Vòng 2: Khánh - Hồn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NĂM TRĂM TÁM MƯỜI HAI NĂM SAU

Hôm nay tôi đến dự lễ tang của Minh Nguyệt.

"Có lẽ con không nên đến thì hơn."- Mẹ tôi đã nói với giọng nhỏ nhẹ, dịu dàng như thế vào sáng hôm nay. Bà chỉ là phẳng áo sơ mi cho tôi và cài lên đó một chiếc ghim đen.

"Vì sao lại thế ạ?" –Tôi nghe thấy chính giọng nói của mình, khó nghe, khò khè, khẳn đặc, như vừa mới hát liên tục những bài ca yêu thích trong quán karaoke suốt đêm dài vậy. Mẹ ngước lên, ái ngại nhìn tôi một lượt.

"Nhìn sau lưng mẹ ấy." – Bà ấy thở hắt ra rồi cúi xuống, tiếp tục cần mẫn miết thẳng những nếp nhăn trên chiếc áo đen.

Tôi nghiêng người, đỡ lấy cột sống mệt mỏi của bản thân, ngó về phía sau lưng mẹ tôi. Có một chiếc tủ quần áo, trên cánh tủ là một chiếc gương lớn, tôi ở trong đó trông thật tệ. Chúng tôi nhìn nhau và như thể cái gương chuẩn bị nói với cái giọng mỉa mai rằng trông tôi kìa, như con chuột cống bết bát, mắt tôi thâm quầng và trũng sâu, môi tôi lại nứt nẻ và khô rát, da mặt thì bợt bạt đến là chán chết. Tôi có thể tự lừa dối mình rằng là do tôi bận ôn thi đại học quá căng thẳng, nhưng rồi tôi lại thôi.

Điều này làm tôi hú hồn đến độ tôi luống cuống lách qua người mẹ rồi lẻn ra khỏi phòng để đến thẳng nhà tắm, ít nhất cái gương trong phòng tắm sẽ khoan dung với tôi hơn, nó sẽ chỉ an ủi rằng không hẳn là tồi tệ, rằng là mắt tôi chỉ hơi sưng đỏ và khóe mắt hơi nhăn, có thể bôi lên một chút kem dưỡng và lớp che khuyết điểm, rằng là môi tôi chỉ hơi khô nẻ, có thể bôi một ít son dưỡng nhẹ màu cũng được mà. Tôi ghét ý nghĩ rằng tóc tôi đã bết dính với nhau trông rất ghê, vì hiện tại tôi cũng chẳng có tâm trạng gội đầu thế nên tôi bối nó lên và mặc kệ những sợi tóc con khó chịu sau gáy.

Nếu Minh Nguyệt trông thấy tôi trong bộ dạng này, cậu ta thế nào cũng nhướng mày, chu mỏ và cười hả hê, rồi với cái giọng the thé mỉa mai bảo rằng tôi mơ đời mà có bạn trai, mơ đời. Nhưng cậu ấy lại không.

"Nói với Nguyệt rằng mẹ rất là nhớ nó nhé." –Mẹ vẫy tay với tôi từ hiên nhà, mắt bà đột nhiên hoe đỏ, như là mắt tôi.

"Vâng ạ."

Gia đình của Minh Nguyệt rất giàu, à không, là cả dòng họ của cậu ta, chính bản thân tôi cũng phải công nhận điều đó. Cậu ấy sống hẳn một cuộc đời tiểu thư trong một cái biệt thự bên bờ biển, dẫu cho thực lòng thì cậu ấy chỉ muốn một ngôi nhà nhỏ mà thôi, nhưng rồi cậu ấy chuyển lên thành phố học và tiếp tục sống trong một căn biệt thự khác. Tuy nhiên thành thực mà nói thì thời gian Minh Nguyệt đến nhà tôi và ở lại nhiều hơn cả. Có bữa đang ăn cơm cùng gia đình tôi, Minh Nguyệt kể ba mẹ cậu ấy thường hay không về nhà, cậu ấy đã không biết món "thịt kho tàu mẹ làm" lại ngon như thế, rằng là cậu ấy có thể hỏi xin một ít gói mang về chia cho bé Thùy hay không? Lúc đó, tôi thấy cô tiểu thư kia đột nhiên bé nhỏ lạ lùng.

Lễ tang được tổ chức trong một căn nhà lớn riêng ở gần đấy, dành cho những người trong dòng họ và có hẳn một khu mộ phía sau. Tôi đã phải đi xe gần ba tiếng để đến nơi này, dường như cảm giác thân thuộc đang bóp lấy cổ tôi khi mà sóng biển vẫn dạt dào, mây trên trời xanh và cát thì vàng nhạt như trước kia. Những mùa hè, Nguyệt vẫn rủ tôi đến đây, giới thiệu căn biệt thự, bãi cát, biển cả với tôi, cậu ấy nói nếu có thể thì sau này muốn vẻ đẹp này có nhiều người biết tới hơn.

"Nếu họ biết bảo vệ môi trường ấy." -Cậu ta bổ sung.

Hôm nay lại là một ngày đẹp trời với nắng chan hòa qua từng kẽ lá, và không khí thì lại rất dễ thở, đúng như là ý nguyện của cậu ta.

Có rất nhiều người ngồi trong nhà tang lễ, có vẻ như ở đây cũng có những ông này bà nọ, những vị tai to mặt lớn, hầu hết thì tôi chẳng quen biết ai. Tôi chỉ quen thân những người trong gia đình của Minh Nguyệt như cái Thùy, thằng Nhật hay ba mẹ, ông bà nội ngoại, mọi người đều ngồi ở những hàng ghế trên cùng. Cơ mà tôi chẳng thấy ba mẹ cậu ấy đâu cả, chẳng thấy đâu. Người trực phúng viếng chỉ có mỗi người bác cả của cậu ta.

Không ai nói với tôi điều gì, chính xác rằng chẳng ai nói với ai điều gì, mọi người đều im lặng giữ gìn bầu không khí nghiêm trang này hết mức khiến tôi có cảm giác như đang dự lễ tang của một vị quan chức lớn nào đó chứ không phải bạn tôi. Hoặc có lẽ là do những vị ngồi kia đều trông rất nghiêm nghị, với những bộ tang phục may riêng đắt tiền, họ toát lên vẻ của người có tầm, có địa vị. Chẳng một ai rơi lệ, trừ cái Thùy hay thằng Nhật đôi khi chỉ dám thút tha thút thít, trông rất đáng thương.

"Tớ không thở nổi mỗi lần họp gia đình." –Minh Nguyệt bảo vậy.

"Vì sao lại thế?"

"Bọn họ thậm chí còn không nhớ tên của tớ, tên của tớ ý."

Bây giờ thì chính tôi cũng không thở nổi, cho đến bây giờ, cậu ấy vẫn không thở nổi.

Tôi đứng ở cửa, nhìn thẳng lên ảnh để tang của Minh Nguyệt, cậu ta ở đó, mỉm cười với hàm răng trắng đều. Cậu ta ở đó, những kỉ niệm tươi đẹp thời đi học của chúng ta ở đó.

Vậy mà, cậu ấy lại nỡ mắc bệnh suy tủy xương.

Tôi chọn ngồi một dãy ghế gần cuối, nhìn chăm chú xuống nền nhà, đôi giày đen hôm nay tôi mang trông thật là xấu xí, tôi sẽ không đi nó thêm một lần nào nữa, phải vậy. Từng người một tiến lên phía trước tấm ảnh của Minh Nguyệt để phúng viếng, một vài người thân thiết thì nói đôi ba lời, sau đó họ quay về và chìm vào thinh lặng.

Tôi không biết đã nhìn xuống đất bao lâu, có lẽ là đến khi cổ tôi mỏi nhừ và đối sống lưng thì cứng ngắc, tôi chợt nhận ra bản thân cũng nên tiến lên bày tỏ điều gì đó với cậu ấy, một lần cuối cùng. Lần này tôi sẽ không kể về đứa mà cả hai cùng ghét, sẽ không bảo rằng hình như cửa hàng quần áo gần đây đang giảm giá cuối mùa tận 50% hay là những chuyện vớ vẩn về bộ phim mới xem gần đây, không phải hôm nay. Một giọt nước mắt trào ra khỏi khóe mắt tôi, lăn xuống gò mắt một đường dài, sau rốt tôi vẫn chưa muốn tin điều này, dù chỉ một ít.

Một giọt,

hai giọt,

lại ba giọt, nước mắt cứ thế rơi dần xuống, như thể chúng đã xếp hàng sẵn ở tuyến lệ vậy. Tôi ngước đôi mắt mệt mỏi nhìn lên, dẫu sao tôi cũng đã khóc suốt ba ngày rồi, có thêm một ngày nữa cũng chẳng hề chi.

Nhưng mà, đột nhiên tôi giật mình, tôi sửng sốt và tim tôi hẫng một nhịp vì sợ hãi. Người ta, ý tôi là tất cả mọi người đến dự lễ hôm nay đều bắt động, họ dừng mọi hoạt động đang làm, giữ nguyên một tư thế duy nhất, hoàn toàn y như những pho tượng vậy. Tôi kích động đến nỗi đứng phắt dậy, hét một tiếng nhỏ, đảo mắt suốt một lượt căn phòng, rồi tôi rời khỏi chỗ ngồi của mình để quan sát tình thế kĩ hơn.

Một bác áo vest đen nọ ngồi hàng ghế thứ tư đang rung đùi và liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Một bà cô đeo khăn che mặt kia đang nhìn màn hình điện thoại với đôi mày nhíu lại bồn chồn. Chị gái đeo dây chuyền bạc thì lại đưa tay lên gáy giữ cái cổ đang vặn vẹo, có lẽ chị ấy cảm thấy xương khớp cũng mệt mỏi rồi. Anh trai đeo đồng hồ vàng cũng đảo mắt lên xuống và bẻ khớp ngón tay. Mỗi người đều có một tư thế riêng, tuy không có gì kì cục, nhưng khiến tôi thấy khó chịu lạ lùng. Ông bà nội ngoại của cậu ấy ngồi hàng ghế đầu, tuổi già khiến lưng họ còng xuống, da họ nhăn nheo, mắt họ mờ đục, và những nếp nhăn quanh khóe mắt ép những giọt nước mắt hiếm hoi rơi xuống. Tôi tiến thẳng đến gần ảnh của Minh Nguyệt, bác cả cậu ta đang cúi người trước một người đàn ông đứng tuổi hói đầu, nhận lấy chiếc phong bì trên tay bà vợ bên cạnh với cái nhướng mày cao. Chiếc thùng phía sau đã đầy phong bì từ bao giờ, người ngoài nhìn vào không biết còn tưởng một buổi quyên góp từ thiện hay cử tri đi bỏ phiếu kín cũng nên.

Đột nhiên tôi cảm thấy tức giận, như trong lòng có một ngọn lửa đang lớn dần, hừng hực và liếm vào tâm can tôi, đốt cháy khí oxi và cứ thế đung đưa ở đó mãi. Tôi đưa tay tát cho bản thân một cái, cơn mơ này cũng thật là đáng sợ quá.

Đau, rất chân thực.

Ấy thế mà khi tôi hấp hé mở mắt, người ta vẫn ở đấy, nguyên vẹn hình dáng ban đầu, bất động đứng yên. Mồ hôi thấm rịn trên trán tôi, nhòe nhoẹt trong lòng bàn tay tôi, thực sự thì người ta bảo những người nhát gan thường có bàn tay ướt quả là không sai, tôi đã sợ đến run rẩy cả người.

Tôi vùng chạy qua những hàng ghế, lướt qua những con người kia, mắt không ngừng đảo tứ phía và sau cùng thì tôi bắt được tay nắm cửa, mở tung nó ra, tôi thấy.

Có một phiên tòa, một phiên tòa sau cánh cửa mà tôi vừa mở ra. Tôi đã đến một căn phòng khác và cánh cửa tôi vừa mở ra khép chặt lại. Vị thẩm phán uy quyền ngồi trên cao đang gõ búa lách cách, bên cạnh là hai Hội Thẩm, tất cả bọn họ đang bóp trán nhíu mày. Tôi hoảng hốt tựa lưng vào cánh cửa ban nãy, vòng tay về phía sau cố gắng cạy tay nắm cửa nhưng vô vọng.

Có một số người trong phòng, tất nhiên rồi, nhưng có một người ở hàng ghế cuối gần cánh cửa tôi đang đứng nhất, bóng lưng người này nhìn vô cùng quen thuộc. Rồi cậu ta quay lại nhìn tôi,

"À, cuối cùng cậu cũng đến, ngồi bên cạnh tớ đi."

"Minh Nguyệt?" –Chuyện này thật khó tin, cậu ấy ngồi ở đấy, ung dung tựa lưng vào ghế, vắt chân chữ ngũ và khoanh tay trước ngực, ánh mắt cái Nguyệt nhìn thẳng tắp, đôi khi chớp một cái nhưng trông rất nghiêm khắc. Đất dưới chân tôi như hóa thành bùn nhão, có lẽ tôi không thể đứng vững, hoặc nếu tôi vùng vẫy thì tôi sẽ chìm hẳn xuống vũng bùn kia. Tim tôi đánh thình thịch trong lồng ngực và mồ hôi trong tay túa ra nhiều hơn trước nữa.

Minh Nguyệt chẳng có biểu cảm gì khi thấy tôi, cậu ấy chỉ nói vậy, ngồi nhích sang một ghế và tiếp tục quan sát phiên tòa một cách tập trung. Không còn cách nào khác, tôi đành ngồi xuống chiếc ghế kia, đây hẳn là một giấc mơ, dù cho cái tát ban nãy của tôi vô cùng chân thực thì đây cũng hẳn là một giấc mơ chẳng thể nào khác. Tôi hy vọng là như vậy. Hoặc có lẽ là không.

"N-Nhưng vì sao cậu l-lại ở đây?" –Tôi cà lăm hỏi cậu ấy, tôi có thể không sợ những chuyện của hiện thực ví dụ như một vụ đánh bom, hay khủng bố hay cái gì đại loại vậy nhưng kì thực tôi hoàn toàn sợ những chuyện kì lạ mà khoa học không thèm giải thích với tôi.

"Im lặng nào Ánh Dương, tớ đang xem vụ ly hôn của ba mẹ tớ. Biết sao không, hai người họ thậm chí bận ly hôn đến nỗi không một ai trong hai người đến dự lễ tang của tớ." –Cậu ta đan tay vào nhau rồi cất giọng ca thán thường ngày, như thể cậu ta đang than thở về một chuyện hết sức nhỏ nhặt vậy.

Tôi giật nảy mình, vội vàng quay lên để nhìn kĩ hơn, quả thật hai người đang đứng trước vành móng ngựa kia chính là ba mẹ của Minh Nguyệt, hai người họ đang làm thủ tục ly hôn và phân chia tài sản, ở đây, ngay trước mặt cậu ấy. Tôi biết ba mẹ cậu ấy luôn bất hòa, nhưng tôi không nghĩ được họ lại ghét bỏ nhau đến độ không thể đợi cho lễ tang của Minh Nguyệt qua đi mà vội vã ly hôn ngay lập tức. Khuôn mặt của hai người họ rất lạnh lùng, như mang theo cả một mùa đông đến phiên tòa vậy.

"Thôi được, vì là một con người khôn ngoan nên giây phút này, tớ tha thứ cho ba mẹ tớ." –Minh Nguyệt thở dài, đôi mày cậu ấy nhăn lại, rướn cao. Cậu ta đưa tay bưng lấy mặt, cứ thể hít thở nhẹ nhàng. –"Dẫu sao hai người họ cũng đã cố hết sức rồi."

Tôi chẳng biết nên nói gì vào lúc này, bất kì hành động nào kể cả một cái ôm, cái hôn hay một lời an ủi đều có thể dễ dàng đập vỡ trái tim mong manh của cậu ấy bây giờ, tôi biết mà. Giáo viên môn giáo dục công dân có dạy chúng tôi cách xử lí tình huống "nếu ba mẹ của bạn em ly hôn và bạn ấy vô cùng suy sụp thì em sẽ làm gì?", nhưng cô ấy không dạy về tình huống "nếu cả hai cùng tham dự phiên tòa ly hôn của ba mẹ bạn em ngay trong lễ tang của bạn em thì em nên làm gì?".

Thẩm phán nói cái gì đó mà tôi nghe mơ hồ không rõ, tôi còn chẳng để tâm bởi tôi còn bận hốt hoảng trong hàng tá suy nghĩ chạy nước rút trong đầu tôi hiện giờ. Tôi vày vò tà áo sơ mi, chiếc áo mẹ tôi mới là sáng nay đã nhăn nhúm một góc.

Một tiếng búa gõ vang lên, và từ đó trở đi,

"Tớ không còn ba mẹ nữa rồi, hai từ đó không còn đứng cạnh nhau nữa." –Minh Nguyệt đứng dậy, rồi cậu ấy kéo cánh cửa ban nãy và biến mất vào trong đó.

Tôi sực tỉnh rồi lật đật đuổi theo cậu ấy, câu nói vừa rồi được cất lên với giọng điệu buồn quá.

Chúng tôi đột nhiên đến một căn phòng khác, căn phòng này hình như là của một ngôi nhà, một ngôi nhà bé nhỏ, và căn phòng này cũng thật là hẹp, đây chỉ là một gian bếp. Căn bếp này thực sự rất đỗi đơn sơ, với vài ba cái nồi đáy cháy đen, một hai cái chảo, cái bếp ga với cái pép chia lửa và bát chia lửa cũng đã rỉ đen.

"Chúng ta đang ở đâu đây?" –Tôi ngước nhìn suốt một lượt, từ cái cửa sổ rọi thẳng ra sân vườn trồng rau, nơi cây nhãn trĩu quả trồng cạnh hàng rào, đến cái chậu rửa bát ngoài hiên màu xanh lam đã bị tróc sơn lỗ chỗ, rồi còn cả cái chuồng gà, vài ba con gà cứ quanh quẩn gần đấy. Mấy bộ quần áo tối màu vải nhung treo trên giây phơi đung đưa nhè nhẹ trong gió, phảng phất mùi dầu phật linh và mùi của người già. Tôi ngó nghiêng trong căn bếp nhỏ, vài cục than tổ ong xếp chồng lên nhau nằm gọn trong góc nhà trông rất quen thuộc.

"Nhà của bà Hiền đầu xóm tớ."

"A, là bà cụ luôn cho chúng mình kẹo ý hả, từ ngày bé đến giờ tớ đều cùng cậu đi học về, mỗi lần gặp bà Hiền chúng mình đều được tặng cho viên kẹo bạc hà, ngậm mát cả họng."

"Ừ, sau này lớn rồi, đều đi xe máy điện rồi, chẳng gặp được bà ấy nữa." –Nguyệt nói rồi liền lấy một cái rổ đặt vào tay tôi – "Cậu ra vườn hái rau vào nhé."

Tôi chỉ biết gục gặc đầu rồi ra vườn hái rau đến đầy một rổ lớn. Minh Nguyệt thì cầm hẳn cả chồng nồi rồi để chúng vào chiếc chậu xanh lam, cậu ấy ngồi xổm xuống và cầm cái giẻ sắt đến cọ mạnh vào lớp cháy đen, cứ thế lần lượt từng chiếc một. Vì vậy tôi cũng ngồi xuống bên cạnh, lấy một cái chậu nhỏ khác rồi đổ rau vào, rửa từng mớ một và xếp gọn lại vào rổ. Nào là rau muống, rau khoai, mồng tơi, bắp cải, loại nào cũng đều xanh tươi tuy đôi chỗ sâu đục úa vàng.

Cậu ấy không thể cọ bằng sạch đống cháy khỏi đáy nồi được vì chúng đá gắn bó với nhau từ rất lâu, nhưng ít nhất thì bớt được chừng nào hay chừng ấy, như thế thì nấu ăn sẽ nhanh hơn, đỡ tốn ga hơn nhiều. Minh Nguyệt cẩn thận rảy hết nước trên xoong nồi, rồi rảy cả rổ rau mà tôi vừa rửa. Tiện tay nên tôi với lấy bát thóc trên chuồng gà, chép chép miệng kêu và vãi thóc xuống chung quanh, lập tức tiếng chép miệng của tôi được tiếng cục cục của gà đáp lại.

"Tớ đặt tên cho con này là Đen Vâu, con kia là Trắng Vâu, con kia nữa là Xanh Vâu, kia kìa là Vàng Vâu, bao giờ cậu rảnh nhớ qua đây hỏi thăm bọn này hộ tớ, e rằng chúng tớ sẽ không gặp lại nhau trong một thời gian khá dài." –Minh Nguyệt liến thoắng chỉ trỏ vào đám gà, tôi ngồi xổm xuống bên cạnh, chống cằm nhìn chúng.

Tôi biết mà.

"Ừ, tớ nhớ rồi."

Minh Nguyệt nhìn tôi, rồi cậu ấy móc trong túi áo ra hai chiếc kẹo bạc hà, chia cho tôi một cái và bóc vỏ bỏ miệng cái còn lại.

"Cảm ơn nhé." –Minh Nguyệt cười tít mắt, nụ cười của cậu ấy thật đẹp, như những bắp ngô óng vàng trên đồng vào mùa hè nắng gắt. Rồi cậu ấy nắm tay tôi, kéo tôi đứng dậy và đi về phía cửa bếp –"Nào, đi thôi."

"Chúng mình lại đi đâu nữa?" –Tôi nhìn chằm chằm vào cánh cửa, y như cánh cửa thần kì của Doraemon vậy, có thể đưa ta đến bất kì nơi đâu.

"Chúng mình về nhà thôi." –Minh Nguyệt quay đi và mở cánh cửa kia ra.

Chúng tôi đã về nhà, chính xác hơn là nhà của tôi. Tôi tròn mắt nhìn cậu ấy, nhướng mày và đảo mắt.

"Cậu trốn xuống gầm cầu thang đi, ba mẹ sẽ phát hiện ra cậu và hỏi về lễ tang của tớ, như thế sẽ phiền phức lắm, nhé?" –Cậu ấy xô đẩy tôi thu mình vào gầm cầu thang cạnh phòng khách, giữa phòng bếp.

"Nhưng mà còn cậu thì sao?" –Tôi ngước nhìn và lo lắng.

"Không sao mà, tớ đã hóa cỏ hoa rồi, nhớ chứ?" –Cậu ấy mỉm cười, trông Minh Nguyệt đến là buồn.

Cậu ấy đi một mạch đến phòng khách, ba tôi ở đấy, đang ngồi trên ghế sa lông đọc báo, tiếng ti vi vẫn sang sảng bên cạnh. Minh Nguyệt đứng ở đấy, khẽ khàng nhìn ba tôi rồi ngại ngần đưa hai tay nắm lấy bàn tay ông ấy.

"Cảm ơn ba, vì đã tìm thấy con khi con bị lạc đường, vì đã sửa xe cho con khi đột nhiên nó chết máy giữa phố, vì đã đợi con bên ngoài phòng nội soi và đến trường giải quyết những chuyện giữa học sinh-giáo viên-gia đình." –Cậu ấy cúi xuống hôn vào mu bàn tay ba tôi, trán cậu ấy nhăn lại và đôi mày nhíu chặt, mũi thì đỏ lựng nhưng sau đó Minh Nguyệt ngước mặt lên trần nhà, chớp vào cái để kìm nước mắt – "Có nhiều điều còn không thể nói hết được, nhưng mà cảm ơn ba, vì mỗi lần con gặp khó khăn, con đều an tâm là con có ba."

Ba tôi chẳng có biểu cảm gì, ông ấy chỉ đang đọc báo, ông ấy chẳng nhìn thấy Minh Nguyệt. Nhưng cậu ấy đứng nhanh dậy, vì mẹ tôi đang bước trên cầu thang và đi xuống tầng. Tim tôi lại hẫng đi vài nhịp, liệu khi mẹ phát hiện ra tôi thì bà sẽ có cảm xúc gì đây, bà sẽ hỏi điều gì nhỉ? Mẹ tôi sắp sửa nấu cơm trưa, bà xoay người định tiến đến chỗ bếp và như thế bà sẽ thấy tôi núp dưới gầm cầu thang.

"MẸ." –Minh Nguyệt đứng ở phòng khách, cậu ấy gọi mẹ tôi, ré lên từ trong cổ họng, như dùng toàn bộ âm lượng của cậu ấy mà hét lên thật lớn, xé rách tâm can tôi. Ánh mắt cậu ấy long lanh lấp lánh như thể có cả bầu trời sao trong đó vậy. Tôi thu mình lại, bó chặt gối, vài giọt nước mắt lại lăn xuống gò má.

Mẹ tôi giật mình quay phắt lại, hiển nhiên tôi biết bà ấy không thể thấy gì, bà ấy rõ ràng cũng chẳng nghe thấy gì, nhưng mà bà ấy vẫn quay lại, dò xét nhìn vào khoảng không thật lâu. Minh Nguyệt tiến lại, nắm lấy đôi bàn tay của mẹ tôi, tay cậu ấy chỉ khẽ chạm vào thôi vì tay mẹ tôi có thể xuyên ngang qua đôi tay cậu ấy. Trong một thoáng chốc, chỉ một tiếng gọi cũng đủ khiến cảm xúc trong lòng cậu ấy vỡ òa như ngàn pháo bông đêm ba mươi, những giọt nước cứ thế lã chã lăn khỏi khóe mắt của Minh Nguyệt.

Có một đêm mưa lớn, cậu ấy ngồi ngoài thềm nhà tôi và ướt như một chú mèo con lội lên từ mương nước. Mắt và mũi đều sưng đỏ. Cậu ấy bảo cậu ấy không muốn về nhà, chẳng có ai đợi cậu ấy ở đó, và cậu ấy đã đi đâu đó cho khuây khỏa, trời đột nhiên mưa to và khi tỉnh táo lại thì cậu ấy đang ngồi trên hiên nhà của tôi. Minh Nguyệt không phải là đứa cao ngạo, không phải là kẻ ăn chơi, cũng không phải là ai đó hư hỏng hay cá tính lố lăng, cậu ấy chỉ là một người thèm được ăn món thịt kho tàu do mẹ cậu ấy nấu. Kể cả khi không như thế thì cái Nguyệt cũng rất ngoan, cậu ta chẳng hề khóc bao giờ, và đã không còn chờ đợi ba mẹ cậu ta nữa rồi.

"Sau rốt, tớ luôn nhớ đường về nhà cậu." –Minh Nguyệt cứ ngồi thẫn thờ trên ghế, mẹ tôi thì lau tóc và sấy khô người cho cậu ấy.

"Thế thì từ bây giờ trở đi, nhà tớ chính là nhà cậu, ba mẹ tớ cũng là ba mẹ cậu, nhé?" –Tôi mỉm cười, và hy vọng ngước nhìn ba tôi, ông ấy cũng mỉm cười, và sau đó thì chúng tôi đều mỉm cười.

"Mẹ, cảm ơn mẹ, vì tất cả. Nhưng mà con đã ước mẹ là mẹ của con, con cũng muốn được ôm." –Minh Nguyệt khóc nức nở, cậu ấy khụy xuống, nửa quỳ nửa đứng ôm lấy ngang lưng của mẹ tôi, cậu ấy khóc nhiều đến nỗi cậu chẳng còn thời gian để bày tỏ nhiều với mẹ tôi như là cậu đã nói với ba vậy. Mẹ tôi đứng yên ở đấy, bà nhìn vào những khoảng không, ánh mắt bà vô định, như đang tìm kiếm điều gì.

Minh Nguyệt buông mẹ tôi ra và lưu luyến hôn lên trán bà, cậu ấy chạy đến gầm cầu thang và ngồi xổm xuống cạnh tôi. Mẹ tôi quay đầu nhìn lại, và bà buồn bã vì chẳng có điều gì cả, bà chẳng nhìn thấy được điều gì cả. Mắt và mũi mẹ tôi lại hoe đỏ. Bà đi về phía phòng khách, ngồi xuống cạnh ba tôi.

"Ba này, tôi lại thấy nhớ cái Nguyệt rồi."

Ba tôi ngước lên từ tờ báo.

"Ừ, tôi cũng vậy bà nó ạ."

Minh Nguyệt ngồi bệt xuống, cậu ấy kích động đưa tay ôm mặt, nước mắt cứ không ngừng rơi qua kẽ tay, thấm vào vạt áo trắng của cậu ấy rồi mờ dần ngay sau đó. Cho đến những giây phút cuối cùng, cậu ấy vẫn chỉ là một đứa trẻ đáng thương, thế nên tôi vòng tay qua ôm lấy cậu ấy.

"Cảm ơn nhé, Ánh Dương, vì đã cho tớ được làm con của ba mẹ cậu."

"Ừ, tớ cũng thế." –Tôi vuốt vuốt lưng và vỗ nhẹ vào vai cậu ấy.

Minh Nguyệt lau nước mắt vào vạt áo, nhanh chóng đứng dậy và mở cửa sau phòng bếp, rồi vội vã biến mất sau cánh cửa đó. Tôi vội vã đứng dậy và đuổi theo sau, không biết có bị mẹ tôi bắt gặp hay không nữa, nhưng lúc đó tôi rất bất ngờ, chỉ có thể nhanh chóng mở cửa và tiến về phía trước.

Tiếng sóng vỗ ì oạp vào vách những mỏm đá, xô dạt bắn tóe nước lên những mỏm đã nhỏ hơn phía dưới, cát dưới chân mềm nhũn và biển thì xanh trong, nắng thì dịu dàng. Minh Nguyệt đang ngồi trên một mỏm đá cao nhất, mỏm đá mà chúng tôi vẫn hay ngồi mỗi lần đến đây.

Tôi liền chạy lại, leo lên và ngồi xuống cạnh cậu ấy.

"Hóa ra, cậu vẫn luôn ngồi ở đây." –Tôi thở hắt ra rồi quay sang nhìn Minh Nguyệt, cậu ấy vòng tay ôm gối và úp mặt sâu vào cánh tay.

"Ừ, tớ đã chờ cậu rất lâu." –Minh Nguyệt quay qua nhìn tôi rồi cười hì hì tít cả mắt. –"Gặp được cậu đúng là ngộ ngã lương bằng. Tớ rất chi là mãn nguyện." (1)

Tôi ngước nhìn biển cả, những con sóng lớn sóng nhỏ cứ xô đẩy nhau, đôi lúc thì dạt dào, mấy khi lại lăn tăn, ngày trước giáo viên cấp một của bọn tôi toàn dạy những câu văn mẫu như "sóng biển xô đẩy như đám bạn đang chơi trò kéo co" hay "hàng tre rì rào đung đưa như những cô cậu học sinh bám vào vai nhau vậy", hay gì đó đại loại thế. Lớn rồi tôi mới có cái nhìn của riêng mình, trong mắt tôi sóng biến chẳng khác nào một cậu trai kì cục, đôi khi không biết nên tiến lên hay nên lùi lại, trong chuyện tình yêu thì lại vụng về như thế.

Minh Nguyệt ngước nhìn lên trời, cậu ấy đưa tay lên cao, xoắn một vòng trên bầu trời trong vắt ấy rồi thu tay về, tiếc nuối nhìn lòng bàn tay trống trơn.

"Chà, ước gì tớ được lái máy bay một lần nhỉ?"

Minh Nguyệt muốn trở thành một phi công, lúc đầu cậu ấy cảm thấy làm tiếp viên hàng không cũng ngầu đấy, nhưng mà cậu ta sớm nhận ra làm phi công lại còn ngầu hơn.

"Lần sau làm cũng được mà."

Ước mơ làm phi công của cậu ấy nghe thật viễn vông, thật cao xa, một đứa con gái như cậu ư? Làm phi công ư? Đến tôi cũng phải bật cười, nhưng nghĩ kĩ lại thì tôi cũng chẳng có vấn đề gì với cái ước mơ này cả, tôi chỉ ôm một bụng cười, quệt nước mắt rồi bảo được thôi, nếu cậu thích thì hãy làm như vậy. Thế nhưng lúc đó đột nhiên Minh Nguyệt quay phắt qua nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng, mở to và ngạc nhiên, cậu ấy hỏi rằng tôi không bác bỏ ước mơ phi lý này sao, rằng là tôi không khuyên cậu ấy nên làm một nghề nào đó hợp lý hơn như bác sĩ, giáo viên như lời thầy cô? Hay về kế nghiệp gia đình như lời ba mẹ?

"Lần sau là lúc nào? Cậu không biết đâu, tớ nghe nói phải đến tận năm trăm năm sau khi hóa cỏ hoa thì người ta mới tiếp tục được tái sinh trong một kiếp đời mà người ta chọn." –Minh Nguyệt trề môi nhìn tôi.

So với ước mơ trở nên thật giàu có của tôi, thì ước mơ của cậu ấy chẳng phải rất đáng ngưỡng mộ sao ? Hồi bé người ta đâu có ước sau này sẽ trở nên giàu có đâu, người ta ước như là Minh Nguyệt ước vậy, chân thực như thế, ngay cả khi chúng tôi đã mười tám tuổi. Thế nên lúc ấy tôi đã bảo rằng là chỉ cần ước mơ đó không phạm pháp, không gây hại đến người khác thì tôi đều ủng hộ mà thôi. Cậu ấy lắng nghe, rồi bật cười và vỗ tay.

"Xời, cậu đã bảo để thực hiện ước mơ của mình thì bao nhiêu lâu cậu cũng đợi được đấy thôi?"

Ấy vậy mà cậu ấy lại mắc suy tủy xương.

"Nhưng mà tớ có bảo là tớ có thể đợi những năm trăm năm đâu?" –Minh Nguyệt nói với vẻ vùng vằng, cậu ấy quay mặt sang bên khác, khuất khỏi ánh nắng chiếu rọi. Nắng lên rồi. Chiếu xuống nước lấp lánh lấp lánh như có pha lê ở dưới vậy, tôi sợ nó đánh dạt vào mỏm đá thì sẽ vỡ ra mất.

Ấy vậy mà tôi lại không thể biết điều đó kịp thời để đưa cậu ấy đi khám.

"Chà, cậu sẽ đợi được thôi." –Tôi nhìn xuống phía dưới vực đá, khung cảnh này thật quen thuộc, như là rất lâu rồi vậy, chúng tôi vẫn luôn như thế này, ngồi đây và kể chuyện.

Minh Nguyệt ngẫm nghĩ một hồi lâu. Chúng tôi nói chuyện luôn kì lạ như thế, chúng tôi không hay khuyên răn lẫn nhau, đưa cho nhau những lời giải thích phân trần dài dòng về một câu nói nào đó, chúng tôi chỉ nói, và người kia có thể hiểu như nào cũng được. May mắn là bao giờ chúng tôi cũng hiểu ý nhau.

"Cậu nói đúng, tớ sẽ đợi được mà, phải không ? Đến lúc đấy hành khách đầu tiên của tớ chắc chắn sẽ là cậu." –Minh Nguyệt nháy mắt với tôi.

"Nhất định là như vậy." –Tôi nhìn cái Nguyệt, cậu ấy bắt đầu sáng rực lên và trong suốt đi. Khoan đã, không phải là bây giờ chứ. Tôi đưa tay quờ quạng nắm lấy tay cậu, cuối cùng Minh Nguyệt cũng quay sang nhìn tôi, cậu ấy vẫn ngồi bó gối, áp má vào cánh tay và mũi cậu đo đỏ.

"Hẹn cậu sau năm trăm tám mươi hai năm nữa nhé."(2) –Minh Nguyệt rực rỡ, cậu ấy sắp sửa tan ra thành cả vạn con đom đóm và mãi mãi biến mất, như thể vài tiếng trước chúng tôi chưa từng gặp nhau.

Tôi nhăn mặt và miệng tôi méo xẹo, tôi có cảm tưởng tôi sắp òa khóc rất to, rất thảm thiết.

"Khoan đã, ít nhất cậu hãy đợi đến lúc hoàng hôn đi mà, có được không, đến lúc hoàng hôn như lẽ thường ấy, đi mà." –Tôi bắt đầu khóc lóc và van nài Minh Nguyệt, ai rồi cũng sẽ phải chia tay nhưng tôi không muốn chuyện đó xảy ra lúc này, thực lòng đấy.

Cậu ấy nhìn tôi, và đôi tay bé nhỏ, mỏng manh của cậu ấy vỗ lên lưng tôi những nhịp dịu dàng. Nguyệt đưa tay vén tóc sau tai, hít thật sâu gió biển vào lồng ngực.

"Này, sao cậu không quay lại nhà tang lễ và tiễn tớ thêm một đoạn nhỉ ?" –Minh Nguyệt quẹt vội nước mắt, nắm tay tôi và dắt tôi xuống khỏi mỏm đá, kéo tôi về hướng nhà tang lễ.

Thế nhưng tôi chỉ đứng yên trên cát, nhìn xuống dưới chân và cố gắng thỏa hiệp với bản thân mình. Tôi không phải kiểu người hay đòi hỏi, nhưng mà vì sao lại không thể đợi đến lúc hoàng hôn chứ, dù cho đây có là một cơn mơ thì tôi cũng muốn có quyền được ao ước. Đến cả SpongeBob cũng có thể đợi Squidward đến lúc hoàng hôn cơ mà. (3) Chỉ là SpongeBob không chết.

Minh Nguyệt quay lại nhìn tôi, cậu ấy đứng đối diện, đan hai tay cậu ấy vào tay tôi, mỉm cười rồi siết nhẹ tay ba lần.

"Cậu sẽ làm được thôi, khi không có tớ, cậu cũng sẽ làm được thôi. Chúc cậu thi tốt."

Và tôi để yên cho cậu ấy dắt tôi về nhà tang lễ, mở cửa ra, và tôi thấy người ta vẫn nguyên vẹn như lúc tôi bỏ đi. Tôi quay lại nhìn Minh Nguyệt chất vấn nhưng cậu ấy chỉ nhướng mày.

"Tớ chỉ muốn cùng cậu đi dạo đâu đó một tí thôi mà, kiểu như tớ muốn nói là chúc cậu thi tốt ý."

"Ổn mà, thật may vì cậu đã làm thế." –Tôi siết lấy tay của Minh Nguyệt lần nữa, nhưng những bọt sáng xuyên qua kẽ tay tôi. Những đốm sáng ấy xuyên qua cả trái tim tôi và để lại những dấu tròn đầy đau đớn.

"Được rồi, đã đến lúc rồi, thiên thần đã réo tên tớ. " –Minh Nguyệt đẩy tôi vào.

Tôi vội vàng quay lại, nhưng tôi đã nắm trượt tay cậu ấy, rồi cánh cửa phòng từ từ khép lại –"Tạm biệt và cảm ơn vì đống cá nhé !"(4) –Cậu ấy lại nhe răng cười thật tươi một lần nữa, đưa tay thật cao vẫy vẫy với tôi trước khi cửa phòng thực sự khép lại hẳn.

Giây phút tia sáng kia vụt tắt, mọi người trong căn phòng lại chuyển động trở lại, và tôi lại ngồi một mình ở dãy ghế cuối cùng. Tất cả như thể chưa từng có gì xảy ra vậy. Bây giờ thì, tôi thực sự trở thành người duy nhất không kìm được nước mắt ở đây.

Tôi nhìn chằm chằm vào bức hình của cậu ấy trên kia, thì thầm một mình.

« Ừ, hẹn cậu năm trăm tám mươi hai năm sau nhé. »

"Ngộ ngã lương bằng" (thành ngữ): gặp được người bạn tốt của ta, trích trong "Hán Việt từ điển" của Đào Duy Anh.

Hiện tại thì cả hai người đều 18 tuổi, thêm 82 năm nữa thì tròn 100. Ý Minh Nguyệt là chúc Ánh Dương có thể tiếp tục sống một cách vui vẻ, sống lâu trăm tuổi càng tốt. Vốn dĩ 500 năm sau là Minh Nguyệt có thể chuyển kiếp được rồi nhưng đợi Ánh Dương thêm 82 năm nữa cũng không sao.

Đây là từ tập "Dying for pie" trong phim "Encyclopedia SpongeBobia".

"So long, and thanks for all the fish" = tạm biệt và cảm ơn vì đống cá nhé -> câu chào tạm biệt hài hước khi một doanh nghiệp đóng cửa hoặc ai nghỉ hưu, rời khỏi vị trí đang làm. Ở đây ý của Minh Nguyệt là đã kết thúc một con đường rồi, đường đời.

Viết xong ngày hai mươi tháng bảy năm hai không hai không.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro