8. Chịu đựng hay phản kháng?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi không thể nhớ được tại sao mình lại có mặt ở đây, chỉ biết bao quanh lấy tôi là một màu xanh mênh mang của bầu trời. Thành phố đã bước vào mùa đông từ lâu nhưng nắng vẫn chói chang và gió khô nóng không ngừng cuộn lên theo từng cơn.

Trước mắt tôi mơ hồ có một bóng người, mái tóc nâu hung hung, bờ vai rộng, hương thơm the mát như vỏ quýt hòa quyện với táo xanh... Anh ngước mắt nhìn tôi, vẫn là đôi mắt màu hổ phách quen thuộc nhưng không còn sự dịu dàng thường ngày, thay vào đó là vẻ hững hờ và lạnh lùng tới mức đau lòng.

Anh đi lướt qua tôi để tiến về phía Nhật Phương, trên gương mặt xinh đẹp nổi bật của cậu ta hiện lên một nét cười vui vẻ và thoả mãn. Nụ cười của kẻ chiến thắng.

Bỗng nhiên một bàn tay đẩy mạnh vào lưng tôi, trong nháy mắt cả cơ thể tôi nhẹ bẫng, vùng vẫy rơi vào một khoảng không vô tận...

- Á!

Cả lớp quay đầu lại nhìn tôi, đến lúc này tôi mới phát hiện ra mình đã ngủ gật trong giờ Lịch sử. Giọt nước mắt còn đọng trên khóe mi nhắc cho tôi nhớ đó là một cơn ác mộng. Không, giấc mơ ấy có lẽ còn dễ chịu hơn những gì tôi đang phải trải qua ngay lúc này.

- Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, thế giới bước vào thời kỳ căng thẳng về mặt chính trị và quân sự giữa Mỹ và Liên Xô. Hai cường quốc không sử dụng vũ khí "nóng" (các loại vũ khí truyền thống) trong mối quan hệ kình địch này, mà thay vào đó là cuộc chạy đua vũ trang, nổi bật là vũ khí hạt nhân. Đó là lý do chúng ta sử dụng thuật ngữ "Chiến tranh lạnh" để nói về giai đoạn lịch sử này.

Cô giáo tiếp tục ôn lại những kiến thức về sự hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy, gió rít mạnh làm cửa gỗ oằn mình kêu kẽo cọt, lẫn trong tiếng gió là giọng cô giảng êm êm đều đều, trước mắt tôi nhấp nhô những bóng áo trắng đang miệt mài ghi chép. Khung cảnh bình yên như chưa từng thay đổi, chỉ có bản thân chúng tôi biết bên dưới sự bình yên ấy ẩn chứa những gì.

- Bây giờ chúng ta sẽ làm việc theo nhóm nhé. Mỗi tổ giúp cô thực hiện một bản sơ đồ tư duy, tổ 1 tóm tắt tình hình Liên Xô và Đông Âu, tổ 2 là Mĩ, Tây Âu và Nhật, tổ 3 sẽ làm về các nước Á, Phi, Mĩ Latinh nhé!

Cả lớp nhanh chóng xô ghế đứng dậy sắp xếp lại vị trí, đứa kê bàn, đứa lấy giấy, đứa chuẩn bị bút vẽ, mỗi người một chân một tay. Giữa khung cảnh tất bật và lộn xộn ấy, tôi càng trở nên lẻ loi, lạc lõng hơn.

Khi mọi người trong tổ chí chóe cãi nhau về việc vẽ sơ đồ như thế nào thì tôi ngồi trong một góc, lặng lẽ làm bài của mình.

Đúng như những gì tôi nghĩ, cái Minh Ánh tổ trưởng cố ý không ghi tên tôi vào danh sách nhóm, buộc tôi phải nộp bài tập riêng cho cô để lấy điểm kiểm tra 15 phút.

Tiếng trống ra chơi bất ngờ vang lên, lúc này tâm trạng nặng nề của tôi mới được cởi bỏ phần nào. Mặc kệ đám bạn xung quanh vẫn đang xúm xít chỉnh lại bản vẽ, tôi bỏ xuống dãy hành lang vắng người đằng sau toà C của trường.

Đợi khoảng năm phút thì Việt Hà hớt hải xuất hiện, trên tay nó không quên cầm theo bánh sừng bò và sữa dâu mua ở căng tin.

Tôi vừa ăn sáng vừa kể cho nó nghe buổi gặp hôm qua của tôi và Bảo Anh. Cậu ta bảo tôi ghi lại mấy thông tin liên quan đến tài khoản email, Facebook, rồi gửi ảnh chụp CCCD để khiếu nại lên Meta.

- Nó nói người hack Facebook tao có chủ đích từ trước rồi, khả năng cao là vì mâu thuẫn cá nhân. Tốt nhất nên báo cáo thầy cô chủ nhiệm hoặc ban giám hiệu để được can thiệp. Bởi vì chắc chắn bọn kia đã tải được những thông tin từ Facebook cũ của tao xuống, mình không thể lường trước được chúng nó sẽ làm gì tiếp theo.

Việt Hà cắn môi, nó nhìn tôi bằng ánh mắt e dè:

- Hay là báo thầy Khoa? Chứ tình hình như này kéo dài, mày ôn thi làm sao được?

- Báo thầy Khoa xong rồi sao hả mày? Bọn mình cũng đoán được ai là người bày ra chuyện này mà. Rồi lại điều tra, lại hòa giải, lại mời phụ huynh, tao làm sao sống nổi ở trên lớp đây? Chẳng lẽ còn có nửa năm nữa thi Đại học lại chuyển trường...

Việt Hà yên lặng không nói gì thêm, có lẽ nó cũng đang suy nghĩ giống như tôi. Người mà tôi phải đối đầu là Nhật Phương, lớp trưởng giỏi giang, xinh đẹp của 12 chuyên Văn, không cần nghĩ cũng biết kết quả của chuyện này sẽ đi về đâu.

"Này, mày có biết khi gặp một con thú hoang, mình phải làm gì để tăng cơ hội sống sót không?"

Khi chúng tôi đang sóng bước đi bộ ra chỗ giữ xe của quán cà phê, Bảo Anh bỗng dừng lại và nghiêng đầu nhìn tôi, hỏi. Tôi ngập ngừng trả lời:

- Bỏ chạy càng nhanh càng tốt?

- Điều thứ nhất, tuyệt đối không được quay đầu bỏ chạy. Nếu mày làm thế, chúng sẽ mặc định coi mày là con mồi để tấn công. Ngược lại, nếu mày cố gắng phản kháng, tỏ ra mình nguy hiểm và đáng gờm, bọn thú dữ có lẽ sẽ bỏ cuộc.

Tôi lờ mờ hiểu ra ý nghĩa đằng sau câu chuyện vô thưởng vô phạt của Bảo Anh. Suýt chút nữa tôi đã định lên tiếng cãi lại cậu ta, con người là sinh vật nguy hiểm và khó lường hơn tất thảy những loài thú hoang dã nào khác. Họ có thể che đậy hoàn hảo sự tấn công của mình, cái chết sẽ không đến ngay lập tức như khi chúng ta bị hổ, sư tử hay gấu vây quanh mà nó sẽ từ từ trườn đến rồi bất ngờ tung bàn tay kẹp chặt lấy những phản kháng vô vọng của "con mồi".

Cuối cùng, cái chết sẽ tới vào lúc chúng ta không ngờ nhất.

***

Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi nhận được điểm thi thử đợt đầu tiên. Tôi dò tìm thật nhanh trong danh sách, Hoàng Vân Khánh, Toán: 4.5, Văn: 7, Tiếng Anh: 5,25, Sử: 7,75, Địa: 7,5. Nếu cộng ba môn thi Đại học thì chỉ có hơn 22 điểm một chút, cách xa target mà tôi tự đặt cho bản thân là 27 điểm.

Lớp học ồn ào như chợ vỡ, mặc dù chỉ còn năm phút nữa là vào tiết của thầy Khoa chủ nhiệm nhưng chưa đứa nào chịu về chỗ ngồi, chúng nó còn bận chạy lăng xăng khắp các bàn để hỏi điểm thi rồi than vãn với nhau. Vì là kỳ thi thử nên độ khó cũng được các thầy cô nâng cao hơn so với đề mô phỏng, đứa nào cũng bị tụt ít nhất năm điểm so với điểm chuẩn năm ngoái của trường đăng ký nguyện vọng.

Thầy Khoa vào lớp ổn định lại trật tự, sau đó thầy nhận xét kết quả thi thử lần thứ nhất của cả lớp. Vài cái tên vẫn duy trì được điểm số top đầu như Nhật Phương, Thảo Chi, Khánh Mai, Ngọc Châu. Nhưng thầy cũng nhắc nhở những người bị tụt hạng khá nhiều so với kết quả thi học kỳ lần trước, trong đó chắc chắn rồi, có tên tôi.

Liên tiếp trải qua nhiều rắc rối trong mối quan hệ tình cảm, bạn bè, tinh thần và lực học của tôi sa sút đi nhiều. So với điểm chuẩn của HNUE* năm trước thì tôi còn kém rất xa, nếu đi chệch khỏi dự định ban đầu đó thì tôi thực sự cũng không biết nên làm như thế nào với tương lai của mình nữa.

Sau tiết học này chúng tôi sẽ được nghỉ hai ngày cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Niềm vui hiếm hoi trong khoảng thời gian này của tôi, vì Quế Anh thi xong sẽ về lại lớp, ít nhất tôi cũng không còn phải lủi thủi một mình như thế này nữa.

- Khánh, lên đây thầy nhờ chút.

Lớp chỉ còn lác đác vài người, thầy Khoa bận giải đáp thắc mắc gì đó cho mấy đứa trong lớp nên chưa về. Thầy và tôi chậm rãi đi đến một góc hành lang khuất trên tầng ba, cứ tưởng thầy sẽ giáo huấn tôi về điểm thi thử vừa rồi, nhưng không ngờ thầy lại từ tốn hỏi:

- Khánh, em có gặp khó khăn gì trên lớp không?

Tôi hơi giật mình, thầy Khoa nổi tiếng là người quan tâm đến học sinh, có lẽ thầy cũng đã nhận ra dạo gần đây tôi bị bạn bè cô lập trên lớp. Nhưng rất nhanh tôi đã kịp lấy lại bình tĩnh, lắc đầu một cách quả quyết:

- Đâu có gì đâu thầy, em bị stress ôn thi nên kết quả hơi kém thôi ạ.

Thầy đặt tay lên vai tôi, qua lớp vải đồng phục tôi cảm nhận được một cái siết chặt như an ủi:

- Thầy đã hỏi lớp trưởng, nhưng Phương cũng trả lời y như em vậy. Nhưng thầy vẫn hy vọng chính em sẽ nói cho thầy nghe. Bởi vì chỉ có như vậy, thầy mới có thể giúp em. Em hiểu lời thầy nói không?

Tôi cúi đầu lí nhí "Dạ" một tiếng trong cổ họng. Trước khi rời đi, thầy Khoa còn dặn dò:

- Thầy luôn ở đây để lắng nghe vấn đề của các em. Hãy nói với thầy khi nào em sẵn sàng, Khánh nhé!

Tôi miên man nghĩ về lời dặn dò của thầy suốt quãng đường đi học về, đây cũng là điều mà Bảo Anh từng nói với tôi. Cậu ta nói, tôi may mắn vì có một giáo viên chủ nhiệm như thầy Khoa, đã từng có rất nhiều đứa học sinh bị bạo lực học đường nhưng người lớn, thầy cô giáo đều làm ngơ. Vậy nên tôi phải nhờ sự giúp đỡ của thầy, nếu như bọn kia vẫn cố tình đi quá giới hạn.

Nhưng khi vừa dựng xe vào trong nhà, nhìn thấy bà ngoại đang lúi húi thái rau dưới bếp, ông ngoại tranh thủ chợp mắt nghỉ trưa để kịp ca làm buổi chiều, tất cả mọi dự định, kế hoạch của tôi đều tan biến hết đi.

Đúng hay sai, nên hay không nên phản kháng, lúc này chẳng còn gì quan trọng hơn việc ông bà tôi được mạnh khỏe và bình an. Chỉ cần chịu đựng thêm nửa năm nữa thôi, nửa năm nữa rồi tôi sẽ thoát khỏi những cơn ác mộng kinh khủng này...
________________________

HNUE: Đại học sư phạm Hà Nội.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro