Chương 6: La Marseillaise (3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


III

Sunday (Chủ Nhật)

Thức dậy lúc 10:30 sáng.

Trời hôm nay se se lạnh. Sau khi cố gắng thu hết toàn bộ can đảm của nửa phần đời còn lại, cuối cùng thì mình cũng có thể tâm sự với em về việc "bóng ma" của Takaya cứ vảng vất trong căn hộ chật hẹp này mặc dù hơn một tuần nay, hắn đã chấm dứt những cuộc viếng thăm. Và điều đó khơi lên bên trong tôi một cảm giác đầy tiêu cực.

"Em cũng không thích chuyện đó chút nào." Em ngay lập tức lên tiếng đồng tình. "Hay chúng ta dọn dẹp căn phòng này đi! Cùng nhau xóa sạch sự tồn tại của Takaya."

Naoko trợn tròn đôi mắt nâu nhìn tôi đăm đăm như đứa trẻ lần đầu tiên thấy chú gấu nâu biết đạp xe trong rạp xiếc. Em lặng im trong môt thoáng nghĩ ngợi đau đáu, rồi đột ngột sáng bừng trên gương mặt thanh tú, một nụ cười rạng rỡ.

"Vậy tụi mình cứ làm như Jeremy-san nói đi."

Tôi yêu cái cách em gọi hai đứa bằng "tụi mình" và dần dà cũng bắt đầu cảm thấy thân thuộc với cái tên Tây sang chảnh mà em đặt cho.

Sau khi nhận được sự tán thành của Naoko, "tụi mình" hì hụi dọn dẹp, lau chùi từng ngóc ngách trong cái căn hộ có diện tích hết sức khiêm tốn vốn chỉ dành cho một người ở, nhưng giờ lại phảng phất mùi của tới tận ba người, hai ông chú mệt mỏi, rũ rượi và một cô bé sắp đủ tuổi tham dự lễ trưởng thành. Em có biết chăng, ở các nước Mỹ Latin, người ta tổ chức tiệc trưởng thành khi các thiếu nữ bước sang tuổi mười sáu (ngày xưa người ta gọi là đã "đến tuần cập kê"). Họ đặt cả tên riêng cho buổi tiệc linh đình và đầy trang trọng đó. Một cái vô cùng khó ghi nhớ. Khi em tròn hai mươi, tôi cũng sẽ tổ chức một buổi tiệc trưởng thành thật hoành tráng cho em. Tôi hứa đấy.

Tôi lại viết lan man từ Nhật Bản sang tới Bắc Cực mất rồi. Dạo này dòng suy nghĩ của tôi lúc nào cũng hỗn độn như món gỏi trộn như thế đấy. Quay lại chủ đề chính nào! Phải rồi, "tụi mình" kỳ cọ mọi khe kẽ trong các phòng, chà sạch từng viên gạch buồng tắm, thậm chí còn chuốt lại phần mũi những đôi giày đã từng bị Takaya-xấu-xa-cuồng-cá bất cẩn dẫm lên rồi ném cho một tiếng xin lỗi cộc lốc. Tiếp theo đó, trong lúc Naoko mở banh một túi rác xanh lá, ném tất cả những ly chén mà Takaya đã từng sử dụng vào trong, thì tôi được giao cho nhiệm vụ ngồi lựa lọc những cuốn sách cũng như đĩa than không thuộc về mình.

"Sống sót qua đêm thâu"của Rile Shadey, "Chệch hướng"của Berenice Wood (đứa con lai dị tật của hai cuốn truyện teen-chắc-là-chưa-đủ-tệ,"Tờ mờ tịch mịch" và "Chơi game khi bụng đói"), "Ngoại tình"của Genki Yamada (gã khốn này điên rồi!)

Xếp đống sách sang một bên, tôi chuyển sang lật giở từng cái bìa đĩa một.

"Liên khúc ngày buồn tháng nhớ đêm mong" của tất tần tật các ca sĩ nhạc sến có tồn tại vào thập niên 80s, "Tuyển tập nhạc Disco" do một hãng đĩa vô danh đã phá sản từ đời nảo đời nào phát hành năm 1993, "Baby, my Dolly" của Monsiuer Humty-Dumty

Càng xem xét, tôi càng cảm thấy ớn lạnh sống lưng với "gout" thưởng thức nghệ thuật thảm họa của Takaya ở thời điểm hiện tại, hoàn toàn trái ngược với một Takaya Nakamura dù chỉ mới học năm hai Cao Hiệu đã biết ngược xuôi cùng The Beatles been trong con tàu ngầm màu vàng chanh, thậm chí còn biết hát nhạc của Ziggy Stardust. Còn về tính cách và nhân phẩm thì ôi thôi, khỏi phải bàn. Khuôn mặt ưa nhìn chính là điểm vớt vát duy nhất của cái gã cuồng cá đó. Tuy nhiên, thứ luôn khắc sâu trong tôi là nụ cười lanh lợi và ánh mắt đôi lúc lại ngó về chốn xa xăm vô định của Takaya-kun cơ. Tôi bỗng dưng muốn nghe giọng nói của cậu quá, Takaya à!

"Jeremy-san, bên anh xong chưa?"

Câu hỏi của Naoko đánh thức mình khỏi trùng điệp suy tư và khát khao vô lý. Tôi ngước nhìn gượng mặt nhuận sắc thanh xuân ngời ngời của em, rồi ôn tồn đáp.

"Anh xong rồi. Cũng may là chẳng bao nhiêu cả. Đa số là đồ của anh cả."

Mình đã cố ý nhấn mạnh từ "cũng may" với dụng ý mỉa mai. Có lẽ không nhận ra sự nhỏ mọn của mình, Naoko khẽ "à" lên một tiếng, rồi đưa mặt nhìn một lượt số sách truyện và băng đĩa mà mình đã soạn ra, rồi chốt hạ một câu nghe mát rượi cả ruột gan lòng mề:

"Thì ra đống này là của sensei đấy ạ? Từ hồi thầy bắt em đọc mấy thứ này em đã nghĩ, chỉ có đồ dở hơi mới thích ba cái thứ này."

"Phải rồi, chỉ có đồ dở hơi mới thích được ba cái thứ này nhỉ?"

Câu nói của em khiến mình không khỏi bật cười. Từ vài tiếng khúc khích đầy ngẫu hứng dần dà chuyển biến thành một tràng cười nắc nể. Rồi mình cứ thế mà gục xuống sàn nhà cười sằng sặc, như thể quên mất cách làm sao để ngừng lại. Em cũng hòa cùng tiếng mình cười, cho tới khi mình bắt đầu ho khan, khiến em phải sốt sắng mang nước lọc tới cho mình uống. Em hỏi han xem liệu mình có ổn, và mình đáp, rằng chỉ là do quá hứng chí mà thôi. "Lâu lắm rồi mới lại gặp được người có cùng suy nghĩ giống anh, nên anh vui lắm." Mình mỉm cười nồng hậu, rồi xoa nhẹ mái tóc em bồng bềnh như mây trời.

Bỗng, từ chỗ bức tường gần tủ sách phát ra những tiếng đập ầm ĩ thô bạo khiến tôi giật thót mình. "Chắc tại tụi mình cười to quá làm người sống ở phòng bên cạnh khó chịu rồi nhỉ?" Tôi cười khổ, nói. Naoko khẽ nhăn mặt, không đáp, chỉ lẳng lặng đi cột mấy bịch rác lại.

Tự nhiên mình thấy mắt trái hơi nhưn nhứt, hẳn là do một hạt bụi nào đó bay lạc vào trong. Mình bảo em đợi mình vài phút để vào nhà vệ sinh rửa mặt. Trong lúc ngụp lặn trong bồn rửa mặt với đôi mắt mở trừng trừng, mình thầm nghĩ, rằng hẳn ở bên kia, Takaya đã đem toàn bộ đồ đạc của mình vứt hết ra đường. Ôi, tội nghiệp mấy lọ siro dâu tằm và hũ mơ muối của mình.

"Tụi mình" mang đống đĩa cùng bộ futon mà Takaya thường sử dụng (đã được giặt sạch, phơi khô, và xịt lên chút nước thơm hương hoa hồng Pháp cho đẹp lòng người mua) bán cho tiệm đồ cũ gần nhà được hơn ba nghìn yên. Tôi đưa toàn bộ số tiền cho Naoko để em bỏ vào trong chiếc ống tiết kiệm hình Doraemon. Đó là một le petit cadeau (chút quà mọn) mà em chuẩn bị cho đứa trẻ sắp chào đời của mình. Thật là một người mẹ dịu dàng! Đứa trẻ được sinh ra bởi em ắt hẳn sẽ hạnh phúc. Tôi cũng đã cá nhân có được cái phúc phần tận hưởng thứ nectar hạnh phúc quý giá bậc nhất cho tới khi mất đi Io, và sau đó là mẹ. Quay lại chuyện của tôi và Naoko, sau khi xử lý hết đống đồ dùng mà Takaya bỏ lại, "tụi mình" lại dắt tay nhau ra siêu thị hai tầng gần đấy để sắm sửa thêm đồ đạc. Em mua một mớ quần áo trẻ con (và tôi tự nguyện trả tiền), em mua một hai cái chén thủy tinh được thiết kế theo hình dạng đóa hoa Bìm bịp tím với bốn cánh hơi khum lại kiểu hoa sen để giữ thức ăn (em bảo sẽ tự trả tiền nhưng tôi kịp thời ngăn cản), em mua thêm hai ống tinh dầu sả chanh để xông phòng, và cả một cái thảm chùi chân trang trí đôi mẹ con nhà mèo; còn riêng tôi thì mua một bộ rèm cửa voan cao cấp có họa tiết hoa Lily thêu bằng chỉ kim tuyến vàng và bạc. Cốt là để mỗi khi em ngồi trong phòng riêng tết tóc, vào những ngày nắng đậm đà như mật ong, qua lăng kính ngũ sắc của tôi, sẽ hóa ra một bức tượng holy maiden ngồi xếp chân duyên dáng trong vườn địa đàng, đẽo gọt tỉ mỉ từ một khối ngà. Dung nhan mỹ lệ ấp lo đằng sau lớp mạng che của Raffaelo Monti, và cơ thể thì khảm đầy hoa văn tinh xảo. Ôi, nàng thánh nữ dù có sinh bao nhiêu con cháu cho loài người vẫn sẽ mãi mãi đồng trình. Tôi muốn em soi vào gương cũng phải thốt lên: "Mình mới thật quý giá làm sao!", bởi đó là câu mà tôi sẽ chẳng bao giờ tự nói với bản thân mình.

***

Công cuộc "xóa bỏ sự hiện diện của Takaya trong ngôi nhà của chúng ta" kết thúc vào đúng 12:00 trưa.

Tôi và Naoko tắm rửa sơ qua, thay quần áo, rồi cùng đi ăn trưa tại một quán mỳ cách khu chung cư xập xệ này đúng mười ba bước chân (của tôi). Quán xây hoàn toàn bằng gỗ, tạo cảm giác hoài cổ. Không gian bên trong khá là ấm cúng. Sáu cây quạt treo tường hẳn sẽ chìm vào giấc ngủ say cho tới tận cuối mùa xuân. Một con mèo tam thể nằm vắt vẻo trên hộp đèn quảng cáo tắt ngấm. Cả hai "đứa mình" đều dừng lại vài phút để vuốt ve em nó, rồi mới bước vào trong quán. Quán chào đón tôi và "em gái nhỏ" bằng mùi quế và đinh hương cùng chất giọng Kansai của ông chủ kiêm đầu bếp chính. Naoko chọn bàn đôi nằm ngay bên dưới chiếc quạt máy số hai tính từ cửa ra vào. Một nhân viên bán thời gian trông có vẻ là người ngoại quốc mang hai ly nước lọc cùng cuốn thực đơn cũ mèm, rách bươm ra cho chúng tôi. Em chỉ vào tấm hình minh họa món mỳ udon soup thịt bò có tempura tôm ăn kèm (Naoko chết mê chết mệt món tempura), còn tôi thì gọi cho mình một phần mỳ soba lạnh. (Trong lúc nghiên cứu tờ thực đơn, tôi thấy quán này có cả món mỳ ramen với măng khô lấp kín cả miệng tô, "món hẩu" của Takaya).

Chúng tôi bắt đầu đánh chén mà không thèm cởi áo khoác ngoài. Vừa ăn được cỡ một phần ba bát mỳ, Naoko ra hiệu cho tôi ghé tai lại gần em, rồi khẽ thì thầm: "Em muốn ăn đồ Jeremy-san nấu hơn. Mỳ ở đây cho nhiều dầu quá.". "Vậy là phụ lòng chủ tiệm rồi đấy. Thế em muốn ăn gì?" Tôi cũng vờ làm ra bộ kín đáo, hỏi nhỏ. "Kinchaku và trứng cuộn" Lần này, em reo lên đầy hào hứng. "Hay là tối nay tụi mình mở tiệc đi! Anh sẽ nấu cả lẩu để đãi em nữa." Tôi nói. "Nhân dịp gì cơ?" Em giương đôi mắt tròn xoe như búp bê Nga nhìn tôi, thắc mắc. "Để mừng cách mạng đã thành công." Tôi đáp. "Em hiểu rồi. Cứ sau khi cách mạng thành công thì người ta sẽ ăn mừng." Em nói, môi hoa cười rạng rỡ. "Anh không rõ về những nơi khác, nhưng hình như sau Cách mạng Pháp thì người ta không ăn mình đâu, mà thay vào đó là tiếp tục những tháng ngày cướp-giết-đốt-phá, để rồi tắm Paris hoa lệ trong bể máu."

(Theo như những gì mình đọc được trong cuốn "Sự trỗi dậy và suy tàn của các vương triều châu Âu", họ cướp (của cải của người giàu), giết (vua chúa và đám quý tộc tham tàn, rồi cắm đầu chúng lên những cây cọc gỗ), đốt (những tòa kiến trúc tráng lệ nhưng vô nghĩa, như định nghĩa của chính cái từ Rococo), và phá (ngục Bastille))

"Vậy tại sao chúng ta lại ăn mừng chứ? Chẳng có tý logic gì cả. Jeremy-san đúng là kỳ lạ."

Em nói câu đó với một âm vực cao chót vót. Trông thái độ thì dường như em đang bức bối, còn vì lý do gì thì tôi không rõ. Tôi không đủ quen thuộc với phụ nữ tới mức có thể hiểu về họ trên tất cả mọi phương diện, trong mọi tình huống xảy ra giữa tôi và em/nàng/chị. Tuy nhiên, vẫn giữ vẻ mặt bình thản, tôi buông đũa, chậm rãi và kiên nhẫn hết sức có thể, giải thích cho em hiểu:

"Vì đó là chiến thắng của một cuộc cách mạng ái tình. Nó khác những cuộc cách mạng khác."

Em hơi nghiêng đầu, xem chừng vẫn chưa nắm được ý tôi muốn truyền đạt.

"Luôn có chút gì đó vĩ đại nhưng đớn đau trong những cuộc cách mạng. Tuy nhiên, với một cuộc cách mạng ái tình thì nó lại khác. Anh tranh đấu là vì sự lãng mạn và tình yêu."

"Tình yêu ư?"

Em hỏi lại. Đôi mắt nai thoáng mơ màng như thuộc về một nàng công chúa vừa trúng phép tiên.

"Phải, là tình yêu đó. Có những thứ chỉ tình yêu mới làm được, mới cứu rỗi được, mới tha thứ được. Dẫu có nhẫn tâm phá hủy, anh vẫn sẽ được tha thứ, nhân danh tình yêu đó."

Trong lúc tôi huyên thiên về tình yêu và cách mạng, một cô gái ăn vận thời thượng với áo thun bó sát kết hợp cùng váy da ngắn cũn cỡn, bên ngoài khoác áo lông màu trắng, ngồi ở quầy cách bàn của "tụi mình" chừng hai ô gạch, ngoái đầu nhìn về phía tôi bằng ánh mắt gần như ghê sợ. Đoạn, cô nàng kéo tay anh người yêu săm trổ đi cùng, áp đôi môi đỏ chót vào cái tai bấm khuyên vàng của anh chàng to nhỏ gì đó; ngay sau đó, họ chuyển sang ngồi ở một bàn lớn cách chúng tôi rất xa. Cứ như thể chạy trốn dịch bệnh vậy. Tôi chẳng mấy bận tâm tới ánh mắt của tha nhân, nên tiếp tục nói:

"Vì cuộc cách mạng của anh đã thành công, và anh hoàn toàn trở thành một con người tự do. Thế nên, anh muốn mở một buổi tiệc hoan hỉ và mời em tham gia cùng. Em là khách quý của anh đấy."

"Em hiểu rồi."

Naoko gục gật đầu, bảo.

"Vậy em muốn ăn lẩu gì nào? Shabu-shabu hay Sukiyaki?"

"Em muốn ăn lẩu gà kimchi."

Naoko trả lời vô cùng dứt khoát, gần như không cần tới một tích tắc nghĩ suy. Tôi

khẽ nheo mắt, nghĩ thầm: "Lẩu gà kim chi và Kinchaku ư?" Dường như hai âm sắc này đã từng ngân lên cùng một lượt tại một nơi nào đó giữa đồng vọng ký ức trong tôi. Là ở đâu và vào lúc nào nhỉ? Tôi chẳng tài nào nhớ ra nỗi. Vô vọng như "đãi cát tìm vàng".

Ăn uống xong xuôi, tôi trả tiền, rồi cúi đầu thật thấp cảm ơn ông chủ. Cặp đôi tướng tá dân chơi nọ vẫn nhìn theo hai đứa "tụi mình" chằm chằm bằng ánh mắt của lũ trâu rừng nấp mình đằng sau những trảng cỏ cao chờ đợi lũ linh cẩu bẩn thỉu rời đi. Trên đường về nhà lát đầy xác lá vàng sót lại từ một mùa thu đã chết, Naoko đan những ngón tay nhỏ nhắn của mình vào năm ngón tay mảnh khảnh của tôi, và em truyền cho tôi làn hơi ấm thoang thoảng mùi hoa hồng Pháp (cũng chính là mùi thơm đã len vào giữa từng sợi vải của tấm futon và lỳ lợm bám lại tại đó). Hơi ấm của em, đối với tôi, hiển nhiên là lạ lẫm, nhưng dẫu sao đó vẫn là làn hơi ấm xoa dịu cái chứng "trầm cảm mùa đông" đang quấy nhiễu tôi không ngừng.

"Jeremy-san, mắt anh hơi sưng đấy. Anh nên nghỉ trưa một lúc đi. Ăn no rồi, em cũng thấy buồn ngủ quá." Em nói, kèm theo đó là một cái ngáp sái quai hàm.

Vâng lời em khuyên nhủ, tôi quyết định làm một giấc trưa nhanh gọn trên tấm thảm màu hồng, giữa tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn và tiếng rao kiểu Tom Jones mỗi lần hát bài "Delilah" vọng vào trong phòng qua khe cửa sổ mở he hé. Và phiền não làm sao, ngay cả khi tôi chầm chậm rơi vào lưng chừng cõi vô thức già nua tự những miền khởi sinh của nhân loại, tiếng tim đập nửa xa lạ nửa thân quen nọ vẫn đập vào màng nhĩ tôi một cách không ngừng nghỉ. Không còn cách nào khác, tôi với lấy chiếc điện thoại (trên màn hình hiện thêm một cuộc gọi nhỡ nữa từ Hiroki), bật file audio thu âm bài thơ "Annabel Lee" được ngâm bởi Allan của tôi. Ám ảnh và mị hoặc, lãng mạn nhưng phù phiếm, chính là những tính từ mà bản thân tôi cho là phù hợp để miêu tả về bài thơ cũng như chất giọng của thầy khi ngâm nó. Thế là, tôi trở nghiêng mình, một tai áp lên loa điện thoại, tai còn lại lắng nghe tiếng mạch đập nơi cổ tay mình, như cái cách mà tôi đã từng chỉ cho Naoko trước đây khi em tinh thần em đang sụp đổ như tòa thành gặp phải cơn động đất dữ dội. "Rất nhiều năm trước đây, tại một công quốc bên bờ biển, có nàng thiếu nữ hẳn người biết tên, Annabel Lee, chưa một ai được nếm trải thứ tình yêu như thế, như tôi và nàng Annabel Lee"

(Allan, Allan, người yêu định mệnh của Annabel Lee, người tình cuối cùng của "Marie wi' sweet bairnies three", và vượt trên tất cả, là "bến cảng Victoria" bình yên và thơ mộng giữa đời em. Ước gì em là kẻ may mắn tìm thấy anh trước, hoặc em là lá thư trong chai thủy tinh trôi dạt vào bờ biển vô tình được anh nhặt lấy đầu tiên.)

Từ cảng Victoria, tôi trôi dạt tới dòng Niles, rồi thì đôi con sông Tigris–Euphrates miễn cưỡng đón lấy hồn tôi, và cuối cùng thì xuôi về Hắc Hải. Xét về phương diện địa lý thì cuộc du hành của tôi chẳng make sense chút nào. Nhưng thôi kệ, ai lại đi tìm kiếm logic trong những giấc mơ chứ, ngoài các môn đệ của Freud như Hiroki hay chàng sinh viên Sumire-san. Tôi đương quẫy đạp giữa những con sóng bạc thì mặt trời bỗng hóa thành một khối cầu màu lòng đào khổng lồ, rồi rơi tõm xuống nước. Tôi (ở hiện thực) khiếp hãi ngồi bật dậy, trán đầm đìa mồ hôi dù hiện tại đang là cuối tháng mười hai, miệng khô như ngậm cát. Tôi đoán là mình vẫn chưa kịp hét toáng lên điều điên rồ gì đó, bởi cánh cửa ngăn cách nhà bếp và phòng ngủ của Naoko vẫn đóng kín. Liếc nhìn sáng màn hình điện thoại, playlist nhạc của tôi đang phát bài "Heart Gata Virus" của nhóm idol AKB48 (một nỗ lực tuyệt vời của một ông chú cổ hủ như tôi để "trở nên đồng điệu" với Takaya). Có lẽ vì cái bài hát khỉ nhí nha nhí nhảnh này mà tôi mới gặp phải ác mộng. Cơn ác mộng của gần hết những kẻ thủ cựu khi nghe tin người ta sắp xây tặng cho các nàng tiên thời đại mới cả thị trấn ngập tràn lời ca, tiếng hát.

Tôi uống ừng ực một cốc nước đầy, rồi vào phòng tắm rửa mặt cho tỉnh táo.

***

Tranh thủ lúc công chúa vẫn còn đang say, mình rời nhà khi đồng hồ chỉ 2:15 để mua những nguyên liệu cần thiết cho bữa tiệc thịnh soạn đêm nay. Mình thích các siêu thị thực phẩm, kể cả khi chúng chật cứng người tới mua hàng trước các kỳ lễ Tết. Hãy nghĩ tầng tầng lớp lớp những quầy thực phẩm đầy màu sắc, giai điệu tươi vui của những bài nhạc quảng cáo phát ra từ những chiếc loa chẳng biết giấu mình một cách hết sức khôn ngoan, tiếng chào mời từ đi kèm với một nụ cười tươi rói từ những người nhân viên không thể thân thiện hơn, cứ như thể lạc vào xứ sở thần tiên, nơi mà ai nấy đều hạnh phúc. Đã từng có một cô "bạn gái cũ" (nếu như mình có thể gọi cô nàng như thế) lúc nào cũng phàn nàn mỗi khi bước chân vào siêu thị.

"Trong này hôi quá!"

"Cái gì thế kia? Lòng lợn à? Ai mà ăn được thứ đó chứ, ghê chết đi được?"

"Sao cái bà cô đó cứ cồ chèo kéo tụi mình thế. Bất lịch sự chết đi được."

"Xoẹt!" Lớp hóa trang nàng Wendy nết na, thuần hậu rách toạc ra trước mắt mình, lộ ra trần trụi nguyên thể đứa con gái đầu của mẹ kế Lọ Lem. Thế là, a lê hấp, ngay ngày hôm sau mình chủ động nói lời chia tay cô nàng. Khi cô ta hỏi lý do, mình chỉ buông một câu nhẹ bẫng như lông ngỗng, và hoàn toàn thực lòng: "Chẳng phải em mới là người bất lịch sự hay sao? Đó thậm chí còn chẳng phải là nhà em." Và thế là cô nàng im bặt, rồi đùng đùng quay người bỏ đi.

Ít ra thì Takaya lúc nào cũng cư xử lịch sự với các nhân viên thuộc khối ngành dịch vụ nhé.

Về tới trước cửa căn hộ, mình chưa kịp bấm chuông thì Naoko đã chạy ra mở cửa. "Này, em có năng lực siêu ngoại cảm đấy à?" Tôi hỏi một cách bông đùa. "Do em nghe tiếng bước chân đấy." Em nghiêm túc trả lời. "Em nhận ra tiếng bước chân của anh á?" Thấy mình tỏ vẻ ngạc nhiên, em cười, đáp vội. "Thì cũng có bao nhiêu người ghé thăm cái tệ xá này đâu, nên em nhận ra hết. Anh không biết đâu, chứ tai em hơi bị thính đấy." Rồi nàng tiên ống tre liếc nhìn bốn túi nilon nặng trịch tôi đang cầm trên tay, cất giọng thảng thốt: "Anh mua gì mà nhiều thế?" "À, anh đi chợ cho mấy ngày nữa ấy mà.""Mấy ngày nữa?" Em reo lên mừng rỡ, nhào tới ôm chầm lấy tôi. "Vậy anh tính ở lại đây lâu dài phải không?" Mình đành cười khổ, đáp: "Có lẽ là tới lúc em sinh đứa bé." Nụ cười trên môi em vụt tắt, gương mặt trở nên tối xầm như bầu trời trước con giông bão, em lẩm bẩm như thể đang độc thoại: "Tới lúc đứa bé ra đời à? Vậy cũng được."

Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, Naoko lại vui vẻ phụ mình chuẩn bị thức ăn. Em trộn bột cho món tempura trong khi mình cẩn trọng ước lượng từng muỗng muối trước khi cho vào nồi nước dùng. Tranh thủ thời gian những miếng gà nguyên xương được ninh cùng quế, hoa hồi và gừng cắt lát trên một ngọn lửa trung tính, mình tranh thủ xào sơ qua kim chi cùng với vài khúc sả và tỏi đập dập. Naoko khoe với mình tô bột đã được trộn thành một thứ hỗn hợp vàng ươm và mịn màng. "Hoàn hảo!" Tôi khuyên em bằng một thái độ hết sức chân thành, và em sung sướng ôm tô bột vào lòng. Em hỏi liệu em có thể giúp gì thêm không, nên tôi nhờ em xử lý đống rau củ chất đống trong bồn rửa. Vừa nhồi phần nhân tự chế biến vào bên trong những chiếc túi kinchaku da đậu phụ lại, rồi buộc chặt chúng lại bằng dây kampyo, mình ngân nga giai điệu "Tiếng hót chim sơn ca" mà nàng Lọ Lem của Disney ca vang trong lúc dọn dẹp nhà cửa.

"Là trong phim Lọ Lem đúng không ạ? Bộ phim Disney mà em thích nhất." Em ngừng tay dao, kêu lên đầy phấn khích.

"Ừ, là trong phim Lọ Lem đấy. Em nhớ đoạn nào không?" Mình nheo mắt, hỏi.

"Dễ ợt. Đoạn chị ấy đang dọn dẹp chứ gì!"

(Ôi chao, đáng yêu làm sao! Em gọi một nhân vật hoạt hình bằng "chị")

Mình lại nhớ về ngày xưa, mỗi khi mình nấu ăn, còn mẹ thì ngồi bên bàn bếp, vừa uống bia vừa đọc tạp chí phụ nữ, mình đã có thói quen vừa thái rau vừa ngân nga hát mấy bài nhạc trong phim hoạt hình, rồi quay sang hỏi liệu mẹ có nhớ đoạn nhạc đó được lồng trong bộ phim nào không.

("Lọ Lem chứ gì?" Mẹ cười, tay vung vẩy lon bia rỗng. "Hay nhỉ? Chỉ với một câu hát lặp đi lặp lại mà soạn được thành cả một bài hát hoàn chỉnh. Lại còn nghe hay ơi là hay nữa chứ!"

"Mẹ giỏi thế? Bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn nhớ được."

Tôi vỗ tay tán thưởng.

"Thế còn bài này?"

Tôi huýt sáo giai điệu của cái bài mà nàng Bạch Tuyết đã hát khi đang kéo nước từ giếng khơi và tán gẫu cùng lũ chim bồ câu.

"Đợi mẹ một chút. Cái này mẹ không chắc. Là trong "Công chúa ngủ trong rừng" hả?"

"Mẹ thua rồi." Tôi bật cười thích chí. "Là trong "Bạch Tuyết và bảy chú lùn cơ. Ngay đoạn đầu phim ấy."

"Thôi, tha cho mẹ đi, mẹ có phải là chuyên gia như Tsuyo-pi đâu."

Lúc đó, mình đã tự hứa với lòng, rằng nếu cõi đời này không còn mẹ nữa, mình cũng sẽ chết quách cho xong, nhưng vì có Takaya ở bên cạnh nên mình mới quyết định tiếp tục sống mòn sống mỏi trong tuyệt vọng và ăn năn cùng cực.)

Bỗng dưng, có một bàn tay lay mạnh cánh tay tôi, và ngay sau đó là một tiếng kêu thất thanh, đầy hốt hoảng: "Jeremy-san, nước trong nồi tràn rồi kìa." Tôi vội vàng tắt bếp đun nồi nước dùng, quay sang xin lỗi Naoko rối rít. "Anh đang nghĩ đi đâu thế?" Naoko vỗ nhẹ vào vai tôi, hỏi bằng giọng vô cùng lo lắng. "Anh đang nghĩ về mẹ" Tôi đáp bằng giọng bình thản tới mức chính bản thân tôi cũng thấy ghê cả người. "Em cũng nhớ mẹ" Em nói, khẽ cụp mắt, đôi mi cong phản chiếu lửa hồng nhấp nhánh.

Ôi, không gì bất hạnh hơn những đứa trẻ mồ côi mẹ.

Sau cuộc đối thoại kỳ lạ đó, chúng tôi ai lo việc người nấy. Đến khoảng 5:30 thì bàn tiệc cũng đã được bày biện hoàn chỉnh. Tôi và Nako ăn lẩu bằng những cái bát con hình thỏ ngọc trên cung trăng, và đựng món salad kiểu Hy Lạp trong đôi chén thủy tinh hình hoa bìm bịp em mới tậu về. Em uống nước cam rót từ chiếc hộp giấy có in đậm dòng chữ "đảm bảo nguyên chất 100%", còn tôi thì hớp hết ngụm bia này đến ngụm bia khác (chả hiểu vì lý do gì mà trong tủ lạnh em lúc nào cũng chất đầy bia rẻ tiền). Chờ tới khi pháp luật chịu thông qua sự trưởng thành của em, "tụi mình" sẽ uống rượu vang Pháp hảo hạng. Hai đứa bọn tôi ăn uống linh đình trên nền nhạc mừng Cách mạng Pháp thắng lợi (từ"Tuyển tập các ca khúc Cách Mạng Pháp", chiếc đĩa than duy nhất của Takaya mà tôi cảm thấy xứng đáng để giữ lại). Naoko vẫn giữ thói quen miết quanh nhẹ vành ly mỗi khi lắng nghe tôi nói. Cứ hơi quá chén là tôi lại thao thao bất tuyệt đủ chuyện trên trời dưới đất: từ chuyện vua Louise XVI tuồn một đống tiền sang Mỹ chỉ để "chơi cho Anh Quốc một vố đau" tới kết cục bi thảm của con trai ngài là Louise Charles Capet (hay reclutant King Louise VII). Vị tiểu vương bất hạnh bị tách ra khỏi mẹ, bị hành hạ dã man trong ngục tối dù chỉ mới lên mười, rồi cuối cùng chết vì bệnh lao hạch bạch huyết; còn trái tim em thì bị moi ra khỏi lồng ngực và đặt vào bên trong một cái lọ thủy tinh.

"Thật đáng sợ!" Em kêu thốt lên kinh hãi. Một cách hoàn toàn vô thức, em đưa tay xoa lên cai bụng đang ngày một phình lên của mình.

"Đúng là đáng sợ thật! Nhưng đó là một trong những thứ mà người ta nghĩ rằng cần phải được hy sinh vì tự do, bình đẳng và bắc ái. Ai cũng phải được hưởng hạnh phúc, phải vậy không."

Tôi không ngừng lảm nhảm trong lúc uống cạn dần lon bia thứ năm. Cây kim đầu đĩa than, giữa cuộc du ngoạn vòng quanh nước Pháp xác xơ khói lửa điêu tàn nhưng hừng hực tinh thần tranh đấu, đang tạm dừng chân tại một lữ quán vui tươi mang tên "Ça Ira" được điều hành bởi một nàng tiên se sẻ nhỏ nhắn tóc uốn xoăn và đen nhánh như gỗ mun tên Edith Piaf. Tôi biết bài hát này, Allan đã từng dạy tôi hát một đoạn ngắn. Thế là, trong một phút cao hứng quá độ, tôi leo lên chiếc ghế salon cũ kỹ, tay giơ cao lon bia thứ sáu,hét vang một cách đầy khí thế:

"Ah, ça ira, ça ira, ça ira

Les aristocrates à la lanterne

Ah, ça ira, ça ira, ça ira

Les aristocrates, on les pendra"

("Ah, mọi chuyện sẽ ổn thôi, sẽ ổn thôi, tất cả rồi cũng xuôi chèo mát mái

Đưa đám quý tộc đến chỗ những ngọn đèn đường rọi sáng lối đi

Ah, mọi chuyện sẽ ổn thôi, sẽ ổn thôi, tất cả rồi cũng ổn định thái bình

Bè lũ thống trị kia, hãy treo cổ chúng lên")

Bỗng dưng tôi òa lên khóc nức nở như người lính trở về từ tiền tuyến biết được tin cả người thân, lẫn người thương, đều qua đời trong một cuộc không kích.

"Anh xin lỗi nhé. S'il te plaît, pardonne-moi (Xin hãy tha thứ cho anh). Nhưng dù có là một cuộc cách mạng ái tình thì vẫn phải chấp nhận mất mát, hy sinh."

Rồi tôi vung mạnh lon bia khiến thứ chất lỏng màu nhạt văng cả ra khắp tường và nền nhà. Tôi dồn toàn bộ hơi trong phổi để mà hét lên:

"Cheers! Santé! Kanpai! Vì sự thắng lợi của một cuộc Cách mạng ái tình!"

Nhạc nền đã chuyển sang bài "La Guillotine permanente" thể hiện bởi nam danh ca Marc Ogeret từ lúc nào chẳng hay.

Và ngay chính tại thời điểm ấy, từ bức tường đối diện lại phát ra những âm thanh dồn dập như thể ái đó đang cầm một vật nặng bằng sắt đập mạnh vào tường trong cơn thịnh nộ bốc lên tới tận nóc nhà. Tôi, như con bò đực đang sôi sục máu nóng bị khiêu khích bởi tấm vải đỏ, liền điên tiết trỏ ngón tay bị thương trước đây về phía phát ra cái tiếng động phiền phức kia, gào toáng lến:

"To the Guillotine! Où est- Monsieur de Paris? To the Guillotine!"

Tôi càng la hét ẫm ĩ thì tiếng cường độ của tiếng động phát ra từ bên trong bức tường càng trở nên dữ dội, điên cuồng. Một hành động thay cho lời đe dọa.

Naoko đứng dậy, toan cản tôi lại thì ngay lập tức, tôi quay sang chỉ thẳng vào em, mỉm cười dịu dàng, nồng hậu như một vị chánh án liêm khiết, hoặc giả một vị vua anh minh :"Và em, Alice hiếu kỳ, off with your head!" Naoko đột ngột đứng sững lại, thẫn thờ như trúng phải chú thuật, bùa mê, hay thứ gì đó tương tự. Môi em mím chặt. Hai tay buông thõng. Em đã đầu hàng. Kẻ chiến thắng cuối cùng chỉ có mỗi mình tôi. Cô độc.

Vài phút sau, tiếng ồn kia cuối cùng cũng chấm dứt, và thay vào đó là tiếng dép kéo lẹt xẹt trên nền nhà. Gương mặt naoko thoáng biến sắc, em quáng quàng chạy ra phía hành lang. Tôi nghe loáng thoáng tiếng cửa mở kẽo kẹt, tiếng em rì rầm tỏ bày gì đó (chắc là đang cố biện hộ cho hành động lỗ mãng của tôi), và kết thúc bằng tiếng thét đầy giận dữ của Baba Yaga: "Cô lại vác cái thứ của nợ gì về nhà thế hả?"

Tôi dùng từ "kết thúc" ở đây vì ngay sau đó, cảnh vật xung quanh tôi bỗng chốc tối sầm. Tôi choáng váng, chới với, chơi vơi, rồi ngã bổ nhào xuống đất, từ chiếc ghế bành màu hồng cánh sen xấu đau xấu đớn. 

(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro