Chương 11: Trao Hổ Phù

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm cuối hè gió thổi mát rượi, tuy không trăng nhưng sao lấp lánh đầy trời.

Thang Tuyền Cung là một dòng suối nhân tạo ở phía Nam trong khuôn viên hoàng cung, ở đây có nước nóng rất lớn để vua tới nghỉ ngơi tắm gội.

Lê Tuấn cởi trần ngâm mình trong làn nước nóng, vầng trán toát mồ hôi nhưng gương mặt giãn ra với đôi mắt khép hờ trông vô cùng thoải mái. Có tiếng bước chân càng lúc càng gần nhưng Lê Tuấn cũng không thèm mở mắt, chàng tựa lưng lên hòn đá nhẵn nhụi, mỉm cười nói với người vừa vén rèm bước vào:

- Anh tới rồi à!

Lê Nghi Dân trong bộ giao lĩnh mỏng manh lên tiếng vái chào:

- Tham kiến Hoàng Thượng!

Lúc này, Lê Tuấn mới chậm rãi mở mắt, chàng yên lặng nhìn Nghi Dân hồi lâu khiến cặp lông mày hắn nhíu lại vẻ đề phòng. Bất giác, Lê Tuấn ném một vật gì màu vàng sáng loáng tựa như là ám khí của các thích khách, động tác nhanh gọn và mạnh mẽ đến nỗi lúc sượt qua mặt Nghi Dân còn kéo theo một làn gió mát lạnh.

Phập!

Miếng đồng từ tay Lê Tuấn bay ra cấm phập vào thân cột sát bên cạnh Nghi Dân, ánh sáng của nó hắt vào mắ làm Nghi Dân nheo mắt dò xét. Đoạn liền dùng tay rút ra ngắm nghía, đây là nửa con hổ bổ dọc làm bằng đồng, trên bụng nó còn khắc chữ "Diên Ninh". Ánh mắt Nghi Dân khẽ động, hắn nhìn Lê Tuấn nghi hoặc hỏi:

- Hổ phù?(*)

- Trẫm nửa cái, Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân nửa cái. Ba trăm quân tinh nhuệ này giao cho anh mang về tùy ý sai khiến, biết đâu sau này có lúc Trẫm cần Lạng Sơn Vương giúp một tay đấy! – Lê Tuấn ôn tồn đáp.

Ý tứ của vua thoáng hiện trong đầu làm Lê Nghi Dân lờ mờ hiểu được mình bị từ chối trao binh lực. Trong giọng nói pha lẫn thái độ không phục, hắn hỏi lại:

- Sau này?

Lê Tuấn hướng ánh mắt về phía người anh cả, dịu giọng an ủi:

- Trẫm có nhiều chỗ bất đắc dĩ, mong anh hiểu cho! Ba trăm quân này xem như Trẫm bù đắp cho Lạng Sơn Vương. Còn việc đem quân dẹp Bồn Man e là cần phải suy xét thêm!

Cởi bỏ lớp giao lĩnh khoác ngoài, Lê Nghi Dân chậm rãi bước xuống ngâm mình trong làn nước nóng, hắn nhắm đôi mi lại để che giấu sự tức giận trong đáy mắt, bóp chặt hổ phù trong lòng bàn tay, cố phát ra giọng nói bình thản:

- Tạ ơn Hoàng Thượng!

Lê Nghi Dân không lấy được binh quyền đi đánh Bồn Man thì vô cùng bất mãn. Không có binh quyền thì làm sao bồi dưỡng thế lực, âm mưu chính biến bao giờ mới thực hiện được đây? Lật đổ Lê Tuấn là tâm nguyện từ nhỏ của Lê Nghi Dân, bởi hắn luôn nghĩ ngôi trời này vốn là của mình, chẳng may bị Thái Hậu dùng nhan sắc mê hoặc tiên đế mà cướp được, Lê Tuấn làm vua là không hợp ý trời. Tiếc thay từ lúc hắn bị Thái Tông phế làm Lạng Sơn Vương thì thế lực yếu hẳn đi, trong triều thân tín cũng không có nhiều, ngoài việc bồi dưỡng binh lực ra hắn nhất thời không còn cách khác. Cơ hội hiếm có để gia cố thế lực lần này cũng xem như vuột khỏi tay, làm sao mà hắn không giận cho được?

Bình tâm suy nghĩ hồi lâu, chợt ánh mắt Nghi Dân sáng lên, trên miệng còn nở một nụ cười bí hiểm. Hắn với tay lấy bình rượu trong cái khay nổi trên mặt hồ, ngửa cổ uống một ngụm rồi nói:

- Nghi Dân chỉ mong góp chút sức mọn, dù không được quyền chủ soái nhưng cũng muốn theo đại quân ra trận, mong Hoàng Thượng chuẩn tấu!

Lê Tuấn ngả người nằm hẳn lên hòn đá tựa lưng, chàng cầm bình rượu chậm rãi đưa lên ngang mặt, ngắn gọn đáp:

- Được!

****

Lại nói về Thu Đào sau khi trở về nhà, cả đoạn đường cùng Nguyễn phu nhân từ tiền sảnh về đến phòng ngủ cô tuyệt nhiên không nói lời nào, chỉ lặng lẽ nhìn mấy cánh hoa vàng bị trận mưa tối qua làm rụng la liệt trên mặt đất. Nguyễn phu nhân xoa đầu con gái, đôi mắt thoáng nét u buồn, bà hỏi:

- Con muốn gặp Bình Nguyên Vương à?

Thu Đào ngạc nhiên nhìn mẹ hỏi:

- Sao mẹ lại nghĩ vậy?

Lần này thì Nguyễn phu nhân mới là người bị ngạc nhiên, bà nghiêm túc nhìn con gái, hỏi:

- Ngoài Bình Nguyên Vương ra, con còn lý do gì khác để đến chùa Huy Văn nữa?

Hình bóng người con trai có gương mặt y hệt Sỹ Thành lại hiện lên trong tâm trí, kèm theo cái buốt nhói do vết thương đầu đời để lại làm Thu Đào thoáng chút hồ nghi những gì đang xảy ra. Mỗi khi nhìn thấy con người thân thế lẫy lừng ấy, thì mọi cảm giác yêu hận dành cho Sỹ Thành lại cùng lúc ùa về, linh tính luôn mách bảo Lê Tư Thành chính là tiền kiếp của Sỹ Thành mà cô hết mực yêu thương. Lại còn cô tiểu thư Thu Đào nguyên bản này nữa, cô ta là ai? Có liên hệ gì với Trà My chứ? Cô ta và Lê Tư Thành chắc chắn có tình cảm dây mơ rễ má gì đây!

Thấy con gái lặng im không đáp, nét mặt cứ suy tư trầm mặc, Nguyễn phu nhân lắc đầu thở dài:

- Con nên quên ngài ấy đi! Vì sau này con sẽ là người phụ nữ của Hoàng Thượng. Còn ngài ấy sẽ là chồng của Thu Hằng. Con hiểu không?

Nguyễn phu nhân vừa nói xong thì hai người họ cũng vừa đúng lúc đặt chân vào phòng ngủ của Thu Đào. Xuân Mai thấy chủ về liền mừng rỡ hỏi han nhưng bị Nguyễn phu nhân ra hiệu cho lui ra ngoài. Cô bé hiểu chuyện liền cúi đầu vái chào rồi bước ra, trước khi ra khỏi cửa còn ngoái nhìn Thu Đào xem nàng có mất sợ tóc nào không. Thấy vậy, Thu Đào cũng nhoẻn miệng cười với Xuân Mai, nàng còn vỗ vỗ ngực ý bảo mình rất khỏe mạnh. Chỉ chờ có thế Xuân Mai mới yên dạ rời đi.

Trong phòng chỉ còn lại hai mẹ con, Thu Đào mới ngập ngừng hỏi mẹ:

- Trước kia... con và Bình Nguyên Vương là thế nào, sao cả nhà ai nấy đều sợ con phải lòng ngài ấy thế?

Nguyễn phu nhân chưa kịp đáp, thì từ ngoài cửa đã vọng vào giọng nói mềm mại nhưng đầy nội lực:

- Hai người đúng là thanh mai trúc mã, nhưng mà em và chàng cũng vậy.

Thu Hằng đi thẳng vào phòng không chút kiên dè, giọng bình tĩnh nói tiếp:

- Chị sắp vào cung hầu hạ Hoàng Thượng rồi, thiết nghĩ nên cẩn trọng hành động, đừng để cả nhà ta mang tội khi quân. Chị và chàng nên ít qua lại với nhau một chút đi.

Nguyễn phu nhân kéo tay Thu Hằng, nhíu mày:

- Kìa con, sao lại nói với chị như vậy?

Thu Hằng quay sang nhìn mẹ, ra vẻ hiểu biết thế sự mà giảng giải:

- Mẹ không nên bênh vực chị ấy như vậy. Bây giờ ai cũng biết Thu Đào sắp vào cung làm phi tần của Hoàng Thượng, nếu còn qua lại với người đàn ông khác e là cả nhà ta mang trọng tội mất thôi! Huống chi...

Ngưng lại vài giây, Thu Hằng nhìn thẳng vào mắt Thu Đào, thái độ nửa khuyên nhủ, nửa áp đảo mà nói:

- Em và Bình Nguyên Vương là chuyện đã được hai bên cha mẹ đồng ý, chị hãy nên giữ khoảng cách với chàng một chút!

Nhìn đôi mắt sáng quắc của người con gái đang thị uy với mình, Thu Đào càng thêm chắc chắn tình cảm chị em giữa nguyên chủ Thu Đào và cô em gái này đúng là không tốt chút nào. Dù cho Thu Hằng đã cố kiềm nén cảm xúc nhưng nhìn sơ là biết máu ghen đã lên đến tận não. Tuy vậy, Thu Đào lại nghĩ mình có cố tình tiếp cận Lê Tư Thành bao giờ đâu, sao tự nhiên nàng ta lại nói chuyện cái kiểu cảnh cáo thế này, nghe thật là khó chịu. Thu Đào cụp mắt xuống, hững hờ đáp:

- Chị cũng có bao giờ cố tình tiếp cận chàng đâu?

Thu Hằng khựng lại một chút vì cảm thấy chị gái mình nói không sai. Từ lúc mất đi ký ức đúng là Thu Đào chưa một lần chủ động tìm gặp Lê Hạo, có chăng cũng chỉ là vài lần tình cờ Lê Hạo đến phủ đệ bàn việc công với Nguyễn Đức Trung nên vô tình chạm mặt nhau thôi. Điều làm Thu Hằng khó chịu không phải là do họ cố tình tiếp cận nhau, mà là Lê Hạo tuy chủ động chia tay nhưng lại là người cố chấp không quên được.

Không còn gì để nói, Thu Hằng nở nụ cười nhạt nói vài câu thăm hỏi sức khỏe cho phải phép, trước khi ra về còn giả vờ quan tâm căn dặn Thu Đào phải nghỉ ngơi cho thật tốt. Thu Đào ngồi bên cạnh mẹ nhìn bóng lưng thướt tha yểu điệu của cô em gái bất đắc dĩ mà nhún vai, cười cười hỏi:

- Chúng con là chị em ruột thật hả mẹ?

Nguyễn phu nhân hiểu rõ tâm tư của cả hai người con gái, bà thở dài rồi cốc nhẹ lên đầu Thu Đào, dịu dàng nói:

- Hai đứa không những là chị em ruột, mà còn là song sinh nữa đấy!

Nhìn Thu Đào một chút, bà nhẹ nhàng vén mấy sợi tóc mây cho nàng rồi lại hạ giọng khuyên nhủ:

- Làm cung tần cho vua là điều cô gái nào cũng mong mỏi, con được cái phước ấy thì nên lấy làm vui. Chuyện cũ đừng nhớ nữa, sau này Bình Nguyên Vương vừa là em rể, vừa là em chồng của con, Thu Hằng nói như vậy cũng đúng mà!

Nuốt nước bọt đánh ực, Thu Đào rùng mình nghĩ đến việc vào cung làm vợ của Lê Bang Cơ để rồi ba năm sau xảy ra chính biến, hắn thì bị giết, cung phi của hắn nếu không chết theo thì cũng bị ban cho quân phản loạn chà đạp, số phận của nàng rồi sẽ ra sao?

Như có luồng điện chạy dọc sống lưng, Thu Đào cố kiềm nén nỗi sợ hãi để còn nghĩ cách thoát khỏi nơi này trước khi quá muộn. Nàng trộm nghĩ không về được năm 2022 thì lưu lạc giang hồ đâu đó cũng được, miễn không phải chết dưới loạn đao của Lê Nghi Dân là được rồi!

Trong lúc ấy, Thu Đào bỗng nhớ đến lời hứa của Lê Tuấn. Ngày mai hắn sẽ đến đây dắt nàng đến chùa Huy Văn, biết đâu lúc ấy lại có cơ hội trốn thoát, thay vì lo lắng vu vơ thì hãy nghỉ ngơi lấy sức cái đã. Đoạn bèn uể oải nói với Nguyễn phu nhân:

- Mẹ, con muốn nghỉ ngơi một lát!

****

Sáng sớm tinh mơ, những giọt sương đêm đọng trên cành lá chốc chốc lại nhỏ xuống tí tách làm mấy con bướm giật mình vỗ cánh, trông xa xa là đúng là một cảnh tượng hoa bướm dập dìu thơ mộng. Lê Tuấn đã dậy từ sáng sớm, chàng đứng bên cửa sổ cầm tách trà nóng hớp một ngụm, mắt nhìn chăm chăm ra vườn hoa cười cười khó hiểu.

Đào Biểu cầm đĩa bánh đậu xanh bước vào, thoáng nhìn thấy vua trong bộ thường phục liền than thở:

- Hoàng Thượng lại định ra ngoài vi hành sao? Người bận rộn chính sự đã nhiều, có thời gian nên nghỉ ngơi nhiều một chút để nô tài còn dễ ăn nói với Thái Hậu!

Đặt tách trà xuống bàn, Lê Tuấn nhìn ông ta cười hiền hòa, chàng còn nhón lấy một cái bánh trên đĩa cho vào miệng nhai rất thoải mái, cười cười nói:

- Đào Biểu, ông còn phiền phức hơn mẫu hậu đó!

Đào Biểu liền sụp xuống định quỳ thì bị chàng ngăn lại, ông ta ôm lấy cánh tay vua mà than:

- Nô tài không dám!

Lắc đầu vẻ bất lực, Lê Tuấn vỗ vỗ vai ông ta an ủi:

- Với Trẫm thì việc ra ngoài vi hành chính là sự nghỉ ngơi tốt nhất. Ông chỉ cần không mách lại với mẫu hậu là đã giúp Trẫm lắm rồi!

- Nô tài tuân chỉ! – Đào Biểu đáp, trong giọng nói có thoáng chút không hài lòng nhưng đành phải vâng lệnh nhà vua.

Lại lấy thêm một cái bánh, Lê Tuấn vừa đi vừa ngâm nga:

- "Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên

Cây me ríu rít cặp chim chuyền

Đổ trời xanh ngọc qua muốn lá

Thu đến nơi nơi động tiếng huyền..."

Nhìn theo bóng dáng chàng thiếu niên mới mười sáu tuổi, Đào Biểu khẽ nở nụ cười trìu mến, ông ta lặng lẽ thu dọn bàn phê duyệt tấu chương lại cho gọn gàng, miệng làu bàu nhưng gương mặt thì đầy vẻ nuông chiều dung túng:

- Tuổi trẻ ai cũng ham chơi, chỉ có đế vương là phải sớm lo toan đại sự! Hây da... Hoàng Thượng của ta, Người đi chơi vui vẻ nhé!

****

Hôm nay không phải ngày thiết triều nên Đoan Môn chỉ lác đác vài tốp thị vệ đi qua đi lại. Lê Tuấn trong bộ viên lĩnh(*) màu xanh da trời, đầu thắt võng cân(*) gọn gàng làm tôn lên gương mặt góc cạnh hoàn hảo. Chàng đứng trước cổng thành tiễn Lê Nghi Dân về Lạng Sơn, trước khi đi còn lễ phép nhắn nhủ:

- Anh cho em gửi lời hỏi thăm đến Dương phu nhân!

Nghe cách xưng hô thân mật, Lê Nghi Dân cũng chấp tay trước mặt đáp lễ:

- Đa tạ Hoàng Thượng...

Lê Tuấn không đợi hắn nói hết câu đã ngăn lại, hạ giọng ôn tồn:

- Bên ngoài cửa cung chúng ta chỉ là anh em bình thường. Anh chớ quá câu nệ lễ nghi!

Lê Nghi Dân khẽ động đậy đôi lông mày, hắn giấu đi cảm xúc phức tạp trong đầu bằng nụ cười kiểu tiêu chuẩn lịch thiệp, nói:

- Vậy... Anh về trước đây. Em ra khỏi cung phải dắt theo thị vệ, chớ quá chủ quan nhé!

Lê Tuấn nhoẻn miệng cười hất hàm ra phía sau lưng nơi Lý Lăng đang đứng hầu sẵn:

- Tên đó có thể sánh được với bốn năm thị vệ tinh anh nhất trong hoàng thành rồi!

Lê Nghi Dân gật gù tỏ vẻ hài lòng rồi bái biệt vua. Hắn bước lên xe ngựa, trước khi kéo rèm xuống còn không quên trộm nhìn Lê Tuấn và Lý Lăng từ phía sau lưng.

Xe ngựa lộc cộc lăn bánh, Lê Nghi Dân lấy tấm hổ phù trong tay áo ra nhìn chăm chăm một lúc rồi nhếch môi cười khinh khỉnh:

- Ba trăm quân? Xem ta là ăn mày chắc?

Đi được một đoạn cách Đoan Môn đủ xa, Lê Nghi Dân lên tiếng nói với phu xe:

- Dầu lạc ở kinh thành rất tốt, vào chợ mua một ít đi!

Xe ngựa của Lê Nghi Dân dừng lại ở một đoạn đường vắng vẻ trong kinh thành, tùy tùng đi theo có hơn hai mươi người chia nhau tản mác ra bốn phía canh giữ, đảm bảo trong vòng một trăm bước chân không ai có thể đến gần hắn được.

Đứng dưới bóng mát của một gốc cây to, Lê Nghi Dân đã cẩn thận thay bộ thường phục, đội nón rộng vành có vải phủ bên trên che kín mặt, ung dung chờ người mà hắn muốn gặp. Chỉ một lúc sau, tùy tùng của hắn dẫn đến một người đàn ông cao lớn, trên mặt hắn có một vết sẹo kéo dài từ gò má ra đến mang tai trông thật dữ tợn. Người đàn ông chấp hai tai vái chào Lê Nghi Dân:

- Bái kiến chủ tướng!

- Vì sao lại bị lộ? – Nghi Dân lạnh lùng hỏi.

Tên mặt sẹo cúi đầu vẻ biết lỗi:

- Tiểu nhân vô dụng, không biết tại sao người của triều đình lại phát hiện ra quán dầu! Nhưng kỳ lạ là...

Thấy hắn ngập ngừng, Lê Nghi Dân nhíu mày hỏi:

- Lạ điểm nào?

Tên mặt sẹo vẻ nghi hoặc nói tiếp:

- Chủ tướng! Tiểu nhân nghĩ lần này chỉ là tình cờ, vì người đến quán dầu đêm trước là một cô gái giả trai, yếu ớt lại không biết võ công. Nếu thật sự đến để làm gián điệp thì chắc chắn họ sẽ cho người thân thủ lợi hại đi mới phải.

Liếc mắt nhìn tên mặt sẹo, Nghi Dân lại hỏi:

- Nếu đã vậy sao không giết đi, lại còn bị đánh trả ra nông nổi này?

Tên mặt sẹo lại nói:

- Lẽ ra tiểu nhân đã giết được ả, nhưng lúc đó lại có một gả thân thủ lợi hại kéo cả đám người đến, tiểu nhân vô dụng đã không đánh lại hắn!

Khẽ hừ lạnh một tiếng, Lê Nghi Dân nheo mắt nhìn tên mặt sẹo tra xét thêm:

- Ngươi có chắc chỉ là tình cờ thôi?

Tên mặt sẹo quả quyết:

- Chủ tướng yên tâm, đây rõ ràng là tình cờ. Người con gái kia có vẻ bị lạc đường, ả ta hỏi đường đến chùa Huy Văn. Nếu như thật sự đến để điều tra chúng ta thì chắc chắn sẽ không dùng bất kỳ thông tin gì liên quan đến người trong triều đâu! Chùa Huy Văn là chỗ ở của Bình Nguyên Vương ai cũng biết, ả ta lại mang theo chiếu chỉ của Diên Ninh. Nếu có ý thăm dò chúng ta thì triều đình sẽ không ngu ngốc để lộ sơ hở như vậy!

Nghe lời phân tích có lý, Lê Nghi Dân im lặng hồi lâu rồi hỏi tiếp:

- Bọn chúng có thấy mặt ngươi không?

- Trời tối và mưa to, tiểu nhân lại luôn đội mũ trùm kín đầu, chắc chắn không ai nhìn thấy mặt! – Tên mặt sẹo tự tin nói.

Nghi Dân đi tới đi lui một lúc rồi hạ lệnh:

- Ngươi về Tây Kinh giúp ta bồi dưỡng quân lực, tuy chưa bị thấy mặt nhưng sau đêm ấy triều đình sẽ để mắt đến tiệm dầu, ngươi không nên ở đó nữa.

- Dạ! – Tên mặt sẹo ngoan ngoãn vâng lời.

Câu chuyện giữa hai người dần đến hồi kết thúc, thì một tên tùy tùng từ phía xa hấp tấp chạy đến thưa:

- Chủ tướng, có một nhóm thương buôn sắp đi ngang qua, ta đi thôi!

Lê Nghi Dân phất tay ra hiệu cho tên mặt sẹo rời đi, rồi tự mình nhanh chóng lên xe ngựa cùng thủ hạ tiếp tục hướng ra cửa Bắc để về trấn Lạng Sơn.

****

Phủ Điện Tiền sáng sớm đã có khách quý ghé qua làm Nguyễn Đức Trung vừa mừng vừa sợ, ông sai bảo kẻ hầu người hạ hết pha trà quý lại đến chuẩn bị điểm tâm ngon chờ sẵn. Nguyễn phu nhân thấy chồng quá phô trương liền lên tiếng nhắc:

- Hoàng Thượng đã dùng thân phận của một thị vệ để gặp Thu Đào, ông làm như thế sẽ khiến con gái nghi ngờ thân phận của Hoàng Thượng đấy! Làm gì có một vị Điện Tiền Chỉ Huy Sứ lại đi cung kính với thị vệ như vậy?

Nghe vợ nói, Nguyễn Đức Trung liền nhận ra sơ hở nghiêm trọng, bèn lấy tay lau mồ hôi trán mà nói:

- Hây da! Thu Đào sau khi bệnh nặng dậy nó cũng chẳng khác lúc trước, ngày xưa thì cứ luôn gây sự với Bình Nguyên Vương, nay lại làm phiền đến cả thánh...

Chữ "thượng" chưa kịp thốt ra khỏi miệng, Nguyễn Đức Trung đã thấy Thu Đào từ ngoài cửa tung tăng bước vào, chưa đến nơi đã cất giọng sang sảng:

- Lê Tuấn đến chưa cha? Con đã sẵn sàng rồi đây!

Nguyễn Đức Trung thấy điệu bộ vui vui vẻ vẻ của nàng liền lắc đầu căn dặn:

- Dù sao Lê thị vệ cũng là đàn ông con trai, trước mặt người ta con nên đoan trang một chút.

Nguyễn phu nhân cũng lo cho con gái thất lễ trước mặt thánh giá bèn phụ họa:

- Phải, phải! Con nên chú ý lời ăn tiếng nói, Lê thị vệ về cung sẽ nói tốt cho con trước mặt Hoàng Thượng!

Nhìn thái độ của hai người trước mặt Thu Đào cứ cảm giác họ không yên tâm về nết na của nàng vậy, nhưng dù sao bây giờ họ cũng là cha mẹ của nàng nên đành nhịn không cãi, chỉ phồng má gượng ép mà vâng dạ:

- Dạ, con biết rồi!

Lúc ấy, bác Ký quản gia hối hả chạy vào thưa:

- Bẩm ông, Lê thị vệ đã đến!

Nguyễn Đức Trung còn định ra nghênh đón thì Nguyễn phu nhân đã nháy mắt nhắc khéo, ông mới sực nhớ ra mình đang diễn kịch, bèn tằng hắng vài cái rồi bạo gan nói với bác Ký:

- Mời khách vào!

Chỉ trong phút chốc, Lê Tuấn cùng Lý Lăng kẻ trước người sau đã bước vào tiền sảnh, thấy Nguyễn Đức Trung vẫn ngồi chễm chệ trên ghế chứ không bước xuống hành lễ theo thói quen, nhưng trên trán lại mồ hôi đầm đìa trông rất căng thẳng, Lê Tuấn mím môi cho khỏi bật cười, đoạn chấp hai tay chào hỏi:

- Nguyễn đại nhân, mạt tướng phụng mệnh thánh thượng hôm nay đến đưa đại tiểu thư ra phố mua sắm đồ dùng chuẩn bị cho đợt tuyển tú!

Nguyễn Đức Trung cố kiềm nén để hai đầu gối thôi không run rẩy, từ từ đứng lên chấp tay chào lại, chậm rãi nói:

- Vâng, xin phiền Lê thị vệ một hôm vậy!

Thu Đào rất sốt ruột trước những lễ nghi rườm rà của mấy người cổ đại này, giá như là ở thời của cô thì chỉ cần vào nói là "thưa hai bác con đi", hay là "thưa cha mẹ con đi" là được rồi. Đằng này cứ hết vái lại chào, hết chào lại vái y như mong cho nhau sớm lên bàn thờ vậy! Nàng chịu hết nổi liền lên tiếng:

- Cha mẹ à, con có thể đi được chưa? Tranh thủ lúc trời còn mát mẻ, con muốn ra ngoài dạo lắm rồi, mấy hôm nay ở trong phủ mãi tù túng quá!

Nguyễn phu nhân nhìn con gái chìu chuộng:

- Được rồi, cho con đi!

Thu Đào nghe xong hí hửng nhào đến bên cạnh Lê Tuấn rồi vô tư chụp lấy cổ tay chàng, vừa kéo đi vừa ngoái đầu lại nhìn cha mà nói vội:

- Thưa cha con đi chơi!

Nguyễn Đức Trung nhìn thấy đôi mắt mở trừng trừng vì bất ngờ của Lê Tuấn mà giận tím ruột, vừa mới dặn dò con gái xong thì nó lại quên ngay mà hành xử lỗ mãng. Khóe môi ông giật giật như định nói gì thì nhận được cái lắc đầu nhẹ nhàng của Lê Tuấn nên lại thôi. Chàng mỉm cười tạm biệt với hai vợ chồng Nguyễn Đức Trung rồi cứ thế bị Thu Đào kéo đi xềnh xệch ra tận cổng phủ đệ trước con mắt ngỡ ngàng của Lý Lăng.

---- Hết chương 11 ----

Chú thích:

1. Hổ phù:

Hổ phù được hiểu nôm na là cái bùa hình con hổ, vì là tín vật của các nên còn có tên gọi khác là binh phù (兵符). của hổ phù khởi nguyên từ thời , đó là khối nhỏ bằng tạo tác hình con nằm phục, thường bằng , hi hữu mới có hoặc , trên lưng hổ còn có thể khắc . Thứ này được sử dụng như sau: Dọc sống lưng xẻ làm đôi, nửa phải do giữ và nửa trái trao cho tướng lĩnh mệnh đi tham chiến; nếu không có hổ phù thì thống soái không có quyền điều binh khiển tướng. Bởi phẩm chất quan trọng đó, đã có không ít trường hợp bại trận chỉ vì đánh mất hổ phù.

2. Võng cân:

Võng Cân/Vọng Cân (網巾), Võng Tử (網子), hay khăn lưới, khăn bịt đầu, Mạng Cân (命巾) theo cách gọi người việt, là tên gọi một loại phụ kiện, phục sức đội đầu bắt nguồn và thịnh hành vào thời nhà Minh, và được tiếp thu sử dụng bởi các nước vùng văn hóa Á Đông.

Dưới đây là một vài tài liệu nghiên cứu về võng cân tại Việt Nam. Tuy tư liệu cũ nhất được ghi chép là võng cân xuất hiện từ thời Lê Trung Hưng, nhưng trong tác phẩm này tác giả dựa theo trí tưởng tượng để cho nam chính một tạo hình có đội võng cân để thêm phong phú về hình tượng. Hơn nữa, Lê Sơ và Lê Trung Hưng cũng thuộc triều Hậu Lê nên tác giả cũng có đủ căn cứ để sáng tạo, mong độc giả đón nhận tác phẩm bằng tâm thế thoãi mái và giải trí, không quá gắt gao bắt bẻ về những chuyện mà cả sử liệu cũng không ghi chép đầy đủ. Xin cảm ơn.

"Quá trình du nhập võng cân từ Trung Quốc sang Việt Nam có lẽ diễn ra từ khá sớm thông qua giao lưu văn hóa giữa hai nước hoặc học tập dựa trên các quy chế nhà Minh của triều đình Việt Nam đương thời. Tuy nhiên ghi chép sớm nhất chỉ còn sót lại tương đối sơ sài vào thời Lê Trung Hưng
• Du Hiên Tùng Bút
《輶軒叢筆》chép năm 1696 có tả rằng: "thấy mũ Phốc Đầu, Võng cân, đai áo bèn chỉ trỏ cho là kiểu cách tuồng chèo. Tục rợ Hồ thay đổi con người ta đến mức phải ta thán như vậy đấy" – Nguyên văn:《見襆頭網巾衣帶便皆指為倡優樣格胡俗之移人一至浩歎如此》

ghi chép chi tiết hơn về võng cân mới dần xuất hiện vào thời kì nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn thông qua chế độ trang phục triều đình nước ta, và một phần trong dân gian vẫn còn duy trì việc sử dụng võng cân qua các ghi chép và mô tả như:

• Hoàng Thanh chức cống đồ《皇清職貢圖》miêu tả trang phục người dân An Nam: "Đầu thắt võng cân, chân đi hài đỏ" – Nguyên văn:《頭束網巾足著赤履....

• Yên Hành Kỷ chép về phái đoàn triều Tây Sơn: "quốc vương đầu chít Võng cân, đội Thất Lương Kim quan" – Nguyên văn:《則王頭匝網巾戴七梁金冠....

• Yên hành lục tuyển tập chép về phái đoàn triều Tây Sơn đi sứ: "Quan An Nam búi tóc cao dùng Võng cân" – Nguyên văn:《安南高髻網布....

• Loan Dương lục chép về phái đoàn triều Tây Sơn đi sứ: "Võng cân tết bằng tơ, kết lưới quá thưa, lại không thắt chặt" – Nguyên văn:《網巾以絲結之其網太疏又不能緊裹》

Trong điển chế nhà Nguyễn, võng cân là loại phục sức được sử dụng rất phổ biến trong hầu hết quy chế y phục triều đình như Thường phục, Triều phục, lễ phục.... để hỗ trợ cho quá trình đội các thể thức mũ miện trở nên thuận tiện hơn

• Đại Nam quấc âm tự vị《大南國音字彙》giải nghĩa: "Cái Võng Cân , thì là một cái dải thắt mặt lưới để mà bịt ngang trán làm cho vén tóc"

Quy định lễ phục hoàng đế: "khảm một hạt pha lê lấp lánh. Võng cân một chiếc,sức bốn khuyên bạc..." – Nguyên văn:《釘銀花一嵌晶光玻璃 一粒網巾一飾銀圈四....

• Quy định về triều phục hoàng đế: "Phàm long nhãn đều khảm các hạt trân châu nhỏ. Võng cân sức 4 khuyên vàng" – Nguyên văn:《凡龍眼嵌細小珍珠粒網巾飾金圈四》

Nhìn chung, kết cấu võng cân thời Tây Sơn và Nguyễn dựa trên hình thái Lãn Thu võng cân thịnh hành sau thời Minh trung mạt kỳ chủ yếu chỉ che phần trán người đội với công dụng gi, hai đầu võng cân bóp lại và phình ra ở giữa, vải lưới được đan bằng lông đuôi ngựa, trong đó võng cân nhà Nguyễn được cố định bằng hình thức thắt nút dây và không sử dụng cân hoàn như Trung Quốc và Triều Tiên:

• "Dưới mũ được đặt một loại băng đô, bằng lông ngựa, đầu mút có hai dây buộc, để bao quanh đầu và giữ tóc. Gọi là Vọng Cân (辋巾)" – Nguyên văn:Sous le bonnet se place une sorte de bandeau, en crins, terminé par deux attaches, qui enserre la tête et maintient lachevelure. C'est le vọng cân 網巾》

Như vậy, võng cân chính là một loại khăn có tác dụng giữ tóc cho gọn gàng. Loại khăn này xuất hiện từ thời Minh và được phổ biến rộng rãi trong xã hội Trung Hoa và Triều Tiên. Ở Việt Nam, võng cân được tìm thấy trong các ghi chép và tranh vẽ thời kỳ trước Nguyễn và đặc biệt phổ biến như là một loại khăn thiết yếu trong triều phục thời Nguyễn. Từ đó có thể khẳng định được sự tồn tại của dạng khăn này trong lịch sử phục trang của nước ta. Phổ biến là vậy, nhưng võng cân ở mỗi nước lại có những cách may cũng như kiểu dáng không hoàn toàn giống nhau. Vậy nên cần có những nghiên cứu chuyên sâu về kiểu dáng cũng như cách thức may loại khăn này để có thể tái tạo một cách chính xác nhất chiếc võng cân của nước ta cũng như tạo nên sự khác biệt với các nước còn lại."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro