14. Lịch sử và một nơi không có nó

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi bắt đầu cảm thấy cuộc sống ở đây trôi qua thật vô vị.

Không đèn điện, không Internet, không điện thoại, không có cái gì tất. Thậm chí một nền văn minh tiên tiến cũng không, tư tưởng tối tân cũng không nốt. Chỉ có một chế độ phong kiến tập quyền, một đất nước chia đôi và một tình cảnh chung : người dân đói khổ lầm than. Mồm tuy than vậy thôi, chứ tôi cũng không muốn quay trở về tí nào. Mấy mặt hàng được bán ở đây cũng đẹp lắm, còn có chữ Quốc ngữ sơ khai bây giờ nữa. Nhưng tôi vẫn muốn được về nhà hơn.

Biết sao được giờ. 

Tại cái thứ lỗ hổng thời gian chết tiệt đó ấy, chứ ai đâu mà muốn rời bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi để xuyên về cái thời bán mạng cho Lịch sử đâu? Đành vậy thôi. 

Để xem...

Tôi xuyên về đây được bao lâu rồi ta? 5 ngày hơn chưa nhỉ? Mà ở cũng lâu thế này, đảm bảo cũng mất bài cho xem. 

"Chị Hạ!", Lữ đột ngột lên tiếng, "Chị buồn chuyện gì vậy?"

"Hả? Ai nói với cậu là tôi buồn đấy?", Tôi giật mình quay lưng lại, "Tôi có buồn chuyện gì đâu? Chỉ đang suy tư xiu xíu chuyện thôi."

"Tôi tưởng chị buồn." Cậu cười xòa, như thể muốn che lấp đi cái nhục của cậu trong câu nói trước, "Mà tại sao hôm qua chị lại không phản đối?"

"Về việc gì?", Tôi tò mò hỏi.

"Việc anh Ba không cho chị học với tôi nữa."

Nói mới nhớ...

Tôi cũng chưa kịp phản kháng hay biện minh đã bị chặn đứng miệng lại rồi. Cho dù có cãi lại thì cũng sẽ bị vô vàn lí lẽ, bằng chứng chặt chẽ của tên ngốc kia phản lại mất. Thà không nói để không phải bị ngượng, như vậy sẽ tốt hơn nhiều.

"À thì...", Tôi ấp úng đáp, "Cũng tại tôi không muốn làm trái lời anh cậu. Vả lại..."

Tôi ngó nghiêng xung quanh, rồi thì thầm vài ba lời nho nhỏ:

"Anh cậu cũng khó tính quá, tôi không dám cãi lại."

"Sao chị lại nghĩ anh Ba khó?", Cậu ngạc nhiên hỏi.

"Chứ cậu thử nghĩ đi, suốt ngày chỉ biết cho tôi học bằng cách chép 50 lần từ đó thì không khó sao được? Có ngày gãy tay tôi mất", Tôi thở dài đáp, "Chưa kể còn dạy tôi rất nghiêm khắc nữa."

Cậu nhẫn nại chăm chú nghe tôi buông hết mấy lời tâm sự, nào là chê anh mình cái này cái kia, nào là nói đủ kiểu tại sao không cho học chữ theo cách dễ hiểu hơn. Vẻ mặt bình thản khi nghe chuyện của cậu làm tôi thấy cậu giống hệt như một ông cụ non, mới tí tuổi đầu đã vội làm nét mặt không hợp với tuổi rồi.

Đến khi tôi hết lời để nói, cậu mới chống cằm nhìn tôi, ôn tồn hỏi:

"Chị thấy anh Ba khó tính cũng chỉ vì như vậy thôi sao?"

"Đúng rồi." Tôi gật đầu, "Cậu không thấy vậy à?"

"Nếu tôi cũng thấy như chị thì làm sao được chứ?", Cậu phì cười, "Phận tôi là em út trong nhà, lúc nào cũng được sự chỉ bảo từ anh Hai, có khi là anh Ba nữa, thì tôi làm sao cảm nhận được điều giống chị? Nhưng mà..."

Cậu ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

"Tôi cũng có thể hiểu cho chị. Với một người như chị thì chép 50 lần như thế khác nào tra tấn đâu, chị Hạ nhỉ?" 

Thấy tôi gật đầu tán thành liên tục, cậu tủm tỉm cười như đã đoán được ý muốn của tôi từ trước. 

Cái này là em rơi em rớt của hai người kia hay sao mà tính tình khác hẳn luôn vậy? Hay do cái dũng cảm chỉ truyền tới người ở giữa nên người cuối cùng không nhận được, mà thay vào đó toàn là tính cách hiền hòa, không mấy thiện chiến như hai anh trước? Ầy...nội việc nhìn cái tính cách ba người mỗi kiểu thôi cũng đã mệt đầu rồi.

"Một cách tra tấn khác mà không dùng vũ phu nữa đó." Tôi đáp, lấy ra từ trong áo một cây sáo trúc rồi chìa nó ra trước mặt cậu, "Cậu còn nhớ cái này chứ?"

"Tại sao không? Tôi tặng chị mà?", Cậu nhìn tôi.

Mùi hương cỏ cây chứa đầy sắc tố diệp lục màu xanh, mùi đất quê giản dị cứ nhốn nháo bám víu lấy 'con tàu' gió mà đi khắp nơi, thoảng ngang qua chỗ chúng tôi ngồi. Lúc nào gió nổi lên cũng đều mang theo vô vàn hành khách vô hình lẫn hữu hình lướt ngang qua dòng đời đầy nhạt nhẽo và nhàm chán. Có khi nó còn là hiện thân của thời gian, mang cả nỗi buồn, kỉ niệm và những người ta quý nhất rời xa mà đến cả ta còn không biết. 

Rồi cậu chợt đề xuất: "Tôi dẫn chị đi bắt cá nhé?"

"Hả?", Tôi hỏi lại, "Bắt cá ở đâu cơ?"

"Ở sông Côn." Cậu đáp lại với giọng điệu vô tư, "Mấy lúc có thì giờ rỗi, tôi với anh Ba toàn ra đấy bắt cá. Khi thì đùa cho vui, khi thì bắt về ăn nữa. Chị muốn thử không?"

"Ấy, tôi xin khiếu..."

"Đi với tôi đi, chị Hạ!", Cậu nài nỉ tôi hết cách này đến cách khác, "Bỏ chị ở nhà thì tôi không an tâm, vả lại có chuyện gì thì tôi biết giải thích sao với anh Hai?"

Tôi cười trừ, rồi cũng nín bặt, không thèm trả lời lại luôn. Chết mất...

Cái tên buôn trầu Nguyễn Nhạc nhà anh về nhanh cho tôi! 

Em ai nấy chăm chứ tại sao tôi lại phải chăm hộ thế này? Với lại tôi còn chưa có kinh nghiệm chăm trẻ nữa chứ. Trẻ 12 chứ có phải trẻ lên ba đâu mà chăm với chả sóc? Tự nhiên thấy hận cái lỗ hỏng thời gian vô đối ghê, xuyên về cốt là để lội dòng thời gian chứng kiến mấy sự kiện lịch sử một cách chân thật nhất, chứ có phải là để chăm trẻ đâu?

"Chị Hạ? Mình đi nhé?", Cậu ngó nghiêng nhìn tôi.

"Được!", Tôi đứng dậy, lườm yêu cậu một cái, "Anh Hai cậu có hỏi thì tôi sẽ nói mọi chuyện là do cậu. Chỉ một mình cậu thôi đấy."

Cậu cười khúc khích, bỏ ngoài tai mấy lời dọa mà nắm lấy tay tôi. Có thể cậu sợ trong quá trình đi tôi chuồn mất, hoặc có thể cậu sợ tôi sơ ý bỏ quên hồn ở ngang những nơi đông người. Cũng có thể là từ nhiều lí do khác mà tôi không thể biết thêm được. 

Có thể cậu cũng giống anh Hai mình. Sợ rằng tôi là một nàng tiên, chỉ ghé ngang qua một lần, để rồi biến mất vào cõi hư vô...

Tôi không là nàng tiên, nhưng tôi sẽ biến mất khi triều đại này đã sụp đổ...

-------------------------

"Chị không xuống bắt cá sao?", Cậu đứng ở dưới nước nói vọng lên. 

Kì thực thì tôi không thích làm gì cả, đi chỉ vì bị ép thôi. Bầu trời màu xanh nhạt, hệt như một họa sĩ đã quệt chiếc cọ lên tô nền trời xanh thẳm này quá nhẹ tay. Cả mấy đám mây nữa, lười biếng đến hàng tiếng mới chịu trôi qua khoảng trời khác. Lúc nhận ra thì ở dưới nhân gian cũng đã thay đổi nhiều cả rồi. 

"Không xuống. Cậu cứ việc bắt đi." Tôi xua tay, "Tôi mà xuống là thế nào bắt mấy con cá cũng bị xổng mất." 

"Nhưng nước mát lắm đó!", Tôi càng từ chối, cậu càng dụ dỗ tôi đến cùng. Này là lấn át người ta luôn rồi, chứ năn nỉ gì đâu đây.

"Không xuống." Tôi quả quyết đáp, "Khéo dụ tôi thôi."

Rồi mắt tôi chợt chú ý đến bờ bên kia của sông. 

Mấy con thuyền nan đến đậu tấp nập, có chiếc gần vào bờ thì mặc cho dòng chảy trôi đi, có chiếc thì hào hứng chào đón bờ sông đến vui mừng. Người qua kẻ lại không ngớt, những âm thanh nhộn nhịp rì rào mãi ở bên kia, làm tôi tò mò muốn biết họ đang nói về cái gì. Cứ ngỡ như sắp tổ chức một lễ hội nào đó vậy.

"Bên đó họ buôn bán gì sao?", Tôi trỏ vào bờ đối diện, tò mò hỏi.

"Chị không biết ư?", Cậu ngạc nhiên nhìn tôi, "Bên kia là bến Trường Trầu. Anh Hai cũng thường đi buôn ở đó. Chị muốn qua không?"

"Nhưng qua bằng cách nào?"

"Ta chỉ cần đi ngược về nhà, rồi chọn lối khác mà đi." Cậu lõm bõm lội nước mà lên, "Chị nghĩ cứ muốn qua đấy là phải đi thuyền à?"

"Tại tôi không biết." Tôi lắp bắp nói, "Cậu sống ở đây cũng mười hai năm, lẽ nào không thông thuộc địa hình hơn tôi?"

Không phải tôi không biết, đồ ngốc.

Tôi từng đến đây rồi. Bây giờ thì nó có thể đông đúc, đò xuôi dòng đến đây trao đổi hàng hóa đấy, nhưng ở cái thời của tôi nó không được như vậy đâu. Tất cả những gì thời gian ngấu nghiến cũng chỉ là một bãi cát bồi, không còn một thời phồn vinh với cái câu ca dao xứng đáng với nó nữa.

Bởi tôi ghét thời gian đến ghê gớm.

Tôi bỏ công ra đến đây chỉ để trông cậu út nghịch nước (cho hai anh lớn nào đó đi buôn), và rồi phải quay trở lại con đường mòn quen thuộc cũng chỉ để tìm đường khác để đi đến bên bờ sông kia. Sao ban đầu lại không chọn cách này đi nhỉ? Tuy không được nghịch nước đủ thứ, nhưng ít ra nó cũng giúp ta tiết kiệm công sức mà? 

Cũng may nhà này được cái vị trí nó tương đối ổn áp. Con đường vòng từ đây đến đó không xa, ước chừng chỉ cách có 200m đi lại. Nếu tính với bảo tàng Quang Trung hiện tại thì nó là thế. Trùng hợp ghê, tôi lại là người không thích đi đường dài nữa. Cậu thì cứ lon ton đi trước, hệt như trẻ lên ba, chốc chốc quay lại nhìn xem tôi có lén bỏ về nhà hay không. Tôi đi chậm phía sau lưng, nhàn hạ ngắm nhìn mấy cảnh vật xung quanh. 

Người dân gia cảnh bình thường đi thì nhiều, nhưng người giàu có thì lác đác ở tụm này tụm kia, khi có khi không thấy đâu. Đại đa số những người ở đây, phần là những nông dân chân đất, phần là người dân nghèo khổ, phần còn lại là hào trưởng, quan lại thu thuế rồi đủ thứ thành phần. 

Tôi khẽ thở dài. Việc Trịnh – Nguyễn chia đôi đất nước năm 1627 đã để lại vô vàn hậu quả, không những thiệt hại tới đất nước, mà còn ảnh hưởng đến người dân, đến kinh tế nữa.

Ảnh hưởng của xung đột Trịnh – Nguyễn : đất nước bị chia đôi thành hai Đàng (Trong và Ngoài). Đàng Trong của chúa Nguyễn, Đàng Ngoài của vua Lê chúa Trịnh. Không những thế, sự phát triển kinh tế nước ta cũng bị vạ lây : sản xuất thì đình trệ, mùa màng bị tàn phá đủ thứ nên người dân đâm ra đói khổ là vậy. 

Lời nói của cô giáo dạy Sử bỗng vang lên trong đầu tôi khi cô nổi hứng giảng giải rồi kể cho chúng tôi nghe. Học Sử là phải như vậy, sao không làm ngay từ đầu đi cho khỏe nhỉ? Đó là lần đầu tiên tôi thấy cô giảng đến mức lôi cuốn một đứa chán ghét cách dạy Lịch sử trên trường như tôi, cũng như là lần đầu tiên tôi chịu chăm chú lắng nghe cô giảng. 

Đến thế kỉ XVIII – XIX mới chấm dứt thời kì khủng hoảng đến trầm trọng, tạo điều kiện cho thống nhất Đại Việt.

Các em đang thắc mắc vì sao triều đại Tây Sơn được dựng lên trong thế kỉ XVIII mà cô lại không nói rằng đất nước khi ấy thống nhất, đúng chứ? Là vì xung đột nội bộ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, đất nước chưa hoàn toàn thống nhất mà lại càng làm nó chia ba. Tôi bất giác siết chặt tay, ngẫm đến nát cả óc chỉ vì một câu nói đó. 

Phải, đúng là sau xung đột giữa hai anh lớn thì Thái Đức Hoàng đế phong vương cho hai em, rồi cho cai quản từng nơi. Đến cả Tiết chế Nguyễn Lữ khi ấy không tham gia vào cuộc chiến, thế mà lại được phong vương rồi cai quản hẳn thành Gia Định, để rồi bỏ mất thành khi Nguyễn Ánh dẫn quân vào chiếm lại. 

Tuy có nhiều vết nhơ khác trong triều đại ngắn ngủi này, nhưng...ta không thể phủ nhận công lớn của họ mà, đúng không? 

Tôi tiếc, tôi ghét, tôi thương họ...

Đang suy tư thơ mộng đủ kiểu thì cậu chợt dừng lại, khiến tôi ngã cái bịch xuống đất, mấy suy nghĩ vấn vương trong đầu cũng tan biến mất tiêu.

"Có chuyện gì à?", Tôi ngơ ngác hỏi, xoa xoa cái lưng cho bớt đau. May là phía sau tôi không có tản đá nào hết, chứ không là toi mất cái mạng rác này rồi.

"Tới rồi." Cậu đáp, rồi quay qua đỡ tôi dậy, "Chị không sao chứ?" 

"Không sao." Tôi phẩy tay, "Không trầy xước gì lắm."

"Vậy thì tốt...", Cậu thở phào nhẹ nhõm, "Là do tôi không lên tiếng cho chị biết trước."

"Đừng nhận lỗi. Cái này cũng là lỗi do tôi mà." Tôi cười xòa, "Đồ ngốc, cậu cứ toàn nhận lỗi về phần mình, thì phần đúng về ai? Mà thôi, gác cái này qua một bên đi. Giờ thì đi tìm hai anh lớn của cậu nào!" 

Chúng tôi băng qua dòng người hối hả như muốn cố bắt kịp thời gian một cách phũ phàng. 

Tôi tò mò nhìn ngắm mấy người chèo đò xuôi ngược theo dòng nước đang bày bán, vui vẻ trò chuyện với các lữ khách mà quên tất những cực nhọc. Có vẻ ở đây, không chỉ trầu nguồn mới là mặt hàng chính, ngoài ra còn có thêm ngà voi, rồi mật sáp, trầm hương,...đủ loại, nhưng có lẽ trầu mới là mặt hàng được trao đổi nhiều nhất ở bến sông này. Đây là lần đầu tiên tôi thấy hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa lại tấp nập và phong phú, đa dạng hơn ở chợ đấy. 

Tuy là không trù phú, không có bán các mặt hàng đắt tiền như chợ, nhưng lại mang một nét giản dị phủ lên hầu hết con người, hàng hóa và cả cảnh vật sông nước đằm thắm này nữa. 

Thấy tôi thích thú vừa đi vừa ngắm nhìn như thế, cậu phì cười trước cái vẻ mặt tò mò của tôi:

"Chị trông như lần đầu mới đến đây đó. Mọi lần chị cũng đi chợ với anh Ba, cũng từng chứng kiến cảnh đông đúc này mà, sao lại phải hứng thú như lần đầu mới đi vậy?"

"Cậu không biết gì sất." Tôi đáp, "Đi nhiều biết nhiều, đi mãi một chỗ thì mở mang tầm mắt bằng cách nào? Với lại, ở đây tôi thấy mọi người có gì bán nấy, chứ không như ở chợ, toàn khoe hàng đắt tiền cho các nhà giàu vào mua. Nên tôi thấy lạ lẫm thôi."

Cậu ồ lên, như thể vừa mới khám phá ra mặt khác của con người tôi vậy. Xong cậu níu lấy tay tôi, trỏ vào hai bóng người ngồi ở đằng xa mà vui vẻ nói:

"Chị Hạ, chị xem! Là anh Hai với anh Ba kìa! Mình đến chỗ hai anh đi!"

"Hả?", Tôi ngáo ngơ hỏi lại, nheo mắt nhìn theo hướng tay của cậu, "Ở đâu cơ?"

"Tôi đến mệt với chị ghê." Cậu thở dài, kiên nhẫn trỏ lại lần nữa cho tôi thấy, "Chị không thấy anh Hai hay sao?"

Lúc này nhờ vào điều kì diệu nào đó mà tôi thấy được chàng đang vui vẻ trò chuyện cùng các thương nhân khác, mặc người qua kẻ lại trước mặt. Còn cậu em thứ thì thư giãn ngồi ngắm nhìn dòng người tấpnập, nhìn mấy mặt hàng khác được bày bán la liệt dưới đất, chốc chốc lại mỉm cườichào hỏi người quen đầy lễ phép. Kẻ ngồi buôn người ngồi nhìn, trông vui quá ta.

"Tôi tới rồi nè!", Tôi ngồi phịch xuống bên cạnh chàng, "Đi buôn mà không rủ tôi, xem có được không chứ?"

"Cô ngủ say như chết, ai dám đánh thức được?", Chàng xoa đầu tôi, "Với lại, bỏ cô ở nhà với thằng Út cũng chẳng sao, khi dậy rồi thì tự ra đây. Nếu đợi cô thì làm sao đi buôn được nữa?"

"Anh cũng có thể đợi tôi mà?"

"Đợi cô?", Chàng hỏi lại, "Chẳng phải tôi vẫn luôn đợi cô ư?"

"Thế sao anh bỏ ra đây trước?"

"Ngồi đây buôn trầu, sẵn đợi cô với thằng Út ra đây." Chàng đáp, "Đây là lần đầu cô ra đây mà nhỉ?"

"Phải." Tôi gật đầu, "Đông hơn tôi tưởng nhiều."

Nói vậy thôi, chứ tôi đến đây rồi. Nhưng là ở một tương lai xa vời, khi những gì của quá khứ đều chìm vào quên lãng. Và tất nhiên, ở thứ tương lai xa vời ấy, không hề có cảnh người vượt nước xuôi ngược đến đây, không có những hàng hóa để các thương nhân trao đổi, không có sự nhộn nhịp của biết bao con người ở đây.

Và càng không có ba người họ nữa...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro