Chương 150 (một)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tháng giêng, phụ nữ có tập tục đi bách bệnh.

Bắt đầu ngày mùng tám cho mãi tới tận mười tám, hằng đêm, phụ nữ trong kinh sẽ mặc áo lụa trắng, mang trang sức vàng bạc châu ngọc, dùng những bộ váy áo đẹp nhất, cùng nhau ra ngoài, qua cầu, trèo lên tường thành, sờ đinh, đến tận khuya mới về để tránh tai cầu phúc.

Đêm nay Phó Vân Chương và Phó Vân Anh cũng ra ngoài, hai người một người mặc đạo bào bằng lụa bằng lụa Hàng Châu màu xanh thêu trúc, một người mặc trực thân cổ chéo màu nguyệt bạch thêu mây, cầm đèn lồng trong tay.

Lúc đi trong ngõ, xung quanh vẫn còn im ắng, trời tối đen, vừa mới ra tới đường cái đã thấy trước mắt sáng bừng lên, những điểm sáng bập bùng khắp nơi, tựa như sao trời rơi xuống trần gian.

Trên đường cái vô cùng đông đúc, những người phụ nữ ăn mặc lộng lẫy, tay cầm đèn màu, kết bạn cùng đi với nhau, cũng có những người đi cùng người nhà.

Trong mấy đêm này, trong thành không phát lệnh giới nghiêm, cư dân trong thành, không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo, cao quý hay thấp kém, già trẻ trai gái, tất cả đều cầm đèn lồng ra ngoài ngắm đèn. Mấy đường lớn trong thành tràn ngập người, ồn ào náo nhiệt.

Bình thường phụ nữ đều chỉ có thể ru rú trong nhà, chẳng mấy khi có cơ hội đi ra ngoài buổi tối, chỉ có mấy đêm này mới có thể đi dạo khắp nơi.

Nhìn xung quanh, ánh ngọc lấp lánh, tóc dài như mây, trong không khí tràn ngập mùi phấn son.

Phó Vân Anh dừng chân phóng mắt nhìn quang cảnh phồn hoa trước mắt, quay sang nhìn Phó Vân Chương, cười nói: "Nhị ca, huynh muốn để muội cũng được đi bách bệnh sao?"

Mấy ngày nay nàng bận đến độ chỉ còn thiếu nước ngủ lại nha thự, đêm nay cũng vẫn như ngày thường, ngồi dưới đèn giở công văn ra đọc. Vừa đọc được một nửa, Phó Vân Chương đã tới gõ cửa, nói muốn nàng ra ngoài đi dạo với y. Nàng đặt bút xuống, thay một bộ quần áo rồi đi ra ngoài. Nhìn thấy một đám phụ nữ ăn mặc đẹp đẽ, trang điểm lộng lẫy trên đường cái mới nhớ ra hôm nay là ngày bao nhiêu.

Khóe môi Phó Vân Chương cong lên, dùng cán đèn lông trong tay chạm nhẹ vào nàng, ánh đèn sáng bừng hắt lên khuôn mặt đẹp như tranh của y, nụ cười trong trẻo, "Thế thì ta đi bách bệnh, muội đi cùng, không được sao?"

Phó Vân Anh cười nói: "Muội biết huynh nghĩ cho muội." Dừng lại một chút, nàng nói tiếp. "Thực ra đi bách bệnh cũng chỉ là cái cớ để ra ngoài một chút mà thôi, không phải thật đâu."

Trước kia khi còn ở huyện Hoàng Châu, nàng và Phó Quế, Phó Nguyệt từng đi bách bệnh với Đại Ngô thị, Lư thị, tập tục ở phương nam hơi khác với phương bắc nhưng cũng có điểm giống nhau. Đêm đó phụ nữ nhất định phải đi qua cầu, nghe nói như vậy có thể xua đuổi bệnh tật và vận rủi, vô bệnh vô tai chính là như vậy. Trước kia nàng từng bị bệnh nặng, Phó Vân Chương dường như thực sự canh cánh trong lòng về việc này, bình thường thấy nàng hơi sốt một chút đã căng thẳng, lo lắng.

Phó Vân Chương nhìn nàng, lại mỉm cười nói: "Đã có tập tục này thì đi cũng chẳng mất gì. Không nhất thiết phải tin là thật, chỉ cầu điềm tốt mà thôi."

Nói xong, y vỗ nhẹ lên đầu nàng, "Đi thôi."

Nàng nghĩ ngợi rồi theo sau, coi như là ra ngoài đi dạo với nhị ca cho đỡ buồn vậy.

Hai người hòa vào dòng người rộn ràng, đi theo một gia đình mấy người phía trước về phía cầu Nam Thành.

Kiều Gia và hai tùy tùng khác theo sát phía sau bọn họ.

Đi từng bước một qua cầu Nam Thành, Phó Vân Anh quay đầu nhìn xuống dòng nước sông đang lẳng lặng chảy dưới chân cầu, nói: "Tốt rồi, qua cầu, năm nay muội và nhị ca nhất định vô bệnh vô tai."

Phó Vân Chương nhướn mày, "Sao lại tính cả ta vào thế?"

Phó Vân Anh cười nói: "Khi nãy nhị ca không phải nói huynh đi bách bệnh, muội đi với huynh sao? Đi thì cũng đã đi rồi, đương nhiên phải tính cả huynh vào chứ."

Vừa đi vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc đã tới cạnh cổng thành, gần đó có một hàng rồng rắn, những phụ nữ mặc trang phục lộng lẫy đang xếp hàng sờ đinh, nghe nói như vậy có thể sinh con trai.

Thấy Phó Vân Chương nhìn về phía hàng người trước mắt, hình như cũng có ý định xếp hàng, Phó Vân Anh dở khóc dở cười, nhanh chóng kéo y ra, "Đừng, nhị ca, muội không sờ cái kia đâu!"

Hiện giờ nàng đang mặc trực thân, dùng khăn lưỡi, đội khăn phúc, nếu như công khai xếp hàng sờ đinh trước mặt tất cả mọi người thì chẳng phải sẽ lộ tẩy hay sao?

Phó Vân Chương trầm mặc một lát, nhưng mà cũng chẳng giữ bộ mặt nghiêm túc được lâu, bật cười, "Có định để muội sờ đinh đâu... Dọa muội chút cho vui thôi."

Nói đùa mấy câu rồi lại lang thang không mục đích, hòa vào dòng người cuồn cuộn đi dạo khắp chốn, ra chợ đèn hoa mua mấy xấp giấy, mấy câu bút, mấy thỏi mực và mấy thứ đồ chơi là lạ ít thấy, cuối cùng mua một hộp lớn toàn đồ ăn vặt để mang về nhà cho Phó Vân Khải và Viên Tam.

Kiều Gia và hai người tùy tùng giúp họ xách đồ.

Lúc về đến nhà đã là sau nửa đêm, bóng đêm đặc sệt, Phó Vân Anh gần như ngả lưng xuống giường là ngủ ngay.

Hôm sau nàng vẫn dậy sớm như cũ, sắp xếp công văn đi nha thự.

Lúc ăn sáng nàng không nhìn thấy Phó Vân Chương, Liên Xác tới nói với nàng hôm nay y phải ra ngoại thành làm việc, không đi Hình Bộ.

Nàng đành phải đi Đại Lý Tự một mình. Tới nơi, Tề Nhân tới tìm nàng, bàn bạc với nàng chuyện mà Chu Hòa Sưởng đã nói trước đây, chọn một vụ án rồi viết rõ ngọn nguồn và quá trình xử án, phán quyết, sử dụng hình thức bản thoại hoặc công báo [1] để thương nhân bán sách khắp nơi khắc bản rồi bán cho dân chúng.

[1] Nguyên văn là "để báo", là một loại báo chí cổ đại, hình thức giống "cáo thị" trong phim TQ, nhưng thường do triều đình phát hành, được gửi đến các địa phương, chỉ đề cập những vấn đề quan trọng như sắc lệnh của hoàng đế, chiến tranh, v.v... Dân chúng được quyền sao chép để loan truyền tin tức. Để là công báo vì từ này VN mình dùng để chỉ ấn phẩm chính thức của nhà nước.

Trong số các bình sự ở Đại Lý Tự, có mấy người ở Chiết Giang, Nam Trực Lệ. Họ nói ở phía nam, trên phố phường, từ lâu đã xuất hiện một loại báo gọi là "công báo dân gian", bình thường toàn đăng mấy thứ văn thơ thô tục hoặc là mấy câu chuyện vô căn cứ, viết thế nào cho càng giật gân càng tốt, quan phủ từng phái người tới đóng cửa mấy lần nhưng hầu như không có tác dụng gì. Nếu như triều đình có thể nhân cơ hội này để xử lý thứ công báo dân gian kia, không nói có thể có tác dụng gì khác hay không, ít nhất cũng có thể giúp làm sạch bầu không khí.

Sau khi nghe ý kiến của mấy bình sự, Tề Nhân nói: "Nếu một tháng một vụ án thì Đại Lý Tự nhiều việc quá lo không hết. Nếu đổi thành hai tháng một vụ thì mới có thể làm được, ba tháng một vụ cũng được."

Phó Vân Anh gật đầu, "Hạ quan cũng chỉ đưa ra một ý tưởng bước đầu, rốt cuộc thực hành thế nào thì còn cần các vị đại nhân đưa ra quyết định."

Tề Nhân trầm tư một lát, bỗng nhiên lại thì thầm: "Việc này là do người của Đại Lý Tự chúng ta phục trách à? Hay phải hợp tác với cả Hình Bộ và Đô Sát Viện nữa?"

Phó Vân Anh bật cười, "Đại nhân, loại việc như thế này đương nhiên phải do mọi người đồng tâm hiệp lực làm rồi."

Nếu giao việc này cho Đại Lý Tự, Hình Bộ và Đô Sát Viện nhất định sẽ không chấp nhận đâu! Người của Đại Lý Tự mà phụ trách việc phát hành công báo, như vậy sẽ không tránh được việc gài câu gài chữ để khuếch đại sự anh minh của Đại Lý Tự, rồi sau đó không biết là vô tình hay cố ý, châm chọc Hình Bộ và Đô Sát Viện mấy câu, Hình Bộ và Đại Lý Tự làm sao có thể chịu thiệt như vậy được?

Tề Nhân bĩu môi, hợp tác với Hình Bộ và Đô Sát Viện sẽ thường tạo ra va chạm, đúng là rách việc.

Người hợp tác ở Hình Bộ và Đô Sát Viện là do Phó Vân Anh chọn.

Ở Hình Bộ, nàng chọn Phó Vân Chương, y ôn tồn lễ độ, rất biết cách giao tiếp với những người làm ở cơ quan khác, nàng cử hiền bất tị thân [2], người đầu tiên nàng nghĩ đến chính là y.

[2] Tư tưởng này nghĩa là: người hiền tài nào cũng cần được công nhận đề cử, không bởi người đó là người thân của mình mà kiêng dè.

Ở Đô Sát Viện, nàng chọn một học sinh của Uông Mân, Trước khi, lúc còn cùng làm trợ thủ cho Uông Mân, người nọ từng tới kể khổ với Phó Vân Anh nhiều lần. Chọn hắn, một là bởi hắn thành thật phúc hậu, hai là bởi hắn viết văn rất hay, có thể khiến cho công báo của quan phủ cũng trở nên gay cấn, thú vị, hấp dẫn người đọc.

Còn ở Đại Lý Tự là Tề Nhân và Phó Vân Anh, Triệu Bật đã bị phái đi Hà Nam lo đê điều rồi.

Trợ thủ sẽ do người trong tam pháp tư tự lựa chọn, mỗi nơi năm người.

Hôm nay Phó Vân Chương không tới Hình Bộ, bọn họ vẫn tìm cơ hội gặp nhau một lần, về cơ bản toàn là những người trẻ tuổi, hơn nữa còn đều là những quan viên trẻ đã được thăng chức nhanh chóng vào khoảng thời gian trước và sau khi Chu Hòa Sưởng đăng cơ, biết tính toán thiệt hơn, làm việc nhanh nhẹn nên đã nhanh chóng bàn bạc và lên kế hoạch cơ bản.

Đầu tiên là phải chọn một vụ án, vụ án này tốt nhất phải là vụ án chấn động một thời để dân chúng nóng lòng muốn biết ngọn nguồn nhưng lại không thể liên quan đến thế lực của quan lại hoặc thế gia, như vậy mới tránh được việc vừa bắt đầu đã đắc tội các vị quan lớn trong triều đình.

Việc này được giao cho người của Hình Bộ phụ trách, bọn họ sẽ sàng lọc và chọn ra mười vụ án để người của Đại Lý Tự và Đô Sát Viện lựa chọn.

Đang bàn tán sôi nổi, nội quan đã tới truyền chỉ, bên cung Càn Thanh triệu Phó Vân Anh vào cung gấp.

Nàng chắp tay chào Tề Nhân và mấy người còn lại, theo nội quan vào cung.

Quan viên Lễ Bộ và các vị các lão cũng lục tục tới nơi, Chu Hòa Sưởng đang tiếp kiến cấp dưới mà Đô Sát Viện phó đô ngự sử phái về kinh sư trong chính đường, bọn họ đứng ngoài điện hàn huyên, hỏi thăm nội quan xem có chuyện gì.

Người hỏi chuyện là Vương các lão, nội quan không dám giấu giếm, đáp: "Nghe nói phó đô ngự sử đã nắm được chứng cứ tổng đốc Quảng Đông thông đồng với giặc Oa, đưa về đây rồi ạ."

Mọi người nhíu mày.

Lúc này, trong điện vang lên tiếng chén trà rơi xuống đất, sau đó là tiếng đế vương tức giận gầm lên.

Mấy vị đại thần nhìn nhau, xưa nay tính nết Chu Hòa Xưởng vẫn rất ôn hòa, chưa bao giờ tỏ ra giận dữ thế này.

Vương các lão, Diêu Văn Đạt và Uông Mân thì thầm nói chuyện với nhau, bàn luận xem vì sao Hoàng đế tức giận. Vụ tổng đốc Quảng Đông thông đồng với giặc Oa là chuyện mà mọi người đã biết được từ trước, không phải là bí mật, Hoàng đế hẳn sẽ không tức giận tới mất kiểm soát vì việc này. Nhất định còn có chuyện gì khác khiến Hoàng đế nổi giận.

Trong lúc mọi người còn đang nghi ngờ, nội quan đã đi ra, mời bọn họ vào điện.

Mọi người nhìn nhau, vô cùng ăn ý, đồng loại lui về phía sau mấy bước.

Vì thế mà người có chức quan thấp nhất, vốn dĩ đứng ở cuối cùng là Phó Vân Anh lại tự nhiên trở thành người đi đầu.

Nàng ngẩng đầu, nhìn quanh một lượt.

Uông Mân cười tủm tủm nhìn nàng, nói: "Hoàng Thượng truyền triệu cậu kìa, còn không mau vào đi!"

Khóe miệng Phó Vân Anh run run, bước vào nội điện.

Không khí trong điện ấm áp, lư hương bằng vàng đốt hương trầm, mùi hương xộc thẳng vào mũi.

Mấy lực sĩ mặc áo bó tay đang quỳ trên mặt đất, đầu gục xuống.

Trước bàn, Chu Hòa Sưởng đầu đội kim quan, thân mặc một bộ thường phục bó tay màu xanh ngọc thêu hình rồng, hai vai thêu mặt trời và mặt trăng, trong tay là mấy quyển tấu chương đã được mở ra, mặt mày tối sầm.

Phó Vân Anh đi vào, khom người hành lễ.

Nhìn thấy nàng, sắc mặt Chu Hòa Sưởng buông lỏng một chút, hắn nói: "Đệ lại đây xem cái này đi."

Nàng tới gần vài bước, nhận tấu chương, đọc kỹ.

Tấu chương là do phó đô ngự sử và Thôi Nam Hiên viết, báo cáo chi tiết về chuyện mấy năm nay tổng đốc Quảng Đông thu nhận hối lộ, dung túng cho cướp biển, tự ý thu nhận người nước ngoài.

Trong đó, điều đáng ghê tởm nhất là tổng đốc Quảng Đông lại cấu kết với các gia tộc lớn ở đã phương, thông đồng với cướp biển, cướp bóc các thị trấn vùng duyên hải. Trong những lần mà Quảng Đông từng báo cáo lên triều đình trước đây về chuyện giặc Oa xâm phạm biên giới có một nửa thực ra là do hành động của cướp biển.

Những kẻ gọi là giặc Oa vốn dĩ là người Oa, nhưng cướp biển không chỉ có người Oa, còn có những kẻ lưu vong, bọn trộm cướp... trong đó rất nhiều người là người Trung Nguyên.

Đa phần những gia tộc có nhà cao cửa rộng ở vùng duyên hải đều có quan hệ sâu xa với cướp biển. Bọn họ âm thầm mật báo cho cướp biển. Lúc quan phủ phong tỏa vùng duyên hải, bọn họ lén lút cung cấp nước ngọt, đồ ăn cho cướp biển. Dân chúng biết rõ những kẻ đang hợp tác làm ăn buôn bán với bọn họ là cướp biển nhưng chỉ cần có tiền, ai quan tâm chúng làm nghề gì, cứ lấy được tiền vào tay rồi tính.

Trong tấu chương, Thôi Nam Hiên dùng một câu để miêu tả mối quan hệ giữa cướp biển và cư dân vùng duyên hải:

Ở các tỉnh vùng duyên hải, không có ai không thông đồng với cướp biển!

Tại sao giặc Oa có thể nhiều lần tiến quân thần tốc như vậy? Vì sao bọn chúng luôn có thể biết trước hướng đi của quan phủ?

Bởi vì không chỉ có dân chúng, các gia tộc lớn ở địa phương mà đến cả người của quan phủ đều đã bị cướp biển mua chuộc rồi.

Phó Vân Anh khép bản tấu lại, thảo nào Chu Hòa Sưởng lại nổi giận.

Chu Hòa Sưởng day day ấn đường, thở dài, "Các gia tộc lớn có qua lại với cướp biển, chuyện này Trẫm đã biết từ lâu, điều Trẫm không hiểu chính là: Tại sao dân chúng biết rõ bọn chúng là cướp biển nhưng lại vẫn mật báo cho bọn chúng?"

Phó Vân Anh nói: "Người chết vì tiền, chim chết vì mồi. Đương nhiên là vì lợi ích. Hoàng thượng, đất đai vùng duyên hải không thích hợp cho việc trồng trọt, dân địa phương dựa sông ăn sông, chế độ cấm biển khiến cuộc sống của bọn họ trở nên khó khăn. Hơn nữa, vì lợi ích, lúc nào cũng có người dám làm liều."

Chu Hòa Sưởng cười chua chát, nói: "Dân gian có câu: có tiền có thể sai khiến cả ma quỷ, quả nhiên không sai."

Một lát sau, hắn lại nói tiếp, "Hiện giờ chỉ có thể hy vọng rằng Hoắc đốc sư có thể phất cờ chiến thắng, đoạt lại đảo Song Ngư."

Có đủ các thế lực đang chiếm cứ trên đảo Song Ngư, đầu tiên phải nhổ được cái răng nọc này đã.

Sau khi Hoắc Minh Cẩm lên đường, ngày nào chàng cũng gửi thư về Phó gia. Tuy nhiên, trong thư không đề cập đến chuyện chàng đã đi tới đâu, người bên ngoài đều cho rằng phải tới cuối tháng sau chàng mới đến được Quảng Đông.

Phó Vân Anh lại cảm thấy hẳn là đầu tháng là tới được rồi, không có lý do nào khác, đơn giản vì chàng là Hoắc Minh Cẩm.

Chu Hòa Sưởng than thở mấy câu, uống một ngụm trà rồi phất tay ra lênh cho người của phó đô ngự sử lui ra, sau đó mới bảo các vị các lão vào trong điện.

Bỗng nhiên hắn lại nghĩ tới một chuyện, "Đúng rồi, phó đô ngự sử giải mấy người Tiểu Phật Lang Cơ hối lộ tổng đốc Quảng Đông về đấy, đợt trước đệ nói muốn gặp bọn họ phải không?"

Phó Vân Anh cười nói, "Đến vừa đúng lúc!"

Sứ thần Đại Phật Lang Cơ còn đang làm loạn lên, đúng lúc này phó đô ngự sử lại bắt được người Tiểu Phật Lang Cơ, thật đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, đến đúng lúc.

Chu Hòa Sưởng nói: "Trẫm sẽ sai người giải những người nước ngoài kia tới Đại Lý Tự, giao cho đệ thẩm vấn."

Nàng khom người thưa vâng, ra khỏi đại điện.

Mấy người Uông Mân đang đi tới từ phía đối diện tới, nhìn nàng như thể đang muốn biết điều gì.

Nàng cúi đầu nói khẽ: "Hoàng thượng tức giận lôi đình vì chuyện thông đồng với giặc Oa, những chuyện khác không có vấn đề gì."

Uông Mân nhìn chằm chằm nàng hồi lâu, lắc đầu bật cười, quay lại nói với những người khác.

Các vị đại thần đều tự hiểu trong lòng, ừm một tiếng, ánh mắt dừng lại trên người Phó Vân Anh một lát.

Là người phúc hậu, thảo nào có thể hòa thuận với phe của Vương các lão.

Ra khỏi cung Càn Thanh, Phó Vân Anh cầm công văn Chu Hòa Sưởng tự tay viết mà Cát Tường đã đưa cho nàng, tìm tới Lễ Bộ, hỏi Chu Thiên Lộc: "Ai biết nói tiếng Phật Lang Cơ?"

Chu Thiên Lộc gãi đầu, nghi hoặc hỏi: "Không phải ngươi biết à?"

Phó Vân Anh lườm hắn một cái, "Ta không biết, mấy câu mà ngươi nghe thấy ta nói kia cùng lắm là để hù dọa hai tên sứ thần thôi."

Chu Thiên Lộc há hốc miệng, "Ngươi có uy như thế, lại còn giả vờ giống như vậy, người trong Lễ Bộ đều tưởng ngươi biết đó!"

Cười hồi lâu, hắn lại hỏi: "Sao lại không đi tìm người bên Hồng Lư Tự?"

Phó Vân Anh đáp: "Quan viên Lễ Bộ chuyên lo cho sứ thần các nước phụ thuộc, từng giao tiếp với người Phật Lang Cơ."

Sau khi nói chuyện, Chu Hòa Sưởng tìm thấy một chủ sự của Lễ Bộ có thể hiểu được tiếng Phật Lang Cơ, "Hắn biết."

Lễ Bộ chủ sự bị Phó Vân Anh đưa ra khỏi Thiên Bộ Lang, sợ hãi, cắm đầu cắm cổ đi theo nàng, vô cùng căng thẳng, đến thở cũng phải rón rén.

Không cần hỏi cũng biết, vị chủ sự này nhất định thích đọc tiểu thuyết, cho rằng Phó Vân Anh là người hung dữ, không nể nang bất kỳ ai nên lo lắng thấp thỏm.

Chu Thiên Lộc nhàn rỗi chẳng có việc gì làm, bám dai như đỉa, đòi đi theo giúp đỡ. Thấy Lễ Bộ chủ sự sợ hãi như vậy, hắn nháy mắt với Phó Vân Anh, đôi mắt phượng đầy vẻ đa tình.

"Vẫn là ta hiểu ngươi, đúng không?"

Phó Vân Anh không thèm để ý tới hắn, đi thẳng tới chỗ mấy người Phật Lang Cơ.

Quan viên triều đình lúc nào cũng thân thiện, đối xử tử tế với người nước ngoài, nhưng bởi tổng đốc Quảng Đông bị nghi nhận hối lộ, Đô Sát Viện phó đô ngự sử đã sai người áp giải luôn mấy kẻ đút lót người Phật Lang Cơ này vào kinh, không quan tâm bọn họ mắt lam hay mắt lục, mỗi người một bộ xích, suốt dọc đường, toàn bộ việc ăn uống tiêu tiểu đều phải giải quyết trong khoang xe nhỏ hẹp.

Lúc Phó Vân Anh nhìn thấy mấy người Phật Lang Cơ, nàng nhíu mày.

Bọn họ bị nhốt trong một gian chuồng bò, thoạt nhìn lôi thôi lếch thếch, bốc mùi tanh tưởi, quần áo rách bươm dính chặt lên người, những lọn tóc vàng, tóc nâu xoăn xoăn bò đầy rận.

Mấy người truyền giáo này vừa nhìn thấy nàng lại lập tức tỏ ra kích động cuồng nhiệt, quỳ rạp xuống dưới chân nàng.

Binh sĩ canh gác xung quanh lạnh giọng quát bọn họ ngừng lại.

Những người truyền giáo không hề dao động, đôi mắt đỏ bừng, tựa như nhìn thấy vị cứu tinh, có người còn dập đầu với Phó Vân Anh, dùng bàn tay đã bị xiềng xích cọ vào tới mức trầy da tróc thịt khoa đi khoa lại trước ngực, miệng không biết đang lẩm bẩm những gì.

Lễ Bộ chủ sự lui về phía sau hai bước, "Bọn họ như thế này là điên rồi sao?"

Phó Vân Anh lắc đầu, nàng nghe thấy một trong những người truyền giáo nói mấy chữ tiếng Hán, đó là hai chữ thiên sứ.

Nàng đúng là sứ giả của Thiên tử thật, nhưng tại sao mà những người truyền giáo này lại chắc chắn nàng sẽ không làm khó bọn họ cơ chứ?

...

Rất nhiều năm sau, cha sứ Bạch Trường Nhạc của nhà thờ lớn ở Triệu Khánh, phủ Quảng Đông nói với các con chiên của ông ta rằng vì đức tin của bản thân, ông ta vượt qua đại dương đi tới quốc gia phồn thịnh mạnh mẽ ở phương Đông này, trải qua mấy lần suýt chết, bao nhiêu khó khăn gian khổ, tuy phải chịu nhục nhã nhiều lần nhưng vì đức tin, ông ta kiên cường bất khuất, nhất định không chịu từ bỏ. Năm năm mươi tuổi, cuối cùng ông ta cũng tìm được chốn cư ngụ cho mình ở phương nam, giành được thiện cảm của những người đọc sách và buôn bán ở địa phương, hơn nữa còn thành công trong việc thay đổi đức tin của một số vị sĩ tử đã đọc đủ thứ thi thư, có được mười vị giáo đồ (những người cũng theo một tôn giáo). Nhưng mà ông ta còn chưa kịp tạo được chỗ đứng vững chắc cho mình, Hoàng đế đã đột nhiên phái người tới bắt giữ bọn họ, đưa vào kinh.

Vượt qua một chặng đường chẳng khác gì địa ngục, trong số bọn họ đã có mấy người chết trên đường, mấy người còn lại sống trong tuyệt vọng, tất cả đã buông xuôi.

Đúng lúc bọn họ đang nằm trong chuồng cùng với lũ súc vật, lẳng lặng chờ đợi thời khắc mà cái chết tìm đến, vị đại nhân trẻ tuổi đẹp đẽ ấy, người mà người ta đồn là tâm phúc của Hoàng đế, đã đi tới trước mặt bọn họ.

Vị Phó đại nhân này chính là người Trung Nguyên đẹp nhất mà bọn họ từng gặp, da trắng như tuyết, tóc đen nhánh, đôi mắt trong trẻo có thần, mặc một bộ quan bào màu xanh lá, thân cao dong dỏng, tựa như tiên trên trời.

Chính tại thời khắc ấy, Bạch Trường Nhạc và những người bạn của ông ta đều cảm nhận được rằng Thượng đế thực sự tồn tại, dường như bên tai có ai đó nói cho bọn họ biết, vị Phó đại nhân này sẽ là thiên sứ giải cứu cho bọn họ.

Khi Bạch Trường Nhạc bảy mươi tuổi, ông ta đã viết một quyển sách, miêu tả lại kỹ càng về những gì mình đã trải qua ở Trung Nguyên, trong đó phần về Phó đại nhân được viết thành hẳn một chương. Trong sách, ông ta kể lại rằng khi lần đầu tiên ông ta nhìn thấy Phó đại nhân đã cảm thấy người nọ không giống người bình thường, trên người ngài ấy có một loại khí chất thần thánh giống như Đức mẹ Maria.

Quả nhiên, không lâu sau đó, người đời đều biết Phó đại nhân là một nữ tử kì tài.

Sau khi đọc xong sách của Bạch Trường Nhạc, đại thần trong triều khịt mũi khinh thường, họ bảo Bạch Trường Nhạc đúng là khoác lác, lấy thanh danh của Phó đại nhân để tự thiếp vàng lên mặt mình.

Phó đại nhân sao lại là thiên sứ của người nước ngoài được?

Ngài ấy rõ ràng là người Trung Nguyên đấy!

...

Phó Vân Anh từng ám chỉ với phó đô ngự sử rằng sau khi tìm được mấy người nước ngoài thì không cần khách sáo gì hết, cứ để cho họ nếm mùi đau khổ một chút.

Nàng không ngờ phó đô ngự sự lại làm thật, "một chút" này thực sự quá mạnh mẽ, tàn nhẫn, giết chết luôn mấy người Phật Lang Cơ, mấy người còn lại cũng sống dở chết dở, hoàn toàn trông không ra hình người nữa rồi.

Người Phật Lang Cơ đầu bù tóc rối, biểu cảm kích động, quỳ rạp xuống đất, hôn mặt đất dưới chân nàng.

Nàng tránh ra mấy bước, bảo tùy tùng tháo xiềng xích trên người những người Phật Lang Cơ xuống, dẫn bọn họ đi tắm rửa.

Tùy tùng thưa vâng.

Lễ Bộ chủ sự cũng đi theo làm phiên dịch.

Nàng ngồi dưới gốc cây đinh hương trong đình viện dùng trà, nghe những người khác báo cáo về chuyện bắt giữ người Phật Lang Cơ.

"Đại nhân, thân sĩ ở phía nam có quan hệ rất chặt chẽ với những người nước ngoài này. Sau khi biết những người nước ngoài này bị bắt, bọn họ cùng kí tên gửi thư xin tha cho người nước ngoài, còn lo lót khắp nơi, nghe nói có mấy vị thân sĩ còn đi theo mấy người nước ngoài, trở nên tin tưởng cái gì đó giáo của bọn họ, còn bỏ tiền giúp bọn họ xây dựng thánh đường."

Chu Thiên Lộc ngồi bên cạnh xen vào hỏi: "Thánh đường là cái gì?"

Người kia cúi đầu đáp: "Thánh đường chính là chùa miếu, đạo quan của người nước ngoài, là địa điểm truyền giáo của bọn họ. Ở Quảng Đông đã có một thánh đường lớn được xây dựng."

Mấy người Phật Lang Cơ được dẫn đi tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới rồi đi vào bái kiến Phó Vân Anh.

Bọn họ đều có thể nói tiếng Hán một cách thành thạo, cũng đều tự lấy tên tiếng Hán cho mình, biết cách mặc quần áo Trung Nguyên, biết dùng khăn lưới, dùng mũ, hơn nữa rất có hiểu biết về văn hóa lịch sử Trung Nguyên, thậm chí còn biết làm thơ.

Trong đó có một người Phật Lang Cơ tự xưng ông ta tên là Bạch Trường Nhạc, nói ông ta rất thân thiết với các thân sĩ ở vùng Giang Nam nên rất ngưỡng mộ văn hóa Trung Nguyên. Ngoài ra ông ta tới Trung Nguyên là để truyền giáo, hoàn toàn là có ý tốt, vô hại.

Phó Vân Anh bật cười.

Đôi mắt màu xanh xám của Bạch Trường Nhạc tỏa sáng lấp lánh, khen nàng khí độ xuất chúng, khiến ông ta vừa nhìn thấy đã bị khí chất của nàng thuyết phục.

Chu Thiên Lộc ngồi bên cạnh cười nhe nhởn. Nói về chuyện mồm mép dẻo quẹo, hắn cảm thấy da mặt mình đã là dày nhất rồi, không ngờ lại còn thua một người nước ngoài, ông già mắt xanh này đúng là không biết xấu hổ!

Phó Vân Anh sai người mang đồ ăn lên, mời mấy người Bạch Trường Nhạc vào bàn dùng bữa.

Bạch Trường Nhạc định khách sáo từ chối mấy câu nhưng bụng lại đã đói tới mức réo ầm ầm. Kể ra ông ta cũng là người thoải mái, cười ha hả, cảm tạ Phó Vân Anh rồi mời những người còn lại cùng ăn.

Mấy người họ ăn ngấu ăn nghiến như gió cuốn mây tan, ăn sạch bách một nồi mì gà lớn.

"Đa tạ đại nhân khoản đãi."

Sau khi ăn no, Bạch Trường Nhạc nói lời cảm tạ với Phó Vân Anh rồi lại bắt đầu khen nàng tới tấp.

Bạch Trường Nhạc ở phương nam mấy năm, chẳng học được gì, nhưng mấy câu khen người thì học được cả đống.

Phó Vân Anh xua tay, nói: "Nếu như các ngươi đã biết rõ văn hóa Trung Nguyên, vậy thì ta cũng không rào trước đón sau làm gì cả, các ngươi hối lộ tổng đốc Quảng Đông, tự ý định cư, theo luật thì phải chém đầu."

Mấy người truyền giáo rùng mình sợ hãi.

Bạch Trường Nhạc vội vàng đứng dậy rồi nói: "Phó đại nhân, xin tha thứ cho chúng tôi, chúng tôi không biết tổng đốc đại nhân chưa trình báo chuyện về chúng tôi lên cho Lễ Bộ biết, còn tưởng rằng chúng tôi đã được cho phép. Chúng tôi tới đây là có ý tốt, không dám làm trái luật pháp của quý quốc, chuyện này tất thảy đều là hiểu lầm mà thôi."

Phó Vân Anh mỉm cười nói tiếp: "Người Phật Lang Cơ trên đảo Song Ngư bá chiếm lãnh thổ triều ta, tàn sát thương nhân người Hoa ở vùng duyên hải, các ngươi có biết chuyện này không?" Nói đến cuối còn kéo dài âm điệu, "Nếu điều tra ra các ngươi cấu kết với thương nhân Phật Lang Cơ, lập tức chém đầu không cần xét xử thêm!"

Bạch Trường Nhạc giật mình, chỉ lên trời thề thốt rằng bọn họ là người truyền giáo, cũng từ bi giống như tăng nhân Trung Nguyên vậy, tuyệt đối sẽ không làm hại người dân vô tội, những thương nhân người Phật Lang Cơ ban đầu ở trong nước cũng đã mang tội ác đầy mình, không có liên quan gì tới bọn họ cả!

Đương nhiên Phó Vân Anh không tin.

Những người truyền giáo này có thể hòa mình với những thân sĩ ở Giang Nam, chắc chắn không chỉ dựa vào tri thức uyên bác và thái độ nhiệt tình của họ không mà thôi. Từ xưa đến nay, thương nhân giết người, người truyền giáo truyền giáo, tuy nhìn thì có vẻ ai làm việc nấy, không liên quan đến nhau nhưng thực ra cũng giống như củ sen vậy, dẫu ngó sen có bị đứt lìa thì những sợi tơ trong đó vẫn còn đính liền với nhau.

Đợi tới khi mấy người Bạch Trường Nhạc đều đã thề độc, nàng chầm chậm nói: "Đương nhiên là ta tin các ngươi, nhưng Hoàng thượng không tin, các vị các lão cũng không tin. Các ngươi giống nhau cả, đều là tóc vàng mắt xanh, đều đến từ hải ngoại, người Trung Nguyên căn bản chẳng có cách nào để phân biệt các ngươi, các ngươi định làm gì để chứng minh bản thân mình không có liên quan gì đến đám thương nhân người Phật Lang Cơ kia đây? Chỉ dựa vào mấy câu biện bạch này thôi, làm sao khiến người khác tin tưởng được?"

Nàng vừa dứt lời, thân binh xung quanh đã từ từ tiến sát lại, rút loan đao bên hông ra.

Tiếng rút đao khiến cho đám người nước ngoài càng thêm sợ hãi, hai chân run lẩy bẩy.

Bạch Trường Nhạc nhăn nhó cân nhắc hồi lâu, dùng tiếng Phật Lang Cơ bàn bạc một lúc với những người đi cùng, khẽ cắn môi, nói: "Trong những giáo đồ của chúng tôi có mấy người từng buôn bán trên biển, chúng tôi biết nhược điểm của bọn họ nằm ở đâu. Đại nhân, chúng tôi tình nguyện trợ giúp quan binh tróc nã cướp biển!"

Trong mắt Bạch Trường Nhạc, thương nhân là một lũ tham lam xảo trá. Chính bởi bọn chúng nên kinh tế trong nước mới suy sụp, rất nhiều người dân đã chết đói. Nếu như thương nhân không màng đến chuyện sống chết của dân chúng, hơn nữa còn lạm sát người vô tội thì ông ta cũng không cần quan tâm tới tình nghĩa đồng hương gì nữa. Vì đức tin của mình, ông ta nguyện nhượng bộ một cách vừa phải, dù sao cũng chỉ nói cho người Trung Nguyên một ít tri thức dễ hiểu mà thôi, Thượng đế sẽ cho phép ông ta làm thế.

Trước đây cũng từng có vài người truyền giáo có ý định truyền giáo ở Trung Nguyên nhưng đều đã kết thúc thất bại.

Bạch Trường Nhạc là người nước ngoài đầu tiên thuyết phục được thân sĩ thay đổi đức tin. Thông qua việc qua lại với những thân sĩ ở phương nam, ông ta hiểu rõ rằng nếu cứ đi từ dưới lên trên sẽ rất khó để thay đổi đức tin của người Trung Nguyên, cần phải sử dụng con đường khác có điểm xuất phát cao hơn. Đầu tiên là phải lung lạc quý tộc, thân sĩ, quan lớn người Trung Nguyên thì mới có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của Giáo hội.

Phó đại nhân là đại thần được Thiên tử tin tưởng nhất, nếu có thể lấy được thiện cảm của "y", tiện đà tiếp cận được vị Hoàng đế phương Đông trẻ tuổi mà khoan dung kia, như vậy thì việc biến vùng đất rộng lớn ở phương Dông mà chưa nhà truyền giáo nào chinh phục được này trở thành một giáo khu mới cũng có thể thực hiện được rồi!

Bạch Trường Nhạc càng nghĩ càng cảm thấy quyết định của mình thật đúng đắn, ông ta tin tưởng vào trực giác của chính mình. Đúng là bởi vì cảm nhận được sự chỉ dẫn của Thượng đế nên ông ta mới đi sang phương Đông truyền giáo, hiện giờ, ông ta rốt cuộc đã tìm được quý nhân của mình rồi!

"Đại nhân, xin hãy tin tưởng vào quyết tâm của chúng tôi, chúng tôi sẽ đem hết thảy lòng trung thành để trợ giúp cho ngài. Những kẻ hung hãn tùy tiện giết hại người dân vô tội đó tuyệt đối không phải bạn bè của chúng tôi đâu!"

Phó Vân Anh gật đầu.

Đây mới chỉ là bước đầu tiên và thôi. Người Đại và Tiểu Phật Lang Cơ dựa vào kỹ thuật đóng tàu tiên tiến, tri thức hàng hải và vũ khí đạn dược của bọn họ để hoành hành trên biển. Đầu tiên phải đoạt lại đảo Song Ngư, sau đó tàu thuyền, vũ khí, tri thức và cả những tài sản đã bị bọn họ cướp đi đều sẽ rơi vào tay triều đình.

...

Lễ Bộ chủ sự và người của Hồng Lư Tự tiếp đãi mấy người truyền giáo.

Người của Công Bộ cũng tới. Nghe Phó Vân Anh nói những người truyền giáo này còn biết về binh khí, bọn họ muốn nghe xem vũ khí của Phật Lang Cơ rốt cuộc tiên tiến đến mức độ nào.

Mấy người nước ngoài từng đi qua rất nhiều nơi, tri thức vô cùng uyên bác, hơn nữa còn giỏi ăn nói. Sau khi biết Phó Vân Anh sẽ không làm hại bọn họ, họ lập tức vui vẻ ra mặt, thao thao bất tuyệt, nói với các vị quan viên về rất nhiều phương diện kiến thức mà người Trung Nguyên chưa từng biết như thiên văn, toán học, y học, âm nhạc, hội họa.

Uông Mân là người phương tam, trong gia tộc có người quen biết với giáo đồ của Bạch Trường Nhạc, người trong tộc viết thư nhờ ông ta nghĩ cách cứu Bạch Trường Nhạc. Ông ta chắp tay sau lưng đi bộ tới, nghe thấy những người truyền giáo đang giảng giải cho mấy chủ sự ở Công Bộ nghe về chuyện "đồng hồ" chỉ thời gian như thế nào.

Ngay từ đầu, Uông Mân không coi mấy người truyền giáo này ra gì, nhưng đứng bên cạnh nghe nửa canh giờ, thần sắc ông ta dần trở nên nghiêm túc.

Ông ta tìm tới Phó Vân Anh, nói: "Núi cao còn có núi cao hơn, đúng là người xưa không lừa ta."

Trầm mặc một lát, ông ta hỏi: "Có phải cậu đã biết trước rồi không?"

Phó Vân Anh lắc đầu, "Hạ quan không biết người Phật Lang Cơ rốt cuộc có bao nhiêu tri thức, chỉ có điều hạ quan có thể chắc chắn chúng ta không thể để lạc hậu."

Người Trung Nguyên luôn tự cao tự đại, tự coi mình là "thượng quốc", Trình Chu Lý học bó buộc tư duy của đại bộ phận mọi người, khiến họ xem thường tất thảy những người bên ngoài. Lúc nàng và Phó Vân Chương đi Dương Câu, vừa soạn sách lại vừa sưu tầm sách, trong đó có mấy quyển sĩ tử Giang Nam dịch từ sách nước ngoài. Tri thức về toán học trong đó rất dễ hiểu, hơn nữa phạm vi được đề cập rất rộng, khiến nàng nhớ tới quãng thời gian học cửu chương số học ngày trước.

Từ nhỏ, Uông Mân đã có tiếng là thần đồng, đọc rất nhiều sách, tự cho mình là người học rộng hiểu nhiều, nhưng những thứ mà những người truyền giáo kia nói tới, ông ta vẫn chưa nghe thấy bao giờ.

Ông ta đứng chắp tay sau lưng dưới hành lang, thở dài một hơi, "Học đi thuyền ngược dòng nước, không tiết ắt lùi. Những người thông minh như chúng ta, thậm chí thông minh hơn chúng ta còn nhiều hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng tượng."

Uông Mân vừa đi, thân binh lại tới bẩm báo rằng Bạch Trường Nhạc có trong tay một bộ bản đồ đầy đủ, muốn hiến tặng cho Hoàng đế, cảm tạ sự khoan hồng độ lượng của Hoàng đế.

Phó Vân Anh bảo Bạch Trường Nhạc lấy bản đồ ra.

Bạch Trường Nhạc tỏ vẻ ngượng ngùng, nói đồ đạc của ông ta đều đã quan binh thu giữ.

Phó Vân Anh phái người tới Đô Sát Viện tìm thuộc hạ của phó đô ngự sử. Mấy người họ lục lọi trong đống rương hòm hỗn loạn cả buổi. Tới khi tìm được bản đồ, bản đồ đã rách nát hơn một nửa.

Bạch Trường Nhạc vội nói: "Tôi có tư liệu chi tiết hơn, có thể dựa theo tài liệu để vẽ lại bản đồ."

Phó Vân Anh cầm tấm bản đồ rách bươm lên nhìn kỹ rồi nói: "Không thể dựa vào tấm bản đồ này mà vẽ lại được, ngươi đưa tư liệu ra đây, giao cho người Lễ Bộ vẽ lại."

Bạch Trường Nhạc hơi chần chừ.

Phó Vân Anh gõ gõ vào bản đồ, "Trên bản vẽ này, triều ta nằm ở châu Á rơi vào một góc..."

Bản đồ của người Phật Lang Cơ vẽ ra một thế giới bị đại dương vây quanh, bọn họ còn còn rằng thế giới là hình cầu, có năm đại lục, lần lượt là Âu La Ba, Lợi Vị Á, Bắc và Nam Á Mặc Lợi Gia và một mảnh đại lục ở phương nam [3].

[3] Tên châu lục mình để đúng bản gốc, lần lượt hiểu là châu Âu, châu Á, Bắc và Nam Mỹ và có lẽ là Australia (theo miêu tả thì mình đoán thế). Đây là tên để trong những tài liệu đầu tiên của người châu Âu ở TQ, được phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha (Tiểu Phật Lang Cơ chính là Bồ Đào Nha). Tại sao lại là Australia mà không phải châu Phi thì mình không biết đâu nhé, truyện viết thế.

Tấm bản đồ này không phải cực kỳ chuẩn xác nhưng dù sao ít nhất vẫn hoàn chỉnh hơn những tấm bản đồ hiện nay được cất giữ trong cung. Trên bản đồ cũng có nhiều vùng đất mà năm đó đoàn thuyền xuống Tây Dương đã từng đi qua. Trong cung có bản đồ mà các quan viên năm đó đã vẽ lại, có thể so sánh, bổ sung với bản đồ này của Bạch Trường Nhạc để hoàn thiện thêm.

Chỉ tiếc trong tấm bản đồ này Trung Nguyên không nằm ở trung tâm. Nếu dâng tấm bản đồ này lên, những đại thần trong triều kia nhất định sẽ mắng chửi Bạch Trường Nhạc té tát, sau đó sẽ nhất định không chịu thừa nhận tấm bản đồ.

Bạch Trường Nhạc nhanh chóng hiểu được ẩn ý của Phó Vân Anh, vội nói: "Thế thì tôi sửa ngay đây! Trung Nguyên đương nhiên là quốc gia ở trung tâm rồi!"

Người truyền giáo này đúng là khôn khéo thật.

Phó Vân Anh đưa ngón tay trên bản đồ, lơ đãng hỏi: "Năm nào tàu buôn của Phật Lang Cơ cũng vận chuyển rất nhiều bạc tới cảng Lữ Tống, bạc này đến từ Âu Ba La sao?"

Phật Lang Cơ là đất nước nằm trên đại lục Âu Ba La ở phương tây.

Bạch Trường Nhạc cười hề hề, lắc đầu, "Thật sự không dám giấu giếm, Phật Lang Cơ có diện tích nhỏ hẹp, trữ lượng bạc không nhiều, bạc của bọn họ đều tìm được từ Bắc và Nam Á Mặc Lợi Gia."

Ngón tay ông ta di qua đại dương tới một đại lục khác, đại lục kia cách Trung Nguyên rất xa, nếu đi tàu cũng phải mất ít nhất mấy tháng.

Phó Vân Anh nhíu mày.

Nàng vào cung cầu kiến Chu Hòa Sưởng.

Chu Hòa Sưởng sai người đi tìm toàn bộ công văn tài liệu về những lần xuống Tây Dương năm đó để so sánh với bản đồ của Bạch Trường Nhạc.

Nội quan đi cả buổi, lúc trở về phục mệnh lại quỳ bịch một tiếng xuống mặt đất, run rẩy, "Bẩm Vạn Tuế gia, những công văn đó... Nô không lấy được."

Chu Hòa Sưởng nhíu mày.

Nội quan giải thích nguyên do, tất cả những hồ sơ liên quan tới việc xuống Tây Dương đều đã bị Vương các lão hạ lệnh trông giữ, không có mệnh lệnh của Vương các lão thì không ai lấy nổi.

Chu Hòa Sưởng tốt tính, không tức giận, lại sai người tới tìm Vương các lão đòi chìa khóa.

Lần này hắn phái Cát Tường thay mặt mình đi truyền lệnh.

Cát Tường đi một canh giờ liền, lúc về cũng giống y như nội quan kia, chân run lẩy bẩy, quỳ xuống dập đầu mấy cái thật vang.

Vương các lão không chịu đưa chìa khóa.

Mặt Chu Hòa Sưởng hơi biến sắc, không cẩn thận làm đổ nghiêng chén trà trong tay, nước trà nóng bỏng sánh ra, tay áo thường phục ướt đẫm một nửa.

Mấy nội quan xung quanh hoảng sợ, vội vàng chạy tới dọn dẹp.

Có người lấy thuốc mỡ bôi vết bỏng tới, định bôi cho Chu Hòa Sưởng, hắn xua tay, ý bảo bọn họ lui ra ngoài.

Phó Vân Anh nhìn về phía cánh tay lộ ra dưới tay áo vừa được xắn lên, tay bị bỏng đỏ cả lên.

"Hoàng thượng bớt giận, hành động này của Vương các lão cũng không phải là cố tình đối địch với Hoàng thượng."

Chu Hòa Sưởng không nói lời nào, thở hắt ra, mở hộp bạc, dùng ngón tay lấy một ít thuốc mỡ ra, bôi lên cánh tay, đau đến mức nhíu mày, xuýt xoa.

Phó Vân Anh nói tiếp: "Tuy xuống Tây Dương sẽ phô bày được uy phong của chúng ta, nhưng mỗi lần đi ra ngoài như thế sẽ tiêu phí mấy chục vạn lượng thuế ruộng, chặt không biết nhiêu cây lấy gỗ đóng tàu, hiện giờ quốc khố thiếu thốn, Vương các lão cũng chỉ suy xét cho dân sinh mà thôi."

Chu Hòa Sưởng nâng cánh tay mình lên, nhìn nàng, ra vẻ đáng thương, "Vân ca nhi, tay ta đau quá."

Phó Vân Anh nghẹn lời, không nói gì.

Thấy nàng câm nín, Chu Hòa Sưởng xì một tiếng rồi cười, lắc lắc tay trước mặt nàng, "Được, ta không tức giận nữa."

Rồi hai người lại nói tiếp chính sự.

Phó Vân Anh kiến nghị để quan viên Hộ Bộ đi tìm Vương các lão đòi chìa khóa. Mấy ngày nay Hộ Bộ tính toán, càng tính càng thấy việc buôn bán trên biển cũng có thể kiếm được tiền, bọn họ bắt đầu thay đổi thái độ, cho rằng đầu tiên có thể bỏ cấm biển ở đảo Song Ngư, biến đảo Song Ngư thành cảng lớn nhất ở phía đông nam, như thế hàng hóa của vùng Giang Nam như tơ lụa, vải vóc, đồ sứ sẽ không phải lo tới nguồn tiêu thụ, ngoài ra còn có thể ngăn chặn cướp biển ở mức độ nhất định.

Chu Hòa Sưởng ừ một tiếng, sai người dưới đi làm.

Tiếp theo nói đến chuyện đê điều, chuyện này Phó Vân Anh không rành rẽ lắm, không nói gì thêm, chỉ đề cử mấy người cho hắn chọn.

Trước khi xin phép ra về, nàng ngước mắt lên, ánh mắt dừng lại trên khuôn mặt Chu Hòa Sưởng.

Da hắn vẫn trắng bóc như cũ, hai hàng lông mày hơi nhíu lại, mặt mày có vẻ hơi uể oải. Tay phải gác trên bàn, chỗ mới bôi thuốc mỡ vẫn đỏ bừng.

Lúc nãy hắn kêu đau tay cũng không có vẻ như là nói đùa.

Nàng cúi đầu, ôn hòa nói: "Hoàng thượng, ngài còn trẻ, mới vừa lên ngôi chưa lâu, không thể chuyện gì cũng có thể như ý, ngài có lòng thương dân, có sự khoan dung rộng lượng, đó là cái phúc của dân chúng. Đường chỉ có thể đi từng bước một, trị quốc cũng vậy, vội vã cũng không được. Lão tiên sinh và những người khác tuyệt đối không có ý coi thường ngài, ngài không nên nóng vội, lại càng không nên vì thế mà ủ dột đau buồn."

Cánh tay phải bị thương của Chu Hòa Sưởng run lên, có vẻ chấn động, ngẩng đầu, đôi mắt đen láy nhìn nàng hồi lâu.

Nàng khom người đứng trước bàn, hắn không nhìn thấy rõ biểu cảm của nàng, chỉ có thể nhìn chiếc mũ trên đầu nàng.

Chiếc bình đựng nước bằng bằng đồng trong góc tường truyền lại tiếng nước tí tách.

Một lúc lâu sau, khóe miệng Chu Hòa Sưởng cong lên, khẽ nói: "Ta biết rồi."

Hắn đứng dậy, đi tới trước mặt Phó Vân Anh, đặt tay lên vai nàng, bảo nàng ngẩng đầu, nháy mắt với nàng, "Đệ đừng lo lắng, từ trước đến nay ta luôn rất khoan dung với chính mình."

Làm đến tận Hoàng đế rồi, có cái gì không vui chứ? Hắn thực sự vui vẻ thoải mái, tuy rằng thi thoảng cũng sẽ phiền muộn về chuyện quốc sự nhưng đa phần thời gian vẫn cứ vui vẻ.

Cũng giống như hồi hắn làm một Thế tử vô tư lự ở phủ Võ Xương, khi còn nhỏ, bệnh tật tra tấn hắn nhiều năm, cả đời không thể ra khỏi Hồ Quảng một bước nhưng hắn có được tiền bạc của cải mà người khác có làm mấy đời cũng chẳng kiếm ra được, cả đời không lo ăn mặc, thoải mái không phải lo nghĩ, có gì mà không thỏa mãn chứ?

Giờ hắn làm Hoàng đế, hắn có thể tự quyết định rất nhiều việc, để cho ông già có thể được tự do bay nhảy khắp nơi, làm chỗ dựa cho Vân ca nhi, mỹ nhân trên đời này hắn chọn ai cũng được, còn giàu có hơn hồi ở phủ Võ Xương, nhiều quyền thế hơn nữa, hắn vui lắm chứ!

Thấy mắt Chu Hòa Sưởng cong lên, cười tươi đến mức lộ ra cả hàm răng trắng, Phó Vân Anh thầm thở dài một hơi.

Có lẽ trước đó không nên lo lắng cho hắn.

...

Thời tiết dần dần ấm lại.

Phó Vân Chương đi ra khỏi thành làm mấy việc. Trên đường trở về thành, trong lúc lơ đãng, y nhìn thấy trên vó ngựa dính một chút màu xanh lá.

Không biết khi nãy quẹt vào đâu.

Sắp tới cổng thành, y siết chặt dây cương, xuống ngựa.

Tùy tùng nhận lấy roi ngựa từ tay y, cười nói: "Gia, khi nãy trên đường thấy một gánh hát đang tập diễn vở kịch về công tử, có rất nhiều người xúm lại xem lắm ạ!"

Khóe miệng Phó Vân Chương hơi cong lên, nụ cười nhàn nhạt chỉ lướt qua trong chốc lát.

Tùy tùng biết y như vậy là đang cười. Lúc ở bên ngoài y rất lãnh đạm, rất ít khi để lộ cảm xúc ra ngoài, động tác như vậy là hiếm có lắm rồi.

Phó Vân Chương khép chặt hai vạt sưởng y, hỏi: "Kịch gì thế?"

Tùy tùng vội đáp: "Đương nhiên là kịch công tử giải oan cho dân rồi, vừa nãy là diễn tới đoạn công tử cầm Thượng Phương Bảo Kiếm chém đầu một hoàng thân quốc thích, người xem đều vỗ tay trầm trồ khen ngợi."

Phó Vân Chương bật cười.

Mấy câu chuyện lưu truyền trong dân gian càng lúc càng viết thái quá.

Tùy tùng nói tiếp: "Nghe nói phía nam có tiểu thư khuê các ngưỡng mộ công tử, thường viết đàn từ cho công tử nữa!"

Những câu chuyện trong đàn từ phần lớn phức tạp uyển chuyển, trong số tác giả có rất nhiều người là tiểu thư khuê các trong các gia đình thân sĩ ở Giang Nam, lớn lên trong sự hun đúc của thi thư lễ nhạc. Những câu chuyện này đa phần kể về nỗi vui buồn tan hợp của tài tử giai nhân.

Phó Vân Chương lác đầu, nếu Anh tỷ nhi biết mình bị đưa vào câu chuyện đàn từ, yêu đương với giai nhân, không biết sẽ có biểu hiện như thế nào.

Y đi phía trước, tùy tùng dắt ngựa theo sau.

Hàng người đi vào thành kéo dài dằng dặc, y là quan viên Hình Bộ, vốn có thể lấy thân phận này để đi thẳng vào thành, nhưng bình thường y vẫn không muốn gây sự chú ý nên không làm như vậy.

Một đám người đang chờ vào thành đều nhìn thấy Phó Vân Chương, thấy y tuấn tú, khí chất hơn người, không thể nào không liên tục ngẩng đầu nhìn y.

Trên mặt y cũng không có biểu hiện gì, chỉ đứng chắp tay sau lưng.

Lúc này, từ trong đám người bỗng bật ra một tiếng kêu kinh ngạc: "Nhị ca!"

Người phụ nữ vừa kêu lên trông hết sức vui mừng, đẩy người bên cạnh ra, lao về phía Phó Vân Chương.

"Là muội, muội là Phó Dung đây!"

Phó Vân Chương hơi cau mày.


Chú thích của editor:

Tập tục đi bách bệnh, lên tường thành, sờ đinh ở cổng thành

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro