P1.10. Tâm giao

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Minh Thân Vương về kinh chỉ cách mấy tháng sau hội thi võ. Chưa bao giờ hai lần trở lại nối tiếp của Minh Thân Vương ngắn ngày như vậy, cảm giác có chút khác lạ.

Chính Lam kỳ là đội quân đặc biệt thiện chiến, sai đâu đánh đó. Những năm Hàn Diệp còn là thái tử di lưu xứ người, dòng phụ tiếm quyền, Minh Thân Vương mới 16 tuổi tự gầy dựng một nhóm tùy tùng, giữ yên những vùng lân cận. Hàn Diệp trở về có chỗ để móc nối, tựa vào mà lấy lại ngai vàng.

Hoàng đế từng đề nghị Minh Thân Vương ở lại trong cung, nhưng Minh Thân Vương lấy cớ quen đời sống phiêu bạt, vả lại tân hoàng chưa vững, vương tự nguyện trấn áp những mầm phản loạn. Nhóm quân ít ỏi năm xưa được đặt tên Chính Lam kỳ, cờ hiệu màu xanh lam, công khai tuyển binh, chuyên trách những sự vụ nóng bỏng ngoài kinh thành.

Nửa năm nay tình hình đã yên, chính sự ổn định, mùa màng thuận lợi, dân chúng cũng an phận đi nhiều. Minh Thân Vương trở về kinh thành lần này là muốn nghỉ ngơi, hơn nữa còn có chút việc riêng.

Mùa thu, mây trên trời thoáng sắc hồng, lá trên cành ngả sang màu đỏ. Minh Thân Vương ngừng lại giữa cầu, nước bên dưới trôi lặng lờ, dường như vô tư vô lo nhưng chẳng biết điểm cuối rồi sẽ về đâu. Nghe nói nước trong cung này chảy vòng quanh thế thôi, rong ruổi mấy cũng không ra khỏi hoàng thành.

Long quý phi đang trên đường, muốn tránh nhưng lối qua trước mặt chỉ có một, mà quay lưng đi cũng không tiện.

- Minh Thân Vương!

- Quý phi!

- Minh Thân Vương mới trở về.

- Phải, ta vào cung diện kiến.

- Vậy... ta xin phép đi trước.

Long Phi Dạ dời gót, nghe phía sau có tiếng gọi: Quý phi, ta có một việc!

Nguyên Triệt tiến lên trước mặt Long Phi Dạ, chìa ra một chiếc lá phong.

- Ta ngang qua Đông châu, không có duyên gặp chim Minh Nguyệt, cũng không thấy sâu Hoàng Khuyển, tiện tay nhặt thứ nhỏ mọn này, nếu quý phi không chê...

Long Phi Dạ nhìn thẳng vào Nguyên Triệt. Đôi mắt non khẽ xao động, tay luống cuống rút về: Xin lỗi, thất lễ rồi...

Long Phi Dạ đón lấy, cất vào tay áo: Cảm tạ! Minh Thân Vương!

Lại nhận ra cử động của người kia có chút gượng gạo, Long Phi Dạ ngập ngừng hỏi: Minh Thân Vương đang bị thương sao?

Môi Nguyên Triệt mở ra một nụ cười, dường như trong thoáng chốc đã trút bỏ gánh nặng thống lĩnh để quay về với tâm tình đúng tuổi: Cũng thường thôi, không đáng lo. Tạ quý phi để tâm.

Long quý phi lại lên tiếng cáo từ, vội vã dời đi. Lá khô dưới gót hình như lạo xạo khác thường. 

Mà ở cung Cẩm chính phi, có người cũng đang buồn bực không yên.

Cẩm chính phi từ ngày cầu thân đều tận lực với hoàng đế. Nghĩa là mỗi đêm hoàng đế nghỉ lại, chính phi đều trổ hết tài nghệ của mình. Trên đời này thứ vui nhất là vũ đạo, còn chính phi đến để thắt chặt tình hữu nghị giữa hai quốc gia, vậy thì chỉ có hai việc để làm với nhau thôi, là múa và viên phòng. Chuyện sau thì dễ, chuyện trước thoạt đầu tưởng cũng dễ, nhưng hóa ra không phải.

Chính phi múa xong lại ngồi vào lòng hoàng đế, hơi thở còn hổn hển, trán nghe có mồ hôi rịn ra ươn ướt, háo hức hỏi: Thần múa thế nào?

Hoàng đế đỡ lấy thân hình nóng rẫy, mỉm cười: Đẹp lắm.

- Rồi sao nữa?

Hàn Diệp hơi phân vân, chưa rõ Cẩm Lý muốn nói gì, đáp một câu vô thưởng vô phạt: Rất có phong vị Tây Vực, rất đặc sắc.

Cẩm Lý nhăn mày, lắc lắc đầu: Hoàng đế không hiểu, không hiểu!

Cẩm chính phi cực kỳ thất vọng. Những lời khen sáo rỗng kiểu đó Cẩm Lý đã nghe từ Tây Vực, nghe đến chán rồi, khi biết mình sẽ đến đại quốc cầu thân liền khấp khởi hy vọng. Người ở đó học rộng biết nhiều, còn viết được những câu ca tụng, hẳn là sẽ hiểu.

Tình động ở trong mà thành hình ra lời. Lời nói không đủ nên phải thở than. Thở than không đủ nên phải ca ngâm. Ca ngâm vẫn không đủ thì bất giác tay múa chân giậm.

(Tình động ư trung nhi hình ư ngôn. Ngôn chí bất túc, cố ta thán chi. Ta thán chi bất túc, cố vịnh ca chi. Vịnh ca chi bất túc, bất tri thủ chi vũ chi, túc chi đạo chi dã. - Thi đại tự)

Vậy chẳng phải vũ đạo là hiển lộ trực tiếp của lòng người ư, tại sao hoàng đế thông kinh thấu sử lại không hiểu? Không hiểu trong ngón tay đưa lên có mào đỏ dựng đứng của chim khướu mùa xây tổ, trong ngón chân nhấn xuống có chân tép búng rong, và tà áo xếp tầng bay bay không phải cánh hoa mà là vây cá? Vậy còn nói gì đến thất tình lục dục, đến niềm vui nỗi buồn?

Chính phi ôm niềm ủ rũ trong lòng, không nói được với ai, cũng có lúc cố giải thích cho hoàng đế nhưng bất lực, càng ngày càng không muốn gặp nữa.

Thời gian thấm thoắt trôi, chẳng mấy chốc đã sắp đến giỗ đầu của hoàng quý phi. Trai phòng sửa soạn lễ, mọi người đều phải tham gia, ai nấy đều ý thức đây là chuyện buồn thương, thảy đều nghiêm nét mặt, chỉ có chính phi mắt sáng lấp lánh.

Chính phi nhìn đội tế nhảy điệu cầu an, cảm thấy cực kỳ vi diệu, không giống điệu vũ của mình chút nào, nhưng ở đó có mây bay yên ủi và gió ru lời vĩnh hằng, là những thứ vỗ về người ta ngay cả khi đã chết. Từ đó trở đi mỗi tháng chính phi đều kiếm cớ lui tới một lần để xem trộm mấy tiểu đạo sinh tập luyện. Họ mặc áo xanh, chỉ nhịp tay giậm chân, im lặng không nói. Chính phi nhìn theo bắt chước, âm thầm tập ở tẩm cung nhưng không vừa ý, lại đến trai phòng, thừa lúc vãn người lôi đại một tiểu đạo sinh vào góc.

- Dạy ta đi!

Tiểu đạo sinh nghiêng đầu, vẻ chừng không hiểu.

Chính phi đưa tay lên diễn lại một đoạn: Dạy ta!

Người kia đứng lặng giây lát, đưa mắt nhìn quanh rồi chầm chậm đi từng nhịp cho Cẩm Lý học theo. Trong bóng tối nhờ nhờ, một xanh một đỏ tiếp điệu nhịp nhàng.

Xong xuôi, chính phi hồ hởi nói: Ta tên Cẩm Lý, còn ngươi, ngươi tên gì?

Người kia có chút ngạc nhiên, môi hé mở lắp bắp không thành tiếng. Cẩm Lý kiên nhẫn chờ mãi mới nghe vài âm ngọng nghịu.

"Nguyệ... Nguyệt Sơ".

Nội điện bốn bề vắng lặng, chỉ nghe tiếng Cẩm Lý lẩm nhẩm: Nguyệt Sơ, Nguyệt Sơ... Nếu ta múa cho ngươi xem, ngươi có hiểu được không?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro