Ngoại Truyện 1: Là Ai Trồng Cây, Là Ai Chăm Bẵm (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuộc đời của ta xứng với một câu "tuổi trẻ hoang đường".

Năm đó ta chín tuổi, nàng vừa sinh ra đời.

Lúc ta mười sáu tuổi, nàng bảy tuổi, phụ hoàng lập ta làm trữ, lập nàng làm Trần phi.

Vì thế nên ta vẫn luôn cứ nghĩ nàng sinh ra là để dành cho ta, định mệnh của hai chúng ta là một, bởi vì ta và nàng cùng cả ngày sinh tháng đẻ không phải sao?

Nhưng nuối tiếc của ta nằm ở chỗ tuy ta là người gieo xuống một mầm cây, nhưng rốt cuộc ta lại không phải người ngày đêm vun xới chăm bẵm. Cho đến khi đơm hoa kết trái ta mới bàng hoàng nhận ra hình như cái cây đó không còn là của mình nữa rồi.

Bác Tảng của ta, cũng là cha nàng, ông ấy là một người rất nghiêm khắc.

Dạo đó phụ hoàng phong nàng làm Trần phi, suýt chút nữa là bác Tảng cưỡi ngựa xông vào tận cung Quan Triều. Hôm ấy ta ngồi bên án thư học phụ hoàng xem tấu thì nghe nhốn nháo ầm ĩ bên ngoài, hóa ra là bác Tảng đã bị đám lính canh giữ lại.

Ta cảm thấy ngày thường tuy bác Tảng có hơi ít nói nhưng chung quy vẫn là kiểu người điềm đạm có lễ, thậm chí đôi khi phụ hoàng đối với ta còn có mặt trái giận dữ chứ bác Tảng thì ta chưa từng thấy người nổi giận bao giờ. Có chăng chỉ là châm chọc buông mấy câu không hề nể mặt người khác.

Về việc này có nhiều lần ta được chứng kiến trên điện Thiên An, bác Tảng và Hành Khiển Khắc Chung chẳng biết vì lý do gì vẫn luôn có hiềm khích. Rốt cuộc mỗi khi thấy Hành khiển thì bác Tảng luôn liếc mắt phun ra một câu:

"Thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần rồi mất về nó chăng?"

(Chú thích: Khắc có nhiều nghĩa, nhưng một trong các nghĩa là "tất", "phải". Tương tự vậy, một trong các nghĩa của Chung là "kết thúc", "hết". Nên dịch nguyên tên có thể là "họ Trần phải kết thúc". )

Hành khiển hít sâu một hơi, tức giận nói:

"Anh mắng tôi thì mắng, cớ gì lại mắng cha mẹ tôi?"

"Hừ, không hề!"

Ơ quả thật trong câu không hề có lời nào là mắng cha mẹ anh cả, nhưng cái tên là do cha mẹ đặt cơ mà?

Ta lại cảm thấy về vấn đề này không thể trách riêng cha mẹ của Hành khiển, cả phụ hoàng mình cũng có một phần lỗi trong đó vì chính phụ hoàng mới là kẻ ban cho người ta họ Trần.

Trong lòng ta muốn cười nhưng vì nghĩ mình là một vị vua đứng đắn, trước tị hiềm của quần thần vốn không nên tỏ ý bênh vực ai. Cố nhịn đến khi hết chầu thì đem về kể với Thái hậu ai ngờ người lại còn cười dữ hơn ta, rốt cuộc hai mẹ con ôm bụng cười ngặt nghẽo đến khi bị phụ hoàng mắng mới chịu dừng.

Ta cảm thấy có lẽ thời điểm đó phụ hoàng đang tu thiền nên người mới có thể bình tâm như thế.

Có điều sau đấy Hành khiển đối với hành vi mắng thẳng mặt của bác Tảng có hơi sợ hãi, vẫn thường né tránh. Bác Tảng ấy mà, dù tính tình ngày thường điềm tĩnh là vậy nhưng động chuyện thì khảng khái nào biết sợ ai.

Thế nên vào cái hôm Duyệt được phong làm Trần phi, bác Tảng đứng trước cung Quan Triều nghiến răng nói với phụ hoàng ta rằng:

"Một vở kịch mà Quan gia lại diễn đến hai lần không thấy nhàm chán hay sao? Ngài không chán chứ tôi thì chán ngấy rồi! Phận tôi làm thần không thể cãi lệnh vua, chứ cãi được thì tôi cũng cãi!"

Ta đồ rằng bởi vì người thương cái Duyệt đến mức mất trí nên mới tỏ ra nóng giận như vậy, chứ bình thường lẽ nào người minh mẫn như ngài lại không biết bất kính với vua là mang tội gì hay sao?

Ta không biết vở kịch diễn hai lần mà ngài nói là có ý gì, nhưng dạo đó phụ hoàng lại bình tĩnh một cách kỳ lạ. Phụ hoàng chỉ bảo nội nhân nói với bác Tảng hãy trở về đi, ý chỉ đã ban xuống, lẽ nào anh lại muốn quên đi ước định của hai nhà? Nhưng phụ hoàng tuyệt nhiên không nhắc nửa lời tới việc trị tội.

Có lẽ giữa người lớn đã xảy ra những chuyện gì đó mà ta không biết, và đương nhiên ta cũng không cần phải biết.

Nhưng phận làm con và sắp sửa làm chồng ta cảm thấy mình nên có trách nhiệm với nàng, thế nên ngay hôm đó ta lấy hết can đảm lén trốn phụ hoàng đến thái ấp của bác Tảng.

Cái mà ta sợ không phải là trốn đi không được, ta đã quá chai mặt với đám lính canh cổng thành, còn về phía phụ hoàng thì lại càng khỏi phải nói. Thậm chí Thái hậu từng đặt cho ta cái tên vua lì đòn.

Cái mà ta sợ lại là vẻ mặt dọa người của cha vợ tương lai.

Ta còn nhớ cái lúc mà mình đứng trước người hứa rằng sẽ tôn trọng nàng, sẽ yêu thương nàng hết lòng hết dạ, bảo vệ nàng khi nàng một mình ở chốn cấm cung. Khi đó bác ấy chỉ từ trên nhìn xuống mà hỏi ta:

"Lấy một mình nó, anh có làm được không?"

Ta chưng hửng một hồi, chuyện này quả thật là ta không làm được.

Đơn cử như việc Duyệt còn chưa chính thức vào cung thì ta đã nghe phụ hoàng sắp lấy con gái của Bảo Nghĩa Vương cho mình làm vợ lẽ. Tuy ta chưa nhìn thấy mặt mũi nàng ấy, nhưng nghe đồn đại về bản tính tri thư đạt lễ, phóng khoáng thông minh lại vô cùng xinh đẹp của nàng, cảm thấy nàng và Duyệt có thể sống cùng trong hòa thuận.

Tuy không chắc nhưng chẳng phải dì và mẹ vẫn hết mực thương yêu nhau đó sao?

Đàn ông ba vợ bốn nàng hầu, huống gì tương lai ta còn là vua một nước, hậu cung trăm hồng nghìn tía nhưng ta chắc chắn Duyệt sẽ là đóa hoa tuy nở muộn nhưng lại rực rỡ kiều diễm nhất. Chí ít trong khả năng của ta, tất cả những gì ta có thể làm được ta đều sẽ làm cho nàng.

Bác gái dịu dàng đưa ta vào trong, ta ngồi chung mâm với gia đình họ ăn bữa cơm tối, ngượng ngùng nhìn bác gái liên tục gắp đồ ăn đầy bát ta. Bác ấy lại hỏi han công việc học hành của ta, hỏi thăm sức khỏe của Thái hậu cùng các em ở nhà, suốt buổi trên gương mặt vẫn giữ nụ cười chân thành đằm thắm.

Ta cảm thấy cái Duyệt lớn lên ắt hẳn sẽ trở thành một người y đúc bác gái, càng nghĩ càng thấy vui thích trong lòng.

Có điều bữa cơm đó tuy toàn món ta thích nhưng lại ăn không ngon, bởi suốt buổi thái độ của bác Tảng cứ không lạnh không nhạt, thỉnh thoảng quét ánh mắt qua là ta cảm thấy gai ốc mình như dựng đứng. Cũng may giữa cái băng giá của mùa đông đó ít ra vẫn còn chút hơi ấm của ánh mặt trời mà bác gái mang lại.

Ngoài ta ra thì trong nhà có vẻ rất quen thuộc với kiểu tình huống này, kể cả thằng nhóc con Quang Triều mới năm tuổi thái độ cũng rất điềm nhiên. Đặc biệt còn có cái Phùng lại rất hoạt bát lanh lợi, suốt buổi cứ như con chim sâu hót chí chóe, bị mắng không ít vẫn mặt dày cười cười nên nhìn tổng thể vẫn thấy hơi kỳ lạ.

Ăn xong bữa cơm tối, ta thở phào một hơi.

Cái Duyệt chỉ mới bảy tuổi làm sao hiểu được chuyện gió trăng, huống hồ ta cũng chỉ đương mười sáu mới chập chững vào đời. Hành trang trong chuyện tình cảm mà ta mang theo chỉ là mấy vở tuồng phong thanh nghe được trong phủ Văn của ông hoàng sáu.

Trong đó việc đầu tiên của nam nữ cảm mến nhau là trao vật đính ước. Ta mò mẫm khắp người cũng chỉ có mấy món tiền bạc linh tinh, cuối cùng may trời sao lại rơi ra một túi kẹo mạch nha từ trong túi.

Cái thứ này là dạo trước ông sáu Văn đi chơi bên Chiêm Thành mang về làm quà cho mấy đưa Trân ở nhà bị ta đoạt mất, con nhóc Huyền Trân vẫn còn hậm hực lung lắm, giờ nếu nó biết ta mang đi tặng người khác chẳng rõ có tức đến mức muốn cào rách mặt ta hay không? Dù sao cũng là chị dâu tương lai, ta nghĩ nó cũng không so đo đâu nhỉ?

Cũng may Phùng và Duyệt rất thích món này, trong một chốc ta bỗng dưng hưng phấn, còn mạnh miệng nói mỗi tuần nghỉ học một ngày ta sẽ mang đến cho. Nói xong lại giật mình, ông sáu văn mỗi tháng đi chơi vài ba ngày, hình như thứ kẹo này cũng không thể để lâu được.

Bác gái phì cười nói rằng không cần phải thế, có lòng là được.

Có điều trong lòng ta tâm niệm, nếu như mỗi tháng ông sáu Văn đi chơi một lần, thì ta cũng sẽ đến thăm nàng một lần. Xem như là.. ừm... trau dồi tình cảm trước hôn nhân vậy.

Mặc dù cái Duyệt vẫn còn nhỏ, nhưng bởi nàng tương lai sẽ là vợ ta nên bên nhà nàng cũng không cấm cản chúng ta gặp mặt. Những lúc gặp nhau đa số ta sẽ dạy nàng đọc sách viết chữ, dù ta biết mình văn dốt võ nát chẳng ra gì, nếu so ta với cha nàng thì giống như mây trên trời với cỏ cây ven đường vậy.

Có điều nàng vẫn rất mực sùng bái ta, có lẽ vì bình thường bác Tảng rất bận, mà cũng có lẽ vì bởi ta và nàng gặp nhau cũng chẳng biết nói điều gì mới phải. Chỉ có thể dùng việc quang minh chính đại như thế để thoải mái ở cạnh nhau.

Duyệt nói ta rất có kiến giải, tỷ như việc bọn vua quan người Nguyên luôn dùng việc lớn việc nhỏ để chèn ép nước ta, nhất là bọn ở biên ải luôn năm lần bảy lượt đánh phá cướp đất cướp người. Quần thần luôn cảm thấy chúng là nước lớn mạnh mà e dè, trong tiềm thức luôn cho rằng chúng mới là những kẻ dấy nên đao binh trước.

Về việc này ta lại nghĩ nếu như tiếp tục để yên thì bọn quan lại bên biên giới nhà Nguyên sẽ càng phóng túng, được đằng chân lân đằng đầu và tiếp tục lấn đất cướp dân. Còn nếu dùng sứ giả đi biện bạch thì ngày tháng dây dưa và vấn đề không giải quyết được thấu đáo.

Trong lòng ta đồ một ngày sẽ đích thân dẫn quân sang để cho chúng sự trừng phạt thích đáng.

Năm tiếp theo phụ hoàng nhường ngôi cho ta, ta phong nàng làm Văn Đức phu nhân, giống như một đóa hoa tuyệt đẹp mà ta gửi tại thái ấp của cha nàng chờ ngày hái xuống.

Sau đó cũng đến ngày Chiêu Hiến theo ý phụ hoàng vào cung. Nàng nết na xinh đẹp, tuy không thuộc hoàng tộc nhưng vừa vào cung đã được phong danh vị Hoàng phi, có lẽ một phần do ngày trước cha nàng đã hi sinh trong cuộc chiến với bọn Thát Đát. Nhưng hơn hết, ta biết nàng là người xuất sắc về cả phẩm cách và ngoại hình.

Cảm giác của ta với Chiêu Hiến hoàn toàn khác với cảm giác ta đối với Duyệt.

Nếu như Duyệt đối với ta luôn sùng bái phục tùng, thì Chiêu Hiến răn ta lẽ phải. Nếu như ta dạy Duyệt chữ nghĩa thi từ, Chiêu Hiến sẽ cùng nói điển tích với ta. Nếu như ta chỉ có thể cùng Duyệt trau dồi tình cảm qua việc học hành, thì Chiêu Hiến lại có thể cùng ta.. ừm, làm những chuyện vợ chồng nên làm, chuyện mà theo như những đứa bạn nơi phố phường của ta gọi là thiên kinh địa nghĩa.

Rốt cuộc ta quên mất nàng.

Trong cái mới mẻ khi trở thành một người đàn ông đúng nghĩa với lưới tình đầy mật ngọt với Chiêu Hiến, trong những cuộc vui chè chén với chúng bạn, trong cái căng thẳng đến sức cùng lực kiệt những ngày đầu làm vua ta mới thừa nhận là ta đã quên mất nàng.

Lúc này ta mới bất lực nhận ra thứ như tuổi tác trong chuyện vợ chồng – thứ mà ta cho rằng chẳng đáng một xu hóa ra cũng ảnh hưởng đến chuyện của ta và nàng như vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro