10. Những mảnh ký ức buồn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những ngày này tôi thường tự hỏi, tại sao tình bạn giữa hai đứa con gái lại mong manh như thế. Khi vui có thể tỉ tê tâm sự cho nhau những bí mật thầm kín nhất trên đời, để rồi khi mối quan hệ tan vỡ, chúng tôi giống như hai người đứng ở hai bờ chiến tuyến, nhất định không tha thứ cho đối phương.

Có lẽ là vì giữa con gái chúng tôi, ít nhiều luôn tồn tại cảm giác đố kỵ.

Buổi chiều đầu xuân ấy tôi ở lại trường rất lâu, cho đến khi bọn bạn trong lớp đã kéo nhau đi về hết, sắc trời dần dần tối sẫm theo chiều quay của kim đồng hồ. Bác bảo vệ đã bật dãy đèn ngoài sân trường, le lói trong bóng tối nhàn nhạt vẫn còn ánh sáng hắt ra từ một vài lớp học.

Tôi xách cặp trốn sau tòa nhà mới xây, không gian vắng lặng, tĩnh mịch đến mức hơi đáng sợ. Nhưng cũng vì vậy mà nơi này chẳng có mấy ai thường xuyên lui tới, tôi có thể tha hồ gặm nhấm nỗi buồn của mình mà không cần bận tâm đến điều gì. Chỉ là tôi quên mất ngày hôm ấy là lễ Tình nhân, vài cặp đôi nắm tay nhau nhẹ nhàng men theo cầu thang dẫn lên tầng trên, tiếng nói cười ríu rít nhỏ nhẹ mang đẫm hơi thở lãng mạn của thanh xuân. Tôi chán nản đeo ba lô lên vai rồi lẳng lặng đi khỏi tòa nhà, lê từng bước chân nặng trịch về phía nhà để xe của trường.

Vì mải cúi đầu đếm những viên gạch dưới chân nên tôi vô tình đâm sầm vào một ai đó ở hướng ngược lại. Tôi lập tức ngẩng đầu lên rối rít xin lỗi, trước khi kịp nhận ra mùi hương trên ngực áo người kia thật quen thuộc.

- Khánh? Mày đang khóc đấy à?

Bảo Anh ngạc nhiên hỏi tôi, theo bản năng tôi đưa tay lên quệt quệt mi mắt đã nhòe nhoẹt nước từ lúc nào. Cậu ta lại tiếp tục hỏi dồn như thể không muốn chừa cho tôi bất kỳ lối thoát nào:

- Trên lớp lại có chuyện gì? Đứa nào bắt nạt mày? - Thấy tôi vẫn im thin thít, Bảo Anh khẽ rít lên trong miệng. - Giời ơi, nay là ngày khai xuân mà chúng nó không tha cho mày à?

Tôi kéo kéo vạt áo của người con trai đứng đối diện, yếu ớt lên tiếng:

- Thôi, Bảo Anh. Bọn tao cãi nhau một tí thôi, chuyện của con gái, bình thường ấy mà...

- Tại sao lại phải nhịn, trong khi mày không làm gì sai? Một điều nhịn là chín điều lành, nhưng mà lành ít dữ nhiều thì có!

Bảo Anh giận dữ nắm lấy tay tôi, khẽ hét lên.

Tôi không biết phải mở miệng giải thích cho Bảo Anh như thế nào. Kỳ thực, tôi không phủ nhận suy nghĩ của cậu ta là sai. Chỉ đơn giản là chúng tôi lớn lên trong hai môi trường hoàn toàn khác nhau, vậy nên tư tưởng của chúng tôi không thể nào giống nhau được.

Hình dung một cách dễ hiểu, tôi và Bảo Anh đều bước đi trên một sợi dây căng giữa không trung. Điểm khác biệt là nếu cậu ta lỡ sảy chân thì vẫn có vòng tay của gia đình nâng đỡ phía dưới, Bảo Anh có thể sẽ hoảng sợ một chút, xước xát một chút nhưng nhất định cậu ta vẫn có thể sống sót, lành lặn. Tôi thì khác, tôi phải dò dẫm bước từng bước trên sợi dây mong manh mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào, nếu như thật sự bước hụt chân thì tôi chỉ còn một con đường duy nhất...

Bảo Anh đặt tay lên vai tôi, lần đầu tiên trong suốt khoảng thời gian quen biết nhau, tôi cảm nhận được sự dịu dàng lẩn khuất giữa nhịp thở đều đặn của cậu. Một cách đột ngột và quyết liệt, Bảo Anh đặt lên mí mắt tôi một nụ hôn dài bất tận, như thể muốn rút cạn hết thảy những thổn thức đang được tôi cố gắng kìm nén.

- Đừng sợ, có tôi ở đây rồi!

...

Từ khi bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh, tôi đã luôn cảm thấy mình là một sự tồn tại thừa thãi.

Giữa những năm tôi sáu, bảy tuổi, bố mẹ tôi ở trong một thế giằng co dai dẳng. Một vài đoạn hồi ức vụn vặt, chắp vá thường trở đi trở lại trong những giấc mơ của tôi, tôi nhớ quãng thời gian đó bố rất ít khi ở nhà, hoạ hoằn lắm mới có dịp tôi nhìn thấy bố. Nhưng lần nào bố về, mẹ và bố cũng sẽ chửi bới thậm tệ trước khi lao vào đánh nhau như thể họ là kẻ thù ở hai chiến tuyến chứ không phải vợ chồng. Bố mẹ vơ tất cả những gì lọt vào tầm mắt của họ, ném, đập, quăng bừa bãi, biến căn nhà trở thành một bãi chiến trường thực sự. Rồi trăm lần như một, bố giận dữ bỏ đi, để lại mẹ ngồi ôm mặt khóc rấm rứt.

Tình thế giằng co ấy cuối cùng cũng kết thúc vào năm tôi lên lớp 3, bố mẹ chia tay nhau. Mẹ đi xuất khẩu lao động bên Đức, bố thì bỏ vào Nam làm ăn, tôi được giao lại cho ông bà ngoại nuôi. Sau đó nữa, cả bố và mẹ đều có gia đình mới, mẹ thi thoảng vẫn gửi thư và quà về Việt Nam cho tôi, còn bố... đã rất lâu rồi tôi và người đàn ông ấy không còn mối liên hệ gì với nhau nữa.

Những năm tôi học tiểu học, việc một đứa trẻ không sống cùng bố mẹ là một chuyện gì đấy rất kinh khủng, rất chấn động. Tôi từng gặp vài đứa có bố mẹ ly hôn, nhưng chúng nó hoặc sống cùng mẹ hoặc sống cùng bố, không có đứa nào bị bỏ lại như tôi cả.

Với những bộ óc non nớt mới chỉ tám, chín tuổi, bọn trẻ con không thể xử lí được điều gì nằm ngoài nhận thức của chúng. Và thế là, chúng từ chối tiếp nhận sự khác biệt.

Tôi ăn cơm bán trú một mình, ngủ trưa một mình, học bài một mình. Xung quanh tôi có rất nhiều lời bàn ra tán vào, có đứa nói tôi không bao giờ đánh răng nên không dám mở miệng nói chuyện, có đứa nói tôi mắc chứng tự kỷ, chỉ thích ngồi độc thoại một mình.

Nhớ lại những ký ức ấy, tôi không rõ mình cảm thấy như thế nào, hay nói chính xác hơn là tôi chẳng cảm thấy gì cả. Nếu như bị đánh một lần, hai lần, ba lần, chúng ta vẫn cảm nhận được sự đau đớn, nhưng nếu điều đó lặp đi lặp lại đến lần thứ một nghìn thì có lẽ cơ thể cũng không buồn phản ứng lại nữa.

Lớn hơn một chút khi lên cấp hai, tôi học được cách ngụy trang để có một cuộc sống dễ thở hơn. Tôi bắt đầu làm mình bình thường đến mức nhạt nhòa, nếu có thể trở thành người vô hình trong lớp thì càng tốt. Tôi học không quá giỏi nhưng cũng không quá dốt để thầy cô phải chú ý, tôi luôn để một kiểu tóc phổ thông từ năm lớp 6 cho đến tận lớp 12, tôi gia nhập vào một hội con gái cũng làng nhàng ở lớp và cố hết sức để tránh những cuộc hội thoại liên quan đến hoàn cảnh gia đình.

Tôi cứ nghĩ mình sẽ khóc khi kể lại những câu chuyện buồn ấy cho Bảo Anh, nhưng lạ lùng là tôi không khóc, cũng không xúc động. Mọi thứ đều đều trôi đi như thể tôi đang tường thuật lại cuộc đời của một ai đó khác.

- Tao luôn có cảm giác việc bố mẹ gặp nhau, kết hôn rồi sinh ra tao là một tai nạn của số phận. Cả bố và mẹ đều cố gắng trốn tránh quá khứ, trốn tránh sự tồn tại của tao để vun đắp cho hạnh phúc mới. Cuộc đời họ được bước sang một trang khác, chỉ còn một mình tao là vẫn bị mắc kẹt lại những ngày tháng mệt mỏi ấy.

Bảo Anh im lặng không nói gì, nhưng bàn tay cậu siết chặt lấy tay tôi không rời, và cũng giống như buổi tối chênh vênh hôm ấy, hơi thở đều đặn của cậu nhịp nhàng vang lên bên tai tôi như một sự trấn an vô hình nhưng chắc chắn.

Đây là lần đầu tiên tôi kể với một ai đó xa lạ về quá khứ của mình, cảm giác nhẹ nhõm và thoải mái hơn rất nhiều so với những gì tôi từng hình dung.

- Mày... có bất ngờ không?

Tôi quay sang Bảo Anh, thì thầm hỏi.

- Bất ngờ về chuyện gì?

- Về câu chuyện của tao.

Bảo Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi thành thật trả lời:

- Tao chỉ thấy thương mày chứ không bất ngờ gì. Người ta thường có thói quen "dán nhãn" cho những người xung quanh, như thằng Bảo Anh cục súc, thô lỗ, bạo lực, như cái Việt Hà thiếu tinh tế, lúc nào cũng huỳnh huỵch như con trai, như Nhật Phương thì thật giỏi giang, tử tế và hòa đồng. Nhưng sự thật không phải lúc nào cũng như vậy, đúng không? Thế nên tao đã từ bỏ việc đánh giá một ai đấy thông qua những gì họ thể hiện ra bên ngoài, tao học cách lắng nghe và nhìn nhận những điều nằm bên trong con người họ, những thứ chân thật nhất không bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài, hoàn cảnh gia đình hay bất kỳ thứ tào lao bí đao nào khác.

Bảo Anh nói một hơi rất dài, đến mức trong một khoảnh khắc tôi đã ngỡ cậu ta là gián điệp của chuyên Văn được cài cắm vào lớp Tin. Nhưng những lời Bảo Anh nói đúng quá, cứ như là tất thảy được cậu đúc kết lại sau một hành trình quan sát và chiêm nghiệm vô cùng chậm rãi, sâu sắc. Không giống những lời khuyên hời hợt được trích tràn lan từ một cuốn sách self-help nổi tiếng nào đó trên mạng.

Tôi đột nhiên thấy tò mò, hỏi:

- Thế còn tao? Mày quan sát thấy gì ở tao từ những lần đầu tiên gặp?

- Cam chịu, mày cực kỳ cam chịu dù biết rõ bản thân đang bị phân biệt đối xử. Mày tình nguyện nhận lấy phần thiệt thòi về phía mình. Trên đời này chỉ có hai loại làm như vậy thôi, một là những đứa ngu, hai là những đứa... - Bảo Anh hơi ngừng lại một chút trước khi nhìn sâu vào mắt tôi, tiếp lời. - ... những đứa không có cảm giác an toàn đủ nhiều để dám đứng lên phản kháng và giành lại công bằng cho bản thân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro