36. Áo ấm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Nhật Hạ. Khi nào lạnh thì phải biết nói cho tôi biết", Chàng sánh vai đi bên cạnh, khoác hờ một chiếc áo ấm trên người, nắm lấy tay tôi như thể chàng đang canh cánh lo sợ tôi sẽ chuồn mất, hoặc xấu nhất là bị đánh bất ngờ.

Phiên chợ họp lần này, ngó chừng có vẻ đông đúc và tấp nập hơn các phiên họp lần trước. Người qua kẻ lại không ngớt, ai cũng khoác trên người chiếc áo ấm cả, bởi vì thời tiết cũng đột ngột thay đổi, lạnh dần hơn vào những ngày cuối năm.

Gió lạnh thổi liên tục vào người khiến không ai có thể cắn răng chịu đựng được nổi cái lạnh này. Bọn trẻ lắt nhắt tung tăng chạy trên con đường mòn, vừa rôm rả chuyện trò khi nghĩ về chuyện mình sẽ lớn thêm một tuổi.

Tôi phì cười. Chẳng qua là chuẩn bị bước sang năm mới thôi, không phải đêm 30, cũng chẳng phải mùng Một Tết gì sất. Ấy thế mà bọn nó lại làm ra vẻ quan trọng lắm cơ, hồ hởi chạy lăn tăn khắp nơi. Ra đây là niềm vui nho nhỏ mà mọi người hay nhắc đến là như vậy sao?

Nhưng...đồng thời cũng sắp qua một năm mới - có lẽ là năm thứ hai kể từ ngày tôi bị kẹt ở quá khứ đến giờ. Dù cho tôi chỉ đến với họ vào mùa hạ năm Bính Tuất mà thôi. Ngẩng mặt nhìn trời xanh, nhìn từng vệt mây màu trắng tinh khôi lướt lê thê qua đại dương mà tự nhủ, động viên với bản thân. Về đủ thứ chuyện, đủ thứ lời, đến mức tôi chẳng nghe được lời chàng dặn dò bên tai nữa. Cứ bị lơ đễnh như người mất hồn - cậu út đã gọi tôi như thế - để rồi phát ngôn toàn những chuyện không đâu vào đâu.

Mà trông tôi cũng như người mất hồn thật mà. Sơ hở là nghĩ ngợi vẩn vơ thôi.

"Nhật Hạ?", Chàng liếc nhìn tôi, "Nãy giờ cô có nghe tôi nói gì không?"

"Hả?", Tôi ngơ ngác quay sang. Hồn phách của tôi không biết đang lưu lạc ở phương nào nữa, không thể có cách trị chứng này được.

Chàng dừng bước, chăm chú quan sát biểu cảm thay đổi chóng vánh trên gương mặt tôi.

Có kẻ vì vội vàng quá nên đã luồn lách qua giữa cả hai rồi đi tiếp, không màng đếm xỉa đến hai con người ở đây. Mùi hương của chè đậu đỏ thơm thoang thoảng, bay nhè nhẹ vào trong không trung, lôi kéo những bước chân của những kẻ bụng dạ trống không, làm họ thấy nao lòng một phần nào.

Từ từ, chàng mới nói cái quái gì thế nhỉ?

Biết mình không thể chối cãi đi đâu, tôi chỉ biết gãi đầu ngài ngại rồi lí nhí đáp:

"Xin lỗi... Tôi bận để đầu óc trên mây nên không nghe được anh nói cái gì..."

"Thật là...", Chàng tặc lưỡi, thở dài nom bất lực với tôi lắm, "Tôi bảo cô nếu lạnh quá thì phải nói cho tôi biết, không được tự nhẫn nhịn chịu đựng."

Tôi ồ lên một tiếng, sau đó gật gù ra vẻ đã hiểu. Trông cứ như mấy con búp bê lò xo, cái đầu cứ lắc lư lắc lư không ngừng. Chỉ khác đôi chỗ, tôi là một vật sống, còn thứ đồ chơi vô tri vô giác đó thì không. Mấy cô thiếu nữ vui vẻ dạo chợ, tay trong tay với mấy cậu thanh niên khôi ngô, vừa nhìn ngắm những đóa hoa đầy mãn nguyện. Những cụ già thì nhìn những đôi trai gái ấy mà bàn tán với nhau, tấm tắc khen gia đình hai bên may mắn tìm được nửa kia cho con mình, lại vừa khen họ như đôi uyên ương trẻ măng ấy.

Tay trong tay, rồi đôi uyên ương? Tôi với chàng không phải dạng đó đâu. 

Xùy xùy, đừng nghĩ hướng khác.

"Nếu tính trước việc này thì tốt biết mấy...", Chàng thì thầm, "Trời trở lạnh đột ngột thế này nên tôi không kịp mua áo ấm cho cô."

"Không cần đâu mà", Tôi cười xòa, "Còn vài ngày nữa là sang năm mới rồi, anh còn bỏ tiền ra mua làm gì kia chứ?"

"Mẹ tôi, thằng Ba, thằng Út đều có áo. Lẽ nào cô lại không có được?", Chàng cốc nhẹ lên trán tôi một cái, "Vài ba cái áo chẳng đáng bao tiền cả. Cô cũng lo quá rồi."

Tôi ậm ừ cho qua chuyện, rồi tiếp tục rảo bước trên con đường đông nghẹt những người với người. Mùi trà nhàn nhạt từ các quán nước gần đó vô tình bay bổng trong không khí, lẫn vào mùi đồ ăn thơm phức. Tôi hít một hơi thật sâu, cố nạp vào trong phổi mấy ngụm khí trong lành đó rồi thở ra. Dễ chịu và đầy khoan khoái, tôi thích những hương thơm của giản dị, chứ không phải mùi của khói bụi từ các phương tiện di chuyển trên đường hay mùi từ các nhà máy đâu.

Khó chịu lắm, lại làm phá hoại bầu không khí xanh nữa.

"Hôm nay anh không đi buôn sao?", Tôi ngẩng lên nhìn chàng, "Thường những người lớn tuổi rất thích ăn trầu, mà dịp Tết lại có đông khách tới thăm. Như thế thì làm sao họ mua được?"

"Đâu phải chỉ có mình tôi buôn trầu đâu, Nhật Hạ?", Chàng phì cười, chắp tay ra sau lưng, "Vẫn có nhiều người khác giống tôi đấy thôi."

Rồi chàng nói tiếp:

"Cô đến bến Trường Trầu bao nhiêu lần rồi mà chẳng chịu để ý gì hết vậy?"

Đến lúc này thì tôi cười nghệch cái mặt ra. Chàng nói cũng đúng, lần trước tôi có gặp phải tay buôn người Thượng, đi lang thang dọc bến cũng gặp vài ba kẻ đang xếp trầu ra mời khách, rồi cậu ba cũng từng nói thế với tôi thì phải.

Ây, tôi ngốc quá đi mà.

Gió bất ngờ thổi đến một cách dữ tợn, làm mọi thứ dường như bị nó thổi đi mất. Cả mấy phiến lá non mới nhú nữa, vừa hé mắt nhìn đời chưa được bao lâu đã bị cuốn đi khỏi tổ ấm một cách phũ phàng mất rồi. Nó cũng mang đến một luồng khí lạnh, mà ba mẹ tôi hay gọi nó là gió không tốt, có thể dễ bị cảm nếu không ăn mặc kín đáo.

Nhất là những người lớn tuổi đang mang bệnh trong người.

Mũi tôi đột nhiên bị dị ứng, hắt xì tận ba cái liền. Những lúc gió quá lớn, trời hôm đó có mưa hay độ ẩm trong không khí đột ngột thay đổi, thì tôi dễ bị hắt xì. Ghét, ghét cực.

"Nhật Hạ", Chàng lo lắng nhìn qua tôi, "Cô bị cảm mất rồi."

"Không...không sao đâu...", Tôi vội xua tay, "Lạnh đột xuất nên tôi mới thế, không có bị bệnh gì sất."

"Đứng yên đó", Chàng không nói không rằng mà nhanh nhẹn khoác chiếc áo lên người tôi, còn mình thì hưởng trọn cả cơn gió lạnh.

Nhiều khi chúng ta không cần những lời nói dài lê thê, đơn giản nhất chỉ là hành động quan tâm đến người ta thôi. Rồi hẵng nói thêm cũng được.

Hơi ấm nhanh chóng truyền vào cái thân thể nhỏ bé này, đi được một chốc đã thấy ấm lên hẳn rồi. Tôi được nguyên tấm áo ấy bao bọc, vừa có cảm giác được che chở vừa ấm áp lạ thường. Nếu nhìn bên ngoài thì trông tôi có vẻ to lớn đó.

"Chẳng phải tôi đã dặn cô rồi sao? Lạnh thì nói cho tôi biết một tiếng chứ."

"Ừm...", Tôi khép mi mắt lại, cảm nhận được nguyên hình của cơn gió ấy trong trí não, sau đó chậm rãi mở mắt ra.

Một giây trôi mà tôi ngỡ như hàng thế kỉ chậm chạp lướt qua, chỉ khác đôi chỗ là người vẫn còn đó, cảnh vẫn còn đây. Và gió lạnh vẫn còn hiện diện ở chợ này, chưa đi đâu, cũng chẳng có ý định đi phá phách nơi nào khác nữa cả. 

Chàng đã dừng lại từ thuở nào, nhìn tôi đầy dịu dàng, vài sợi tóc con bay bổng trước vầng trán cao ấy. Hình như chàng còn hơi mỉm cười nữa cơ. Nếu theo suy đoán của tôi thì chàng có vẻ mãn nguyện với những gì mình đang ngắm lắm.

Thế thì chẳng khác gì tôi là một bức tranh đẹp, quý giá được trưng bày trong bảo tàng để cho người qua kẻ lại ngắm nhìn, thậm chí là cho cánh báo chí đến chụp ảnh nữa. 

Tôi vội quay mặt đi chỗ khác, cảm nhận được tim mình cũng rộn ràng hẳn lên, cùng với thân nhiệt mà ấm lên từng phút, từng giây. Vội kéo chiếc áo ấy lên để che đi gương mặt ửng đỏ, miệng lẩm nhẩm thầm cầu xin đừng ai để ý đến gương mặt tôi, đại loại là thế.

Ấy ấy, đừng nhìn tôi bằng kiểu như thế, tôi chống đối không nổi đâu.

"Sao thế?", Chàng thấy vậy bèn vờ lấy giọng bình thản mà hỏi, nhưng tôi biết trong lòng chàng đang vui. Rất vui là đằng khác.

Tên ngốc, làm con gái nhà người ta ngại mà còn vờ như không biết gì nữa.

"Đừng bận tâm...", Tôi lí nhí trong miệng, sau đó quay ngoắt lại nhìn chàng, vội vàng phân bua, "Anh nữa! Tự nhiên im lặng rồi nhìn người khác là sao?"

"Cô cũng có kể việc gì cho tôi nghe đâu", Chàng bật cười, luồn tay vào trong mớ tóc mềm mà xoa đầu tôi vài cái, "Nhìn cô một lát cũng không được ư?"

"Không được", Tôi bĩu môi, "Muốn nhìn phải trả tiền phí."

"Thế...", Chàng ngẩn người suy nghĩ giây lát rồi nắm lấy tay tôi, sau đó khúc khích cười, "Như thế đã được chưa?"

Tên ngốc nhà anh! Tôi cần tiền chứ không phải cần bàn tay anh để nắm!

Đi được vài ba bước nữa thì tôi giẫm phải một thứ gì đó. Cúi xuống nhặt lên mới biết nó là một đồng tiền, nhưng không phải được đúc bằng đồng, mà là bằng kẽm.

Có lẽ đã có người vô ý để rơi mất một đồng mà chẳng hay, cứ bị người qua lại giẫm đạp lên nên dính đầy cát bụi. Dòng chữ khắc trên tiền bị dính bẩn nên rất khó đọc, nhất là một đứa chỉ thủ trong mình vài ba con chữ như tôi nữa.

Tôi ngẩn người ra, nắm chặt lấy đồng tiền trong tay. Cơ mà tiền khá mỏng, dễ tan chảy nên dễ đúc. Có điều nhược điểm của nó là nếu dùng hết sức lực thì có lẽ nó sẽ bị gãy ngay, không được bền như tiền đồng nhiều. À phải rồi, tôi vẫn còn nhớ sơ qua một thứ liên quan đến đồng tiền kẽm này mà tôi từng đọc thâu đêm, ngẫm muốn nát cuốn sách dày cộm ở thư viện.

Nó gọi là gì ấy nhỉ? Cái gì đó mà người ta hay gọi nó là cuộc khủng hoảng tiền kẽm ở phía Đàng Trong ấy, nếu tôi nhớ là thế. Một thời buổi khi mà tiền tệ xuống thấp, không buôn bán được gì, ba đồng tiền kẽm chỉ bằng được một đồng tiền đúc bằng đồng thôi.

Có người đã lén trữ tiền trong nhà, cũng có những tên nhà giàu chê loại tiền ấy mà không chịu bán gạo, đâm ra giá gạo cao vọt bất thường. 

Ban đầu tiền không mỏng đến mức vậy đâu. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì lúc mới xuất hiện, tiền kẽm được đúc rất chỉn chu, dày và cứng. Tuy độ nóng chảy của kẽm thấp, nhưng nó lại không thể bẻ gãy được, nên mọi sự vẫn diễn ra như bình thường.

Nhưng rồi những người có tiền đồng lại chẳng đem ra để trao đổi, mà cứ giữ bên mình, còn những kẻ có địa vị cao trong xã hội thì nháo nhào xin đúc thêm tiền kẽm. Đành ra có cả hơn một trăm lò đúc tiền mới ra đời, không sử dụng kẽm mà thay vào đó là trộn lẫn cả thiếc xấu vào, nên...

Đồng kẽm này có vành mỏng, dễ gãy như trên tay tôi cầm là thế. 

"Chẳng phải đồng tiền kẽm này rất dễ bị bẻ làm đôi hay sao?", Tôi níu lấy tay chàng rồi chìa đồng tiền ấy ra, "Làm sao có thể buôn bán được với cái đồng này chứ?"

"Đúng là rất dễ gãy, nếu sơ ý là hỏng ngay", Chàng ngó nhìn đồng kẽm trên tay rồi đồng tình với ý kiến của tôi, kín đáo buông một hơi thở dài, "Nạn đúc tiền lậu cứ mọc lên như nấm ở khắp nơi, làm mất giá trị đồng tiền. Chẳng ra làm sao cả."

Rồi chàng trỏ vào vành tiền mà nói tiếp:

"Cô thấy cái vành nó mỏng chứ? Người dân chê tiền ngày sau đúc xấu nên không muốn tích tiền ấy ở trong nhà."

Tôi trầm ngâm suy nghĩ, xoay qua xoay lại đồng kẽm trong tay. Ban đầu chúa Nguyễn nghe theo lời của một người Hoa họ Hoàng, mua kẽm trắng của người Hà Lan rồi mở trường đúc ở Lương Quán. Vành tiền và chữ khắc trên tiền đều làm theo thể thức tiền Tương Phù thời Tống.

Nhưng về sau lại bắt đầu trộn lẫn thêm kẽm xanh, thiếc xấu lẫn chì vào, đâm ra vành tiền bị mỏng. Vẫn có nhiều người cậy quyền thế mà mở lò đúc tiền riêng, dần dần số tiền kẽm xấu cũng ngày một tăng, chất lượng cũng giảm đi rất nhiều. 

Ngay cả các chúa Nguyễn cũng không thể kiểm soát được cả hai thứ: số lượng tiền kẽm được đúc ra và chất lượng của nó, làm kinh tế thay đổi hẳn đi. Giá gạo tăng, một số nơi bị thiếu lương thực, mấy tay buôn nước ngoài cũng từ chối nhận tiền nốt. Đúng là chẳng ra làm sao cả.

Nhưng may ra thời gian đầu lại khả quan và thành công hơn so với kế ban hành tiền giấy của Hồ Quý Ly nhiều.

Nhân tiện tôi hốt đồng kẽm này về, chắc chẳng ai thấy hành động kì quặc cũng như ô nhục của tôi đâu ha?

Thời buổi này nó loạn lạc đến nỗi tôi chẳng buồn để tâm đến. Như một vật sáng giá bị xích lại rồi đem nhúng thật sâu xuống vũng bùn lầy đặc sệt, nay chỉ chờ kẻ vớt lên, lau chùi và đánh bóng lại thôi. Chờ, chờ mãi chẳng thấy ai, chẳng thấy bóng dáng của kẻ nào thèm ngó ngàng đến cả.

Sớm thôi, chỉ còn năm năm nữa là sẽ có người để ý đến.

Nhưng từ đây đến lúc đó vẫn còn xa vời lắm cơ.

"Nhật Hạ", Chàng lay tay tôi, nói: "Về thôi, trời cũng trở lạnh nhiều lắm rồi."

"A...", Tôi luống cuống cởi chiếc áo ấm ra rồi choàng trở lại cho chàng, "Anh nhường tôi cái áo này, chẳng phải...anh cũng đang lạnh lắm sao?"

"Không có", Chàng phì cười, "Khi khác tôi mua cho cô một cái."

Rồi chàng chỉn chu khoác lại chiếc áo lên người tôi, dịu dàng bảo:

"Choàng vào đi, đừng khách sáo."

Một ngọn gió vô tình lướt qua, cuốn theo một vài phiến lá theo. Lá bay ngang, che khuất mắt tôi, rồi đi mất mà chẳng nói lời nào, để lại cho tôi một ánh mắt ân cần mà không biết tôi đã nhìn phải biết bao nhiêu lần rồi. Rất ân cần nữa là đằng khác.

Chắc là không có ẩn ý gì ở đây đâu nhỉ, ai đó hãy nói với tôi rằng chàng chỉ sợ tôi cảm lạnh mà ngã bệnh thôi đi. 

Ánh nắng vàng ươm phủ một lớp vải mỏng lên người hai chúng tôi, chọn lọc ra những tia nắng trong lành nhất để trải xuống. Chàng im lặng bước đi, không quên nắm tay tôi kéo theo vì sợ tôi sẽ lạc mất, hoặc sợ tôi sẽ hóa thành tiên nữ mà lẳng lặng rời khỏi chốn này không báo cho ai một tiếng.

Đúng rồi, tôi là tiên nữ, nhưng khác ở chỗ tôi là tiên nữ bằng xương bằng thịt, hoàn toàn có thật, trăm phần nói là trăm phần đúng. Thứ duy nhất ngăn không cho tiên nữ bay về là thời gian, một khoảng cách dài ơi là dài những hơn hai trăm năm. 

Đi cũng nhiều nên có chút mệt, chân như muốn rã rời, hoàn toàn không chịu nghe theo sự điều khiển của não nữa, cứ tự ý dừng lại thôi. Người thì đông như kiến, nếu tìm một quán nước nào đó để ngồi nhấm vài ba ngụm trà thì có lẽ là khá lâu. Bởi tôi quá nhỏ con, chẳng thể thấy được thứ gì ở gần đó khi có người chắn hết cả tầm nhìn.

Kĩ năng luồn lách trong cổng trường giờ tan học cũng tốt đấy, nhưng làm sao phát huy được hết tác dụng khi những người ở đây đông hơn tôi tưởng được chứ?

Vô dụng, vô dụng cả thôi. 

Thở một hơi dài, lặng lẽ tựa mái đầu thơm thoang thoảng mùi thảo mộc vào vai chàng, sau đó nhắm tịt mắt lại mà thì thầm:

"Tôi nghỉ một lát..."

Từ bỏ tất cả để đắm chìm vào một giấc mộng nữa.

Một giấc mộng không có chàng, không có ai cả. Chỉ có một mình tôi cùng hàng vạn những kí ức thôi...

--------------------------------------

Lời chào đến từ tác giả: 

- Toii ngồi rảnh viết chương trước vào ngày 6/2 rồi lên lịch cho mọi người=)) Cho có chương mới đọc trong mấy ngày Tết ấy.

- Thật ra t cũng muốn đẩy nhanh tiến độ của chương cho kịp với bản thảo tay=)) Giờ bản thảo cũ với trên đây nó cách xa ơi là xa rồi.

- Đừng có hỏi tác giả tại sao mấy chương liền toàn đường nhé=)) Tại t lụy cp này sau khi N x H âm dương ở bản thảo tay nên t muốn quay lại tận hưởng tí ấy mà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro