Chương 10: Khúc Mắc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mặt trời vẫn chưa ló dạng nhưng tia sáng của nó đã xuất hiện phía chân trời. Nhìn từ xa, kinh thành Thăng Long được bao quanh bởi những tia nắng buổi sớm hệt như một thánh địa đang phát sáng. Lê Tuấn đứng ở cổng phủ Điện Tiền lặng lẽ ngắm bình minh, ánh mắt xa xăm không hiểu đang nghĩ việc gì mà chốc chốc khóe môi lại mỉm cười khó hiểu.

Xe ngựa trờ tới, người phu xe liền nhảy xuống chấp tay vái chào Lê Tuấn:

- Mời bệ hạ lên xe!

Ngoái đầu nhìn vào phủ đệ một lần trước khi ra về, chàng hỏi người phu xe:

- Đã truyền khẩu dụ của Trẫm cho Nguyễn Đức Trung và Bình Nguyên Vương chưa?

- Bẩm bệ hạ! Đã truyền rồi! – Người phu xe kính cẩn đáp.

Mỉm cười hài lòng, Lê Tuấn bước lên xe ngựa trở về hoàng cung.

****

Trong tiền sảnh của phủ Điện Tiền, Nguyễn Đức Trung nghe Lê Hạo thuật lại ngắn gọn câu chuyện của đêm qua xong, ông vừa mừng vừa giận, đôi vai run rẩy chấp tay vái tạ:

- Thần cảm tạ Bình Nguyên Vương đã đưa Thu Đào trở về bình an!

Lê Hạo vẻ mặt không biến đổi, bình thản nói:

- Như ta đã nói, là Lê thị vệ đã cứu nàng! Sau này có dịp Nguyễn đại nhân hãy cảm ơn anh ta là được!

Nguyễn Đức Trung khổ sở vâng vâng dạ dạ, đoạn lại nhìn sang Thu Đào đang đứng co ro một góc trong vòng tay Nguyễn phu nhân mà mắng:

- Con thật quá hư hỏng! Chuẩn bị nhận phạt nặng đi!

Lê Hạo kín đáo nhìn lên cây trâm vàng lấp lánh trên tóc Thu Đào, đôi mày nhíu lại vẻ nghĩ ngợi. Tất nhiên chàng nhận ra đó là món vũ khí nhỏ Lê Tuấn thường mang theo trong người, nay lại đang ở chỗ Thu Đào, chứng tỏ mối quan hệ của họ chỉ sau một đêm đã tiến xa vượt bậc. Lại nhớ đến lời dặn dò của Lê Tuấn sáng nay trước khi về cung, rằng ngày mai sẽ quay lại gặp nàng. Trong thoáng chốc Lê Hạo thấy lòng chua xót khó hiểu, nhận thức được rằng từ đây Thu Đào sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội quay về bên cạnh mình nữa. Cố kiềm nén cảm xúc, chàng nhìn Nguyễn Đức Trung ý nhị nói:

- Nguyễn đại nhân chớ nên phạt nàng, hãy để Thu Đào về nghỉ ngơi trước đã!

Thấy con gái vừa trãi qua một đêm đủ chuyện kinh sợ, lại hứng sương gió đầy người, Nguyễn phu nhân xót con cũng bèn xuýt xoa bênh vực:

- Đúng vậy! Để con nghỉ ngơi cho khỏe đã, tôi sẽ dạy dỗ nó lại mà!

Xong, bà liền vái chào Lê Hạo rồi kéo Thu Đào trở về phòng.

Bóng dáng hai mẹ con vừa khuất sau lớp cửa, Lê Hạo liền nói với Nguyễn Đức Trung:

- Hoàng Thượng có khẩu dụ ngày mai sẽ lại đến đưa Thu Đào đi dạo phố, mong Nguyễn đại nhân phối hợp!

Nguyễn Đức Trung nghe xong, trong mắt liền ánh lên niềm vui mừng kín đáo, ông ngập ngừng hỏi:

- Hoàng Thượng... Người không chê Thu Đào không biết lễ nghi sao?

Lê Hạo thoáng cười, trong lòng tự nghĩ nàng đáng yêu như vậy thì người con trai nào nhìn mà không thích chứ. Chính bản thân chàng cũng yêu cái tính phóng khoáng không quá câu nệ lễ nghi của nàng đấy thôi! Xem ra trí nhớ có thể mất, nhưng tính tình thì vẫn như vậy. Lê Hạo thản nhiên đáp:

- Nàng tuy hơi không giữ phép tắc nhưng tuyệt đối là một cô gái tốt, Nguyễn đại nhân cứ yên tâm!

Sau vài lời trấn an Nguyễn Đức Trung, Lê Hạo xin phép ra về.

Trên con đường nhỏ dẫn ra cổng, Lê Hạo chậm rãi từng bước, nửa muốn đến phía sau hậu viện để nhìn ai đó một chút, nửa lại thôi vì biết sự có mặt của mình chẳng còn ý nghĩa gì. Mang tâm trạng như vừa đánh mất thứ gì, Lê Hạo không nén nổi tiếng thở dài, chàng ngẩng đầu nhìn trời xanh để ngăn không cho thứ gì đó trào ra nơi khóe mắt.

Một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên từ sau lưng:

- Lê Hạo!

Chàng dừng bước, xoay người lại nhìn.

Thu Hằng, người con gái thứ hai của Nguyễn Đức Trung đang bẽn lẽn bước theo sau chàng. Nàng có gương mặt trái xoan, mũi cao mắt to, nước da tuy không trắng hồng như Thu Đào nhưng cũng là dạng sáng sủa ưa nhìn. Chớp chớp đôi mi nhìn Lê Hạo, nàng ngập ngừng hỏi:

- Chàng... ở cùng Thu Đào suốt đêm qua à?

Nghe xong, trong lòng có một chút không vui, Lê Hạo vẻ mặt vô cảm nhìn Thu Hằng hỏi:

- Đêm qua mưa to gió lớn, nàng không hỏi thăm chị gái có cảm lạnh hay không, lại đi hỏi ta và nàng ấy có ở cùng nhau hay không?

Thu Hằng nghe lời trách móc thì đôi mày khẽ nhíu, ánh mắt ngưng đọng hồi lâu rồi cười chua chát nói:

- Chàng nói như vậy là vì trong lòng chàng chỉ có Thu Đào. Còn ta... trong lòng ta chỉ có chàng! Chàng tự nhìn mình xem, đầu tóc áo quần rõ ràng là từ lúc ướt đến tận khi khô vẫn chưa thay được. Thu Đào thì hay rồi, vẫn thay y phục khô ráo sạch sẽ...

- Đừng nói nữa... - Lê Hạo ngắt lời nàng.

Đôi môi mím chặt, Lê Hạo dời bước định bỏ đi thì bị Thu Hằng kéo lấy cánh tay, nàng nói vẻ uất ức:

- Chàng đã ở cùng Thu Đào cả đêm? Chị ấy đã thay quần áo ở đâu? Hai người trai đơn gái chiếc ở bên ngoài...

- Không phải ta, là Hoàng Thượng, nàng đã vừa lòng chưa? – Lê Hạo cố kiềm nén để không hét vào mặt cô gái.

Trước đôi mắt sững sờ kinh ngạc của Thu Hằng, Lê Hạo im lặng hồi lâu rồi nhẹ nhàng gỡ tay nàng ra, dịu giọng nói:

- Xin lỗi! Nhưng Hoàng Thượng có chỉ không được nói cho Thu Đào biết thân phận của Người, nàng hãy cẩn trọng để không mang tội khi quân!

Xong, Lê Hạo liền bỏ đi để không phải nói thêm về sự việc đêm qua. Vì đâu phải chỉ riêng Thu Hằng cảm thấy khó chịu, chính Lê Hạo cũng không ngừng tự hỏi những câu tương tự. Theo lệnh của mẹ, Lê Hạo đành phải ép mình chấp nhận Thu Hằng, nên ít nhất thì Thu Hằng cũng có quyền để tra hỏi. Còn chàng? Chàng làm gì có quyền để mà ghen, để mà tra hỏi?

Bước thấp bước cao ra khỏi phủ Điện Tiền, Lê Hạo như chết lặng khi nghĩ về mùa thu sắp tới. Sớm muộn gì người con gái chàng yêu cũng phải tiến cung, còn chàng phải lấy Thu Hằng làm vợ, chỉ sợ đoạn tình cảm này sẽ trở thành bi kịch suốt nửa đời còn lại mất thôi!

Xa xa, mái ngói hoàng lưu ly(*) cao vút của điện Thái Hòa được mặt trời chiếu rọi trở nên vô cùng rực rỡ. Hoàng cung như ẩn như hiện đằng kia lọt vào tầm mắt, vô tình giúp Lê Hạo ổn định tâm trạng, chàng hít một hơi sâu tự nhủ:

- Đã sinh ra trong gia đình đế vương thì không nên vọng tưởng thoát khỏi hôn nhân chính trị!

****

Trở về hoàng cung, Lê Tuấn mãi nghĩ về sào huyệt đã bị chàng đánh phá đêm qua. Uổng công Lý Lăng kiên trì theo dõi hành tung của chúng từ Tây Kinh, vất vả lắm mới tìm ra địa hang ổ của loạn đảng tại kinh thành, nhưng nay chỉ vì cứu một cô gái mà mọi công sức đổ sông đổ biển.

- Trời xui đất khiến thế nào Thu Đào lại mang theo chiếu chỉ của mình làm gì để bọn chúng sinh nghi nhỉ? - Lê Tuấn bóp trán không ngừng tự hỏi.

Thừa Càn Cung buổi trưa thường cho các thái giám cung nữ lui ra hết, chỉ giữ lại Đào Biểu là thái giám theo hầu từ khi vua mới lên năm tuổi. Nhìn thấy mặt rồng không vui, Đào Biểu rót chén trà sâm dâng lên, đon đả nói:

- Hoàng Thượng, hãy nghỉ ngơi một chút! Chiều nay còn phải gặp thái úy Lê Thụ và Lạng Sơn Vương!

Đón lấy tách trà, Lê Tuấn trầm giọng căn dặn:

- Ta muốn gặp Lý Lăng, ngươi mau cho người đi gọi hắn, bảo rằng đọc được tin tức thì mau đến đây, mặc thường phục là được!

- Tin tức? – Đào Biểu khó hiểu lẩm bẩm.

Lê Tuấn nhìn ông ta cười cười, chàng biết tất nhiên là ông ta không biết gì về cái tin tức treo ở cổ con Mực rồi, liền hắng giọng căn dặn:

- Ông không cần thắc mắc, truyền tin cho hắn như vậy là được!

- Dạ! Nô tài đi truyền chỉ ngay!

Nhìn theo Đào Biểu đang bước ra cửa, như chực nhớ ra điều gì, Lê Tuấn lại lên tiếng hỏi:

- Gần đây ở kinh thành có món ăn gì ngon không?

Nghe vua hỏi, Đào Biểu liền hấp tấp nói:

- Hoàng Thượng đói à? Nô tài sẽ mau cho người mang đồ ăn nhẹ đến!

Liếc mắt nhìn Đào Biểu, vị vua trẻ lại nói:

- Không, Trẫm muốn khi đi vi hành tự ăn một mình!

Đào Biểu đảo tròng mắt ngang dọc một lúc rồi nghĩ ra đáp án bèn nói như reo:

- Bánh khoai sọ! Nô tài đã ăn thử một lần lúc về thăm nhà ở phố hàng Trống.

Lê Tuấn nghe xong thì vẻ mặt bình thản cứ như chỉ là thuận miệng hỏi cho vui. Chàng cầm bút tiếp tục phê duyệt tấu chương, mắt không nhìn Đào Biểu, nói:

- Được rồi, ngươi đi truyền chỉ đi!

- Nô tài tuân lệnh!

Chỉ còn lại một mình trong Thừa Càn Cung, Lê Tuấn đứng dậy vươn vai cho thoãi mái. Chàng nhấp một ngụm trà nghĩ đến tên áo đen đã chạm trán đêm qua, hắn quả nhiên vừa có võ công lợi hại vừa là kẻ xảo quyệt và thận trọng. Muốn dụ hắn quay lại truy sát Thu Đào, Lê Tuấn đã phải nấp rất kỹ và kiên nhẫn chờ đợi rất lâu hắn mới mắc bẫy. Chỉ chút nữa thôi là hạ gục được hắn, ai ngờ ngay thời khắc quan trọng lại bị Thu Đào nện cho một gậy đau đến choáng váng, tên áo đen mới có cơ hội tẩu thoát... Đến đây, gương mặt phóng túng không biết xấu hổ của Thu Đào lại hiện ra trong đầu, Lê Tuấn nhớ rõ từng điệu bộ cười cợt, từng ánh mắt ngây ngốc khi gây họa của Thu Đào, trông nó cứ vô tri, vô dụng thế nào ấy. Cái con người thành sự thì ít, bại sự thì nhiều, chỉ có biết dùng chiêu cởi áo ra uy hiếp chính nhân quân tử là giỏi, bao nhiêu là điều tối kỵ của một cô gái hội tụ đủ ở Thu Đào, nhưng không hiểu sao lại khiến Lê Tuấn vô cùng chú ý.

Khẽ lắc đầu, chàng tự mắng mình:

- Ta điên rồi! Tự nhiên lại trót ra ý chỉ sẽ cưới nàng ta làm vợ?!

Đang đắm chìm trong dòng suy nghĩ, chợt có tiếng bước chân đến gần làm Lê Tuấn ngẩng đầu lên nhìn.

Một thanh niên trẻ tuổi dáng người cao lớn không kém Lê Tuấn, nước da ngâm đen, lông mày rậm, đôi mắt đầy vẻ bí hiểm thoạt nhìn đã đoán được là người có tâm tư cẩn mật. Hắn mặc bộ triều phục màu xám có thêu hoa văn kỳ lân, đội mũ phốc đầu (*) trang sức bằng vàng, người có am hiểu về chế phục nhìn vào là biết đây là một vị hoàng thân quốc thích.

Người thanh niên chấp hai tay trước mặt hành lễ với Lê Tuấn:

- Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân, bái kiến Hoàng Thượng!

Lê Tuấn mỉm cười đưa tay đỡ lấy hắn, hiền hòa nói:

- Ở đây không có người ngoài, anh đừng quá câu nệ lễ nghi!

Liền sau đó, thái úy Lê Thụ cũng bước vào, ông ta vái chào vua và Lạng Sơn Vương rồi cả ba bắt đầu bàn chính sự.

Thoáng nhìn thái úy Lê Thụ, Lê Nghi Dân khẽ nhíu mày cố nghĩ xem vì sao Lê Tuấn lại gọi ông ta đến, trong khi hắn chỉ hẹn gặp riêng vua thôi. Đoán được ý tứ của Lê Nghi Dân, Lê Tuấn ôn tồn giải tỏa mối nghi hoặc trong lòng hắn:

- Thái úy Lê Thụ là lão thần từ lúc triều ta lập quốc, việc phân bố binh lực rất có kinh nghiệm, Trẫm muốn nghe ý kiến của Lê thái úy nên cho vời đến đây.

Lê Thụ nghe vua nói liền khiêm tốn cúi đầu với Lê Nghi Dân:

- Thần không dám, chỉ muốn góp chút sức mọn khi bệ hạ cần đến thôi!

Tuy không vui lắm với sự xuất hiện của Lê Thụ, nhưng Lê Nghi Dân nghĩ đến con đường sau này thì đành tặc lưỡi cho qua. Muốn đứng vững trong triều thì việc kết giao với những vị lão thần là không thể thiếu, hắn nghĩ ngợi một lúc rồi tâu:

- Bẩm Hoàng Thượng, Bồn Man bấy lâu nay vẫn quy thuận Đại Việt ta, nhưng hai năm nay bổng nhiên hay quấy phá dân chúng ở biên giới. Bổn Vương có một tướng lĩnh dưới trướng là Phạm Đồn, hắn vốn là binh lính từng đánh giặc Chiêm Thành mười năm trước nên rất rõ mặt của tên phế vương Bí Cai và cách đánh trận của hắn. Hiện giờ Phạm Đồn là đội trưởng một tiểu đội bộ binh trấn giữ biên giới Bồn Man, hắn phát hiện cách thức đánh trận lần này của quân Bồn Man rất giống với quân đội của Bí Cai nên bí mật lẻn vào doanh trại của giặc. Quả nhiên Bí Cai không biết ơn tha chết của Hoàng Thượng mười năm trước, trái lại còn dám lôi kéo Bồn Man ý đồ tấn công Đại Việt ta. Thật đáng giận!

Lê Tuấn lắng nghe lời Nghi Dân nói, chốc chốc lại bưng tách trà nhấp một ngụm. Thấy Nghi Dân bỗng nhiên dừng lại, chàng liền hướng mắt về phía hắn hỏi:

- Lạng Sơn Vương có ý kiến gì chăng?

Lê Nghi Dân được lời khơi gợi của vua bèn mạnh dạn tâu:

- Bổn Vương có tướng lĩnh giỏi lại thông hiểu binh pháp của Bí Cai, Lạng Sơn lại là vùng trọng yếu dẫn đến phía Bắc, muốn đánh Bồn Man đường sá vẫn rất tiện lợi...

Hắn dừng một giây, rồi nói ra mục đích cuối cùng:

- Dám xin Hoàng Thượng cho bổn vương thêm binh lực. Nghi Dân xin nhận lệnh đi dẹp Bồn Man và dư đảng Bí Cai. Sau này nguyện sẽ dùng binh lực được giao phó trấn giữ thật chặt biên giới phía Bắc. Mong Hoàng Thượng chuẩn tấu!

Thoáng nghe Nghi Dân muốn xin binh lực, Lê Tuấn khẽ động đậy lông mày ra vẻ nghĩ ngợi, chàng chưa kịp nói gì thì thái úy Lê Thụ đã lên tiếng can ngăn:

- Thứ lỗi cho lão nói thẳng, biên giới phía Bắc hiện nay do Đinh Liệt canh giữ. Nay đột nhiên Lạng Sơn Vương muốn thay chỗ e rằng phải cho ông ta một lời giải thích thõa đáng. Ai cũng biết Đinh Liệt và Nguyễn Xí kẻ Bắc người Nam canh giữ Thăng Long vô cùng cẩn mật, hai người họ cùng là công thần khai quốc, cùng nắm binh lực ngang nhau nhưng xưa nay bất hòa. Nay ta đột ngột lấy đi vị thế của Đinh Liệt như vậy, chỉ sợ ông ta thẹn không bằng Nguyễn Xí rồi sinh lòng oán hận, triều đình lại chao đảo mất thôi!

Lời của Lê Thụ rất có lý, Lê Nghi Dân tuy không thích lão ta nhảy vào phá rối kế hoạch nhưng cũng không đủ lý lẽ mà cãi. Hơn nữa, muốn được trao binh quyền thì phải tỏ ra mình là một người bình tĩnh và có chính kiến, vì vậy Lê Nghi Dân tạm thời im lặng hòa hoãn, ánh mắt rơi trên người vua chờ nghe thánh ý.

Thật ra Lê Tuấn trước giờ vẫn biết Đinh Liệt luôn hết mực trung thành với Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành vì nhớ ơn cứu mạng con trai của ông ấy. Lê Tuấn cố tình bố trí Đinh Liệt ở tận biên giới phía Bắc là để ngăn cách mối liên hệ giữa hai người họ không trở nên quá thân thiết, tránh việc thân vương và đại thần cấu kết làm lung lay ngai vàng. Vì vậy chắc chắn sẽ không có chuyện thay đổi vị tướng trấn giữ phía Bắc rồi, lời yêu cầu của Nghi Dân tất nhiên không được đáp ứng. Nhưng, cái khó của Lê Tuấn là chàng lại không tiện từ chối Lê Nghi Dân quá thẳng thừng.

Thời Thái Tông còn tại vị, Lê Nghi Dân vốn từng là thái tử, sau này do bà phi Dương Thị Bí làm phật lòng vua nên bị phế truất thành thứ dân, ngôi thái tử của Nghi Dân cũng vì vậy mà mất. Hắn bị phế xuống thành Lạng Sơn Vương, trong triều luôn có lời gièm pha là do Thái Hậu khi đó còn là Nguyễn Thần Phi đã hãm hại hai mẹ con hắn. Để xoa dịu tin đồn, Lê Tuấn từ lúc từ mình nắm triều chính luôn để ý đối đãi thật tốt với anh em ruột, cái gì cho được thì cho, tội nào tha được thì đều tha hết.

Bây giờ cũng vậy, để tránh mang tiếng trù dập anh em, Lê Tuấn phải thật cẩn trọng suy xét khi đưa ra lời từ chối.

Chàng trầm ngâm hồi lâu rồi nhìn anh trai ôn tồn nói:

- Trẫm cảm kích dũng khí xông pha dẹp giặc của Lạng Sơn Vương, nhưng việc này hệ trọng, Trẫm muốn suy xét vài hôm. Anh hãy cứ về phủ chờ thánh chỉ nhé!

Sớm biết Lê Tuấn sẽ không dễ dàng mang binh quyền trao vào tay mình, Lê Nghi Dân bình thản đáp:

- Quốc gia đại sự, Hoàng Thượng cẩn thận là đúng! Nghi Dân xin đợi lệnh!

Lê Thụ cũng chấp tay vái lạy mà thưa:

- Hoàng Thượng tâm tư cẩn mật, thật là phúc đức của con dân Đại Việt!

Đúng lúc ấy, Đào Biểu bước vào tâu:

- Bẩm Hoàng Thượng, thị vệ Lý Lăng đã đến!

Vị vua trẻ gật đầu:

- Cho vào!

Xong, chàng quay sang Lê Nghi Dân và Lê Thụ nói:

- Việc này tạm thời đến đây thôi, Trẫm còn có việc, hai khanh hãy lui ra trước!

Hai người họ vừa đi khuất, Lê Tuấn đã sai Đào Biểu chạy theo giữ Lê Nghi Dân ở lại trong cung một đêm, tối nay mời hắn đến Thang Tuyền Cung cùng vua đối ẩm. Đào Biểu tuy không hiểu rõ vì sao vua lại muốn dỗ dành Lạng Sơn Vương, nhưng hắn đã rất giỏi trong việc truyền đạt ý tứ thâm tình của Lê Tuấn, đến nỗi Lê Nghi Dân nghe xong cũng thấy mát lòng mát dạ bèn đồng ý ngay. Bước sau lưng Đào Biểu, Lê Nghi Dân không khỏi cười thầm:

- Muốn dỗ dành bổn vương à? Cho dù ngươi có đối đãi tốt với ta như thế nào chăng nữa, thì sự thật vẫn là mẹ con ngươi đã đoạt mất ngai vàng của ta!

****

Lê Tuấn không tiếp Lý Lăng ở Thừa Càn Cung, chàng thay bộ thường phục rồi gọi hắn đến Vọng Nguyệt Lầu cùng uống chén trà cho đỡ ngột ngạt. Vừa bước đến Vọng Nguyệt Lầu, Lý Lăng đã vội quỳ xuống hành lễ, hắn hấp tấp hỏi:

- Hoàng Thượng, vì sao bọn chúng lại biết sào huyệt đã bại lộ?

Lê Tuấn chậm rãi đáp:

- Ngồi xuống đây đã!

Lý Lăng chần chừ nói:

- Mạt tướng không dám!

- Ngồi đi! Trẫm nhìn thấy lễ nghi cung đình đến phát chán rồi, cho phép ngươi được ngồi nói chuyện!

Lóng ngóng một lúc, Lý Lăng đành tuân lệnh ngồi xuống đối mặt với vua. Chàng không tránh khỏi sốt ruột, lại hỏi:

- Vì sao đêm qua Hoàng Thượng lại đến nhà nuôi ngựa của mạt tướng? Sao loạn đảng lại biết ta đã phát hiện ra hang ổ của chúng chứ? Thật là phí mất công sức mất tháng trời âm thầm theo dõi!

Lê Tuấn rót trà vào tách đẩy về phía Lý Lăng làm chàng khúm núm không dám uống, cứ mân mê trên tay mà lắng nghe từng lời vua nói. Cầm cây quạt giấy phe phẩy trên tay, Lê Tuấn ngắn gọn kể:

- Đêm qua Trẫm đến chùa Huy Văn tìm Bình Nguyên Vương, không ngờ hay tin con gái lớn của Nguyễn Đức Trung đang đêm lại bỏ đi chơi ở đâu mất. Trẫm cùng Lê Hạo mới đi tìm, vừa hay nàng ta lại chạy đến cái hàng dầu lạc của bọn chúng mà hỏi đường...

Lý Lăng tròn mắt lắng nghe, thấy vua dừng lại bèn hỏi dồn:

- Sau đó thì sao?

Vẻ chán nản, Lê Tuấn trả lời mà như hỏi ngược lại:

- Ngươi nói xem, có phải cô đại tiểu thư đó được Trẫm chọn làm cung tần thì mừng tới điên rồi không? Nửa đêm bỏ đi chơi đã đành, lại còn đem theo chiếu chỉ thông báo tiến cung làm gì, để rồi làm rơi ngay trước mặt bọn chúng. Nhìn thấy ấn tín của Trẫm thì chúng tưởng nàng là người của triều đình, xém chút là mất mạng rồi đấy!

Lý Lăng mắt tròn mắt dẹt, không hiểu sao trên đời lại có chuyện trùng hợp đến vậy. Cô tiểu thư kia mang theo chiếu chỉ của Hoàng Thượng bỏ đi chơi, dù có cả một đám người chạy đi tìm nàng nhưng chỉ có Hoàng Thượng là tìm thấy ngay lúc nguy cấp nhất. Lý Lăng bất giác buột miệng:

- Ồ! Cái này gọi là duyên phận!

Hai chữ "duyên phận" tuôn ra làm Lê Tuấn đang hớp ngụm trà liền bị sặc ngay lập tức, chàng ho sù sụ mãi không lên tiếng được, Lý Lăng hốt hoảng kêu lên:

- Người không sao chứ, để mạt tướng đi gọi Đào Biểu!

Vừa ho sặc sụa, Lê Tuấn vừa xua tay nói dứt quãng:

- Không sao... khụ khụ khụ...

Vuốt vuốt ngực vài cái, Lê Tuấn khinh khỉnh nói:

- Duyên phận? Chứ không phải nghiệt duyên à? Ngươi thấy không, nàng ta vừa xuất hiện đã hại chúng ta mất hết manh mối của loạn đảng, đêm qua trong lúc ẩu đả nàng ấy còn đánh nhầm người, đập lên lưng ta một cái đây này!

Lý Lăng thấy long thể bị tổn hại liền há hốc mồm không nói được lời nào, lòng trộm nghĩ không biết con gái nhà nào mà lại to gan như vậy, nếu nàng ấy biết người mình đả thương chính là đương kiêm thánh thượng thì không biết sẽ có vẻ mặt thế nào đây! Đoạn lại nhớ ra nhiệm vụ của mình là phải điều tra ra gốc gác của nhóm người tung tin đồn về thân thế của vua mà thừa cơ lập bè kết phái làm phản, Lý Lăng lo lắng hỏi:

- Hoàng Thượng, vậy chúng ta nên làm gì tiếp theo đây?

Lê Tuấn khẽ nhíu mày, chàng nhìn về phía tẩm cung của Thái Hậu một lúc rồi hạ giọng nói:

- Trẫm cần tìm ra chứng cứ mình là con ruột của tiên đế. Ngươi hãy điều tra xem thái y nào đã chăm sóc thai nghén cho Thái Hậu lúc đó nhé!

- Người có bao giờ hỏi Thái Hậu việc này chưa? – Lý Lăng bạo dạn hỏi.

Trên mặt thoáng nét cười buồn, Lê Tuấn khổ não nói:

- Ngươi nghĩ Thái Hậu có nói thật cho Trẫm nghe không?

- Người không tin cả Thái Hậu sao?

Lý Lăng tất nhiên không hiểu được những phức tạp trong gia đình đế vương nên mới hỏi một câu ngốc nghếch. Phải, làm sao mà Lý Lăng có thể hiểu được nổi khổ tâm của Lê Tuấn?

Lê Tuấn biết rõ mẹ rất hiểu chàng, nếu chàng biết mình không phải con cháu họ Lê thì chắc chắn sẽ tự trả lại ngai vàng. Trong khi Thái Hậu rất coi trọng ngôi vị này, dù cho bà có thật sự làm loạn huyết thống hoàng thất cũng không thể nói cho Lê Tuấn biết được, vì lúc đó ngôi Thái Hậu của bà sẽ bị chính con trai mình tước bỏ.

Lê Tuấn nhìn người tướng lĩnh trung thành, cười cười nói:

- Trẫm không nên tin tưởng ai tuyệt đối!

Cơn gió độ cuối hè ở đâu thổi qua mơn man trên gương mặt, Lê Tuấn chậm rãi khép đôi mi tận hưởng cái mát mẻ hiếm hoi.

Lý Lăng ngồi đối diện không nói thêm điều gì, ánh mắt chàng rơi trên gương mặt anh tuấn của vị vua trẻ, lòng không khỏi cảm thán:

- Làm vua thì không được tin tưởng người nhà hay sao? Hoàng Thượng, có phải người thấy cô đơn lắm không?

---- Hết chương 10 ----

Chú thích:

1(*) Ngói lưu ly:

Tương truyền ngói lưu ly có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và được chuyển giao sang , tuy nhiên lịch sử và các cuộc khai quật khảo cổ học chứng tỏ điều ngược lại cho thấy đã sản xuất và sử dụng những vật liệu ấy từ cả ngàn năm, trước khi người Hoa Hạ du mục xâm lăng và tước đoạt những sản phẩm trí tuệ của những bộ lạc Việt cổ thành sản phẩm của họ. Theo màu men, ngói lưu ly có thể chia làm nhiều loại như hoàng lưu ly (Tráng men vàng), thanh lưu ly (Tráng men xanh), và bích lưu ly (Tráng men màu ngọc bích) ; theo hình dạng và vị trí sử dụng, ngói lưu ly được đặt các tên sau: ngói ống, ngói âm, ngói dương, ngói câu đầu, ngói trích thủy, ngói liệt.

2(*) Mũ phốc đầu:

Mũ cánh chuồn trong sử sách nguyên thủy là mũ (幞頭), một biến thể của loại khăn chít trên đầu, hai đầu khăn bỏ rủ hai bên tai. Mũ này du nhập vào Việt Nam từ vào thời . Thời thì triều đình chỉ định dùng mũ cánh chuồn, lúc bấy giờ gọi là mũ ô sa là một phần phẩm phục cho các quan. Tùy phẩm cấp mà dùng mũ trơn hay đính thêm những trang sức bằng có tính cách trang trí nhưng cũng là cách phân biệt phẩm trật. Mũ cánh chuồn được dùng cho đến hết thời tại Việt Nam với tên gọi là mũ Phốc đầu. Sử sách phân biệt mũ Phốc đầu thành hai loại: Loại thứ nhất dáng tròn dành cho quan văn, loại thứ hai dáng vuông dành cho quan võ. cả hai loại đều được đan bằng Mã vĩ (lông đuôi ngựa). tùy theo phẩm trật mà sẽ có thêm các trang sức mũ khác nhau như: Giao long, bác sơn, như ý, hoa,..

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro