Câu chuyện 6: Thời niên thiếu của Trần Quốc Tuấn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trần Quốc Tuấn đang đi dạo ở ngoài thành thì nhìn thấy một thiếu nữ xinh đẹp bị đám người giang hồ trêu ghẹo giữa đường, nhìn bọn chúng rất hung tợn nên chẳng ai muốn dây dưa vào, như vậy là giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không ai dám đến bênh vực cho cô thiếu nữ ấy.

Quốc Tuấn bất bình quát bọn chúng:

- Bọn trai tráng các ngươi đi trêu ghẹo cô gái này không biết nhục mặt nam nhân sao?

Bọn giang hồ ngang tàng:

- Không phải việc của ngươi, mau xéo đi, muốn ăn đòn hả?

Quốc Tuấn tiến đến dẫn cô thiếu nữ đi ra chỗ khác. Đám giang hồ sượng mặt, lao vào tấn công chàng. Tiếc cho chúng vì đã gây chuyện không đúng người, Quốc Tuấn võ công cao cường chỉ cần một đánh là hạ được một tên, bọn giang hồ bị đánh nằm la liệt giữa phố rồi hổ thẹn bỏ đi.

Dân chúng xung quanh chứng kiến cảnh này được dịp hả hê, sau đó họ nhanh chóng nhận ra chàng trai có dung mạo khôi ngô vừa mới hành hiệp trượng nghĩa này chính là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ở phủ Thụy Bà công chúa. Sở dĩ dân chúng dễ dàng nhận ra thân phận của Hưng Đạo vương là vì chàng thường xuyên nhiều lần ra tay nghĩa hiệp, giúp đỡ người dân trong kinh thành.

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là con trai thứ tư của Yên Sinh vương Trần Liễu. Chàng không theo cha về sống tại Thái ấp ở Ngũ Yên như các huynh đệ khác mà sống tại Thăng Long cùng cô ruột là Thụy Bà công chúa. Lúc vua Trần Thái Tông cấp đất Ngũ Yên cho Trần Liễu thì Trần Quốc Tuấn chỉ mới 5 tuổi, Thụy Bà công chúa thương yêu Quốc Tuấn như con ruột, vì không nỡ để cho cháu còn nhỏ tuổi đã phải rời kinh thành đến nơi xa xôi nên bà xin vua cho Trần Quốc Tuấn được ở lại Thăng Long và nhận làm con nuôi. Cũng nhờ có Quốc Tuấn sống chung hủ hỉ nên Thụy Bà cũng dần nguôi ngoai nỗi đau phu quân vừa mới qua đời.

Thời gian trôi qua Quốc Tuấn năm nay đã trở thành một nam nhi tuấn tú, thân thể cường tráng, giỏi văn lẫn võ, thông minh hơn người và được nhiều người mến mộ, những lần hành hiệp trượng nghĩa của cậu nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long, bất kì một nữ nhân nào ở Thăng Long cũng đều thầm có ước nguyện được trở thành người nâng khăn sửa túi cho Quốc Tuấn.

Trong khi đó giai nhân của Trần Quốc Tuấn là Thiên Thành công chúa, em gái út của vua Trần Thái Tông. Quốc Tuấn và Thiên Thành đã thân thiết với nhau từ khi còn nhỏ, dần dần, đến khi lớn lên họ đã trao cho nhau tình cảm sâu đậm, quấn quít nhau không rời rồi nói lời yêu nhau, đôi trẻ yêu mến nồng nàn, trai tài gái sắc như một cặp trời sinh.

Thiên Thành công chúa rất được Trần Thái Tông yêu thương, cưng chiều. Tuy ngày nào cũng bận bịu nhiều công vụ triều chính nhưng nhà vua không quên dành ra chút thời gian chăm sóc, quan tâm đến cô em gái út nhỏ tuổi. Trong hoàng cung tù túng, ngột ngạt, biết Thiên Thành thích ra ngoài dạo chơi nên những lần Thái Tông đi giải quyết chính sự đều tranh thủ dẫn Thiên Thành đi theo. Đặc biệt mỗi khi được cùng nhà vua đến duyệt binh tại Giảng Võ Đường thì trong lòng Thiên Thành lại vui mừng khôn xiết, vì nơi đó là nơi Trần Quốc Tuấn thao luyện binh sĩ. Cũng do Quốc Tuấn không thể tự do thoải mái vào hoàng cung chơi đùa như khi còn nhỏ nên Thiên Thành luôn tìm cớ xin phép vua Trần Thái Tông sang phủ Thụy Bà để được gặp Quốc Tuấn. Đôi tình nhân hạnh phúc không hề hay biết sóng gió sắp sửa ập đến với họ.

Năm 1251 Thiên Thành công chúa lúc bấy giờ 16 tuổi đã đến độ tuổi dựng vợ gả chồng nên vua Trần Thái Tông muốn tìm ý trung nhân cho em gái mình. Quốc Tuấn dù rất yêu Thiên Thành nhưng chàng không dám thổ lộ tình cảm của mình cho nhà vua biết, vì Thiên Thành là nàng công chúa cao quý như ngọc, nâng trên tay sợ rớt, ngậm trong miệng sợ tan, Quốc Tuấn không dám trèo cao mà đứng ra hỏi cưới Thiên Thành. Cuối cùng, vua xuống chiếu tuyên bố gả Thiên Thành công chúa cho Trung Thành vương, là con trai của Nhân Đạo vương, một vị vương gia trong họ Trần. Vì Trần Thái Tông đã hứa gả Thiên Thành công chúa cho Trung Thành vương nên nhà vua cấm nàng không được sang phủ của Thụy Bà gặp Quốc Tuấn nữa, cớ sự này phá tan giấc mộng đôi lứa của hai người. Vài ngày sau, nhà vua cho phép phủ Nhân Đạo vương trao sính lễ rồi đưa Thiên Thành về phủ trước, chỉ đợi đến ngày hôm sau là ngày rằm tháng hai sẽ làm lễ kết tóc, chính thức gả cho Trung Thành vương.

Thiên Thành hay tin, lòng nặng trĩu, ngậm ngùi tuân theo ý chỉ của Thái Tông, nàng dọn đến phủ Nhân Đạo vương ở vào tối ngày hôm đó. Trần Thái Tông nhân hỉ sự của công chúa cho mở hội tiệc linh đình suốt bảy ngày bảy đêm ở kinh thành Thăng Long, cho bày các tranh về lễ kết tóc và những vật quý giá của triều đình để người trong thiên hạ được dịp chiêm ngưỡng, mở nhiều trò chơi náo nhiệt trong và ngoài cung để từ triều đình đến nhân gian cùng được tham dự chung vui .

Trong khi cả kinh thành đang tưng bừng với lễ hội thì ở hai vương phủ có hai trái tim cô đơn nghĩ về nhau. Lòng Quốc Tuấn đau như cắt khi hay tin Thiên Thành đã được đưa đến phủ Nhân Đạo vương thành thân với con trai ngài ấy là Trung Thành vương, chỉ nghĩ đến việc sáng mai thôi là người con gái mình yêu thương sẽ trở thành vợ người khác khiến Trần Quốc Tuấn tâm tư đau nhói, chàng trằn trọc suốt đêm. Vậy rồi Trần Quốc Tuấn đưa ra một quyết định táo bạo để bảo vệ tình yêu của mình, đó là đột nhập vào phủ Nhân Đạo vương để cướp công chúa Thiên Thành về.

Nghĩ là làm, trong đêm tối nhân lúc cả kinh thành đang say mê với lễ hội, Trần Quốc Tuấn leo tường đột nhập vào phủ Nhân Đạo vương, vượt qua đám lính canh rồi đi tìm phòng của công chúa. Nhờ ánh sáng của đèn dầu trong phòng hắt ra, cuối cùng Quốc Tuấn cũng tìm được phòng của Thiên Thành. Trái tim đau khổ của công chúa như muốn chết dần chết mòn thì lại được sống dậy lần nữa khi nàng thấy người thương xuất hiện. Trong khi cả phủ Nhân Đạo vương vẫn chưa có ai hay biết, mọi người trong phủ đều đang say sưa với hội tiệc thì trong phòng công chúa, đôi trẻ đã gặp được nhau. Vậy nhưng thoáng chốc Thiên Thành lại lo lắng nhiều hơn:

- Sao chàng lại đến đây? Nhân lúc này chưa ai phát hiện chàng hãy mau về đi, nếu để họ biết được chàng vào đây thì họ sẽ không tha cho chàng đâu! Vả lại nếu chàng không bị phát hiện thì ngày mai thiếp cũng sẽ trở thành vợ người khác. Chàng đến đây đâu có ích gì, lại chuốc tội khi quân phạm thượng.

Mọi chuyện sẽ rất tệ vì cả hai có thể mất mạng nếu xử lí không khéo. May là sau đó đôi uyên ương đã tìm được giải pháp trong hoàn cảnh hiểm nghèo, lúc này chỉ có Thụy Bà công chúa mới có thể cứu được họ. Biết không thể đưa Thiên Thành trốn khỏi phủ Nhân Đạo vương an toàn, vả lại nếu cướp công chúa về thì sẽ lớn chuyện, có thể gây ra một thảm án đẫm máu, vậy là Quốc Tuấn đã bày mưu đi trước một bước, xúi thị nữ của Thiên Thành lén đi báo tin cho Thụy Bà để Thụy Bà tìm cách ứng cứu, còn hai người thì trốn yên trong phòng đợi người đến đưa họ ra khỏi phủ an toàn.

Thụy Bà nghe tin báo, lấy thân phận cao quý là chị gái của hoàng đế Thái Tông gấp rút vào cung diện kiến thánh thượng, than khóc với nhà vua:

- Thần không ngờ Quốc Tuấn to gan đang đêm dám lẻn vào chỗ của Thiên Thành. Nhân Đạo vương đã bắt giữ hắn rồi, e là hắn sẽ bị giết mất. Xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu.

Trần Thái Tông nghe tin bàng hoàng, vua đã nhận đủ lễ vật của Trung Thành vương và công chúa cũng đã được đưa đến phủ Nhân Đạo vương, mọi việc xong xuôi, ván đã đóng thuyền, chỉ chờ sáng mai là chính thức kết tóc se duyên cho công chúa, sao có thể để Quốc Tuấn to gan làm những chuyện vô pháp vô thiên đến như vậy. Thụy Bà tiếp tục kiên trì van xin nhà vua. Trần Thái Tông thương em gái, lại nghĩ đến cốt nhục của Yên Sinh vương nên cũng sốt ruột, vua sai nội thị cấp tốc đến phủ Nhân Đạo vương áp giải người về hoàng cung.

Vậy là đám nội thị xông vào tư dinh của Nhân Đạo vương đòi người, bấy giờ Nhân Đạo vương và mọi người trong phủ mới phát giác được cớ sự. Nhân Đạo vương biết chuyện rất tức giận định trị tội Quốc Tuấn nhưng nội thị ngăn lại:

- Xin vương gia đao hạ lưu nhân, Hưng Đạo vương tư thông với công chúa đã phạm đại tội khi quân, Bệ hạ phái ti chức đến đây để áp giải Hưng Đạo vương và công chúa về cung để trị tội.

Nhân Đạo vương đồng ý giao người để nội thị áp giải Quốc Tuấn và công chúa về cung, đám nội thị mang tiếng là áp giải nhưng thực chất là hộ tống công chúa và Trần Quốc Tuấn rời khỏi phủ Nhân Đạo vương an toàn.

Chuyện đã rồi, mọi người đều biết nên Quốc Tuấn lúc này đành nói ra hết lòng mình, đôi trẻ cũng bày tỏ ước nguyện đôi lứa cho nhà vua biết. Nhà vua bất đắc dĩ đồng ý gả Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn để cả hai được nên duyên vợ chồng.

Sáng hôm sau Thụy Bà đem 10 mâm vàng sống dâng lên vua Thái Tông làm lễ vật để đường đường chính chính hỏi cưới công chúa Thiên Thành cho Hưng Đạo vương, Thụy Bà năn nỉ nhà vua:

- Vì quá vội vàng nên không sắm được lễ vật, xin bệ hạ nhận cho.

Trần Thái Tông đáp:

- Chuyện cũng đã lỡ rồi, cứng nhắc với lệnh chỉ thêm tai tiếng, tốt nhất là tác thành cho chúng.

Còn về phía Trung Thành vương, nhà vua cắt 2000 mảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để đền lại lễ vật và tạ lỗi với cha con Nhân Đạo vương.

Mọi việc xong xuôi, Thụy Bà công chúa tạ lỗi với Thái Tông:

- Cớ sự này là do thần không biết dạy dỗ Quốc Tuấn, xin bệ hạ trị tội.

Thái Tông đáp:

- Hoàng tỷ không nên nghĩ ngợi nhiều, cũng là do trẫm đã không hiểu tâm tư của Thiên Thành nên mới xảy ra chuyện này.

Thụy Bà công chúa tiếp tục:

- Còn một việc nữa.

Thái Tông:

- Hoàng tỷ cứ nói.

Thụy Bà thú nhận:

- Ngày trước thần có nói với bệ hạ rằng Nhân Đạo vương đã bắt Quốc Tuấn, tội của thần là đã gạt bệ hạ.

Thái Tông cười:

- Không sao, trẫm không hề để bụng chuyện này.

Nhà vua nói tiếp:

- Không giấu hoàng tỷ, lúc hay tin Quốc Tuấn lẻn vào phủ Nhân Đạo vương tư thông với công chúa thì trẫm rất muốn trị tội hắn. Nhờ có hoàng tỷ khuyên nhủ trẫm thì trẫm mới cho người đi cứu hắn. Thật may mắn là Nhân Đạo vương đã không trị tội Quốc Tuấn, nếu Quốc Tuấn thật sự gặp chuyện, e là trẫm không thể ăn nói với Yên Sinh vương, an nguy lúc đó sẽ rất khó lường. Bây giờ chắc là huynh ấy vẫn còn rất hận trẫm.

Cũng trong năm đó Yên Sinh vương Trần Liễu đột nhiên lâm bệnh nặng. Quốc Tuấn đang ở Thái ấp Vạn Kiếp (nay là Hải Dương) nghe tin báo vội đến Ngũ Yên (Quảng Ninh ngày nay) thăm cha. Trong những ngày cuối cùng tuy sức khỏe Trần Liễu đã yếu nhưng ông vẫn cố gắng gượng dậy, dẫn Quốc Tuấn đi duyệt binh.

Đến nơi, Trần Liễu hỏi Quốc Tuấn nhìn thấy quân đội của ông ta có nhận xét như thế nào. Quốc Tuấn đáp:

- Thưa phụ thân, quân lính của phụ thân uy dũng chỉnh tề, theo hài nhi nghĩ họ đều là những dũng tướng năng chinh thiện chiến.

Trần Liễu hỏi:

- So với quân Thánh Dực của triều đình thì thế nào?

Quốc Tuấn khéo léo đáp:

- Thưa phụ thân, quân lính của phụ thân tuy dũng mãnh thiện chiến nhưng quân Thánh Dực cũng không tệ.

Trần Liễu gọi Trần Tử Đức lên rồi nói với Quốc Tuấn:

- Con có luyện võ đều đặn không? Hãy đấu với người này cho cha xem.

Quốc Tuấn nghe theo, Trần Liễu nói tiếp:

- Con phải cẩn thận, không được coi thường Tử Đức, hắn chính là đại tướng giỏi nhất của cha.

Thế rồi hai người giao chiến với nhau gần cả trăm hiệp nhưng vẫn không phân thắng bại. Trần Liễu thấy làm vậy rất hài lòng, tấm tắc khen ngợi, Liễu ngồi xem họ đánh nhau mỏi cả mắt nhưng cả hai người vẫn chưa mỏi tay, cuối cùng Trần Liễu cho dừng trận đấu.

Trần Tử Đức thấy Quốc Tuấn có võ công cao cường bèn ca ngợi:

- Nghe danh thiếu chủ đã lâu nhưng hôm nay mới được thỉnh giáo, Tử Đức khâm phục.

Quốc Tuấn khiêm tốn:

- Tử Đức quá lời, là nhờ các hạ đã nương tay.

Vậy rồi họ tạm biệt nhau tại đó. Đến lúc ngồi trên xe ngựa đi về phủ, Trần Liễu mới hỏi Quốc Tuấn:

- Theo con thì võ công của Trần Tử Đức thế nào?

Quốc Tuấn đáp:

- Hài nhi nghĩ trong thiên hạ võ công của huynh ấy được xem là có rất ít đối thủ.

Trần Liễu hỏi:

- Con có muốn biết xuất thân của Tử Đức và các tướng sĩ ở đây không?

Quốc Tuấn thấy lạ bèn hỏi:

- Có gì đặc biệt sao?

Trần Liễu nói:

- Cha mẹ của Trần Tử Đức là Trần Hiến và Lê Thị Đạt, ngày xưa từng là thuộc hạ tâm phúc của cha. Năm đó cha lệnh cho hai người họ dẫn quân tấn công vào thành Thăng Long nhưng thất bại, ngoại trừ cha được tha mạng sống sót, tất cả thuộc hạ dưới trướng đều bị sát hại. Khi bị đày đến Ngũ Yên, cha đã đi tìm con cái của các thuộc hạ cũ về đây để thay họ chăm sóc nuôi dưỡng chúng khôn lớn, xem như là tạ lỗi với cha mẹ chúng. Trong số này, Trần Tử Đức là đứa có tư chất phi thường nhất, có khiếu võ thuật và binh pháp từ nhỏ. Hắn còn có một người em gái tên là Trần Ý Ninh, tuy phận nữ nhi nhưng rất mạnh mẽ, giỏi đao kiếm. Bọn chúng đều là những tướng tài.

Trần Liễu nói tiếp:

- Quân lính của Ngũ Yên phần lớn là con cái của thuộc hạ cha ngày trước. Cha đem chúng về nuôi dưỡng, cất công đi khắp nơi tìm các cao thủ võ lâm trong thiên hạ về đây dạy võ cho chúng, đào tạo chúng trở thành những chiến binh thực thụ. Thế nên quân Ngũ Yên rất tinh nhuệ. Theo ta nghĩ quân triều đình không có cửa.

Trần Liễu lại gọi Quốc Tuấn:

- Quốc Tuấn! Mỗi binh lính Ngũ Yên đều có mối thâm thù với triều đình, tất cả bọn chúng đều có nguyện vọng muốn báo thù cho cha mẹ của mình. Con phải ghi nhớ điều này, khi cha mất đội quân này sẽ phò tá cho con.

Sau đó Trần Liễu cầm tay Quốc Tuấn trăn trối:

- Cùng là họ Trần, mang huyết thống hoàng gia nhưng chúng ta mới là trưởng tộc, tài năng của con giỏi hơn hắn rất nhiều. Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ, nếu không cha nằm dưới đất cũng không sao nhắm mắt được.

Quốc Tuấn thương cha mình, biết cha vẫn không quên thù cũ nên vâng lời cho qua chuyện. Ngày hôm sau Trần Liễu qua đời, hưởng dương 40 tuổi. Trần Liễu sau khi mất được vua Trần Thái Tông truy phong tước hiệu Khâm Minh Từ Thiện Đại vương.

Bàn về quân đội Ngũ Yên của Trần Liễu. Vấn đề ở đây là liệu quân Ngũ Yên có thật sự tồn tại hay không? Ta xét hai trường hợp.

1. Có. Vì Trần Liễu là Vương, được cấp điền trang riêng ở Ngũ Yên. Theo quy chế thời Trần, hoàng gia có quyền chiêu mộ binh lính, xây dựng quân đội riêng. Vì bị Thái Tông cướp vợ nên Trần Liễu căm hận, khi đến Ngũ Yên vẫn còn ý định trả thù, cướp ngôi, nên y đã chuẩn bị lực lượng chăng?

Điều khiến cho các nhà nghiên cứu băn khoăn là do năm xưa Trần Liễu đã tạo phản, vậy liệu Trần Thái Tông có cho Trần Liễu lập quân đội riêng như những vương hầu quý tộc khác hay không?

2. Không. Do Trần Liễu là người mang trọng tội, may mắn được vua tha mạng, nên chắc chắn những hành động của y phải có sự theo dõi sát sao của triều đình. Gọi là "cấp cho đất Ngũ Yên" nhưng thực chất là đày Trần Liễu ra xa kinh thành.

Khó có thể chứng minh được sự tồn tại của quân Ngũ Yên là có thật hay không, vì cổ sử chính thống Việt Nam không đề cập đến, nhưng ta vẫn có cơ sở để tin rằng có "quân Ngũ Yên".

Còn việc sau khi các tướng sĩ của Trần Liễu bị triều đình sát hại thì liệu rằng Liễu có đem con cái của họ về Ngũ Yên nuôi dạy từ nhỏ hay không?

Có thể. Theo GS. Trần Đại Sĩ thì Trần Hiến là người đem quân tấn công phủ Thái sư Trần Thủ Độ theo lệnh Trần Liễu. Nhưng rồi thất bại, Trần Liễu đầu hàng quân triều đình, sau đó toàn bộ binh lính của Liễu đều bị sát hại trong đó có vợ chồng Trần Hiến - Lê Thị Đạt. Con của hai người đó là Trần Tử Đức và Trần Ý Ninh được Trần Liễu đem về nuôi dạy từ nhỏ. Sau này, Trần Ý Ninh thành thân với hoàng tử Trần Nhật Duy, sinh ra Trần Quốc Toản. Như vậy, có thể suy luận rằng: vì thương cho các tướng sĩ của mình bị giết nên Trần Liễu đã đem con cái của họ về nuôi. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro