Vòng 1: Lily - Móng tay

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Con người

Nam Anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được ngồi trên một chiếc xe hơi.

Nếu là nhỏ Nam Anh của mới nửa năm trước, một Nam Anh phải sống trong căn nhà gạch thô không thắng nổi mưa bão, một Nam Anh phải trắc trở với việc có nên mua một viên kẹo bạc hà hay không, thì hẳn nó sẽ đứng từ xa, nheo mắt ghen tị nhìn những chiếc xe hơi hàng hiệu hiếm hoi chạy về trên con đường đầy ổ gà của thôn Hạ, rồi phẩy tay nói với tụi con nít khác:

- Ối dào, cái bọn nhà giàu đó chỉ có mỗi tiền thôi chứ có gì đâu!

Nhưng bây giờ thì khác, bây giờ thì dù nó đang thật sự chu du đến miền đất hứa trên cái loại xe xịn hơn cả xe buýt giường nằm, nó chỉ cảm thấy mình đang bị vùi dưới một núi cảm xúc tiêu cực khó tả, và điều đó làm nó chợt buồn nôn, đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Chịu không nổi cảm giác say xe, nhưng Nam Anh nhất quyết không lên tiếng, nó đang "chiến tranh lạnh" với mẹ cơ mà. Thế là nó chuyển từ thế ngồi bó gối ru rú ở một góc xe và tựa vai vào cửa, sang thế nằm dài ra cả băng ghế sau, và vì chiều dài của nó lớn hơn chiều ngang của xe, nó gác hai chân lên cửa kính.

Mẹ con bé đang ngồi ghế phụ đằng trước, đang lim dim chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, nhưng bị giật mình tỉnh giấc bởi âm thanh va chạm với cửa kính thô bạo của nhỏ Nam Anh.

- Ngồi đàng hoàng lại, Nam Anh. Con làm bẩn xe dượng bây giờ.

Nam Anh không buồn đáp lại. Chiến tranh lạnh, chiến tranh lạnh. Mẹ thua con 1 - 0 rồi nha.

- Nam Anh! - Mẹ nó lớn tiếng. Ừ thì nó cũng sợ, nhưng nó mím chặt môi, rồi nằm nghiêng sang, co người lại, quay mặt vào băng ghế.

- Kệ con đi em. - Bố dượng nó trầm trầm lên tiếng, như muốn xoa dịu luồn khí lạnh băng mà nó tỏa ra khắp xe - Lần đầu đi xe nên chắc con không thoải mái.

- Đấy, dượng thương con thật lòng đấy. - Mẹ Nam Anh nghiêm túc răn đe - Con bỏ cái thói hành xử côn đồ đi nhá, cũng quên cái lũ nhóc thôn Hạ đi. Lên thành phố rồi, mình sẽ sống trong xã hội của những người tầm cao, con sẽ có dịp tiếp xúc với những bạn có trình độ.

"Xã hội của những người tầm cao", "bạn có trình độ" đồ.

Dường như lúc này những cảm xúc trong Nam Anh được chính nó làm rõ. Cách đây sáu tháng, mẹ con bé sẽ gọi những đứa trẻ buộc phải bươn chải sớm để kiếm sống là "các em"; mẹ sẽ gọi những người tầm cao là "những kẻ hám tiền thực dụng", những bạn có trình độ là "bọn cậu ấm cô chiêu không biết gì".

- Đi chơi nhớ chăm mấy em cho kĩ nha con.

Cũng khoảng thời gian đó, Nam Anh cùng đám trẻ trong thôn được thường xuyên ngắm một chiếc xe bốn bánh hạng sang đi đi về về trên con đường đất sình lầy của thôn. Thường xuyên! Theo nó thấy, ông bác về thăm thôn ấy, hẳn cũng từng là một cậu chàng điển trai, vì hình như bác cũng đang ở độ tuổi tứ tuần rồi, mà cái nét ưa nhìn trên gương mặt chữ điền cũng còn khá vẹn nguyên.

Có mấy lần, nó thấy bác và mẹ đứng trò chuyện, nhưng nó chẳng suy diễn gì nhiều. Nó chỉ nhớ lời mẹ dặn.

- Người nghèo như mình hay bị bọn nhà giàu miệt thị lắm. Nên con sống thì phải ngẩng cao đầu. Đừng quay đầu bỏ chạy, đừng lấm la lấm lét. Cứ đứng nghênh mặt lên mà nói chuyện với họ như người ngang tầng lớp.

Nó mặc kệ những lời bàn tán không hay về mẹ, nào rằng mẹ Nam Anh đang quyến rũ, đang "đào mỏ" bác doanh nhân, nào mẹ Nam Anh ngoài mặt tỏ vẻ đoan trang này nọ mà bên trong toan tính, ham danh hám tài.

Rồi, bùm một cái, mẹ và một-doanh-nhân-về-thăm-quê quyết định lên thành phố tổ chức đám cưới, chỉ mới sau sáu tháng quen biết!

Chuyện như sét đánh ngang tai Nam Anh. Giá mà nó có nhiều thời gian để dần thích nghi với sự thay đổi quá ư đột ngột, giá mà nó có thời gian để trân trọng hơn mảnh đất quê nhà của nó.

Nhưng nó chỉ có một ngày, đúng một ngày duy nhất, để tận hưởng những buổi đi bán mía, những buổi rong ruổi trên đồng bắt chuồn chuồn, vọc nước sông bắt cá trê cùng bọn trẻ thôn Hạ, một ngày duy nhất để đến chào tạm biệt ngôi trường, vốn là một căn nhà ba gian được tu sửa hai ba lần.

Cả ngày nay, những lời độc địa của láng giềng cũ cứ văng vẳng trong đầu Nam Anh. Và nó không nhận ra nó đang cố gắng trong vô vọng biện hộ cho từng câu khinh rẻ hai mẹ con nhà nó. Nó chỉ nhận ra, hình như càng lúc mình càng tin những lời miệt thị, mỉa mai đó. Và nó ghét điều đó.

Nó thấy ghét mình. Nam Anh, mày đừng bất hiếu thế chứ.

Nó thấy ghét những người miền quên nó từng vô cùng yêu mến. Mấy bà già buôn chuyện tào lao. Chỉ giỏi ghen ghét rồi đơm đặt.

Nó thấy ghét bác doanh nhân, người đã đưa tay giúp đỡ mẹ con nó qua một mùa thu hoạch kém, và đang đưa nó đến miền đất hứa. Ổng xuất hiện chi vậy trời?

Dường như Nam Anh đang ghét cả thế giới, nhưng nó không thể ghét mẹ, không thể nào. Nó chỉ hơi giận mẹ, hơi thất vọng, hơi hoang mang. Mẹ có thương mình không? Có chứ. Có mà đúng không? Nó hoài nghi về những lí lẽ tuyệt vời mà mẹ từng dạy nó.

Rồi một nhúm háo hức chợt nở rộ trong Nam Anh. Con bé tự hỏi cuộc sống ở thành phố thế nào, bọn trẻ ở đó ra sao. Nghĩ thế, nó lại đâm lo sợ, không biết chừng bọn trẻ ngậm thìa vàng lại tẩy chay nó thì sao.

Cảm giác nôn nao, lẫn lộn nhiều khung bậc cảm xúc này khiến nó không thể chợp mắt được, cứ cựa quậy mãi, dù một mình nó đã được thoải mái nằm dài ra cả băng ghế sau. Có lẽ, với tư duy của một con nhóc mười ba tuổi, thì nó chỉ nghĩ được như thế.

Trong vô thức, nó tự cấu vào tay mình, trong khi móng tay của nó được nó nuôi dài, không cắt có khi cũng được cả tháng. Úi! Hình như sự đau nhói ở mu bàn tay giúp nó bớt nghĩ ngợi lung tung, ít nhất là trong vòng vài giây ngắn ngủi.

Tầm nhìn của nó rơi vào đâu đâu bên ngoài cửa kính, trong khi tâm trí vẫn còn lởn vởn nơi thôn Hạ. Xe đang chạy băng băng trên con đường ngoại ô, nên ngoài kia chỉ lưa thưa vài ngôi nhà be bé, đèn đường cũng hỏng cả một đoạn dài. Còn bầu trời hôm nay không một gợn mây. Và nó thấy những vì tinh tú.

Mẹ chỉ muốn những điều tốt nhất cho con. Con cần có một người cha, cần có một cuộc sống tiện nghi, đầy đủ nhất có thể. Mẹ đã làm trái những quy ước mẹ đặt ra cho chính bản thân mình. Vì con cả, Nam Anh à.

*

Mười một giờ đêm, họ đến nơi, chiếc xe đậu trước một căn nhà cao tầng mặt phố.

Nam Anh chỉ mới thiu thỉu ngủ được chừng mới đâu có nửa tiếng. Thế nên nó mơ mơ màng màng bước xuống xe khi lơ mơ nghe tiếng mẹ gọi dậy. Trong một thoáng, nó bị bộ não đánh lừa, rằng hôm nay mẹ con nó đang chuẩn bị đi ăn đám tiệc gì đó ở thôn bên.

Nhưng Nam Anh cũng nhanh chóng rời khỏi chốn mộng mị của nó. Nó dụi mắt, rồi chớp mắt, rồi lại dụi mắt lần nữa, chân nó rảo bước đến gần đường lớn hơn. Bây giờ là đêm, mười một giờ đêm, giờ mà cả thôn quê sẽ chìm trong một sự tĩnh lặng đến rợn người. Nhưng trước mắt Nam Anh bây giờ là khung cảnh thành phố lung linh, ngập trong ánh đèn điện, và xe cộ vẫn đi đi lại lại trên con đường lớn trước mặt nó, đèn xi-nhan chớp tắt, đèn giao thông đổi màu, mọi thứ làm nó lóa mắt.

- Nam Anh, phụ dượng và mẹ vác đồ vào nhà cái nào! - Mẹ Nam Anh gọi khi thấy hình như tâm trí con bé cũng bị cuốn đi theo những chiếc xe trên đường lớn - Và đi vào đây ngắm nhà mới nè con.

Nam Anh dạ ran một tiếng, rồi vội quay lại phía mẹ, trong khi mắt vẫn chưa dứt khỏi khung cảnh thành phố đêm khuya.

Từ đường lớn rẽ vào con đường khác, không phải là quá nhỏ, nhưng chắc vì chỉ tập trung những căn nhà định cư của người dân mà con đường này vắng vẻ hơn hẳn. Thế nhưng nó vẫn sáng đèn đường. Dượng mở cổng một căn nhà hai tầng quét sơn xanh lá, nổi bật giữa một dãy nhà phủ sơn trắng.

Ơ... Ai...? Nam Anh giật mình khi trong lần quét mắt qua những căn nhà khác này, nó thấy thấp thoáng ai đứng trên ban công tầng hai. Ủa, đâu có ai đâu... Nó chớp mắt mấy cái, rồi tự trấn trêu mình mắt nhắm mắt mở trước khi bước vào nhà.

Dượng dẫn hai mẹ con Nam Anh lên lầu, chỉ vào căn phòng ở cuối hành lang, và bảo từ nay đó sẽ là phòng ngủ của nó. Tự nhiên Nam Anh lại ngần ngừ, không muốn bước vào.

- Con vô nghỉ trước đi. Muộn quá rồi. Để mẹ và dượng dọn. - Thấy nó không nhúc nhích, mẹ đẩy đẩy vào lưng nó - Phòng sạch đẹp, mẹ cá với con là thế. Ít nhất thì sẽ sạch hơn căn phòng cũ của con.

Nam Anh lẩm bẩm một tiếng "dạ" nhỏ xíu ở cổ họng. Rồi nó nuốt nước bọt, tiến đến căn phòng, đẩy cửa và bước vào.

Bật đèn lên nhìn cho rõ, và nó không ngăn được mình "ồ" lên một tiếng.

Nó nhảy phóc lên giường trước, trườn dài ra, lăn mấy vòng đến mép giường bên kia, rồi thích thú tắt mở tắt mở cái đèn ngủ. Chán chê, nó đứng hẳn lên giường, đứng nhún mấy cái, trong khi mắt quét hết một lượt phòng ngủ: phòng rộng ngang ngửa căn nhà cũ bèo bọt của nó, giấy dán tường màu hồng với họa tiết hoa hòe được dán kĩ cả phòng, tủ quần áo màu kem hợp tông tổng thể, một đôi dép bông cũng màu hồng đặt trước tủ.

Nam Anh phóng thẳng từ trên giường xuống đến cạnh đôi dép. Nó hí hửng xỏ vào, rồi vừa đi vừa giậm mạnh chân xuống đất, phát ra mấy tiếng "bành bạch", mà theo nó là thú vị.

Hóa ra cuộc sống nhà giàu thú vị đến vậy.

Giờ thì mắt nó đang hướng ra ban công. Vẫn mang đôi dép bông đó, nó bật tung cánh cửa ban công, và gió tạt thẳng vào mặt nó, gió có lẫn bụi. Nhưng dưới quê rõ là đỡ ngột ngạt hơn.

Ban công nhìn thẳng chỉ thấy được mấy ngôi nhà đã chìm vào giấc ngủ phía đối diện. Nhưng khi nhìn qua bên trái, nó lại thấy màu sắc rực rỡ, sôi động của thành phố đêm. Căn nhà nằm ở góc phố, vị trí hoàn hảo để nó ngắm nhìn miền đất hứa, nơi bọn trẻ thôn Hạ hẹn sẽ gặp nhau.

- Tôi sẽ đưa Nam Anh, và cả mọi người nữa, đến miền đất hứa của mọi người. Hứa như thế nhé!

- Xin chào hàng xóm mới. - Trong khi Nam Anh đang mơ màng đi đâu, đằng sau con bé vang lên tiếng chào tinh nghịch của một cậu con trai.

Nghe tiếng chào, Nam Anh giật nảy người, chân tự nhiên nhủn ra, run lẩy bẩy. Giờ này? Tầng hai? Nam Anh đã sống dưới thôn quê đủ lâu để nghe ngóng tất cả những câu chuyện ma mà các cụ bà già khọm vẫn dùng để dọa con nít (ấy thế mà đứa nào cũng muốn được dọa), nên trí tưởng tượng phong phú không đúng lúc của nó càng được tiếp thêm sức mạnh.

Nhưng Nam Anh cũng tò mò.

Vịn tay vào lan can để đứng cho vững, rồi nó chầm chậm quay đầu, nuốt nước bọt để nhìn thử xem thứ-đó-đó có hình dáng như thế nào. Và, nó rú lên một tiếng, ngồi bệch xuống đất khi thấy một bóng hình mặc đồ trắng, gầy gò, mặt trắng bệch, hốc hác. Nó không dám nhìn nữa, dúi mặt vào lòng bàn tay.

Và đó là khi nó nghe tiếng cười ha hả khoái chí, từ đâu nhỉ? À, từ ban công nhà bên cạnh.

Tiếng cười vô duyên đó như xua đi sạch sành sanh nỗi sợ khiến nó tê liệt nãy giờ. Nó nhớ lại hình ảnh nó thấy khi sắp sửa bước vào nhà: những căn nhà hai tầng san sát nhau trên mặt phố, với kiến trúc hoàn toàn giống nhau, và ban công các nhà thì gần như dính liền.

Nó nhớ cả cái bóng người thập thò rồi chạy biến ở ban công nhà bên cạnh.

- Tưởng hàng xóm mới thế nào, hóa ra cũng nhát gan như bao người. - Thằng nhóc bên kia cũng ngồi bệch xuống đất, nhưng không phải vì sợ tái mặt như Nam Anh, mà chỉ vì nó đang cười đau cả bụng - Thần hồn nát thần vía! Ha ha.

Khi thằng nhóc tiết chế được cơn cười của mình, nó đứng dậy, cầm cái đèn pin huơ huơ:

- Tôi không phải ma đâu nhé. Chỉ là đèn pin thôi. - Cậu ta nói mà trong giọng vẫn lẫn tiếng cười khúc khích.

- Á à, vậy à? - Nam Anh nhận ra mình bị chơi một vố, nó đứng dậy, trừng trừng nhìn cái thằng hàng xóm mới chết bầm, rồi lớn giọng quát - Chào đón hàng xóm mới một cách sáng tạo quá ha?

- Cách hiệu quả đấy! Khi dãy nhà đối diện có người tới sống, không biết bà có muốn hợp tác... Ối! Buông tôi ra!

Thằng nhỏ chưa kịp nói dứt lời, một nhúm tóc trên đầu nó đã bị Nam Anh túm chặt. Con bé đang trụ một chân trên lan can ban công nhà nó, chân còn lại móc vào chấn song trên lan can, và người nó chồm qua đến tận ban công nhà thằng nhóc, mặc cho khoảng cách giữa hai ban công dù không quá lớn, nhưng cũng đủ để một người lọt thỏm xuống và rơi tự do.

- Bỏ tôi ra coi. Bà vẫn cứ là bạn Nam Tính như hồi trước vậy. - Thằng nhóc cứ la oai oái, cố gắng gỡ ngón tay của Nam Anh khỏi tóc mình, để rồi bị những cái móng tay của Nam Anh bấm vào da - Và bà vẫn chẳng thèm cắt móng tay!

- Kệ tôi. Móng tay là để tự vệ, một cách... quân tử. Còn ông vẫn cứ là đồ Hải Cẩu, đồ chơi bẩn! - Nam Anh nhất quyết không buông là không buông. Người "bạn cũ" Hải Cẩu này chưa bao giờ thôi làm cho nó tức sôi máu - Ngon thì đẩy tôi ra đi. Chơi cho đáng mặt nam nhi chứ đừng... giở trò hèn hạ.

- Ai chơi hèn hạ biết liền. - Thằng nhóc rít lên - Tôi mà đẩy bà ra lỡ may bà té lầu thì sao. Có gì thì ngày mai rồi nói nào. - Và giờ thì luôn miệng "đàm phán" với Nam Anh - Ngày mai tôi sẽ qua thăm hàng xóm mới. Lúc đó thì hẳn... giao tranh công bằng.

Nam Anh "hứ" một tiếng rõ to, rồi đẩy bạn Hải Cẩu ra để lấy đà nhảy ngược về phía ban công nhà mình.

- Làm quen lại nào. - Thằng nhóc đứng bên kia, nở nụ cười tươi tắn - Tôi là Minh Hải, chào bạn Nam Anh.

Nam Anh bĩu môi, quắc mắc nhìn cậu bạn hàng xóm. Rồi những kí ức về hôm đầu tiên hai đứa gặp, dần dần ùa về trong tâm trí con bé. Đó là một kỉ niệm thú vị, rất thú vị, chứ không đời nào Nam Anh gọi nó là một kỉ niệm đáng nhớ.

Chả là có một dạo, bác doanh nhân dắt theo một thằng nhóc về cùng trong chuyến ghé thôn Hạ. Và cả đám nhóc, mà dẫn đầu là Nam Anh, tò mò kéo nhau đi làm quen với cậu, để xem "con nít thành phố" là như thế nào, "cậu ấm cô chiêu" nó ra làm sao.

Và cũng trong lần gặp gỡ đầu tiên đó, Minh Hải biểu diễn những "trò chơi của con nít thành phố".

Đầu tiên là trò với cái hình chữ nhật đen đen dẹt dẹt mà Nam Anh nghe cậu gọi là điện thoại thông minh. Nam Anh ngày đó cũng biết đến cái điện thoại, nhưng chỉ toàn là những điện thoại bàn phím đời cũ. Minh Hải rõ ràng từ đầu đã nhắm vào trêu cái đứa lớn nhất ở đây. Thằng này tải sẵn những đoạn phim hoạt hình đáng yêu cho bọn nhỏ xem, nhưng còn thủ sẵn cả một đoạn jumpscare!

Tiếp theo là trò ảo thuật pháo bông, được Minh Hải giới thiệu nghe rình rang lắm. Thế mà tiết mục của nó đơn giản cực kì: nó đứng đằng xa, ném cái viên gì đó trắng trắng vào chậu nước. Nếu như ai đã được thực hành môn Hóa, thì cũng sẽ biết tên cái viên trăng trắng đó là Natri, và Natri được ném vô nước thì sẽ tạo thành "pháo bông" như thế nào.

Kết cục thì, thêm vào những định kiến rằng "Người nhà giàu chảnh chọe, tham lam, thực dụng", là "Con nít nhà giàu chơi đểu, chỉ muốn đem những đứa trẻ khác ra làm trò tiêu khiển."

- Làm quen đi ha. Làm quen xong rồi ông dùng cái điện thoại thông minh gì đó của bạn dọa ma tôi tiếp à. Làm quen xong rồi ông ảo thuật bùm bùm chíu chíu chớp chớp gì cho nước bắn tung tóe vui lắm hén? Toàn mấy trò... nguy hiểm đến tính mạng.

- Nguy hiểm cái nổi gì! - Minh Hải vung tay, hình như đang nén cười chứ không phải nén giận - Có bà là đồ làm lố thì có.

Rồi đưa mắt đi đâu như hồi tưởng lại cái gì trong chốc lát, cậu lại quay sang lên giọng dạy đời với Nam Anh:

- Mà bà đừng có tỏ ra là nạn nhân nhé. Cái lần bà lấy cái cớ "đi cầu khỉ dễ mà vui lắm" rồi gián tiếp làm tôi té sông, mấy lần bà dùng bọn rắn rết dọa tôi đấy, sao không tính vào? Bà chỉ toàn chơi trò bạo lực. Cắt móng tay đi, cái đó mới là... nguy hiểm chết người đấy.

Thế ra, sau cái buổi gặp gỡ đầu tiên, Minh Hải vẫn đi về thôn Hạ thêm mấy bận nữa. Rồi thì một loạt trò chơi khăm hội đồng lên cái thân gầy guộc đó nổ ra. Hình như chính vì vậy mà sau chục bữa về chơi, thằng Hải biệt tăm biệt tích.

Nhận ra mình đuối lí, Nam Anh khịt mũi, đấm đấm lưng ra vẻ như mấy bà già, rồi nói bâng quơ:

- Thôi. Trễ rồi. Tôi đi ngủ.

- Ê. Khoan đi. - Minh Hải gọi với lại, định níu cả tay áo Nam Anh - Tối nay có mưa sao băng đó, nên tôi mới thức đến giờ này. Mà trời hôm nay ít mây nữa nè. Đi là uống lắm...

Hổng mê.

Cánh cửa ban công nhà bên kia đóng lại cái rầm. Thằng Hải thở hắt ra một hơi, lẩm bẩm một mình:

- Mốt hối hận cho thấy.

Trên bầu trời thành phố, chỉ có thưa thớt vài ngôi sao sáng nhất. Nhưng nhìn kĩ vào, nhìn kĩ thật kĩ, Minh Hải có thấy, những vì tinh tú xa xăm, chớp sáng rồi vụt tắt. Một ngôi sao sáng lấp lánh, với cái đuôi dài nổi bật, rơi khỏi bầu trời. Rồi thêm lẻ tẻ vài ba ngôi sao như thế nữa. Không có mưa sao băng. Rõ là cậu biết ở nơi như thành phố thì chẳng thể thấy được cảnh tượng tuyệt đẹp đó. Nhưng cậu muốn ước.

Ước gì ba mẹ đừng bận bịu công chuyện hoài nữa.

*

Thằng Hải không nói ngoa vụ "thăm hàng xóm mới". Sáng hôm sau, khi dạ dày Nam Anh còn chưa kịp tiêu hóa bữa ăn sáng nhiều hơn tổng khẩu phần cả một ngày của nó trước đây, thì đồ ăn thức uống đã muốn trào ngược ra khi nó thấy thằng Minh Hải đang vẫy vẫy tay với nó ngay trước cổng nhà.

Và dượng Nam Anh thì vui vẻ ra mở cổng cho thằng nhóc, rồi hai người họ có một cuộc trò chuyện nho nhỏ ngoài kia. Nam Anh đứng như trời trồng trong nhà ngó ra, sự đa nghi vô lí và cẩn trọng thái quá bắt đầu nổi dậy. Đồng thời, nó cũng ráng nghĩ cái kế gì đó để phản công nếu Minh Hải dám làm gì.

Cuối cùng, dượng cũng quay mặt lại, gọi Nam Anh:

- Nam Anh, ra đây bạn Hải đưa con đi mua dụng cụ học tập nè, sẵn tiện đi ngắm phố phường Sài Gòn.

- Dạ? - Nam Anh thộn mặt ra, nhưng chân cứ theo quán tính mà bước. Sao tốt vậy? À, hay là dượng nhờ vả, nếu vậy thì mình từ chối.

- Tôi cũng muốn giải nghiệp thôi. - Thằng Hải vẫn đưa cái bộ mặt cười tươi rói, và nói một câu trúng phóc tim đen Nam Anh. Nó dắt theo một chiếc xe đạp, chỉ tay ra yên sau - Lên xe đi, tôi chở đi mua nhiều thứ cần thiết.

Nam Anh vẫn ngần ngừ, nhíu mày nhìn thằng Hải dò xét. Nhưng rồi, mẹ nó từ trong nhà nói vọng ra:

- Đi đi con. Hôm nay mẹ cũng bận bịu lắm. Có bạn giúp là tốt quá rồi!

Dượng vỗ vỗ vai nó, và chân nó cũng bước ra khỏi sân nhà như ai khiến nó xuôi đi. Thế là cổng nhà nó đóng, nó đứng ở ngoài, còn trước mặt nó là Minh Hải. Cậu đang cắm cúi chỉnh chỉnh cái đèn dynamo của xe đạp (mặc dù Nam Anh không biết gọi tên loại đèn đó).

Lần đầu tiên, thằng Hải trông có vẻ tập trung một cách... hiền lành, chứ không phải một bạn Hải Cẩu lăm le tìm trò từ những thiết bị nó chưa bao giờ thấy để trêu cả đám trẻ thôn Hạ.

Và nó thấy, một thằng nhóc xinh trai.

Nhưng có điều, Hải khá xanh xao, nhợt nhạt. Cậu khoác chiếc áo phông tay dài dù thời tiết không đến nổi buốt rét. Và hình như vóc dáng cậu ốm yếu hơn hẳn so với tụi con trai trạc tuổi Nam Anh ở dưới quê. Tự nhiên trong lòng Nam Anh dấy lên một cảm xúc tội lỗi: hình như từ cái lần nó bẫy cho cậu té sông, thì cậu không còn xuất hiện nơi thôn Hạ nữa.

- Đèn này hư rồi hay sao á. - Minh Hải lại nở nụ cười khó ưa - Lên xe đi. Nói nãy giờ mà cứ đứng trơ trơ.

- Làm như ông là cha nội người ta không bằng. - Nam Anh lẩm bẩm, trong khi đang leo lên chiếc yên sau.

- Đi tham quan Sài Gòn nào!

*

Thành phố buổi sáng tấp nập còn hơn khi về đêm, ừ thì đó là lẽ đương nhiên. Nam Anh đảo mắt nhìn từ tòa nhà cao tầng này, sang những hàng quán đông nghẹt khách kia, miệng không khép lại được. Nó trầm trồ trước sự bận rộn, vui tươi của thành phố. Nhưng lòng nó chùng xuống khi thấy những người bán vé số, bán hàng rong trên vệ đường, nó chỉ có thể ngoái đầu lại nhìn, chẳng thế giúp. Giữa sự hào nhoáng, phồn vinh của thành phố, có những mảng tối mà không ai dư dả thời gian để đoái hoài.

Nhưng tim Nam Anh lại được sưởi ấm trở lại ngay sau đó, khi nó thấy những đứa trẻ trạc tuổi những đứa em kết nghĩa thân thương của nó nơi thôn Hạ, chìa tay đưa những hộp sữa cho những người thiếu thốn; khi nó thấy những cặp đôi ăn mặc sành điệu, cũng biết dừng lại bỏ chút tiền ủng hộ những mảnh đời khó khăn.

Có những đứa trẻ sống trong nhung lụa, lớn lên thành những người có điều kiện, vẫn còn trái tim. Ừ, tất nhiên phải có rồi. Họ là con người mà.

- Thấy rồi đúng không? - Minh Hải đột ngột hỏi - Lần đâu tiên nhìn thấy xa hơn cái ao làng đúng chứ?

- Hả?

- Thì đấy. Người có điều kiện đâu phải ai cũng tệ. Toàn là định kiến cả. - Giọng cậu cứ đều đều, và Nam Anh cũng không thể nhìn thấy được những biểu cảm trên mặt cậu.

- Nhưng định kiến không hoàn toàn sai mà. - Nam Anh lí nhí cãi cố.

- Nhưng nó cũng có hoàn toàn đúng đâu. Đừng áp đặt định kiến lên người khác, họ sẽ áp đặt ngược lại lên bà đó.

Nam Anh không trả lời. Mắt nó đang dán vào một anh trai rõ là còn đang ở độ tuổi xuân xanh, nhưng lại mặc bộ quần áo nát bươm như một người ăn xin, bám theo hai chị gái, chắc là để xin tiền, chắc thế.

Ở thôn Hạ, Nam Anh chưa từng gặp ăn xin. Nghe thì lạ, nhưng sự thật là thế. Vì ở cái vùng nghèo đói, thì ai cũng lo cho mình, cho nhà mình, cho con cái mình trước. Ai dầu thương cũng chẳng thể nào đưa tay ra giúp. Ai cũng phải sống cho chính mình.

Ai cũng phải sống cho chính mình.

Như có một luồn điện chạy dọc sóng lưng Nam Anh, nó giật mình nhận ra "con người" là như thế nào. Là có cả phần "con", lẫn phần "người" trong đó. Mắt nó nhìn chăm chăm vào mười chiếc móng tay dài quá mức của nó, nhớ lại những lần nó đi "đấu tranh vì công bằng" cho những đứa trẻ xóm nó, thì móng tay dài luôn là vũ khí bí mật mạnh nhất của nó.

"Đấu tranh vì công bằng" của nó là gì? Là giành giựt những viên kẹo bạc hà, từng cái bánh, là giành giựt từng củ khoai, từng miếng ăn, vì cho rằng việc chia đều sau một "phi vụ" hái trộm quả hay giúp việc cho những nhà khá khá trong vùng là điều đương nhiên.

Có điều nó làm đau khá nhiều người, nỗi đau thể xác và hẳn sẽ còn nhiều vết sẹo in lại. Phần "con" trong mỗi người trỗi dậy để giành lấy điều tốt nhất cho bản thân.

Cả những vết xước còn hằn sau gáy Minh Hải. Nhỏ Nam Anh còn nhớ rõ cả sự hả hê của chính mình sau khi cào cấu cho cậu chảy máu, chỉ bởi vì cậu dọa nó hoảng hồn bằng đoạn ghi âm tiếng nổ lớn, và gián tiếp khiến củ khoai nóng hổi nó cầm rơi tõm xuống ao.

Nam Anh thở dài:

- Chắc tôi nên đi cắt móng tay thật.

- Giỏi. Cảm phục tôi ghê chưa. Chỉ bằng vài câu nói lí mà biến thù thành bạn. - Thằng Hải lại cất giọng tự mãn, nhưng lần này cậu lại khiến Nam Anh bất giác bật cười.

- Xí. Nhờ tôi có nhận thức và suy nghĩ tốt thì có. Nhưng mà ngẫm nghĩ lại, - Nam Anh chớp chớp mắt - thôi cứ để móng dài đi. Để phòng vệ vẫn khá hữu hiệu.

- Thế thì cắt móng tay của một tay trái thôi. Tay phải cứ để móng tay dài. Tôi sẽ chỉ cậu cách chơi ghi ta.

- À. Biết chơi ghi ta để bù vào cái ẻo lả bên ngoài đúng không.

- Muốn uống nước ngọt không? - Minh Hải thắng xe gấp trước một cửa hàng tiện lợi, chẳng màng đến câu châm chọc đau điếng của Nam Anh, lại còn hỏi thăm một cách tốt bụng.

Con bé biết "nước ngọt" là gì. Nhưng chỉ những khi được dự đám tiệc, nó mới được uống thử một ít. Chỉ một ít thôi, nước ngọt đối với người thôn Hạ cũng là một món đắt đỏ.

- Ấy chết! - Sực nhớ ra điều gì đó, con bé vỗ mạnh trán - Tôi không mang tiền.

- Làm tưởng chuyện gì. - Thằng Hải thở phào - Tôi dẫn bà đi mà. Tất nhiên là tôi đã chuẩn bị tiền.

Sao mọi chuyện cứ vụt vụt như mơ thế nhỉ? Nam Anh nghĩ thế, trong khi nhìn thằng Hải lon ton chạy vào cửa hàng. Nó lật mặt nhanh dữ vậy cà?

Câu hỏi vừa được Nam Anh đặt ra, đã có ngay câu trả lời.

Thằng Hải hí hứng cầm hai lon Coca ra, dúi một lon vào tay Nam Anh. Con bé không nhận ra thằng Hải có gì đó vội vội vàng vàng, như muốn cái lon nước ngọt được con bé mở ra nhanh nhất có thể.

Rồi, ngay khi Nam Anh khui lon nước ngọt, thì "phụt" một cái, nước ngọt bắn thẳng lên mặt con bé. Và thằng Hải lại được dịp ôm bụng cười thả ga.

Á à, quả nhiên Hải Cẩu vẫn là Hải Cẩu.

Thế ra, ngay từ đầu, thằng Hải đã tính toán chuyện này: mua một lon nước ngọt, lắc mạnh, thậm chí ném nó xuống đất vài lần, cốt để nó sủi bọt thật nhiều. Để rồi, con bé Nam Anh lãnh đủ.

- Cái đứa nào mới luyên thuyên về đạo lí làm người vậy hả? - Hoàn hồn sau khi được tắm nước ngọt, Nam Anh gằn giọng, nghiến răng trèo trẹo.

- Sống không có định kiến là sống vui vẻ như thế đấy! - Thằng Hải vẫn còn tâm trạng lên giọng dạy đời.

Và trong khi cười xả lán như thế, cậu ta mất cảnh giác, còn Nam Anh thì thừa cơ hội, tạt thẳng phần còn lại của lon nước ngọt và mặt Minh Hải.

- Bình đẳng và công bằng ha! - Nam Anh "hứ" một tiếng lớn, rồi bắt đầu cười khúc khích khi thấy thằng Hải ngớ người.

Hai đứa nó nhìn nhau. Tóc tai và vai áo ướt nhẹp mùi vị Coca. Thế mà vui! Bọn nó bật cười, cùng cười, cười ha hả, cười khùng khục, ngay giữa đường như thế.

- Hai đều nhé!

*

Chào Nam Anh,

Bọn mình đã biết nhau hơn hai năm rồi thì phải. Mà bà vẫn cứ là bạn Nam Tính. Và trong mắt bà, hình như tôi cũng vẫn là thằng Hải Cẩu. Nhưng thật đấy, tôi thích sự năng động ở bà, mà chỉ có bà mới có may mắn được thấy những trò đùa đỉnh cao của tôi. Và, cảm ơn trời đất, bà tiết chế được sự bạo lực của mình rồi.

Cuối cùng thì lên cấp ba, tôi với bà lại có cơ hội học chung trường. Bà chuyên Hóa, tôi chuyên Anh.

Mừng ghê.

Sao bà không nói với tôi tình cảm của mình đi nhỉ? Lại đi tâm sự với nhỏ Phương Nghi làm gì? Nó cũng kể lại cho tôi thôi. Bà phải nói với tôi trước, tôi mới đáp trả lại bà được chứ. Mọi lần tôi vẫn là người khơi chuyện, nhưng chuyện này thiệt tình khó nói ghê.

Tôi lo là tôi sẽ không thể nói rõ với bà được tình cảm của mình. Tôi không biết nữa, không rõ là tôi có coi bà hơn một người bạn bình thường không nữa. Thêm tầm một năm nữa thì chắc tôi rõ, nhưng một năm dường như là quá muộn với tôi.

Thời gian của tôi sắp hết rồi.

Nếu tôi đi, tôi sẽ trở thành một trong những vì tinh tú sáng nhất trên bầu trời. Chắc chắn thế. Tôi mà.

Còn bà thì hẳn sẽ thành một ngôi sao theo nghĩa kia kìa. Sau lần vừa hát vừa độc diễn ghi ta ở nhà hát thì bà thành người nổi tiếng luôn rồi. Cắt móng tay bên trái để giữ dây đàn cho chắc nha. Bà nổi tiếng nhờ giọng hát thôi, chứ đàn thì sao bằng được tôi.

Đọc lại lá thư mình viết mà tôi thấy nó rõ lủng củng luôn ấy, gạch xóa tùm lum, nhưng thôi kệ. Dù gì thì bà cũng nên thấy vinh dự vào, bà là một trong số siêu ít người tôi viết tâm thư để lại cho đó (ba mẹ tôi, dượng của bà - người chăm tôi thay ba mẹ).

Viết gì nữa ta? Hông biết viết gì nữa luôn. Tôi thì tôi thích gặp mặt nói chuyện hơn là viết kiểu này. Tôi cũng muốn được gặp và trò chuyện với người sống thêm mấy chục năm nữa lắm. Hên xui thôi vậy.

Kí tên

Nguyễn Trần Minh Hải

*

- Bệnh nhân phòng hồi sức số ba vẫn đang trong tình trạng hôn mê...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro