Ngoại Truyện 2: Là Ai Trồng Cây, Là Ai Chăm Bẵm (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những ngày bận tối mắt tối mũi với đống tấu chương, tháng đầu tiên ta quên mất phải về thăm nàng. Nàng gửi cho ta mấy thứ đặc sản nơi thái ấp, gối mềm có thảo dược giúp ngủ ngon, tuy vụng về nhưng lại chứa đầy tinh tế.

Lúc đó Chiêu Hiến xoa bóp vai cho ta, ở bên cạnh giúp ta vỗ về giấc ngủ, mấy thứ đặc sản mà nàng gửi rốt cuộc có đến miệng ta hay không thì ta cũng không hay.

Thậm chí có lần suốt ba bốn tháng không ghé thăm, ta lại còn cảm thấy có một thứ áp lực nào đó đè nặng lên vai, dù tất cả mọi thứ đều là do mình tự biên tự diễn chứ nàng chẳng hề đề nghị hay đòi hỏi một thứ gì. Sau đó Quốc Chẩn nhắc ta, ta lại còn cáu gắt với chú ấy.

Lúc này ta bỗng nhiên nảy ra một ý. Dù sao Quốc Chẩn cũng nhàn rỗi hơn ta, mà nhà nàng cũng còn con bé Phùng, liệu có nên một tên trúng hai đích hay không?

Quốc Chẩn trước giờ chưa từng trái ý ta, ngoại trừ lần còn thơ bé chú ấy mách ta với phụ hoàng khiến ta phải quỳ gối hai ngày một đêm thì sau đó chẳng có lần nữa.

Quốc Chẩn vẫn luôn hết mực giúp đỡ ta, chưa từng thấy tranh giành với ta bất cứ thứ gì.

Có bọn bạn xấu đàn hặc với ta về Quốc Chẩn, nhưng cho dù ta thân thiết với chúng tới cỡ nào, ăn chơi nhiệt tình ra làm sao thì riêng những chuyện về Quốc Chẩn ta chưa từng bỏ vào tai. Không chỉ ta tin tưởng nhân phẩm của Quốc Chẩn, hơn hết ta tin cách dạy con của Thái hậu.

Không phụ lòng ta, Quốc Chẩn trở thành kẻ truyền tin bất đắc dĩ.

Trong một hai năm đầu, chú ta vẫn còn cằn nhằn cau có với ta. Quốc Chẩn vẫn luôn khuyên ta mọi việc quý ở tấm lòng, dù là bận rộn đến mức nửa năm hay mỗi năm một lần cũng không nên nhờ người làm hộ. Bây giờ quan gia bận rộn đến mức nào, tại sao thỉnh thoảng có thể uống rượu vui chơi nhưng lại không nhín ra được một vài canh giờ để đến thăm nom nàng ấy hay sao?

Ta lại không cho là phải. Cái chữ tín hảo trong người ta lại cảm thấy thà không hứa thì thôi, chứ mà đã nhỡ hứa mỗi tháng thì phải là mỗi tháng, cho dù là nhờ người khác thay thế đi chăng nữa. Dù sao cũng chỉ là đưa đồ truyền tin, nay ta công vụ bộn bề, há lại được rảnh rỗi như khi còn làm trữ?

Quốc Chẩn lần nào về cũng tay xách nách mang. Nhìn mấy món đồ thêu của Duyệt càng ngày càng thêm tinh xảo thì ta cũng càng lúc càng thấy vui trong lòng, thầm nghĩ cái cây mình trồng cũng đương lúc ra hoa, cách ngày có quả ngọt cũng không còn xa nữa.

Năm đó ta nhờ Quốc Chẩn đi thay mình, chú ấy mới mười lăm. Thắm thoắt lại thêm bốn mùa lá rụng, sự nhiệt huyết tuổi trẻ của ta sớm đã bị thời cuộc mài mòn. Trong bốn bức tường cao của cung Quan Triều và mùi trầm ngột ngạt, ta cũng đã nhận ra ngày xưa mình từng bồng bột đến nhường nào.

Quốc Chẩn mười chín, tuổi trẻ của chú ấy bất chợt làm ta ghen tỵ.

Mọi chuyện trên đời vẫn tiếp diễn theo cái guồng quay vô hạn của đó, cũng như mọi người đàn ông khác ta cũng bắt đầu làm cha.

Bởi những lần trước con ta đều chết yểu khi chưa kịp chào đời nên lần này niềm vui sướng của ta khi hoàng tử Mạnh bình an hạ sinh phải nói là gấp bốn. Ta cảm tưởng mình đã bật khóc trong tẩm cung của Chiêu Hiến, suốt mấy ngày gần như thức trắng. Thế mà có ai thấu nỗi lòng ta, công việc từ khắp cõi Đại Việt vẫn ào ào tuôn về Thăng Long như nước sông Nhị Hà chảy hoài không dứt.

Rốt cuộc có đêm sức cùng lực kiệt ta nằm gục trong cung Quan Triều, lúc ấy nội hầu đứng bên ngoài báo với ta có Huệ Vũ Đại vương muốn gặp.

Còn chưa kịp từ chối thì Quốc Chẩn đã đứng kiễng chân từ cửa sổ ngó vào trong, liếng thoắng:

"Quan gia, thần vừa mới phục mệnh quay về, có ít đồ phu nhân gửi tới."

Cũng như bao lần Quốc Chẩn trở về với đống đồ trong tay, nhưng lần này ta mệt đến độ không nhấc nổi mí mắt, không cần xem đó là gì trực tiếp ban hết cho Quốc Chẩn. Lúc thì cái khăn choàng, lúc thì cái túi gấm, cũng có vài bận tặng vài ba thứ đồ nho nhỏ cho hoàng tử Mạnh mới sinh.

Quốc Chẩn chần chừ một lát rồi cũng quay gót bỏ đi, ta đuổi được đồ phiền phức là chú ấy đi rồi thì vội vàng chợp mắt ngay tắp lự.

Nhưng ta lại không ngờ được ngày ấy nàng tặng ta cái gối cưới thêu đôi chim nhân ngày nàng cập kê, ngày phu nhân của mình cập kê ấy vậy mà ta lại không nhớ tới, đáng ra kẻ như ta phải đến tận nơi để bày tỏ lòng thành. Thứ đồ tư mật như cái gối thêu, đáng ra ta cũng không nên ban cho kẻ khác.

Ta nào biết ngày đó là ngày trong lòng nàng đã không còn có ta. Mãi đến sau này ta vẫn không có dịp để hỏi nàng, tháng ngày chờ đợi mòn mỏi đó nàng có trách ta không, nàng có thấy thất vọng không?

Ta đổ lỗi cho chính sự, cho công vụ bộn bề, thư thả vài hôm bèn rủ Quốc Chẩn đến thái ấp. Bẵng đi mấy năm cô bé ngày nào đã trở thành thiếu nữ xinh đẹp tuyệt thế, ta vui sướng trong sự ngỡ ngàng.

Lúc này giữa ta và nàng dường như có khoảng cách, kể cả thằng nhóc Quang Triều cũng lạnh mặt nhìn ta. Có lẽ là lâu quá không gặp, lại có lẽ là do thằng nhóc này đang trên đà trưởng thành.

Cũng chẳng gì to tát, người lớn tuổi rồi cũng không dễ thân như ngày bé nữa, dù sao cũng là vợ và em vợ, lấy về rồi là lại như xưa ngay ấy mà.

Ngược lại Quốc Chẩn dường như rất quen thuộc với chị em nhà họ, có thể vừa ngồi trong mâm cơm vừa luôn miệng buông lời trêu ghẹo con nhóc Phùng làm nó sửng cồ, thằng nhóc Quang Triều cũng tùy thời thế chen vào mấy tiếng làm ta cảm giác trông chúng như một gia đình vậy.

Chẳng lẽ phận làm anh lớn như ta đã quá tuổi để có thể hòa nhập được với lớp trẻ rồi chăng?

Cái Duyệt rất dịu dàng, suốt buổi chỉ cười không nói. Ta càng nhìn càng thấy nàng xinh đẹp thuận mắt, ắt hẳn lấy nàng về sẽ nghi gia nghi thất bèn ngay lập tức ra chiếu đưa nàng vào cung.

Ngày xuống chiếu chỉ Quốc Chẩn cáo ốm không lên chầu. Trong bụng ta đã ngờ ngợ điều gì từ lâu nhưng vẫn không nhận ra phải quấy cho đến một ngày.

Hôm đó là ngày thứ ba Quốc Chẩn bỏ chầu, ta đồ là bọn người hầu trong phủ không chăm sóc chu toàn cho chú ấy. Trước giờ ta chưa từng thấy Quốc Chẩn tắc trách việc gì chứ huống hồ là việc quan trọng như lên điện Thiên An nếu không muốn nhừ xương với Thái hậu. À không phải, vốn bản tính của chú ấy luôn rất trách nhiệm.

Bởi thế bao năm qua vì một lời hứa với ta mà chú ấy luôn tận tụy. Ta nghĩ tuổi Quốc Chẩn cũng đã lớn, Thái hậu cũng chẳng thể để mắt đến mãi, việc cần kíp lúc này là tìm cho chú ấy một người nâng khăn sửa túi quản việc trong phủ Huệ. Nếu như không có nữ chủ thì không loạn đến gà bay chó sủa mới là lạ, dạo đó kể cả là ông sáu Văn còn suýt mất vợ vì đám người lộng hành trong phủ ấy mà.

Phủ Huệ vắng vẻ đìu hiu, lúc ta đến ngoài vài người quét sân thấy ta thì hốt hoảng quỳ xuống ra thì cũng chẳng thấy ai nữa, quả là chú ta chẳng hề quan tâm đến cuộc sống của chính mình. Nếu so với đám yến yến oanh oanh chẳng lúc nào dứt ở Cấm cung thì phủ Huệ của Quốc Chẩn dù đi trước ta trăm dặm vẫn không có cửa.

Ta đi thẳng đến phòng Quốc Chẩn mà không chút trở ngại, vừa đi vừa hoạch định trong đầu về việc cải tạo phủ Huệ, lại thầm mắng đám nội nhân có mắt không tròng, dám phạm vào quyền uy của người mà quan gia tin yêu nhất.

Thật ra so với ba cô Trân, Quốc Chẩn là người ta thương hơn cả. Một phần là bởi dạo trước có lần Thái hậu bị bắt đi, Quốc Chẩn phải ở với mẹ con ta suốt hai năm trời, sau đó Thái hậu lại gửi chú ấy cho mẹ con ta để sát cánh cùng phụ hoàng đánh giặc. Một phần khác là bởi Quốc Chẩn quá mức chính trực thật thà.

Huyền Trân thì ranh ma từ nhỏ không nói, bây giờ kể cả Thượng Trân và Thiên Trân cũng mang phần nào tính cách của Thái hậu, cần dũng có dũng cần mưu có mưu. Dù sao tên của chúng gộp lại là chỉ Bắc Đế – hóa thân thứ tám mươi hai của Thái Thượng Lão Quân cơ mà.

Chỉ có Quốc Chẩn là khác, không giống phụ hoàng, không giống Thái hậu cũng chẳng giống ta, ngược lại giống với... người mẹ mà ta kính yêu đã qua đời.

Ta bước lên bậc tam cấp, ánh tịch dương đã chiếu vào khung cửa sổ đóng kín làm lóa mắt ta, cây bàng ở trước sân cũng tuôn từng đợt lá đỏ in bóng lẻ loi lên vách cửa. Không khí tĩnh lặng đến kỳ lạ, đến mức ta có thể nghe trong không trung tiếng nấc nghẹn nho nhỏ không biết từ nơi đâu truyền ra.

Đáy lòng ta bất chợt căng thẳng, chỉ bước lên hành lang mà mồ hôi đã rịn ướt lòng bàn tay. Ta dùng hết sự cẩn thận của cả đời mình đi từng bước nhẹ nhàng đến bên cửa sổ hé mắt nhìn vào, thằng nhóc này bất cẩn đến mức còn không hề đóng cửa sổ.

Trong ánh sáng le lói của buổi chiều tà rọi vào, ta mắt thấy tai nghe Quốc Chẩn khóc. Dù ngày bé Quốc Chẩn rất hay khóc, bị Thái hậu mắng cũng khóc, bị ta chọc tức cũng khóc, ngay cả cây lê trong cung Quân Hoa chết cũng khóc, nhưng lần này ta cảm thấy rất khác. Nước mắt của cậu thiếu niên mười chín tuổi rất khác.

Chú ấy ôm cái gối thêu đôi chim dạo đó ta ban nhầm mà khóc rưng rức, giống như mưa thu mờ mịt ở Thăng Long, ướt cả gối, ướt cả chăn, và ướt cả cõi lòng ta.

Trong miệng ta đắng chát, hai bàn tay nắm chặt cố kìm nén không cho bản thân đẩy cửa xông vào. Ta không rõ cớ sự ra làm sao, nhưng ta thương chú ấy quá.

Hồi ấy ta còn ngây thơ nghĩ chú ấy có lẽ là đang tương tư một ai rồi bị người ta từ chối, còn thầm nhẩm tính xem giới quý tộc có cô gái nào gần đây hay tiếp xúc với Quốc Chẩn hay không? Ta giật mình nhận ra ngoài cái Duyệt vợ ta thì chỉ có con bé Phùng tính tình ương ngạnh.

Thế nên ngay tối ta bèn tìm đến cung Thái hậu để hỏi kế sách, đến nơi thì nghe đâu người đã đến phủ Huệ thăm thằng nhóc Quốc Chẩn rồi.

Như kẻ đuối nước tình cờ chộp được cái phao cứu mạng, ta vội vàng xách đèn đến phủ Huệ một chuyến nữa, lén lút đến bên cửa sổ ngó vào.

Ai ngờ lần này cửa sổ đã bị đóng chặt, ta than thầm quả nhiên là Thái hậu, liền quẩn trí leo lên nóc nhà giở ngói ra xem. Với thân phận ta vốn có thể hỏi rõ đầu đuôi ngọn nguồn nhưng thực tế thì ta vẫn e sợ Thái hậu, kể từ khi phụ hoàng tu học thì người càng ngày càng nghiêm khắc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro