P1.11. Gia quyến

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đại công chúa hơn một tuổi, đã đi vững và chạy được, miệng bi bô tập nói rất đáng yêu. Long quý phi thường bế con sang cung hoàng hậu chơi cùng thái tử, hoàng tử. Hai anh mới chín, mười tuổi nhưng rất chiều em gái, dắt tay hai bên dẫn em đi loanh quanh trong vườn.

Trời se lạnh, ba đứa trẻ mặc áo ấm, người phồng lên như ba cục bông nhỏ. Thái tử cầm tay, phủi phủi tuyết còn sót trên những ngón bé xíu của em.

Cơ Phát nhìn sang, thấy Long Phi Dạ mỉm cười dịu dàng.

- Công chúa nghịch tuyết, quý phi không sợ nhiễm bệnh sao?

Long Phi Dạ vẫn hướng mắt về phía con, hồ hởi nói: Đã là gì! Ta còn muốn đưa công chúa đến thảo nguyên, nằm trên cỏ xanh mênh mông, nhìn trời xa hút tầm mắt không gì ngăn cản.

Cơ Phát cúi xuống, vuốt nhẹ miệng tách trà: Quý phi! Thời tiết ngoài thành dạo này có đẹp không?

Long Phi Dạ quay qua cười với Cơ Phát: Hoàng hậu, ta không phải thiên lý nhãn, đang ở trong cung không biết việc bên ngoài.

- Quý phi đâu cần căng thẳng như vậy. Ta chẳng qua ngồi cùng thuyền, muốn biết hạt giống nứt mầm chưa...

Long Phi Dạ im lặng một lát, lại nhìn ra phía mấy đứa trẻ đang quấn quýt, thấp giọng: Đã nở một bông hoa...

Cơ Phát đặt tách trà trên tay xuống, không giấu nổi vui mừng: Thật ư?

- Ta không gạt hoàng hậu. Xinh xắn, khoẻ mạnh.

Cả hai yên tĩnh không nói thêm. Bẵng đi một lúc, Long Phi Dạ lẩm nhẩm, nửa như tự nói với mình, nửa như hỏi đối phương: Hạt giống, bông hoa... Dễ hiểu rồi. Vậy lá phong nghĩa là gì?

Cơ Phát không đáp, đột ngột đứng dậy hành lễ làm Long Phi Dạ cũng phải theo: Hoàng đế!

Hàn Diệp đưa tay lên miệng làm dấu rồi bước ra vườn, ôm bế công chúa từ phía sau, nựng nịu đưa vào trong, thái tử hoàng tử níu vạt áo cha nối gót, tới nơi thì sà sang Cơ Phát.

Hoàng đế để công chúa ngồi lên đùi, vừa ấp tay công chúa sưởi ấm vừa nói: Nương nương của con cũng thật là... Lạnh thế này lại để con chơi ngoài trời, lỡ có chuyện gì...

- Thì ta với Bùi đề nghi chăm sóc, hoàng đế không phải lo - Long Phi Dạ lên tiếng.

Hoàng đế nhìn hoàng hậu. Hoàng hậu cảm thấy quý phi nói thêm câu nữa thì gà bay chó sủa, liền đỡ lời: Đích nương của công chúa thể chất yếu ớt, hoàng đế chỉ là lo lắng con giống nương thôi, không phải trách quý phi đâu.

Hoàng đế cười giả lả, "phải phải", lảng sang chuyện khác, "hoàng hậu, thực ra ta muốn bàn một chuyện, cũng đã lâu chưa tận mắt xem tình hình dân chúng, ta định sẽ vi hành một chuyến."

Long Phi Dạ không quan tâm câu chuyện đang đi đến đâu, bản thân cư xử có hợp lẽ hay không, chỉ thấy mình không muốn nghe nữa, đứng dậy bế công chúa từ tay hoàng đế, còn chẳng cúi đầu: Đến giờ công chúa ngủ rồi, ta xin phép hồi cung.

Nói xong quay lưng đi thẳng.

Dù sao cũng không phải lần đầu, Cơ Phát gọi nhũ mẫu đưa thái tử, hoàng tử về phòng riêng, điềm nhiên tiếp nối câu chuyện.

- Hoàng đế tính mang theo ai chưa?

Hàn Diệp nghiêng sang, trìu mến nắm tay Cơ Phát: Mình ta thì hơn. Em ở lại trong cung, còn nhiều việc.

Cơ Phát làm bộ phụng phịu: Nhiều là việc gì? Một quý phi, một chính phi với một đề nghi à?

Hàn Diệp nựng cái cằm dẩu lên một ụ tròn: Mấy người đó có gì phải lo, bấy lâu nay ta quản có việc gì đâu!

Hoàng đế nói phải. Trong lúc hoàng đế tự phụ về khả năng kiểm soát của mình thì Cẩm chính phi đã quen hết đường đi lối lại ở trai phòng rồi.

Cẩm chính phi hành sự tùy hứng nhưng cũng rất biết gặp Nguyệt Sơ là chuyện không hay, luôn chọn lúc vắng vẻ, vào chỗ kín đáo cùng nhau tập luyện. Ban đầu không gì khác ngoài điệu vũ, sau chính phi thấy người này ít nói khác thường, đúng hơn là chẳng thốt được câu nào, liền hỏi han dăm ba câu, rồi phát hiện ra người ta bị câm.

Nguyệt Sơ bẩm sinh vốn là người bình thường. Năm 10 tuổi thì cha mẹ mất, không có tiền lo việc tang, cùng quẫn lại nghĩ cạn, tìm tới đoàn tế lễ. Tiểu đạo sinh là kẻ làm cầu nối giữa cõi tục với các thần, đòi hỏi phải có chút đặc biệt, mà những người khiếm khuyết thì giác quan thứ sáu càng tinh nhạy, sẽ dễ được chọn hơn. Nguyệt Sơ nghe người ta xầm xì, đi đào rễ thuốc ăn cho mất tiếng, tự bán mình để tận hiếu.

Sống lầm lũi nhiều năm trong trai phòng, có lúc Nguyệt Sơ thấy hối hận. Tạo hoá vốn công bằng, người câm thường sẽ điếc để không biết được âm thanh lao xao bên ngoài, nghe được mà không thể nói là một nỗi khổ. Tiểu đạo sinh là những kẻ cô độc, không ai bắt chuyện, cũng không cần nói chuyện với ai, nhắm mắt mở mắt đều đối diện với bàn tế lễ. Nhưng Nguyệt Sơ đã từng biết nói, lúc ở một mình càng tha thiết muốn nói, Nguyệt Sơ há hốc miệng, cố gắng gào lên nhưng chỉ còn tiếng lào khào, bị bóng tối xung quanh nuốt chửng. Nguyệt Sơ tìm một miệng giếng, lén vục đầu vào luyện giọng, mong mỏi ngày nào đó vọng âm trở lại sẽ là tiếng của chính mình. Tập mãi đợi mãi, cuối cùng cũng lập bập được hai chữ "Nguyệt Sơ".

Nhưng còn ai quan tâm? Tiểu đạo sinh là một đoàn người, lẫn vào nhau, cùng với nhau làm chuyện khác thường giúp cho người thường, có đặc biệt đấy, nhưng cũng chẳng là ai.

Rồi sau rất nhiều năm, Nguyệt Sơ nghe một người hỏi mình: Ngươi tên gì? Hỏi thành thực, đôi mắt chăm chăm chờ đợi câu trả lời.

Nhưng Nguyệt Sơ lại sợ nếu hỏi câu khác mà mình không hồi đáp được, người ta sẽ bỏ đi mất. Thật may, những lần gặp gỡ tiếp theo Nguyệt Sơ không cần lên tiếng, chỉ nhịp chân đưa tay là hiểu nhau.

Cẩm Lý kể cho Nguyệt Sơ nghe về Tây Vực, đất đai khô cằn, vàng thì nhiều, nước thì hiếm. Nguyệt Sơ cũng kể cho Cẩm Lý, lúc nhỏ hay nghịch ngợm bắt cá bỏ vào lọ, luôn mộng cá biến thành một cô nương xinh xinh, nhưng sáng hôm sau dậy cá đã chết rồi.

Cẩm Lý hỏi Nguyệt Sơ: Sao ngươi không tìm cách đi khỏi đây?

Nguyệt Sơ trả lời: Không có tiền.

Cẩm Lý chỉ lên người bảo: Ta có rất nhiều vàng, cho ngươi, đủ chuộc thân mà còn có thể chữa bệnh câm.

Nguyệt Sơ hỏi: Nhưng người có đi cùng ta không?

Cẩm Lý lắc đầu. Không đi được.

"Vậy ta cũng không đi. Người thân không còn ai, sống một mình cũng không ý nghĩa gì."

Cẩm Lý ngơ ngẩn. Ta đã lìa xa quê hương, không có gia đình bên cạnh, có thể coi kẻ hiểu mình là người thân chăng?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro