28. Thân phận

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

----------------------------------------

Một ngày nhàm chán và vô vị nữa lại trôi qua...

"Chị Hạ", Huệ chợt gọi tôi, ánh nắng màu mật từ bên ngoài phản chiếu xuống vài mảng loang lổ trên gương mặt nom còn búng ra sữa của cậu, "Chị đang nghĩ vẩn vơ cái gì thế?"

"Không, không có gì...", Tôi phẩy tay đáp, mải để tâm trí mình trong chung trà nhàn nhạt, "Đợi mây đến đợi gió đi. Nhưng chúng lại hắt hủi, ghét bỏ tôi mà chả thèm đến như cũ nữa."

Chán chết đi được...

Tôi nhớ nhà, nhớ mấy thứ đồ dùng quen thuộc của mình, nhớ ba mẹ. Tôi cũng nhớ cảnh vật nơi đây, nhớ khóm hoa cỏ may mềm mại, uyển chuyển rung động trước gió. Nhớ cả cái vị trà không mấy ngon lành, nhưng đối với tôi, được ngồi thưởng trà với họ thì vui không còn gì bằng, mặc dù tôi không thích uống trà là bao. Thậm chí tôi còn nhớ cái cách chàng chấp nhận cho tôi ở lại chứ không đuổi đi như nhiều người khác, cả cái cách hai cậu đây tốt bụng dạy chữ cho tôi. Ấy mà tôi lại chẳng nhớ chữ nào cả, khi có khi không, khi còn khi mất. Lúc bị tra hỏi thì bất lực lắc đầu, mặc cậu cứ nhìn tôi bằng ánh mắt tuyệt vọng.

Nghĩ xem có thấy bất lực không cơ chứ?

À mà nhắc mới nhớ. Trong lúc rảnh rỗi không có chuyện gì làm nguyên buổi sáng thì chúng tôi đã kéo nhau đến một quán nước nhỏ, cốt là để ngồi nói chuyện vu vơ này kia thôi. Quán dựng ngay bên lề, có mái lợp lá khang trang hẳn hoi, còn dựng thêm vài ba cái bàn gỗ ở ngoài trời để khách có thể vừa thưởng trà vừa ngắm món quà mà tạo hóa ban cho. Có cả món gié bò (3) ăn cho đỡ buồn miệng nữa, nhưng chỉ tiếc rằng tôi không ăn được món ấy thôi.

Không như cái quán rượu tồi tàn mà tôi có dịp lướt ngang qua lần trước, quán này yên tĩnh hơn nhiều, không có cái mùi nồng nặc của rượu mà thay vào đó là mùi thơm dìu dịu của trà thoảng qua. Cả mấy vị khách đến đây nữa. Họ chỉ xì xào to nhỏ, không mấy ồn ào như ba cái gã uống say bét nhè để rồi đập phá đồ đạc lung tung.

Gu tôi chắc chắn không phải hạng người như thế rồi.

"Chị Hạ khác ghê", Cậu đưa chung trà lên miệng nhấp một ngụm, sau đó đặt xuống bàn mà chống cằm nhìn tôi. Hương trà vương vất vẫn còn ám ở đây, ở xung quanh tôi, ở trong cái quán này.

"Khác chỗ nào?", Tôi chạm vào mặt xem có gì bất thường không, rồi chớp chớp mắt nhìn cậu, "Mặt tôi có dính gì sao?"

"Ý tôi không phải là cái đó", Cậu bật cười trước vẻ vụng về của tôi, "Chị có chút khang khác. Nhưng tôi lại không biết khác ở đâu."

Cậu vươn tay bắt lấy phiến lá bỗng nhiên bay đến, tóm gọn nó vào trong lòng bàn tay rồi lại xòe ra, sau đó ngước nhìn lên hư vô. Đôi mắt cậu phản chiếu tất cả những gì hiện diện ở trên bầu trời, bao gồm cả sắc xanh bị nhấn chìm bởi tảng mây trôi dạt về phía chân trời, cả màu xanh diệp lục của mấy cái cây gần đó nữa. Đoạn, cậu ngước xuống nhìn vào trong chung trà vơi một nửa, trầm tư suy nghĩ đôi điều mà đến cả tôi cũng chẳng thể đoán được. Thoáng thấy một tia giảo hoạt đến kì lạ trong mắt cậu nhóc, làm tôi phải rùng mình liên tưởng đến mấy lời mô tả có trong sử sách: "Nguyễn Huệ tóc quăn, da sần, mắt như chớp sáng, tiếng nói sang sảng như tiếng chuông, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, can đảm (1)" rồi lại còn: "ban đêm khi ngồi không có đèn thì ánh sáng từ đôi mắt soi sáng cả chiếu (2)" nữa. Ầy, chỉ việc nghĩ đến viễn cảnh nhìn thẳng vào mắt thôi là đủ sợ rồi, còn nghĩ đến mấy việc khác làm gì chứ?

Ai có gan thì làm, chứ tôi là không.

Tôi tự mình rót thêm nước trà vào trong chung, lắng nghe tiếng xâu chuỗi va vào nhau của mấy cô tiểu thư đến quán uống trà cùng chồng, hay tiếng chim hót trong trẻo từ tận trên cây cao. Và rồi trong một khoảnh khắc nọ, bên tai tôi bỗng ù ù những âm thanh có lẽ là không phải của những con người ở thời này phát ra.

"Bác sĩ, bệnh tình con tôi sao rồi?", Mẹ tôi lo lắng nhìn bác sĩ, tay vẫn siết chặt lấy bàn tay của tôi đang nằm mê man trên giường, đủ thứ dây nhợ được ghim vào người tôi.

"Cô bé hôn mê sâu cũng đã ba tuần mà chưa tỉnh dậy. Chỉ e...", Nói đến đây thì bác sĩ ngừng lại, ánh mắt như muốn lánh né điều gì đó.

"Không thể cứu được sao...?", Thằng Thiên buông từng lời nặng trịch, đôi mắt cứ dán chặt vào sàn nhà. Có lẽ như nó đã không muốn lên tiếng, bởi có một sợi dây nào đó đã quấn chặt lấy trí não nó rồi.

"Nếu bạn cháu còn nghe thấy những lời an ủi này thì may ra có thể", Bác sĩ thở dài rồi lắc đầu, bước qua cậu mà chẳng thèm ngoảnh lại, "Ta xin lỗi, ta có việc gấp phải đi."

Cửa khép lại sau lưng.

Một mối hi vọng cũng theo đó mà bị dập tắt, hệt như một ngọn nến tàn trước một cơn gió lớn vậy.

.

.

.

.

.

.

.

"Chị không sao chứ?", Cậu ngó nghiêng nhìn sắc mặt tôi, bộ dạng làm ra vẻ nghiêm trọng lắm, "Hay là do say nắng nữa rồi?"

"Không sao", Tôi xua tay, cố mỉm cười rạng rỡ hết mức có thể, "Chỉ trầm tư suy nghĩ vài điều thôi mà."

Cậu nhìn tôi thêm lần nữa rồi gật đầu, sau đó lẳng lặng nhìn đám người ở trong quán. Có cả những người vừa mới đi buôn về, tiện thể tạt vào quán dọc đường để ngồi nhấp vài ngụm trà lấy hơi, cũng nổi hứng trò chuyện với nhiều người khác ở trong quán, giọng điệu thân mật như thể đã quen nhau từ lâu. Khách kéo đến ngày một đông, làm chủ quán cứ phải tất bật đến tối tăm mặt mũi, rỗi được hơi nào thì ngồi nghỉ hơi nấy.

Cơ mà...

Mấy lời vừa nãy tôi nghe được là sao? Bác sĩ, giọng mẹ tôi với cả thằng Thiên nữa. Nếu đúng như dự đoán của tôi thì sau cái đêm tôi đột nhiên bị cuốn về như thế này, tôi rơi vào hôn mê sâu. Không rõ nguyên nhân, không rõ bệnh tình, cũng chẳng có bệnh nào trong người, khiến các bác sĩ cũng lắc đầu chịu thua.

Nếu không nhầm thì khi nãy tôi vừa nghe được bác sĩ nói với mẹ tôi rằng tôi đã hôn mê được ba tuần rồi á? Mấy tháng trôi qua ở quá khứ chỉ bằng ba tuần ở thực tại thôi sao? Tôi cứ ngỡ là phải tầm một tháng qua rồi chứ. Cơ mà tôi cũng muốn tỉnh dậy, muốn nói với bác sĩ rằng những gì ông ta nghĩ chỉ điều là giả thôi. Bởi tôi còn rất khỏe mạnh, không có bệnh gì trong người, chỉ tại...

Lỗ hổng thời gian đã kéo tôi về một thời cách đây hơn hai trăm năm. Giống như một trò chơi nhập vai, phải hoàn thành tất cả nhiệm vụ đề ra mới có thể nhận thưởng. Tôi cũng vậy, phải sống ở đây đến năm Nhâm Tuất (4), bất chấp mọi hiểm nguy tôi có thể gặp phải để trở về.

Trở về thời Tây Sơn.

Nói đúng hơn, tôi đang trở về một thời huy hoàng đang dần bị hiểu sai và càng ngày có nhiều thông tin sai lệch hơn. Vũng bùn sâu không phải vấn đề, quan trọng hơn hết đó chính là: Liệu có mấy kẻ dám dũng cảm một thân lội qua vũng bùn đó, để biết nó nông cạn thế nào, thực hư ra sao? 

"Chị Hạ", Cậu chợt lên tiếng sau một hồi lâu im lặng, "Chị kể tôi nghe về thân phận của chị đi."

Cái gì đấy?

Vừa mở mồm ra là đòi người khác kể nghe về thân thế như nào rồi. Bộ cậu muốn lưu trữ lại mớ thông tin đó của tôi để sau này tiện bề quản lí sao? May ra đến lúc khởi nghĩa thì tôi kể.

"Cậu muốn nghe à?", Tôi nghi hoặc nhìn cậu.

"Không nghe thì sẽ không biết", Cậu cười nhẹ, nhịp nhịp tay lên bàn như một thú vui tiêu khiển, "Chi bằng chị kể tôi nghe, như thế sẽ đỡ xa lạ hơn."

"Cậu sẽ không xa lánh tôi sau khi nghe chứ?", Tôi hỏi thêm một câu nữa, nhằm giữ vững tinh thần của chính bản thân, hoặc nói đúng hơn là an ủi tôi khỏi phải run sợ hay lo lắng.

Cậu gật đầu, chăm chú nhìn nước trà sóng sánh trong chung mà đáp, chất giọng sang sảng như chuông vẫn không đâu có thể nhầm lẫn với bất kì chất giọng nào khác:

"Ở với chị cũng lâu, há lẽ nào lại quay sang ghét bỏ chị được?" 

Bình tĩnh nào Hạ ơi. Chỉ cần kể cho "cậu nhóc" trước mặt mày nghe là được thôi mà, Tôi tự nhủ, hít vào một hơi thật sâu, miệng lẩm bẩm như đang đọc kinh, Không nghi ngờ, không hỏi thêm bất cứ câu hỏi nào khác giúp tôi cái đi, trời ạ.

"Thì...cậu có thể hiểu là tôi...", Đến đây thì tôi dừng lại, vài giây sau mới dám nói tiếp: "Ừm...tôi là người của Đại Việt cách đây hơn hai trăm năm sau."

Một thoáng im lặng.

"Chị không đùa chứ?", Cậu hỏi, đôi mày cau lại vì mấy lời tôi vừa thốt ra, "Hơn hai trăm năm sau?"

"Tôi đùa cậu làm gì hả, tên ngốc này?"

Tôi len lén nhìn biểu cảm trên gương mặt cậu, xem coi cậu sẽ phản ứng như thế nào trước sự thật vô cùng khó tin mà tôi đã cố gắng giấu hơn mấy tháng nay. Có thể cậu ngạc nhiên, rồi sau đó bắt đầu trêu tôi nhỉ? Hoặc cậu nghĩ tôi bị ấm đầu quá nên mới nói như vậy chăng?

Nhưng không, cậu chỉ trầm lặng nhìn đi nơi khác, cuối cùng là quay qua nói với tôi:

"Thế ra dự đoán của tôi chẳng sai. Về chữ viết của chị, về trang phục chị mặc trên người, nhìn thoáng qua cũng đã biết chị không phải người thời này."

"Thân phận tôi cậu cũng biết rồi, vậy cậu có xem tôi là kẻ dị nghị không?", Tôi tự trỏ vào bản thân, nín thở chờ đợi câu trả lời, "Một đứa như tôi chẳng giống những người ở đây. Lai lịch chẳng rõ ràng, nếu không được anh Hai cậu rũ lòng thương cho ở lại thì...có lẽ tôi thành đứa bị truy nã nhất khu này rồi."

"Dị nghị?", Cậu phá lên cười rồi vỗ vai an ủi tôi, "Kẻ dị nghị là kẻ 'người không ra người, quỷ không ra quỷ'. Cớ sao chị lại nghĩ như thế?"

"Bởi vì...", Tôi ấp úng đáp, "Nếu cậu có thể hiểu đơn giản, thì tôi chính là hậu thế sau này của mấy cậu. Hai trăm năm, một khoảng cách tương đối dài."

"Nhưng ở đây chị vẫn lớn tuổi hơn tôi mà, nhỉ?", Cậu mỉm cười. Lần đầu tiên trong đời, tôi lại thấy cậu ôn hòa hơn bao giờ hết, không còn là cậu nhóc hay trách tôi mỗi khi tôi không nhớ chữ nữa. Ấy thế nhưng sau này có khi không còn ôn hòa được như thế nữa đâu, ha?

"Anh Hai biết chuyện này chưa, chị?"

"Anh cậu còn biết trước cả cậu nữa cơ", Tôi hừ mũi đáp, uống nốt thứ nước trà nguội ngắt còn lại rồi đứng dậy bỏ về. Cậu thấy thế thì bèn chạy theo, lay lay cánh tay tôi như muốn ra hiệu tôi dừng lại.

"Chị giận à?"

"Giận làm gì", Tôi gạt tay cậu ra, "Xem như cậu chưa nghe gì đi."

"Làm sao có thể lơ đi được", Cậu phì cười. Đoạn cậu buông tay tôi mà sánh vai đi bên cạnh, "Chắc Út nó vẫn chưa biết. Thôi thì cứ để sau này hẵng biết vậy."

Sau này hẵng biết, nhưng tôi không muốn nó kéo dài quá lâu. Có thể là vài tháng sau, hoặc vài năm sau hẵng biết. Thời gian luôn là phương thuốc chữa lành cho mọi nỗi đau, mọi nỗi buồn, nhưng nó cũng là kẻ đã cướp đi mất người ta yêu quý.

Tôi hôn mê ba tuần để đổi lại khoảng thời gian hơn ba tháng ở với họ. Cho dù có chết ở thực tại chỉ để chìm vào giấc mộng thoáng qua thì tôi vẫn sẽ đánh đổi lấy.

Đâu có gì tàn nhẫn và bi thương bằng Lịch sử được?

Thậm chí ngay cả những điều nhỏ nhặt tưởng chừng như là hành động thường ngày thì tôi lại càng quý trọng nó hơn nhiều. Quý trọng vì nó, đổi thay vì nó và khóc cũng vì nó. Tôi thích thú với những chiến công lộng lẫy, thích cả những đóng góp nhằm cải cách đất nước của ngài nữa. Nhưng tiếc mệnh ngài không được trường thọ, nên những tiến bộ đó bị chìm vào quên lãng...

Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng.

- Nguyễn Ngọc Tư - 

------------------------------------

(1) Theo "Quang Trung anh hùng dân tộc"

(2) Theo Tây Sơn lược

(3) Gié bò: một món ăn đặc sản của người Bana ở Tây Sơn Thượng, sau trở nên phát triển ở Tây Sơn - Bình Định

(4) Tức năm 1802

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro