Chương 38: Mẹ ruột và con hoang - Phần 5: Lâm bồn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm đó, Đăng Duy tròn một tuổi bốn tháng, mẹ cậu là Hà Trâm cũng mang thai em gái đến tháng cuối của thai kỳ. Trước ngày dự sinh hai tuần, cả gia đình ba người cùng nhau đi mua sắm đồ sơ sinh cho em bé. Ban đầu, mẹ và cha dượng của cậu định đi một mình để cậu lại cho ông bà ngoại trông nom, ai ngờ là khi vừa thấy cha mẹ ăn mặc đẹp bước ra cửa, Đăng Duy đã khóc rống lên đòi đi theo, bà ngoại dỗ thế nào cậu cũng không chịu nín, thế là cha mẹ buộc bế cậu đi cùng.

Tới cửa hàng đồ sơ sinh, mẹ thì loay hoay lựa đồ cho em bé, cha dượng thì bế Đăng Duy và xách giỏ đi phía sau. Lúc thanh toán thì máy tính tiền trong cửa hàng gặp một vài trục trặc nên xử lý khá mất thời gian. Thấy vợ bầu bí mệt nhọc nên cha dượng đã bảo hai mẹ con ra ngoài ghế đá trước cửa hàng mà ngồi đợi, sau khi tính tiền xong thì cùng nhau đi ăn gì đó rồi về.

Mẹ dắt tay Đăng Duy bước ra ngoài, ngồi lên ghế đá chờ đợi, Đăng Duy lúc nhỏ hiếu động lắm, chẳng chịu ngồi yên, cậu tuột xuống ghế và chạy lon ton trước cửa hàng. Vì bầu bì nặng nề, mẹ chỉ hướng mắt ra trông chừng chứ không đứng lên bế cậu về chỗ ngồi.

Bỗng nhiên có một người phụ nữ trung niên đeo kính râm từ đâu xuất hiện, bà ta đến ngồi kế mẹ, lúc đầu bà ta hỏi han về em bé trong bụng bao nhiêu tháng, là con trai hay con gái, vì lịch sự nên Hà Trâm cũng vui vẻ trả lời. Nhưng lúc sau bà ta bắt đầu chạm tay vào bụng, khiến Hà Trâm khó chịu và rời mắt khỏi con trai.

Đúng lúc Hà Trâm quay sang cảnh báo người phụ nữ, thì một người đàn ông nhanh chân bước đến bế Đăng Duy lên, thấy người lạ ôm mình, cậu không chịu nên gào thé lên, làm cho mẹ giật mình quay sang. Bị phát hiện, người đàn ông bế theo Đăng Duy chạy nhanh đi, Hà Trâm thấy con trai bị bắt cóc thì hốt hoảng la lên kêu cứu. May thay, cha dượng vừa bước ra khỏi cửa hàng thì liền tức tốc đuổi theo. Phía này, Hà Trâm đứng dậy dằn co với người phụ nữ, không để bà ta chạy thoát. Không ngờ người phụ nữ trung niên này vô cùng tàn nhẫn, bà ta thẳng tay đẩy ngã Hà Trâm, trong khi cô đang bụng mang dạ chửa.

Cú ngã mạnh đến mức khiến mẹ của Đăng Duy bị chảy rất nhiều máu, may mà được những người qua đường giúp chở đi bệnh viện.

Về phía tên bắt cóc, thấy cha dượng của Đăng Duy sắp đuổi kịp, hắn vứt cậu lại và nhanh chóng thoát thân. Đăng Duy bị ném xuống đất, tay chân trầy trụa bầm dập, cứ rống lên khóc vì đau. Cha dượng mừng rỡ ôm cậu lên, vừa dỗ dành vừa thầm tạ ơn trời vì không bị mất con.

Hà Trâm được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, cô mất rất nhiều máu và gần như không còn ý thức được gì nữa, bác sĩ tiến hành truyền máu và khẩn trương mổ lấy em bé ra. Ông bà ngoại bế Đăng Duy đứng ngoài phòng mổ mà trong lòng như thiêu như đốt, còn cha dượng ngồi ôm mặt thất thần dưới đất.

Hơn một tiếng sau, cửa phòng mổ mở ra, bác sĩ thông báo rằng người mẹ đã ổn nhưng vẫn còn đang hôn mê sâu, còn riêng em bé thì không giữ được.

Bà ngoại nghe tin thì lăn đùng ra xỉu, ông ngoại dù ngoài mặt vẫn rất bình tĩnh đỡ lấy bà ngoại nhưng trong mắt ông hiện rõ nỗi thống khổ, còn cha dượng thì đực mặt ra như kẻ mất hồn. Đăng Duy không hiểu chuyện gì nhưng khi thấy bà ngoại ngất xỉu thì cậu sợ hãi òa khóc, tiếng khóc của cậu càng làm tăng thêm nỗi đau thương của gia đình trước tình cảnh hiện tại.

Ông ngoại là người vẫn giữ được bình tĩnh nhất trước tin dữ, ông sợ con gái tỉnh lại sẽ tự trách bản thân vì cố dằn co với người phụ đó nên em bé mới mất. Vì thế, ông đã cầu xin bác sĩ hãy giúp gia đình nói dối là em bé được mổ lấy ra lúc khuya, chứ không phải lúc chiều sau khi xảy ra tai nạn, và em bé sinh ra vẫn sống nhưng không hiểu vì sao ra đời được vài tiếng thì mất, để con gái khi tỉnh dậy nghĩ rằng em bé mất tự nhiên chứ không do mẹ bị ngã. Mặc dù Hà Trâm có đau buồn thế nào thì cũng không dằn vặt bản thân đến mức nghĩ quẩn. Thế là đội ngũ bác sĩ phụ trách ca mổ ngày hôm đó đã sửa lại ngày sinh của em bé là hai giờ sáng hôm sau, và nguyên nhân mất của em bé cũng ghi rằng không rõ.

Tầm mười giờ tối, ngoài trời đổ cơn mưa tầm tã, bác Văn người ngợm ướt nhẹp, tay bế bé Gia Phú chạy theo một nữ y tá đang đẩy Thúy Loan trên chiếc xe lăn vào phòng cấp cứu.

- Bác Văn, bệnh viện này mắc lắm, bác đưa con vô trạm xá thôi cũng được. - Thúy Loan yếu ớt nói.

- Trời ơi, con ơi. Bây giờ mà lo tiền nông cái gì, bác trả, bác trả hết cho con. Con cứ yên tâm mà sinh cháu nội của bác ra khỏe mạnh, còn lại bác lo hết.

Thúy Loan được đưa vào phòng sinh, nhưng lần này không hiểu sao cô lại sinh rất khó, chuyển dạ suốt mấy tiếng vẫn không sinh được, những cơn đau gò cứ liên tục dồn dập, bác sĩ bên dưới thì cứ liên tục bảo cô rặn mạnh lên, dù rất cố gắng nhưng Thúy Loan đã kiệt sức và mọi thứ trước mắt cũng mờ dần.

Trong những giây phút tưởng chừng sắp ngất đến nơi, thì câu nói lạnh gáy của bác sĩ khiến cô không dám bỏ cuộc.

- Em mà xỉu một cái là con em không ra kịp có thể bị ngạt chết đó. Nên ráng dùng hết sức mà rặn đi.

Bản năng của một người mẹ trổi dậy, Thúy Loan dùng hết những hơi sức cuối cùng để mang con cô đến với thế giới.

Á!!!

Tiếng thét của Thúy Loan vang vọng ra hành lang, cùng với đó là tiếng khóc oe oe của một sinh linh mới lọt lòng. Mắt của Thúy Loan dần khép lại, mọi thứ tối sầm đi, dần dần rơi vào cơn mê man, nhưng bên tai cô vẫn nghe thấy tiếng khóc của đứa con bé bỏng.

- Là con gái nha, ba ký hai. - Giọng nữ bác sĩ rất hồ hởi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro