Tình yêu sâu thẳm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vào ngày Itsumo bị ngất ở quán kem, thiếu nữ hát rong đã cõng cô bé về trại trẻ mồ côi. Cô ấy nói Itsumo từng giúp cô thoát khỏi gã say rượu quấy rối nên muốn đền ơn bằng một chầu kem. Ai ngờ Itsumo than đau đầu rồi gục xuống bàn, cô gái đành cõng Itsumo về tận nhà. Trước lúc đi, nữ nghệ sĩ du mục nhờ dì Kaori đưa một phong thư cho Itsumo. Dì đã rất lo lắng, sờ trán thấy cô bé hơi sốt nên vội bế cô vào phòng, đặt lên giường, dùng khăn ướt đắp lên trán. Bác đầu bếp vốn có nhiều kinh nghiệm với trẻ nhỏ, đã khuyên dì Kaori đừng vội đem Itsumo đi gặp bác sĩ. Trước mắt cứ để cô nằm nghỉ, nếu hôm sau chưa tỉnh hẵng tính. Tới giờ ăn tối, cô bé vẫn li bì, dì Kaori đành bưng một phần cơm lên phòng cho cô. Bà còn chu đáo đặt thư của người hát rong vào khay đồ ăn để Itsumo mở ra đọc.

Hơn bảy giờ tối, đại gia đình Sakuragi ăn xong, đám trẻ bắt đầu tản về phòng riêng hoặc ra ngoài chơi. Toki vừa mở cửa phòng đã thấy mâm cơm trên bàn Itsumo hết sạch, cô bé thì đắp chăn ngủ trên giường. Trên bàn Toki có tờ giấy nhắn: "Tớ còn mệt lắm. Toki-san giúp tớ bưng chén bát xuống bếp nhé. Mai tớ sẽ khỏe lại thôi. Cám ơn cậu nhiều!" Toki không phàn nàn gì, im lặng làm theo lời nhờ vả. Cả tối đó, Itsumo không một lần trở dậy, cứ trùm chăn kín người, nằm quay mặt vào tường. Thỉnh thoảng, Toki nghe tiếng sụt sịt rất khẽ trong chăn, nhỏ đoán bạn mình bị sổ mũi. Hôm sau, cô bé mắt màu hổ phách thức giấc lúc năm giờ sáng, mặt mũi hốc hác và hai mắt sưng lên do khóc nhiều. Cô rón rén rời phòng, xuống nhà bếp đánh răng rửa mặt để không đánh thức bất cứ ai đang ngủ trên lầu. Xong xuôi đâu đấy, Itsumo trở lên phòng, đọc lại bức thư của người thiếu nữ hát rong. Cô ấy viết rằng nếu Itsumo muốn gặp nhau ở đâu, lúc nào thì viết lên một mẩu giấy nhỏ, gấp lại rồi buộc vào chấn song cổng cô nhi viện lúc sáng sớm, trước giờ trẻ em Konoha đi học. Cô ấy sẽ tự đến lấy mẩu giấy.

Itsumo nhắm mắt nghĩ ngợi hồi lâu rồi viết vào một mảnh giấy: "Chào chị. Ngày mai là chủ nhật nên em được nghỉ, hãy gặp nhau ở quán trà Konoha lúc tám giờ sáng."


***


Quán trà Konoha là quán trà lớn nhất làng, ngày nào cũng đông khách, nhất là cuối tuần. Đây quả là nơi thích hợp để tâm sự chuyện cũ mà không bị để ý. Itsumo và người hát rong chọn chỗ ngồi ở góc khuất, xa khỏi đám đông ồn ào. Cô bé chưa dám tiết lộ quá khứ của mình, quá khứ mà cô chỉ vừa nhớ ra. Trước tiên, cô cần biết nữ nghệ sĩ lang thang này là ai, liên quan gì tới gia đình cô. Hồi Kenshin còn sống, anh rất cảnh giác với người lạ, luôn đề phòng ông chú độc ác truy tìm họ. Lỡ cô gái này do ông ta gửi đến bắt Itsumo thì sao? Nghĩ đến đây, tóc gáy cô bé dựng hết cả lên. Thấy vẻ bất an của cô, thiếu nữ da nâu trấn an: "Chị từng làm việc trong bộ phận hậu cần thuộc quân đội của cha em. Tên chị là Michiru. Trước khi hy sinh, tướng quân Fujiwara nhờ chị chuyển di thư về cho gia đình. Tiếc rằng lúc chị đến nơi, phu nhân đã qua đời, hai đứa con thì chuyển về ở với chú ruột."

Nói đến đây, người con gái tên Michiru cau mày rồi ngậm ngùi kể tiếp: "Chị từng đến nhà chú của em vài lần nhưng không được phép vào, cũng không được gặp em và anh trai. Vì người chú đó không đáng tin nên chị không gửi di thư cho ông ta, đành mang theo bên mình đến giờ." Itsumo gật gù tán đồng cách làm đó, nhất định ông ta sẽ hủy di thư thay vì đưa cho anh em cô.

Sau khi húp một ngụm trà nóng, Michiru lục lọi trong túi, lấy ra xấp thư của Fujiwara Kaneyoshi được bọc cẩn thận bằng khăn gấm. Thứ tiếp theo Michiru đặt lên bàn khiến cô bé mắt màu hổ phách sững sờ. Đó là chiếc mề đay bạc mà anh trai cô từng đeo, cùng cặp với cái của cô. Trước kia, cặp mề đay này thuộc về cha mẹ họ, nắp mề đay khắc cành hoa tử đằng tinh xảo, ám chỉ gia huy nhà Fujiwara. Sau khi cha mẹ mất, Kenshin quyết định đeo mề đay của cha còn em gái đeo mề đay của mẹ. Anh bảo làm thế họ sẽ mãi nhớ được gia đình mình. Hai năm trước, làng chài bị bọn cướp tấn công, tưởng chừng mọi thứ đã cháy hết cùng Kenshin. Thật không ngờ...

Itsumo nhanh chóng tháo mề đay trên cổ ra, để cạnh chiếc trên bàn. Hai bức ảnh nhỏ trong cặp mề đay ghép lại thành một gia đình trọn vẹn, Itsumo đeo ảnh hai anh em còn Kenshin đeo ảnh cưới của cha mẹ. Bằng phép màu nào đó, ảnh trong mề đay của Kenshin chỉ bị cháy sém ở rìa chứ không bị thiêu rụi. Cô bé ngắm nghía cặp mề đay hồi lâu rồi mỉm cười vui sướng, nói với thiếu nữ hát rong: "Cám ơn chị! Cám ơn chị nhiều lắm, Michiru-san!"

"Trông cậy vào cô đấy, Michiru-san. Cám ơn vì tất cả!"

Trong khoảnh khắc, cô gái tóc trắng như nghe thấy lời trăn trối của vị tướng Hùng lang. Khác chăng, ông không vừa cười vừa khóc như đứa trẻ trước mặt cô, thay vào đó là nụ cười bình thản cùng ánh mắt đượm buồn. Đã năm năm rồi, hình ảnh tướng quân Kaneyoshi vẫn in đậm trong tâm trí Michiru, dẫu cô có lang thang khắp chân trời góc bể và gặp gỡ biết bao người. Suốt thời gian qua, cô đã kiên trì tìm kiếm các con ông kể từ khi nghe tin họ mất tích. Vất vả lần theo những đầu mối ít ỏi, Michiru đến được một làng chài nhỏ ven biển. Đau đớn thay, cô đã chậm một bước. Ngôi nhà tồi tàn của hai anh em đã cháy rụi vì lũ cướp, chỉ còn chiếc mề đay bạc sót lại sau đám cháy, Michiru đã mua nó từ trưởng làng. Thôn dân bảo chỉ có người anh chết, người em trốn trong một hốc tường bí mật nên được cứu thoát kịp thời. Tuy nhiên, đứa bé ấy đã mất trí nhớ do bị sốc nên bỏ làng đi lang thang. Michiru tiếp tục truy tìm con gái của Kaneyoshi. Điều này thực sự khó, bởi một đứa trẻ tóc nâu, ăn mặc bần hàn và bị mất trí nhớ không quá nổi bật giữa hàng trăm trẻ em mồ côi sau chiến tranh. Nếu không nhờ mạng lưới quan hệ rộng rãi, có lẽ Michiru sẽ mất nhiều năm mới tìm ra Fujiwara Saya hoặc không thể tìm được.

Dựa theo lời kể của một đoàn buôn, thiếu nữ hát rong biết họ từng cưu mang một bé gái vô danh có độ tuổi và ngoại hình khớp với Saya. Vài thành viên trong đoàn đã thuyết phục trưởng đoàn nhận cô bé vì thương tình. Vào mùa đông hai năm trước, trưởng đoàn buôn đã kiếm cớ bỏ mặc cô bé ở Konoha với chút tiền ít ỏi, từ đó không rõ đứa trẻ này ra sao. Lòng le lói tia hy vọng, Michiru lập tức khăn gói đến làng Lá. Quả nhiên trời không phụ lòng người. Chẳng mấy chốc, cô tìm thấy Saya, nay có tên mới là Sakuragi Itsumo. Lúc gặp Itsumo lần đầu ở lễ hội mùa hè, Michiru đã biết ngay là con ruột của tướng quân Kaneyoshi.

Hai năm trước, Michiru từng quỳ trước mộ Kenshin ở làng chài, thề với anh và cha anh sẽ tìm ra Saya bằng mọi cách. Bây giờ, lời hứa đã hoàn thành.

Đợi Itsumo nguôi cơn xúc động, Michiru mới kể vắn tắt tình hình sau khi cô bé và anh trai bỏ trốn. Người chú gian manh, tráo trở của họ đã bị hành hình công khai vì tội ngược đãi con cháu dòng chính nhà Fujiwara, hỗ trợ kẻ bất tài vô đức lên làm lãnh chúa Thủy quốc, bịa chuyện bôi nhọ trung thần. Những kẻ theo phe ông ta đều bị trừng phạt thẳng tay, danh dự của tướng quân Fujiwara Kaneyoshi được rửa sạch.

Tướng quân Heishi Tora, người luôn xem Kaneyoshi như anh em chí cốt, vô cùng phẫn nộ và thương xót cho các con của bạn mình. Ông chẳng ngại thuê người tìm kiếm Kenshin và Saya, dán ảnh hai đứa trẻ ở nhiều nơi nhưng không có kết quả. Chắc vì Kenshin dẫn em gái chạy trốn quá xa, đến tận một ngôi làng hẻo lánh nơi dân bản xứ không biết họ là ai. Hai năm trước, Michiru gửi thư cho Tora, báo tin Kenshin đã chết còn Saya đi đâu chưa rõ. Ông đau buồn hồi âm lại rằng hãy mang tro cốt Kenshin về nhà, và tìm lại Saya nếu có thể.

"Sa... Itsumo-san, em có muốn về Thủy quốc không?"  Michiru hỏi, đôi mắt xanh xám dịu dàng nhìn cô bé  "Em là người mang huyết mạch chính tông của nhà Fujiwara, dòng dõi samurai lâu đời của Thủy quốc. Chỉ cần em trở về, chắc chắn họ sẽ nuôi dạy em tử tế."

Sự thật đúng như Michiru nói, nhà Fujiwara rất muốn tìm ra con gái mất tích của Kaneyoshi. Mặc dù nhiều bô lão thiên vị trưởng nam thừa kế như Kenshin nhưng giá trị của tiểu thư dòng chính vẫn rất lớn. Bên cạnh những điều phức tạp, gò bó của giới quý tộc, cuộc sống ở gia tộc Fujiwara vô cùng sung sướng, giàu sang và đáng mơ ước với nhiều người. Trên hết là Itsumo sẽ khôi phục thân phận cao quý trước kia. Cô bé xứng đáng với điều đó.

Tuy nhiên, đứa trẻ mắt màu hổ phách chỉ khẽ lắc đầu. Lúc này, khuôn mặt cô bé không còn ngây ngô mà rất chín chắn và bình tĩnh. Cô trả lời không do dự:

- Em từ chối.

- Tại sao?  Michiru ngạc nhiên hỏi  Chỉ cần về nhà Fujiwara, em sẽ được phục hồi danh phận tiểu thư quý tộc, thoát khỏi sự vất vả nghèo hèn. Em sẽ không cần sống trong cô nhi viện, chạy việc vặt kiếm tiền mỗi ngày nữa.

- Em không cần làm tiểu thư. Với em, sống thế này là tốt rồi. Ở đây, em có một gia đình mới và nhiều người bạn tốt. Konoha đã thành quê hương thứ hai của em. Bây giờ, em còn nhớ ra cha mẹ và anh trai mình nữa. Thế là quá đủ.

- Không hối hận chứ, Itsumo-san? Em sẽ mất cơ hội đổi đời đấy.

- Dạ không!  Itsumo tự tin vỗ ngực, dõng dạc nói  Đời mình phải do mình tự quyết, tiền phải do chính mình kiếm ra. Sư huynh luôn dạy em như vậy.

Cô gái hát rong sững người. Nụ cười đó sao mà quen thuộc quá! Itsumo thực sự giống cha mình như đúc, làm Michiru cay cay khóe mắt. Người thiếu nữ nghĩ về những ngày cô âm thầm quan sát Itsumo. Dù là đi học, đi chơi hay tập kiếm, đứa trẻ mắt màu hổ phách luôn chăm chỉ, lạc quan, tận hưởng mọi niềm vui quanh mình, ung dung tự tại như chim trời cá nước. Nếu bắt ép Itsumo trở về làm Fujiwara Saya, liệu cô bé có thể tràn đầy sức sống như bây giờ không? Michiru nhớ lại vị tướng Hùng lang mình hằng kính trọng. Ông tôn trọng luật lệ và truyền thống nhưng không cứng ngắc tuân theo nguyên tắc, luôn ưu tiên nhu cầu và nguyện vọng của những người mình yêu thương.

Ông sẽ muốn con gái hạnh phúc dù cô bé chọn sống thế nào.

Sau buổi trò chuyện, Itsumo và Michiru rời quán trà khi sắp đến giờ ăn trưa ở trại trẻ mồ côi. Itsumo ôm chặt xấp thư của cha vào lòng. Suốt năm năm dài, cô bé vẫn luôn trông đợi ngày này, ngày cô được cất tiếng gọi "cha" kìm nén sâu trong tim. Đứa trẻ mắt màu hổ phách ngước nhìn người con gái tóc bạc, cám ơn cô lần nữa. Michiru hứa sẽ không tiết lộ chuyện "Saya" còn sống với nhà Fujiwara và tướng quân Tora, cô bé có thể an tâm sống tiếp dưới tên Sakuragi Itsumo, một thường dân làng Lá.

Trước lúc tạm biệt, Michiru tươi cười bảo: "Em không cần bận tâm, Itsumo-san. Chỉ cần em hạnh phúc, chị tin ngài Fujiwara sẽ không phản đối. Bảo vệ bí mật của em là điều tối thiểu chị cần làm để trả ơn ngài ấy." Mỗi lần nhắc đến tướng quân của tộc hoa tử đằng, Michiru đều mỉm cười với ánh mắt lấp lánh. Thấy vẻ mặt đó, Itsumo nghiêng đầu hỏi: "Michiru-san, cha em rất quan trọng với chị đúng không ạ?"

Cô gái hát rong mở to mắt, ngạc nhiên vì bị hỏi thẳng. Tuy nhiên, cô nhanh chóng khôi phục nét mặt bình thản, siết nhẹ thanh Katana chuôi trắng và đáp: "Tướng quân Fujiwara là người mà chị tôn kính nhất trên đời. Dẫu dùng cả tính mạng, chị cũng không trả hết ơn nghĩa cho ngài ấy." Dứt lời, Michiru chào từ biệt cô bé mắt màu hổ phách. Một nghệ sĩ hát rong không bao giờ nán lại chỗ nào quá lâu, đến lúc cô tiếp tục chuyến phiêu lưu rồi.


..............


"Đóa hồng sa mạc" tựa mình vào một tảng đá lớn ven đường, cẩn thận mài sắc và đánh bóng thanh Katana. Bây giờ trời đã về chiều, cô đang chờ mấy con cá nướng bên lửa trại đủ chín. Làng Konoha đã khuất xa từ lâu, xung quanh cô chỉ còn rừng, suối và đường mòn. Trong gió chiều, những bím tóc màu trắng bạc của cô khẽ đung đưa. Cô ngẩng đầu đón gió, thở phào nhẹ nhõm. Sau nhiều năm phiêu bạt, cô đã hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng do Kaneyoshi giao phó. Cô mong mình không làm ông thất vọng.

Người thiếu nữ da nâu giơ thanh Katana lên ngang mặt. Sống kiếm khắc ba ký tự nhỏ: Mi-chi-ru. Đó là tên cô, chỉ có tên chứ không có họ vì cô chẳng thuộc gia tộc nào cả. Cái tên này được ghép lại từ ba chữ "xinh đẹp", "trí tuệ" và "lưu lại". (1) Nghe thì hay nhưng đây là tên do bà chủ kỹ viện đặt cho cô hồi nhỏ. Với cô, tên gọi này chỉ thực sự đáng quý khi được Fujiwara Kaneyoshi tặng thanh kiếm chuôi trắng. À không, có lẽ cô đã trân trọng cái tên Michiru từ ngày ông cứu mạng cô rồi.

Thanh kiếm Katana tuy đã dùng gần mười năm nhưng trông vẫn mới lắm, Michiru vẫn cẩn thận bảo dưỡng nó hàng ngày. Đôi mắt xanh xám của cô như thẫm lại khi bồi hồi nhớ về quá khứ. Đã bao lâu rồi kể từ ngày định mệnh đó? Cái ngày Michiru gặp vị samurai có nụ cười tựa ánh dương và đôi mắt màu hổ phách sáng ngời.


***


(Từ đây truyện kể theo góc nhìn của Michiru)


Hơn mười năm trước, tôi chỉ là một con bé khố rách áo ôm, không cha không mẹ. Từ lúc chập chững biết đi, tôi đã phải chật vật sinh tồn như loài chuột nhảy (2) giữa đại mạc khắc nghiệt. Vì làn da nâu sẫm cùng mái tóc trắng quá khác biệt so với người Phong quốc, tôi thường xuyên bị bắt nạt, kỳ thị. Trái tim tôi vẫn đập nhưng chưa từng biết yêu thương, nó bỏng rát, khô nóng hệt như gió cát trên sa mạc Phong Quốc. Tuổi thơ tôi trôi qua nơi đầu đường xó chợ, lấy nghề ăn xin, trộm cắp, móc túi mưu sinh. Năm chín tuổi, tôi bị bắt quả tang trộm ví tiền của một tên buôn người. Lão toan đánh chết tôi nhưng khựng lại sau khi săm soi mặt tôi. Thế là tôi bị bán vào phố đèn đỏ Phong quốc. Một bà chủ kỹ viện đã đồng ý mua tôi với ý định đào tạo thành Oiran - kỹ nữ cao cấp. (3) Tôi chẳng khác nào món hàng mua ngoài chợ đối với bà ta, một món hàng có "dung nhan độc đáo".

Lúc vừa mua được tôi, bà chủ sai người tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo chỉnh tề cho tôi, sau đó bà dẫn tôi vào phòng làm việc rồi hất hàm hỏi: "Mày tên gì?" Tôi lắc đầu nói không biết. Người đời luôn gọi tôi bằng những cụm từ như con mọi, quân ăn cắp, đồ mất dạy. Tôi không có tên họ đàng hoàng, nếu có thì tôi cũng chẳng nhớ. Nghe vậy, bà chủ chống cằm suy nghĩ hồi lâu, sau đó viết ba chữ lên giấy, gật gù nói: "Vậy tên mày sẽ là Michiru, vừa có sắc vừa có trí. Ngoại hình mày khá phết! Đôi mắt như sương khói rất đặc biệt! Đợi vài năm nữa là thành mỹ nhân ngay."

Tôi thờ ơ chấp nhận cái tên mới và cuộc đời mới. Chí ít khi làm kỹ nữ, tôi không phải lo cơm ăn hay chỗ ở. Chừng nào tôi còn hữu dụng, kỹ viện sẽ tiếp tục nuôi tôi. Bà chủ thường dọa sẽ bắt tôi làm gái bán hoa cấp thấp để trả nợ nếu tôi dám lười biếng, chống đối hoặc bỏ chạy. Nhưng bà không mong tôi sẽ ngu dốt đến thế, bởi Oiran cao cấp hơn hẳn gái làng chơi tầm thường. Một Oiran tầm trung đã có thể kiếm rất nhiều tiền. Tayū là đẳng cấp cao nhất trong giới Oiran, chỉ tiếp khách thượng lưu giàu có, thậm chí không cần bán thân. Họ là mục tiêu mà rất nhiều kỹ nữ muốn vươn tới nhưng chẳng mấy ai thành công.

Thời gian trôi qua, tôi dần thông thạo các kỹ năng quan trọng như hát, múa, chơi nhạc cụ, pha trà, hầu rượu, cắm hoa, thư pháp,... Bà chủ rèn luyện tôi rất kĩ, muốn tôi sớm thành tài để làm "át chủ bài" cho kỹ viện của bà. Nhờ làn da nâu mịn màng, tôi rất hợp với trang phục vũ công du mục và đồ truyền thống của nước Bhārata. (4) Bà chủ muốn tận dụng triệt để lợi thế này nên bắt tôi và các nhạc công học thêm âm nhạc, thơ ca, vũ đạo Bhārata. Trong cả rừng kỹ nữ da trắng như tuyết, diện Uchikake cầu kỳ thì một cô gái da nâu, ăn mặc kiểu ngoại quốc sẽ rất nổi bật.

Năm mười bốn tuổi, tôi chính thức được ra mắt quan khách với tư cách Oiran tập sự. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là hát và chơi đàn Shamisen phục vụ các samurai trong quân đội lãnh chúa Thủy Quốc. Họ và ninja làng Cát vừa thắng lớn ở mặt trận phía Bắc Phong Quốc nên đến kỹ viện này mở tiệc ăn mừng. Sau màn trình diễn Shamisen, bà chủ ra hiệu cho tôi đi thay đồ, chuẩn bị tiết mục chính. Trong lúc đó, kỹ viện sẽ mang món khai vị lên mời khách, một nhóm Kamuro (5) sẽ múa hát góp vui. Ngay khi các bé gái này "câu giờ" xong, tôi trở lại sân khấu trong trang phục múa Bhārata màu đỏ nhung thêu chỉ vàng. Lập tức khách khứa ồ lên đầy tò mò và thích thú. Tôi nở nụ cười quyến rũ, nhấc chân phải lên, lúc lắc cho chiếc vòng lục lạc ở cổ chân rung những tiếng vui tai. Đó là ám hiệu cho nhạc công bắt đầu chơi đàn Sitar và trống Tabla (6), hai nhạc cụ phổ biến ở nước Bhārata. Lập tức một giai điệu sôi nổi, bập bùng vang lên, tôi thuần thục lắc hông theo nhịp nhạc, hai tay không ngừng uốn lượn, tạo nên những chuyển động mềm mại và thanh thoát.

Đống trang sức vàng thật nặng nề, chiếc vòng đội đầu Maang Tikka (7) làm tôi ngứa ngáy. Vậy nhưng tôi vẫn nhảy múa hết mình, dồn hết đam mê vào từng động tác. Tôi tập trung đến nỗi chẳng quan tâm đến khán giả nữa, chỉ nghĩ đến âm nhạc, điệu múa cùng tiếng lục lạc leng keng. Điều tôi thực sự thích khi tập làm kỹ nữ chính là ca hát, chơi Shamisen và nhảy múa.

Khúc nhạc vừa dứt, các samurai Thủy quốc và ninja làng Cát liền vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Bà chủ cười không khép được miệng, những chị em khác cũng vui lây. Múa xong, tôi định ra ngoài thay đồ theo đúng kế hoạch thì bị một vị khách gọi giật lại, bắt tôi phải rót cho hắn một ly. Ánh mắt gã này soi mói khắp người tôi, nhìn là biết chẳng có ý định tốt. Mặc dù tôi rất muốn từ chối nhưng bà chủ đã cau mày lắc đầu, ngầm nhắc tôi phải vâng lời khách. Hết cách, tôi đành nặn ra nụ cười thảo mai, lễ phép rót rượu cho xong chuyện. Tuy nhiên, tên kia tận dụng cơ hội bóp mạnh ngực tôi. Cảm giác tởm lợm khiến tôi bất giác hất mạnh tay hắn ra, làm rơi cả bình rượu. Thấy thế, bà chủ và những kỹ nữ khác tái xanh mặt. Không khí bữa tiệc trở nên gượng gạo. Tôi nhận ra mình vừa để cảm xúc lấn át lý trí nhưng quá muộn rồi. Gã khách hắt ngay chén rượu trên tay vào mặt tôi, quát to: "Hạng kỹ nữ như ngươi dám tỏ thái độ vậy à??" Ngay sau đó, mắt mũi tôi tối sầm, đầu óc choáng váng và vị sắt tanh trào lên sống mũi. Lúc hoàn hồn lại, tôi đã ngã ngửa ra sàn, xung quanh là tiếng phụ nữ la lên hoảng hốt, trong đó có giọng bà chủ van xin khách bớt giận. Một chị đồng nghiệp đỡ tôi dậy và giúp tôi lau máu trên mặt. Bấy giờ tôi mới nhận ra mũi mình đầm đìa máu. Gã đó vừa đấm ngay giữa mặt tôi.

Trong thoáng chốc, máu trong người tôi như sôi lên. Tên khốn kiếp này chẳng khác gì lũ lợn đã bóc lột tôi ở khu ổ chuột. Dù có nhẫn nhịn hay cúi đầu nịnh nọt cỡ nào, chúng cũng kiếm cớ lôi tôi ra làm bao cát. Cơn giận khiến tôi đủ sức gượng dậy mặc cho đầu óc xây xẩm. Tôi dùng cánh tay chùi máu mũi, đứng thẳng lưng ưỡn ngực đúng với phong thái đĩnh đạc của Oiran. Hít một hơi qua chiếc mũi đau ê ẩm, tôi ngẩng cao đầu nói: "Thưa quý khách, tôi vẫn còn là Furisode shinzo nên không thể tiếp khách. Xin ngài trở lại sau khi tôi thăng cấp thành Oiran và trả tiền để gặp tôi."

Ấy là nếu ngươi đủ tiền, đồ con lợn!

Bà chủ càng thêm sợ hãi sau màn phản pháo của tôi. Chắc hẳn bà ấy đang muốn dọa rằng sẽ giáng tôi thành gái bán hoa hạng bét sau bữa tiệc, rằng tôi sẽ phải cút khỏi kỹ viện, vác theo tấm chiếu rách và lang thang tìm khách ở những nơi thấp kém nhất. Có lẽ bà dám làm vậy lắm, nhất là khi tôi đã cãi lại một samurai Thủy quốc và phá tan buổi ra mắt của chính mình. Nhưng vấn đề là... tôi có thể sống nổi qua đêm nay hay không? Nhìn kẻ say xỉn lao đến tấn công mình, tôi vẫn đứng thẳng lưng, cắn răng chịu trận. Chết vì bị khách bạo hành hay chết vì giang mai cũng có khác gì đâu. Tại sao phải quan tâm? Ít ra trước lúc về với đất, tôi cũng dám đáp trả một lần thay vì nhịn nhục.

"Bình tĩnh lại đi, anh bạn!"

Ai đó bỗng ôm chặt tên samurai từ sau lưng, ngăn hắn đánh chết tôi. Hắn càng vùng vẫy, người đó càng giữ chặt. Dù hắn cao lớn lực lưỡng hơn nhưng không thể thoát ra. Trong cơn say bí tỉ, hắn gào lên chửi rất thô tục. Nhiều vị khách trong phòng đồng loạt tái mặt, chứng tỏ người can thiệp có địa vị cao hơn hắn. Dẫu bị mắng chửi, người này chỉ nhẹ nhàng nói: "Ta đã bảo..."

Vừa nói, ông ấy vừa siết chặt vòng tay quanh hông gã say, uốn cong người ra sau, lôi theo cả hắn. Đầu tên đó va mạnh xuống sàn, mắt trợn ngược rồi bất tỉnh.

"... bình tĩnh lại cơ mà!"

Cả phòng tiệc im phăng phắc, đến nỗi mọi người giật mình khi nghe tiếng vỗ tay chậm rãi từ vị khách ngồi gần góc phòng - Heishi Tora, một tướng quân khá nổi tiếng của Thủy quốc. Ông khoảng bốn mươi tuổi, gương mặt góc cạnh để râu quai nón khiến đôi mắt đen càng thêm lạnh lùng. Tuy nhiên, vẻ nghiêm nghị của ông giãn ra một chút khi mỉm cười. Ông tán thưởng: "Đòn suplex (8) đẹp lắm!" Người vừa hạ đo ván tên kia liền đứng dậy phủi áo, cười nhẹ đáp: "Huynh quá khen, Tora-senpai."

Lúc này, tôi mới được dịp nhìn rõ ân nhân cứu mình. Đó là một người đàn ông hơn ba mươi tuổi, vóc người tầm thước, làn da hơi ngăm, mái tóc nâu hạt dẻ bồng bềnh được vuốt lên để lộ vầng trán cao, một phần tóc mai bên trái của ông được thắt thành bím tóc nho nhỏ. Ông mặc kimono đen và hakama sọc trắng đen, khoác ngoài là haori bằng gấm đen tuyền, nhìn rất trang trọng. Tuy nhiên, khác với sự lạnh lẽo đáng sợ tỏa ra từ tướng quân Heishi, người này lại nở nụ cười ấm áp và nói: "Xin lỗi! Cấp dưới của ta lỗ mãng quá."

Gia huy trên áo ông là hình hoa tử đằng cách điệu, thuộc dòng họ Fujiwara. Mắt ông trong veo như nước hồ thu, mang màu sắc kỳ lạ mà khá lâu sau tôi mới biết là màu hổ phách. Dù không thuộc hết tên khách khứa tối nay, tôi vẫn đoán ra danh tính người này. Nhiều cô gái trong kỹ viện đã bàn tán về "Hùng lang của gia tộc hoa tử đằng", vị tướng được ca tụng là tài đức, đẹp trai và lịch lãm. Tôi cụp mắt xuống, không muốn thất thố vì nhìn chằm chằm vào người đối diện, ngay cả khi tôi bị hút hồn vào cặp mắt và nụ cười đó. Tôi cúi đầu, trịnh trọng đặt tay phải lên ngực, nhoẻn cười đáp: "Xin đa tạ tướng quân Fujiwara cứu giúp! Tiện nữ cũng có lỗi vì cư xử không phải phép, làm khách mất vui." Thực ra tôi không nghĩ mình sai nhưng người chủ động nhận lỗi luôn được thông cảm và bênh vực. Một đàn chị từng dạy tôi sự khiêm nhường đúng lúc, đúng chỗ sẽ biến thua thành thắng.

"Luật của phố đèn đỏ rất rõ ràng, dù là khách hàng cũng không thể cậy thế làm càn. Tiểu thư đây không có lỗi. Ngược lại, bản lĩnh và lòng can đảm của cô thật đáng khâm phục. Chắc chắn bà chủ rất tự hào vì có một Oiran tương lai như cô. Về phần cấp dưới của ta, người này sẽ chịu hình phạt thích đáng."  tướng quân Fujiwara ôn tồn bảo, ánh mắt toát lên sự nghiêm túc và ngay thẳng. Lần này, tôi chỉ biết gật đầu, ngơ ngẩn nhìn ông mà quên mất mũi mình vẫn còn rỉ máu. Thấy thế, ông rút khăn mùi xoa ra, đưa cho tôi cầm máu. Tôi lúng túng nhận lấy rồi chặn lên mũi, chưa kịp cám ơn đã bị đồng nghiệp đẩy đi thay đồ và chữa vết thương. Đối với kỹ nữ, gương mặt giống như sinh mạng vậy.

Nhờ tướng quân Fujiwara, bầu không khí căng thẳng đã dịu xuống. Nhiều vị khách còn vỗ tay khen ngợi tôi. Nét mặt nhăn nhó của bà chủ giãn ra, thay bằng nụ cười cầu tài. Bà lập tức sai người dọn dẹp đống bừa bộn, khênh kẻ bất tỉnh sang phòng khác nằm nghỉ, kêu nhà bếp bưng món mới lên mời khách. Tiếp đó là màn biểu diễn hào nhoáng của một Koshi, "át chủ bài" kiêm Oiran cấp cao nhất kỹ viện này. Phần còn lại của buổi tiệc diễn ra suôn sẻ, ai cũng vừa lòng đẹp ý. Tàn tiệc, những cô gái tập sự Shinzou và Kamuro đứng xếp hàng hai bên lối ra vào, đồng loạt cúi chào, cám ơn khách khứa. Khi tướng quân Fujiwara đi ngang qua tôi, người đã thay sang bộ Furisode và kiểu tóc búi truyền thống, ông đứng lại hỏi: "Cho hỏi quý danh của tiểu thư là gì?" Lại nữa, người này tiếp tục gọi một kỹ nữ như tôi là tiểu thư. Tôi nhỏ nhẹ trả lời: "Thưa ngài, tiện nữ tên là Michiru." Ông mỉm cười hiền từ, dặn: "Nhờ tiểu thư giữ chiếc khăn cẩn thận. Ba ngày nữa, ta sẽ đến lấy." Tôi vâng một tiếng, cúi gập người tiễn ông ra về.

Trong hai ngày, tôi cố giặt chiếc khăn tay nhưng dấu máu không thể sạch hoàn toàn. Cuối cùng, tôi đành bỏ cuộc và bù đắp bằng việc xông hương thật đậm vào khăn, mong tướng quân Fujiwara sẽ không trách. Khăn mùi xoa của ông làm bằng vải lanh, màu xanh da trời, dính vài vết nâu mờ mờ do máu tôi thấm vào. Góc trái khăn thêu cành hoa tử đằng tím, bên cạnh là dòng chữ "Kaneyoshi" thêu nắn nót bằng chỉ màu xanh lá cây đậm. Chắc là khăn do vợ hoặc chị em của ông tặng. Vừa nhẹ nhàng sờ tên ông trên tấm khăn, tôi vừa nhớ lại con người kỳ lạ ấy. Ông đã cứu tôi và gọi tôi là tiểu thư. Lần đầu tiên ai đó giúp đỡ và xin lỗi tôi, còn là một samurai xuất thân cao quý.

Ngoài trời bỗng đổ mưa, cơn mưa hiếm hoi ở sa mạc Phong quốc. Tôi thích thú nhoài người ra ban công, hứng lấy những giọt mưa mát lành. Tôi lại nhớ đến tướng quân Fujiwara, cảm thấy ông và mưa thật giống nhau.

Đúng hẹn, tướng quân Fujiwara quay lại nhận đồ. Bà chủ niềm nở mời ông vào một căn phòng trang trí tao nhã, sai tôi vào hầu trà. Ngay khi gặp ông, tôi liền đưa trả chiếc khăn mùi xoa thơm nức mùi trầm, áy náy xin lỗi vì đã làm bẩn khăn. Tuy nhiên, ông chỉ tươi cười nói: "Cám ơn cô đã cẩn thận giữ gìn chiếc khăn, Michiru-san." Lần đầu tiên tôi gặp một khách hàng không tức giận, phàn nàn dù tôi làm bẩn đồ của họ. Đây cũng là lần đầu tiên tên tôi được gọi với thái độ tôn trọng, như thể tôi là một con người, không phải đồ chơi trong tay đàn ông như bà chủ vẫn nói.

Tôi bẽn lẽn gợi chuyện:

- Chắc vật này rất quan trọng với ngài.

- Vợ ta đã tự tay thêu nó.  tướng quân Fujiwara gật đầu nói, gấp chiếc khăn lại, cất vào tay áo kimono. (9)

- Quý phu nhân thật chu đáo!

- Ừ. Ta thật có phúc vì cưới được nàng ấy.

Khi nhắc tới vợ, người đàn ông tóc nâu mang biểu cảm rất đỗi dịu dàng. Tôi lặng người ngắm nhìn ông cho tới khi ông chỉ vào mũi mình rồi hỏi tôi: "Tiểu thư đã đỡ đau chưa? Ta hy vọng vết thương không để lại di chứng." Hôm nay, mũi tôi vẫn còn dán băng gạc. Nhờ bà chủ mời bác sĩ tốt nhất đến chữa kịp, gương mặt tôi không tổn hại gì, có điều tôi phải nghỉ vài ngày. Bất ngờ hơn, tiền thuốc thang của tôi đều do ngài Fujiwara chi trả. Ông bảo bà chủ đó là tiền bồi thường thiệt hại thuộc hạ mình gây ra. Nhờ vậy, số nợ của tôi ở kỹ viện không tăng.

Tôi tươi cười nhìn vị tướng Hùng lang, khiêm nhường cúi người đáp: "Dạ, tiện nữ đỡ nhiều rồi. Không chỉ cứu mạng tiện nữ, ngài còn trả tiền thuốc. Ơn này cả đời tiện nữ không quên." Lúc ngẩng đầu lên, tôi bắt gặp ánh mắt tinh nghịch không hợp với một tướng quân ngoài ba mươi tuổi. Ngài Fujiwara vui vẻ nói: "Vậy ta mong Michiru-san có thể đền ơn bằng việc này."

Từ đó, thỉnh thoảng tướng quân Fujiwara lại đến kỹ viện chúng tôi, lúc nào ông cũng gọi tôi ra hầu chuyện. Ngồi nghe ông tâm sự và giúp ông khuây khỏa bằng âm nhạc, thi ca, đó là cách ông muốn tôi trả ơn. Trong hai tuần quân Thủy quốc dừng chân ở phố đèn đỏ, tôi và ông dần quen biết. Càng tiếp xúc với ông, tôi càng yêu quý hơn. Ngoài chủ đề văn chương, lịch sử, ông còn kể với tôi về gia đình, về người vợ hiền thục cùng hai đứa con ngoan ngoãn, người con trai cả nhỏ hơn tôi một tuổi. Lần nọ, ông khoe tôi một bức ảnh chụp bé gái khoảng hai tuổi, tóc tơ màu nâu hạt dẻ, mặc kimono hồng phấn. Nụ cười và đôi mắt đứa trẻ giống hệt ông. "Báu vật của ta đấy! Con bé tên là Saya." – tướng quân Fujiwara tự hào khoe, cười hồn nhiên như trẻ nhỏ, khác hẳn sự điềm đạm thường thấy. Nụ cười ấy khiến tim tôi hẫng một nhịp.

Vậy nhưng, tôi nhanh chóng trấn tĩnh trái tim mình. Ít lâu sau, ông và quân đội Thủy quốc sẽ rời khỏi đây. Dù tôi quyến luyến ông, cuộc gặp này cũng chỉ như gió thoảng mây bay.


***


Mọi người bắt đầu xôn xao nhiều hơn về Đại chiến ninja lần thứ ba. Các kỹ nữ thường xuyên lấy nó làm đề tài buôn chuyện, nhiều người thấp thỏm lo lâu. Nhưng bà chủ không mấy để tâm đến chiến tranh, bà chỉ chú ý đến lễ thăng cấp của tôi. Cuối cùng, tôi cũng sắp thành Oiran chính thức. Dù phải bắt đầu từ cấp thấp nhất của giới Oiran nhưng chỉ cần chăm chỉ mài giũa bản thân, tôi tin mình sẽ bước lên đỉnh cao. Một vài đàn chị chê tôi không biết tự lượng sức, bà chủ thì vui vẻ vỗ lưng tôi bồm bộp, khen tôi có tham vọng.

Tiếc thay, ước mơ trở thành Tayū của tôi không bao giờ thực hiện được.

Đúng vào đêm kỹ viện làm lễ thăng cấp cho tôi, phố đèn đỏ bị quân địch đột kích. Chẳng ai ngờ được, kể cả lãnh chúa Phong quốc và Kazekage, vì gần như ai cũng lo bảo vệ kinh đô, làng Cát và vùng trọng yếu. Đám quân hung bạo thuận lợi tiến vào phố thanh lâu, tha hồ bắt cóc, cướp phá và cưỡng hiếp. Ngay cả nàng Tayū cao quý nhất cũng bị đối xử y như kỹ nữ mạt hạng, những khách làng chơi giàu có thì bị lột sạch của cải rồi giết dã man. Kỹ viện của bà chủ và nhiều tòa nhà khác đều bốc cháy hoặc bị đập phá. Trong cơn hỗn loạn, tôi lạc khỏi bà chủ cùng chị em mình. Từ một Oiran đầy hứa hẹn, tôi quay về là con bé lạc loài nhiều năm trước, không người thân, không chỗ dựa. Bấy giờ, bộ Uchikake lộng lẫy của tôi phải đổi sang quần áo sờn cũ, bẩn thỉu, rộng thùng thình. Mái tóc từng búi cầu kỳ của tôi trở nên rối bù và cắt ngắn nham nhở, gương mặt trang điểm kỹ càng thì lem luốc. Muốn giữ mình khỏi lũ cầm thú, tôi càng xấu xí càng tốt.

Bơ vơ giữa thành phố hoang tàn, tràn ngập máu tanh, tôi cắn răng nuốt nước mắt, cố gắng giữ bình tĩnh. Có lẽ... bà chủ và mọi người vẫn còn ở quanh đây, tôi phải sống để tìm ra họ. Thật không may, phe địch đã dùng Thổ độn tạo mưa đá, bắn liên tiếp vào thường dân, gây thương vong vô số kể. Dù một bên bắp chân bị mảnh đá cứa sâu, bản năng sinh tồn vẫn giục tôi cuống cuồng chạy vào góc nhà đổ nát, bất chấp việc ở đó có hai xác người cháy đen nằm co quắp. Mùi thịt khét lẹt xộc thẳng vào mũi khiến tôi buồn nôn khủng khiếp, nhưng tôi không dám phát ra tiếng động nào, sợ đám lính tóm được. Vừa cố thu mình vào góc tối, tôi vừa cầu cho quân địch không tìm ra. Bỗng đợt mưa đá nữa dội xuống, góc nhà lung lay rồi đổ ập xuống người tôi. Tôi hoảng sợ ôm đầu, thét lên. Nhưng cơn đau kinh khủng không ập đến, thay vào đó là giọng đàn ông thở phào nói: "May quá! Vừa kịp."

Khi khói bụi lắng xuống, tôi thấy một người đang dùng lưng và cánh tay che cho tôi khỏi bị bức tường đè chết. Dù ông mặc áo giáp và đội mũ sắt, tôi vẫn nhận ra cặp mắt màu hổ phách cùng nụ cười ấy. Là tướng quân Fujiwara! Nước mắt chảy ướt đẫm gương mặt dính đầy đất cát, tro bụi của tôi. Chắc do thân hình tôi nhỏ nhắn và mặc đồ rộng, ông tưởng tôi là trẻ lạc nên vỗ đầu tôi an ủi: "Đừng sợ, cháu bé! Chúng ta đã ở đây rồi! Quân đội Thủy quốc đã ở đây rồi!" Thấy chân tôi bị thương, ông vội bế tôi lên, chạy đến giao cho quân y.

Trong lúc các y sĩ sơ cứu bắp chân tôi, mắt tôi đã chứng kiến thời khắc hào hùng nhất mà đời mình được chứng kiến: Tướng quân Fujiwara giơ cao thanh gươm sáng loáng ánh thép, cất tiếng hô vang rền tựa sấm: "QUYẾT THẮNG!!" Các samurai và binh lính Thủy Quốc đồng thanh hô to đáp lại. Khí thế hừng hực bừng cháy từ trong lồng ngực họ, trong đáy mắt họ.

Phía Đông ửng lên quầng sáng bình minh, soi sáng lá cờ xanh dương in biểu tượng Thủy Quốc tung bay phấp phới. Đúng lúc đó, hàng chục ninja từ làng Cát cũng tới yểm trợ. Người dân còn sống sót phấn khởi hẳn lên, những cảnh vệ phố đèn đỏ nhanh chóng xốc lại tinh thần, phối hợp với quân Thủy quốc và ninja làng Cát chống lại kẻ địch. Họ càng đánh càng hăng, hào khí còn thôi thúc nhiều thường dân tham gia chiến đấu chung. Lòng căm thù tiếp thêm sức mạnh cho những người đó, khiến họ có can đảm nhặt bất cứ thứ gì làm vũ khí, xông lên đánh đuổi lũ xâm lược ra khỏi thành phố. Tướng địch vừa uất vừa thẹn, tức tối chửi rủa phe Thủy quốc và tướng quân Fujiwara. Hắn chửi chưa hết câu, hàng trăm con rồng nước từ các ninja Thủy quốc đồng loạt bay đến, dội xuống đầu quân địch. Vì bất ngờ, chúng không kịp dùng Thổ độn chống đỡ và ướt như chuột lột, nước đọng thành rất nhiều vũng to trên mặt đường lát đá.

Vị tướng Hùng lang đứng hiên ngang trên đống đổ nát, cất tiếng sang sảng: "Ta cho các ngươi mười phút để rời khỏi thành phố. Nếu không..." Ông vẫy tay ra hiệu, một ninja làng Mây liền bước đến và giương cung lên. Tướng địch thấy thế liền châm chọc rằng mũi tên bé tí ấy làm được gì. Ninja kia không trả lời, bắn tên vào vũng nước dưới chân tướng địch. Ngay sau đó, hắn co giật liên hồi rồi ngã ngửa ra, sùi bọt mép. Binh sĩ kinh sợ không hiểu tại sao, cho đến khi tướng quân Fujiwara lạnh lùng nói tiếp: "Nếu không, đừng trách những mũi tên sét này vô tình."

Ông vừa dứt lời, vài chục ninja làng Mây cùng xuất hiện trên các mái nhà, lăm lăm cung tên trong tay, chỉ chờ lệnh là bắn. Thì ra đó không phải những mũi tên bình thường mà là tên sét, được ninja làng Mây dùng Lôi độn tạo ra. Chẳng dám đắn đo suy nghĩ, quân địch tự động kéo nhau bỏ chạy. Người dân mừng rỡ ca ngợi quân đội Thủy quốc, hô vang biệt danh "Hùng lang" của tướng quân Fujiwara. Tôi hòa chung niềm vui với họ, reo hò đến khi khản giọng mới thôi.

Sau cuộc chiến, quân Thủy quốc và một đội ninja làng Cát nán lại giúp xây dựng nhà cửa, phân phát lương thực cho dân chúng, mai táng người đã mất. Trong số nạn nhân tử vong có bà chủ tôi, bốn Oiran cấp cao, tám cô bé Kamuro và ba người giúp việc. Tôi cùng vài chị em còn sống chôn cất họ ở ngoại thành. Vậy là tôi đã mất nơi mình từng coi là gia đình. Dù bà chủ không hề dịu dàng tốt bụng, dù bà chỉ huấn luyện tôi vì lợi lộc, bà vẫn là hình mẫu gần nhất với một người mẹ trong lòng tôi. Tới tận lúc ở bên nhau lần cuối, tôi vẫn chưa một lần gọi bà là Okaa-san. (10)

Quỳ lạy trước nấm mộ đơn sơ của bà, tôi lẩm bẩm: "Mẹ, cám ơn mẹ đã đặt tên và nuôi dạy con."

Phố đèn đỏ một thời xa hoa lấp lánh nay chỉ còn lại tro tàn và gạch vụn. Đa số kỹ nữ phải bỏ nghề, tìm đường về quê hoặc đi nơi khác sinh sống. Vậy nhưng, tôi đã xin gia nhập đội quân của tướng quân Fujiwara. Để tăng cơ may được nhận, tôi khai mình là hầu gái của Oiran, thật ra cũng không hẳn là nói dối. Hồi mới vào kỹ viện, tôi từng là Kamuro và phải làm đủ thứ việc vặt như nấu nướng, giặt giũ, quét dọn, may vá. Mặc kệ tôi thuyết phục cỡ nào, lính gác doanh trại vẫn không cho tôi vào, bảo chỗ này không cần trẻ con, càng không cần kỹ nữ hoặc hầu gái của Oiran. Thậm chí anh ta còn nghĩ tôi nói dối vì bộ dạng tôi quá nhếch nhác, dù tôi đã rửa mặt sạch sẽ và cố chải tóc gọn gàng.

Tôi cố năn nỉ: "Xin hãy nhận tôi vào! Tôi biết nấu nướng, giặt giũ và làm việc nhà, chắc chắn sẽ hữu dụng với các vị." Anh lính kiên quyết lắc đầu, lấy cục lương khô trong túi bên hông ra, đưa cho tôi và nói: "Đây! Cô cầm lấy rồi đi đi! Doanh trại không phải chỗ cho cô."

"Có chuyện gì thế?"

Tôi và anh lính giật mình nhìn người vừa đến, là tướng quân Fujiwara. Vì đang là buổi trưa, ông mặc áo choàng trắng ngà có mũ trùm, loại trang phục chống nắng thường thấy của lữ khách sa mạc. Anh lính lễ phép chào, báo cáo rằng một nạn dân muốn gia nhập đội hậu cần. Nghe thế, vị tướng tóc nâu cúi nhìn tôi, ôn tồn giải thích: "Cậu ấy nói đúng đấy, cô gái trẻ. Hãy cùng nhóm người tứ cố vô thân đến ốc đảo nông trại gần làng Cát. Dân ở đó sẽ tạm thời cưu mang và tạo công ăn việc làm cho cô."

Tôi ngước nhìn đôi mắt màu hổ phách sáng ngời, cung kính nói: "Ngài đã hai lần cứu mạng tiện nữ, một lần ở bữa tiệc mừng công, một lần khi tiện nữ suýt bị bức tường đè chết trong cuộc chiến vừa qua. Xin hãy để Michiru có cơ hội đền ơn!" Dứt lời, tôi quỳ xuống thật tao nhã đúng tác phong của Oiran. Tướng quân Fujiwara đỡ tôi dậy, quan sát tôi hồi lâu rồi hỏi: "Michiru-san, là tiểu thư thật ư?" Tôi mỉm cười khi ông vẫn nhớ tôi là ai, điềm đạm đáp: "Vâng! Xin lỗi vì bộ dạng khó coi này. Tiện nữ buộc phải làm xấu mình để không bị địch bắt. Tướng quân Fujiwara, bà chủ của tiện nữ đã qua đời, bây giờ tiện nữ không còn gì để mất. Làm ơn thu nhận Michiru này về dưới trướng ngài! Tiện nữ không ngại khổ cực, hãy an tâm giao những việc chân tay cho tiện nữ. Nếu cần, ngài cứ việc dùng tiện nữ làm mỹ nhân kế."

Tướng quân Fujiwara nhắm mắt suy nghĩ hồi lâu. Khi mở mắt ra, ông nói với người tháp tùng mình, có vẻ là phó tướng: "Saitou-kun, ta nhớ bên hậu cần đang thiếu một tạp vụ. Cô gái này thích hợp đấy. Cậu dẫn cô ấy đi nhận việc nhé." Người tên Saitou nhướng mày nhưng không thắc mắc hay phản đối, bảo tôi theo anh ta. Tôi mừng rỡ đa tạ tướng quân Fujiwara rồi đi cùng Saitou.

Năm đó, tôi mười bốn tuổi còn tướng quân Fujiwara ba mươi bốn tuổi.


................


Vào bộ phận hậu cần chưa lâu, tôi nhận ra số lượng nữ ở đây tuy ít nhưng ai cũng thuần thục võ nghệ, cung kiếm. Tướng quân Fujiwara rất tôn trọng phái nữ, đặt họ bình đẳng với đàn ông. Vì vậy, những cô gái phụng sự quân đội của ngài đều được học chữ nghĩa, võ thuật và cách dùng vũ khí. Khi tình huống quá khẩn cấp, các cô gái này sẵn sàng ra chiến trường. Ai lập công sẽ được ban thưởng giống như mọi chiến sĩ khác, không hề phân biệt. Ngài Fujiwara từng nói lý do ngài đồng ý thu nhận tôi là vì tôi có thể sống sót trên chiến trường. Hồi phố đèn đỏ bị tấn công, tôi đã biết ngụy trang, chạy trốn, ẩn nấp và không hoảng loạn trước cảnh chém giết. Ngoài ra, ngài cảm thấy ánh mắt tôi rất mạnh mẽ, kiên định, long lanh như có nước nhưng không hề mềm yếu.

Khoảng hai tháng sau khi vào doanh trại, tôi phải chọn học một món vũ khí bất kỳ. Suy nghĩ hồi lâu, tôi ngỏ ý muốn học kiếm. Vậy là mỗi buổi chiều, tôi đều chăm chỉ luyện tập với thầy mình, một nữ ninja ở đội trinh sát. Mặc dù thể lực của tôi không đủ mạnh, lực đánh yếu nhưng tôi được khen vì sự nhanh nhạy, chính xác và động tác thanh thoát, đẹp mắt. Những năm tháng học múa cổ truyền và vũ đạo Bhārata đã không uổng phí. Chị ninja nghĩ tôi hợp với loại vũ khí như gai tay (Shuko), liềm gắn xích, đoản đao Tantō hoặc quạt chiến bằng sắt (Tessen). Katana khá dài và nặng so với thân hình nhỏ nhắn, mảnh mai của tôi. Tuy nhiên, tôi nhất quyết muốn học nên chị ấy không khuyên nữa.

Mấy tháng sau, tôi lập công trong nhiệm vụ hợp tác với đội trinh sát. Khi còn làm việc ở kỹ viện, tôi từng gặp qua nhiều khách hàng tai to mặt lớn. Một trong số đó hóa ra lại là kẻ cấu kết với ngoại bang, muốn chia rẽ quan hệ đồng minh giữa Phong quốc và Thủy quốc. Vì tôi nhận ra hắn kịp thời, đội trinh sát thành công tóm gọn một mối họa. Đội hậu cần cũng được thơm lây nhờ công trạng của tôi, không những vậy, tôi còn được đích thân tướng quân Fujiwara tuyên dương trước toàn doanh trại. Tôi nhớ mình đã cười toe toét như đứa ngốc khi ngài Fujiwara khen: "Làm tốt lắm, Michiru-san!"

Khi tôi tưởng lễ tuyên dương đã xong, một bọc vải dài bỗng được đem ra. Tướng quân Fujiwara tháo lớp vải, để lộ thanh Katana chuôi trắng, bao kiếm trắng tinh như ngọc và điểm xuyết vài đóa cúc vàng. Tôi sững sờ nhìn ngài nâng thanh kiếm bằng hai tay, đưa ra trước mặt tôi, nói: "Ta, Fujiwara Kaneyoshi, tướng quân thuộc gia tộc hoa tử đằng của Thủy quốc, ban thanh kiếm này cho Michiru của Phong quốc. Đây là phần thưởng cho sự chăm chỉ, tận tụy và can đảm của cô suốt thời gian qua."

Thỉnh thoảng, người đạt thành tựu đáng kể sẽ được đích thân tướng quân ban thưởng vật quý, thường là vũ khí. Phó tướng Saitou được tặng một thanh Katana mà anh rất quý, chị ninja dạy dỗ tôi thì được cây trâm bạc có thể dùng thay lưỡi dao, phi tiêu hoặc đồ thử độc. Họ đều đã cống hiến rất nhiều cho tướng quân Fujiwara, tôi nào sánh bằng họ. Cớ sao ngài ấy lại tặng tôi thanh Katana đẹp đẽ nhường này? Tôi lắc đầu, rụt rè nói: "Thưa tướng quân, tôi chỉ là một tạp vụ, chẳng qua ăn may trong nhiệm vụ vừa rồi thôi."

Tướng quân Fujiwara im lặng nhìn tôi rồi quay sang hỏi các binh sĩ: "Michiru-san có xứng đáng với phần thưởng này không?" Thầy của tôi giơ tay lên, dõng dạc đáp: "Có ạ! Michiru-san rất hiếu học, thông minh. Kiến thức của em ấy rất có ích cho đội trinh sát và mật thám." Chị vừa dứt lời, vài ba cô gái hậu cần vui vẻ nói: "Michiru-chan luôn cố gắng hết mình, không nề hà việc gì. Có cô ấy ở đây, chúng tôi đỡ bận hơn nhiều." Một người lính trẻ hô to: "Michi-chan, món Kanrobai (11) của cô ngon lắm!! Sau này làm tiếp cho bọn tôi nhé!" Cứ thế, mọi người đều góp lời, khẳng định tôi xứng đáng nhận thưởng.

"Đa tạ... tướng quân! Tôi... tôi xin nhận... thanh Katana này!"  tôi run run nói, cố không rơi nước mắt. Dù không còn là Oiran, tôi vẫn vô thức bảo vệ hình tượng. Bà chủ và các chị ở kỹ viện luôn dạy rằng khóc sẽ làm mặt mũi rất khó coi, bởi vậy một Oiran chân chính không được nhăn nhó khóc lóc. Giọng nói trầm ấm của tướng quân Fujiwara bỗng cất lên: "Không sao đâu! Nếu muốn thì cứ khóc đi, Michiru-san." Chỉ bằng câu nói ấy, tôi đã bật khóc như trẻ con. Chẳng ai chế giễu tôi cả, họ đều khích lệ, động viên và chúc mừng. Khoảnh khắc đó, tôi còn thấy hạnh phúc hơn cả hồi trở thành Oiran. Ôm chặt thanh Katana trắng tinh vào lòng, tôi tự thề sẽ dùng nó để chiến đấu vì đồng đội, phụng sự tướng quân Fujiwara đến cùng.

Lúc về lều hậu cần, tôi cẩn thận tuốt kiếm ra ngắm nghía, phát hiện thân kiếm khắc rãnh. Hôm sau, tôi thắc mắc hỏi thầy mình thì chị bảo cái rãnh làm trọng lượng kiếm nhẹ đi, hợp với nữ giới, độ dài kiếm cũng rất vừa với tôi. Quả thật tôi dễ dàng vung thanh kiếm này hơn so với các thanh Katana thường. Chị ninja gật gù nhận xét: "Quả là Hùng lang của chúng ta! Phần thưởng nào cũng tinh tế và hữu dụng." Vừa nói, chị vừa sờ cây trâm trên tóc, chiếc trâm tinh xảo đính con bướm nạm pha lê tím và xanh dương. Chị đã vài lần khoe tôi thứ này với vẻ tự hào. Tướng quân Fujiwara đúng là rất được thuộc hạ yêu kính. Tôi nhớ những lần ngài ghé qua thăm bộ phận hậu cần, hỏi han tất cả mọi người. Với ai ngài cũng đối xử tử tế, tựa như cách ngài luôn nhã nhặn gọi tôi là Michiru-san và nhìn tôi bằng đôi mắt hiền từ. Chúng tôi chưa bao giờ thấy ngài nổi giận hoặc mất bình tĩnh, ngay cả khi cấp dưới phạm sai lầm.

Trong mắt những người lính trẻ, ngài Fujiwara không chỉ là thủ lĩnh mà còn là cha, là anh. Trong mắt các cô gái hậu cần, ngài là ân nhân và thần tượng. Về phần tôi, ngài như cơn mưa quý giá giữa sa mạc khô cằn, như sao Bắc Đẩu dẫn đường cho lữ khách, như ốc đảo xanh tươi làm mát lòng người dân Phong quốc. Mỗi lần nghĩ đến ngài Fujiwara, trái tim tôi đều tràn ngập niềm vui.


***


Nửa năm sau, Đại chiến ninja lần thứ ba kết thúc. Trước đó khoảng hai tháng, các phe phái dần ký được hòa ước nên quân đội Thủy quốc bắt đầu rút khỏi Phong quốc và những nơi khác, lui về lãnh thổ của họ. Tôi là một trong số người không thuộc Thủy quốc nhưng vẫn nguyện ở lại với tướng quân Fujiwara. Sau khi ngài hồi hương, đoàn tụ với gia đình chưa được bao lâu thì nội loạn ập tới. Lãnh chúa Thủy quốc giao cho tướng quân Fujiwara nhiệm vụ trấn áp tộc cướp biển Funato, bảo vệ lãnh địa của ngài kiêm cửa ngõ quan trọng của Thủy quốc. Đó là một nhiệm vụ khó khăn vì tộc cướp biển này rất hiếu chiến, thông thuộc biển cả như lòng bàn tay. Nhưng tôi biết bọn chúng không thể làm khó ngài Fujiwara.

Tuy nhiên... kẻ nào đó đã ngấm ngầm phản bội, tuồn tin mật cho phe cướp biển, khiến hai trận chiến trước của tướng quân Fujiwara tổn hại nặng. Thư đồng (12) theo hầu ngài đã hy sinh, nhiều chiến hữu thân thiết của tôi cũng không còn. Vì nhân lực thiếu hụt, tôi kiêm luôn chức thư đồng. Dù ngài Fujiwara bảo có thể tự chăm sóc bản thân, tôi biết ngài đang cần hỗ trợ hơn bao giờ hết. Càng bớt lo việc lông gà vỏ tỏi, ngài càng có thêm thời gian ngủ nghỉ, suy nghĩ chiến lược.

Vào một đêm yên tĩnh, bầu trời trong vắt không gợn mây, tôi lúi húi sắp xếp mớ tài liệu lộn xộn trên bàn làm việc của ngài Fujiwara. Thỉnh thoảng, tôi ngắm bầu trời sao lấp lánh ngoài cửa lều. Đêm nay thật bình an và dịu mát, khó mà tin nổi dưới màn đêm tĩnh mịch này, chúng tôi đang chuẩn bị đối diện với trận chiến sinh tử. Đúng lúc ấy, trên giường của tướng quân có tiếng trở mình khe khẽ. Tôi giật mình quay sang nhìn. Ngài vẫn còn thức sao?

- Michiru-san, khuya rồi còn làm phiền cô. Cứ để như cũ, khỏi cần dọn.  ngài Fujiwara dụi mắt, mỉm cười nói.

- Không phiền đâu ạ! Tướng quân cứ nghỉ ngơi đi! Tôi sắp xong rồi.

Mọi thứ lại chìm vào im lặng, chỉ còn tiếng dế kêu bên ngoài lều. Tôi ngỡ ngài Fujiwara đã ngủ nên tiếp tục làm phần việc của mình. Một lúc sau, giọng nói trầm trầm của ngài cất lên: "Sắp đến lúc tuyết rơi rồi. Vào mùa này, vợ chồng ta và Sa-chan, Ken-chan thường ra sân nhà nghịch tuyết. Năm ngoái, Sa-chan vẫn còn nhỏ xíu đến mức nằm gọn trong lòng ta. Bây giờ thì..." Ngài bỏ lửng câu nói, khuôn mặt thoáng ưu tư. Dưới ánh nến mờ mờ, ngài trông thật buồn. Tôi chẳng biết nên nói gì, đành lặng lẽ phân loại đống tài liệu. Ai dè một lúc sau, tướng quân Fujiwara gọi tôi lần nữa. Bấy giờ, ngài đã ngồi hẳn dậy trên giường, gương mặt bình thản đến lạ lùng, sự bình thản ấy khiến tôi bỗng lo lắng.

Vị tướng mắt màu hổ phách mím môi rồi bảo: "Sáng sớm mai, một phần ba quân số sẽ tách ra, lên tàu đến lãnh địa của tướng quân Heishi. Michiru-san, cô sẽ đi cùng họ." Nghe vậy, tôi chết trân, mãi vài giây sau mới định thần lại, lắc đầu nói: "Không! Xin hãy cho tôi ở lại chiến đấu cùng mọi người!" Sắp tới là trận quyết chiến với phe hải tặc Funato, làm sao tôi có thể bỏ mặc đồng đội và tướng quân Fujiwara! Dù biết kháng lệnh là tội lớn, tôi vẫn cúi gập người, cầu khẩn: "Tướng quân, tôi không có quê nhà hay người thân. Quân đội chính là gia đình của tôi, tôi muốn sát cánh bên họ tới phút cuối! Làm ơn đừng bắt tôi rời xa họ!"

Làm ơn đừng bắt tôi rời xa ngài!!

"Không được. Đây là mệnh lệnh."

Ngữ khí của tướng quân Fujiwara vẫn ôn hòa, nhẹ nhàng nhưng gương mặt ngài lại rất oai nghiêm, cặp mắt màu hổ phách nhìn tôi đầy cương quyết. Tôi hiểu ngài không đề nghị mà đang ra lệnh cho tôi. Dù ngài có thân thiện, dễ gần nhường nào, ngài vẫn là tướng quân và tôi vẫn là lính dưới quyền ngài. Tôi cắn răng, mắt mũi cay xè nhưng vẫn cố đứng thẳng lưng, buồn rầu trả lời: "Tuân lệnh tướng quân!"

Ngài Fujiwara gật đầu hài lòng, lấy xấp thư đặt cạnh gối nằm trao cho tôi. Ngài cười buồn nói: "Nhờ cô đưa những lá thư này cho gia đình ta ở Thủy Quốc. Nhắn với vợ con ta rằng: Ta mãi mãi yêu họ, xin lỗi vì đã không thể trở về." Tôi run rẩy nhận xấp thư, nước mắt trào ra. Tôi vội vàng lấy tay áo chùi mắt, sợ làm ướt xấp thư, càng sợ mình không nhìn rõ người trước mặt lần cuối. Vị tướng Hùng lang xoa đầu tôi thay lời an ủi, trên môi vẫn là nụ cười dịu dàng tựa cơn mưa trên sa mạc.

"Trông cậy vào cô đấy, Michiru-san. Cám ơn vì tất cả!"

Đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với ngài.

Mờ sáng hôm sau, tôi cùng một phần ba binh sĩ rời khỏi căn cứ trên đảo. Phó tướng Saitou tiễn chúng tôi với gương mặt tiều tụy nhưng nghiêm túc. Anh đã mất cánh tay trái sau trận chiến vừa qua, chỉ có thể dùng kiếm ngắn để chiến đấu. Mặc dù ngài Fujiwara từng đề nghị anh đi cùng chúng tôi đến chỗ tướng quân Heishi, Saitou đã kiên quyết chối từ. Anh bảo một phó tướng phải ở cạnh chỉ huy của mình tới cùng. Trước khi tàu rời đảo, Saito căn dặn mọi người làm theo đúng kế hoạch đã định, riêng tôi thì chỉ nhận được một câu: "Cô không cần quay lại đâu. Hãy sống thay cả phần chúng tôi."


***


(Kết thúc hồi ức của Michiru)


Khi trời hửng sáng, cô gái hát rong mơ màng tỉnh dậy, cả người hơi mỏi vì ngủ dựa lưng vào tảng đá cứng. Sờ lên mặt, cô thấy vẫn còn vương nước mắt. Có lẽ vì đã hoàn thành lời hứa với Kaneyoshi và con trai ông, cô được thưởng một giấc mộng đẹp. Trong mơ, cô gặp lại vị tướng mắt màu hổ phách và nhiều đồng đội đã khuất. Họ hồ hởi đón chào cô, rủ cô hát cùng họ như những đêm hội ngày nào trong doanh trại. Tướng quân Fujiwara đã xoa đầu Michiru, nói cô làm rất tốt nhiệm vụ. Nụ cười ấm áp của ông khiến cô không kìm được nước mắt. Kết quả là mỹ nhân được mệnh danh "đóa hồng sa mạc" ngủ dậy với gương mặt tèm lem.

Rửa mặt và ăn sáng xong, Michiru thu dọn hành trang, ngắm nghía thanh Katana một lúc trước khi tra vào bao. Cô đội mũ rộng vành, khoác áo choàng đen vào người, đeo túi đồ và cây đàn Shamisen lên vai rồi tiếp tục hành trình. Lần này Michiru nên đi đâu đây? À phải rồi! Trước tiên cô cần ghé làng chài ở Thủy quốc, mang hài cốt Kenshin về nghĩa trang dòng họ Fujiwara, giúp anh đoàn tụ với cha mẹ. Tiếp theo, cô sẽ viếng mộ Kaneyoshi, rót rượu thượng hạng lên mộ ông và ngồi tâm sự cùng linh hồn ông thật lâu. Michiru sẽ kể về con gái ông, đứa trẻ nhỏ xíu mà ông từng ôm trong tay, giờ đã lớn hơn nhiều và trở thành một cô bé đáng yêu, nhân hậu. Nhân hậu giống hệt cha cô, vị tướng Hùng lang tôn quý.

Dòng suy nghĩ của Michiru đứt đoạn bởi một cơn mưa phùn. Thiếu nữ da nâu giơ tay hứng mưa, mỉm cười nhớ tới người mà cô đã dành trọn trái tim từ năm mười lăm tuổi.

Đến tận phút cuối, tôi vẫn không thể thổ lộ rằng: Tôi yêu ngài, tướng quân Fujiwara.


.................


Cùng buổi sáng hôm đó, ở cô nhi viện Konoha, Itsumo thức trắng bên bàn học, đọc đi đọc lại từng bức thư của cha. Chúng thường ngắn ngủi, vội vàng nhưng đầy tình cảm và pha chút hóm hỉnh. Những lá thư dài nhất dành cho mẹ cô, vài lá thư ngắn gọn hơn dành cho anh trai. Thư gửi Itsumo mang nội dung đơn giản nhất, bởi lúc cha sắp hy sinh, cô mới bốn tuổi. Tuy nhiên, lá thư cuối cùng viết cho anh em cô có ngôn từ già dặn, nghiêm túc hơn hẳn. Thỉnh thoảng, cô bé hôn lên những lá thư với vẻ mãn nguyện. Đặt tay lên tim mình, Itsumo nhắm mắt hồi tưởng lại câu nói ngày xưa của cha: "Con, mẹ và cả Ken-chan, mọi người đều ở đây, ngay ở đây này! Chúng ta không khi nào lìa xa đâu, Sa-chan của cha."

Đột nhiên lồng ngực Itsumo quặn thắt. Cô vừa ôm ngực vừa bụm miệng ho khù khụ. Sau vài tiếng ho liên hồi, cô bé chợt cảm giác mình sắp ho ra đờm nên vội dùng cả hai tay bịt chặt miệng, định chạy ra nhà vệ sinh. Tuy nhiên, ngay lúc đứng dậy thì Itsumo không kìm được nữa và ngã xuống, cúi gập người ho rất khổ sở. Lần này, những cơn ho dồn thứ chất dịch có vị ngọt trào lên cuống họng cô bé. Khi phun ra thứ dịch ấy, Itsumo bàng hoàng nhận ra là máu.

Toki giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng ho cùng tiếng ngã khá mạnh. Mở mắt ra, nhỏ kinh hoàng vì thấy đôi tay lẫn quần áo của Itsumo nhuộm đầy máu. Toki vội vã chạy đi gọi dì Kaori, để lại Itsumo nằm trên sàn, mắt thất thần nhìn theo bạn mình đến khi chìm hẳn vào cơn mê. Trong tâm trí cô bé lúc này, chẳng còn gì ngoài những dòng tâm sự dịu dàng của cha.


"Sa-chan thân yêu, cả nhà ta vẫn khỏe chứ? Chiến trường đang hồi khốc liệt, tạm thời cha chưa về thăm các con được. Dẫu cha không về, Sa-chan cũng phải vâng lời Ken-chan và mẹ nhé. Nhất định cha sẽ về đọc tiếp cho con cuốn Binh pháp Tôn Tử."


"Ken-chan, à quên, Kenshin, con thế nào rồi? Hy vọng con không mải mê học hành và chăm sóc Sa-chan đến nỗi kiệt sức. Đôi lúc con không cần một mình gánh vác mọi thứ đâu, nếu gặp khó khăn, cứ nhờ cậy chú con. Mẹ viết thư kể là con vẫn buồn vì cha phải ra trận lần này. Cha không thể làm gì ngoài nói lời xin lỗi. Đôi khi cuộc sống bắt ta chọn con đường khó khăn nhất. Giữa tính mạng bản thân và sự bình an của những người cha cần bảo vệ, cha sẽ luôn chọn vế sau. Đừng quên nâng đỡ tinh thần mẹ và em, họ đang cần con hơn bao giờ hết. Bây giờ con thành trụ cột của gia đình thay cha rồi. Cha hết lòng tin tưởng con, Kenshin."


"Yuki, nàng và hai con vẫn ổn chứ? Thu đến rồi, chắc cây tử đằng trong vườn đang nhuốm màu vàng rực rỡ. Ta vẫn nhớ hồi nàng chưa sinh Ken-chan, chúng ta thích gom lá tử đằng lại thành đống rồi nướng khoai. Khi đón mùa thu đầu tiên cùng nhau, nàng ngạc nhiên hỏi ta cớ sao một tướng quân danh giá lại tự nướng khoai. Ta hỏi lại nàng vì sao một tiểu thư đoan trang nhà Takeno lại mê kiếm thuật hơn cắm hoa. Từ hôm ấy, chúng ta đồng ý sẽ thành thật với nhau vì gia đình là nơi không cần diễn kịch. Ở nhà, ta chỉ là Kaneyoshi còn nàng chỉ là Yuki. Ta có thể thoải mái đọc sách, uống trà, thả hồn vào thiên nhiên; nàng có thể tự do học kiếm và bàn luận binh pháp, lịch sử với ta, vốn là điều cha mẹ nàng cấm đoán. Yuki, ta luôn nhớ đôi mắt tím của nàng sáng lấp lánh thế nào khi ta ngỏ ý dạy nàng kiếm thuật. Không ngờ một việc đơn giản lại khiến nàng vui đến thế. Ta càng không ngờ chúng ta có thể chung sống vui vẻ tận mười lăm năm.

Yuki, cám ơn nàng vì những kỷ niệm đẹp suốt những năm qua. Cám ơn vì đã chấp nhận, yêu thương ta. Cám ơn nàng đã sinh ra Kenshin và Saya và cho ta một gia đình đầm ấm. Nhờ vậy, một kẻ khó hòa hợp với mọi người như ta rốt cuộc cũng có nơi chốn trở về.

Cám ơn nàng, vợ của ta."


"Sa-chan và Ken-chan ơi, đây là bức thư cuối cùng cha viết được cho các con. Lúc này đã hai giờ sáng nhưng cha không tài nào chợp mắt nổi. Ngày mai, cha sẽ bước vào trận chiến cuối cùng của đời mình. Cha biết mình sẽ phải nằm lại nơi này hoặc về với gia đình trong hũ cốt nếu may mắn. Thế nhưng, cha không sợ hãi hay hối hận. Cha tuyệt đối không lùi bước vì sau lưng cha là gia đình mình và rất nhiều gia đình khác. Nếu cha còn tiếc nuối điều gì, đó là không thể chứng kiến Ken-chan và Sa-chan lớn lên. Cha thật muốn nhìn các con trưởng thành từng ngày. Cha muốn dạy Ken-chan chơi cờ vây, dạy Sa-chan kiếm thuật và dẫn hai đứa ra biển tập bơi. Khi các con đến tuổi cập kê, đừng vội lo nghĩ chuyện hôn nhân dù các trưởng lão hối thúc. Cha mong các con được trải nghiệm và du ngoạn nhiều hơn trước khi kết hôn. Hãy học cách yêu thế giới và quý trọng mọi vẻ đẹp của nó, để có thể yêu thương bạn đời và con cháu của các con trong tương lai.

Dù cha không còn cơ hội gặp lại mẹ và hai con nữa, ít nhất cha sẽ bảo vệ tương lai của Ken-chan và Sa-chan. Trong tâm khảm cha, hình ảnh mẹ và các con luôn luôn tỏa sáng, vĩnh viễn không bao giờ phai mờ.

Cha chiến đấu không phải cho tinh thần võ sĩ đạo, mà chính là cho những người thân yêu nhất. Cha yêu mẹ, yêu hai con vô cùng. Cha luôn mong mỏi Sa-chan được sống trong hòa bình, con gái yêu của cha."


"Tạm biệt các con yêu dấu của cha."

"Tạm biệt Yuki, bông tuyết tinh khôi của ta."




*Trong chương này, ở phân đoạn hồi ức của nhân vật Michiru kể theo ngôi thứ nhất, cô ấy gọi cha của Itsumo là "tướng quân Fujiwara" hoặc "ngài Fujiwara". Khi chuyển sang ngôi kể thứ ba, cha của Itsumo được gọi theo tên là Kaneyoshi.

*Lúc còn làm kỹ nữ, Michiru xưng là "tiện nữ", kiểu xưng hô mang tính khiêm tốn thời xưa. Sau khi gia nhập quân đội, cô đã bỏ lối xưng hô này.

(1) "Michiru" trong tiếng Nhật có nhiều nghĩa khác nhau. Tớ chọn cái tên ghép từ 3 chữ Kanji (Hán tự) là 美智留: Ký tự đầu tiên là "xinh đẹp", ký tự thứ hai là "sự khôn ngoan" hoặc "trí tuệ", ký tự cuối là "ở lại", "dừng lại" hoặc "lưu lại". Nếu phiên âm theo tiếng Hán, tên này có thể đọc là Mỹ Trí Lưu.

(2) Chuột nhảy này là loài chuột nhảy sa mạc Jerboa. Chúng hoạt động chủ yếu về đêm, được tìm thấy ở các sa mạc cát nóng bỏng trên khắp Bắc Phi, bán đảo Ả Rập và châu Á. Thức ăn yêu thích của loài chuột nhảy này chủ yếu là rễ cây, hạt và một số loài côn trùng nhỏ. Chuột nhảy Jerboa có những đặc điểm như tai to bằng nửa cơ thể, không đi tiểu, cặp chân sau giống chân chim giúp chúng bật nhảy như chuột túi. (nguồn: vnreview.vn)

(3) Oiran: Kỹ nữ cao cấp của Nhật, thường dễ bị người nước ngoài nhầm với Geisha do cả hai đều thiên về bán nghệ chứ không bán thân. Thế nhưng, cách ăn mặc, trang điểm của Oiran xa hoa hơn Geisha, giá dịch vụ của họ cũng đắt hơn đáng kể. Những khách hàng địa vị thấp hoặc không đủ giàu sẽ khó lòng tiếp cận Oiran, vì vậy họ thường chuyển hướng sang Geisha. Khi Nhật Bản bước sang thời Minh Trị, nghề mại dâm bị coi là bất hợp pháp, thành ra Oiran dần bị Geisha thay thế. Năm 1957, Luật Chống mại dâm đã giáng đòn cuối cùng, khiến kỹ nữ trở thành nghề bất hợp pháp trong xã hội Nhật Bản. Hiện nay, dù Oiran không còn chính thức tồn tại, người Nhật vẫn tái hiện lại lễ diễu hành của Oiran (Oiran Dochu) với mục đích giải trí, bảo tồn văn hóa.

Trong hệ thống đẳng cấp của giới Oiran, Tayū là cấp cao nhất, được tôn sùng không khác gì siêu sao, thần tượng bây giờ. Đứng thứ hai là Koshi, đứng thứ ba là Tsubone hoặc Sancha.

Vẻ ngoài của Oiran khác biệt rõ rệt so với cả Geisha và phụ nữ bình thường, phản ánh thị hiếu và kỳ vọng của khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ. Ở đỉnh cao của các Oiran vào đầu thời Edo, họ cài đến tám chiếc trâm Kanzashi lớn trên tóc. Chúng thường được làm từ đồi mồi, bạc, vàng và đá quý. Kiểu tóc cũng phức tạp, đồ sộ và được bôi nhiều sáp; những kiểu tóc này đều có tên và ý nghĩa riêng, được dùng để đại diện cho các cấp bậc, mùa và dịp khác nhau. Oiran mặc bộ kimono được thiết kế cầu kỳ và có nhiều lớp, trong đó lớp ngoài cùng thường được may bằng vải gấm có hoa văn lộng lẫy, gọi là Uchikake.

Dù cũng được mặc bởi các phụ nữ quý tộc, và kể từ cuối thời Minh Trị là các cô dâu, nhưng chiếc Uchikake của Oiran lại lộng lẫy, sặc sỡ hơn muôn phần. (nguồn: Kilala)

(Nhân vật Akesato trong manga "Kaze Hikaru" của Watanabe Taeko. Akesato là một Oiran cấp Tenjin, tương đương Koshi, cấp bậc chỉ sau Tayū)

(4) Bhārata: Tên tiếng Hindi của đất nước Ấn Độ. Cái tên này lấy từ một hoàng đế trong kinh sách Ấn.

(5) Kamuro: Hầu gái kiêm học trò của Oiran, tuổi từ 7 đến 10. Thông thường, các bé gái được kỹ viện mua về sẽ bắt đầu từ vị trí Kamuro, sau đó phân ra thành Furisode shinzo (Oiran tập sự) hoặc kỹ nữ bán thân. Ai không đủ xinh đẹp hoặc đã luống tuổi sẽ làm Banto shinzo, chuyên giúp việc nhà và hầu hạ các Oiran.

(6) Đàn Sitar và trống Tabla: Hai nhạc cụ truyền thống của Ấn Độ, thường được diễn tấu cùng nhau hoặc cùng với sáo. Đây là video biểu diễn của 2 nhạc cụ này.

https://youtu.be/ed4SIvGjqNI

(7) Maang Tikka: Trang sức đội đầu đặc trưng của phụ nữ Ấn, xuất hiện từ 5000 năm trước, mang nhiều giá trị văn hóa và tôn giáo. Theo phong tục truyền thống, phái nữ sẽ đeo Maang Tikka lần đầu vào ngày cưới, nó góp phần bảo vệ cô dâu khỏi năng lượng tiêu cực và quỷ dữ. Điểm nhấn của Maang Tikka phải nằm ngay giữa trán. Trán là nơi người Ấn Độ tin rằng có "con mắt thứ ba" và luân xa thứ 6, giúp nâng cao sức mạnh ý chí, sự tập trung và trí tuệ.

(Hình minh họa Maang Tikka từ trang wordpress Indian Wedding Saree)

(8) Đòn suplex: Chiêu thức trong môn vật cổ điển châu Âu, có nhiều biến thể khác nhau nhưng vẫn chung bản chất một cú slam (đập đối thủ xuống sàn) bằng phần lưng - gáy, trong khi những cú slam khác có thể là va chạm dọc theo xương sườn hoặc bụng. Theo sự phát triển của bộ môn đấu vật và cả thể thức giải trí đấu vật trình diễn (như WWE), số lượng đòn suplex hiện nay là rất khó thống kê chính xác - với hàng chục biến thể và thậm chí có cả những đòn suplex không thể thực hiện khi thi đấu, nhưng lại trở thành những pha trình diễn đẹp mắt trên sàn đô vật. Một trong những đòn suplex cơ bản, thực tế nhất là Belly to Back Suplex (Đòn suplex với sự biến chuyển trọng tâm từ bụng đến lưng). (nguồn: vothuat.vn)

Đòn suplex mà cha của Itsumo dùng là German suplex nhé.

https://youtu.be/Xowuy5GBn-A

(video minh họa chiêu German suplex, anime "Mashle: Magic and Muscles") 🤣😂

(9) Tay áo kimono nam giới có thể dùng làm túi đựng các vật nhỏ và nhẹ như khăn tay, ví tiền hoặc điện thoại di động. Do kết cấu tay áo kimono, người mặc không thể cất thứ gì quá nặng. Tay áo kimono nữ thường khó làm túi vì tay áo hở phía sau, không may kín như đàn ông, mục đích để phái nữ thêm tha thướt, duyên dáng.

(10) Okaa-san: Một cách gọi mẹ phổ biến trong tiếng Nhật. Những bà chủ kỹ viện cũng hay được gọi là Okaa-san, giống như ở nhiều quán bar hiện đại, các cô phục vụ gọi bà chủ là mama vậy. Nhân tiện nói thêm, ngày xưa giới bình dân mới dùng cách gọi "oka-san" và "otou-san" để gọi bố mẹ. Quý tộc hoặc con nhà gia thế gọi theo cách cung kính hơn là "haha-ue" (mẫu thân) và "chichi-ue" (phụ thân).

(11) Kanrobai (tiếng Anh là "nectar plums", tạm dịch là "mận mật"): Một món ngọt làm bằng quả mận Nhật Bản, có nguồn gốc từ quận Iruma, tỉnh Saitama. Mận ở đó là một trong ba loại mận lớn nhất vùng Kanto. Kanrobai thường được làm vào đầu tháng 6, khi mận vẫn còn xanh, giòn. Người làm Kanrobai phải ngâm mận xanh trong nước đủ lâu để chúng hết chát, sau đó để ráo, bỏ hạt, ngâm đường rồi cho vào tủ lạnh. Để trang trí Kanrobai, cần dùng lá tía tô đỏ đã ngâm trong dấm mận. Người ta bọc mận vào lá tía tô và ngâm trong hỗn hợp siro mận và đường suốt một tháng. (nguồn: Our Regional Cuisines)

(Món Kanrobai của tỉnh Saitama, Nhật Bản)

(12) Thư đồng: Thiếu niên chuyên hầu hạ, chăm sóc những người có học thức thời phong kiến, đa phần là thư sinh, quan lại, quý tộc. Thư đồng có thể kiêm luôn hộ vệ nhưng đa phần họ làm việc nhà, bảo quản thư phòng, lo chuyện ăn uống ngủ nghỉ cho chủ nhân. Trong lịch sử Nhật Bản, thư đồng kiêm hầu cận nổi tiếng nhất là Mori Ranmaru (1565 - 1582), thiếu niên đẹp trai đã trung thành phò tá lãnh chúa Oda Nobunaga tới tận biến loạn Honnoji, khi cả cậu và chủ nhân đều bỏ mạng. Nhiều giả thiết cho rằng Mori Ranmaru cũng là nam sủng của lãnh chúa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro