C53: Cố sự

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

14/11/2021
_____________

Chuyện đêm đó, gã đạo sĩ sau khi thương lượng với Thẩm Ngọc Chiêu, thì vội vàng trở về Đào Nhiên Quán, cất vội số ngân phiếu, vẽ mấy đạo linh phù rồi đắp chăn ngủ thẳng cẳng.

Sáng hôm sau, đạo sĩ kia đến sảnh chính gặp gia chủ cùng chủ mẫu. Sau khi ngồi xuống khách sáo mấy câu, gã thở dài.

- Sư phụ vì sao lại thở dài?

- Hồi bẩm lão gia, đêm qua bần đạo có xem tinh tượng, nhìn thấy trong quý phủ dạo này có nhiều chuyện không hay. Trong phủ có người trẻ ốm đau, người già bệnh tật, sắp tới còn có tai kiếp.

Tứ thiếu gia Nhất Viễn trong mùa đông vừa rồi đã bị phong hàn hai lần, đến nay vẫn không thấy thuyên giảm. Lão thái thái bệnh tình ngày càng nặng, chân tay yếu hơn nhiều, ngủ không ngon giấc. Những chuyện này không mới mẻ gì, nhưng còn tai kiếp lại là cái gì nữa?

Gã đạo sĩ này được một người quen cũ của Hoà ma ma giới thiệu. Bà ấy nhân chuyến đi đến thành Vĩnh Xương đã mời gã về. Người đưa gã tới là vị ma ma quản sự có thâm niên vào hàng bậc nhất trong phủ nên Vương Hoằng không nghi ngờ gì, kiên nhẫn ngồi nghe gã nói gần nửa ngày trời.

- Hung tinh chủ ở hướng Nam, rọi về hướng Đông. Trong phủ phía Đông có người nào trong tên có bộ qua (戈) hay có ai từ phương Nam mới chuyển đến hay không?

Vương Hoằng thường ngày cũng chỉ biết mua bán, cứ phơi mặt ngoài đường, chuyện trong nhà có đôi khi không nắm rõ. Hải thị lẩm nhẩm một chút, ánh mắt cũng thay đổi.

Gã đạo sĩ chắc mẩm sẽ nhờ miệng của Hải thị nói ra được chuyện cần nói. Tiếc rằng Hải thị chỉ siết chặt khăn tay rồi thả lỏng, nhấp một ngụm trà, chậm rãi nói:

- Phía Đông là viện của hai công tử nhà ta, không có ai trong tên có bộ qua, cũng không có ai từ phương Nam đến. Hạ nhân đều là người ở đây, cũng có một số là mua từ xa về, nhưng đã mua từ nhiều năm trước chứ không phải là mới đến.

Gã đạo sĩ âm thầm tính toán, đang chưa biết phải nói tiếp ra sao thì nghe Hải thị hỏi:

- Bây giờ cần phải làm gì?

- Bần đạo sẽ lập đàn tế để hoá giải hung tinh. Sau đó, trong nhà cần có đại hỉ để xung hỉ cho người già và trẻ con. Những người có bát tự không hợp thì nên sớm cho dọn ra khỏi nội trạch. Tôn tử trong nhà có ai sắp vắng mặt lâu ngày thì nên đeo bùa bình an để tránh tai ách.

Hải thị để Lưu ma ma ở lại cùng gã đạo sĩ an bài chuyện cúng tế, phần mình thì đi đến chỗ lão thái thái. Sau khi nghe Hải thị thuật lại mọi chuyện và nêu ra đối sách, Vương lão thái thái thở dài:

- Không được làm bậy, càng không được động đến người ta! Tiêu công tử là khách của Nhất Bác, cũng là khách của Vương gia chúng ta, con cấm cửa người ta mà được ư? Hơn nữa, hai đứa nó là kiểu quan hệ gì, con không nhìn ra sao? Con làm như thế sẽ tổn thương chính nhi tử của mình, tổn thương tình cảm mẫu tử quý giá.

Thấy Hải thị bối rối, Vương lão thái thái thở dài, nhắc nhở:

- Xung khắc thì tìm cách khắc chế. Bên nhau sẽ dẫn đến hung hoạ, xa nhau thì tình cảm tổn thương, như vậy thì con phải tìm cách để hai đứa không thể bên nhau, nhưng cũng không cần làm gì tổn hại đến người ta.

Nhờ Vương lão thái thái mách nước, Hải thị mới nghĩ đến chuyện để Tiêu Chiến nhận mình hoặc chính thất của chi tộc khác làm nghĩa mẫu, ghi tên vào tộc phả làm con thừa tự. Như thế, Vương gia không những không làm tổn thương Tiêu Chiến, lại còn cho y danh diện. Theo đó, Vương Nhất Bác và Tiêu Chiến không còn là người dưng nữa, mà sẽ là huynh đệ một nhà.

Mọi thứ tưởng chừng như đâu sẽ vào đấy, kết cuộc hoàn mỹ sắp xuất hiện thì Vương Nhất Khiêm lại chen chân vào.

Hải thị đứng phát ngốc trong sân, tự hỏi Vương Nhất Khiêm vì cớ gì lại cản bà nhận nuôi Tiêu Chiến.

Từ ngày Vương Nhất Khang mất, Vương Nhất Khiêm gánh vác trách nhiệm của một đích trưởng tử thì dần trở nên chững chạc đến khác lạ. Và hiển nhiên, hắn càng lạ hơn sau ngần ấy năm trầy trật trên quan trường.

Chuyện trong nhà hắn không trực tiếp quản lí, nhưng chuyện nhỏ chuyện to nào cũng đến tai. Tuy thường ngày Vương Nhất Khiêm mắt nhắm mắt mở mà nhìn công chuyện trong nhà, nhưng chuyện gì hắn đã lên tiếng muốn quản thì sẽ làm cho ra ngô ra khoai.

*******

Vương Nhất Khiêm sai người chuẩn bị xe ngựa, đích thân tiễn Tiêu Chiến về Vương trạch.

Trong xe, Tiêu Chiến ngoan ngoãn ngồi một góc, nhìn vừa hiền vừa ngốc. Vương Nhất Khiêm đã tự hỏi rất nhiều lần là một nam nhân sao lại có cảm giác với một nam nhân khác. Tiêu Chiến đẹp thì đẹp thật, nhưng vẫn mạnh mẽ vững chãi, trán cao mày rậm, nhìn vào hoàn toàn không có điểm nào thu hút như khi hắn nhìn Lưu Thư Dung. Tương tự, Tam đệ nhà hắn trắng trẻo mỡ màng, nhưng mà cũng cao lớn thô kệch, sao Tiêu Chiến lại yêu thích được nhỉ?

- Có biết vì sao khi nãy ta đột ngột xen vào chuyện giữa gia mẫu và công tử không?

Tiêu Chiến lắc đầu. Vương Nhất Khiêm thở dài:

- Nhận con thừa tự không phải chuyện dễ dàng. Công tử có thể sẽ phải từ bỏ tông tịch, đổi thành họ Vương, không dùng chữ Nhất mà sẽ thay bằng chữ Nguyên, và sẽ có rất nhiều thứ công tử không thể giữ cho riêng mình. Hơn nữa, làm huynh đệ một nhà rồi, dẫu không chung huyết thống thì có mấy ai đồng ý để hai người đến với nhau?

Tiêu Chiến thất thần, tự hỏi vì sao Hải thị lại dùng cách này với mình. Thà rằng bà cấm cản, chứ cái kiểu này...

- Ta thấy mẫu thân không có ác ý với công tử đâu, còn đằng sau có chuyện gì thì tạm thời ta chưa đoán được. Mẫu thân của ta không chỉ là chủ mẫu, người còn là một người mẹ.

Dù cho lời đề nghị kia có mục đích tốt hay xấu, thì việc Hải thị mở lời muốn thu nhận Tiêu Chiến cũng cho thấy thiện chí của bà. Trở thành con dưới danh nghĩa của đương gia chủ mẫu, thân phận của Tiêu Chiến có khi còn cao hơn cả Tứ thiếu gia.

- Nghe nói đêm hôm trước, đạo sĩ kia đến tìm song thân nhà ta. Sau đó, mẫu thân liền đến chỗ tổ mẫu, tiếp theo lại cho làm thêm hai phần pháp sự, rồi còn thỉnh cả bùa bình an về cho Tam đệ.

- Vâng.

Vương Nhất Khiêm quan sát biểu hiện của Tiêu Chiến, lựa lời mà nói:

- Ta nghe được rằng năm xưa Lâm gia chỉ vì một lời phán của thầy bói mà quyết định từ bỏ công tử. Sự thật là thế nào?

Tiêu Chiến ngồi lặng thinh, qua một lúc lâu rồi cũng không đáp lời Vương Nhất Khiêm. Chuyện ở Lâm phủ, y được nghe từ hai phía bao gồm cả bên ngoại lẫn cô mẫu. Và đáng buồn là y đã thật sự bị Lâm gia ruồng bỏ từ khi còn chưa chào đời chỉ bởi một lời phán truyền không có căn cứ.

Tiêu Chiến dù muốn dù không cũng phải chấp nhận sự thật này.

Thấy Tiêu Chiến không thoải mái, Vương Nhất Khiêm gác lại chuyện lời đồn, lảng sang chuyện khác:

- Chuyện ở Phúc Khang Đường ra sao rồi?

- Tại hạ có nhắc nhở Hoà ma ma chuyện cơm nước của lão thái thái, cũng có mấy lần muốn bắt mạch bình an cho người, nhưng không tìm được cơ hội thích hợp. Trình đại phu rất được lão thái thái cùng lão gia tin tưởng.

- Lão ấy làm việc với nhà ta cũng đã mười mấy năm rồi.

- Mà kể cũng lạ, tại hạ vừa nói ra chút chuyện, đã có người muốn trưởng bối xen vào quan hệ của tại hạ với Tam lang. Thật là...

Vương Nhất Khiêm hiểu ý tứ ẩn trong câu nói của Tiêu Chiến. Hắn cười khẽ:

- Công tử hãy thận trọng ngôn hành cử chỉ, đừng nên khinh suất!

Đến trước cửa Vương trạch, Tiêu Chiến chào Vương Nhất Khiêm rồi chậm rãi đi vào. Vương Nhất Khiêm gãi đầu gãi tai, không hiểu rốt cuộc mình nợ đôi uyên ương này cái gì mà cứ phải đi theo chăm chút cho hai người bọn họ suốt từ đầu đến giờ.

- A Tấn, có người nào sạch sẽ đáng tin không? Tìm một người không có quan hệ gì với nhà chúng ta, đưa đến chỗ thiếu phu nhân, chờ ta sắp xếp!

*******

- Hi Văn! Ngươi tìm một ít đồ, ta muốn làm giày.

- Công tử định làm cho ai ạ? Người mới từ y quán trở về, hãy tranh thủ nghỉ ngơi một lát.

Tiêu Chiến cười, cũng không trách Hi Văn nói nhiều:

- Làm cho chủ quân của ngươi một đôi giày cũng không được sao?

Hi Văn cười toe, chạy vội về phòng mình, lục tìm một gói đồ mang đến cho Tiêu Chiến.

- Lần trước công tử bảo vứt đi, nhưng nô tỳ thấy không đành nên đã cất giữ, đợi đến khi người không giận chủ quân nữa thì làm tiếp. Công sức của mình bỏ ra, làm sao có thể nói vứt là vứt chứ? Nô tỳ còn mang thêm đồ, công tử có thể làm thêm một đôi nữa, chắc là vừa kịp khi chủ quân về.

Hai tai Tiêu Chiến bất giác đỏ lên vì câu nói vô tư của Hi Văn. Nhiều lúc Tiêu Chiến cũng không rõ Hi Văn là thông minh hay ngốc nghếch nữa.

Tiêu Chiến bảo Hi Văn ngồi xuống, một người may giày, một người thêu khăn. Chợt, Hi Văn nói thật nhỏ:

- Nô tỳ từng nói mình ngưỡng mộ công tử, bây giờ nhìn người ở bên cạnh chủ quân thì lại càng ngưỡng mộ nhiều hơn. Hai người lúc ở bên nhau trông rất thư thái dễ chịu. Làm sao để có được cảm giác đó vậy ạ?

Tiêu Chiến mỉm cười, vuốt ve đôi giày vừa may xong, chậm rãi nói:

- Nhị gia từng nói với ta rằng chân thật chính là sự khôn khéo đỉnh cao. Lúc đầu ta không hiểu hết ý tứ của ngài ấy, nhưng dần dà cũng hiểu được rồi. Cứ thành thật với nhau là dễ nhất, cũng thoải mái nhất.

Tiểu cô nương Hi Văn dừng tay, chống cằm đăm chiêu, hỏi cắc cớ:

- Nhưng thật tình quá có tốt không ạ? Chẳng phải có câu: "Tốt thì khoe ra, xấu xa thì đậy lại" hay sao?

Chẳng rõ tiểu cô nương này vì sao lại muốn biết những thứ chuyện tình cảm phức tạp như vậy nữa. Tiêu Chiến xem nàng như muội muội, không ngại nói thêm vài câu:

- Có thể đối với người khác, Tam lang đòi hỏi họ phải xinh đẹp, ngoan hiền, hiểu chuyện. Nhưng Tam lang nói với ta rằng hắn chỉ hy vọng ta được vui vẻ. Chỉ cần ta vui vẻ thoải mái thì thế nào cũng được.

Người yêu ta thật lòng chỉ lo rằng họ yêu ta không đủ, chỉ một mực hy vọng ta được vui vẻ thoải mái, không cần để ý tiểu tiết, cũng không cần quá quan tâm những quy củ lễ nghi.

Tiểu cô nương Hi Văn cả gương mặt như bừng sáng, rúc rích cười mấy tiếng rồi lại tiếp tục thêu hoa.

******

Không khí ở Vương trạch yên ả êm đềm, còn ở Khải Lâm Viên thì không được như thế.

Trong Gia Ninh Các lại vang lên một tiếng vỡ đồ, Thẩm Ngọc Chiêu hất đổ cả bàn điểm tâm, thân người run bần bật vì giận.

- Tiểu thư hãy cẩn thận, dừng để bị thương!

Thẩm Ngọc Chiêu tức tối, bởi vì nàng tốn rất nhiều tâm sức, đến giờ này vẫn không động được đến Tiêu Chiến. Nàng siết chặt gấu áo, lầm bầm chửi mắng:

- Lão thái bà kia đã già rồi sao lại còn quản nhiều đến thế? Không lo an hưởng tuổi già đi lại còn rảnh rỗi ngăn cản phu nhân xử trí Tiêu Chiến.

Tú Nhi xót xa tiến đến, an ủi nàng:

- Tiểu thư, người hà tất vì Vương thiếu gia mà làm đến mức này? Danh môn phú hộ ở Biện Dương và các thành lân cận liên tục hỏi chủ quân về việc nghị hôn cho người. Đâu phải không gả vào Vương gia thì người không gả đi nơi khác được? Việc gì phải để bản thân khổ sở như vậy ạ?

Thẩm Ngọc Chiêu ngồi bệt xuống nền nhà, thơ thẩn nói:

- Ta thích huynh ấy. Ta không hiểu vì sao ta lại trở nên như thế này, nhưng ta thật sự rất thích huynh ấy, ta muốn có được huynh ấy. Ta phải làm cho Vương gia thích mình hơn nữa, tín nhiệm ta nhiều hơn. Ta phải là thê tử của huynh ấy. Là ta, không phải là Tiêu Chiến!

Tú Nhi dìu Thẩm Ngọc Chiêu lên giường. Nàng thẫn thờ nhìn ra ngoài, đôi mắt tràn ngập vẻ u hoài tăm tối.

- Vương gia mê tín như vậy, lời của đạo sĩ lại không khiến bọn họ động đến Tiêu Chiến, cũng đều do cái người ở Phúc Khang Đường kia. Được thôi, lần này bà ấy không muốn xung hỉ thì cũng phải xung hỉ!

Tú Nhi mang canh sâm lên, vừa hầu hạ Thẩm Ngọc Chiêu uống canh vừa nói:

- Tiểu thư có để ý đến Nhị thiếu gia cũng bảo vệ Tiêu Chiến không? Hôm trước, Vương phu nhân tỏ ý muốn nhận Tiêu Chiến làm dưỡng tử, Nhị thiếu gia cũng ra mặt, cật lực phản đối.

Thẩm Ngọc Chiêu nhíu mày, chợt nhận ra mình đã quên mất một người quan trọng. Vương Nhất Khiêm có tiếng nói trong nhà chỉ sau Vương lão gia, thế mà nàng lại bỏ quên hắn.

Khoé miệng Thẩm Ngọc Chiêu nhếch lên:

- Tiêu Chiến! Hay là chúng ta đấu một trận ra hồn đi?

*******

Vương Nhất Bác rời nhà đã được một tháng.

Hắn đến Tô Châu, mua được một lượng lớn vải vóc thượng hạng. Trương Bảo phát hiện một tú phường (hàng đồ thêu) mới mở, chất lượng rất tốt. Vương Nhất Bác đi xem hàng, giật mình khi thấy bên trong đa phần là tú nương trẻ trung xinh đẹp. Chủ tiệm là một nữ nhân ngoài ba mươi, đon đả tiếp đón Vương Nhất Bác bằng nhan sắc mặn mà và lời nói ngọt ngào. Vương Nhất Bác ngửi thấy mùi phấn hương sực nức liền tìm cách tránh đi. Sau khi thương lượng mua bán xong, Vương Nhất Bác mới nói với Trương Bảo:

- Chuyến này mà dẫn Tiêu Chiến đi cùng chẳng biết y sẽ phản ứng thế nào. Nữ nhân Tô Hàng xinh tươi mỹ mạo, tài nghệ hơn người, quả nhiên là khiến người ta thích thú.

- Người sợ Tiêu công tử ghen sao?

- Lại còn phải hỏi? Tên thư ngốc đó ủ rượu rất ngon, mà ủ giấm cũng chua lắm nhé!

Trương Bảo cười xoà, thong thả tháp tùng Vương Nhất Bác đi dạo ngắm cảnh sắc Tô Châu trong mùa xuân tươi mới. Hai người đi một đoạn thật xa, đến trước một miếu thờ. Bên trong ngút ngàn hương khói, có khá nhiều người đang tế bái.

Vương Nhất Bác không phải kiểu người quá tin sùng phật thánh, cũng không phải cứ thấy miếu là vào, thấy chùa là ghé. Nhưng hôm nay lại khác, dường như có một điều gì thôi thúc, Vương Nhất Bác lững thững bước vào bên trong miếu.

Trương Bảo theo sau Vương Nhất Bác, giúp hắn châm hương, thắp hương. Tiếp đến là xin một quẻ xăm, Vương Nhất Bác nhìn quẻ rồi đi đến bàn nhỏ kê ở cạnh gác chuông.

Một ông lão đưa giấy luận quẻ xăm cho Trương Bảo. Chợt ông ta nhìn thấy Vương Nhất Bác đợi ở góc xa, liền nói:

- Có thể mời vị công tử kia đến đây một lát không?

Trương Bảo đi đến thưa chuyện, Vương Nhất Bác bán tín bán nghi cũng bằng lòng đi theo. Lão già nọ gật đầu chào, rồi dẫn theo hai người đến một đầu hành lang khuất bóng người.

- Đại bá có điều gì chỉ giáo?

- Lão đây họ Phùng, tên Xuân Đức, trước đây hành nghề pháp sư. Mạo muội xin gặp công tử chỉ muốn thỉnh giáo một việc, cũng là có người cậy nhờ một việc.

Vương Nhất Bác thấy lão Phùng đã già không thể đứng lâu dưới nắng, đành mời lão đến một quán trà gần đó. Ba người bao trọn một nhã gian trên lầu, cách biệt với những gian bên ngoài bằng hai lớp bình phong.

Lão Phùng ngồi xuống đầy khó nhọc, qua mấy ngụm trà mới hỏi:

- Công tử không hỏi han gì đã bằng lòng đi theo lão, không sợ nguy hiểm sao?

Vương Nhất Bác lắc đầu:

- Sợ, nhưng trực giác bảo ta đi theo lão. Rốt cuộc là có chuyện gì?

Lão Phùng tuy có vẻ khúm núm, nhưng giọng nói thì lại rất chắc chắn:

- Công tử có mang theo một đạo bùa bình an đúng chứ? Có thể cho lão xem không?

Vương Nhất Bác không nói hai lời, lấy từ trong túi thơm ra một miếng giấy màu đỏ viền vàng được gấp gọn thành hình tam giác. Lão Phùng mở bùa ra, nhìn ấn kí rồi nhanh chóng gấp lại, đẩy về phía Vương Nhất Bác.

- Bùa này là của người cùng môn đệ với lão. Công tử sắp tới có chuyện hung hoạ, nên mang theo để phòng trừ. Nguyên nhân chủ yếu hôm nay lão muốn gặp công tử chỉ có bấy nhiêu.

- Sao ông biết ta có phù chú?

- Là căn duyên, cũng là nghiệp quả. Công tử có một người huynh trưởng mất từ sớm, bấy lâu vẫn đi theo để bảo vệ người. Bên cạnh còn có một tiểu cô nương rất quý mến người. Nàng ta có vẻ là thân quyến của công tử, đã nhiều lần gây chuyện nhằm đưa công tử đi theo. Đạo bùa này vô tình trấn áp nàng khiến nàng giận dữ, cũng khiến người luôn đi theo bảo hộ công tử không thể đến gần.

Trương Bảo chỉ ngồi nghe thôi mà chân tay cứ lạnh toát. Vương Nhất Bác tê rần cả đầu, mắt cũng đỏ hoe. Đại ca đi xa mười lăm năm rồi, dẫu cho cách biệt âm dương vẫn không ngừng bảo vệ hắn.

Vương Nhất Bác không biết nên vui hay buồn.

- Công tử hãy nén đau thương, bởi tất cả đều là duyên nghiệp!

Vương Nhất Bác cố tỏ ra điềm tĩnh, đáp lại:

- Người lớn đó là Đại ca của ta, còn tiểu cô nương kia có thể là vị muội muội yểu mệnh, tính tuổi thì cũng sắp mười sáu. Lúc mẫu thân mang thai muội ấy, ta quả thực rất thích thú, còn hứa hẹn đợi nó ra đời sẽ dẫn đi chơi, cho nó thật nhiều bánh mứt, sau này sẽ tìm cho nó một lang quân thật tốt. Nhưng muội ấy chưa kịp chào đời đã vội vã đi xa. Ta cũng từng mơ thấy có một cô nương nhỏ tuổi cứ nằng nặc đòi dẫn ta đi theo.

Lão Phùng im lặng, mắt nhìn xa xăm rồi chợt rùng mình. Vương Nhất Bác cũng không thấy lạ, hắn biết người như lão thường xuyên có những cuộc "giao tiếp" trong thinh lặng.

- Lá bùa này chặn tiểu muội quấy phá ta, nhưng cũng chặn Đại ca đến gần ta, chi bằng cứ bỏ đi. Còn hung hoạ, lại là chuyện gì?

Lão Phùng lẩm nhẩm đọc mấy câu rồi cho lá bùa vào chậu than, sau đó nói:

- Hoạ đến từ người thân cận, ngụ ở hướng Nam, trong tên có bộ qua, nhỏ tuổi hơn. Công tử suy xét một chút, có thể sẽ đề phòng được.

Vương Nhất Bác nhíu mày, chợt nghĩ đến Tiêu Chiến.

- Có cách nào tránh được không?

- Lão tài hèn sức mọn, chỉ biết được có bấy nhiêu.

Vương Nhất Bác lấy ra mấy tờ ngân phiếu, định bụng trả công cho lão Phùng, chẳng ngờ lão không nhận, còn trầm giọng nói đầy vẻ hổ thẹn:

- Lão được người khác sang tai lai lời, cậy nhờ kí thác, không dám thụ lộc. Lão đây là đang chuộc tội với đời, với tổ sư.

Vương Nhất Bác chăm chú nhìn vẻ mặt khắc khổ già nua của lão Phùng cùng với sự ẩn nhẫn trong đôi mắt, trong lòng vừa thấy tò mò vừa có chút cảm thương, liền nói:

- Ta mời lão ăn cơm, chúng ta cùng nhau nói chuyện. Ta có đôi điều muốn thỉnh giáo.

Bữa cơm kết thúc, lão Phùng đi khỏi, để lại Vương Nhất Bác thẫn thờ bên chén rượu rất cay.

"Lão đây là người có căn số, được hưởng ơn của tổ, phụng sự ở trần gian. Nhưng rồi cơm áo gạo tiền quấn thân, lão đã bán rẻ thần linh, gieo điều tiếng ác, buôn thần bán thánh. Lão giàu lên nhanh chóng, cưới thê thiếp đầy nhà nhưng không có duyên con cái. Đến mãi sau này lão có được một đứa con trai thì nó lại ngỗ nghịch, cuối cùng cũng chết trong ngục. Cuộc đời lão mấy năm đó gần như đã đến đường cùng..."

Từng lời nói trong câu chuyện cũ của lão Phùng vẫn còn văng vẳng đâu đây. Vương Nhất Bác lại nhấp thêm một ngụm rượu cay nồng, nói với Trương Bảo:

- Lão ấy nói Tiêu Chiến bị chối bỏ từ lúc chưa lọt lòng. Lão ấy nói...

- Thiếu gia!

Một giọt nước mắt trượt dài trên má, Vương Nhất Bác nghe cõi lòng mình đau đớn lạ thường, trái tim như có ai bóp nghẹt. Tiêu Chiến của hắn thật sự đã quá khổ sở rồi!

*******

- Lão thái thái đừng quá lo lắng! Người già chân tay yếu, hay đổ mồ hôi, sợ lạnh, mất ngủ. Những điều đó là bình thường, đừng tự mình doạ mình nữa.

Trình đại phu thu dọn đồ đạc, để lại một số gói thuốc cùng hương liệu. Sau đó, Trình đại phu lại từ Phúc Khang Đường đi đến đại sảnh Khải Lâm Viên, gặp mặt gia chủ.

- Lão gia, phu nhân, tình hình của lão thái thái có chút không ổn. Khí lực của người đã suy kiệt, bổn nguyên không đủ mạnh, e là cũng chẳng còn được bao lâu. Lão phu sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc cho lão thái thái, nhưng cũng còn tùy vào số trời.

Vương Hoằng đã dặn gã họ Trình kia không được tiết lộ tình hình bệnh tật cho lão thái thái. Ngoài mặt, mọi chuyện trong phủ rất êm đẹp, nhưng xem chừng ai nấy cũng đã tính đến chuyện hậu sự của lão thái thái.

Bấy giờ, Vương Hoẳng chỉ lo lão thái thái ra đi đột ngột, Vương Nhất Bác vì thọ hiếu sẽ phải đợi đến ba năm mới thành hôn. Thế là mọi người một mặt chăm lo sức khoẻ cho lão thái thái, một mặt xông xáo chuẩn bị những thứ thiết yếu để tổ chức đại hôn.

- Trừ khi Tam đệ nói mình muốn lấy cô nương Thẩm gia, còn lại con sẽ không đồng ý mối hôn sự này. Tam đệ muốn lấy người nào thì hãy để Tam đệ tự quyết, mẫu thân với các vị thúc bá cứ ép uổng để làm gì ạ? Mọi người làm vậy, không chỉ phật lòng Tam đệ, chưa biết chừng sẽ làm dang dở cả đời Thẩm tiểu thư.

Vừa nghe đến chuyện Vương gia sẽ nghị hôn với Thẩm gia trước, đợi Vương Nhất Bác về sẽ tổ chức các nghi lễ tiếp theo, Vương Nhất Khiêm đã ngay lập tức phản đối. Hắn là trưởng tử, được giao quyền làm chủ gia đình, một câu phản đối này làm các trưởng bối phải thở dài.

Con với chả cháu, nuôi nó lớn rồi nó gạt phăng lời của mình như thế đấy!

Trưởng bối giận thì giận, nhưng Vương Hoằng đã trao cho Vương Nhất Khiêm cái quyền quản lí đại sự trong phủ thì lời của hắn cũng là lời của ông. Phu thê hai người chỉ có thể cười gượng, mắt nhắm mắt mở kéo nhau trở về phòng.

- Nhất Khiêm, con hãy nghe Tứ thúc nói một câu! Tổ mẫu của con sắp không xong rồi, cần phải xung hỷ. Hơn nữa nếu có gì bất trắc, Nhất Bác lại phải đợi vài năm. Nó đã hai mươi lăm tuổi, bằng tuổi nó người ta đã có ba bốn đứa con rồi đấy!

Vương Nhất Khiêm cũng không vừa:

- Ba bốn đứa con mà chẳng đứa nào nên thân thì có gì mà tự hào ạ? Chưa kịp lớn đã phải làm cha thì lại chả thế!

- Nhất Khiêm à! Con cũng biết nhà chúng ta ít con cháu...

- Thúc sợ nhà này không có tôn tử chứ gì? Vậy thì thúc sinh thêm đi! Con nghe nói trong viện của thúc có tận năm sáu vị di nương trẻ đẹp cơ mà. Hoặc là thúc bảo các đường huynh đường đệ của con lấy vợ xung hỷ cho tổ mẫu cũng được. Hỷ nào mà chả là hỷ? Đâu phải cứ là Nhất Bác với Thẩm gia mới là hỷ?

Các vị thúc bá điên tiết với sự cười cợt đầy quyết liệt của Vương Nhất Khiêm, chán nản phất áo đi về. Vương Nhất Khiêm ôm đầu mệt mỏi, nhìn về hướng Gia Ninh Các, nhớ lại lời của Lưu Thư Dung:

"Người bên cạnh Thẩm tiểu thư đến gặp gỡ, làm quen với bá mẫu và các vị thẩm thẩm, có ý muốn nhờ họ vun vén cho hôn sự giữa nhà chúng ta và Thẩm gia. Thiếp cũng thấy mẫu thân đến chín phần là đã chọn Thẩm tiểu thư làm chính thất của tiểu thúc rồi."

Vương Nhất Khiêm thở dài, ánh mắt thâm trầm hằn rõ sự hoài nghi. Hắn lật đật trở về thư phòng, viết mấy phong thư.

Giữa lúc đó, A Tấn cũng đã dẫn theo hai người đi đến Tịnh An Hiên.

========TBC

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro