Chương 15: Quốc Tử Giám

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau buổi đi chợ bất ổn, bẵng đi ba hôm Thu Đào không thấy Lê Tuấn đến phủ tìm nàng nữa. Không gặp mặt nhau một khoảng thời gian khiến Thu Đào dần quên đi "mối hận". Hơn nữa, lần nói chuyện với Lê Hạo bên ngoài cổng phủ đệ đã để lại dư âm sâu đậm trong tâm thức của Thu Đào, dù biết mình đang dùng cảm xúc dành cho Sỹ Thành đặt nhầm lên người Lê Hạo, nhưng chẳng hiểu vì sao nàng không ngăn nổi ý nghĩ Lê Hạo chính là tiền thân của Sỹ Thành. Bị mối tình đầu lắp đầy đầu óc, Thu Đào cứ ngẩn ngơ như kẻ mất hồn, không những thế nàng cứ bất giác lại thắc mắc về Lê Hạo đến nỗi Nguyễn phu nhân không còn tin rằng nàng đang mất trí nhớ.

Buổi trưa đầu Thu miền Bắc gió thổi mát dịu, cây bạch quả thay màu áo ngã vàng, cành lá lay động như hỏi Thu Đào bộ cánh mới của nó có đẹp không vậy. Lớn lên ở miền Nam của nước Việt trong thế kỷ hai mươi mốt, Thu Đào chưa từng nghĩ sắc Thu của Việt Nam thời cổ lại đẹp đến nao lòng như thế. Sẵn tiện tâm trạng đang bí bách, nàng mở cửa sổ rồi nằm sóng soài trên trường kỷ mà ngắm bầu trời mát dịu qua cái ô cửa vuông vắn.

Két!

Tiếng cửa gỗ mở ra làm Thu Đào quay đầu lại nhìn, em gái Thu Hằng bước vào, trên tay nàng ấy là một khay gỗ bên trên có xếp bộ quần áo màu xanh da trời rất tươi tắn.

Thu Đào dán chặt mắt lên bộ y phục, chớp mắt nhìn em gái đầy thắc mắc. Nàng bật ngồi dậy, đón lấy cái khay rồi xõa quần áo ra xem. Thu Hằng nhoẻn cười nhìn chị, nói:

- Đây là đồng phục của Quốc Tử Giám, ngày mai chị phải đi học lại rồi!

Vốn đã được báo trước, Thu Đào không mấy ngạc nhiên vì cái lịch trình hấp dẫn của ngày mai nữa. Nàng chỉ chăm chăm nhìn vào bộ đồng phục xinh đẹp ngoài dự tính trước mắt, tươi cười nói:

- Nhiều lớp thế này à? Màu cũng rất đẹp!

- Ừ! – Thu Hằng gật đầu.

Im lặng nhìn chị gái hồi lâu, Thu Hằng bỗng lên tiếng ra chiều hứng khởi bàn bạc về trang phục lắm :

- Ngày mai chị định cài trâm màu gì đây? Đi học không được quá cầu kỳ, nhưng cũng phải trông tươm tất mới được!

Thu Đào ra chiều nghĩ ngợi rồi nói:

- Chị cũng không biết, từ lúc đến đây có được sửa soạn đi đâu trang trọng bao giờ!

Ba chữ "từ lúc đến đây" của Thu Đào vẫn chưa làm những người xung quanh thôi thắc mắc, chứ mỗi lần như thế họ đều nhìn nàng bằng ánh mắt nghi ngại. Thu Hằng cũng vậy, nàng ta mắt tròn mắt dẹt một lúc rồi chép miệng như thể đã chấp nhận cô chị kỳ quái. Câu chuyện gián đoạn một lúc, Thu Hằng khẽ liếc mắt quan sát bàn trang điểm của Thu Đào. Món vũ khí trá hình mà Thu Đào "cướp" được của Lê Tuấn lúc trước đập vào mắt làm Thu Hằng hài lòng, nàng ta giấu đi nét cười đầy mưu tính, đoạn lên tiếng gợi ý:

- Em nhớ chị có cây trâm vàng hình dáng đơn giản nhưng rất đặc biệt, hay là dùng cây đó đi!

Thu Đào sực nhớ đến Lê Tuấn và cái lần "không cố ý" của hắn thì nét mặt chùn hẳn xuống. Nàng tắt nụ cười trên môi, chậm rãi bước đến cầm cây trâm huơ qua huơ lại rồi tặc lưỡi:

- Dùng tạm vậy! Vừa giữ được búi tóc vừa có thể làm vũ khí phòng thân!

Thu Hằng hài lòng gật đầu, xong lại tự tay cầm bộ y phục đến ướm lên người Thu Đào, mắt đảo lên đảo xuống trên người chị gái từ đầu đến chân rồi gật gù:

- Đại tiểu thư của phủ ta quả nhiên xinh đẹp!

Vẻ nhiệt tình thân thiện của Thu Hằng làm người chị bất đắc dĩ bỗng chốc thấy mình thật tồi tệ. Chăm chú nhìn em hồi lâu, Thu Đào lại ngập ngừng nói:

- Thu Hằng à, hôm trước chị thật sự chỉ tình cờ gặp Bình Nguyên Vương ngoài chợ, không tin em có thể hỏi Lê Tuấn và Lý Lăng.

Thu Hằng dùng ánh mắt hiền hòa nhìn chị gái, nàng cười xòa:

- Em biết rồi, chị đừng nặng lòng việc ấy nữa!

Không biết nói thêm điều gì, Thu Đào chỉ đành gật đầu mỉm cười. Nàng vỗ vỗ vai Thu Hằng rồi bỗng nhiên buộc miệng nói:

- Em yên tâm, dù trước kia chị và chàng có là gì đi nữa, thì bây giờ cũng đã là quá khứ. Huống chi... chị thật sự không còn nhớ gì về chàng hết, em phải tin chị!

- Ừ! – Thu Hằng nhấn mạnh chữ "Ừ" và đấm vào vai chị gái làm hòa.

Cảm giác như mình được tha thứ, Thu Đào vui vẻ chộp lấy bộ quần áo ôm vào lòng. Lần đầu tiên nàng cảm nhận được cái cười ấm áp của Thu Hằng dành cho mình sau gần hai tháng trời lạc về Lê Triều. Trong lòng vui vẻ, cảnh trí xung quanh như cũng muốn cười theo. Nhìn ra khoảnh sân thưa thớt lá vàng rơi, Thu Đào chợt nảy ra ý định mới bèn kéo tay em gái rủ rê:

- Chiều nay ăn BBQ đi!

- Hả? Ăn cái gì kêu cơ? – Thu Hằng tròn mắt hỏi.

Sau một thôi một hồi giảng giải về món thịt nước ngoài trời, Thu Đào lại nhận được câu trả lời gây thất vọng từ em gái:

- Hẹn lại lúc Trung Thu vậy, ngày mai lên lớp nhưng em vẫn chưa xem bài vở gì cả!

Thấy chị xụ mặt, Thu Hằng bèn chỉ vào mấy cuốn sách trên khay và khuyên giải thêm:

- Chị có thời gian cũng hãy xem qua một chút! Ngày mai Ngô Tư Nghiệp sẽ khảo bài đấy!

Nói xong, Thu Hằng liền từ biệt ra về, bỏ lại Thu Đào cụt hứng đứng thẩn thơ nhìn theo đứa em gái "mới thân", nàng chép miệng than:

- Suốt ngày ở trong phòng đi đi lại lại, ra đường thì nhất định phải được cha mẹ cho phép, làm con gái nhà quan trên phim thì oai lắm, thực tế khác gì chim lồng cá chậu đâu!

Thu Đào bực bội quay vào phòng, định mở mấy trang sách ra xem có gì hay không thì ngay lập tức càng bị mất hứng hơn. Nàng nhìn trân trân vào mấy nét chữ rối ren trên trang giấy, ôm đầu kêu lên như sắp khóc:

- Không biết chữ! Hu hu hu...

Cầm quyển sách nện lên bàn đánh "phịch" một cái, Thu Đào bất lực chống tay lên hông, bực bội nhìn quyển sách mà quát:

- Nếu không vì đi tham quan ngôi trường nổi tiếng nhất lịch sử phong kiến và gặp Ngô Sĩ Liên ấy, thì chị đây sẽ xé nát mày ra để đốt uống!

Xong, lại nhớ đến mười sáu năm khổ luyện đèn sách trên ghế nhà trường mà ngao ngán, Thu Đào cảm thấy tháng ngày kinh khủng đó sắp trở lại rồi, mà lần này thì còn gian nan hơn gấp trăm lần cũng nên!

Đang quằn quại với quyển sách trong tay, Xuân Mai bước vào cùng với xô nước bồ kết thơm lừng, nhìn nàng cười nói:

- Tiểu thư vẫn siêng năng chăm chỉ như lúc trước, khác hẳn với cậu em trai tầm thường của em ở quê nhà, đi học lúc nào cũng chẳng nhớ bài vở chi hết, bị thầy đồ mắng là thành phần cá biệt!

Bốn chữ "thành phần cá biệt" dội vào tai làm Thu Đào bỗng nhiên lóe lên một ý nghĩ điên rồ. Ồ! Đời người có ai may mắn sống lại tuổi hoa niên lần thứ hai được như nàng đâu? Ở đời trước nàng luôn là một học sinh gương mẫu, lúc nào cũng hứng chịu áp lực về thành tích học tập do phụ huynh và xã hội áp đặt, thật là nặng nề hết sức! Bây giờ thì khác rồi, nàng có quyền lựa chọn mà!

Thu Đào vui vẻ với ý nghĩ của mình đến nỗi cười híp mắt, nàng cầm quyển sách mà lẩm bẩm:

- Phải, bây giờ mình là con ông cháu cha, sinh ra con nhà quan chức giàu nứt vách nữa! Học giỏi để làm cái gì? Phải rồi, thử một lần làm học sinh cá biệt xem cảm giác thế nào! Ha ha ha ha...

Đứng trong căn buồng tắm pha nước cho chủ, Xuân Mai nhìn Thu Đào "lên cơn" mà thở dài lắc đầu:

- Uống bao nhiêu là thuốc vẫn không khỏi bệnh nói nhảm!

****

Gà gáy buổi sớm mai đánh thức vạn vật.

Gió vẫn còn mang hương đêm se lạnh, lớp sương đọng trên cây cỏ vẫn còn chưa tan hẳn thì Xuân Mai đã bưng chậu đồng chứa nước ấm bước vào phòng.

Hôm nay là ngày đầu tiên Thu Đào trở lại lớp học sau khi khỏi bệnh. Đối với mọi người thì là "trở lại lớp học", nhưng với Thu Đào thì là "ngày đầu tiên đi học". Vốn rất háo hức xem trường Quốc Tử Giám ra sao, trong lớp học thời tôn sùng Nho giáo họ đã dạy các học trònhững gì. Nên với Trà My - Thu Đào phiên bản lậu này thì đây là một việc vô cùng thú vị, có chết cũng phải đến xem thử. Đang nằm cuộn người trong chăn thì nhớ ra việc trọng đại này, Thu Đào liền ngồi bật dậy.

Xuân Mai lúc này đang sắp xếp lại sách vở mà mấy thứ lặt vặt cho vào chiếc túi vải đi học, cô bé hất hàm về phía căn buồng tắm, mỉm cười nói:

- Tiểu thư hãy mau đi tắm gội, nước ấm em đã chuẩn bị sẵn rồi đấy!

Lúc chuẩn bị thay y phục, Thu Đào từ trong buồng tắm bước ra đã ngửi thấy một mùi hương ngọt ngào lan tỏa khắp phòng.

Hếch chiếc mũi nhỏ nhắn lên ngửi ngửi, Thu Đào tròn mắt nhìn bộ đồng phục tỏa hương mà hỏi:

- Em đã làm gì mà quần áo thơm quá vậy?

Xuân Mai khoác chiếc áo lót trong trắng muốt lên vai chủ, cô bé chậm rãi giảng giải:

- Em xông hương đấy, lúc trước cô rất thích dùng mùi hoa nguyệt quế này để xông quần áo cho thơm, nên em đã ra chợ mua về đấy!

Thu Đào thích thú lắm, nàng gật gù ra vẻ hài lòng và không ngừng hít những hơi vừa sâu vừa dài để thưởng thức cho hết cái thú xông hương tao nhã của quý tộc Hậu Lê.

Tuy chỉ là đồng phục đi học màu xanh da trời giản dị, nhưng chất liệu vãi rủ mềm, khi mặc vào trông Thu Đào thật thướt tha tươi tắn. Nàng ngắm mình trong chiếc gương đồng và mỉm cười thầm nghĩ:

- Thật ra nếu mình là con nhà tài phiệt ở thế kỷ 21 thì chắc mình cũng xếp vào hàng mỹ nhân như bây giờ cũng nên!

Xuân Mai cầm chiếc trâm bạc do Lê Tuấn tặng xỏ lên búi tóc bé xinh của chủ, buộc miệng khen:

- Từ lúc cô bệnh dậy em trông thần thái cô tuy có khác một chút, nhưng vẫn là cô trời sinh tướng mạo xinh đẹp!

Thu Đào thấy vui trong lòng, nàng vỗ vai Xuân Mai nói một câu mà biết chắc nghe xong em ấy sẽ lại ngẩn tò te lẩm bẩm lại "từ vựng" tiếp:

- Nịn giỏi, để ta nói cha tăng lương cho!

Thu Đào đã bước ra khỏi phòng với nụ cười khoái chí, tung tăng bước ra tiền sảnh nơi có em gái đang chờ mình để cùng đến trường.

Xuân Mai đứng gãi đầu nhìn theo cô chủ lạ lùng, miệng lẩm bẩm:

- Tăng lương?

*****

Thu Hằng ngồi trước gương, cẩn thận căn dặn người hầu thắt chiếc nơ trên đầu ngay ngắn, kết bím tóc thật đều tay. Nàng còn tự tay kẻ mày lá liễu sao cho yểu điệu, dặm thêm phấn cho hai má ửng hồng. Hôm nay đối với nàng cũng là một ngày rất quan trọng, kể từ lúc Thu Đào ốm dậy thì xem như là lần đầu Thu Đào và nàng cùng xuất hiện trước mặt Lê Hạo. Nàng tự nhủ không được để thua kém Thu Đào lần nữa trong mắt chàng. Từ nhỏ tuy không được khen ngợi nhan sắc nhiều như Thu Đào, nhưng Thu Hằng cũng là một mỹ nhân hiểu biết lễ nghĩa, đoan trang và có học vấn. Huống hồ Thu Đào của hiện tại cũng không còn văn võ song toàn như trước nên sự tự ti trong lòng nàng đã được xoa dịu rất nhiều.

Thu Hằng hài lòng ngắm mình trong gương lần nữa rồi cũng ra khỏi phòng.

*****

Trong tẩm điện, Lê Tuấn đang vội vàng thay bộ đồng phục xanh lam của trường Quốc Tử Giám, Đào Biểu chỉnh sửa thắt lưng cho chàng và than:

- Hoàng thượng lo việc nước vất vả nhiều rồi, sao không tranh thủ nghỉ ngơi mà đến Quốc Tử Giám thị sát làm gì nữa?

Lê Tuấn thân mật như đang trả lời với người thân trong gia đình:

- Trẫm biết ông lo cho Trẫm còn hơn cả mẫu hậu, nhưng Trẫm cũng là vì tìm kiếm nhân tài cho triều đình thôi...

Từ ngoài cửa, giọng nói của Thái Hậu vang lên cắt ngang lời Lê Tuấn:

- Tìm kiếm nhân tài hay tìm kiếm mỹ nhân?

Đào Biểu chấp hay tay ngang đầu cúi chào:

- Đức Thái Hậu vạn phúc!

Nói xong bèn ý tứ cáo lui.

Lê Tuấn cúi chào mẹ:

- Mẫu hậu vạn phúc!

Thái Hậu liếc đôi mắt phượng nhìn theo Đào Biểu đang bước ra khỏi cửa, bà phất nhẹ tay áo màu ngọc bích rồi chậm rãi ngồi xuống ghế ghê, bàn tay trắng nõn đưa lên vuốt mái tóc hãy còn đen mướt, cười cười nhìn con trai:

- Gần đây hoàng thượng hay đến chùa Huy Văn gặp mẹ con Ngô Tiệp Dư đúng không, nếu tình cảm anh em đã tốt như vậy chi bằng đón hẳn về cung, dù sao cũng là hoàng tử và thái cung tần(*), ở bên ngoài lâu không tốt cho danh tiếng hoàng tộc.

Lê Tuấn vui mừng vì sau bao năm rốt cuộc thái hậu đã chấp nhận quên đi hiềm khích cũ, đồng ý đón hai mẹ con Ngô Tiệp Dư về cung, chàng chấp tay ngang đầu cảm tạ mẹ:

- Đa tạ mẫu hậu, con biết người vốn nhân từ, sẽ không nhớ chuyện cũ, ngày mai con lập tức truyền chỉ đón Ngô Tiệp Dư và Tư Thành về cung.

Thái Hậu xoa đầu Lê Tuấn:

- Con trai của ta lòng dạ lương thiện, nhưng con phải luôn có lòng đề phòng các anh em, không phải ai cũng như con, hoàn toàn không mưu tính tranh đoạt ngôi vị!

Lê Tuấn nắm tay mẹ đảm bảo:

- Hiện nay đại cục đã định, ai muốn thay đổi cũng khó lòng phục chúng, huống hồ Tư với con có tình thủ túc, tứ đệ nhất định không có lòng riêng, mẹ cứ yên tâm!

Thái Hậu vỗ vỗ bàn tay con trai, dùng gương mặt sáng ngời với mắt to mài ngài, đường nét hoàn mỹ trứ danh một thời đang đối diện với bản sao của mình. Ai tinh ý sẽ thấy dung mạo của Lê Tuấn ngoài nét uy nghiêm đỉnh đạc của một người đàn ông, còn có thêm ngũ quan khuôn vàng thước ngọc (*) di truyền từ Thái Hậu, nên lời đồn về gương mặt khôi ngô tuấn tú nhưng thần thái lại ôn hòa dịu dàng của quốc vương Đại Việt cứ thế mà truyền sang tận Minh Triều qua lời kể của các sứ thần.

Thái Hậu nhấp một ngụm trà, chuyển chủ đề mà hỏi:

- Vậy còn vị mỹ nhân con định tấn phong thì sao? Khi nào cho mẹ gặp mặt đây?

Lê Tuấn mỉm cười, chàng lấy bức chân dung của Thu Đào ra xổ xuống trước mặt Thái Hậu, đắc ý nói:

- Chính là con gái lớn của Nguyễn Đức Trung, con tình cờ xem tranh vẽ nàng thấy ưng ý nên có đi gặp rồi, dung nhan thật của nàng còn xinh đẹp hơn nhiều!

Đưa mắt nhìn bức tranh, bỗng Thái Hậu nhíu mày vẻ nghĩ ngợi. Bà chăm chú nhìn đến nỗi tách trà trên tay bị nghiêng rồi đổ hẳn xuống làm ướt cả áo quần. Người cung nữ đứng bên cạnh vội trờ tới dùng khăn lau khô cho Thái Hậu, lúc bấy giờ bà mới sực tỉnh vì lời nói của Lê Tuấn:

- Ấy! Mẹ có bị bỏng không?

Thái Hậu dùng nụ cười che lấp đi nét thất thần trên gương mặt, bà giả vờ nhắc nhở con trai:

- Xưa nay hồng nhan hoạ thuỷ, con chớ nên quá si mê nhan sắc!

Lê Tuấn bật cười vì thái độ của mẹ, chàng châm chọc:

- Nàng tuy là có xinh đẹp, nhưng con không ngờ lại khiến đại mỹ nhân của phụ hoàng phải ngẩn ngơ ngắm nhìn như vậy luôn đấy!

Thái Hậu cười cười gượng gạo, bà hỏi lại :

- Nàng ta là con gái của Nguyễn Đức Trung?

- Dạ! – Lê Tuấn đáp

Im lặng một lúc lâu, Thái Hậu làm ra vẻ không quan tâm gì đến Thu Đào nữa, bà đứng dậy phất tay cho cung nữ ra hiệu mình muốn hồi cung, trước khi đi còn dặn dò Lê Tuấn:

- Khi nào đón Ngô Tiệp Dư hồi cung con hãy tự quyết định nhé!

Lê Tuấn trong lòng phấn khởi, chàng laỵ tạ mẹ rồi bước thật nhanh ra cửa chỉ mong mau chóng đến báo tin vui cho Lê Hạo. Chàng vội vàng đến nỗi quên mất cả lễ nghi, bước ra khỏi phòng trước cả Thái Hậu.

Nhìn theo bóng lưng con trai cho đến khi khuất sau tầng tầng lớp lớp những cánh cửa hoàng cung. Thái Hậu thầm nghĩ:

- Ở gần bên cũng tốt, ta dễ dàng đoán được tâm tư của mẹ con ả!

- Còn... Người con gái kia nữa, sao lại giống người đó đến như vậy? Lại còn là con gái của Nguyễn Đức Trung? Các ngươi đang có mưu đồ gì với con trai của ta? Sao lại đưa ả này đến mê hoặc nó?

****

Đầu Thu tiết trời mát mẻ, gió nhẹ nhàng mơn man làm váy áo tung bay phấp phới, trông xa xa hai chị em Thu Đào cứ như hai nàng tiên nữ thướt tha lạc bước xuống hồng trần.

Ngước nhìn bầu trời xanh biên biếc, Thu Đào nghe tim mình đập rộn ràng khi nhìn thấy cánh cổng khang trang bề thế của ngôi trường nổi tiếng bậc nhất dưới thời Hậu Lê - "Quốc Tử Giám".

Bước vào cổng, Thu Đào nghe lồng ngực như muốn vỡ tung vì phấn khích và hạnh phúc. Ai có thể ngờ một con người của năm 2022 lại có thể bước vào nơi đây, ngôi trường nổi tiếng đào tạo ra một thế hệ văn nhân tài năng của đất nước, những con người đã dựng nên trang sử vàng của dân tộc. Ôi, cuộc sống này thật vi diệu làm sao! Nếu cảm giác này cứ kéo dài e là Thu Đào không còn muốn quay về thời đại của mình nữa, bởi không gian hoài cổ nơi này đã quá sức hấp dẫn, nàng như con chim bé nhỏ trong lồng nhìn ra thế giới bên ngoài rộng lớn, vừa khát khao trãi nghiệm, vừa sợ sệt dè chừng.

Khuôn viên trường rộng lớn gấp đôi phủ đệ, gồm hai dãy phòng học hình chữ U lồng vào nhau theo thứ tự trong cùng là chữ U nhỏ, chữ U lớn ở ngoài và cuối cùng là lớp tường bằng gạch nung đỏ, kiến trúc bằng gỗ sơn son thiếp vàng đúng theo phong cách triều đình phong kiến nhưng nó thật khác xa với những gì Thu Đào từng tưởng tượng khi đọc sách khảo cổ.

Giữa sân trường có một cái trống da trâu rất to được sơn màu đỏ đặt dưới gốc cột cờ. Nhácthấy cột cờ, Thu Đào liền ngẫng đầu lên để chiêm ngưỡng biểu tượng của triều đại rực rỡ nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. Lá cờ là một hình chữ nhật màu vàng, viền xung quanh may hình vây rồng màu đỏ, ở giữa là một vòng tròn nền trắng viền đỏ có ghi chữ 黎(Lê). Thật may mắn làm sao, dù không biết nhiều chữ Hán phồn thể nhưng với khả năng tiếng Hoa trung cấp Thu Đào cũng nhìn ra chữ "Lê". Thu Đào "à" lên một tiếng trong tâm thức, nhủ thầm:

- Thì ra chữ Hán tự phồn thể dù đã cách gần sáu trăm năm vẫn không khác biệt là mấy !

Sân trường đã bắt đầu đông đúc, trang phục học trò màu xanh lam phấp phới nơi nơi... trời xanh, mây trắng, nắng vàng... lá cờ Lê Triều tung bay trong gió...! Cảm xúc hoài cổ dâng trào làm Thu Đào chợt thấy mình đang trở về nơi thân thuộc sau rất rất rất nhiều năm đi vắng, nàng chẳng thể hình dung cảm giác ấy là gì, chỉ biết reo thầm để giải tỏa bớt mớ cảm xúc đang dâng đầy lồng ngực:

- Tuyệt! Tuyệt diệu!

Bỗng một giọng nói quen thuộc, ấm áp phát ra ngay bên cạnh:

- Nhìn thần sắc nàng phấn khởi như vậy, được quay lại học chắc vui lắm đúng không?

Thu Đào quay lại nhìn, Lê Hạo nở nụ cười hiền hậu chào nàng, trông có vẻ vô hại nhưng không hiểu sao Thu Đào cứ khúm núm như thấy cọp. Trong đáy mắt Thu Đào, người đứng trước mặt mình bây giờ không chỉ là người thương ngày cũ, mà còn là người "em rể" tương lai, vốn không nên có chút riêng tư gì nữa. Sau lần tạm biệt trước cổng phủ đệ, Thu Đào đãhạ quyết tâm từ đây sẽ cắt đứt mọi tơ tưởng, khi gặp chàng sẽ cư xử thật đúng mực.

Nói là nói thế, nhưng không hiểu sao cứ nhìn thấy ánh mắt bờ môi quen thuộc này là đầu óc rối loạn lên hết. Thu Đào bối rối vô cùng, không biết nên dùng thái độ gì để đói mặt với chàng, nên vui vẻ như không có gì, hay là xa cách như chưa từng quen biết đây? Cứ mãi nghĩ ngợi câu cú, cái miệng Thu Đào vô thức phát ra những âm thanh nhạy lại câu nói của người ta:

- À... thần sắc phấn khởi, đi học lại vui...

Lời vừa ra khỏi cửa miệng, Thu Đào liền ý thức được mình vừa hành động chẳng khác một đứa tâm thần bèn đỏ mặt, đôi mắt ngó lơ nơi khác tỏ vẻ chẳng quan tâm gì đến ai.

Lê Hạo chăm chú nhìn lên chiếc trâm vàng trên búi tóc Thu Đào, ánh mắt chàng khẽ gợn lên nét ưu tư khó che đậy. Thu Hằng đứng bên cạnh lập tức nhận ra ngay ý tứ của chàng nên rất không vui, hàm răng cắn chặt để giữ cho cái miệng không phát ra lời nào không đáng nói.

Thu Đào bị Lê Hạo nhìn chăm chăm thì ngượng lắm, nàng tự giải vây bằng cách giả vờ đến bên cạnh mấy bồn hoa thạch thảo mà sờ sờ mó mó, tỏ vẻ muốn nhường không gian riêng tư lại cho em gái. Thu Hằng thấy chị có thiện chí muốn thực hiện lời hứa không tiếp cận Lê Hạo nữa nên tạm thời nguôi cơn ghen tức, nàng điều tiết cảm xúc của mình bằng một hơi thở thật sâu, đoạn hồ hỡi cười chào Lê Hạo:

- Chàng đã vẽ xong bức tranh Ngô Tư Nghiệp giao chưa? Cho ta mượn xem không?

Lê Hạo bị hỏi thì sực tỉnh, chàng chậm rãi rút trong tay nải (*) ra một bức tranh trao cho Thu Hằng và đáp với thái độ rất giữ lễ nghĩa:

- Mời nhị tiểu thư!

Thái độ xa cách lạnh nhạt của Lê Hạo làm nụ cười trên môi Thu Hằng tắt ngấm. Nàng đón lấy bức tranh nhưng ánh mắt không ngừng quan sát Lê Hạo đang thẩn thờ nhìn theo bóng lưng Thu Đào đang mãi đuổi hoa bắt bướm đằng kia.

Vào lúc ấy, tiếng trống báo giờ Thìn vang lên báo hiệu đã đến giờ vào lớp. Thu Đào liền ngưng hết những dòng suy nghĩ rối bời mà hồ hỡi vẫy gọi Thu Hằng:

- Giờ học đã đến rồi đúng không?

Mãi quan sát của Lê Hạo nên nghe tiếng gọi của chị thì Thu Hằng sực tỉnh. Nàng cố tình níu lấy cánh tay Lê Hạo cho ra chiều thân mật, nói:

- Đi thôi!

Thu Đào nhìn thấy chàng khoác tay người khác thì trong lòng nhói lên một cái mà chẳng hiểu lý do, nàng cuống cuồng dời ánh mắt ra khỏi đôi tay của hai con người "không ý tứ" đó rồi ngượng ngùng nói:

- Đi... vào lớp thôi!

Nói xong liền đâm đầu chạy thẳng không thèm chờ.

Lê Hạo ý nhị gạt nhẹ tay nàng ra, giọng điệu không rõ là đang hoảng hốt vì sợ bị "ghen tuông" hay là đang tức giận vì thái độ thiếu tinh tế của Thu Hằng:

- Ở trường học nàng không nên khoác tay như vậy!

Nói xong, Lê Hạo liền dợm bước định đuổi theo Thu Đào nhưng chợt nhận ra "đuổi theo nàng để làm gì chứ? Người chàng nên trân trọng và đón nhận chẳng phải là Thu Hằng đang đứng ngay đây sao?"

Các học trò đã vào lớp gần hết, sân trường vắng dần đi.

Lê Hạo đi trước, Thu Hằng theo sau, chung một con đường nhưng lòng hướng về hai nẻo. Hệt như vận mệnh của họ vậy, định sẵn sẽ phải bên nhau dù vui hay buồn, dù muốn hay không.

****

Tạm gác lại những ưu tư về Lê Hạo, Thu Đào bước vào lớp và ngồi ở một cái bàn sát vách, háo hức chờ được gặp Ngô Tư Nghiệp.

Tiến bước chân ngoài cửa càng lúc càng gần làm Thu Đào mãi miết nhìn ra chờ đợi. Ngô Sỹ Liên xuất hiện trước ánh mắt tán thưởng và mong đợi của Thu Đào. Ngài tuổi ngoài năm mươi, thân hình cao lớn, theo phán đoán của Thu Đào thì ít nhất cũng là 1m75 nếu tính theo đơn vị đo lường thời hiện đại, gương mặt ngài sáng ngời, trán cao, bộ râu đen dài qua khỏi cằm không làm ngài già đi mà còn tô rõ nét chững chạc điềm tĩnh. Ngô Sỹ Liên áo mũ chỉnh tề, tay cầm quyển sách và thanh gỗ ba tấc có lẽ dùng để gõ nhịp khi đọc thơ giống như Thu Đào thường thấy trong các bộ phim cổ trang.

- Thật đúng chuẩn văn nhân nho nhã! - Thu Đào thầm khen.

Ngắm chán, Thu Đào bèn lên kế hoạch xin cho bằng được "chữ ký" của ngài để khi trở lại năm 2022 nàng sẽ nắm trong tay một cổ vật đắt giá!

Ngô Sĩ Liên đứng trước lớp chấp tay ngang đầu hành lễ chào xong, cả lớp định ngồi xuống thì Lê Tuấn cũng vừa bước chân vào cửa lớp. Như một thói quen, tất cả mọi người vừa định đứng dậy hành lễ với Lê Tuấn, nhưng chợt nhớ ra điều gì nên lại thôi. Lê Tuấn cất tiếng chào cả lớp:

- Ta có công vụ nên đến hơi trễ, phiền Ngô Tư Nghiệp và các vị chờ lâu, thất lễ rồi!

Ngô Tư Nghiệp đưa tay về phía vị trí cạnh Thu Đào để hướng dẫn cho Lê Tuấn, vui vẻ đáp lời:

- Vẫn chưa muộn! Chỗ này, xin mời Lê công tử!

Thu Đào tròn mắt nhìn sang chỗ ngồi trống bên cạnh mình rồi nhìn tên thị vệ đáng ghétbước đến gần.

Vừa ngồi xuống cạnh nàng, Lê Tuấn đã lém lỉnh bắt chuyện:

- Xin thỉnh giáo văn tài của đại tiểu thư vang danh khắp Quốc Tử Giám!

Thu Đào bất mãn hỏi:

- Sao ở đâu cũng có mặt ngươi hết vậy?

---- Hết chương 15----

Chú thích:

1.(*) Thái Cung Tần: Cung tần của tiên đế.

2.(*) Tay nải: Túi vải để chứa vật dụng khi ra ngoài của người xưa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro