Tết ông Công ông Táo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiết học thứ hai trong ngày đã bắt đầu được hơn mười phút. Cô Lan giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 đang say sưa giảng bài... bỗng cửa lớp xuất hiện một bóng dáng quen thuộc.

Là Tỏn. Cậu ta bây giờ mới tới lớp. Lẽ ra cậu định đi tới tiệm net làm vài ván game, vậy mà chẳng hiểu sao lại quay xe đi thẳng đến lớp như thế này.

"Tất cả là tại mấy lời của thằng Phong chết tiệt kia!" Tỏn mắng thầm trong lòng. Nhưng cũng may đây là tiết của cô Lan, vậy thì dễ dàng cho cậu rồi.

"Thưa cô, em xin phép vào lớp ạ." Tỏn đứng ngay ngắn trước cửa, lễ phép thưa.

Cô Lan nhìn cậu với ánh mắt ngán ngẩm. Cô đúng là hết cách với cậu học trò này. Đi muộn cả nửa buổi mà giọng điệu vẫn thản nhiên như không.

"Cậu học hành cái kiểu gì đấy? Giờ này mới đến lớp, sao không nghỉ luôn đi?" Cô Lan tức giận lớn tiếng mắng.

"Em mải cày nốt đám ruộng cho bố nên không để ý thời gian. Cô thông cảm cho em lần này. Em hứa lần sau sẽ đi học đúng giờ ạ."

Tỏn trả lời với thái độ hết sức thành khẩn. Cậu đúng là cũng phải tự phục mình, sao lại có thể nghĩ ra một lý do nghe thảm thương như thế chứ? Nhưng Tỏn biết cái này sẽ lừa được cô chủ nhiệm.

Bồ và Hạnh nghe thấy câu này thì quay sang nhìn nhau, cố gắng nhịn cười. Họ không hiểu sao Tỏn lại có thể bịa ra một lý do hết sức vô lý như vậy? Anh ta không báo hại cha mẹ thì thôi chứ ở đấy mà đi cày giúp bố. "Đúng là không biết xấu hổ!" Bồ mắng thầm.

Nhưng lại đúng như Tỏn dự đoán. Cô Lan nghe được câu trả lời này, sắc mặt thay đổi hẳn. Rõ ràng là vừa nãy còn đang cau có tức giận thế mà bây giờ vẻ mặt lại dịu đi, ánh mắt cũng hiện lên một tia thương xót. Cô thấp giọng nói:

"Em vào lớp đi. Lần sau nhớ chú ý giờ giấc."

"Vâng ạ."

Tỏn cứ thế ung dung bước vào lớp. Quả nhiên chiêu này thật sự hữu dụng, không uổng công hôm đó cậu "diễn" cả một buổi chiều.

Không chỉ Bồ với Hạnh mà lúc này cả lớp đều trưng ra vẻ mặt khó hiểu. Cô chủ nhiệm thế mà lại tin lời cậu ta ư? Chuyện này là sao đây?

Phải biết rằng cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Chuyện là: hôm trước cô Lan tìm đến nhà Tỏn, tính gặp bố mẹ cậu nói chuyện về việc học hành rồi còn cả cái ý thức học tập con trai họ. Thế nhưng hôm đó Tỏn đã biết trước nên đã bày sẵn một vở kịch chờ cô giáo của mình.

Cậu ta cho đàn em trực ngoài cổng làng, thấy cô Lan đến thì dẫn đường cho cô tới căn nhà cũ nát trong nông trại nhà mình. Tỏn còn nhờ được cả bác làm vườn thọt chân diễn vai người bố tàn tật, nghèo khổ. Để bác ấy nói chuyện với cô giáo, bản thân thì dắt con trâu cái ra cày đám ruộng gần đó. Hôm ấy cô Lan còn đứng trên bờ ruộng xem cậu cày hết cả thửa ruộng mới ra về. May là ngày trước vì hơn thua với thằng Phong mà cậu quyết tâm học miếng nghề này cho bằng được, vậy nên hôm nay mới có thể diễn tròn vai như thế.

Cũng không biết bác làm vườn đã tâm sự với cô giáo những gì? Hay do biết được cậu học trò ngổ ngáo thường ngày thì ra lại là một đứa con có hiếu, mà lúc cô Lan ra về Tỏn nhìn rõ thấy mắt cô đỏ hoe... cậu biết mình thành công rồi.

Đúng là cũng chỉ có Tỏn mới dám nghĩ ra trò này...

Tháng cuối cùng của năm trôi qua rất nhanh, thoắt cái đã đến ngày hai ba - Tết ông Công ông Táo.

Dân tộc Dao ở thôn Mèo không có tục lệ cúng ông Công ông Táo như người Kinh. Hôm nay đối với người dân nơi đây cũng chỉ là một ngày bình thường, nhưng với đám trai làng thì lại là một ngày rất đặc biệt.

Mới sáng sớm Bồ đã cùng chị Sả ra đồng dặm lúa rồi. Chờ mãi mới đến chủ nhật, hai chị em tranh thủ đi sớm để làm cho hết bốn sào ruộng đi mượn này. Cũng may mấy tấm ruộng này là của cùng một chủ nên chúng nằm ngay cạnh nhau, thuận tiện hơn rất nhiều. Nhà có ba mẹ con chẳng ăn được bao nhiêu nhưng phải làm dư ra để còn chăn thêm gà vịt còn cả một đàn lợn nữa, tốn kém lắm!

Hôm nay nhiệt độ ấm áp hơn hẳn mọi ngày. Bầu trời trong xanh, chiếu rọi những tia nắng chói chang xuống đồng ruộng mênh mông. Lúa mới cấy độ hơn tuần cũng đã bắt đầu thêm nhánh, phủ xanh cả một vùng; cái màu xanh non mơn mởn ấy lại thêm ngọt ngào hơn dưới ánh nắng ban mai.

Dặm lúa chính là cấy thêm mạ vào những chỗ lúa bị chết, đồng thời nếu thấy cỏ dại phải nhổ bỏ, tránh cho chúng phát triển rồi ăn hết dinh dưỡng của lúa. Xem kìa dưới làn nước trong có rất nhiều con ốc đang bò chậm rãi, một số còn đang đu bám, gặm nhấm trên thân lúa. Cứ đà này thì chẳng mấy cả cánh đồng sẽ bị chúng phá hoại mất. Vậy là hai chị em hôm nay còn thêm cả việc bắt ốc nữa, dặm đến đâu thì bắt ốc đến đấy.

Bồ hôm nay đi chân trần xuống ruộng, nước trong thế này nếu có con đỉa nào bơi đến thì cô sẽ chạy ngay. Chị Sả mỗi lần thấy con bé vừa hét vừa nhảy lên bờ là lại cười trêu một trận. Dù làm việc vất vả nhưng hai đứa đều vui vẻ chẳng than mệt câu nào.

Hai chị em cặm cụi đến gần mười một giờ mới làm được hết hai phần ba công việc. Họ cũng đã thấm mệt, Bồ vỗ mấy cái lên tấm lưng đã mỏi nhừ rồi xách một túi ốc đi về phía gốc tre nơi chị Sả đang đứng uống nước. Đến nơi mới thấy chị ấy còn bắt được nhiều ốc hơn mình nữa, cả một cái túi bóng ba cân được chất đầy lên đến miệng.

"Uầy. Chị bắt được lắm ốc thế?" Bồ kinh ngạc hỏi.

"Ừ. Thích không? Tao nhớ hồi bé mày chỉ mong ruộng thật nhiều ốc để nhặt về luộc mà nhỉ? Hôm nay được nhặt đã đời nhá!" Chị Sả trêu.

"Hừm... đúng là ngố mà! Em nhớ lúc mẹ nghe xong câu đấy còn mắng cho một trận." Bồ bật cười nói.

Ngày còn nhỏ, cái lúc mà lúa mới gặt xong còn mỗi gốc dạ trơ trụi ấy. Trưa nào đám trẻ thôn Mèo cũng xách mỗi đứa một cái túi ni lông đi ra ruộng nhặt ốc về luộc. Món ốc luộc chấm mắm gừng thơm lừng, đứa nào đứa nấy đều mê tít. Hồi đó đám trẻ ai chẳng mong nhặt được thật nhiều ốc chứ, nào đâu có biết bố mẹ phải vất vả với loài động vật này thế nào? Bây giờ thời đại phát triển, trồng lúa phải phun thuốc trừ sâu rất nhiều nên chẳng ai dám ăn ốc ruộng nữa. Bồ cũng đã lớn, giờ nhìn cảnh chúng bò lổm nhổm trong ruộng nhà mình chỉ thấy bực bội.

"Về thôi. Tao đói rồi!" Sả giục.

Hai chị em xách theo túi ốc đi bộ về trên lối bờ kè, họ bước nhanh để tránh cái nắng gắt ban trưa. "Mùa đông mà nóng như mùa hè vậy!" Bồ than. Đi một lúc mới về đến cổng thôn, hai đứa đứng sững lại nhìn về phía cây cầu trước mặt.

Trên cầu có một thằng bé chỉ độ tiểu học xách theo một cái xô nhựa màu đỏ, nó cứ đứng đó với vẻ mặt hoang mang. Thằng nhóc nhìn con cá chép trong xô rồi lại nhìn xuống dưới suối, chẳng biết phải làm thế nào.

Bởi dưới chân cầu là một đám trai làng đang trực sẵn với đầy đủ đồ nghề trong tay nào là: xô, vợt, rổ... Chỉ cần thằng nhóc kia thả cá xuống là họ lao vào bắt lấy ngay.

Một tên trong đám trai làng sốt ruột lên tiếng:

"Mày không thả nhanh, sắp mười hai giờ rồi!"

Thằng bé nghe thế cũng đành nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu lấy lại tinh thần. Nó chạy một mạch về phía đầu cầu bên kia rồi lại đi nhanh xuống chân cầu nhẹ nhàng thả cá chép xuống suối, đưa "ông Táo" nhà mình về trời cho kịp giờ.

Nhưng xem ra hành trình "vượt vũ môn hóa rồng" của chú cá chép này gian nan quá.

Đám trai làng nháo nhào chạy theo thằng bé, họ hô hoán nhau ầm ĩ cả một con suối, thi nhau bắt bằng được chú chép vàng kia. Nước bắt lên tung toé ướt hết cả áo quần nhưng chẳng thể nào ngăn nổi sự hưng phấn trong tâm hồn của những thanh niên trẻ ấy. Suối hôm nay rất trong thế mà lại bị họ quậy tung cho đục ngầu lên. Cái trò bắt cá này đúng là rất khích thích mà!

Nhóc con trên cầu cũng chẳng ngồi yên, nó thầm cầu nguyện trong lòng. Thấy đám người càng lúc càng đến gần con cá... mặt cu cậu như sắp khóc đến nơi, nó không còn sợ nữa, bắt đầu hô lớn:

"Cá vàng, cố lên, cố lên, cố lên..."

Thế nhưng ông trời lại ở tít trên cao chẳng thể nào nghe được lời cầu nguyện của thằng bé. Rất nhanh chú cá kia đã bị bắt sống, lần này là Phong bắt được.

Tỏn xem chừng không vui, con cá cuối cùng thế mà lại để thua Phong. Cậu bực bội đá chân lên mặt nước mấy cái.

Bắt được cá, cả bọn kéo nhau lên bờ. Ai cũng vui vẻ háo hức nhìn vào mấy cái xô đựng đầy cá vàng của mình, đây là thành quả của cả một buổi sáng lội dọc con suối này.

Thằng bé trên cầu lại chẳng vui nổi. Nó đứng đó nước mắt đầm đìa, lúc đầu chỉ là nức nở nhưng về sau không kìm nổi nữa. Nhóc ta khóc lớn thành tiếng, mặc kệ những lời trêu đùa của đám trai làng ngay đó.

Bồ đứng bên này cũng thấy thương cho thằng bé. Có khi đây là lần đầu cu cậu được trao trọng trách cao cả như thế, vậy mà lại gặp phải lũ quỷ này. "Hùa nhau vào bắt nạt một đứa trẻ, thật chẳng ra làm sao!" Bồ thầm mắng.

Phong nhìn thằng bé đang khóc như có điều suy tư. Cậu đi về phía bờ suối, xách theo xô cá của mình đặt ngay ngắn bên cạnh rồi cúi người xuống rửa tay. Lúc đứng dậy không hiểu thế nào mà Phong lại vấp phải cái xô kia làm nó đổ xuống. Đống cá trong xô được đà vùng vẫy bơi nhanh ra khỏi nơi giam cầm.

Thằng bé thấy cảnh này lập tức ngừng khóc, nhóc ta biết thanh niên kia chính là người bắt được cá nhà mình mà. Nó  nhìn Phong luống cuống chạy đuổi theo đám cá một hồi mà không bắt lại được con nào thì vui vẻ ra mặt. Đến khi Phong chán nản lên bờ, cu cậu mới yên tâm leo lên xe đạp đi về.

Tất cả mọi người có mặt ở đó đều thấy được vẻ mặt vui vẻ cùng nụ cười tươi rói trên môi của thằng bé. Chắc hẳn nhóc ta đã có một cái lễ ông Công ông Táo đáng nhớ đây.

Đám thanh niên bây giờ mới vội vã xách theo xô cá của mình chạy hết xuống suối, họ đứng xếp thành một hàng ngang. Tỏn đứng giữa dõng dạc hô to:

"Một hai ba... thả."

Sau tiếng hô ấy, cả đám cùng nhau đồng loạt nghiêng miệng xô xuống. Nước bắt đầu tràn ra mang theo đàn cá bơi vào dòng suối.

Đúng vậy, đám trai làng này chỉ đơn giản là tìm trò nghịch ngợm thôi.  Họ cũng không dám làm thịt đồ thờ cúng của nhà người ta. Cá sau khi bắt được sẽ để đến gần mười hai giờ rồi thả một loạt, ở ngay con suối đầu làng. Năm nào cũng vậy nhưng chỉ có người trong thôn biết chuyện này...

Cá vàng thắp sáng cả một vùng. Chúng bơi lội vòng quanh tựa ánh hào quang rực rỡ dưới chân đám thanh niên đang cười ngốc nghếch. Cảnh tượng lúc ấy đẹp đến khó tin.

Ai đi ngang qua cầu lúc đó cũng đều nán lại, thích thú ngắm nhìn khung cảnh này. 

Đàn cá cũng bắt đầu rời bỏ đám trẻ, bơi xuôi theo dòng nước, như một dải lụa đào uyển chuyển mềm mại chầm chậm trôi về phía xa...

Bồ trên cầu thơ thẩn nhìn ngắm, đây là lần đầu tiên cô được tận mắt chứng kiến cảnh tượng này. Bồ đứng rất lâu mãi cho đến khi đàn cá không còn bóng dáng nữa mới thôi.

"Về đi." Chị Sả lần nữa thúc giục.

Hai chị em cũng nhanh chóng theo sau đám trai làng kia trở về nhà.

Ở phía sau nên chỉ có thể nhìn thấy bóng lưng của những người phía trước. Nổi bật nhất chính là Phong và Tỏn đang sóng vai bước đi, bởi họ cao hơn hẳn mấy thanh niên còn lại. Bồ nhìn hai người trước mặt, bắt đầu ầm thầm so sánh.

Phong hôm nay mặc một chiếc áo ba lỗ cùng với quần đùi để lộ cơ bắp săn chắc cộng với làn da rám nắng càng thêm mạnh mẽ, nam tính hơn.

Tỏn vì phải lội nước nên cũng mặc áo phông, quần đùi trên gối. Cánh tay gầy guộc, khẳng khiu; đôi châm thì bé teo như hai cái điếu cày đang di chuyển.

"Thật chẳng hiểu đám con gái trong trường thích gì ở anh ta nữa? Rõ ràng về tính cách và ngoại hình Phong hơn Tỏn về mọi mặt mà." Sau một hồi ngắm nghía, Bồ cũng chỉ có thể đưa ra một kết luận như vậy.

Hành động giả vờ làm đổ chậu cá của Phong hôm nay lại càng làm Bồ thêm ngưỡng mộ cậu hơn. "Phong đúng là rất tinh tế mà!" Cô bỗng thốt lên một câu rất nhỏ mà chỉ mình nghe được.

Chuyện hôm nay khiến Bồ nhớ lại mấy câu chuyện ngày còn bé. Phong trong ấn tượng của cô vẫn luôn tuyệt vời như thế.

Hồi lớp ba, lớp bốn Bồ cũng không nhớ chính xác nữa, nhưng ký ức về ngày hôm đó vẫn còn mãi trong tâm trí cô.

Hôm ấy đám trẻ xóm ngang với sự cầm đầu của Phong lại cùng nhau lên đồi chơi như mọi ngày. Đây là một thú vui của trẻ con nơi đây. Sau một hồi leo bộ đến mỏi chân, cả bọn quyết định trèo lên một cái cây to chơi đuổi bắt.

Trò này rất đơn giản, đầu tiên sẽ oẳn tù tì để tìm ra người thua cuộc, sau đó người này sẽ phải đuổi bắt cho hết những người còn lại. Người đầu tiên bị tóm sẽ là người thua cuộc tiếp theo. Nghe thì chẳng có gì đặc biệt, nhưng nó lại được thực hiện ở trên cây nên thành ra người đuổi sẽ rất khó khăn để bắt được con mồi. Người bị bắt sẽ luôn tìm những cành cây khó trèo hay nhỏ bé để người đi đuổi không dám đến gần mình. Tuy chỉ cần chạm vào được người bị bắt là coi như thành công, nhưng cũng có hôm mãi mà người đi đuổi kia lại không thể hoàn thành được nhiệm vụ này.

Bồ nhớ hôm đó Phong đen đủi phải làm người đi đuổi. Đám trẻ còn lại nhanh chóng leo trèo, đu bám từ cành này sang cành kia để chạy khỏi sự truy đuổi của Phong. Bồ hồi ấy nhát gan nên không dám tham gia cùng, cô tự chọn một cành cây to chắc chắn ngay gần gốc cây để quan sát trò chơi.

Phong không hổ danh là thủ lĩnh, rất nhanh cậu đã bắt được gần hết đám nhóc kia. Chỉ còn hai người cuối cùng là thằng Cấu Huy với con bé Mấy.

Mấy người nhỏ nhắn nên nó chọn leo sang một cành cây bé tí, đứng cả buổi mà Phong vẫn chưa dám đi đến chỗ mình, con bé tỏ vẻ chán nản, nói:

"Cậu chịu thua chưa?" - (Mấy vốn là cháu họ của Phong nên thường xưng hô thế này.)

"Mày đợi đấy!"

Phong nói xong thì cẩn thận leo về phía cành cây kia. Đúng là một vị trí rất hiểm, cậu bước cẩn thận. Một bước... hai bước... "rắc" tiếng cành cây bị nứt gãy khiến cả đám giật thót mình... bọn trẻ đồng loạt nhìn về phía hai cậu cháu kia với ánh mắt hoang mang tột độ.

Mấy mặt mũi đã tái mét, đứng trên cành cây run rẩy. Độ cao lúc ấy phải lên tới chục mét, nếu rơi xuống chắc chắn không thể lành lặn nổi.

Phong ngay lập tức rụt chân về, quay lại cành cây khác đứng. Đám trẻ lúc ấy ai cũng sợ hãi đến mức không dám mở miệng, chỉ sợ bạn mình sẽ rơi xuống dưới ngay lập tức.

Mấy sợ đến phát hoảng, nó bắt đầu khóc.

"Nín, đứng yên đấy!" Phong lên tiếng trấn an.

Mấy tuy vẫn khóc nhưng đã đứng yên tại chỗ, tay bám chặt vào cành cây.

Phong quan sát một hồi rồi leo sang một cành cây ngay trên đó, cành này to lớn chắc chắn hơn rất nhiều. Cậu từ từ leo về chồ gần Mấy rồi một tay nắm chặt cánh cây, một tay đưa về phía con bé.

"Nhanh cầm lấy tay cậu." Phong ra lệnh cho cháu gái của mình.

Mấy cũng đưa tay ra nắm lấy, Phong dùng hết sức kéo lấy con bé lên cành cây của mình. Cả quá trình lúc ấy đám trẻ ở đó tập trung đến không dám thở mạnh.

Và Phong đã làm được, cậu chỉ dùng một tay mà xách được cả con bé Mấy lên, thành công giải cứu cô cháu gái bé bỏng.

Những đứa còn lại lúc đó đều nhìn Phong với ánh mắt thán phục. Phong lại chẳng quan tâm, cậu đi đến chỗ cành cây kia, đạp mạnh vài cái cho nó rơi hẳn xuống rồi mới yên tâm cùng đám bạn leo xuống. Mục đích Phong làm vậy là để không gây nguy hiểm cho đám trẻ ở xóm khác.

Bồ cũng không ngờ trong hoàn cảnh như vậy mà Phong còn có thể suy nghĩ được đến cả chuyện này nữa. Phong rõ ràng cũng chỉ nhiều hơn cô một tuổi thôi mà!

Không chỉ Bồ mà tất cả đám trẻ lúc đó đã âm thầm coi Phong như một anh hùng thật sự.

Nhưng phải đến năm lớp sáu, Bồ mới chính thức bị chinh phục hoàn toàn bởi Phong.

Ngày đó mới lên cấp hai được hai tuần thì phải. Bồ nhớ hôm ấy mình đến trường rõ sớm, nhưng lại quên không mang khăn quàng. Nếu không có khăn quàng chắc chắn sẽ bị đội Cờ Đỏ của trường ghi vào sổ, làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp. Giờ sinh hoạt cuối tuần sẽ bị cô chủ nhiệm phê bình rất gay gắt.

Lúc đó Bồ hoàn toàn có đủ thời gian để đi mua một cái mới, nhưng cô lại không có tiền. Bồ cứ đứng ngoài cửa lớp nhìn hết người này người kia đi qua đi lại mà trong lòng rối bời chẳng biết phải làm sao.

Chẳng hiểu sao lúc thấy Phong cùng đám bạn lớp bên đi ngang qua, Bồ tự nhiên lại gọi tên cậu:

"Phong, mày có khăn quàng không?"

Lúc thốt ra câu này, Bồ cũng cảm thấy mình bị ngu thật rồi.  Chẳng mấy ai lại mang hai cái khăn quàng làm gì cả, nhất là một học sinh nghịch ngợm như Phong.

"Mày quên à?" Phong hình như cũng hơi bất ngờ, cậu quay lại nhìn về phía Bồ hỏi.

"Ừ." Bồ đáp, nhưng cũng chẳng trông đợi gì nhiều ở Phong.

Thế rồi Phong đột nhiên tháo chiếc khăn quàng trên cổ xuống đưa cho Bồ. Động tác nhanh chóng, dứt khoát như chẳng hề suy nghĩ.

"Này, cầm lấy."

"Ơ, thế mày không dùng à?"

"Tao cá biệt, sợ gì? Mày học sinh giỏi đừng để bị ghi sổ."

Có lẽ câu nói cùng với hành động bột phát của Phong lúc ấy lại dường như chạm được tới trái tim của cô gái nhỏ...

Nói xong Phong vội vã quay người chạy theo đám bạn phía xa. Để mặc Bồ vẫn còn đứng đó ngơ ngác với chiếc khăn quàng đỏ trên tay.

Tuy đối với Phong đây chỉ là một việc cỏn con không đáng nhắc đến, nhưng đối với Bồ lúc ấy thì lại khác...

Kể từ đó, Bồ bắt đầu ầm thầm coi Phong như một người bạn "đặc biệt" của mình. Và cũng chẳng biết từ lúc nào mà cô lại để ý nhiều đến Phong như vậy.

Chỉ là lên cấp ba hai người lại không học cùng trường nên cũng chẳng còn thân thiết như ngày đó nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro