Mỵ Nương (cổ tích Trương Chi Mỵ Nương)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sinh thần phụ thân, người mở yến tiệc. Trong đám người hoa đán, có một kẻ thổi sáo, vừa nghe thôi ta đã chết từng khúc ruột. Một khúc sáo, một đoạn tình bi ai…

Ta tên Mỵ Nương, con gái của quan Tể tướng. Sinh ra là thân phận lá ngọc cành vàng, ngay từ nhỏ, phụ mẫu ta đã cho người dạy ta cầm kỳ thi họa, dạy công dung ngôn hạnh của một nữ tử, hi vọng sẽ có thể gả ta vào một nơi môn đăng hộ đối, hạnh phúc một đời. Mười lăm trăng tròn, kinh thành chẳng ai là không biết đến đích nữ quan Tể tướng, đẹp người đẹp nết vô cùng. Niềm tự hào của phụ mẫu và gia tộc đều đặt ở đứa con gái tên Mỵ Nương ta. Nhiều mối bay đến cửa nhưng phụ thân ta vẫn chưa ưng một ai, cũng không biết hay là do người không nỡ gả.
Vì là đích nữ, lại được phụ thân yêu chiều, sợ ta chịu thiệt, sợ có kẻ khi dễ ta nên cửa phủ quan Tể tướng nửa bước ta cũng không được phép rời. Cuộc sống vây quanh ta chỉ là đám gia nhân dạ dạ vâng vâng vô cùng nhàm chán. Ta thường mơ ước đến cuộc sống phía ngoài chiếc lồng son kia, với chợ thành náo nhiệt, với thảo nguyên bát ngát xanh, với tiếng chèo nước ven sông. Nhiều lần thưa với phụ thân, người vẫn chỉ lắc đầu. Ta đâm ra u buồn khôn xiết. Thấy nữ nhi hết mực yêu thương của mình như vậy, phụ thân không nỡ mà đành xây một căn lầu son trên đồi Hồng Vân, ngay cạnh Tiêu Tương giang để ta có thể ngắm nhìn cảnh vật, giải tỏa nỗi buồn rầu trong lòng.

Lầu Tây xây vài ba tháng là xong, ta được phép ra đó ở. Phía Tây là đồi Hồng Vân không khí tươi mát, sáng có chim non ríu rít, chiều có gió mát hiu hiu, cảm giác thanh tịnh khiến con người ta thư thái, phía Nam là Tiêu Tương giang, thuyền chài ngày đêm qua lại không ngớt, tiếng đơm tôm, bắt tép nhộn nhịp chẳng thôi. Cảnh đẹp thơ mộng say đắm động lòng người.
Hàng ngày ta ở Lầu Tây thêu thùa, đọc sách. Những việc này ta vẫn làm khi ở phủ của phụ thân nhưng ở đây, ta có một tâm tình khác. Ta bắt được một tiếng sáo vọng về từ phía Tiêu Tương giang. Một tiếng sáo bâng quơ tình ái mà đằm thằm khúc chân tình, một tiếng sáo vi vút trên cao mà dặt dìu từng bước, một tiếng sáo văng vẳng phía xa mà lại réo rắt gần gũi. Cứ thế, tiếng sáo đi vào tiềm thức sống của Mỵ Nương, dần dần, đó trở thành một thói quen, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống Mỵ Nương.

Chàng là Trương Chi – một thanh niên làng chài. Hàng ngày, chàng cùng các huynh đệ khác khi thì đi đơm tôm bắt tép mưu sinh, khi thì đưa đò cho khách qua sông. Tiếng sáo trên sông Tiêu Tương chính là tiếng sáo của chàng. Gió đồi Hồng Vân đong đưa phảng phất tới Lầu Tây, đôi khi ta nghĩ, đó là định mệnh?

- Tiểu Hoa, sao hôm nay lại không còn tiếng sáo?
Tiểu Hoa là tên nha hoàn thân cận, theo hầu ta từ nhỏ. Cuốn sách trên tay ta không nhịn được nữa mà bỏ xuống. Hôm nay đã là ngày thứ hai, tiếng sáo quen thuộc bên Tiêu Tương giang đã không còn vang lên nữa. Đột nhiên, ta lại nhớ tiếng sáo, hay đơn giản là nhớ chàng…
Cứ thế mười ngày rồi, tiếng sáo không còn vang lên nữa. Chủ nhân cùng tiếng sáo đã biến đi đâu mất, biến mất đến triệt để. Chàng vì lý do gì mà rời khỏi Kinh Bắc, rời khỏi Tiêu Tương giang, rời khỏi… rời khỏi trái tim ta? Tiếng sáo không còn nữa, trong lòng ta vừa ảo não, vừa khó chịu vô cùng.

Ta đã nằm trên giường bệnh cả tháng nay. Từ khi tiếng sáo Tiêu Tương biến mất, tâm tư trong lòng Mỵ Nương ta cũng dần nguội lạnh. Phụ thân cho gọi bao nhiêu danh y nổi tiếng, vẫn không giúp ta khỏi bệnh. Mỗi khi tiếng ho của ta vang lên, hồi ức về tiếng sáo Tiêu Tương dần mờ nhạt.
Tròn ba tháng bệnh, Mỵ Nương ta đã chẳng cảm thấy chút hi vọng nào về sự sống, về tiếng sáo Tiêu Tương và về chàng. Ta cứ thế mơ hồ, mơ hồ dần. Trong cơn mê man giữa vô vàn hồi ức, tiếng sáo Tiêu Tương lại hiện lên rõ rệt nhất. Nửa mơ nửa thực, tiếng sáo Tiêu Tương đánh thức tâm tư ta, đánh thức trái tim ta. Tiếng sáo Tiêu Tương trở về, chàng đã trở về…

Ngồi sau tấm rèm châu, ta cố gắng nhìn kỹ chủ nhân của tiếng sáo Tiêu Tương giang. Ta tưởng tượng ra chàng với khuôn mặt chữ điền chất phác, với dung mạo khôi ngô, ta sẽ nhất kiến chung tình, chỉ gả cho mình chàng. Thế nhưng, trớ trêu thay, đây là nghiệt duyên. Trương Chi ơi Trương Chi, người ta ví chàng đâu có sai, “người thì thậm xấu, hát thì thậm hay”. Cái nét xấu của chàng là cái nét xấu toàn diện, không chừa lấy một đường lui. Ta hét lên kinh hãi rồi sai Tiểu Hoa đuổi chàng đi. Nỗi thất vọng dâng trào trong lòng ta. Tâm tư về tiếng sáo Tiêu Tương cũng tan dần theo mây khói. Phải, chàng xấu, và cái xấu của chàng là một cái tội.

Ta dọn từ Lầu Tây trở về phủ Tể tướng của phụ thân. Ta sợ nếu còn ở lại Lầu Tây thêm một ngày nào, thì những cơn sóng lòng của ta vẫn chưa thể yên ngày đó. Ta đâu biết rằng, chỉ bởi lòng ích kỷ này của ta mà nửa phần đời còn lại của Mỵ Nương ta và của cả chàng đều đắm chìm trong tương tư xen lẫn đau khổ.

Một tháng trôi qua, tâm tư ta đã không còn quá vấn vương tiếng sáo Tiêu Tương nữa. Mỵ Nương ta lại tiếp tục thêu thùa, may vá, lại tiếp tục những công việc của nhà đài các. Thế nhưng ông trời dường như muốn trêu đùa đoạn tình cảm ngắn ngủi này, chàng lại tới tìm ta. Tiếng sáo Tiêu Tương  đã không quản đường xá xa xôi, tìm đến phủ Tể tướng xin được gặp tiểu thư. Bất đắc dĩ, ta đồng ý.

- Tiểu thư, chắc người còn nhớ ta chứ?
Lời của chàng nặng nề vang lên kèm theo những tiếng ho vì bệnh. Những tưởng vì tâm ta đã nguội với tiếng sáo năm xưa, ta buông lời tàn nhẫn. Ta nói chàng xấu xí mà đòi cưới tiểu thư con quan, ta nói chàng nghèo hèn mà đòi trèo cao, ta nói chàng đũa mốc chòi mâm son. Ta tự biện minh cho sự ích kỷ của bản thân bằng dung mạo xấu xí của chàng. Trương Chi, giờ ta mới biết, ta sai rồi. Nửa tháng sau, bệnh của chàng trở nặng. Tiếng sáo Tiêu Tương giang vĩnh viễn không bao giờ vang lên nữa…

Phụ thân ta hôm nay đi tuần ở Tiêu Tương giang trở về. Người khoe với ta, người mua được một khối ngọc vô cùng đẹp. Khối ngọc trong suốt như pha lê, nhìn vào thấy vô vàn hào quang lấp lánh lại vô cùng to nên đã sai thợ ngọc làm thành một chiếc chén. Ta nũng nịu đòi mượn cho bằng được. Người không tiếc gì con gái cưng, liền sai gia nhân mang sang phòng ta.
Ta sai Tiểu Hoa pha một ấm trà hoa cúc thượng hạng để thưởng. Chiếc chén ngọc được mang sang, ta mân mê ngắm nhìn không chán. Cực phẩm, đúng là cực phẩm. Chén ngọc này ta dám cá cả thiên hạ chỉ có một không có hai. Thế nhưng, trà vừa gặp chén, ta liền thấy trong chén hình bóng của một nam nhân. Trương Chi. Tiếng sáo Tiêu Tương tưởng chừng đã không còn nữa lại vang lên bên tai ta. Tiếng sáo nghe văng vẳng , đều đều. Tiếng sáo kêu vi vút trên sông, tiếng sáo kêu dìu dặt từng bước, tiếng sáo kêu réo rắt xa gần. Tiếng sáo mà gió đồi Hồng Vân đong đưa vào Lầu Tây.
- Trương Chi…
Tiếng sáo của chàng sao lại nặng nề đến thế. Nó không còn trong veo như ban đầu, không còn trong veo như tâm tư ngày trước của Mỵ Nương nữa. Tiếng sáo mang nặng nỗi lòng của một tấm chân tình đau thương, trách than sự ích kỷ, tàn nhẫn của Mỵ Nương ta? Tâm tư ta tưởng như đã chết nay sống lại, mạnh mẽ và dâng trào hơn bao giờ hết, trong lòng ta lại dâng lên nỗi lòng tương tư như thuở trước. Trương Chi ơi Trương Chi, Mỵ Nương ta hại chết chàng rồi…

Ta khóc. Ta khóc cho ta, cũng như khóc tang chàng. Chén ngọc trên tay Mỵ Nương ta chính là linh hồn của chàng. Chàng chết, linh hồn hóa thành khối ngọc sáng, sáng trong như tình cảm của chàng. Chàng chẳng thể siêu thoát, vẫn mãi vấn vương lại bên Tiêu Tương giang, bên Mỵ Nương ta. Một giọt lệ của ta rơi xuống chén, như một phép màu cổ tích, chiếc chén tan ra. Đó là giọt nước mắt của tâm tư Mỵ Nương, là giọt nước mắt của mối tình với tiếng sáo Tiêu Tương giang. Trương Chi, chàng yên nghỉ…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro