Hé mở quá khứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chợ đêm Konoha luôn náo nhiệt, đầy những người rủ nhau đi nhậu, mua sắm và giải trí. Đêm nay còn rộn ràng hơn vì có một cô gái hát rong đến biểu diễn. Lúc đầu, gần như không ai để ý tới cô, dần dà giọng hát tuyệt vời cùng tiếng đàn Shamisen điêu luyện đã lôi kéo khán giả. Đám đông vây quanh người con gái hát rong, chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng vỗ tay tán thưởng. Cô không chỉ hát hay, đàn giỏi mà còn xinh đẹp, vẻ đẹp của phụ nữ làng Mây với tóc trắng bạc, làn da nâu. Mái tóc dài đến eo của cô được thắt thành nhiều bím đuôi sam, hai tay đeo nhiều chiếc vòng đồng thau (1), tai cũng đeo khuyên tròn bằng đồng thau làm sáng bừng cả khuôn mặt. Trên trán cô, giữa hai lông mày, xăm hình hoa hồng nhỏ màu đen, đôi môi mọng thoa son màu đỏ cam quyến rũ. Thứ nổi bật nhất là cặp mắt xanh xám của cô, cặp mắt tựa bầu trời đông pha sương khói.

Mặc dù có ngoại hình giống người làng Mây ở Lôi quốc, cô gái lại ăn mặc như dân du mục sa mạc Phong quốc: Váy thổ cẩm rực rỡ thêu họa tiết cầu kỳ; đeo nhiều trang sức lấp lánh trên cổ, tay và chân; khăn choàng màu sắc tươi tắn và có tua rua. Vài thương nhân và ninja nhận ra cô, họ kháo nhau: "Đóa hồng sa mạc kìa!!"

"Đóa hồng sa mạc" là biệt danh mà khán giả đặt cho cô gái hát rong, có lẽ vì hình xăm bông hồng trên trán. Ở Phong quốc, cô nổi danh không kém các đoàn hát lớn. Dù không phải đệ nhất giai nhân nhưng ngón đàn Shamisen và tài kể chuyện của cô thì cả sa mạc không ai sánh bằng. Ngoài nghề hát rong, "đóa hồng sa mạc" còn làm thợ săn tiền thưởng, hành hiệp cứu người bằng một thanh Katana chuôi trắng. Nhưng đêm nay, cô gái không kể chuyện đời mình mà kể về một anh hùng Thủy quốc.

"Thủy quốc từng có một anh hùng xuất thân hiển hách, lớn lên nối nghiệp võ tướng của ông cha, trấn giữ một trong những hòn đảo quan trọng của đất nước. Khi Đại chiến ninja lần thứ hai và ba xảy ra, vị tướng này đã góp công lớn bảo vệ đất nước, hỗ trợ đồng minh. Danh tiếng ông vang xa nhiều nơi, ngay cả kẻ địch cũng kính trọng. Người đời đặt cho ông biệt danh Hùng lang của gia tộc hoa tử đằng. Quý vị biết tại sao ông được gọi là hùng lang, tức "con sói hùng mạnh" không? Vì mắt ông mang màu hổ phách như mắt sói."

Thiếu nữ hát rong mở đầu câu chuyện một cách từ tốn, mắt cô sáng long lanh, chan chứa lòng ngưỡng mộ. Cô gảy đàn Shamisen rồi kể tiếp: "Nhiều thị tộc Thủy quốc tin vị tướng này được rồng thần lựa chọn. Niềm tin đó xuất phát từ trận chiến cuối cùng của ông, cũng là câu chuyện tôi sắp kể đây. Sau Đại chiến ninja lần thứ ba không lâu, một số thị tộc ở Thủy quốc đã nổi dậy chống triều đình vì bất mãn với lãnh chúa thời đó..."

Thủy quốc vốn ít giao lưu với các nước khác. Đây là quốc gia nhỏ nhất, bí hiểm nhất trong Ngũ đại cường quốc. Bản chất bí hiểm của Thủy quốc bắt nguồn từ nguyên nhân địa lý, khi đất nước này là quần đảo giữa biển khơi. Đa số người nước ngoài chỉ biết đến Thủy quốc qua tai tiếng làng Sương mù đẫm máu và tộc cướp biển Funato (2). Sau cái chết của Nohara Rin, quan hệ giữa làng Lá và làng Sương mù đóng băng cho đến giờ. (3) Hiện nay, Hỏa quốc và Konoha đang cố nối lại mối bang giao với Thủy quốc, dẫu tất cả chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng.

Mặc dù làng Lá vẫn có sự kiêng dè nhất định với làng Sương mù, họ không đến nỗi tẩy chay mọi thứ liên quan tới Thủy quốc, nhất là câu chuyện hào hùng mà thiếu nữ hát rong đang kể.

Đến khi câu chuyện khép lại, ai cũng cảm khái trước cái kết bi tráng của vị tướng. Một cựu shinobi Phong quốc bỗng ngậm ngùi nói: "Tôi từng gặp ông ấy hồi Đại chiến thứ ba. Nếu không nhờ số lương khô ông ấy tặng, chắc đội của tôi đã chết đói. Không ngờ... một người đáng kính đến thế..." Như nghe được câu nói ấy, thiếu nữ da nâu cười buồn ngâm câu thơ: "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạc đầu." (4) Dứt lời, cô bắt đầu tấu một khúc nhạc buồn man mác thay lời từ biệt khán giả đêm nay.


***


Chuông báo tan trường vang lên, Itsumo và các bạn liền đứng lên chào thầy giáo rồi thu dọn sách vở. Thay vì về thẳng nhà, cô bé mắt màu hổ phách ra công viên dọn rác. Cứ vào buổi tối, đám thanh thiếu niên quậy phá lại tụ tập trong công viên Konoha, khi thì nhậu nhẹt khi thì đốt pháo hoa. Cuối cùng chỉ có bác lao công là khổ. Vì đã có "giao tình" với bác từ vụ dọn tuyết mùa đông năm ngoái, Itsumo quyết định xắn tay áo lên và giúp bác dọn rác hàng ngày. Đổi lại, bác lao công cho cô bé ít tiền lẻ, quà bánh.

Đang dọn đống lon bia và xác pháo, Itsumo bỗng nghe tiếng huyên náo sau lưng. Năm, sáu người đang tụ lại xem một cô gái đàn hát. Nhìn tấm khăn trải trên đất cho người ta ném tiền vào, Itsumo biết ngay đây là một nghệ sĩ lang thang. Hồi còn lưu lạc khắp nơi, cô bé từng thấy nhiều nghệ sĩ như vậy. Ngoài cây đàn ba dây, người con gái tóc bạc còn đeo thanh Katana chuôi trắng bên hông, trông như hiệp khách giang hồ. Thiếu nữ hát rong đứng cạnh bồn hoa giữa công viên, tấu nên những thanh âm réo rắt, sôi nổi, ai nghe cũng thấy vui. Vài người còn khẽ đung đưa, nhịp chân theo tiếng đàn. Cô gái hát rong chơi hết bài này đến bài khác theo yêu cầu. Itsumo vừa dỏng tai nghe, vừa thoăn thoắt quét dọn.

Không lâu sau, Itsumo cũng gom hết mớ rác. Lúc này, đồng hồ ở công viên chỉ năm giờ mười phút chiều, Itsumo vẫn còn thời gian xem màn biểu diễn trước khi về ăn tối. Cô bé tiến lại chỗ người hát rong, thích thú lắng nghe bài ca của mỹ nhân du mục. Gương mặt cô gái thanh thản, mắt nhắm hờ, đôi môi mềm mại hát lên:

"Thanh kiếm nặng, tình đậm sâu,

Người anh hùng và thiếu nữ

Vừa gặp gỡ đã chia xa,

Năm tháng trôi qua, tình chẳng ở..." (5)

Trong ráng chiều yên ả, bài tình ca càng thêm buồn vời vợi, bi hùng và tha thiết. Đúng lúc khán giả chìm trong cảm xúc, một gã trung niên say xỉn khật khưỡng bước đến. Đám người vây quanh cô gái hát rong vội lảng đi. Tên này vô công rỗi nghề, nghiện rượu còn thích ăn vạ và chửi đổng, thôi thì "tránh voi chẳng xấu mặt nào".

Gã say bắt đầu chọc ghẹo cô gái hát rong bằng giọng lè nhè, cợt nhả. Hắn toan vuốt má cô thì bị cô khéo léo né ra, nhẹ nhàng nói: "Xin lỗi quý khách, tôi bán nghệ chứ không bán thân." Sẵn hơi men trong người, hắn tức giận vung chai rượu uống dở lên. Mọi người hoảng hốt la to khi tên vô lại giáng mạnh chai rượu vào đầu cô gái da nâu, làm cô ngã xuống đất. Gã kia vẫn chưa hả dạ, hắn đổ rượu lên đầu cô, gằn giọng: "Con khốn!! Mày giỡn mặt ông à? Phận gái giang hồ còn giả bộ thanh cao!"

Vài người thấy cô gái nằm bất động, sợ cô bị chấn thương sọ não nên len lén đi tìm cảnh vệ, cố không làm gã say chú ý. Đa phần quần chúng chỉ dám im lặng hoặc bỏ đi. Họ nghe đồn cô gái hát rong này biết võ nên chắc... không sao đâu nhỉ?

Đúng lúc tên vũ phu sắp giơ chân đá vào bụng cô gái, hắn bị ném một túi đựng thức ăn thừa vào lưng. Cái túi nilon mỏng vỡ ra, làm lưng hắn dính đầy cơm thừa canh cặn. Chưa kịp quay lại xem đứa nào dám chơi xỏ, một bầy quạ bỗng từ đâu bay đến, lao vào mổ hắn lia lịa. Mùi thức ăn ôi thiu đã hấp dẫn chúng. Gã bợm tỉnh cả rượu và kêu oai oái, cố xua quạ đi mà không được. Hắn vội chạy khỏi công viên thì bị cảnh vệ tóm cổ, lũ quạ thấy vậy liền bay mất. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh, chẳng ai kịp hiểu gì. Tuy nhiên, họ vẫn thầm đắc ý khi kẻ đáng ghét bị quạ mổ diều tha đúng nghĩa đen. (6)

"Chị ơi! Chị vẫn tỉnh chứ?" – Itsumo lo lắng hỏi, khẽ lay cô gái nằm dưới đất. Bấy giờ, dân chúng mới sực nhớ ra có người vừa bị đánh bất tỉnh. Họ toan khiêng cô đến trạm xá thì cô đã ngồi dậy, trấn an bé gái tóc nâu hạt dẻ: "Chị không sao. Lúc nãy chị tránh được cú đánh nên chỉ bị thương nhẹ thôi. Cám ơn em!" Thấy cô không chảy máu và có vẻ ổn, Itsumo thở phào nhẹ nhõm. May mà cô bé nhanh tay "tiễn vong" tên bợm nhậu bằng túi thức ăn thiu và cái còi gọi quạ. Lâu lâu trong đống rác cũng có thứ hữu ích ghê! Ngẩng lên nhìn đồng hồ công viên, Itsumo vội đứng dậy, nhoẻn cười bảo cô gái hát rong: "Em phải về đây. Chị cứ đi khám bác sĩ cho chắc nhé! Chào chị."

Tối đó, tại một căn phòng trọ bình dân, "đóa hồng sa mạc" ngồi uống rượu sake nóng sau khi tắm sạch. Hồi chiều, cô cố ý ngã thuận theo lực đánh của gã say nên không chấn thương nặng, chỉ giả vờ ngất xỉu để hắn sơ suất. Đáng lẽ cô sẽ phản công ngay khi hắn chuẩn bị đá vào bụng mình, nếu đứa trẻ sau lưng hắn không ra tay trước. Cô phải thừa nhận chiến thuật của bé gái rất thông minh. Trước tiên, cô bé ném túi thức ăn thiu vào tên say rượu, sau đó thổi một loại còi đặc biệt, gọi bầy quạ tới. Con người không thể nghe tiếng còi này, vì vậy gã đàn ông không phát hiện kịp. Nhớ lại đôi mắt màu nâu ánh vàng của đứa trẻ tốt bụng, cô mỉm cười.

Một lần nữa, cô lại được cứu bởi người có đôi mắt như vậy.


Chiều hôm sau, ở trường tiểu học Konoha...

Itsumo vừa ra khỏi cổng trường đã chạm mặt người hát rong xinh đẹp hôm qua. Lần này cô mặc áo choàng đen dài tới gối, đội mũ rộng vành che nửa mặt nên Itsumo suýt không nhận ra. Vừa gặp cô bé, nữ nghệ sĩ lang thang liền vẫy tay chào. Cô cười thân thiện, ngỏ ý đãi Itsumo một chầu ở quán kem đối diện trường tiểu học. Bọn trẻ làng Konoha đều thích kem ở đây. Ban đầu, cô bé từ chối vì không dám đi theo người lạ. Thiếu nữ da nâu phân trần: "Chị chỉ muốn cám ơn em vì hôm qua đã cứu chị thôi." Nghe thế, Itsumo ngạc nhiên lắm, thì ra cô gái không bị ngất và nhìn thấy mọi chuyện. Đứa trẻ mắt màu hổ phách lắc đầu xua tay, nói: "Không có gì đâu chị! Đó là chuyện nên làm mà."

"Việc tốt luôn cần được đền đáp. Ít nhất cho phép chị mời em ăn kem nhé?" – cô gái cố thuyết phục. Itsumo thấy địa điểm là quán kem đông khách gần trường liền gật đầu. Khi vào quán, cô bé gọi kem trà xanh còn cô gái kia gọi kem vani. Trong lúc thưởng thức cốc kem, thỉnh thoảng Itsumo để ý cô gái nhìn mình, cái nhìn chăm chú, hoài niệm và đượm buồn. Cô bé ngọ nguậy qua lại trên ghế, cố lờ đi ánh mắt người đối diện.

- Mặt em dính gì hả chị? – Itsumo lúng túng hỏi sau khi ăn hết kem.

Đôi mắt xanh xám nheo lại khi cô gái hát rong nhoẻn cười, dịu dàng đáp:

- Không có gì. Chỉ là chị rất thích vai võ sĩ của em ở lễ hội mùa hè Konoha. Dù nhiều khán giả thích vai công chúa nhưng với chị, vai võ sĩ ấn tượng hơn.

Mỗi mùa hè, học sinh trường tiểu học và trường ninja lại biểu diễn kịch tại hội làng. Vở kịch nào hay hơn sẽ được Hokage khen thưởng, do vậy các học sinh đều cố gắng hết mình. Năm nay, trường tiểu học thắng lớn nhờ kịch bản của Toki. Nhỏ cũng là người đóng vai công chúa, Itsumo thì được bầu làm nam chính, một võ sĩ dũng cảm. Nội dung vở kịch rất đơn giản, là kiểu anh hùng cứu mỹ nhân điển hình. Toki đã viết kịch bản dựa theo chuyến phiêu lưu Nguyệt Thành của Itsumo, thêm thắt yếu tố võ thuật, hành động để thêm phần hấp dẫn. Năm, sáu thành viên câu lạc bộ kiếm đạo cũng tham gia vở kịch. Thằng mỏ nhọn Kino thì xung phong đóng vai phản diện để đấu với Itsumo. Sau nhiều ngày tập dợt, chuẩn bị phục trang, cuối cùng bọn trẻ cũng hái được quả ngọt.

- Cám... cám ơn chị đã khen! Lúc đó em lỡ đánh nhau hơi hăng, may mà vở kịch thành công. – Itsumo vừa nói vừa cười ngượng nghịu.

"Đóa hồng sa mạc" gật gù, ăn một muỗng kem rồi bảo:

- Đôi mắt màu hổ phách của em rực sáng khi bảo vệ người khác, thật giống cha em ngày xưa.

Nụ cười trên mặt Itsumo chợt tắt. Cha cô? Người này biết ông ấy là ai sao? Chứng mất trí nhớ tạm thời đã khiến cô bé quên đi nhiều thứ, trong đó có cha mẹ ruột. Cho đến giờ, sau hai năm kể từ ngày anh trai mất, Itsumo chỉ có thể nhớ ra vài ký ức rời rạc liên quan đến hai anh em. Người thiếu nữ hát rong hình như không để ý đến vẻ mặt thẫn thờ của Itsumo, cô nói tiếp: "Cha em lúc sinh thời vẫn nhắc đến em, Fujiwara Saya."

Dứt lời, cô gái hát rong lấy từ trong túi một tấm ảnh cũ, đặt trước mặt Itsumo. Vừa ngó xuống bức ảnh, cô bé liền mở to mắt kinh ngạc. Trong ảnh là gia đình bốn người, gồm bố, mẹ, con trai khoảng mười tuổi và con gái út đang ẵm ngửa. Đứa con trai chính là anh của Itsumo hồi nhỏ, với mái tóc đen và đôi mắt tím giống hệt người mẹ. Còn người cha, đầu Itsumo bỗng choáng váng ngay khoảnh khắc nhìn rõ mặt ông. Một nỗi đau lớn lao dâng lên từ lồng ngực, khiến cô nghẹt thở. Tên cô là Sakuragi Itsumo cơ mà! Nhưng... cái tên Fujiwara Saya nghe quen lắm, cứ như từ khi sinh ra nó đã khắc sâu vào tâm khảm.

Đó là... đó là...

Một mảnh ký ức dần hiện ra trong tâm trí cô bé: Người đàn ông tóc nâu hạt dẻ, mặc kimono đen ôm cô vào lòng, trìu mến gọi cô là Sa-chan. Itsumo đã gặp ông trong mơ vài lần nhưng chưa bao giờ thấy rõ mặt. Giờ đây, hình ảnh ông hiện lên thật rõ: Một người đẹp đẽ, hiền từ với cặp mắt màu hổ phách, mái tóc nâu bồng bềnh cùng nụ cười tỏa nắng.

Sa-chan... Saya, đúng rồi! Đó là tên thật của mình! Cái tên mà cha đã đặt cho mình!


------------------

Chín năm trước, vào ngày mùng một tháng hai, khi Thủy quốc vẫn còn chìm trong mùa đông giá rét, một bé gái đã sinh ra trong nhà Fujiwara quyền quý. Cha cô bé là trưởng nam của thủ lĩnh gia tộc, mẹ là tiểu thư dòng dõi trâm anh thế phiệt. Hai vợ chồng và con trai đều hoan hỉ chào đón hài nhi bé bỏng, nhất là người cha. Ông cứ ngắm nhìn, bồng bế con gái mãi không chán.

- Yuki, xem này! Nét mặt con bé giống nàng quá! – ông hào hứng nói với vợ, cố hạ thấp giọng để không làm con giật mình.

- Nhưng mắt nó lại là bản sao của chàng, Kaneyoshi. – người vợ dịu dàng nhận xét – Đôi mắt hổ phách tuyệt đẹp.

Cậu con trai mười tuổi níu tay áo kimono của cha, đòi nhìn em bé rõ hơn. Ông khom người xuống, đủ để con trai thấy và chạm vào em. Bé gái bỗng nắm chặt ngón trỏ anh mình, làm cậu bối rối không biết làm thế nào. Người cha phì cười, ôn tồn dặn con trai: "Ken-chan, từ nay con là sư huynh rồi. Hãy luôn bảo vệ, chăm sóc em nhé." Cậu bé gật đầu, đôi mắt tím ánh lên niềm tự hào to lớn. Vậy là cậu đã làm anh cả rồi!

Người cha âu yếm đung đưa con gái bé bỏng trong tay, thì thầm vào tai nó những lời ông sẽ nhớ suốt cuộc đời mình: "Con sẽ là Fujiwara Saya." Saya nghĩa là bao kiếm, vật quan trọng nhất che chở cho thanh kiếm. Ông áp má vào má con, thì thầm với nụ cười hạnh phúc: "Sa-chan của cha!"

------------------


Itsumo ôm chặt đầu, gục mặt xuống bàn, cắn chặt môi ngăn tiếng rên đau đớn. Đầu cô nhói lên từng cơn như bị vô số nhát búa đập vào. Chiếc hộp ký ức trong cô bật mở sau hai năm đóng chặt. Câu chuyện quá khứ bao lâu nay bị vùi dưới lớp bụi thời gian, nay được nhẹ nhàng lật mở từng trang một.


***


Năm năm trước...

Fujiwara Kaneyoshi, lúc đó ba mươi lăm tuổi, là một tướng quân kiêm samurai ưu tú của Thủy Quốc. Ông được rất nhiều người khâm phục nể vì, từ đồng liêu, thuộc hạ cho đến địch thủ. Vợ ông tên thời con gái là Takeno Yuki, ba mươi mốt tuổi, con nhà võ tướng giống chồng nhưng không được dạy võ do truyền thống gia tộc Takeno. Năm Kaneyoshi hai mươi tuổi, song thân sắp xếp cho ông cưới công nương Yuki nhà Takeno để liên minh. Dù là hôn nhân chính trị, họ vẫn sống rất hạnh phúc. Khi Đại chiến ninja lần thứ hai chấm dứt, hai người sinh hạ con trai đầu lòng Kenshin, tức "trái tim của kiếm". Mười năm tiếp theo, thứ nữ Saya – "bao kiếm", chào đời. Cô bé lớn lên trong tình thương của gia đình, đặc biệt là cha. Hai cha con vô cùng thân thiết với nhau, mỗi lần Kaneyoshi về nhà, Saya thường xuyên bám theo ông như cái đuôi nhỏ.

"Sa-chan ơi, lại đây cha đọc sách cho nghe nào!"

Mỗi lần nghe cha gọi, cô bé đều chập chững bước đến chỗ ông với đôi mắt long lanh. Em luôn rất thích nghe cha kể về các sự tích anh hùng. Kenshin cứ phàn nàn rằng Saya còn nhỏ lắm, chưa hiểu nổi "Binh pháp Tôn Tử" hay mấy cuốn sách phức tạp đâu. Mỗi lần nghe con trai nói vậy, Kaneyoshi chỉ cười xòa. Ông biết Saya vẫn chưa thể hiểu những thứ mình dạy, có lẽ em chỉ thích nghe giọng cha, nhìn biểu cảm phong phú của cha khi hăng say nói về binh pháp và lịch sử. Kaneyoshi còn kể cho các con truyền thuyết xa xưa của nhà mẹ ông – thị tộc Giao Long.

Nhiều ngàn năm trước, tổ phụ Giao Long tộc thuộc nòi giống rồng thần đã kết duyên với một tiên nữ, đẻ ra chiếc bọc trăm trứng. Vài tháng sau, một trăm quả trứng rồng nở ra một trăm người con kháu khỉnh. Hậu duệ của họ hình thành nên một trăm thị tộc, chia nhau cai quản một vùng rộng lớn. Khi giặc ngoại xâm tràn vào, hầu hết các tộc này đều bị tiêu diệt, khuất phục hoặc đồng hóa. Sau cùng, chỉ còn hai tộc ngoan cường chống cự: Lạc Long và Giao Long. Trong khi tộc Lạc Long quyết tâm bám trụ lại quê cha đất tổ, tộc Giao Long chọn dong buồm ra khơi, tìm miền đất mới. Trải qua nhiều tuần lang bạt, họ đến một quần đảo mờ sương, nơi họ phải chiến đấu và đàm phán với dân bản xứ để có chỗ đứng. Với sức mạnh từ rồng thần và nền văn hóa tiến bộ hơn, Giao Long tộc đã từng bước vươn lên, trở thành thủ lĩnh các thị tộc khác. Quần đảo nơi hậu duệ rồng thần cập bến là Thủy quốc ngày nay. Dù Giao Long tộc không còn hùng mạnh như trước nữa, người Thủy quốc vẫn giữ sự tôn trọng với thị tộc phát minh ra thuật triệu hồi và thống nhất toàn bộ các thị tộc, tạo tiền đề cho đất nước mang tên Thủy quốc. Có lẽ đến tận bây giờ, ngoài Giao Long tộc thì chưa thế lực nào đủ sức đoàn kết toàn bộ Thủy quốc như vậy.

Cậu bé Kenshin tò mò hỏi: "Cha ơi, thế còn số phận của Lạc Long tộc?" Kaneyoshi im lặng, nghiêng đầu nghĩ ngợi vài giây rồi đáp: "Bà nội và đồng tộc của bà cũng không rõ. Nhưng... có lần cha đã gặp một thương nhân từ phương Nam xa xôi, ông ấy đem lụa tơ tằm, hương liệu đến tặng cha, xin được buôn bán ở lãnh địa của chúng ta. Trong thời gian làm khách, vị thương gia nói nhiều điều thú vị về quê hương mình và những quốc gia khác. Ông ấy bảo tổ tiên của dân tộc ông là con cháu rồng tiên. Họ từng bị ngoại bang đô hộ một ngàn năm mới giành được độc lập, vượt qua bao thăng trầm lịch sử, trụ vững đến hôm nay. Có lẽ, chỉ có lẽ thôi, dân tộc ấy chính là hậu duệ của Lạc Long tộc."

Giọng Kaneyoshi trầm ấm nhẹ nhàng, khắc vào trí nhớ các con hình ảnh huyền diệu của rồng và tiên, của một trăm người con sinh ra từ trứng rồng. Dù mấy trăm năm qua, đã không còn ai trong tộc Giao Long đủ khả năng triệu hồi rồng thần nữa, truyền thuyết thời thượng cổ vẫn còn đọng lại trong cặp mắt màu hổ phách của rất ít người như Kaneyoshi và con gái Saya, được Giao Long tộc tin là mắt rồng.

Bốn năm đầu đời của Fujiwara Saya êm ả qua đi trong nhung lụa, vô ưu. Tiếc thay, quãng thời gian hạnh phúc không kéo dài.

Khi Đại chiến ninja lần thứ ba kết thúc, những tưởng thế giới sẽ đạt được hòa bình và ổn định nhưng Thủy quốc vẫn chưa yên. Vài thế lực cát cứ trong nước đã nổi dậy chống lại ách cai trị hà khắc, độc đoán của lãnh chúa Thủy quốc. Samurai và ninja Thủy quốc đều phải ra chiến trường dẹp loạn, Kaneyoshi càng không ngoại lệ, nhất là với địa vị của ông. Có lần ông bị gọi đi giữa kỳ nghỉ phép, khi cả nhà đang viếng chùa. Đó là lần hiếm hoi Saya mếu máo chực khóc, cố níu kéo cha mà không được. Vài hôm sau, Kaneyoshi về nhà với vẻ trầm tư, thông báo với vợ con rằng mình sắp phải dẫn quân trấn giữ eo biển trọng yếu của đất nước. Mặc dù trước mặt con gái, ông vẫn tươi cười nhưng trực giác giúp cô bé cảm nhận được điềm xấu. Đêm trước ngày cha xuất trận, Saya không chịu rời ông nửa bước, thậm chí còn đòi ngủ cùng cha. Ngay cả khi rất buồn ngủ, em vẫn nắm chặt tay cha, sợ nếu lỡ buông ra, cha sẽ đi mất.

- Cha ơi, cha hứa đừng bỏ đi nhé! – cô bé ngước mắt nhìn cha, van nài.

Ông đặt một bàn tay bé nhỏ của em vào ngực trái mình, tươi cười đáp:

- Con, mẹ và cả Ken-chan, mọi người đều ở đây, ngay ở đây này! Chúng ta không khi nào lìa xa đâu, Sa-chan của cha.

(Tranh vẽ cha con Kaneyoshi và Saya, lời trong hình lấy từ bài hát "I loved her first" của nhóm Heartland)


Nghe vậy, Saya yên tâm vùi đầu vào ngực cha rồi thiếp đi. Em nào biết đôi mắt đang dâng trào bao nỗi đau đớn của cha. Kaneyoshi nhíu mày, ôm con gái vào lòng. Đêm nay là đêm cuối cùng ông ở bên gia đình, vậy mà ông nỡ nói dối Saya. Trong bóng tối, một giọt lệ chực trào từ khóe mắt ông. Kaneyoshi lấy tay gạt nước mắt, hôn lên trán con gái. Đêm đó, hai cha con ngủ cùng nhau thật yên bình.

Sáng sớm hôm sau, Kaneyoshi khéo léo gỡ tay con gái ra, xoa đầu em và thì thầm lời tạm biệt. Sau khi mặc quần áo chỉnh tề, tướng quân Hùng lang cẩn thận giắt thanh đoản kiếm và trường kiếm vào bên hông. Hôm nay, ông cảm thấy hai thanh kiếm nhẹ hơn nhiều so với mọi khi, có lẽ vì lòng ông đã thanh thản, không còn gì vướng bận. Lúc đi qua bếp, Kaneyoshi đứng lại ngắm vợ mình nấu nướng. Bình thường họ có đầu bếp riêng nhưng hôm nay Yuki muốn tự tay nấu cho chồng. Dẫu bà không biết nấu nhiều món sơn hào hải vị, chí ít vẫn làm được Shihouzen (7) – mâm thức ăn dành cho chiến binh trước khi xung trận. Kaneyoshi vốn không hứng thú với những nghi lễ rườm rà, ông thà ăn một bữa cơm đơn giản nhưng hợp khẩu vị và đủ no còn hơn. Có điều, vợ và con trai ông khá tôn trọng nguyên tắc, nhất là khi Shihouzen mang ý nghĩa cầu bình an, chiến thắng cho ông.

Không lâu sau, Yuki bưng ra mâm thức ăn Shihouzen, được bày chỉn chu trên khay gỗ sanbo. (8) Đầu tiên, Kaneyoshi gắp bào ngư ăn trước, sau đó đọc lời chúc đánh bại được kẻ thù và uống chén rượu sake đầu tiên do vợ rót. Ăn hết bào ngư, ông ăn đến hạt dẻ và nói lời chúc chiến thắng. Dứt lời, ông uống tiếp chén sake thứ hai. Cuối cùng, Kaneyoshi ăn món rong biển và uống cạn chén sake cuối cùng. Khi uống chén rượu thứ ba, phải giữ tâm hồn thanh tịnh và thuần khiết. Để kết thúc nghi lễ ăn mâm Shihouzen, Kaneyoshi đứng dậy bằng chân trái trước, đi thẳng ra khỏi phòng ăn. Phong tục xưa quan niệm chân trái là bên chân đem lại chiến thắng và vận may.

Chưa đầy một phút sau, ông trở lại với nụ cười tinh nghịch, hỏi vợ mình: "Bây giờ ta ăn một bữa cơm đàng hoàng được chưa?" Câu đùa nhẹ nhàng ấy làm dịu đi bầu không khí u buồn, khiến Yuki cũng cười theo. Chỉ có Kenshin là vẫn tỏ ra nghiêm túc. Kiên nhẫn đợi cha ăn xong, cậu mới xin ông đi cùng cậu ra sân sau. Kaneyoshi gật đầu, hiểu mình cần nói chuyện với con trai, cuộc nói chuyện thực sự giữa hai người đàn ông.

- Chà... Mặt trời mọc trên đỉnh núi quê hương đẹp nhỉ, Ken-chan? – Kaneyoshi vươn vai khoan khoái, ung dung bảo.

- Đừng gọi con thế! Con lớn rồi! – Kenshin nhăn nhó đáp.

- Ừ ừ... Cha quên mất, xin lỗi con.

Kaneyoshi cố không bật cười. Con trai ông luôn già dặn trước tuổi, tính tình lặng lẽ và kín đáo. Kaneyoshi đoán cậu giống ông nội, cũng có thể vì gia đình hay vắng bóng cha nên cậu phải cố ép mình làm chỗ dựa cho mẹ và em. Thỉnh thoảng, Kaneyoshi thấy hơi tội lỗi khi bản thân quá "vô tư" còn con trai thì quá nghiêm cẩn và hiểu chuyện. Kenshin nhìn thẳng vào cặp mắt màu hổ phách của cha, cố nén nỗi bất an đang cuồn cuộn dâng lên. Từ ngày cha đi họp khẩn về, Kenshin để ý thấy ông trầm hẳn, ngay cả nụ cười cũng gượng gạo. Với một người điềm tĩnh như ông, điều đó chứng tỏ cuộc chiến sắp tới lành ít dữ nhiều.

- Cha, làm ơn đừng chết!! – Kenshin nói như cầu xin, hai tay vô thức nắm chặt lại, mắt ầng ậng nước.

Kaneyoshi im lặng nhìn con trai, sau đó đưa mắt về hướng vầng mặt trời dần ló dạng. Kenshin chỉ mới mười bốn tuổi, không còn nhỏ nhưng chưa thành niên. Vậy mà cậu vẫn cố gánh vác gia đình thay cha mỗi lần ông chinh chiến. Vị tướng Hùng lang hiểu đây là trách nhiệm của con nhà võ tướng, dẫu vậy ông vẫn thấy buồn. Kaneyoshi mong thế hệ của Kenshin và Saya sẽ không còn biết đến chiến tranh nữa, chúng sẽ được vui hưởng thái bình thay vì học cách giết chóc như ông và nhiều người khác. Để hòa bình đến sớm hơn, ông chấp nhận lao vào trận chiến này. Lỡ như tử thần gọi tên Kaneyoshi, ít nhất... gia đình ông sẽ an toàn, người em trai mà ông tin tưởng sẽ bảo vệ họ.

Kaneyoshi mỉm cười hiền từ, đặt tay lên vai con trai và dặn:

- Sống chết phụ thuộc vào số mệnh, cha không thể hứa chắc điều gì cả. Vạn nhất cha có mệnh hệ gì, nhớ chăm sóc mẹ và Sa-chan nhé.

- Nhưng...

- Đã là nam nhi thì phải giữ chữ tín. Hứa với cha đi, Fujiwara Kenshin!

- Con hứa! Bằng danh dự của trưởng nam dòng chính nhà Fujiwara! – cậu thiếu niên mắt tím nuốt nước mắt, ngẩng cao đầu đáp.

Lúc tiễn chồng, Yuki trao cho Kaneyoshi hộp cơm ăn đường được làm rất chu đáo. Hôm nay bà diện bộ kimono sang trọng in hoa tử đằng tím, mái tóc đen nhánh búi lên bằng cây trâm nạm ngọc bích. Hai vợ chồng không quá bịn rịn, chỉ dịu dàng nhìn nhau rất lâu. Đôi bàn tay mềm mại, ấm áp của Yuki vươn ra, ôm lấy mặt chồng. Ông áp tay mình lên tay bà, sau đó nhẹ nhàng hôn vào lòng bàn tay trắng ngần. Họ đã là vợ chồng mười lăm năm rồi, dẫu không có tình yêu mãnh liệt nhưng hai người luôn trân trọng nhau hết mực. Mỗi lần ông hối hận vì không thể yêu bà theo cách tốt hơn, bà lúc nào cũng khẳng định mình rất hạnh phúc khi làm vợ ông. Giờ đây, trong thời khắc ly biệt, Yuki chỉ có thể mỉm cười nói: "Hãy chiến thắng trở về, Kaneyoshi!" Người đàn ông tóc nâu hạt dẻ gật đầu, khẽ cụng trán vợ mình, đáp lại: "Yuki, nàng và các con hãy an toàn. Ta chỉ cần có thế."


***


Sau đó cha không bao giờ về nữa, tụi con và mẹ cứ đợi, đợi mãi. Con lúc nào cũng hy vọng một ngày nào đó, cha sẽ lại đứng vẫy gọi con cánh đồng hoa cúc dại, đọc sách và kể chuyện tiếp cho con. Con đã luôn ngóng chờ cha trở về, vậy nhưng ngày con nhìn thấy cha lần cuối, cha đã không thể mở mắt ra và cười với con nữa rồi.

"Tướng quân Fujiwara đã hy sinh. Ngài ấy đã cùng đội cảm tử chiến đấu tới hơi thở cuối cùng và chiến thắng."

Tướng quân Heishi Tora, bạn đồng liêu thân thiết của Kaneyoshi, ủ rũ thông báo với Yuki, trao lại chiếc mề đay bạc và hai thanh kiếm của chồng bà. Sau lưng tướng quân Tora là vài người lính từng dưới trướng Kaneyoshi. Họ bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với vị tướng tài đức nhưng đoản mệnh. Đợi khách ra về hết, Yuki mới nằm cuộn tròn trên sàn phòng khách, sụt sùi khóc. Một lúc lâu sau, người thiếu phụ vẫn bần thần nằm đó với gương mặt vô hồn, đôi mắt đỏ hoe ngân ngấn lệ. Bà lặng lẽ mở nắp mề đay, ngắm nghía tấm ảnh cưới lồng bên trong. Hồi đó hai vợ chồng còn rất trẻ, Yuki mới mười sáu còn Kaneyoshi hai mươi. Bà vẫn nhớ lần đầu gặp gỡ tại buổi xem mắt, ông đã nhận mình là người rất nhạt nhẽo, tuy nhiên nụ cười và ánh mắt ông chẳng nhạt nhẽo chút nào. Suốt mười lăm năm qua, Kaneyoshi luôn là ngọn hải đăng, là vầng dương ấm áp của Yuki và các con. Bây giờ mặt trời đã lặn rồi, chỉ còn lại đêm trường đau khổ.

Đám tang tướng quân Kaneyoshi diễn ra với đầy đủ nghi thức trọng thể, thân xác ông được thanh tẩy sạch sẽ, trang điểm tử tế và đặt trong loại quan tài đẹp nhất, tốt nhất. Vì phu nhân Yuki quá rối trí để cáng đáng hết mọi việc, Kenshin thì chưa đủ lớn nên em trai Kaneyoshi một tay đứng ra lo liệu tang lễ. Kenshin buồn bã ôm di ảnh cha, túc trực cạnh quan tài, cúi đầu cảm ơn những vị khách đến viếng. Saya ngơ ngác đứng bên anh trai, giương đôi mắt to tròn nhìn hết người này đến người khác. Tại sao hôm nay ai cũng mặc đồ đen? Tại sao mẹ và anh trai lại buồn và im lặng thế? Tại sao cha lại mặc đồ trắng và nằm ngủ trong thứ gọi là "quan tài"? Mỗi khi em muốn mở miệng hỏi, Kenshin đều giơ ngón trỏ lên môi, nhắc em phải im lặng, ngoan ngoãn đứng cạnh cậu.

Buổi lễ u ám và nặng nề, mùi nhang trầm quá nồng và tiếng gõ mõ tụng kinh dần khiến Saya ngột ngạt. Sau một hồi đứng tê cả chân, cuối cùng người chú gọi em đến trước linh cữu. Chú bảo em hãy chắp tay vái lạy, nói lời tiễn biệt cha. Saya ngước nhìn chú mình rồi lại nhìn gương mặt nhợt nhạt say ngủ của cha trong quan tài, ngơ ngác hỏi: "Tại sao phải nói lời tiễn biệt ạ?" Người chú siết nhẹ vai em, khẽ trả lời: "Vì cha cháu chết rồi. Ông ấy sẽ không bao giờ tỉnh dậy nữa, không bao giờ." Sau câu đó, Saya để ý thấy vẻ mặt chú có gì đó gian ác và đáng sợ. Cô bé lắc đầu nguầy nguậy, vùng ra khỏi tay chú, bức xúc quát lên: "CHÚ NÓI DỐI!!!" Ai cũng giật mình nhìn Saya, sắc mặt người chú thì sa sầm. Chỉ một giây sau, ông ta đã khôi phục nụ cười thảo mai, giả vờ dỗ dành: "Saya-chan, chú biết sự thật rất đau đớn nhưng cha cháu..."

"Chú nói dối!! Nói dối! Nói dối!" – Saya hét lên khiến nhiều quan khách kinh ngạc, một vài người còn thấy khó chịu, nghĩ em là đứa trẻ hư. Kenshin vội tới can ngăn em nhưng Saya vùng vằng chạy ra ngoài, bất chấp tiếng gọi hốt hoảng của mẹ và anh trai. Mắt ráo hoảnh vô hồn, Saya chạy một mạch đến cánh đồng hoa cúc quen thuộc cách nhà không xa. Tới nơi, em kiệt sức gục xuống, vùi mặt vào đám cỏ non, gào thét dữ dội như sóng gầm trên đại dương mùa bão.

"CHA!! CHAAA...!!!"

Sắc vàng tươi của cánh đồng hoa cúc dại vẫn nguyên vẹn nơi đây, nhưng với Saya, chúng không còn đẹp nữa khi thiếu vắng cha. Mùa thu nghiệt ngã ấy, cô bé học được bài học đầu đời về sự mất mát chia ly.


................


Fujiwara Kaneyoshi mất chưa bao lâu thì đến lượt người vợ Yuki lâm bạo bệnh qua đời, để lại hai đứa con còn thơ dại. Khi đó, Kenshin mười bốn và Saya mới bốn tuổi. Hai đứa trẻ được chú ruột mang về nuôi nấng, tiện thể chiếm luôn chức vụ, bổng lộc và gia sản của cha mẹ chúng. Trước mặt những trưởng lão trong dòng tộc, ông ta hứa sẽ giao lại chức tước cho Kenshin ngay khi cậu mười tám tuổi. Tuy nhiên, ông ta không bao giờ định giữ lời hứa, càng không nhận nuôi vì yêu thương bọn trẻ. Người chú chỉ thích hành hạ nhiếc móc, nhồi vào đầu chúng những điều xằng bậy, xấu xa về cha chúng. Từ thời thơ ấu, tên hèn hạ này đã ghen tị với Kaneyoshi, người mà hắn tin rằng được số phận quá mức ưu ái. Hắn căm ghét vị samurai tài ba, dũng cảm được muôn người tôn kính, ghét lây cả những đứa con ruột của ông, nhất là bé gái mắt màu hổ phách. Hắn muốn con bé ương ngạnh ấy phải van xin lạy lục, nhục nhã bò lê dưới đất như giun dế. Đôi mắt rồng thần kiêu hãnh sẽ phải trở thành đôi mắt của đứa nô lệ thấp hèn.

- Con nhãi, đưa đây mau! – người chú gắt lên, cố giằng cuốn sách cũ khỏi tay Saya.

- Không! Sách của cháu!! Cha đã tặng cháu mà!!

Gã đàn ông nghiến răng tức tối, vung tay tát mạnh vào má Saya. Dù bị sốc đến đơ người, em vẫn nhất quyết không chịu buông cuốn "Binh pháp Tôn Tử" trong tay ra. Nó là kỉ vật duy nhất của cha mà đứa trẻ tội nghiệp còn giữ được. Thấy em không khuất phục, tên kia tuốt kiếm ra hăm dọa cô bé. Em nhắm tịt mắt, toát mồ hôi vì sợ nhưng vẫn ôm chặt cuốn sách. Khi Kenshin lao ra che chắn cho Saya, em mới bắt đầu khóc thút thít. Chàng trai vừa tròn mười sáu tuổi phẫn nộ nhìn kẻ chĩa kiếm vào em gái. Ngay khoảnh khắc đó, anh đã hạ quyết tâm – một quyết tâm làm số phận họ thay đổi mãi mãi. Kenshin từng cố nhẫn nhịn để đợi tới năm mười tám tuổi nhưng dần hiểu ra người chú sẽ không giao lại chức vụ như đã hứa. Kenshin và Saya chẳng thể cầu cứu ai vì bị quản lý rất ngặt nghèo, bị cô lập khỏi họ hàng, bạn bè. Ánh mắt người chú khi rút kiếm đe dọa Saya chứa đầy sát ý, chắc chắn sẽ có ngày cô bé bị giết, hoặc cả hai anh em sẽ "biến mất" bí ẩn để ông ta danh chính ngôn thuận chiếm mọi thứ cha mẹ họ để lại.

Vào một đêm sáng trăng, hai anh em đã bỏ trốn. Thức dậy lúc nửa đêm, Kenshin vác chiếc ba lô mà anh chuẩn bị sẵn từ lâu, đem theo hai thanh kiếm cha để lại. Saya thì mang chiếc túi nhỏ chứa đồ đạc của mình. May thay, ông chú độc ác bắt hai đứa sống ở nhà kho tồi tàn hoang vắng nơi góc vườn, nhờ thế cuộc đào thoát dễ dàng hơn nhiều. Sau khi chật vật trèo tường ra ngoài, Kenshin mới dám thả lỏng, mỉm cười xoa đầu Saya. Đáp lại anh, cô bé nhe răng cười phấn khích. Họ quá nhỏ bé, bơ vơ giữa cuộc đời rộng lớn nhưng ít nhất họ đã tự do, thoát cảnh bạo hành.

Sau nhiều tháng ròng, Kenshin và Saya dừng chân tại một làng chài nhỏ ven biển, cách xa kinh đô Thủy Quốc. Vì không muốn lộ thân phận, Kenshin nói dối hai anh em là trẻ mồ côi tị nạn. Dân làng chài tuy nghèo khổ nhưng giàu tình thương, đã rộng lòng giúp đỡ, dạy bọn trẻ cách kiếm sống, thậm chí còn dựng cho họ một căn nhà đơn sơ. Từ đó, Kenshin và Saya cứ thế rau cháo nuôi nhau. Cho đến một ngày nọ, lũ cướp ập tới càn quét làng chài. Cả làng chìm trong biển lửa và Kenshin đã ngã xuống để bảo vệ Saya, trái tim bé bỏng của cô bé một lần nữa in hằn vết sẹo không phai.

Đó là một ngày tang tóc, lạnh thấu xương, ngay sau sinh nhật bảy tuổi của Saya. Khi dân làng kéo được cô bé khỏi đống đổ nát của ngôi nhà, cô không còn là Saya nữa, chỉ là đứa trẻ mồ côi với ký ức gần như trống rỗng.


***


Itsumo khó nhọc mở mắt, phải mất vài phút định thần, cô bé mới nhận ra đang nằm trong phòng của mình và Toki ở cô nhi viện Konoha. Trên bàn học Itsumo có một khay cơm được dì Kaori để phần. Khi áp tai xuống giường, cô bé có thể nghe tiếng các bạn đang ăn tối. Coi bộ Itsumo đã bất tỉnh mấy tiếng đồng hồ rồi, điều cuối cùng cô nhớ là người hát rong ở quán kem và... bức ảnh đó. Khi đến bên khay cơm trên bàn, cô bé mắt màu hổ phách thấy trên khay có một phong thư đề tên Sakuragi Itsumo, mở ra thì thấy lời nhắn của "đóa hồng sa mạc", có lẽ là nghệ danh của nghệ sĩ hát rong đó, cô ấy hẹn Itsumo lần sau gặp lại. Đính kèm tờ giấy nhắn là tấm ảnh ố vàng chụp gia đình hạnh phúc của Itsumo, hồi cô còn là Fujiwara Saya. Ngay khi thấy những người thân yêu trong ảnh, cô bé ôm mặt khóc nức nở. Sau một giấc mộng dài như cả đời người, Itsumo đã nhớ ra quá khứ của mình. Cô là Fujiwara Saya, con gái của tướng quân Fujiwara Kaneyoshi và công nương Takeno Yuki, em của Fujiwara Kenshin.

Cha, mẹ, sư huynh! Con xin lỗi vì đã quên!





(1) Đồng thau: Hợp kim của đồng và kẽm. Tỷ lệ pha chế giữa đồng và kẽm cho ta một loạt các đồng thau đa dạng khác nhau có tính chất cơ học và điện khác nhau. Đồng thau được người tiền sử biết đến khá sớm, trước rất lâu khi con người tìm ra kẽm. Đồng thau được sử dụng để trang trí do vẻ ngoài giống như vàng của nó. Nó còn dùng để làm ổ khóa, bánh răng, vòng bi, tay nắm cửa, vỏ đạn và van; dùng cho các hệ thống ống nước và điện; và ứng dụng rộng rãi trong các nhạc cụ bằng đồng. (trích Wikipedia)

(2) Tộc cướp biển Funato: Một trong những tộc lâu đời nhất Thủy quốc, chỉ được đề cập trong phần Boruto, hậu truyện của Naruto. Đặc điểm của họ là tóc vàng rơm, da nâu, mắt xanh ánh bạc. Họ như một thế lực độc lập, không phụ thuộc vào chính quyền. Tộc Funato nổi tiếng về những vụ cướp bóc, bắt cóc và hải chiến, thành viên trong tộc rất trung thành với nhau, đàn ông được huấn luyện chiến đấu từ nhỏ.

(3) Nohara Rin: Chắc ai đọc kỹ truyện cũng biết nhân vật này, cô ấy là động cơ lớn nhất đẩy Uchiha Obito vào con đường cực đoan. Vào Đại chiến ninja lần thứ ba, Rin và hai người bạn Kakashi, Obito thuộc Đội Minato, nhận nhiệm vụ phá hủy cây cầu Kannabi. Trong nhiệm vụ phá cầu, Rin bị kẻ địch bắt cóc và Obito đã hy sinh (nhưng chưa chết) khi cùng Kakashi giải cứu cô. Trước lúc bị đá đè, Obito vẫn kịp nhờ Rin lắp con mắt Sharingan còn lành lặn cho Kakashi. Một thời gian sau khi phá cầu Kannabi, Rin tiếp tục bị bắt cóc. Lần này, làng Sương mù phong ấn Tam Vĩ Isobu vào người Rin để cô trở thành công cụ phá hủy làng Lá. Tuy nhiên, Rin đã tự sát bằng cách lao vào chiêu Chidori của Kakashi, dẫn đến việc Kakashi và Obito đều thức tỉnh Mangekyou Sharingan do nỗi đau tột độ.

(4) "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu": Ý nói người đẹp và các danh tướng đều không thể hứa hẹn sống đến già, bởi người quá tài hoa thường sẽ bạc mệnh, dễ bị kẻ khác ghen tị hãm hại. Đây là hai câu thơ nổi tiếng trong bài "Tiêu hồn Hải Đường" của Triệu Diễm Tuyết.

(5) Trích lời bài hát "Không thuyền" của ca sĩ Kha Dĩ Mẫn, nhạc kết thúc series phim "Thất Kiếm hạ Thiên Sơn" (2006).

https://youtu.be/JCpsfSqfkaY

(6) Quạ mổ diều tha (hoặc "Diều tha quạ mổ"): Một câu chửi trong văn hóa dân gian Việt Nam, dùng để nguyền rủa, chửi bới những kẻ xấu xa, đê tiện, đáng bị trừng phạt nhục nhã. Chim diều hâu hoặc chim cắt săn mồi bằng cách mổ vào cổ hay chỗ hiểm, sau đó dùng móng vuốt xé xác con mồi. Quạ là loài ăn xác thối, bị cho là biểu tượng cái chết và điềm gở. Thế nên quạ mổ, diều hâu tha trở thành lời rủa chết đường chết chợ, mặc cho ác điểu rỉa thịt lột da, không ai chôn cất.

(7) Shihouzen: Mâm thức ăn dành cho nghi lễ tiễn chiến binh ra trận. Tớ không thể tìm thấy cái tên "Shihouzen" ở bất cứ tài liệu nào trên mạng ngoài bộ manga "Shigurui" (Cuồng tử, 2003 - 2010). Trong cuốn "The Book of Samurai: The Collected Scrolls of Natori-Ryu" của tác giả Antony Cummins, nghi lễ ăn Shihouzen được mô tả khá chi tiết. Mâm Shihouzen gồm 3 hạt dẻ, 1-2 lát bào ngư, 1 lá rong biển và 3 ly rượu sake. Những món ăn này đều mang ý nghĩa chúc lành cho người sắp ra trận, dựa theo cách chơi chữ kiểu Nhật.

- Hạt dẻ (Kachiguri): Kachi nghĩa là "chiến thắng".

- Bào ngư (Uchiawabi): Uchi nghĩa là "cú đánh", hàm ý đánh bại kẻ thù.

- Rong biển (Konbu): Konbu chơi chữ từ Yorokobu, nghĩa là "được vui vẻ". Hàm ý ca khúc khải hoàn trở về.

- Mỗi ly rượu sake phải được rót ba lần, suy ra ba ly rượu được rót tổng cộng chín lần. Số 9 là con số may mắn, tượng trưng cho sự vĩnh cửu (cửu là số 9 trong tiếng Trung).

(Hình minh họa một mâm thức ăn Shihouzen)

(8) Khay sanbo: Loại khay gỗ đựng đồ cúng trong Thần đạo, thường làm từ gỗ bách. Vào thời cổ đại, nó còn dùng để dâng đồ cho người có địa vị cao quý. Trong Phật giáo Nhật Bản, khay sanbo còn gọi là sampo, tức "Tam bảo" (Phật, Pháp, Tăng).


*Tên họ của mẹ Itsumo nghĩa là "tuyết trắng trên đỉnh núi" (Yuki = tuyết, Takeno = đỉnh núi). Tớ thích tên này vì đối với tớ, nó mang lại cảm giác dịu dàng, thanh cao. Tên của anh trai Itsumo lấy từ Himura Kenshin, nam chính trong manga "Rurouni Kenshin". Tên của người cha thì lấy từ tên họ đầy đủ của Okita Souji, đội trưởng đội Một nhóm Shinsengumi, cái tên này là Okita Souji Fujiwara no Kaneyoshi (nguồn khác ghi là "Fujiwara no Harumasa"). Cả Kenshin và Souji đều là những nhân vật anh hùng mà tớ yêu mến từ nhỏ.

*Nhà Fujiwara: Tớ lấy tên này từ gia tộc có thật trong lịch sử Nhật Bản. Tộc Fujiwara (Đằng Nguyên thị) là một trong các gia tộc lớn nhất, hậu duệ của gia tộc Nakatomi thông qua Ame-no-Koyane-no-Mikoto, gia huy của họ là biểu tượng hoa tử đằng (hoa Fuji). Tộc Fujiwara đã chi phối nền chính trị Nhật Bản trong thời kỳ Heian (794 - 1185) thông qua việc độc quyền các vị trí nhiếp chính. Sau thời Heian, các hoàng tử có nguồn gốc Fujiwara vẫn là cố vấn, nhiếp chính và thượng thư thân cận cho nhiều đời Thiên hoàng đến tận thế kỷ 20.

(Gia huy nhà Fujiwara)

*Truyền thuyết về Giao Long tộc, như tớ từng nói ở chương "Công chúa ánh trăng...", được lấy cảm hứng từ truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của người Việt. Nhiều người tin một trăm đứa con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã tạo ra một trăm thị tộc người Việt, tức Bách Việt. Theo huyền sử thời Hồng Bàng, các tộc Bách Việt đã sinh sống và xây dựng nền văn minh lúc nước ở vùng đất phía nam sông Dương Tử thuộc Trung Quốc ngày nay, trải dài đến tận đồng bằng sông Hồng ở Việt Nam. Thế nhưng, dân Hoa Hạ từ phương Bắc đã dần tiêu diệt, đồng hóa hầu hết dân Bách Việt, chỉ còn lại tộc Âu Việt (Tây Âu) và Lạc Việt cố giữ vững bản sắc. Tộc Lạc Việt lập nước Xích Quỷ, sau đó đổi tên thành Văn Lang. Khi Lạc Việt và Âu Việt nhập chung, nước Âu Lạc ra đời. Đây là thời đại Hùng Vương, kéo dài một ngàn năm cho tới khi bị phương Bắc đô hộ vào năm 111 trước Công nguyên.

Trong fanfic này, tộc Giao Long dựa trên giả thiết về một bộ phận người Việt cổ dong buồm ra biển, tránh bị nhà Hán đô hộ sau khi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại. Nhiều giả thiết cho rằng đoàn người di cư này đã sang đảo Sumatra (Indonesia) và trở thành người Minangkabau. Tộc người này theo chế độ mẫu hệ, theo thuyết vật linh (vạn vật đều có linh hồn) và đạo Hồi, duy trì tục nhuộm răng đen, ăn trầu cau và xây nhà có mái cong, khá giống kiến trúc nhà sàn thời Hùng Vương.

Tộc Lạc Long thì chắc chắn là dựa trên dân Lạc Việt rồi. Ban đầu, tớ định đặt tên tộc này là Nguyệt Long vì trong phiên âm tiếng Trung, chữ Việt và Nguyệt đều là "Yue", nhưng cuối cùng vẫn chọn tên Lạc Long vừa để liên tưởng đến tổ phụ Lạc Long Quân, vừa gợi nhắc cái tên Lạc Việt. 🤗

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro