Huyền Trân công chúa (nhà Trần)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ai bảo làm công chúa con vua mà hạnh phúc? Huyền Trân ta một đời cô quạnh, một đời bi ai. Cũng vì danh xưng, công chúa.

Sống trong cẩm y ngọc thực, lớn lên là một lá ngọc cành vàng, cuộc sống của Huyền Trân ta gần như viên mãn. Sinh ra trong thời buổi loạn lạc, mẫu hậu Thiên Cảm và phụ hoàng Nhân Tông chỉ còn biết cách dùng tình yêu thương của chính bản thân mà nuôi ta khôn lớn. Vì thế, khi ta vừa tròn mười ba, ta đã là nữ tử tài sắc vẹn toàn. Trong các tỷ muội hoàng thất, Huyền Trân ta vẫn được đánh giá là nàng công chúa xinh đẹp nhất, mẫu hậu nói sau này sẽ gả cho Vương gia, chứ phò mã tầm thường không khiến người nỡ gả. Nhưng xưa nay, hồng nhan thì bạc mệnh, cũng chính bởi tài sắc vẹn toàn mà chuỗi bi kịch của Huyền Trân ta bắt đầu.

Mười lăm tuổi, ta gặp Đỗ Khắc Chung, vị tướng trẻ, tài ba, mưu lược. Chàng mang họ Đỗ, là người ở Giáp Sơn. Ta nghe nói, khi Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông hỏi ai có thể sang trại Nguyên làm sứ giả, chàng đã xin đi, sang thương thuyết với tướng giặc Ô Mã Nhi. Sau này, khi chiến thắng trở lại, phụ hoàng ban quốc tính, nên đổi là Trần Khắc Chung, lại được nhận chức Đại hành khiển. Ta mến mộ chàng từ đó.

Năm ta mười chín tuổi, lứa tuổi cập kê xuất giá của đời người con gái, ta không giấu nỗi niềm ái mộ mà liền đem cả tâm can nói với chàng, lại nhận lấy cái lắc đầu cự tuyệt. Lúc này, ta cũng biết tai ương khủng khiếp cách đây năm năm: phụ hoàng vì muốn giữ gìn hoà bình ở biên giới phía nam và mở rộng bờ cỏi của nước Đại Việt, mà ngài đã hứa gả con gái yêu quí của mình cho vua Chế Mân của nước Chiêm Thành, lập thành Hoàng hậu. Trần Khắc Chung ơi là Trần Khắc Chung, khi đại thần Đại Việt phản đối, sao chàng lại là một trong hai kẻ duy nhất đồng ý? 

Thiên hạ làm thơ quốc âm cười nhạo phụ hoàng, tiếc nàng công chúa sắc nước hương trời. Nhưng ta nào có để ý điều đó. Khắc Chung cho rằng, đây là việc tốt đẹp nên làm, thắt chặt mối giao hảo hòa thân giữa Việt - Chiêm. Một lời Khắc Chung nói ra, ban xuống cái chết cho trái tim người con gái mới vừa độ đôi mươi. Thật tội cho ta, ta đâu đã biết gì về vị vua và đất nước kia? Không còn gì vương vấn, lưu luyến thứ tình cảm kia, Huyền Trân ta đành ngậm ngùi bước chân lên kiệu hoa, về Chiêm Thành lên ngôi Hoàng hậu.

Chế Mân không phải như những gì ta nghĩ. Ta lên ngôi Hoàng hậu đất Chiêm, Đại Việt ta mở rộng bờ cõi, tiếp nhận châu Ô và châu Lý là vật dẫn cưới. Chế Mân biết ta làm vợ nơi đất khách quê người, nên hết mực yêu thương ta. Người hảo ân cần, lo lắng, chăm sóc cho ta. Ta tuy xa nhà, xa quê, nhưng chưa một lần người để ta thiếu thốn bất cứ điều gì. Trong suốt một năm chung sống với Chế Mân, ta đã thấu hiểu vì sao phụ hoàng chọn Chế Mân làm con rể. Chuyến ghé thăm Chiêm Thành khi ta mới mười bốn tuổi gần 9 tháng trời, phụ hoàng Trần Nhân Tông quá hiểu về cốt cách và tài năng của Chế Mân, mới tin tưởng giao đi người con gái này. Chế Mân là một vị anh hùng của người Chiêm, oanh oanh liệt liệt, đâu phải như thiên hạ nhạo báng. Chức danh Hoàng hậu của Huyền Trân ta được đích danh Chế Mân và triều đình sắc phong đủ, không sơ sài lấy lệ. Huyền Trân ta bắt đầu có cảm mến với người. 

Đa Da chào đời, như một minh chứng về tình cảm giữa ta và Chế Mân.

Nhưng có lẽ, do ta sinh nhầm thời, ông trời không cho ta hạnh phúc trọn vẹn. Đa Da vừa đến thế gian này, thì Chế Mân đoản mệnh qua đời. Huyền Trân ta thân làm vợ, thử hỏi sao không đau lòng?

Theo tục lệ của người Chiêm, Huyền Trân ta sẽ lên giàn hỏa thiêu theo chồng. Ta bịn rịn giao lại Đa Da lại cho các ma ma, chuẩn bị cho ngày được gặp lại người suốt một năm ròng đầu ấp tay gối. Thế nhưng, người tính, vẫn không bằng trời tính. Ta gặp lại chàng, Trần Khắc Chung.

Chàng mang danh là sứ giả sang tham dự lễ viếng tang vua Chiêm, nhưng lại có một sứ mệnh khác. Khắc Chung ơi là Khắc Chung, ngày đó ta một lòng theo chàng, chàng nhất mực từ chối, đẩy ta ra xa, sang tận xứ Chiêm; bây giờ, khi ta theo Chế Mân đến suối vàng, chàng lại quay lại, đòi cướp ta về. Kiếp này, chàng không mang lại được hạnh phúc đến cho ta, hà cớ chi còn đeo bám ta hết lần này đến lần khác? Đã là phận gái, tam tòng tứ đức đặt lên hàng đầu, ta đâu thể phụ Chế Mân?

- Công chúa, vua và Thái thượng hoàng sai thần sang cứu người về.

Thứ giọng trầm ấm của Đại Việt khiến ta có chút rung động. Nhưng ta nhẫn tâm theo Khắc Chung về sao? Một năm qua tình nghĩa của vua Chiêm với ta còn đó, người vừa băng hà còn chưa mãn tang, Đa Da mới lọt lòng còn chưa gọi tiếng mẫu hậu phụ hoàng, ta nhẫn tâm bỏ lại tất cả, trở về cố quốc, trở thành kẻ ham sống sợ chết sao?

- Công chúa, người là cành vàng lá ngọc, là trân quý Đại Việt. Người hi sinh bản thân như vậy đã đủ rồi. Chúng ta về thôi.

Trong cổ họng ta rỉ ra câu đồng ý. Là giọng cội nguồn Thiên Trường. Ta ở Chiêm Thành nhưng trái tim luôn hướng tới Đại Việt thân thương. Lá rụng về cội, đến chết, ta cũng muốn chết trên đất Thiên Trường.


Thuyền nhỏ đã lênh đênh trên biển vài ba tháng. Huyền Trân ta không muốn cũng phải bỏ lại tất cả phía sau, cùng Trần Khắc Chung quay về Đại Việt. Thuyền nhỏ theo sóng biển trôi dạt biết bao giờ mới về tới bến?

- Khắc Chung, chàng có từng thích ta?

Đôi mắt màu trầm buồn của chàng hằn lên vết u sầu khó giấu. Trên thuyền nhỏ chỉ còn hai bóng người, chàng không ngần ngại mà nói hết lòng mình.

- Trân Nhi - đó là lần đầu tiên chàng gọi ta bằng hai tiếng Trân Nhi gần gũi đến thế - nàng có thể để ta ôm một cái?

Một cái ôm sao cho thỏa nỗi lòng suốt ngần ấy năm qua? Một cái ôm sao cho thỏa con tim khô cằn được sống lại? Một cái ôm sao cho thỏa tình cảm mười chín xuân? Nhưng một cái ôm là quá đủ cho nghiệt duyên Khắc Chung - Huyền Trân ta rồi.

- Ta đã từng rất thích nàng. Nhưng Trân Nhi, ta là nam nhân đã yên bề gia thất, còn có con trai. Nàng bảo ta đáp lại tình cảm nàng sao đây? Ta không thể cho nàng cuộc sống an nhiên một phu một thê như các công chúa khác rồi, không thể để nàng chịu ủy khuất khi sống cạnh ta nữa. Lần này, vua tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt này cho ta, ta cũng không ngần ngại nhận lấy vì ta cảm thấy ta nợ nàng một ân tình. Còn nếu nói tình nghĩa lâu dài, Trân Nhi, giữa ta và nàng vĩnh viễn không có kết cục tốt đẹp.

Tàn nhẫn, quá tàn nhẫn. Chàng vất bỏ ta khi ta mới biết rung động cho vua Chiêm, nhẫn tâm nhìn trái tim ta đau khủng khiếp, khi yên ổn, chàng lại quay lại mang ta về Đại Việt, rong ruổi ngoài khơi, nói lời ngọt ngào cho ta say giấc mộng về chàng, ngay lập tức, chàng lại nói những câu đau lòng. Chàng muốn ta phải làm sao?


Sau mười tháng lênh đênh ngoài biển, ta và Khắc Chung trở về Đại Việt, gặp lại phụ mẫu tay bắt mặt mừng. Hoàng huynh Anh Tông cũng không đả động gì đến chuyện này nữa.

Một lần vô tình gặp lại chàng, ta hỏi chàng có hối tiếc điều gì không, chàng đáp.

- Cả cuộc đời làm trung thần Trần gia, Khắc Trung chưa phải hối tiếc bất cứ điều gì. Chỉ mong, nếu có kiếp sau, ta sẽ không bao giờ gặp lại người nữa.

Bi ai làm sao...

- Được rồi. Trần Khắc Chung, chúng ta từ nay về sau không ai nợ ai điều gì nữa. Bốn chữ cuối ta dành cho chàng, chính là ân đoạn nghĩa tuyệt...

Cứ vậy, ta sống cô độc một mình. Người con gái hai mươi xuân sắc, lại sống cô đơn lẻ bóng, phòng không gối chiếc, ngỡ là vì ai? Vì thương nhớ cố phu Chế Mân, hay là vì đau lòng vị tướng mang quốc tính? Không, ta thoát nợ trần gian rồi. Năm ta ngũ thập, ta xuất gia vào cửa Phật. Đến cuối đời, vẫn là cô độc đến đau lòng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro