Đám tang của một người

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mới sáu giờ sáng, tiếng chim hót bình minh bị át hẳn bởi tiếng kèn trống, bực mình chẳng ngủ nữa, tôi bật dậy khỏi giường. Bước thấp bước cao rời khỏi căn phòng của mình, tôi nương theo tiếng kèn "Lâm khốc" tìm đến phòng khách rồi cứ thế đứng tựa cửa với bộ mặt đần thối ra nhìn vào trong.

Nhà tôi có tang.

Đó là đám tang của một người nào đó có liên quan máu mủ với tôi. Nhạc đám ma eo éo suốt đêm làm tôi không thể nào yên giấc nổi. Thực ra mười một giờ đêm là họ ngừng đánh rồi nhưng vì cả ngày phải nghe thứ tiếng đó nên đâm ra tôi bị ám ảnh.

Tôi ghét đám ma.

Kìa, mẹ đang khóc vật vã bên cạnh bố. Sao bố chẳng nói gì chỉ kệ mặc mẹ khóc lóc trách cứ ông vậy? Tôi lấy làm lạ! Bố còn chẳng buồn quát nạt hay chửi lại... Như mọi khi.

Tôi không dám đi về phía đó. Mỗi lần hai người họ cãi nhau đều khiến tôi thấy sợ hãi và bất lực. Dẫu đúng hay sai thì sau cùng người làm lành trước vẫn luôn là mẹ mà thôi. Tựa như một vòng lặp không lối thoát. Dù cho chúng ta đang sống giữa thời hiện đại thì cái tư tưởng phong kiến bén rễ ăn sâu trong đầu óc những người thuộc thế hệ cũ hàng ngàn năm đâu có dễ gì mất đi. Mẹ đã sống như thế, đầy nhẫn nhịn trước tất cả họ hàng bảo thủ bên nội lẫn cái tính gia trưởng đặc thù của bố, cả chục năm.

"Nếu không vì chúng mày thì tao đã bỏ bố mày từ lâu rồi. Tao chỉ vì con cái mà chịu đựng tất cả."

Bỗng nhớ lại lời mẹ hay than thở với tôi mỗi khi xảy ra cãi vã với bố trong nước mắt nhạt nhòa. Mẹ nói những lời ấy, lặp đi lặp lại như thể vô tình khẳng định rằng đã từ lâu chẳng còn yêu thương nổi gì chồng mình nữa mà sống với ông chỉ vì lũ con cần một người bố. Thâm tâm tôi nghĩ lũ chúng tôi đã trở thành xiềng xích ràng buộc mẹ với cuộc sống hôn nhân tù túng đầy tủi hờn này. Tôi luôn tự hỏi đến bao giờ và làm cách nào thì mẹ mới được giải phóng.

Những tưởng mẹ sẽ nhẫn nhịn mãi như thế hết cả cuộc đời, cuộc sống sẽ luôn lặng lẽ trôi qua với những cơn sóng ngầm mâu thuẫn giữa mẹ và họ hàng bên nội trong cái vỏ bọc gia đình văn hóa mà cả khu phố nhìn vào làm hình mẫu. Ấy thế mà đến một tháng trước, sóng ngầm đã dâng thành bão tố phá hoại tanh bành cái gia đình này: Mẹ nghi bố ngoại tình để kiếm đứa con trai nối dõi.

Một tháng nặng nề ấy đã trôi qua như thế nào, tôi thực sự không thể nhớ nổi. Tôi là một đứa hèn nhát. Dường như tâm hồn tôi đã tự phòng vệ khỏi tổn thương bằng cách cố tình quên đi những kí ức khủng khiếp. Đứa con của bố đã chết là trải nghiệm cuối cùng và duy nhất tôi còn nhớ được về cơn ác mộng chân thực suốt gần ba mươi ngày vừa qua.

Mẹ dữ dội quá. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ đay nghiến bố dữ dội đến vậy và cũng chưa bao giờ thấy vẻ mặt cam chịu của bố tôi khi ở trước mặt mẹ tôi như lúc này. Phải chăng đây là một dấu hiệu tốt? Dấu hiệu rằng cái vòng lặp ma quỷ kia đã có khả năng bị phá vỡ. Sau đám tang này có lẽ hai người họ sẽ mỗi người mỗi ngả...

Có đứa con nào mà lại mong gia đình mình tan đàn xẻ nghé? Nhưng tôi cũng không muốn níu giữ mẹ trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Cảm xúc buồn vui lẫn lộn cuộn trào trong thâm tâm.

"Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào,
Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu..."

Chẳng cần người hát, từng nốt nhạc đánh lên cũng đủ để tôi tự lẩm nhẩm hát theo bài nhạc quen thuộc chơi bởi đàn bầu mà bất cứ đám ma nào cũng có. Âm thanh từ cây đàn một dây ấy tấu lên bài "Lòng mẹ" day dứt khôn cùng, thay thế cho tiếng kèn vừa chua vừa đục mà tôi ghét cay ghét đắng. Nhạc đám ma, dù thế nào cũng vẫn khiến tôi thấy tệ lắm, dù bài độc tấu này làm tôi đỡ khó chịu hơn tiếng kèn đồng.

"...Mẹ hiền sớm tối khuyên nhủ bao lời mặn mà.
Khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa..."

Cũng bởi không còn tiếng kèn đinh tai nhức óc tôi mới dám bước vào phòng và đến gần hai người chị của mình. Hai người đang ngồi đờ ra phía góc tường đối diện chiếc quan tài gỗ sơn đen bóng loáng. Họ chẳng hề gào khóc thảm thiết như mẹ, chỉ ngồi đờ đẫn dựa lưng vào tường, có lẽ họ đã hết sức để khóc rồi. Tôi ghé xuống và khẽ thì thầm vào tai người chị lớn:

"Chị ơi chị, mấy giờ thì đưa đi thiêu nhỉ?"

Chị không trả lời, vẫn cứ ngồi bất động tựa một pho tượng. Tôi thấy hai vệt nước mắt đã khô trên gương mặt người chị lớn, nhìn sang thì chị thứ vẫn đang lặng lẽ rơi lệ. Tôi đưa tay lau đi vệt nước mắt hộ hai người họ, nhưng lau mãi chẳng sạch. Thế là tôi cũng bắt chước họ, mệt mỏi ngồi lặng nhìn chiếc quan tài đen bóng cùng bố mẹ tôi đang vật vã bên cạnh.

Tôi thấy buồn...

Dù cho sao chăng nữa, cái chết này vẫn khiến tôi thấy buồn. Nhưng đó không phải là nỗi buồn dành cho người đang nằm trong quan tài kia. Tôi buồn vì buộc phải xa người thân của mình.

"...Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu..."

Người chơi đàn bầu kết thúc những nốt cuối cùng, tôi thở phào nhẹ nhõm vì được thoát khỏi bản nhạc như gai cứa vào tim vào óc đó. Cũng khi vừa hết nhạc, bốn người bên đội dịch vụ tang lễ nãy giờ vẫn đứng sẵn ở ngoài lần lượt đi vào, một người trông lớn tuổi nhất lên tiếng:

"Ai còn muốn nhìn mặt cháu nó lần cuối thì nhìn đi. Phải đưa tang rồi đấy."

"Cháu không muốn nhìn mặt người đó đâu."

Tôi thầm nghĩ trong lòng chứ không dám nói ra bởi sợ rằng lời mình nói lạnh lùng quá. Đợi một lúc không thấy ai có phản ứng gì, họ cẩn thận nhấc chiếc quan tài lên. Mẹ tôi lúc này mới sực tỉnh, bấu chặt lấy người gần nhất, muốn ngăn cản anh ta mang chiếc quan tài đi. Bố tôi đứng phắt lên, chôn chân tại chỗ. Tôi ngờ rằng cảm xúc ông quá mâu thuẫn nên không biết phải phản ứng sao. Tôi thấy hai chị bật dậy và nhào đến phía trước. Tất cả cùng vỡ òa. Căn phòng bỗng chốc náo loạn, kẻ kéo người đẩy, dùng dằng mãi ở ngưỡng cửa.

Dù thấy buồn nhưng tôi lại chẳng thể nhỏ lấy một giọt nước mắt. Tôi cũng chậm rãi đứng dậy nhưng không đi đến bên quan tài mà bỏ chạy ra ngoài. Mọi người cứ dây dưa như thế thì đến bao giờ mới đem người chết đi hỏa táng được đây? Giờ lành để hạ huyệt sắp đến rồi.

Tôi đứng ngoài đường nhìn vọng vào trong nhà, cảm thấy bất đắc dĩ. Có lẽ tôi nên đi trước vậy. Ngước nhìn kĩ cảnh vật xung quanh một lần nữa để cố gắng khắc ghi chúng vào tâm trí, tôi dứt khoát quay đầu bước đi. Tiếng mẹ tôi hô lên rõ mồn một giữa bốn bề nước mắt:

"Con ơi! Sao con lại bỏ mẹ...!"

Bật khóc, tiếp tục chạy về phía trước. Bước qua cánh cổng có cây hòe trồng bên. Hoa hòe rụng như mưa trong gió. Bước qua con đường nhựa lâu rồi không được tu sửa. Con đường nhựa lởm chởm những ổ gà. Bước qua nơi đã từng là bãi đất trống vất phế liệu. Bãi đất giờ đã có một ngôi nhà hai tầng mọc lên. Bước đến cuối con đường và đi xa mãi...

Hãy để những lời cuối tôi nghe được là lời của mẹ tôi...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro