẳn đã viết ra một bài thơ rồi nhỉ? Xin cho thần và các học trò cùng thưởng thức!

Lê Hạo đứng lên chậm rãi, ánh mắt chàng dừng lại giữa khoảng không như đang quan sát cảnh trí mà chàng đã tự vẽ ra trong tâm thức. Nét mặt điềm nhiên thư thái, chàng cất giọng đều đều:

"Dìu dịu lam điền ngọc mới tương (1)*

Hồ thanh, sắc ánh, mặt dường gương

Ngọc in làm dáng tiền sơ đúc (2)*,

Chàm nhuộm nên màu tán chửa giương.

Lạt biếc mới khai mày Thái Mẫu (3)*,

Thắm hồng còn kín má Vương Tường (4)*.

Khách thơ hứng nghĩ hiềm(5)* chưa đủ,

Mười trượng hoa thì mười trượng hương!"

Lời đọc vừa dứt, cả lớp nổ ra một tràng pháo tay vang dội.

Ngô Sỹ Liên gật gù tán thưởng:

- Bình Nguyên Vương triều ta quả nhiên văn võ song toàn!

Đoạn, ông ta kín đáo nhìn sang Lê Tuấn và chúc tụng một câu đầy ẩn ý:

- Thật là phúc của quốc gia, Hoàng Thượng sẽ rất vui mừng!

Lê Hạo cúi đầu trộm nhìn sang anh trai rồi khiêm nhường mà nói với Ngô Sỹ Liên:

- Ngô Tư Nghiệp quá khen!

Thấy em trai có văn tài hơn người thì Lê Tuấn rất hài lòng, chàng lim dim đôi mắt gật gù như mãi còn đang đắm chìm trong từng câu thơ mượt mà. Bỗng ánh mắt Lê Tuấn sáng lên, chàng tò mò hỏi:

- Chẳng hay Bình Nguyên Vương định đề bài thơ này lên bức tranh nào chưa? Mạt tướng có phúc được chiêm ngưỡng một chút không?

Vốn đã được Lê Hạo ám chỉ trước về thân phận của Lê Tuấn nên Thu Hằng vẫn luôn dán mắt vào chàng kể từ lúc Lê Tuấn bước vào lớp. Nay chính miệng vua thốt ra lời đề nghị xem tranh thì đối với Thu Hằng đó là thánh chỉ. Một vì nể sợ, một vì lấy lòng vua, hơn nữa bức tranh lại đang nằm trong tay mình, Thu Hằng hít một hơi sâu lấy tinh thần, xem như chưa biết thân phận của chàng mà ra vẻ tự nhiên nói:

- Đây! Là bức thủy mặc này!(*6)

Thu Hằng mở bức tranh ra cho cả lớp cùng xem. Ai nấy đều xuýt xoa tán thưởng không tiếc lời.

Lê Tuấn ngắm bức tranh một chút rồi bước đến gần Thu Hằng khiến nàng sợ sệt cúi đầu. Nhìn thái độ của Lê Tuấn, Thu Hằng hiểu ý chàng nên hai tay dâng bức tranh lên, giọng nói rung rung:

- Mời... Lê công tử!

Lê Tuấn khẽ gật đầu, ánh mắt không dừng lại trên gương mặt xinh đẹp của Thu Hằng quá một giây, đoạn chàng đón lấy bức tranh mang về bàn của mình, cầm bút lên và bắt đầu viết.

Loáng một cái, tám câu thơ vừa được Lê Hạo đọc ra đã được đề chữ ngay ngắn, nét chữ gọn gàng ngay ngắn nhưng lại rất mềm mại thanh lịch. Thoạt nhìn là biết ngay cũng phải là người văn hay chữ tốt mới viết được những con chữ sáng sủa như thế.

Ngô Sỹ Liên vuốt râu gật gù, ánh mắt không giấu nổi sự thán phục dành cho vị quân chủ của mình.

Lê Hạo bước đến nhìn một lượt rồi chấp hai tay trước mặt nhận mình thua kém:

- Chỉ nghe qua một lần đã viết ra không sót một chữ! Lê thị vệ không hổ danh là người tâm phúc của thiên tử! Bái phục!

Lê Tuấn không tiện từ chối lời khen tặng nên chàng khẽ cúi đầu bày tỏ sự khiêm hạ, đôi môi nở một nụ cười hiền lành hòa nhã.

Cả lớp đồng loạt ùa tới xem tranh và chữ, ai nấy đều không ngớt lời ngợi khen Lê Hạo và cả vị công tử lạ mặt.

Thấy mọi người cứ dành lời lẽ có cánh cho nét chữ của Lê Tuấn, Thu Đào thấy hơi khó tin nên ghé đầu liếc mắt sang nhìn thử. Dù là có chữ biết chữ không nhưng nàng không thể phủ nhận rằng nét chữ này thật sự đẹp không thể chê bai được. Nàng đành phồng má ngó lơ chứ nhất quyết không thèm khen một câu.

Dưới ánh mặt trời buổi sớm Thu mát dịu, lớp học cứ thế tiếp diễn bằng những bài thơ do các học trò trong lớp thay phiên nhau làm, tất nhiên là trừ Thu Đào ra. Vốn tưởng buổi học hôm nay sẽ trôi qua rất tẻ nhạt, ngờ đâu Thu Đào lại đắm chìm hẳn vào cái không khí học đường thời đạo Nho thịnh hành, tuy không hiểu lắm chữ nghĩa nhưng cái lề lối nho nhã của các văn nhân ngày xưa hiện ra mồn một trước mắt làm nàng say mê lắng nghe và quan sát, chỉ hận không có một cái máy quay phim để ghi lại những thước phim văn hóa cổ đại đáng giá triệu đô này.

Buổi học kết thúc, Ngô Sỹ Liên cũng không khác những bậc thầy cô ở thế kỷ hai mươi mốt, cứ luôn miệng dặn dò ôn luyện bài vở cho những buổi lên lớp sau, cuối cùng quả nhiên cũng là lời hâm dọa "không học hành thì sẽ thi trượt". Thu Đào cười thầm với ý nghĩ rằng hóa ra mấy trăm năm nay giáo viên không hề thay đổi nhỉ? Họ lúc nào cũng nghĩ học trò sợ và tin những lời cảnh báo này lắm.

Mãi đuổi theo suy nghĩ của mình rồi cười cười, Thu Đào hoàn toàn không để ý đến chàng trai ngồi bên cạnh cứ chốc chốc lại liếc nhìn mình. Chàng cũng hay cúi đầu để che giấu khóe môi cứ nhếch lên không kiềm chế được.

Mặt trời đứng bóng, từ các cửa lớp học trò ùa ra như chim vỡ tổ. Thu Đào thu dọn sách vở xong thì bước nhanh ra cửa không thèm chào hỏi Lê Tuấn lấy một câu. Thấy nàng ôm tay nải bước đi, Lê Tuấn lật đật ôm sách vở bước theo sau và gọi:

- Này, chờ chút!

Thu Hằng trông thấy chị mình dám đối xử thất lễ với vua như thế thì chột dạ lắm, nàng rùng mình nghĩ đến viễn cảnh sau này khi tình cảm đã không còn mới mẻ và nồng nhiệt nữa thì Lê Tuấn sẽ "xử tội" Thu Đào như thế nào đây?

Đường đường một bậc quân vương mà lại hớt ha hớt hãi đuổi theo chị mình, Thu Hằng nhìn mà không tránh được phì cười, nàng đến gần Lê Hạo, vừa đi sóng đôi bên chàng vừa nói:

- Chàng thấy họ có xứng đôi không?

Lê Hạo im lặng.

Nhìn lên gương mặt tuy tuấn tú nhưng nét ưu tưu ngập tràn trong đáy mắt, Thu Hằng hơi bực mình, nàng nhấn giọng nhắc nhở:

- Chị ấy đã cố tình cài cây trâm Hoàng Thượng tặng thì cũng xem như dần chấp nhận mối duyên này rồi, chàng nên buông bỏ đi.

Đang sảy bước đều đều, Lê Hạo bỗng khựng lại rồi nhìn Thu Hằng với thái độ không mấy vui vẻ. Sau đó, cảm thấy mình không tìm ra điểm gì sai trái trong câu nói của Thu Hằng nên chàng đành bất lực thở dài, đoạn hờ hững nói:

- Về thôi!

Thu Hằng không trả lời chàng mà đi vượt lên phía trước, cất giọng gọi chị:

- Thu Đào!

Nghe tiếng gọi, Thu Đào đột ngột quay lại. Lê Tuấn ở ngay sau lưng nàng bị cú quay đầu bất ngờ nên không kịp phanh lại, toàn thân Thu Đào lại đâm sầm vào ngực chàng một cái đánh "phịch". Trán Thu Đào vừa vặn va vào môi Lê Tuấn thật mạnh, vị mặn chát của máu kèm theo cảm giác đau rát làm chàng nhăn mặt, chàng đưa tay xoa xoa cánh môi rồi xuýt xoa:

- Ôi trời ơi, lại đổ máu nữa!

Sau tiếng "áy da", Thu Đào xoa xoa trán tức giận kêu lên:

- Đồ ôn thần, ở đâu mà đứng ngay sau lưng người ta vậy?

- Rõ ràng là tại nàng đang đi tự nhiên lại dừng mà? – Lê Tuấn xoa bờ môi bị dập, ấm ức cãi.

Thu Hằng vừa hay đã bước tới vội can ngăn:

- Xin lỗi, là do em đã gọi chị ấy đột ngột mới ra như vậy! Lê công tử bỏ quá cho!

Lê Tuấn nhìn Thu Hằng gật đầu, ánh mắt lại một lần nữa không dừng lại quá một giây trên người nàng làm Thu Hằng có một chút không vui. Thu Hằng vốn tự nghĩ nhan sắc của mình xưa nay vẫn nức tiếng trong số những vị tiểu thư con nhà quan lại, ấy thế mà vẫn không có được tình yêu của Lê Hạo, giờ lại đến vị vua trẻ tuổi này cũng không thèm nhìn nàng lâu một chút, thật sự đáng buồn thay!

Lúc ấy, Lê Tuấn mở lời quở trách làm cắt ngang dòng suy nghĩ của Thu Hằng. Miệng thì khen ngợi em gái, nhưng ánh mắt lại ý tứ tràn đầy dành cho cô chị:

- Nàng xem Thu Hằng thật dịu dàng biết mấy, tiểu thư con nhà quan sao lại có người thô lỗ như nàng...

- Thì sao! Ta không cần ngươi thích, sao phải dịu dàng với ngươi? – Thu Đào chống tay lên hông vênh váo hỏi.

Lê Tuấn được dịp hỏi khó:

- À, vậy ra nàng chỉ dịu dàng với những ai nàng thích thôi nhỉ? Chẳng hạn như với Bình Nguyên Vương...

- Không có mà! – Thu Đào tức giận chối.

Cuộc tranh cãi của hai người tưởng chừng không hồi kết nếu Thu Hằng không chen vào. Nàng chụp lấy bàn tay Thu Đào rồi chỉ về phía gốc đa to gần cổng trường mà dặn dò:

- Thu Đào, chị ra đằng kia ngồi chờ em một chút, em có việc muốn nói với Lê Hạo!

Nhắc đến Lê Hạo, ánh mắt Thu Đào bất giác hướng về nơi chàng đang đứng. Dáng hình thân thương từng thuộc về mình ấy lại làm Thu Đào chùn hẳn nét mặt, nàng không còn hứng thú tranh cãi với Lê Tuấn nữa, chỉ còn lại cái se sắt trong tim khiến giọng nói trở nên run rẩy, nàng trả lời em gái:

- Ừ... ừ! Chị đợi!

Nói xong liền quay lưng đi thẳng đến gốc đa ở cổng trường.

Lê Tuấn nhìn theo điệu bộ thất thểu của Thu Đào mà đấm ngực tự trách:

- Ta không xoa dịu nàng thì chớ, sao lại cứ xát muối vào vết thương của nàng? Ta làm vua một nước nhưng lại quá hồ đồ rồi!

*****

Gió mùa thu thổi mấy chiếc lá đa xào xạc trên đỉnh đầu. Thu Đào ngước nhìn ánh mặt trời chói chang rọi vào từng chiếc lá đang lật qua lật lại trong cơn gió, trông xa xa cứ như ngàn vạn ánh đèn đang lấp lánh giữa ban ngày. Ngắm mấy chiếc lá phát sáng trên cây đến nỗi đôi mắt đỏ lên vì chói nắng, nhìn vào cứ như nàng đang có chuyện gì đó rất ưu tư nên Lê Tuấn không dám lỗ mãng tiếp cận nữa. Chàng khẽ khàng ngồi xuống bên cạnh Thu Đào và im lặng chờ đợi.

Liếc mắt qua nhìn Lê Tuấn, Thu Đào bày ra vẻ mặt chán ghét mà xua đuổi:

- Sao không về đi, ngồi đây làm gì?

Không trả lời câu hỏi của nàng, Lê Tuấn hạ giọng ân cần hỏi:

- Thấy ý trung nhân thân thiết với người khác nàng buồn à?

Ném cho Lê Tuấn ánh nhìn sắc lẻm tưởng chừng như nàng lại sắp mắng chàng một phen. Nhưng chẳng hiểu vì sao, Thu Đào bất giác thở dài rồi nói giọng điềm tĩnh đến không ngờ, nghe ra còn có một chút giống như đang tâm sự nữa:

- Thấy ý trung nhân bên cạnh người khác ngươi có buồn không?

Bị Thu Đào hỏi bất ngờ, Lê Tuấn thoáng chút bối rối, mà tim hình như cũng đập sai vài nhịp. Chàng ấp úng một chút rồi trả lời:

- Trước kia ta chưa từng phải lòng ai nên không biết!

- Vậy còn bây giờ thì sao? – Thu Đào lại hỏi.

Lời vừa tuông ra khỏi miệng, Thu Đào chợt nhận ra mình đã bất giác xem tên thị vệ này là đứa bạn thân ở thời hiện đại mà lỡ trớn định tâm sự. Nàng im bặt, tay giả vờ nhặt mấy chiếc lá úa vàng lên vân vê cho đỡ ngượng, mặc kệ hắn thích trả lời hay không cũng được.

Lúc ấy, giọng nói ấm áp của Lê Tuấn khẽ khàng rót vào tai làm Thu Đào nghe như có luồng điện chạy dọc sống lưng:

- Người ta thích chắc chắn cũng thích ta, có vẻ ta không có cơ hội hiểu cảm giác đó đâu!

Thu Đào bĩu môi:

- Đồ tự phụ!

Lê Tuấn cười lém lỉnh, chàng dùng đôi mắt hút hồn nhìn nàng chăm chú đến nỗi hai má con gái người ta phải đỏ hồng lên, nàng bối rối đến nổi tâm trạng cứ lơ lửng không một nơi bám víu. Thu Đào tự đấm ngực lầm bầm:

- Tên thị vệ này sao lại có cái nhìn thiêu đốt người ta như vậy chứ? Đừng nhìn nữa, làm ơn đừng có nhìn tui nữa...

Lê Tuấn ngắm bộ dạng e thẹn của nàng mà không khỏi phì cười. Nhớ hôm nào còn to gan dám hâm dọa cởi áo để uy hiếp người ta, bây giờ chỉ châm chọc vài câu thì cả mặt người ta cũng không dám nhìn, đúng là đồ miệng hùm răng sứa (*)!

Chợt Lê Tuấn lên tiếng phá tan bầu không khí ngượng ngùng, chàng nói tuy chậm rãi nhưng rất chắc chắn từng câu từng chữ:

- Hãy quên người cần quên, thử chấp nhận Hoàng Thượng đi. Người... sẽ tốt với nàng!

Buông một tiếng thở dài đầy bất lực, Thu Đào lại ngước nhìn lên tán cây rộng lớn, lười biếng thả trôi giọng nói hòa lẫn vào trong tiếng xào xạc trên đỉnh đầu:

- Có thể không chấp nhận được à?

Lê Tuấn tắt nụ cười dí dỏm trên môi, nét mặt trở nên nghiêm nghị, nói:

- Sau khi gặp Hoàng Thượng nàng chắc chắn sẽ không có thái độ như bị ép buộc thế này đâu!

Giọng điệu hệt như một ông mai của chàng làm khóe môi Thu Đào thoáng một nụ cười, thầm nghĩ có vẻ Lê Tuấn rất hiểu biết về vua Lê Nhân Tông – nhân vật mà nàng vô cùng chú ý khi học sử Việt nhưng tiếc thay tài liệu về Người lại rất ít, nếu không muốn nói là gần như chẳng có chút thông tin riêng tư gì về bản thân mình cho hậu thế. Trái hẳn với Lê Thánh Tông danh tiếng lẫy lừng với vô số thơ ca và giai thoại còn lưu truyền, Lê Nhân Tông chỉ được biết đến là một vị vua bất hạnh bị Lê Nghi Dân sát hại đoạt ngôi mà thôi! Đột nhiên cảm thấy tò mò, Thu Đào chớp mắt hỏi:

- Hoàng Thượng là người như thế nào?

Lê Tuấn mỉm cười, chàng nhặt một chiếc lá lên vân vê rồi hỏi lại:

- Nàng muốn hỏi về chuyện gì? Nếu chỉ là thân thế hay những ghi chép ngợi khen sáo rỗng thì đến Sử Quán mà tìm đọc.

Nghe nói đến Sử Quán có ghi chép nhiều về vị vua này thì Thu Đào lấy làm lạ lắm, nàng nhíu mày vô tư hỏi:

- Ở Sử Quán có ghi chép nhiều à? Vậy tại sao tài liệu sử học lại không có thông tin gì chi tiết về Người hết vậy?

- Sao nàng biết là không có, Ngô Tư Nghiệp (*) có ghi chép đầy đủ hết cả mà! Năm nào Tr...

Chữ "Trẫm" vừa định tuông ra thì may sao Lê Tuấn kịp ngưng lại, chàng tằng hắng vài cái rồi lại tiếp:

- Năm nào Hoàng Thượng và các vị đại nhân ở Sử Quán cũng xem xét tổng kết cả mà!

Thu Đào trố mắt lên hỏi giọng đầy kích động:

- Có thật sao? Có viết về Người nhiều thật à?

Phản ứng của Thu Đào khi nghe sử sách có ghi chép đầy đủ về vị vua đương triều làm Lê Tuấn thấy ngạc nhiên, chàng nghiêng đầu thắc mắc:

- Quan chép sử thì có nhiệm vụ ghi chép lại công tội của vua quan mỗi triều mà? Có gì lạ đâu?

Thu Đào thở dài lắc đầu trước vẻ ngây ngô của người thị vệ, nàng dùng tay xoa xoa lên đầu chàng rồi hạ giọng "thầy đời" mà giảng giải:

- Ngươi thật là ngây thơ, sử sách nằm trong miệng kẻ chiến thắng, có ông vua nào giành được giang sơn rồi lại nói là mình tàn sát anh em, giết hại trung thần của tiền triều mà giành được không? Cho nên bây giờ là triều đại của Diên Ninh thánh thượng, ta đi xem ghi chép về người ngay bây giờ thì có vẻ sẽ sát với thực tế nhất! Chứ để sau này có kẻ nào đó giết Hoàng Thượng cướp ngôi rồi thì chắc chắn sẽ đốt hết ghi chép công trạng để hậu thế vĩnh viễn không còn nhớ đến...

- To gan! Không được nói nữa!

Vẻ mặt nghiêm trọng của người ngồi đối diện làm Thu Đào thấy chột dạ, trong phút chốc Thu Đào cứ như bị bỏ bùa mà răm rắp ngậm miệng ngay sau lời cảnh báo của chàng.

Lê Tuấn nhíu mày, bất đắc dĩ phải hơi lớn tiếng một chút để ngăn không cho Thu Đào nói tiếp. Chàng nhìn quanh một lượt đầy dò xét, khi đã chắc chắn những lời nói đáng tội tru di của Thu Đào không bị ai nghe thấy, Lê Tuấn mới hạ giọng vừa mắng vừa khuyên:

- Nàng chán sống rồi, dám nói ra mấy lời phản nghịch như vậy. Dám nói Hoàng Thượng sẽ bị giết, bị đoạt ngôi. Nếu kẻ địch của cha nàng nghe thấy thì cả ba đời nhà họ Nguyễn sẽ mang họa sát thân! Sau này không được nói mấy lời trù ẻo xúc phạm hoàng gia, nàng có nhớ chưa?

Thu Đào tiu nghỉu cúi đầu, than rằng:

- Đúng là gần vua như gần hổ, sơ hở là chết như chơi! Cuộc sống như vậy có gì mà vui chứ? Ta không biết phép tắc, vào cung rồi không biết sống được đến khi nào!

Thu Đào tựa cằm trên gối, gương mặt phảng phất nỗi lo lắng buồn phiền, nàng lặng im ngồi ngắm mấy chiếc lá rơi lả tả trước mặt. Lê Tuấn chợt nhận ra lời nói của chàng làm Thu Đào bất an, bèn an ủi:

- Nàng học lễ nghi xong sẽ tự biết những điều cấm kỵ, các vị cung phi tiền triều vẫn sống bình thường đấy thôi, đừng quá lo lắng!

- Ngươi chỉ thấy kẻ may mắn còn sống sót, còn người vì vạ miệng mà phải tội chết hết rồi, còn đâu cho ngươi thấy! Đồ ngốc!

Lại lần nữa bị một người con gái bình thường mắng, Lê Tuấn mím môi hạ giọng nói:

- Sau này nàng không được mắng Hoàng Thượng là đồ ngốc đâu nhé! Tội khi quân đáng chém đầu đấy!

- Lại là tội chết à? Xem ra nếu còn nán lại đây thì cả đời này ta sẽ bị Hoàng Thượng gò ép đến chết mất!

Lê Tuấn nhìn đôi mày đang chau lại của Thu Đào mà bất giác bật cười, đoạn chàng đột nhiên quả quyết:

- Yên tâm! Nàng sẽ là ngoại lệ của Hoàng Thượng, Người sẽ dung túng cho nàng!

- Sao ngươi biết chắc như vậy? – Thu Đào khinh khỉnh hỏi giọng ngờ vực.

Đưa ngón tay búng nhẹ vào trán nàng, Lê Tuấn vừa đứng lên quay lưng đi vừa nói:

- Đi! Ta sẽ đưa nàng đến Sử Quán để xem những ghi chép về Hoàng Thượng! Hiểu được Người rồi sẽ không lo bị phạm cấm kỵ, trái lại sẽ chiếm được tình cảm của Người! Đắc sủng rồi nhớ đừng quên ta đấy!

- Ai nói ta muốn tranh sủng? – Thu Đào cong môi cãi.

Lê Tuấn khựng lại, trong ánh mắt lộ ra một chút bất mãn nhưng lại rất dịu dàng nhường nhịn. Chàng nheo mắt hỏi giọng bất cần:

- Vậy có đi không? Không đi thì ta về!

Thu Đào nghĩ đến kho tàn sử liệu vô giá đó thì ánh mắt lại bừng sáng, nàng vội vã đứng dậy chạy theo:

- Đi, đi! Nhưng... ta không biết đọc chữ!

- Ta đọc cho nghe! – Lê Tuấn không thèm ngoáy đầu nhưng vẫn đáp giọng dịu dàng trầm ấm.

- Nhưng ta không nhớ hết thì sao? – Thu Đào lại lo lắng mà rằng.

Lê Tuấn chấp tay sau lưng, kiên nhẫn đưa ra giải pháp:

- Khi có thời gian ta sẽ đọc lại lần nữa!

Thu Đào vỗ tay hài lòng, nàng hí hửng chưa được ba giây lại gãi đầu nói tiếp:

- Nhưng còn...

Lê Tuấn quay phắc lại cốc lên đầu nàng:

- Sao mà nàng lắm cái "nhưng" quá vậy?

Bàn tay nhỏ nhắn xoa xoa đỉnh đầu vừa bị cốc đau, Thu Đào bực bội đáp:

- Nhưng Bình Nguyên Vương và Thu Hằng đang còn ở trong trường, mình đi trước họ được không?

Không trả lời nàng, Lê Tuấn mỉm cười rồi với tay hái một chiếc lá mỏng trên nhánh trúc lòa xòa trước mặt. Chàng đưa chiếc lá lên môi, mắt nhìn về nơi Lê Hạo và Thu Hằng đang trò chuyện mà thổi. Lá trúc xanh mướt nằm trên cánh môi Lê Tuấn rung lên đều đều, một giai điệu vui tươi trong trẻo vang lên. Bản nhạc vui nhộn trên môi chàng cứ như đã đánh động đến mấy chú chim nhỏ, tiếng líu lo của chúng tản mác trên mấy tán cây đua nhau vọng đến như đang cùng Lê Tuấn hòa âm.

Thu Đào như bị tiếng kèn lá của Lê Tuấn thôi miên, nàng không tự chủ được mà cứ vô thức dán mắt lên đôi môi của chàng, khóe miệng còn vương lại chút máu đỏ như son do trán nàng va vào lúc nãy. Trong tâm trí nàng chợt vang lên ý nghĩ:

- Thì ra môi của con người ta khi thổi kèn lá lại đẹp tới như vậy!

Bất giác, Thu Đào cứ chu môi ra học theo cái cách mà Lê Tuấn đang thổi, trong đầu không ngừng tưởng tượng ra bộ mặt của mình khi thổi kèn lá chắc cũng đẹp như cái người đang đứng trước mặt.

Từ xa, Lê Hạo nghe tiếng kèn lá bèn quay đầu lại nhìn. Lê Tuấn chỉ ngón tay về phía Thu Đào rồi ra hiệu mình sẽ đưa nàng về trước.

Sau cái gật đầu của hai người ở phía xa, Lê Tuấn quay lại nhìn Thu Đào định dắt nàng đi thì bắt gặp nét mặt ngây ngốc với bờ môi đang chu lên học thổi kèn lá. Chàng phì cười làm Thu Đào ngượng ngùng thu cái miệng lại cho nó về hình dạng lúc bình thường. Lê Tuấn thong dong bước đi, lời nói thì hách dịch nhưng tâm ý nuông chiều không thể che giấu:

- Gọi ta là "chàng", xưng là "thiếp" đi, ta dạy thổi kèn lá!

- Nằm mơ! Hứ! – Thu Đào bướng bỉnh từ chối.

Nàng hống hách khoanh tay bước sóng đôi với Lê Tuấn, giọng trịch thượng:

- Sau này ngươi phải gọi ta là "lệnh bà", xưng là "mạt tướng, nô tài" thì có!

Lê Tuấn nheo mắt châm chọc:

- À! Rõ ràng là nàng vẫn định sẽ làm cung phi của Hoàng Thượng, thế mà cứ chối đây đẩy!

Nhận ra mình lại lỡ lời để tên thị vệ này được dịp trêu ghẹo, Thu Đào tức giận "hứ" thêm một tiếng rồi khoanh tay bước đi trước, không thèm nhìn hắn thêm một cái nào.

Dưới ánh nắng, cây trâm trên búi tóc Thu Đào tỏa ánh vàng lấp lánh. Lê Tuấn đi sau lưng cứ chốc chốc lại nhìn lên đỉnh đầu của nàng rồi mỉm cười kín đáo. Chàng tự hỏi:

- Vậy là nàng thích cây trâm của ta tặng!

*****

Lê Tuấn cùng Thu Đào bước ra khỏi cổng Quốc Tử Giám. Lê Hạo ở phía sau mãi miết nhìn theo cho đến khi bóng họ khuất hẳn, suốt buổi không nói lấy một lời.

Thu Hằng cầm bức họa Hoa Sen Non được tặng trên tay, nàng cười chua chát nhìn Lê Hạo đang lặng người nhìn theo chị gái của mình, trong lòng rõ biết từ đây mình chỉ có được thân xác, còn trái tim chàng thì mãi mãi sẽ thuộc về người khác. Một lúc lâu sau, khi hai chân đã đủ mỏi, lòng cũng đủ mệt, Thu Hằng lên tiếng:

- Chàng có định đưa ta về phủ không?

Bị câu hỏi đánh động, Lê Hạo giật mình quay sang thấy Thu Hằng vẫn đang đứng im chờ đợi. Chàng thấy hơi áy náy, bèn gượng cười đáp:

- Ta về thôi!

Thu Hằng gượng cười nhìn thẳng vào mắt Lê Hạo:

- Ta không trách chàng mãi không quên người cũ, chỉ mong chàng dành một chỗ trong tim cho ta thôi!

Nói xong, nàng không đợi Lê Hạo trả lời mà một mình rảo bước thật nhanh ra khỏi trường.

Lê Hạo không đuổi theo nàng, lại lẳng lặng nhìn theo một người nữa từng bước rời khỏi tầm mắt. Chàng thoáng cười cho định mệnh của mình:

- Ta vì sự an toàn của mẫu thân, vì trả ơn cứu mạng mà phải cưới nàng. Nhưng, bên cạnh người chồng như ta nàng sẽ thiệt thòi lắm. Rốt cuộc ta đang làm chỗ dựa cho con gái của ân nhân, hay lại vô tình hại cả đời nàng đây?

---- Hết chương 16 ----

Chú thích:

(1)*: Ngọc xứ Lam Điền vừa mới ra

(2)*: Lá sen non như hình đồng tiền vừa mới đúc ra.

(3)*Thái mẫu: Dương Quý Phi thời nhà Đường, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc xưa.

(4)* Vương Tường: Vương Chiêu Quân thời Hán Nguyên Đế, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc xưa.

(5)*Hiềm: E sợ

(6*) Tranh thuỷ mặc: hay còn gọi là thuỷ mạc, là một loại tranh xuất xứ từ Trung Quốc, thường là vẽ thiên nhiên, non nước kết hợp với nghệ thuật thư pháp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro