Câu chuyện 8: Thánh nhân lộ diện

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vua Trần Thái Tông nhìn Nguyễn Quan Quang thầm nghĩ:

- Nếu như năm xưa ta lập Tam khôi sớm hơn thì Quan Quang mới là Trạng nguyên Khai quốc chứ không phải Trạng Hiền.

Trần Thái Tông sau đó xuống chiếu sai Nguyễn Quan Quang làm sứ giả đến gặp Ngột Lương Hợp Thai. Người Mông Cổ trước giờ rất xem trọng sứ giả nên khi tướng giặc nghe tin báo có sứ giả Đại Việt đến thăm, y đã đích thân ra đón tiếp Nguyễn Quan Quang.

Trên đường đi, nhân lúc đi qua ao bèo, Ngột Lương Hợp Thai vớt một cây bèo lên rồi nắm gọn trong tay bóp chặt, cây bèo nát vụn trong lòng bàn tay của hắn. Tên tướng giặc sau đó lại chìa lòng bàn tay ra cho Nguyễn Quan Quang xem rồi cười lớn. Hành động bóp nát cánh bèo của hắn chính là chê dân nước Việt bé nhỏ như những cánh bèo non, chỉ cần hắn hạ lệnh xuất quân là dễ dàng tiêu diệt, cũng giống như cánh bèo nát vụn kia.

Quan Quang hiểu được thâm ý của Ngột Lương Hợp Thai, ông chỉ mỉm cười rồi đưa cho Ngột Lương Hợp Thai một viên đá, nhờ hắn ném mạnh viên đá xuống ao bèo. Viên đá rơi xuống ao làm cho bèo dạt ra, tạo thành một khoảng trống, nhưng sau đó những cánh bèo lại tụ kín mặt ao rất nhanh, không còn thấy dấu vết của viên đá to đâu nữa. Ý nghĩa của điều này là nước Việt tuy nhỏ nhưng toàn dân bao giờ cũng đoàn kết để bảo vệ giang sơn, không một sức mạnh nào có thể khuất phục được tinh thần yêu nước và đoàn kết ấy. Ngột Lương Hợp Thai sau đó lấy làm khâm phục tài ứng đối của Nguyễn Quan Quang, hắn cho mở tiệc tiếp đãi chu đáo.

Về đến Thăng Long Nguyễn Quan Quang đem mọi chuyện ở doanh trại quân Mông Cổ tâu lại với vua Trần Thái Tông, nhận thấy tình hình vô cùng căng thẳng, rõ ràng là không thể thương nghị được nữa, thời điểm hai bên quyết chiến chỉ còn là chuyện sớm muộn.

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lúc này nổi lên như là ứng viên sáng giá nhất cho binh phù Tiết chế, năng lực và uy tín của Quốc Tuấn được các võ tướng triều đình đánh giá rất cao, thậm chí được coi là người đa mưu túc trí nhất trong hàng quan võ của hoàng gia lúc bấy giờ. Trong quá trình nhà vua chọn người nắm binh quyền Tiết chế, Trần Quốc Tuấn được các tướng quân, trong đó có cả Lê Tần đi theo ủng hộ, họ mong vua Trần Thái Tông sẽ chọn Trần Quốc Tuấn làm Tiết chếvà đưa ra kế sách phá giặc.

Bản thân Thái Tông rất muốn tin dùng Trần Quốc Tuấn vì nhà vua biết rõ bản lĩnh của Hưng Đạo vương. Hưng Đạo vương đã sớm thể hiện được tố chất thiên tài ngay từ khi còn nhỏ, học một biết mười, có năng khiếu cả về văn chương lẫn võ nghệ, 7 tuổi đã biết làm thơ, lớn hơn nữa thì cưỡi ngựa bắn cung đều giỏi. Không chỉ giỏi văn chương và võ nghệ, Trần Quốc Tuấn còn rất chăm chú nghiên cứu các binh pháp của người xưa, đặc biệt thích xem binh pháp Tôn Tử và nghiên cứu những trận đánh nổi tiếng của những nhân vật được sử sách lưu truyền như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, sau đó rút ra cái hay, cái dở và tự phô diễn trận đồ rất linh hoạt. Cha của Trần Quốc Tuấn là Yên Sinh vương Trần Liễu rất hi vọng vào tài năng của đứa con trai này về sau có thể thay ông đoạt ngôi vua của Trần Thái Tông để trả thù. Trần Liễu thấy con sáng dạ đã không tiếc tiền bạc công sức tìm mời thầy giáo có tiếng ở khắp nơi về dạy cho Quốc Tuấn. Nhờ được học cả văn lẫn võ với những bậc cao nhân trên khắp cả nước từ lúc nhỏ nên Quốc Tuấn đã sớm trở thành người đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ.

Còn một việc nữa, đối đầu với đế quốc Mông Cổ là chuyện không hề dễ dàng, vì vậy vua Trần Thái Tông mong muốn tận dụng tối đa sức mạnh của toàn dân tộc để chống giặc, nhà vua muốn kêu gọi thêm cả quân đội Ngũ Yên tham chiến. Nhưng ngặt nỗi đội quân này không nghe theo lệnh triều đình mà chỉ nghe theo sự điều động của Trần Quốc Tuấn (nếu gọi là ngầm chống lại triều đình thì cũng không sai vì mối thù giết cha mẹ họ năm xưa). Trần Thái Tông hiểu rằng nếu muốn điều động quân Ngũ Yên tham chiến thì chỉ có cách thông qua Trần Quốc Tuấn. Thế nhưng một số hoàng thân nhà Trần mà đứng đầu là thái sư Trần Thủ Độ phản đối điều này, vì lo ngại Trần Quốc Tuấn nhân lúc loạn lạc mà tạo binh biến để cướp ngôi vua Trần Thái Tông. Quân đội Ngũ Yên cũng không đáng tin, chỉ lo họ sẽ thừa cơ hội này trả thù cho cha mẹ. Thật lòng mà nói, vua Trần Thái Tông vẫn lo ngại Quốc Tuấn và quân Ngũ Yên sẽ tạo phản.

Nhà vua đang lúc phân vân khó xử không biết phải làm sao cho đúng, chợt nghĩ đến Huệ Túc phu nhân, vua Trần Thái Tông ngay lập tức đến Phủ Huệ Túc nhờ bà hiến kế.

Về phần Huệ Túc phu nhân, câu chuyện bắt đầu như sau:

Quân Mông Cổ tiến đánh nước Tống (Trung Quốc), tháng giêng năm 1257 vị quan nước Tống tên là Hoàng Bính dẫn theo gia quyến gần 2000 người chạy sang Đại Việt xin được lập nghiệp, vì ông nhận thấy nhà Tống đã hết thời, giang sơn sớm muộn cũng rơi vào tay ngoại bang. Còn ở đất Nam thì linh khí ngùn ngụt, là nơi có thể an thân.

Vua Trần Thái Tông sau đó đã đồng ý nhận lời cho gia quyến Hoàng Bính ở lại Đại Việt. Để tỏ ý thần phục Đại Việt, Hoàng Bính đã xin cho con gái của mình là Hoàng Chu Linh làm thiếp của Trần Thái Tông. Giống cha mình, Hoàng Chu Linh xem quẻ rất chính xác, về sau cô được rất nhiều người trong triều đình và hoàng tộc như vua Trần Thái Tông, Thái tử Trần Hoảng, Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duy ngưỡng mộ tài năng, bọn họ lúc nào cũng tấm tắc ca ngợi tài xem bói của Hoàng Chu Linh.

Khi mới đến Đại Việt, Hoàng Chu Linh đã thể hiện khả năng của mình trước mặt bá quan văn võ triều đình, nàng lần lượt xem quẻ cho nhiều người và quẻ bói của nàng là vô cùng chính xác. Lúc đó vua Trần Thái Tông thấy Hoàng Chu Linh có bản lĩnh nên muốn thử tài, nhà vua bảo Trần Thủ Độ hãy giả dạng làm dân thường rồi vào điện Thiên An gặp nàng.

Nhà vua cho gọi hai cha con Hoàng Chu Linh đến, rồi chỉ vào Trần Thủ Độ bảo rằng:

- Hoàng cô nương, đây là lão Vũ Thủy vốn cùng quê với trẫm, vì lão có tài trồng hoa nên trẫm giao cho lão trông coi vườn thượng uyển. Nhờ Hoàng cô nương xem lão còn sống được mấy năm nữa.

Lão Vũ Thủy (Trần Thủ Độ) cho biết mình sinh vào giờ Tỵ ngày mùng 6 tháng 6 tuổi Giáp Dần.

Sau khi bấm tay, Hoàng Chu Linh nói:

- À, lão tiên sinh đùa tiểu nữ đây, đến đấng chí tôn cũng thử tiểu nữ nữa.

Chu Linh tiếp lời:

- Cứ như tướng tiên sinh, dáng đi như diều hâu rình mồi, mắt hổ, đầu lân, tay vượn...thì e tiên sinh chỉ ngồi dưới một người mà trên vạn vạn người. Còn lá số tử vi, để tiểu nữ xem.

Chu Linh nói tiếp:

- Số với tướng đều giống nhau, nhưng nếu đúng tiên sinh là người làm vườn thì do tài tiểu nữ không tới.

Vua Trần Thái Tông thấy chuyện vui vui, ngài nói:

- Giả như số đó đúng là của lão Vũ Thủy, vậy cô nương thử đoán cho lão ít câu.

Hoàng Bính - cha của Hoàng Chu Linh từ nãy giờ im lặng lúc này mới lên tiếng nói với lão Vũ Thủy (Trần Thủ Độ):

- Thưa tiên sinh, giả như Linh nhi đoán đúng toàn bộ thân thế, sự nghiệp của tiên sinh, tiên sinh tính sao?

Lão Vũ Thủy (Thủ Độ) đáp:

- Thì tôi phải chiều cô ấy ba việc!

Hoàng Bính cũng cược:

- Còn nếu Linh Nhi đoán sai thì toàn gia chúng tôi xin trở về Tống.

Triều đình giật mình vì không ngờ Hoàng Bính dám cược lớn như vậy, Thái Tông định bảo Trần Thủ Độ bỏ cuộc nhưng Thái sư vẫn đánh cược tiếp.

Sau cùng Hoàng Chu Linh bói ra thân thế của Trần Thủ Độ:

- Cung quan của tiên sinh có liêm - trinh, thiên - tướng, thì tiên sinh là người có võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Danh tiếng bốn bể. Nhưng tiểu nữ nói điều này xin tiên sinh đừng giận, tiếc rằng cung quan ngộ thiên - không, nên tiên sinh hành sự bất chấp luật pháp, chẳng kể đạo lý. Có lúc tiên sinh thành người nửa chính, nửa tà, nửa ma, nửa quỷ. Tiểu nữ e muôn nghìn năm sau tiên sinh còn bị dị nghị. Nhưng dù ai dị nghị thì cũng chỉ dị nghị về cá nhân tiên sinh. Còn đối với đất nước, quả thật tấm lòng của tiên sinh sáng như trăng rằm, không ai chê trách được.

Hoàng Chu Linh kết luận:

- Kể về uy quyền thì tiên sinh thuộc loại vương bất vi vương, bá bất vi bá, nhi quyền khuynh thiên hạ. Nghĩa rằng tiên sinh chẳng là vua, cũng chẳng là bá, mà quyền nghiêng thiên hạ. Thưa tiên sinh, xét số tiên sinh thì tiên sinh chính là Thái sư Trần Thủ Độ.

Vua Trần Thái Tông cao hứng nói:

- Thái sư thua Hoàng cô nương rồi, ngài phải làm ba điều cho nàng ấy đi thôi.

Hoàng Chu Linh nói điều ước thứ nhất của mình là toàn gia được ở lại Đại Việt, hai điều còn lại sẽ nói sau.

Tháng 6/1257 Hoàng Chu Linh tiến cung, được gọi là Huệ Túc phu nhân.

Huệ Túc phu nhân là người rất thông hiểu thiên văn, tử vi, nên lần này nhà vua đến phủ Huệ Túc tìm bà hỏi về vận nước sắp tới. Nhà vua hỏi Huệ Túc phu nhân:

- Quân Mông Cổ rất tinh nhuệ, không biết là trẫm nên hòa hay nên đánh.

Huệ Túc phu nhân đáp:

- Ngày trước cha thiếp sang Đại Việt đã từng nói nhà Tống đã hết thời, tử vi của nhiều quốc thích hoàng tộc nhà Tống rất xấu, lại chết cùng năm. Nhìn về phương nam ánh sáng rất tỏ, linh khí của nước Nam đang ngùn ngụt, chắc phải có thánh nhân xuất hiện. Cha thiếp vì vậy mới đem theo gia tộc đến đây núp bóng hoàng long. Nay thiếp cũng đã xem vương số nhà Trần rất thịnh, nhìn thấy tướng mệnh của các thái tử, hoàng thân trong hoàng tộc đều rất tốt, nhiều người là anh hùng. Theo thần thiếp thấy bệ hạ nên đánh.

Trần Thái Tông hỏi:

- Phu nhân thấy tướng mệnh của các thái tử rất tốt, vậy sự nghiệp của chúng như thế nào?

Huệ Túc phu nhân đáp:

- Nếu bệ hạ cho thiếp biết ngày, giờ, tháng, năm sinh của họ, thiếp hợp với tử vi và tướng mệnh của họ thì có thể trả lời hết câu hỏi của bệ hạ.

Nhà vua lần lượt nói giờ, ngày, tháng, năm sinh của từng vị thái tử cho Huệ Túc phu nhân được biết. Trước đây mỗi khi xem tử vi cho ai, Huệ Túc phu nhân chỉ cần bấm ngón tay là nói rõ được số mệnh, nhưng quẻ bói lần này liên quan đến vận mệnh giang sơn xã tắc nên bà rất cẩn thận cầm bút chấm lá số rất chi tiết cho từng người...

Huệ Túc xem xong tử vi cho các thái tử rồi nói:

- Thiếp xem tử vi cho các thái tử của bệ hạ thấy họ đều là những anh hùng xã tắc mai sau, sự nghiệp của Quang Khải, Nhật Duật mai này rực rỡ vô cùng.

Huệ Túc phu nhân nói về Thái tử Trần Hoảng:

- Mừng cho thái tử, năm xưa Thục chúa Lưu Bị nhờ có hai người em kết nghĩa là Quan Vũ, Trương Phi phò tá mà thành đại nghiệp. Ngày nay thái tử có các em ruột nhất tâm nhất trí khuông phò, thực là trời đem ngôi vương ban cho thái tử.

Huệ Túc nói tiếp:

- Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo cho số mệnh của đệ tứ Trần Ích Tắc, thái tử là người thông minh nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi.

Trần Thái Tông nghe vậy có chút lo lắng cho Ích Tắc. Một hồi sau nhà vua vào thẳng vấn đề chính, vờ hỏi Huệ Túc:

- Phu nhân mới mười sáu tuổi mà làu thông Bách gia, Chư tử, Cửu lương, Tam giáo, không biết có lời nào dạy cho quả nhân chăng?

Huệ Túc hiểu ý của Trần Thái Tông:

- Thiếp nghe Yên Sinh vương (Trần Liễu) trước khi quy tiên kể, dòng họ Đông A nhà ta trải qua ba đời, từ đời thứ tư mới phát đế vương. Nhờ Linh Từ Quốc mẫu (Trần Thị Dung) mới lấy được thiên hạ. Sau này Thái sư làm chuyện trái đạo, con không vì cha mà lấy thiên hạ thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.

- Thái sư đã làm chuyện không đúng, bệ hạ phải chuộc lại, Yên Sinh vương có phẫn hận khi lâm chung cũng không có gì là quá đáng. Xưa kia Ngụy Võ Đế vì câu nói: "ta thà phụ người chứ không để người phụ ta" mà phải tốn không biết bao nhiêu sương máu cũng không thể khiến người đời chịu phục. Thục chúa nhờ câu nói: "ta thà để người phụ ta chứ ta nhất quyết không phụ người" mà thu phục được Ngọa Long, Phượng Sồ, lấy được Tây Xuyên. Nay bệ hạ lấy đó làm gương. Xin bệ hạ hãy quên đi lời trăn trối của Yên Sinh vương mà trọng dụng các thế tử của người để chuộc lại lỗi lầm của Thái sư.

Thái Tông hỏi:

- Vậy nhờ phu nhân xem một quẻ cho Quốc Tuấn, khanh ấy sinh vào giờ Mùi, ngày 1 tháng 5 năm Nhâm Thìn (1232).

Huệ Túc phu nhân cũng lấy bút chấm lá số cẩn thận xem quẻ cho Trần Quốc Tuấn, bà kinh ngạc vì số tử vi của người này đúng là số thánh nhân, Huệ Túc đã từng xem tử vi cho rất nhiều người nhưng chưa có ai có số tử vi tốt như Quốc Tuấn, tử vi người này hoàn hảo đến khó tin, ngày xưa Hoàng Bính có nói nước Nam có thánh nhân giáng trần, ắt hẳn vị thánh nhân này là Trần Quốc Tuấn. Bà tâu với Trần Thái Tông:

- Tuổi Nhâm Thìn thuộc mệnh thủy, cung mệnh lại nằm ở Hợi cũng là hành thủy, nơi lập mệnh là nơi chỗ đứng con người, cùng là hành thủy nên cuộc đời lúc nào cũng được thuận tiện, như vậy không bao giờ thất bại, cũng không bao giờ chết bất đắc kì tử. Nếu trao binh quyền cho người này thì chỉ có thắng hoặc hòa chứ không bao giờ có bại.

Lời của Huệ Túc phu nhân khiến nhà vua thở dài nhẹ nhõm, trút bớt được gánh nặng. Huệ Túc phu nhân nói tiếp:

- Tử vi, thất sát thủ mệnh được Hóa quyền, Văn khúc, Trường sinh phù tá thì đây là số của một bậc tể thần, làm nên sự nghiệp vang lừng khắp hoàn vũ, muôn dân trông chờ, nghìn vạn năm sau còn tôn kính. Nói khác đi, mệnh của vương là mệnh của bậc thánh nhân. Như vậy thì bệ hạ còn trì nghi gì nữa mà không ban chỉ trao quyền Tiết chế cho vương, để vương kịp thời chuẩn bị phá giặc.

Thấy nhà vua vẫn còn bất an, Huệ Túc phu nhân nói tiếp điểm then chốt:

- Bệ hạ sợ trao binh quyền cho vương rồi vương cướp ngôi vua ư? Nhất định không có. Nếu như vương cướp ngôi thì muôn nghìn năm sau sử xanh còn chép vương là một gian thần tặc tử. Trong khi số của vương là số đại anh hùng, đại thánh nhân thì nhất định không có việc vương cướp ngôi rồi.

Bàn về năm sinh của Hưng Đạo vương thì cổ sử chính thống Việt Nam không ghi chép ông sinh năm bao nhiêu. Thông tin Hưng Đạo vương sinh năm 1232 được tác giả lấy từ tác phẩm Đông A Di Sự do Huệ Túc phu nhân, Tể tướng Đoàn Nhữ Hài và Tư đồ Trần Nguyên Đán (thời Trần) ghi chép. Tác phẩm Đông A Di Sự đã được khai thác từ lâu nhưng các nhà sử học vẫn đang hoài nghi về độ đáng tin cậy của nó, nên hiện tại các nhà sử học chưa thể kết luận Hưng Đạo vương sinh năm nào.

Tuy vậy, ta vẫn có căn cứ để tin Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn sinh vào năm 1232.

Thứ nhất, tác phẩm Đông A Di Sự do Huệ Túc phu nhân, Đoàn Nhữ Hài và Trần Nguyên Đán ghi chép thì đã ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm sinh của Quốc Tuấn. Tuy Đông A Di Sự có nhiều yếu tố truyền kỳ, hoang đường nhưng nếu đem so với các mốc thời gian trong lịch sử thì Quốc Tuấn sinh năm 1232 là hợp lý. Ta xét hai trường hợp ghi đúng và ghi sai:

Ghi sai: Nếu Đông A Di Sự ghi sai ngày tháng năm sinh của Quốc Tuấn thì có lẽ là vì Huệ Túc muốn chọn cho Quốc Tuấn ngày giờ năm sinh đẹp, để ghi chép Quốc Tuấn là người có tướng số tốt, mục đích để làm tăng tính thuyết phục và tính ly kì cho tác phẩm của bà chăng?

Ghi đúng: Quốc Tuấn có công lớn với triều đình, sau này được vua ban tước Hưng Đạo đại vương, quyền hành trong triều chỉ đứng sau mỗi vua và thượng hoàng, vua Trần Anh Tông còn là cháu nội của Quốc Tuấn, nói tóm lại uy danh của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn rất lớn, liệu Huệ Túc có dám cố tình ghi sai sự thật? Nếu cố tình ghi sai sự thật, sự việc bị phát giác thì đó là tội khi quân. Vậy nên khả năng là Huệ Túc phu nhân đã ghi chép đúng ngày tháng năm sinh của Hưng Đạo đại vương.

Thứ hai, anh ruột của Trần Quốc Tuấn là Trần Tung. Trần Tung sinh năm 1230, Trần Quốc Tuấn là em, sinh năm 1232 là hợp lý. Vấn đề là liệu Trần Quốc Tuấn và Trần Tung có phải là một mẹ sinh ra?

Trần Liễu có hai người vợ là Trần Thị Nguyệt và công chúa Thuận Thiên (sau này là Thuận Thiên hoàng hậu). Theo Trần triều thế phả hành trạng thì Thiên Đạo Quốc mẫu Trần Thị Nguyệt là mẹ ruột Trần Quốc Tuấn. Trong khi sách Thượng sĩ hành trạng của vua Trần Nhân Tông có chép về thân thế Trần Tung là: "Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung là đệ nhất tử (con thứ nhất) của Khâm Minh Từ Thiện Vương (Trần Liễu)".

Vậy Trần Tung không phải là con trưởng của Trần Liễu. Nếu Trần Tung không phải là con trưởng thì nghĩa là ông không phải do công chúa Thuận Thiên sinh ra, vì theo luật lệ của triều đình xưa, công chúa Thuận Thiên là người của hoàng gia nên được mặc định là hàng chính thất (vợ cả). Vậy nên nếu Trần Tung do công chúa Thuận Thiên sinh ra thì ông phải được vua Trần Nhân Tông ghi là trưởng tử (con trưởng) chứ không phải là "đệ nhất tử". Vậy nên ta có căn cứ để tin rằng Trần Tung và Trần Quốc Tuấn là anh em ruột do một mẹ sinh ra (bà Trần Thị Nguyệt), Trần Tung sinh năm 1230 là anh, Quốc Tuấn sinh năm 1232 là em.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro