Lẽ phải: Vở diễn bi kịch đã tới hồi kết thúc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

.
.
.

Tiết thu ảm đạm chạy dài nhánh sông Wye cách Đại Luân Đôn gần trăm rưỡi dặm đường. Vượt qua Birmingham, đâu đó đằng xa Derbyshire có căn nhà nho nhỏ xinh xinh nằm cuối thị trấn Bakewell lặng lẽ. Trước nhà mọc lên một cây táo gai, quả dại rụng đầy gốc, chếnh bên hữu là rặng nho non chưa đơm chồi, lá xanh mơn mởn phủ dây dài xuống nền đất màu mỡ. Đó là một buổi sớm trời vừa tạnh mưa, gà vừa gáy, cửa chính căn nhà đương im lìm khép kín giữa màn sương giăng bỗng thình lình tung mở. Tighnari ngó mắt quan sát xung quanh, cảm thấy quang cảnh cũng đã hơi đổ bóng sáng. Thế là chàng mang giỏ gỗ tre quành ra sau khu vườn giồng đuề huề cây lá thuốc và hoa kim ngân, suy nghĩ định hái chút ít.

"Cyno, dậy chuẩn bị nhanh, con bé sắp đến rồi."

Chàng gọi với lên tầng, lập tức, cửa sổ phòng kéo xoạch sang ngang, một mái đầu trắng ôm quanh da mặt rắn rỏi ngăm ngăm thò ra ngoài. "Còn sớm mà." Giọng người đàn ông uể oải vang khắp quãng trời tịch mịch, mệt mỏi tựa ngực vào tường. Tighnari nghiêm túc hối. "Nhanh đi. Katha mới gọi bảo thằng nhóc đang sốt đấy." Đối phương bèn gật gù tỏ vẻ cam chịu, ngáp sảng khoái một cái rồi vươn vai biến mất khỏi tầm mắt.

"Chẳng biết lo xa gì sất." Tighnari lại làu bàu khi cúi người vặt mấy ngọn bạc hà và long đởm thảo. Đoạn, chàng phủi bụi đất dính tay, hai vai khẽ run rẩy bước nhanh trở về.

Tám giờ sáng, đĩa mặt trời hoàn hảo tỏa nắng tứ phương. Một tiểu thơ, tầm 30, đội nón cói rộng vành hồng hãng Kentucky, tay kia xách lỉnh kỉnh túi đồ, tay này bế con nhỏ. Đứa trẻ khoảng dăm tháng trắng bệch toàn thân, hai mắt hồng hồng lúng liếng, trên trán hãy còn miếng dán hạ sốt, rất ngoan ngoãn bấu chặt nếp áo che ngực mẹ chẳng quấy chẳng rằng. Đương nắng nhẹ, sương hết giăng, nàng chỉnh áo ấm cho con trước khi đi dọc đường phủ sỏi đá từ đại lộ, hướng thẳng vào căn nhà gỗ nhỏ dựng cuối lối. "Cha Cyno, cha Tighnari!" Nàng gọi, điệu bộ hoan hỉ vui mừng. Hai người đàn ông trung niên nghe tiếng liền phấn khởi chạy ào ra, dang rộng ôm trọn cả mẹ lẫn con, chặt khó thở.

"Katha! Vehal!" Tighnari vui vẻ cười, chàng mau mắn đón đứa nhỏ nựng nịu đung đưa và vuốt má nó cảm thán. "Ôi bé ngoan. Tạ ơn Thánh Allah, may mà sốt nhẹ." Xong bế vào nhà trước để chăm sóc. "Rốt cuộc ông mong con hay mong cháu đấy?" Cyno đùa bỡn hỏi, tay thoăn thoắt xách vali giúp con vào trong. "Tên này á, đúng là cái đồ vô lương tâm." Gã giả vờ xịu má, ấm ức mách vụ bản thân bị dựng dậy lúc 4 giờ dọn dẹp nhà cửa. Karutha thích thú che miệng ngặt nghẽo.

Bấy giờ Cyno đã gần 50, còn Tighnari xấp xỉ 49. Một người thời nào mới là tên binh nhì mùa Noel ấy, sau ba thập kỉ cuối cùng cũng được đeo đại tướng huân chương. Người kia thì cuộc đời trầm ổn hơn, tốt nghiệp xong cũng từng gia nhập Viện khoa học hàng đầu châu Âu và là một trong những dược sĩ hiếm hoi có triển vọng tột bậc. Tuy nhiên, môi trường công việc cạnh tranh là quá sức với chàng, nên cách đây chục năm chàng đã lui đường sống ẩn, quyết định chỉ làm thầy bốc thuốc nhỏ tại một vùng nông thôn thanh bình.

Lắm lúc Karutha cảm thấy cuộc đời mình thật phước lành. Các chú dì giúp mẹ Faruzan cùng nuôi nấng nàng thuở bé toàn nhân vật "tai to mặt lớn". Nàng có dì Nilou, một diễn viên múa bậc thầy trên giảng đường sân khấu. Nàng có dì Candace, một nữ đại sứ quán Cộng Hòa Sudan. Và cả người bố đã mất của nàng cũng chẳng phải dạng tầm thường khi từng nhận đồng hồ Giáo viện Luân Đôn danh giá. "Lại thêm 30 năm không kỳ tích nào xuất hiện." Tighnari vừa thở dài vừa khuấy cốc thuốc nước. Chàng đương kể về tháng ngày kết thúc mùa đông rực rỡ tuổi 18, những ba khung ảnh học giả cầm đồng hồ con ngựa đúc vàng treo ở sảnh chính Daena, lần lượt là Kshahrewar thứ 5, Amutar thứ 3 và Haravatat thứ 6, xếp ngay ngắn phía dưới các bậc tiền bối vĩ đại trăm ngàn ngày.

Karutha đổ thêm bột ớt vào nồi cà ri, quyện đều chăm chỉ và lắng nghe Tighnari hàn huyên. Bên cạnh nàng, ngài đại tướng tỉ mẩn cắt khoanh bê thui nhiễu mỡ thành miếng mỏng, xếp theo hình vòng cung trên đĩa sứ hoa rồi rưới sốt nấm lên. "Bố con hồi xưa là Casanova (*) tái thế đấy." Cyno buồn miệng nói. Karutha lập tức cười trừ. "Vậy ạ?" Nàng lau tay bằng khăn vải thô, cũng không định băn khoăn quá nhiều.

(*) Casanova, tên đầy đủ là Giacomo Girolamo Casanova de Seingalt, được mệnh danh lãng tử bậc nhất châu Âu thế kỉ 18.

Nhưng về câu tán gẫu vô ý của cha Cyno, "Casanova tái thế" ư? Nàng thoáng nghĩ. Không hẳn, vì bố nàng vẫn có vợ con đàng hoàng và xuất thân từ tầng lớp thượng lưu của xã hội châu Âu, dù nàng hay nghe mọi người kháo tính cách ông không mấy khác nhân vật huyền thoại ấy. Đa tình, hào phóng, giỏi ngoại giao, ông quả thực rất dễ dàng thu phục được những trái tim yêu mình chân thành. Bằng chứng là mẹ nàng vẫn còn yêu bố sau bao năm ông khuất bóng. Karutha thấy rõ điều đó qua phòng ngủ bố mẹ, nơi ảnh cưới của họ vẫn trưng trang trọng trên chiếc giường đặt hai gối.
"Con không rõ nữa, nhưng mẹ con quả thực yêu cha lắm." Nàng đáp, cần mẫn đưa những nhát dao chạy dài củ khoai tây. Cyno lơ đãng nhìn sang Tighnari, nom chàng à ơi đút thuốc thằng bé đầy kiên nhẫn khiến lòng gã chợt xao xuyến nỗi ấm áp. Gã lại xoay người hướng góc bếp nhỏ xinh, tủm tỉm bảo rằng hạnh phúc vốn đơn giản thế.

"Không ổn rồi. Chắc bạc hà với long đởm khó uống quá nên thằng bé cứ ọc hết ra." Tighnari rối tù mù lau miệng đứa trẻ than phiền, vội sai Cyno vào thư phòng tìm sách thảo mộc. "Để con." Karutha nhanh hơn một bước chạy lên gác, nàng vào phòng làm việc của cha Tighnari. Thư phòng rộng không quá 20 mét vuông nằm sát phòng ngủ chủ nhà, chật chội gọn ghẽ, song chứa vô số đề sách cần thiết. Hoàn toàn xoay quanh thuốc và y học! Karutha chọn cuốn nằm tít góc kệ in tựa chữ nổi "Dược liệu cho trẻ nhỏ". Nàng kéo mạnh, chợt một tấm ảnh ép nhựa xuôi theo đà rơi khỏi vị trí.

Karutha cúi xuống nhặt, thoáng nhìn, nàng nhận ra ngay là ảnh chụp hai cha và bố, và một người đàn ông lạ hoắc tạt ngang qua. Có lẽ anh ta vô tình dính ống kính camera. Cảm nghĩ duy nhất bật nảy trong nàng khi xem người đàn ông chính là, dù góc nghiêng, anh ta vẫn cực kỳ bảnh tỏn. Một nét đẹp nam tính rắn rỏi, một nét đẹp toát vẻ cương nghị, đặc biệt quai hàm gọn ghẽ cùng bờ vai dày rộng, trái ngược 360 độ thần thái phong trần có chút mỹ miều của bố Kaveh. Nhưng... Lạ gớm! Karutha tự hỏi, mới gặp qua ảnh mà sao nàng trông anh ta gần gũi quá? Rồi nàng gấp gọn vào sách, tò mò xuống cầu thang hỏi cha Tighnari.

"Xem con tìm được gì này." Nàng giơ tấm ảnh khi đặt cuốn sách lên bàn ăn. Ban đầu Tighnari không quan tâm vì bận quấn tã cho cháu, chỉ liếc nhanh, bảo: "Ồ, ảnh kỷ yếu của các cha đây mà." Tuy nhiên bẵng mấy giây, dường sực nhớ điều gì, chàng đứng phắt dậy tiến gần hơn quan sát. Nội dung bức ảnh dần hiển hiện rõ rệt trước mắt, thái độ chàng dược sĩ thôn quê tránh không khỏi biến hóa cứng nhắc, nếu không nói là thất thần. "A." Tighnari bật tiếng lưỡng lự, bối rối che miệng lảng ánh mắt. Cô gái không kịp nghe, xuýt xoa ca ngợi người đàn ông mái đầu tro xám.

"Chú ta là ai vậy? Lực lưỡng thế chắc học cùng phái với cha Cyno sao?" Karutha trỏ vào bức ảnh. Thông thường, các học giả mỗi chuyên ngành đều có huy hiệu đặc trưng thêu bên ngực áo phải, song nàng không thể nhìn thấy vì tư thế của người đàn ông che mất rồi.

"Chà." Cyno ngắc ngứ xoa gáy. Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày định mệnh, Tighnari thì thầm: "Hay cứ giấu phắt đi thì tốt hơn?" Nhưng Cyno không cho đấy là ổn. Vậy nên gã nhún vai đáp. "Cậu ta là Alhaitham chuyên ngành Luận ngôn ngữ, hậu bối học dưới mẹ con đó."

"Alhaitham?" Karutha lặp lại. "Ồ, dáng dấp này mà là học giả hội đồng Haravatat ư? Bất ngờ thật." Một lúc, nàng hỏi tiếp. "Chú Alhaitham không phải bạn các cha ạ?"

"Phải... phải chứ." Tighnari mấp máy từng chữ rời rạc, chàng vô thức dựa Cyno. Lập tức, Karutha ngoái đầu nhìn, thắc mắc càng thêm chồng thắc mắc.

"Là bạn? Nhưng trong vô số bạn bè các cha từng kể, cái tên Alhaitham xa lạ với con lắm đấy. Quá khứ mọi người xảy ra vấn đề à?"

"Không, bọn ta chỉ chưa định kể với con." Lần này là Cyno trả lời, giọng điệu không dưng nghiêm túc bất thường.

Karutha nhíu mày khó hiểu. Sau tràng thở đứt đoạn, nàng được Tighnari yêu cầu ngồi ghế. "Ông lấy tôi lá thư trong ngăn kéo tủ đây." Chàng bảo Cyno. Vị đại tướng tuân lời liền biến mất chốc lát rồi nhanh chóng xuất hiện cùng một lá thư mở sẵn. Ở trong có trang giấy loại chất liệu tầm trung cũ rích, song hai mặt đều kín nét mực đen hạng xịn. Karutha nhận lấy từ cha, chưa định đọc vội. Nàng liếc trộm, thấy lá thư đề tên người gửi là Kaveh, còn người nhận là Faruzan. Ngón tay nàng giật khẽ. Gì chứ? Thư tình à?

"30 năm trước bố con đã gởi mẹ con cái này."

"30 năm trước? Hồi ấy con đẻ rồi mà bố Kaveh vẫn viết thư gởi mẹ ư? Lãng mạn thật đấy."

"Không, cha không rõ Kaveh viết gì. Nhưng thời điểm mẹ con nhờ cha cất giữ, cha cảm thấy bà ấy như muốn trốn tránh khỏi nó."

Rốt cuộc là bức thư kinh khủng nhường nào? Mày Karutha lại nhíu. Con trai bé bỏng của nàng đã ngủ ngon lành trong lòng ông, khung cảnh quá đỗi an yên so với bão tố đang im lìm ngủ vùi nàng nắm trong tay hiện tại.

Cuối cùng, thu hết can đảm, nàng lật giở lá thư ra, nửa lo nửa hào hứng về những dòng chữ nắn nót dần in sâu đáy mắt.

"Gửi Faruzan, (To Faruzan)

Thật kỳ lạ khi hầu hết mọi người đều mở đầu một lá thư bằng thân mến (dear) + tên, anh không hiểu. Song chắc lá thư này không phải thư nữa, mà giống một bản tường trình tội trạng anh muốn thú nhận tới em.

Anh viết lá thư này gửi em, của năm sau, ba năm sau, năm năm sau, hoặc nhiều năm sau khi hai ta yếu già, Karutha lập gia đình và tốt nhất, em nên nhận nó sau khi anh chết.

Bởi anh cũng giống như cha, đều quá hèn nhát để đối diện tội ác bản thân bị bóc trần.

Faruzan,

Có một bí mật anh vẫn chôn giấu kín, dẫu lúc kết hôn ta đã nắm tay nhau và thề nguyền rằng sẽ không dối gian điều gì trước cha xứ. Giờ đây, ngồi lạc lõng trong văn phòng, tâm trí anh cứ rối cuộn hết lên, loay hoay không biết nên kể từ đâu cho em rõ ngọn ngành tươm tất. Cuộc đời anh là bản sonate dối trá vĩ đại đầy đủ từ nốt Do phản trắc tới nốt La lừa lọc. Bắt nguồn việc người ông ngoại tình khiến đôi bên cha mẹ lỡ làng, rồi hổ thẹn sinh anh và Alhaitham. Faruzan, em ơi, liệu em có tin nổi không nếu anh nói, cũng giống như cha của chồng em sống chết yêu chị gái khác mẹ, thì anh, anh đã luôn luôn... cần cậu ấy (chữ cuối viết rất xấu, có vẻ bị run tay)."

Karutha bàng hoàng. Hóa ra Alhaitham là chú nàng, nàng có một người chú! Nhưng khi đọc cảnh ông bà (và sắp tới là cả người bố thân mến) phạm trọng tội trời đất bất dung, cổ họng nàng không nhịn được mà cợn trận sóng nôn nao chua loét.

Tighanri nhìn cô con gái nuôi đầy thông cảm, tốt bụng khuyên.

"Man rợ, nhỉ? Không chịu nổi thì đừng cưỡng ép bản thân."

"Không, con ổn. Con ổn..."

Nàng nuốt chất nhợn khó nhọc đáp, trán đặt lên bàn tay cúi gằm. Hai người đàn ông trung niên đồng thời nhìn qua lại đối phương, như hiểu ý lẳng lặng chừa riêng tư cho nàng.

Karutha trấn tĩnh đọc tiếp.

"Alhaitham mang trái tim anh đi rồi, từ thuở 14. Hệt cách mẹ cuốn mất tình yêu cha, họ khiến chúng ta không thể say đắm thêm ai khác nữa. Và vì trái tim ấy chỉ toàn độc khí hãi hùng, nó khiến người trấn giữ chết mài mòn cùng dằng dặc ngày tháng. Tới lúc chịu không nổi nữa, mẹ đã nhảy lầu tự tử. Rơi từ tầng cao nhất của gia đình, bà được tìm thấy nát bấy nhầy trong hàng bụi ắc ó tờ mờ sáng.

Faruzan,

Em có thể ghét anh, hay kinh tởm anh, đay nghiến, chì chiết, gì cũng được, như cách mẹ mắng nhiếc cha không bằng một kẻ đầu đường xó chợ. Nhưng xin em đừng vì gã chồng bạc bẽo mà vứt bỏ con, bởi mẹ anh cũng từng luôn yêu thương anh với vết cắt tâm hồn đau đớn.

Anh sâu sắc xin lỗi em, Faruzan. Sâu sắc xin lỗi con, Karutha. (I deeply apologise, Faruzan. I'm deeply sorry, Karutha)." (*)

(*) Giải thích một chút về hai cách xin lỗi của Kaveh. "Apology" là kiểu xin lỗi trang trọng, chân thành. "Sorry" mang tính ủy mị hơn, nghiêng về hối lỗi và ăn năn.

Đến đây, nàng đờ đẫn. Mẹ nàng vẫn thường kể bố Kaveh săn sóc nàng ra sao. Và nàng chỉ toàn nghe phong thanh phủi ruồi. Hôm nay, qua những dòng chữ cay đắng, cô gái những 30 tuổi mới được thị phạm tình yêu thương lớn lao giữa quá khứ oan khiên hèn mọn.

Nàng là bóng hồng duy nhất mà tên lãng tử Giáo viện dành trọn niềm yêu chiều chẳng nhuốm vệt nhơ bẩn.

"Anh không muốn bị trói buộc với bất cứ ai. Gia đình, bạn bè, hay thậm chí Alhaitham. Anh muốn bay đến phương xa xôi, nơi tâm hồn có thể tự do quên lãng gốc rễ tạo dựng mình. Chối bỏ danh phận, chối bỏ cội nguồn, chối bỏ tất thảy tội lỗi đương thời và sẽ tôn kính trở thành con chiên ngoan đạo của Chúa. Ấy mà chẳng may, khi sợi dây trái tim anh đã nghiệt ngã buộc chặt ngón tay Alhaitham, chỉ cần em ấy giật lên, anh lại lập tức bay khỏi ảo mộng kì vĩ trở về thực tại điếm đàng.

Nếu anh chẳng yêu Alhaitham, thì anh cũng chẳng thể yêu ai khác."

"Dù sao thì..." Nàng gấp lại bức di thư nói vọng ra phòng tiếp khách, chỗ Cyno và Tighnari đang xem thời sự. Âm lượng bật nhỏ đến nỗi nàng không biết liệu họ có xem thật hay không, hay họ chỉ giải tỏa nhàm chán lúc chờ đợi. "Ăn nào cha ơi." Karutha không bàn về câu chuyện mình vừa đọc. Đồ ăn, hiện tại và tương lai rõ ràng quan trọng hơn dòng kẻ quá khứ các bậc tiền bối, điều mà nàng - hậu bối, chưa từng chen chân vào. Karutha đẩy bức thư lại gần Tighnari khi múc ít súp. Chàng không hỏi, nhưng nàng bảo vốn dĩ bức thư không thuộc về nàng. Nếu mẹ nàng nhờ chàng giữ, hãy cứ giữ. Bức thư ấy là của bà, hoặc của người chú Alhaitham tội nghiệp, ai cũng được, nói chung nó không phải của nàng.

Bữa ăn kết thúc tầm trưa, Tighnari đưa Karutha ra ngoài dạo chơi nghỉ dưỡng. Trưa mùa thu ở Anh dịu nhẹ, khoảng tháng mười, tóc nàng dài ngang thắt lưng nhẹ tung tẩy bay bay. Nàng ngước lên, mắt lim dim mở hé đón ánh nắng mơn trớn khắp gương mặt đầy đặn. Mùa hạ là mùa bố sinh ra, rạng rỡ những âm hưởng giữa hè náo nhiệt. Qua cách họ tường thuật, nàng đã mường tượng được một Kaveh sôi nổi bùng nổ trong cơ thể yếu mềm mong manh đó. Một Kaveh xông xáo tươi trẻ, cũng có một Kaveh lầm đường lạc lối. Một Kaveh ngập tràn yêu thương, cũng có một Kaveh nhẫn tâm tàn bạo. Và một Kaveh thờ phụng thần linh, một Kaveh tôn kính sùng bái, nhưng cũng có một Kaveh thách thức chúa trời, một Kaveh sẵn sàng giết thánh.

"Có phải đó là những gì họ nói về di truyền không?" Karutha đột nhiên dừng bước rồi hỏi Tighnari, người đang cách xa nàng chục bước. Họ nói gì đó về cái "dớp", "nghiệp chuyển kiếp", ngoại tình và cận huyết. "Con không thờ Chúa như bố, hay chú, song có lẽ con đã từng nghe qua, và cả cha nữa cha Tighnari ạ, kinh thánh có thuyết Tội Tổ Tông." Nàng tiếp tục di chuyển đôi chân, gót guốc đạp tung sỏi.

"Không, Alhaitham vô thần." Tighnari xoa bàn tay lạnh, mười đầu ngón đỏ ửng. Môi chàng săn lại, khô tróc, khí hàn đánh phấn má chàng đẹp như phụ nữ. "Alhaitham không tin Chúa, vấn đề này gây nên bởi bố con. Cậu ta từng nói là... Gì nhỉ? Ôi, cha không nhớ nổi nguyên do nữa. Hơn 30 năm rồi. Nhưng đa phần học giả Haravatat đề cao tính thực tiễn. Mẹ con cũng không đạo mà."

Mắt Karutha ánh vẻ nhạy bén.

"Chú không tin thánh thần? Ồ, ổn thôi. Nhưng tại sao cha nhất định phải thêm 'vì bố con'? Họ đã gây nhau à?"

Một cuộc trò chuyện xoay quanh [thần] và [vô thần] chợt đổi sang hướng bới móc quá khứ những kẻ khuất bóng.

"Chú hẳn đã khiến bố khổ sở..."

"Không." Vẫn từ "Không" ấy Tighnari đặt đầu câu, lần này để cắt ngang. "Ngược lại mới đúng."

Chàng dừng, bắt nhịp thở, đoạn tiếp.

"Cha không tham gia vào cuộc đời họ. Kể cả muốn, hai người họ luôn đứng ngoài địa vực nơi tất cả mọi người bình thường yêu và sống. Sự thực Cyno gặp tiền bối sớm hơn cha, năm đó bọn cha mới mấy tuổi, Cyno đã bước chân được vào thế giới hùng vĩ của Kaveh. Tuy nhiên, khi mọi chuyện liên quan tới Alhaitham thì khác, thế giới ấy lập tức chia hai nửa. Có một màn kính chắn bố con tạo dựng để che giấu Alhaitham. Bọn cha biết họ là anh em khác dòng, rồi hóa ra, bọn cha chẳng biết gì hết."

Một cơn gió thổi vút qua khiến cặp cha con đồng thời run rẩy, chút hơi thở lạnh phả qua thanh quản chàng dược sư. Chàng đến gần cây táo gai nhặt nhạnh chút quả đút túi vải

"Bọn cha cứ đinh ninh họ là anh em khác dòng, con chắc chắn sẽ nhầm lẫn giống chúng ta (nếu họ còn sống). Họ trái ngược nhau, khuôn mặt, phong thái, tính nết. Cách họ chào đời cũng đã đối lập, người sinh ban mai mùa hè, người sinh đêm khuya tiết đông. Dưng mà..."

"Sao ạ?"

"Khi họ nói về đối phương, họ đều biểu hiện chung một biểu cảm."

Tighnari ngẩng cao hít thở.

"Rất phấn khích, nhưng cũng rất dè chừng."

/

Quả nhiên Karutha không thể khóc than người đàn ông bản thân không hề có tình cảm. Bất kể bố Kaveh có từng quấn quýt nàng nhiều đến đâu thì ông cũng mất trước khi cô con gái bắt đầu có nhận thức. "Anh chắc là mình chăm sóc được Vehal chứ?" Nàng lo lắng hỏi chồng. Chồng nàng không quá đẹp đẽ nhưng là tuýp người mẫu mực hiền lành. Anh cười khì khì đáp lại vợ, chẳng nói chẳng rằng vỗ vỗ lưng đứa trẻ ngủ say trên vai.

Hôm nay nàng được các cha đưa đi viếng mộ Kaveh (chủ yếu là thăm cả chú nữa, nàng từng cùng mẹ chăm mộ bố vài lần rồi). Faruzan đã trở về Scotland quê hương bà, nơi bà sẽ dành nửa quãng đời còn lại an hưởng tuổi già ở đấy, rời bỏ Heworth đau thương, rời bỏ phố York tẻ nhạt. Suốt cuộc đời Faruzan đã sống tròn trách nhiệm một người vợ trung trinh tận tụy, không tục huyền, không có tình nhân. Và giả bà muốn kết hôn ở cái tuổi 52, Karutha trộm nghĩ, nàng cũng sẵn sàng nhiệt thành ủng hộ. Song dường mẹ nàng yêu bố quá đỗi, dù hận thù cũng không thể buông bỏ. Vì giống như chú Alhaitham cuốn mất trái tim ông, ông cũng cuốn mất trái tim bà và chôn giấu xuống đáy mồ.

Năm tiếng, họ dừng xe trước cổng nghĩa địa Nunhead. Tọa lạc biệt lập trong khu rừng già tại Southwark Luân Đôn, nàng vốn thân quen lối đi nhưng mãi không thể thân quen khí hậu lạnh lẽo âm u của nó. Có lẽ do lần nào nàng cũng vô tình cùng mẹ viếng mộ mùa thu, buổi khí trời xám xịt se lạnh. Nàng chưa bao giờ bồi hồi khi tới, song hôm nay, Karutha chợt thấp thỏm cực kì.

"Có rất nhiều gia đình viên chức hội đồng Kshahrewar chôn cất ở đây. Mảnh đất hướng đông bắc thuộc sở hữu của gia đình con."

"Ồ, nào giờ con mới biết. Mẹ chưa kể con nghe chuyện đó. Trước con chỉ đơn giản theo chân mẹ đến đặt hoa lên mộ bố thôi."

Nàng trả lời Tighnari, chỉ còn rặng cây im lìm lắng nghe cuộc trò chuyện giữa hai người.

"Mẹ từng kể cái tên thằng bé nhà con là một trong số tên chọn lọc của bố, rằng giả sử hồi xưa nếu sinh con là nam hài thì đặt Vehal. Con nghe thấy sao kêu tai quá, lấy đặt luôn."

"Kaveh đúng là có khiếu đặt tên thật."

Họ dạo bộ nhẹ nhàng trên lối nhỏ xếp thẳng tắp gạch sứ vuông, cùng rôm rả vui vẻ. Xa xa đằng kia cũng lác đác vài ba khách viếng mộ, những bó hoa cắt rễ sắc trắng vàng nở bung tỏa lẫn nền mộ cỏ mọc xanh mướt. Nghe nói sinh thời bố nàng thích cẩm chướng và loa kèn, còn chú Alhaitham thích loài cánh trắng vì ấy là màu duy nhất chú phân biệt rõ. "Toàn những hoa tang thương nhỉ? Hệt điềm báo vậy." Nàng cười nhạt, lòng ôm ấp những bó hoa như ôm kho báu quý giá, như ôm tế lễ tháp vàng.

Mộ của bố nằm hướng trái, nàng nhớ kĩ, đối diện một ngôi mộ trang hoàng không kém cạnh mà quý phu nhân Faruzan từng chăm sóc cặn kẽ. Cả hai. "Đã lâu rồi..." Cyno khom lưng nhổ bớt bụi cỏ dại mọc quanh, rồi đặt đôi bó hoa ngay ngắn chính giữa. Cẩm chướng với loa kèn. Đỏ vàng phân rõ trình tự. "Tại sao phải thế ạ?" Karutha khe khẽ nghiêng đầu. Thật ra nàng đã chú ý cách cúng hoa kiểu lạ từ lâu, nhưng chưa một lần phiền lòng thắc mắc. "Vì cẩm chướng đỏ là cho mắt, còn mái tóc là loa kèn vàng." Cyno phủi bụi dính kẽ tay, khoan khoái hồi tưởng. "Xưa bố con được mệnh danh là giai nhân Giáo viện đấy, nhờ màu tóc màu mắt khác lạ này." Gã tiết lộ. "Anh ta sát cả gái lẫn trai, hào hoa phong nhã, cũng nom yểu điệu nhu mì. Nhiều thằng học cùng khóa cha hồi đó thất tình hàng loạt khi biết bố con là đàn ông. Bao nhiêu nhỉ? Chà, đếm không xuể."

Cyno lộ ý cười. Phải công nhận rằng khoảng thời gian còn học Giáo viện là thuở vô ưu vô lo nhất. Giả gái chơi khăm, thâu đêm uống rượu, lại còn đục tường cổng sau Giáo viện trốn đi chơi và cắt dây thép hàng rào. Mặc dù vụ "động trời" ấy ngài chủ tịch hội đồng Kshahrewar chịu đứng ra đền bù hết, nhưng hai đứa vẫn bị cha nuôi Cyno giáo huấn một trận nên thân (hoặc không, hôm sau nghịch dữ hơn, điển hình chuyện cố-tình pha nhầm chất hóa học gây nổ phòng thí nghiệm, may chỉ cháy xém nửa bàn). Cả những đêm thức trắng ôn bài, đế giày in đẫm tuyết chạy từ kí túc xá tới thư viện, khi bụng ọc ạch độc đồ ăn nhanh và nước tăng lực, rồi cảnh muộn thi, rồi cảnh quay cóp mấy môn lý thuyết lê thê khó hiểu. Những đêm vật vờ sau khi quẩy bung nóc liveshow chợ trời, bọn họ không thích nhạc thính phòng hay Opera của giới chức trách. Những hôm tham gia triển lãm tranh nhưng cả hai đều chả hiểu mô tê gì nghệ thuật trừu tượng (một trong hai thằng thậm chí còn theo chuyên ngành kiến trúc). Tranh chấp đánh nhau, cá cược, xé vở gấp máy bay bị giáo sư bắt,... Thước phim ký ức cứ ào ạt chảy ùa trong trí nhớ Cyno, gã xúc động quệt vội mi mắt.

Họ đã yêu nhau, là tri kỉ. Một tình yêu Faruzan không cách nào vươn tới, và chứa đựng chan hòa vượt xa Alhaitham.

Karutha rưới rượu quanh mộ như mẹ nàng vẫn thường dạy, nét mày nửa đăm chiêu nửa khoan thai. "Kia là của Al." Tighnari chỉ ngôi mộ đối diện. Nàng quay nhìn, rồi bỗng trợn mắt bàng hoàng, sắc mặt lập tức chuyển trắng thảng thốt. "Ôi!" Karutha đâu dám tin. Hàng năm qua mẹ nàng vẫn thường coi sóc ngôi mộ ấy, mà thái độ lạnh tanh càng không buồn kể chuyện. Nàng vẫn luôn cho rằng ngôi mộ thuộc về một người họ hàng xa vô danh. "Faruzan thực sự quá tốt." Cyno trầm ngâm thật lâu, không khỏi cảm thấy chính Kaveh mới chẳng xứng cuộc tình này. Lại nói dù trên phương diện nào cậu em chồng cũng mang danh cướp chồng mình, là tình địch, là kẻ thứ ba. Ấy mà hơn 25 năm nay bà vẫn chịu khó đi đi lại lại thăm viếng.

Ai đó nói bà khờ dại, nhưng Cyno tôn vinh tấm lòng quảng đại. Và Karutha thì cho rằng đây là công cuộc trả thù người chết. Một công cuộc kết thúc toàn thắng.

Đôi khi người ta thích che đậy việc trả thù bằng vỏ bọc xướng tên tình thương.

Mộ của Alhaitham và Kaveh nằm hai phía đối diện, tựa như đường đời hai người vĩnh viễn chạy song song. "Có một mạch nước ngầm chảy qua hai phần mộ ấy. Họ là anh em, đúng không? Duyên nghiệp họ vẫn chưa đứt." Một lão canh nghĩa trang lom khom chống gậy tiến gần gia đình nhỏ, nom lão cổ quái và đáng thương. "Khoan, Cyno." Tighnari nhanh chóng ngăn cản khi vị đại tướng chuẩn bị động thái đe dọa lão già. Lão mom mem chả sợ, chỉ tiếp tục nhìn nàng Karutha bông câu trêu đùa. "Cô bé đã không còn nhớ ông già cõng cô tới thăm mộ người thân. Thật đau lòng."

"Là ông. Cháu chưa quên, ông Durgar. Ông là người chăm sóc lãnh địa Kshahrewar." Karutha vội đáp. Nghe bảo ông đã chăm sóc mộ dòng tộc nàng hàng năm trời, chứng kiến lần lượt bà qua đời, tới cha chú, rồi cuối cùng là ông nàng - hưởng dương 40 tuổi. Ông Durgar ngót nghét 80, nom còn minh mẫn và linh hoạt chán.

"Hẳn ông cô bé đã phải đau khổ lắm, chết trong phòng tắm 5 giờ sáng. Bác sĩ kết luận đột quỵ, nhưng tôi biết ngài chủ tịch đã chờ đợi án tử của mình cả đời." Durgar não nề đưa mắt lướt ngôi mộ xây gò cao. Ông khiến nàng liên tưởng tới vị thần chết không lưỡi hái, bởi có nhẽ chính ông cũng xương xẩu, và thường choàng tấm vải lanh đen tù mù khắp người.

"Mất liền hai người con, cục đá còn chịu đả kích chẳng đặng nữa là..." Karutha chép miệng đồng cảm. Nàng không dám nghĩ tới một ngày Vehal rời xa nhân thế trước nàng. Nàng sợ viễn cảnh người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh. "Xoạch." Ông Durgar nhấc cạch chiếc cuốc mòn vẹt lên, thoăn thoắt đào đứt gốc đống cỏ dại vắt lôm côm dọc lối đi. "Cô bé tò mò về cái chết của ông thân sinh chứ?" Lão canh nghĩa trang bỗng dừng chưng hửng, buông thả tay chống lên cán gỗ dựng đứng nghỉ ngơi. Karutha thoáng ngơ ngác. Ồ, nàng quả chưa từng thắc mắc về cái chết của bố, trừ một lần hỏi mẹ sao mình mồ côi bóng cha. Hồi đó nàng mới 4 tuổi. Nàng cảm thấy không hề gì khi sống cuộc đời thiếu vắng bố.

"Này." Cyno nghiêm nghị đánh lên tiếng cảnh cáo. Lập tức, Durgar lùi một bước ngậm bồ hòn. "Dĩ nhiên nếu ngài đại tướng chấp thuận." Ông dĩ hòa. Dẫu vậy, nét cười móm mém đọng khuôn miệng ông vẫn y nguyên, vì ông Durgar già đã quá cái tuổi sợ chết.

Trời lại thổi gió lật tung những mái tóc chải chuốt chỉn chu. Nổi gió rồi. Cửa gỗ kho nhỏ nơi ông Durgar trú thân đập cành cạch sát vách tường trét bột vôi nham nhở. "Thôi đi, tầm này còn giấu diếm gì nữa." Tighnari đành hạ mũ, giơ cờ trắng đầu hàng con đập cao ngất chàng từng xây để ngăn cách quá khứ và sự thật. Thời khắc lão già tay trao tay nàng Karutha bài báo của 30 năm quên lãng, con đập lòng chàng chính thức vĩ đại đổ sụp. Dòng chảy quá khứ và sự thật tựa thủy triều ồ ạt trộn lẫn nhau, giết chết nhau, đục cuộn lên và cuối cùng hòa thành một thẳm vực đại dương bạo ngược rú sóng.

Tiêu đề báo vừa quen thuộc vừa xa lạ hiện trước mắt. Cyno, Tighnari, cả lão Durgar, đã đọc hàng chục lần. Song với Karutha, đây là lớp khăn phủ bám bụi che đựng thế giới Sutton hoài cổ thu nhỏ. Nàng lưỡng lự hồi lâu, khi mắt lướt từng dòng kế tiếp cũng là lúc nàng vén màn nhìn vào thế giới tội trạng xấu xí đó.

//

"THẢM SÁT HUYẾT THỐNG Ở SUTTON: VỤ ÁN NGÀY CỦA MẸ

Rạng sáng ngày 22.3, sở cảnh sát Đại Luân Đôn tiếp nhận một vụ giết người rồi tự sát kinh hoàng tại phòng số 11, khách sạn Goydor, thị trấn Sutton. Hiện trường vụ án vô cùng lộn xộn và nồng mùi tanh tưởi khiến các viên cảnh sát không khỏi nhăn mặt, trong khi chỉ có hai mạng người.

Người phát hiện đầu tiên là nữ quản lý thường trực lầu 2, cô Elsein. Qua lời tường trình, hai nạn nhân được xác định là nam giới, cùng trong độ tuổi khoảng chừng 20. Nạn nhân lớn hơn là một kiến trúc sư, vóc dáng nhỏ gầy, triệu chứng bạch tạng rõ rệt (tạm gọi là K). Nạn nhân nhỏ tuổi hiện đang chuẩn bị đăng kí đại học (tạm gọi là A). Theo điều tra viên, hai nạn nhân đều có chung huyết thống với tỉ lệ tương thích cao. Cảnh sát thu thập được nhiều mảnh vỡ thủy tinh dính máu ngài K, còn hung khí là dao gọt trái cây. Quá trình điều tra cho thấy phần lớn mối quan hệ giữa hai nạn nhân đã xảy ra mâu thuẫn từ trước. Bằng chứng là trên cơ thể, ngoại trừ nhát đâm chí tử xuyên tim của ngài K và vết cứa cổ của A, xuất hiện nhiều dấu tích cào cấu cùng bạo hành. Hung thủ là người em trai A, vân tay in khắp hung khí. Vụ việc trở thành một trong những án mạng thương tâm bậc nhất lịch sử Vương quốc Anh, cũng vô tình đặt câu hỏi dư luận về luân lý và tình cảm giữa con người với con người.

Nguyên chủ sở hữu khách sạn, ngài Anton Beckmasie cho hay khoảng tầm 10 giờ đêm ngày 21 tháng 3, hai nạn nhân đặt chung phòng 11, cách nhau chừng 10-15 phút. Đến trước là người em A, đến sau là người anh K. Hơn một tuần thẩm vấn thân nhân và nhân vật khác có liên quan, cơ quan điều tra Luân Đôn đại khái rút ra tình hình cục diện như sau:

Ngài K và ngài A là anh em hơn kém nhau hai tuổi. A từng được nuôi dưỡng một thời gian khá dài bởi cô ruột kiêm mẹ đỡ đầu tại kinh đô Ras el-Kheima thuộc tiểu quốc Ras el-Kheima, UAE; rồi được đưa về Sutton, Luân Đôn, Vương quốc Anh năm lên 4. Theo nhận xét mọi người chung quanh, mối quan hệ của cả hai vốn dĩ không mấy hòa thuận. Người làm công kể rằng từ nhỏ hai anh em đã không ưa nhau, càng lớn càng khắc khẩu, mà đa phần thường là cậu chủ K quá quắt. Những lời này được cha nạn nhân đồng tình, có nhẽ do cảm xúc ghen tỵ khi bỗng dưng có thêm em, dẫn tới ngày dài A bị anh trai K bắt nạt. Theo lời cha nạn nhân, ông ít tham gia quá trình trưởng thành của con cái do vướng bận lịch trình công tác dày đặc, cộng thêm việc vợ mất sớm nên không kịp quản thúc và điều chỉnh lối xử sự tai hại này. Hiện bản thân ông đang phải nhập viện điều trị hậu chấn tâm lý, cảnh sát hoàn toàn không thể thẩm vấn thêm.

Thông qua thăm khám, cục cảnh sát xác nhận hai nạn nhân đã thực hiện hành vi giao cấu từ lâu. Được biết, ngài K có đời sống tình dục khá hỗn loạn, không loại trừ trường hợp ngài A bị cưỡng ép (lúc nhỏ) rồi dần sinh ra hội chứng Stockholm, tự nguyện để anh trai quan hệ với mình. Tuy nhiên, giả thuyết trên chỉ càng khiến nguyên nhân vụ thảm án khó hiểu. Các nhà chức trách quyết định một kết luận duy nhất: Không thể dung tha hành vi đồi bại của anh trai sau từng ấy năm cùng tâm lý phẫn uất hổ thẹn, ngài A đã ra tay chấm dứt chuỗi ngày đau khổ của mình, kết thúc hai cuộc đời bệnh hoạn oan trái."

"Loạn luân là một chủ đề rất thu hút, bất chấp thời đại, nên dù bài báo không nêu rõ danh tính và cách thiết lập án cũng sơ sài, vào thời của ta nó nhanh chóng nổi tiếng, chưa kể đối tượng còn là nam giới." Ông Durgar rít hơi dài từ ống tẩu. Chiều thu buồn bã ảm đạm, than thở thay một câu chuyện xưa cũ. "Ông cô bé đã chi nửa gia tài để bịt miệng bọn phóng viên đấy." Ông tiết lộ thêm. Bê bối ấy khiến hội đồng Kshahrewar lục đục thời gian, Hiệu trưởng Giáo viện Luân Đôn thậm chí phải đích thân vào cuộc hòng ngăn chặn thông tin lan rộng học sinh trường. Karutha chưa bao giờ thấy bố mình hèn mạt như hôm nay. Không chút nhân cách, trong mắt nàng, ông chỉ còn là tên tội nhân đáng nguyền rủa và muôn đời bị nguyền rủa.

Nàng khóc, nước mắt chảy ngược vô trong, ấm ức không thành tiếng ôm chặt cha Tighnari qua cổ. Ánh mắt Tighnari tinh anh đượm buồn trên gương mặt ưu tư, tầm nhìn thoáng rơi lơ lửng khoảng không vô định của bầu trời đổ nghẹt thác khói sương mù, đành trách tạo hóa đã sắp đặt tấn giai thoại kiếp người làm trò vui trên thế gian.

Tờ báo tuột tay nàng rớt xòe dưới đất. Một bức ảnh trắng đen in báo lồ lộ trên nền cát bẩn, chụp thi thể họ lúc chết, hoàn toàn lõa lồ và không rõ diện mạo. Tất cả đều nhận ra ai là ai. Họ kể Kaveh chết như đang ngủ, còn Alhaitham nắm chặt tay anh trai không rời.

"Nhưng cha thì tin là Kaveh chủ động nắm tay Alhaitham." Cyno rùng mình nhớ lại giai đoạn tăm tối. "Năm xưa cha cũng thuộc đội điều động phá án, vết máu dưới tay tiền bối có chút di chuyển, chứng tỏ trước khi chết anh ta đã cố nắm lấy tay Alhaitham."

"Nhưng ai nắm tay ai có quan trọng gì nữa đâu?" Tighnari bật khóc. Ông lão Durgar trông cảnh tượng thê lương não nề, bối rối ho húng hoắng đút tay túi quần vẩn vơ.

"Có một truyền thuyết ghi rằng, những người chấp nhận cái chết đều nhắm mắt, họ mừng vì được thoát khỏi cõi người."

Karutha trầm mặc.

"Trên đời này có vô vàn hình thức yêu thương."

Nhưng bố và chú thì không giống thế.

[ Hoàn ]

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro