Chương 23

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau hôn lễ viên mãn của Giang Dữ Bân và Nhị Tâm, tiên hình của Kim Ngọc Nghiên mới được ngừng.

Tử Cấm Thành dường như vẫn còn vang vọng tiếng hét thảm thiết của Kim Ngọc Nghiên trong mấy ngày đầu dụng hình, làn da mịn màng từng được nàng ta chăm sóc bằng son phấn thượng hạng bị đánh nát bét. Những ngày sau có lẽ vì đau đớn quá, hoặc có lẽ không còn sức mà la nữa, nên nàng ta chỉ cắn môi im lặng.

Có vẻ hậu cung cũng bị hình phạt nặng nề của Kim thị răn đe nên sóng yên gió lặng. Hoằng Lịch được thanh tĩnh cũng thoải mái đến nhìn Ngụy Yến Uyển cũng hợp mắt, đầu tháng năm đã phong nàng ta làm Lệnh quý nhân.

.

.

.

Hoằng Lịch nghĩ đến Như Ý bấy lâu nay phải vất vả thu xếp công vụ hậu cung, thời tiết mùa hè lại nóng bức hẳn sẽ khiến nàng chán ăn nên bữa tối đã sai tiểu trù phòng của Dưỡng Tâm điện nấu mấy món dễ ăn để khao thưởng.

Trong điện các đã xếp đầy những chậu băng, hơi mát tỏa ra xua đi cái oi bức của ngày đầu hạ. Như Ý vừa đặt chân vào điện đã được làn gió mát thổi cho cả người khoan khoái.

Hoằng Lịch thấy nàng đến, mỉm cười nắm lấy tay nàng.

- Hôm nay ta sai tiểu trù phòng làm mấy món ăn khai vị, chúng ta cùng ăn.

- Tạ ơn Hoàng Thượng.

Hoằng Lịch dắt nàng vào bàn ăn, gắp cho nàng một đũa rau trộn nấm kim châm. Như Ý ăn thử mà nụ cười tròn vành môi.

- Ngon quá, món này chua cay ngon miệng, ăn vào mùa hè thật thích hợp.

Hoằng Lịch cầm khăn lau vết dầu bên khóe miệng nàng.

- Ta biết nàng sẽ thích mới sai họ chuẩn bị, nàng nếm thử món cá cháy kia đi. Cá này mới được đưa tới hôm nay, đều để hết ở Dưỡng Tâm điện, người khác muốn ăn cũng không có đâu.

- Cá cháy vốn đến từ vùng Giang Chiết, lúc thần thiếp còn nhỏ ở Tô Châu từng được ăn thử. Trong "thực giám thảo mộc" đã nói, 'cá cháy xuất hiện vào mùa hè, hơn một tháng là không còn'. Đưa nó từ Giang Chiết về kinh phải cẩn thận vô cùng, Hoàng Thượng làm như vậy thật giống Đường Minh Hoàng tặng lệ chi cho Dương Quý Phi.

- Thế thì đã sao? Nàng thích là được, mau nếm thử đi, để nguội mất ngon.

Trong lúc hai người vừa dùng bữa vừa nói chuyện phiếm thì Tiến Trung bước vào bẩm báo:

- Khởi bẩm Hoàng Thượng, Lệnh Quý Nhân cầu kiến ạ.

- Ừ, cho nàng ta vào đi.

Ngụy Yến Uyển cười duyên bước vào, phúc thân thỉnh an.

- Thần thiếp thỉnh an Hoàng Thượng, thỉnh an Hoàng Quý Phi nương nương.

- Đứng lên đi.

- Tạ Hoàng Thượng, hôm nay thần thiếp có đọc về vài món dân gian, biết Hoàng Thượng thích ăn nên đã nấu ở tiểu trù phòng rồi mang đến dâng cho người.

Ngụy Yến Uyển vừa nói vừa mở hộp cơm, Hoằng Lịch chỉ lười nhác liếc một cái:

- Ừ, nàng hữu tâm, chỉ là hôm nay oi bức, trẫm và Hoàng Quý Phi không ăn được mấy món ngấy mỡ này.

Mặt Ngụy Yến Uyển lúng túng đỏ bừng.

- Là thần thiếp sơ sẩy.

Hoằng Lịch uống một hớp canh, thong thả nói:

- Đứng lên đi, trẫm chọn cho nàng chữ Lệnh làm phong hào, nàng có biết ý nghĩa không?

Hoàng Thượng hỏi không thể không đáp, nhưng Ngụy Yến Uyển ít sách ít chữ nào có hiểu ẩn ý của người là gì. Giữa lúc xấu hổ túng quẫn nàng chỉ muốn chui quách vào cái lỗ nẻ nào đó, Dưỡng Tâm điện không có chỗ cho nàng trốn, nàng chỉ đành cúi đầu lí nhí.

- Thần thiếp không biết.

Hoằng Lịch hơi nghiêng mặt liếc mắt ra hiệu cho Như Ý, nàng hiểu ý mỉm cười giải thích:

- Trong 'Kinh Thi' có nói, 'Lệnh văn lệnh vọng, như khuê như chương', chữ Lệnh biểu trưng cho phẩm đức tốt đẹp, đây cũng là mong đợi của Hoàng Thượng với muội.

- Vâng, thần thiếp hiểu rồi, thần thiếp không đọc nhiều sách, để Hoàng Thượng và Hoàng Quý Phi nương nương chê cười.

Hoằng Lịch chỉ cười khẽ.

- Không sao, nàng cũng có chỗ tốt của nàng, ở lại hầu bữa cho trẫm và Hoàng Quý Phi đi.

Ngụy Yến Uyển nghe vậy mới tươi tỉnh lại, nàng ta ngoan ngoãn bước lại gần chia thức ăn cho Hoằng Lịch và Như Ý.

Hoằng Lịch gắp một miếng cá cháy, bỗng quay sang tươi cười với Như Ý:

- Trẫm nhớ lúc còn ở tiềm để thì nàng thường làm mấy món điểm tâm như đậu phụ hoàng, vị vừa ngọt vừa thanh, ăn một lần là không quên được. - Hắn lại tỏ ra tiếc hận, - Chỉ là bây giờ nàng lại không chịu làm.

Như Ý buông đũa, tinh nghịch nói:

- Thỉnh thoảng thử một lần mới khó quên, chứ Hoàng Thượng ăn thường xuyên sẽ chán.

Nụ cười của Hoằng Lịch lại càng thêm tươi roi rói.

- Nào có, chỉ cần do nàng làm thì ta đều thích.

Hai người chàng chàng thiếp thiếp, tình tứ như một đôi phu thê dân gian, Ngụy Yến Uyển đứng hầu mà mặt đỏ rực như tôm luộc. Giọng nói dịu dàng với ánh mắt đầy tình ý của Hoàng Đế chưa từng dành cho bất cứ ai, nàng ta nghĩ vẩn vơ, đôi đũa đang chia thức ăn cũng khựng lại.

Đến khi bị Xuân Thiền chạm vào tay, ra hiệu nàng ta mau xin cáo lui, Ngụy Yến Uyển mới sực tỉnh, cười gượng mà nói:

- Hoàng Thượng và Hoàng Quý Phi nương nương cứ dùng bữa, thần thiếp phong hàn mới khỏi, không nên ở lại tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của Hoàng Thượng và nương nương.

Trong điện đầy hơi băng lạnh mát mẻ, lưng của Ngụy Yến Uyển lại ướt đẫm mồ hôi, tầng áo lụa đè lên da thịt ép nàng không thở nổi. Hoằng Lịch còn đang mải hàn huyên với Như Ý nên cũng chỉ ậm ừ một cái rồi thôi.

Ngụy Yến Uyển vội vội vàng vàng bỏ đi như muốn chạy, lúc quay người lại va đổ lư hương điềm bạch trên giá, nàng ta nhìn vụn hương vãi đầy sàn mà hốt hoảng quỳ sụp xuống.

- Hoàng Thượng thứ tội, thần thiếp không cần thẩn làm đổ lư hương sứ trắng này.

Hoằng Lịch cau mày, hắn biết Ngụy Yến Uyển không phân biệt được sứ trắng và men điềm bạch, cũng chẳng muốn nàng làm chướng mắt nên chỉ phẩy tay bảo:

- Đây là men sứ điềm bạch, thôi, với xuất thân của nàng không biết cũng bình thường, nàng lui đi.

Hoàng Đế không muốn nàng hầu trước mặt, Ngụy Yến Uyển nuốt vội nước mắt đi nhanh. Cơn giận của nàng lại trào lên cuồn cuộn khi thấy Lăng Vân Triệt nghiêm trang gác trước cửa, Xuân Thiền thấy gương mặt nàng tối sầm thì an ủi.

- Tiểu chủ, người đừng để tâm, Hoàng Thượng hiểu tâm ý của người mà.

- Là do ta không có kiến thức, sách không đọc được mấy quyển, sứ trắng với men điềm bạch cũng không phân biệt được. Hoàng Thượng vốn không quá sủng ái ta, giờ thì hay rồi, mất hết mặt mũi.

- Tiểu chủ đừng nản chí, người còn trẻ, mấy thứ đó có thể học mà.

Ngụy Yến Uyển xốc lại tinh thần, nắm chặt lấy tay Xuân Thiền.

- Đúng rồi, Hoàng Quý Phi biết thì ta từ từ học, rồi sẽ có một ngày ta cũng sẽ hiểu, thậm chí còn biết nhiều hơn nàng ta nữa.

.

.

.

Qua trung tuần tháng năm, thời tiết càng thêm oi bức, Hoàng Đế hạ chỉ, phụng ý chỉ của Hoàng Thái Hậu, dẫn hậu cung tần phi đến Viên Minh Viên nghỉ hè.

Hoàng Đế thích thưởng cảnh hồ gió mát nên theo lệ ở Cửu Châu Thanh Yến, còn Như Ý được xếp ở Thiên Địa Nhất Gia Xuân. Ý Hoan ở Xuân Vũ Thư Hòa Quán, Hải Lan ở tại Ngũ Phúc Đường cảnh đẹp như tranh, rừng trúc cùng ngô đồng xanh tươi mát mẻ lại thanh tịnh. Ngũ a ca Vĩnh Kỳ được Hoàng Đế sủng ái vô cùng, hết sức quan tâm chuyện học tập của con nên mới chọn nơi thanh nhã như vậy để nó đọc sách ôn bài, thuận tiện thỉnh thoảng ghé thăm.

Tháng ngày ở Viên Minh Viên thoải mái dễ chịu, ít bị gò bó hơn lúc ở trong cung.

Hôm ấy Như Ý vịn tay Vân Chi đến Phương Bích Tùng lại bắt gặp một đám cung nữ lớn tuổi xếp hàng dài. Mỗi người đều khoảng bốn mươi tuổi, xuất cung không chỗ nương tựa nên ở lại hầu hạ, họ đang chờ sắp xếp của thái giám Nội Vụ phủ.

Đột nhiên một cung nữ áo lam chạy ra lớn tiếng chất vấn:

- Vương công công, ngươi dựa vào đâu mà đưa những người nộp tiền vào Tử Cấm Thành hầu hạ các nương nương, còn mấy người không có tiền như bọn ta phải ở lại Viên Minh Viên, trên đời không có đạo lý này đâu!

Tên Vương công công ngũ đại tam thô kia lập tức giáng xuống một cái tát:

- Bản công công nhận tiền của các ngươi là đã nể mặt, ngươi không đưa nổi tiền còn dám kêu gào cái gì? Nói cho ngươi biết, trên đời này tiền là lớn nhất!

Dứt lời, còn đẩy ngã cung nữ kia xuống mà đánh đập.

Như Ý cau mày nói:

- Tam Bảo, ngươi nói cho hắn biết tự mình đi lĩnh năm mươi đại côn, sau đó không cần hầu hạ trong cung nữa.

Tam Bảo tới truyền lời, Vương công công thấy Như Ý đến đã bị dọa run chân. Nàng chẳng muốn nghe hắn giải thích dông dài, đang định rời khỏi thì cung nữ bị đánh lúc nãy đến quỳ trước mặt.

- Đa tạ Hoàng Quý Phi nương nương giữ gìn lẽ phải.

Như Ý thấy bà bị đánh mà vẫn cứng cỏi, không chút sợ hãi nào thì hỏi:

- Ngươi là người thẳng tính, chỉ là cái gì cũng nói không sợ chịu thiệt sao?

- Nô tì chịu thiệt cũng không sao, nhưng không thể để các tỉ muội không có tiền chịu thiệt.

Gương mặt bị đánh bầm tím của bà có nét đoan trang chỉnh tề, tính tình hào phóng, Như Ý nghĩ Nhị Tâm xuất cung rồi bên cạnh chưa có Đại cung nữ lo việc, bèn nói:

- Bổn cung thích tính cách này của ngươi, hãy đến chỗ bổn cung hầu hạ đi. Đúng rồi, ngươi tên là gì?

Cung nữ kia dập đầu đáp:

- Nô tì Dung Bội, đa tạ đại ân của Hoàng Quý Phi nương nương.

- Tam Bảo, ngươi dẫn Dung Bội về Thiên Địa Nhất Gia Xuân thay quần áo sạch sẽ.

Nàng nói xong thì lại đi tiếp đến Phương Bích Tùng.

Phương Bích Tùng là nơi Hoàng Đế xử lý công vụ lúc nghỉ hè, cảnh sắc tươi đẹp, vừa đi qua hành lang gấp khúc đã thấy Lý Ngọc đang dẫn các tiểu thái giám đi bắt đám ve đang kêu ầm ỹ.

- Sao Hoàng Quý Phi nương nương lại đến ạ? Người cẩn thận trời nóng?

Lý Ngọc cúi đầu hành lễ, Như Ý chỉ mỉm cười nhìn vào trong điện.

- Hoàng Thượng còn đang nghị sự à?

- Dạ không, Hoàng Thượng đang hỏi bài Ngũ a ca.

- Không cần thông báo vội, bổn cung đứng đây chờ được rồi.

Trong điện thỉnh thoảng truyền ra tiếng Vĩnh Kỳ đọc Lan Đình Tập Tự, giọng đọc non nớt mà lưu loát, Như Ý nghe xong bất giác mỉm cười, chờ thằng bé đọc xong mới khoan thai vào điện.

Hoằng Lịch thấy nàng đến vội lấy nàng trước khi Như Ý kịp hành lễ.

- Trời đang oi bức, sao nàng lại đến đây?

Vĩnh Kỳ đứng bên cạnh cũng cúi xuống hành lễ thỉnh an.

Như Ý đứng thẳng dậy, mỉm cười với Hoằng Lịch.

- Thần thiếp nấu canh hạt sen hạnh nhân, hạt sen thanh hỏa, ăn vào lúc này là thích hợp.

- Hay lắm, vừa lúc cả Vĩnh Kỳ cũng ở đây, nếm thử tay nghề Nhàn ngạch nương của con đi.

Hắn xoa đầu Vĩnh Kỳ rồi lại nói.

- Đứa trẻ Vĩnh Kỳ này thật thông tuệ, mới tám tuổi, đọc Lan Đình Tập Tự ba lần đã thuộc làu, quả nhiên nàng và Du Quý Phi khéo dạy con.

Như Ý múc ra hai bát canh hạt sen, cười khúc khích.

- Nào phải công lao của thần thiếp, thần thiếp lúc rảnh rỗi mới đến thăm Vĩnh Kỳ được thôi.

Vĩnh Kỳ ăn canh hạt sen, lắc đầu cười hì hì.

- Nhàn ngạch nương hay đến thăm nhi thần lắm, còn dạy nhi thần viết chữ, nhi thần nhớ canh hoa mai của Nhàn ngạch nương nấu ngon nhất, cả Ngự Thiện phòng cũng không sánh được.

- Đúng đấy, Hoàng a ma cũng nhớ nhung món canh hoa mai của Nhàn ngạch nương của con lắm.

Như Ý tươi cười nhìn cặp cha con hòa thuận kia.

- Chờ đến mùa đông, hoa mai nở rộ thần thiếp sẽ làm.

Vĩnh Kỳ uống hết canh hạt sen mới về Ngũ Phúc đường, Hoằng Lịch ôm Như Ý ngồi trên tiểu tháp, thủ thỉ như vừa nhớ lại chuyện xưa.

- Chờ đến mùng hai tháng tám năm nay là chúng ta đã ở bên nhau hai mươi năm rồi.

- Thần thiếp không ngờ hai mươi năm qua nhanh như vậy.

- Chúng ta sẽ còn nhiều hai mươi năm nữa, chờ đến hôm ấy, trẫm sẽ có quà cho nàng.

- Lễ vật gì vậy?

Hoằng Lịch cười thần thần bí bí.

- Bí mật, đến hôm ấy nàng sẽ biết thôi.

Như Ý thấy hắn ra vẻ như vậy lại càng hiếu kỳ, nũng nịu hỏi.

- Hoàng Thượng nói đi mà, thần thiếp không chờ được nữa.

Hoằng Lịch vẫn làm bộ bí mật lắc đầu, Như Ý hờn giận đứng dậy muốn bỏ đi, hắn liền vội kéo nàng lại.

- Ôi sao lại giận thế, được rồi mà, đến lúc đó nàng sẽ biết.

.

.

.

Ngày mùng hai tháng tám, trời vừa tờ mờ sáng, Hoằng Lịch đã thay thường phục đến Thiên Địa Nhất Gia Xuân, thấy Như Ý vẫn còn ngủ say thì dịu dàng vuốt ve gương mặt nàng.

- Đừng ham ngủ nữa, hôm nay ta dẫn nàng ra ngoài đi dạo.

Như Ý lập tức tỉnh như sáo.

- Xuất cung à?

- Tất nhiên rồi, - Hắn dặn dò Dung Bội, - Thay y phục cho nương nương đi, lấy thường phục là được.

Rời khỏi Viên Minh Viên, Như Ý ngồi trên xe ngựa mà hớn hở đứng ngồi không yên.

- Thì ra quà của Hoàng Thượng là cái này.

- Phải, ta biết nàng không thích ở trong cung, tranh thủ hôm nay được nhàn rỗi dẫn nàng ra ngoài đi dạo.

Như Ý cười hì hì ôm cánh tay hắn.

- Đa tạ Hoàng Thượng.

Hoằng Lịch cũng vỗ nhẹ lên mu bàn tay nàng:

- Chúng ta ra ngoài, không cần xưng hô như vậy, được không nương tử?

Như Ý tựa đầu lên vai hắn, hào hứng gọi.

- Vâng phu quân.

Sau giờ ngọ, hai người cùng đến đến cầu treo ở kinh giao, Hoằng Lịch nắm tay Như Ý đi thẳng về phía trước, Như Ý tò mò hỏi.

- Chúng ta đi đâu vậy?

Hoằng Lịch mỉm cười.

- Đến là sẽ biết.

Đi đến giữa cầu treo liền nhìn thấy những chiếc đồng tâm tỏa khác biệt, Hoằng Lịch cầm một trong số đó lên cho nàng xem.

- Nàng nhìn đi.

Như Ý cẩn thận nhìn mấy cái khóa, chữ kéo dài từ lúc nàng vừa ra lãnh cung đến giờ, mỗi năm một cái, đều có khắc thời gian và tên của họ.

Mắt Như Ý đỏ hoe, từ khi được gả vào vương phủ, nàng đã hiểu bên cạnh hắn không thể chỉ có một mình nàng. Nàng nghĩ chỉ cần hắn thật lòng với nàng là đủ rồi, nhưng nàng không ngờ hắn đối xử với nàng như vợ chồng dân gian bình thường.

- Như Ý, trẫm đứng trên đỉnh vạn người nhìn xuống rất cô đơn, nàng đến ở bên cạnh trẫm được không?

- Thần thiếp vẫn luôn ở bên người mà.

- Như Ý, từ đầu ta đã muốn chọn nàng làm phúc tấn, sau khi Hiếu Hiền hoàng hậu qua đời, ta vẫn luôn muốn đưa vị trí này cho nàng. Hoàng Hậu không chỉ là Hoàng Hậu, ta muốn nàng thành thê tử của ta, như vậy có thể chúng ta mới có thể sống cùng giường, chết cùng huyệt, mãi mãi bên nhau. Hôm nay ta dẫn nàng đến đây là muốn hỏi, nàng có đồng ý không?

Như Ý ngẩng đầu nhìn hắn, trong mắt hắn có thấp thỏm, hồi hộp, giống như thiếu niên lang từng ở trên thành lầu từng hỏi nàng có muốn ở bên cạnh hắn cả đời không.

Khóe môi nàng cong lên, ngượng ngùng lại hạnh phúc.

- Được.

Hoằng Lịch không nén nổi nước mắt, ôm chặt lấy nàng không ngừng nói tốt quá.

Rốt cục sau ba mươi ba năm lạnh lẽo cô độc, nàng lại trở thành thê tử của hắn.

Ngày mùng hai tháng tám năm Càn Long thứ mười lăm, Hoàng Đế hạ chiếu, phong Đại Học Sỹ Phó Hằng làm chính sứ, Đại học sĩ Sử Di làm phó sứ, biên soạn sách bảo, sắc lập Hoàng Quý Phi Ô Lạp Na Lạp thì làm Hoàng Hậu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro