Câu chuyện 7: Đế quốc Mông Cổ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vị trí của Mông Cổ nằm ở vùng cao nguyên Trung Á rộng lớn. Ngày xa xưa Mông Cổ bị đế quốc Hung Nô cai trị, đầu thế kỉ XIII sau khi trải qua nhiều biến cố, vùng đất Mông Cổ không còn bị các quốc gia lớn mạnh ở gần bên cai trị nữa.

Đất nước Mông Cổ bấy giờ vẫn chưa thống nhất mà được chia thành nhiều bộ tộc, người đứng đầu các bộ tộc gọi là tộc trưởng. Đây là thời kì hỗn loạn của người Mông Cổ, đã có hàng chục bộ tộc xuất hiện nhưng chỉ sau vài ngày hoặc vài tháng lại biến mất như sao buổi sớm. Các bộ tộc lớn mạnh nhất ở vùng cao nguyên này là Mông Cổ (Mongol), Nãi Man (Naiman), Miệt Nhi Khất (Merkit), Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), Đảng Hạng (Tangut), Tháp Tháp Nhi (Tatar), Khắc Liệt (Kerait) luôn tìm cách thôn tính lẫn nhau, làm cho Mông Cổ rơi vào tình cảnh chiến tranh loạn lạc.

Kĩ năng quân sự của các bộ tộc ngày càng tiến bộ, mỗi một người dân du mục ở thảo nguyên Mông Cổ đều là một chiến binh cừ khôi, có sở trường cưỡi ngựa bắn tên bách phát bách trúng nhờ sự rèn luyện khắc nghiệt và tinh thần chiến binh. Tuy nhiên việc các bộ tộc bị chia rẽ sâu sắc, đất nước chia năm xẻ bảy khiến cho người Mông Cổ dù có tinh nhuệ thiện chiến vẫn bị nước Kim và Tây Hạ ở phía Nam đe dọa, lăm le muốn chiếm.

Đến năm 1206 Thiết Mộc Chân của tộc người Mông Cổ hoàn thành thống nhất các bộ tộc, những bộ tộc và liên minh hùng mạnh khác trước đó hoặc đã đầu hàng, hoặc là bị Thiết Mộc Chân và đội quân Mông Cổ của ông tiêu diệt. Hội nghị Kurultai sau đó do các thủ lĩnh đứng đầu tộc Mông Cổ đã chọn Thiết Mộc Chân trở thành Đại Hãn vương Mông Cổ, thành lập ra nhà nước Đại Mông Cổ Quốc. Thiết Mộc Chân tự xưng là Thành Cát Tư Hãn, trở thành chúa tể duy nhất thống trị toàn cõi cao nguyên này. Ngoài đại tài quân sự, dưới trướng của Thành Cát Tư Hãn còn có những thuộc hạ tâm phúc và tài giỏi phò tá cho ông, trong đó nổi bật nhất là bốn võ tướng hộ giá cho Thành Cát Tư Hãn, được mệnh danh "tứ mãnh khuyển Mông Cổ" bao gồm: Bác Nhĩ Truật, Gia Luật Mễ, Mộc Hoa Lê và đặc biệt là Tốc Bất Đài, họ là những người có trái tim được làm bằng thép, không biết sợ hãi trước cái chết, chỉ luôn một lòng chiến đấu vì chủ tướng của mình, bốn mãnh tướng đó sau này đã góp công lớn giúp Thành Cát Tư Hãn chinh phục thế giới.

Sau khi lên ngôi Đại Hãn, Thành Cát Tư Hãn chú tâm tăng cường sức mạnh quân sự trước sự đe dọa của nước Kim và Tây Hạ từ bên ngoài. Đến lúc quân đội Mông Cổ lớn mạnh, Thành Cát Tư Hãn lần lượt phát động chiến tranh với Tây Hạ và Kim. Năm 1209 Tây Hạ chấp nhận trở thành nước chư hầu của Mông Cổ. Năm 1213 kỵ binh Mông Cổ vượt Vạn Lý Trường Thành tấn công nước Kim, lãnh thổ phía bắc nước Kim bị sáp nhập vào Mông Cổ. Đến năm 1215 Thành Cát Tư Hãn dẫn quân đánh thẳng vào kinh đô nước Kim ở Yên Kinh (Bắc Kinh, Trung Quốc), nước Kim không đầu hàng mà chạy về Khai Phong. Sau chiến dịch xâm lược nước Kim, Thành Cát Tư Hãn bắt đầu thực hiện kế hoạch bành trướng khắp thế giới.

Sau khi Tây Liêu bị tiêu diệt, Đại Mông Cổ Quốc bấy giờ đã tiến sát biên giới đế quốc Khwarezm, Thành Cát Tư Hãn muốn thương mại hàng hóa và xây dựng mối quan hệ đồng minh với đế quốc Khwarezm chứ không có ý định tấn công đế quốc này, một phần vì Mông Cổ thực sự cần kết giao đồng minh với một đế quốc mạnh mẽ vào thời điểm đó, một phần vì Mông Cổ đang bận giao tranh với nước Kim ở miền Đông Bắc Trung Quốc. Để tỏ lòng thành, vị Đại Hãn phái một đoàn lạc đà gồm 500 người hồi giáo đến Khwarezm để thiết lập mối quan hệ chính thức, thế nhưng Khwarezm nghi ngờ thành ý của vị Đại Hãn và cho bắt giam đoàn lạc đà.

Việc Khwarezm nghi ngờ Mông Cổ phái gián điệp đến là điều bình thường, Thành Cát Tư Hãn hiểu ý nên phái thêm ba sứ giả (hai người Mông Cổ và một người hồi giáo) đến Khwarezm cầu hòa và đề nghị thả người, vua Khwarezm là Shah ra lệnh chém đầu tên sứ giả theo đạo hồi và cạo đầu hai sứ giả người Mông Cổ rồi đuổi về. Đoàn lạc đà 500 người cũng bị xử tử, đây được xem là sự sỉ nhục nặng nề đối với Thành Cát Tư Hãn. Dẫn đến chuyện đại quân Mông Cổ vượt dãy Thiên Sơn tấn công Khwarezm. Chỉ trong vòng hai năm, đế quốc Khwarezm sụp đổ trước sức tấn công kinh hoàng của người Mông Cổ, vua Shah trốn thoát nhưng không lâu sau cũng qua đời vì quá sốc. Đội quân Mông Cổ đã trả thù cho đoàn lạc đà một cách không thể tàn bạo hơn. Đặc biệt là trong chiến dịch Khorasan, con rễ của Thành Cát Tư Hãn là Thoát Hốt Sát Nhi trúng tên tử trận, tướng Mông Cổ là Đà Lôi sau khi hạ được thành này đã lệnh cho quân tàn sát tất cả sinh vật sống trong thành kể cả chó mèo cũng không tha. Cuộc hành quyết do vợ của Thoát Hốt Sát Nhi làm chủ trì cuộc giết chóc, trả thù cho chồng.

Sau khi lật đổ đế quốc Khwarezm và thôn tính Tây Liêu, lãnh thổ đế quốc Mông Cổ đã bao phủ toàn bộ vùng Trung Á. Nước Kim đã chạy về phía Nam, Tây Hạ đã trở thành nước chư hầu nên không còn khả năng đe dọa đến biên giới Mông Cổ như trước nữa, Thành Cát Tư Hãn quyết định dưỡng binh một thời gian rồi tấn công sang Nam Á và châu Âu. Trong hội nghị Kurultai, vị Đại Hãn lên kế hoạch chia quân làm hai hướng tấn công phía tây, một hướng do đích thân y làm chủ soái dẫn quân tấn công vào Afghanistan và bắc Ấn Độ, hướng quân còn lại do Tốc Bất Đài làm chủ soái, Bạt Đô làm phó soái tấn công Armenia và Azerbaijan, sau đó phá hủy Gruzia và cộng hòa Genova, tiến sát Biển Đen. Hai cánh quân của Thành Cát Tư Hãn và Tốc Bất Đài đã đánh bại mọi đội quân mà họ gặp trên đường chinh phục vùng đất mới, đến năm 1225 hai cánh quân này gặp lại nhau ở Mông Cổ.

Trên đường trở về Mông Cổ, cánh quân của Tốc Bất Đài bị 8 vạn binh Rus Kiev (hiện nay bao gồm Nga, Ukraine, Belarus) chặn lại, Tốc Bất Đài cho sứ giả đến nghị hòa nhưng các sứ giả của ông phái đi đều bị xử trảm, nổi giận vì bị từ chối thành ý, Tốc Bất Đài ra lệnh tấn công Rus Kiev. Quân đội Rus Kiev tuy đông nhưng kém phối hợp bởi sự thiếu đoàn kết của các vương công nên nhanh chóng thất bại. Các vương công Rus Kiev không còn cách nào khác đành phải chấp nhận lời nghị hòa của Mông Cổ mà thực chất là Rus Kiev đã thất bại hoàn toàn và đầu hàng Mông Cổ. Rus Kiev bại trận nhưng các vương công không bị tước đi quyền lực của họ, đổi lại Rus Kiev phải chịu thần phục và cống nạp cho Thành Cát Tư Hãn đều đặn. Để phô trương thanh thế, Tốc Bất Đài đã cho đặt ván trên đầu các vương công để mở tiệc ăn mừng, trong đó có sáu vương công bị đè đến chết.

Thành Cát Tư Hãn là người rất tham vọng, tuy Rus Kiev đã chịu thần phục Mông Cổ, y lúc này đang bận giao tranh với nước Kim và Tây Hạ nhưng đã ngầm cho người do thám Rus Kiev để sau này dễ bề thôn tính hoàn toàn. Đến khi Thành Cát Tư Hãn qua đời được hai năm thì Bạt Đô dẫn quân tấn công Rus Kiev, đế quốc Mông Cổ hoàn toàn chinh phục được vương quốc này vào năm 1240.

Trong chiến dịch tấn công đế quốc Khwarezm, nước chư hầu của Mông Cổ là Tây Hạ từ chối tham chiến, Thành Cát Tư Hãn thề nhất định sẽ trừng phạt họ. Tây Hạ biết họ không thể tự mình chống lại Mông Cổ nên đã thành lập liên minh với nước Kim. Thành Cát Tư Hãn bấy giờ nhận được tin tình báo liền chuẩn bị lực lượng tiêu diệt liên minh này.

Năm 1226 Thành Cát Tư Hãn xuất binh đánh Tây Hạ vì sự phản bội của nước này, Mông Cổ lần lượt chiếm phủ Tây Lương rồi vượt sông Hoàng Hà đang đóng băng, đánh thẳng vào kinh đô Tây Hạ ở Trung Hưng phủ, vua của Tây Hạ bấy giờ là Hạ Mạt Đế hẹn ngày nộp thành đầu hàng để tránh họa đồ sát. Trước hạn nộp thành một ngày, Thành Cát Tư Hãn đột ngột qua đời không rõ nguyên nhân. Người Mông Cổ cho rằng Tây Hạ đã đầu độc vị Đại Hãn của họ, quân Mông Cổ sau đó xông vào kinh thành điên cuồng chém giết, vua Hạ Mạt Đế và cả hoàng tộc Tây Hạ từng người một ngã xuống, bá tánh thường cũng chịu chung số phận không còn ai trong thành sống sót, cung thất và lăng viên đều bị đốt cháy, cảnh tượng dã man vô cùng.

Trước khi qua đời, Thành Cát Tư Hãn đã kịp phác thảo kế hoạch cho Đà Lôi đánh bại nước Kim:

- Trước mượn Nam Tống để diệt Kim, sau đó quay lại diệt Tống.

Không những thế, Thành Cát Tư Hãn còn chỉ cụ thể con đường xuất quân và việc thực hiện phương án tác chiến cho con cháu của mình như sau:

- Quân tinh nhuệ của Kim ở Đồng Quan, phía nam chiếm cứ Liên Sơn, phía bắc bị hạn chế bởi sông lớn, như thế khó đánh thắng nhanh. Nhưng Tống và Kim có thù truyền kiếp, giả liên Tống thì đánh Kim sẽ dễ. Bởi lúc này, nếu ta liên thủ với Tống thì Kim sẽ tỏ ra nóng vội, khi chiến tranh nổ ra thì nước Kim sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tế, người ngựa mệt mỏi, ta sẽ đánh thắng.

Trong cuộc đời chinh chiến Thành Cát Tư Hãn đã trực tiếp tham gia 32 trận đánh lớn và 65 trận đánh nhỏ, ông và quân đội Mông Cổ đã thực hiện nhiều cuộc tàn sát đẫm máu. Không chỉ tận diệt quân đội của đối thủ, Thành Cát Tư Hãn sẵn sàng tàn sát toàn bộ người dân trong một thành phố bao gồm cả phụ nữ và trẻ em nếu thành phố đó dám kháng cự lại quân đội của ông. Tiếng hung bạo đã được loan truyền khắp châu Âu, kỵ binh Mông Cổ khét tiếng đến mức người ta than rằng: "Cỏ không mọc được dưới vó ngựa Hung Nô". Theo ước tính của nhiều sử liệu ghi lại, Thành Cát Tư Hãn và đội quân của ông đã tàn sát hơn 40 triệu người ở những nơi mà họ xâm chiếm, ở các khu vực bị đế quốc Mông Cổ tấn công như Trung Á, Trung Đông và Đông Âu, người ta xem Thành Cát Tư Hãn như là hiện thân của sự tàn bạo.

Con thứ ba của Thành Cát Tư Hãn là Oa Khoát Đài được chỉ định trở thành người nối ngôi Đại Hãn. Oa Khoát Đài làm theo di nguyện của cha, thành lập liên minh với nước Tống để cùng lật đổ triều Kim ở phía bắc Trung Quốc. Năm 1234, nước Kim bị Mông Cổ và Nam Tống hội quân tiêu diệt. Giống như Thành Cát Tư Hãn, Oa Khoát Đài Hãn vẫn tiếp tục thực hiện tham vọng bành trướng thế giới, việc đầu tiên ông làm là thiết lập sự kiểm soát vĩnh cửu đối với Khwarezm và chinh phục hoàn toàn Rus Kiev, sau đó là ép Cao Ly trở thành nước chư hầu.

Danh tướng Tốc Bất Đài sau đó đề xuất kế hoạch tấn công sâu vào lòng châu Âu, mục tiêu đầu tiên của Tốc Bất Đài là Hungary và Ba Lan. Kế hoạch này được Oa Khoát Đài Hãn ủng hộ, vị Đại Hãn ra lệnh xâm chiếm toàn bộ châu Âu, tiến đến vùng Biển Lớn (Đại Tây Dương). Rất nhanh, kỵ binh Mông Cổ do Tốc Bất Đài và Bạt Đô chỉ huy đã tiêu diệt hoàn toàn quân đội của hai quốc gia Hungary và Ba Lan chỉ vỏn vẹn trong vòng hai ngày. Các quốc vương khác của châu Âu nghe tin này đều run sợ trước sức mạnh kinh khủng khó tin của đế quốc Mông Cổ. Khắp Đông Âu hiện nay đã trở thành bình địa dưới vó ngựa Mông Cổ, thừa thắng xông lên, cuối năm 1241 Tốc Bất Đài cho quân tiến sát đến thành Vien (Áo) vào Tây Âu, chuẩn bị thôn tính các vương quốc nhỏ ở đây và đợi lệnh tấn công vào đế quốc La Mã. Tuy nhiên Oa Khoát Đài Hãn đột ngột lâm bệnh băng hà, các tướng lĩnh Mông Cổ đang ở chiến trường châu Âu buộc lòng phải gấp rút quay về Mông Cổ để kịp tham dự hội nghị Kurultai chứng kiến Đại Hãn mới lên ngôi. Vậy là kế hoạch tấn công Tây Âu bị hoãn vô thời hạn, cái chết của Hãn Oa Khoát Đài đã cứu nguy cho cả một nửa châu Âu và hàng triệu sinh mạng.

Con trai Oa Khoát Đài là Quý Do lên ngôi Đại Hãn, vị Đại Hãn mới lên ngôi đã mời Tốc Bất Đài chỉ huy chiến dịch tiêu diệt Nam Tống năm 1246. Ban đầu Mông Cổ và Nam Tống là đồng minh của nhau vì cả hai đều có chung một kẻ thù là nước Kim. Tuy nhiên liên minh này đã tan rã vào năm 1234, trong khi quân Tống và Mông Cổ cùng hội quân tấn công nước Kim thì người Tống lại nhân cơ hội chiếm lấy Trường An và Khai Phong từ tay Mông Cổ. Mông Cổ cử sứ giả đi đòi lại Trường An và Khai Phong thì bị người Tống giết.

Đại Hãn Mông Cổ lúc đó là Oa Khoát Đài tức giận chấm dứt liên minh với nhà Tống, tự mình dẫn quân đi đánh Nam Tống. Rất nhanh quân Tống đã bị đánh lui về sông Trường Giang. Lúc này quân Tống tuy đã suy yếu nhưng lực lượng vẫn còn khá đông, vả lại triều đình nhà Tống còn có sông Trường Giang rộng lớn bảo vệ, muốn tiêu diệt hoàn toàn nước Tống phải vượt qua sông Trường Giang, quân Mông Cổ chỉ giỏi đánh dã chiến trên đồng bằng chứ không thông thạo thủy chiến, vậy nên Oa Khoát Đài chỉ đánh chiếm được một phần Nam Tống đã tạm thời đình chiến, chờ cơ hội khác. Ở giai đoạn sau đó, đội quân Mông Cổ chỉ tập trung xâm chiếm châu Âu cho đến khi Oa Khoát Đài băng hà, phải đến năm 1246 vị Đại Hãn thứ ba là Quý Do mới lên kế hoạch tái chiếm Nam Tống.

Tốc Bất Đài lãnh quân tấn công Nam Tống trong cùng năm 1246, chiến sự hai bên đang căng thẳng thì Quý Do Hãn bất ngờ băng hà vào năm 1248. Tốc Bất Đài và quân đội của mình lại một lần nữa phải đình chiến với Nam Tống trở về Mông Cổ dự hội nghị Kurultai. Vì lúc này Tốc Bất Đài đã 72 tuổi nên ông xin được trở về quê nhà sống phần đời còn lại. Trước khi cáo lão hồi hương, Tốc Bất Đài có đề cử con trai của mình là Ngột Lương Hợp Thai và cháu trai là A Truật tiếp tục tham gia chiến dịch tiêu diệt Nam Tống, thay thế y phò tá cho vị Đại Hãn thứ tư của Mông Cổ là Mông Kha.

Quý Do Hãn qua đời, hội đồng Kurultai quyết định trao quyền Đại Hãn cho Mông Kha, hắn là con trai trưởng của vương tử Đà Lôi và là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn. Sau khi lên ngôi Hãn, Mông Kha tiếp tục triển khai kế hoạch tiêu diệt nước Tống, y muốn giáp công nước Tống từ ba mặt: bắc, tây, nam.

Năm 1253, Mông Kha phái Ngột Lương Hợp Thai tiến quân xâm lược Đại Lý để mở đường tấn công vào phía tây nước Tống. Thành Đại Lý nhanh chóng thất thủ trước sức mạnh của quân Mông Cổ, quốc vương Đại Lý là Đoàn Hưng Trí bị bắt sống, tin nước Đại Lý diệt vong làm chấn động triều đình Đại Việt. Đại Lý là vương quốc tiếp giáp với lãnh thổ Đại Việt ở phía Tây Bắc, sau khi nước này bị Mông Cổ thâu tóm thì tức là lãnh thổ Đại Việt đã tiếp giáp với đế quốc Mông Cổ.

Tình hình khẩn cấp, chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất chạy trạm cấp báo cho Thăng Long việc sứ giả Mông Cổ sắp sang và ý đồ xâm chiếm Đại Việt của Mông Cổ.

Khâm Thiên Đại Vương Trần Nhật Hiệu nghe tin Đại Lý thất thủ vô cùng lo lắng, viết thư gửi cho Thái Tông, hiến kế lập liên minh với Nam Tống chống lại Mông Cổ:

" Năm xưa Đoàn Thị cậy có võ công cái thế mà lấy được thiên hạ, thống trị Đại Lý. Đã qua hơn 200 năm, tinh hoa võ công của Đoàn Thị Đại Lý cao thâm không biết đâu mà lường, hội tụ rồi truyền lại cho con cháu, hoàng gia Đại Lý nổi danh khắp trung nguyên, tung hoành khắp thiên hạ, nhân tài ngày xưa có Đoàn Chính Thuần, Đoàn Dự, Đoàn Trí Hưng, thiên hạ không ai không biết, đến nay hậu duệ của họ không hề tầm thường. Đại Lý là một võ quốc hùng mạnh, chuyên đi chiến đấu. Thế mà quân Mông Cổ chỉ mất chưa đầy một năm đã biến Đại Lý thành bình địa. Thiên hạ mênh mông như Nam Tống mà không thể cản nổi tham vọng của Mông Cổ đủ thấy sức mạnh của chúng rất đáng sợ.

Hiện tại, Ngột Lương Hợp Thai vẫn còn cho đóng quân ở Đại Lý để chuẩn bị tấn công Nam Tống. Nhưng theo thần nghĩ, mục tiêu tiếp theo của chúng sẽ là Đại Việt. Nhiều khả năng Ngột Lương Hợp Thai sẽ tấn công Đại Việt trước rồi sau đó mới đánh vào sau lưng triều đình Tống Cao Tông để phối hợp với đại quân Mông Kha ở phía bắc nhằm tạo thế gọng kìm. Xin bệ hạ hãy có sự chuẩn bị.

Nhớ năm xưa, Lưu Bị yếu thế hơn Tào Tháo nên phái Gia Cát Lượng đến gặp Tôn Quyền đề nghị kết thành liên minh để cùng nhau chống Tào, quân Tào hùng mạnh khiến cho Tôn Quyền giống như đang ngồi trên đống lửa, đồng ý kết liên minh với Lưu Bị ngay. Ở trận Xích Bích, liên minh Tôn Lưu chỉ vỏn vẹn 5 vạn quân đã đánh cho 20 vạn quân của Tào Tháo thảm bại. Đến khi Lưu Bị mạnh lên thì Tôn Quyền lại liên minh với Tào Tháo, hai mặt trước sau cùng nhau giáp công khiến Quan Công bại trận, mất luôn Kinh Châu. Gương của Xích Bích và Kinh Châu vẫn còn đó, thần khẩn xin bệ hạ hãy học theo Ngô Vương ngày xưa, lập liên minh với Nam Tống, cả hai nước cùng nhau chống Mông Cổ".

Trước đó triều đình cũng đã nắm được phần nào thông tin của đội quân Mông Cổ và tình hình chuyển biến ở phương bắc thông qua lời kể của các thương nhân và người ở vùng biên giới Tống - Việt báo lại. Tuy nhiên chỉ từ khi Đại Lý bị Mông Cổ thôn tính thì mối đe dọa mới thực sự rõ ràng. Trần Thái Tông bấy giờ không có động thái liên minh với Nam Tống, nhưng đã hạ lệnh xuống các tướng ngày đêm tập trung thao lược quân sĩ, chỉnh đốn quân ngũ, tăng cường canh phòng biên giới, sẵn sàng chiến đấu bất kì lúc nào.

Vua Trần Thái Tông ban bố chính sách "ngụ binh ư nông". Khi trong nước có cảnh chiến tranh thì triều đình cứ theo hộ khẩu gọi tất cả trai tráng vào lính. Vào thời bình, họ được trở về quê làm ruộng. Nhờ đó, việc tuyển quân rất nhanh chóng nhưng rất kỹ lưỡng, triều đình chỉ chọn những trai tráng khỏe mạnh. Ngoài ra nhà vua còn cho phép các vương tông quý tộc quyền tự tuyển mộ binh lính và xây dựng quân đội cho riêng mình để tăng cường sức mạnh quân sự, đội quân này được gọi là đội quân gia nô. Số quân gia nô cộng thêm quân triều đình tạo thành một lực lượng vô cùng hùng hậu, có thời điểm quân đội nhà Trần lên đến 20 vạn quân. Các tướng lĩnh chỉ huy đều là những chiến tướng tinh thông võ nghệ, giàu kinh nghiệm thực chiến, tất cả bọn họ đều bắt buộc phải tập luyện và học tập chiến thuật ở Giảng Võ Đường.

Giảng Võ Đường được thành lập từ năm 1253, là lò dạy võ và nghệ thuật quân sự của triều đình. Tại đây các tướng lĩnh học hỏi binh pháp và tập dàn quân đánh trận. Nếu tập trận nhỏ thì bố trí trận ở hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm), nếu tập trận lớn thì dàn quân ở Đông Bộ Đầu trên sông Cái (sông Hồng). Về vũ khí, quân nhà Trần còn có máy ném đá, hỏa khí bắn lửa bằng ống đồng và đặc biệt là tượng binh. Tất cả đều đã sẵn sàng, triều đình, nhân dân Đại Việt và quân sĩ đều ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chủ động chờ giặc đến.

Đến năm 1257 Mông Kha làm lễ xuất binh, chia đại quân thành bốn cánh tấn công Nam Tống theo ba hướng tây, nam, bắc như y đã dự tính từ trước. Mông Kha dẫn cánh quân thứ nhất, Hốt Tất Liệt dẫn cánh quân thứ hai, Tháp Sát Nhi dẫn cánh quân thứ ba và Ngột Lương Hợp Thai dẫn cánh quân thứ tư, bốn cánh quân rầm rộ lên đường. Nhận lệnh của Đại Hãn Mông Kha, viên tướng Ngột Lương Hợp Thai dẫn quân tấn công Đại Việt trước rồi mới tấn công nước Tống theo hướng nam.

Trần Thái Tông được tin cấp báo Ngột Lương Hợp Thai đã cho quân tiến sát đến biên giới, nhà vua tỏ ra buồn rầu vì không biết nên cử ai đi thương nghị với giặc, than rằng:

- Nếu Nguyễn Hiền có ở đây thì trẫm đã không phải lo lắng như vậy.

Nguyễn Quan Quang bước ra tâu:

- Hạ thần hổ thẹn không thể đem ra so bì với thượng thư được nhưng cũng muốn đến gặp tướng giặc thương nghị, xin bệ hạ chuẩn tấu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro