Levi x Erwin ; Ngủ bụi.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Note: Vietnam!AU. 

Bảng tên: 

 - Levi Ackerman = Lý Duy.

- Erwin Smith = Văn Tư.

- Kenny Ackerman = Lý Kiên.

- Hange Zoe = Trần Gừng.

*

- Duy!

Lý Duy mơ màng tỉnh dậy sau tiếng gọi. Cậu thấy trước mắt mình toàn một màu trắng chói. Duy lại lần nữa nhắm mắt lại, nhăn mày. Cái nóng hầm hập của tháng năm ếm cả lên cơ thể cậu. Mồ hôi chảy dọc theo gương mặt, cổ, vai, bắp tay và bắp chân, càng làm Duy cảm thấy bức bối. Cậu xoay người, tránh để ánh nắng chiếu thẳng vào gương mặt. Mùi đất ẩm sau mưa bốc lên và lẩn quẩn quanh mũi cậu, khiến Duy mơ hồ nhớ lại mình đang ở đâu.

Tối hôm qua, cậu và chú Kiên đã cãi nhau một trận lớn chỉ vì cây chuối ở góc vườn. Cậu bị chú ném ra ngoài - Lý Duy sẽ không bao giờ thừa nhận điều ấy, cậu khăng khăng cho rằng bản thân tự nguyện bỏ đi - rồi cậu lang thang khắp làng Tiến Kích. Duy đã định quẹo qua nhà vài đứa bạn, xin tá túc một đêm, nhưng lại không muốn bị hỏi lí do nên ngang bước chạy dọc bờ đê đến khi trăng lên. Gió đêm thấm vào cơ thể mệt nhoài của Duy. Cậu ngả người lên một bãi đất trống lác đác vài ngọn cỏ, ngắm trời đêm sáng sao trước khi ngủ lịm đi. 

- Duy!

Tiếng gọi lại lần nữa vang lên. Lần này, Duy đủ tỉnh táo để nhận ra giọng nói ấy thuộc về ai. Cậu ngay lập tức mở mắt, thứ đầu tiên chào đón cậu buổi sớm là gốc cỏ lấm tấm bùn. Duy ngồi bật dậy. Cậu chưa kịp quay sang nhìn thì gương mặt của chủ nhân tiếng gọi đã phóng đại trước mắt cậu.

- Oái! - Duy giật nảy mình, vô thức lùi về phía sau. Cậu trượt tay và suýt nữa đập đầu vào hòn cuội gần đấy nếu như không kịp lấy lại thăng bằng. Duy ngó lên; lúc này, người kia đã đứng thẳng dậy, để cho mái tóc hoe vàng của mình tỏa sáng dưới nắng. Cả làng này không có người thứ hai sở hữu mái tóc đẹp như thế, mái tóc như dải nắng dắt lên trên. 

Văn Tư. 

Lý Duy để đôi mắt đen sâu hoắm như đêm hè của mình xoáy vào đôi mắt xanh dịu dàng như trời thu của Văn Tư. Tư đứng đó, tay vòng ra sau lưng, nhìn Duy từ trên xuống. Làn da trắng ngọc lấp lánh đằng sau áo sơ mi đóng thùng với quần tây đen dài. Anh cứ như nhân vật bước ra từ tranh vẽ, tiên đồng của làng Tiến Kích. 

- Sao lại ngủ ở đây thế? Cậu cãi nhau với chú Kiên à?

Giọng Văn Tư nhẹ nhàng như gió, thoảng qua tai Lý Duy mà để lại bao nhiêu nỗi niềm sâu kín trong tim. Văn Tư tiến lại gần cậu, ngồi xuống bên cạnh. Từng cử chỉ đều toát ra vẻ ưu nhã của con trai nhà giàu, của học thức gia giáo. Ngồi cách nhau một khoảng nửa gang tay, Lý Duy vẫn có thể cảm nhận được nhiệt độ nong nóng như làn da Văn Tư áp sát cánh tay cậu.

- Tao chỉ lỡ tay mồi lửa cháy rụi cả gốc cây chuối tiên của ông ý thôi chứ có làm gì đâu mà căng.

Lý Duy ngang ngược trả lời. Chẳng hiểu sao cậu có thể dễ dàng nhận sai với người khác, nhưng bao giờ cũng cãi cố với chú Kiên dù không bao giờ thắng nổi, tại sai lè ra. Lý Duy nghe thấy tiếng cười bất lực phát ra từ bên cạnh, tiếng cười dịu nhẹ kéo khoé môi cậu lên. Lý Duy ngước mắt nhìn trời; trời hè vừa cao vừa rộng, bát ngát như mắt Văn Tư vậy. Gió phảng phất mang theo hương đồng cỏ nội, vuốt mái tóc hai đứa trẻ ra sau. "Yên bình thật", mắt Lý Duy mơ màng nhắm lại, cảm nhận vị hè lẩn quẩn quanh người. Cậu thích những khoảnh khắc như thế này, những giây phút ở bên cạnh Văn Tư. Hai đứa trẻ chỉ đơn giản ngồi lặng như thế, trên bờ đê, không nói không rằng, nhưng tự thấy lòng đầy ắp.

- Rồi sao mày ở đây?

Lý Duy như vừa sực nhớ ra điều gì, mắt vẫn nhắm, cất cái giọng trầm trầm hỏi người bên cạnh. Văn Tư khẽ liếc sang nhìn sống mũi thanh thanh của Lý Duy, rồi lại quay về hướng mắt ra đồng lúa xa tít tắp. Anh chầm chậm đáp lại:

- Nhà tớ ở ngay gần đây mà.

Lúc này, Lý Duy mới chợt nhận ra. Hoá ra cậu vô thức lang thang đến tận gần nhà Văn Tư từ bao giờ. "Chắc tại bản năng", Lý Duy nghĩ thế; dù sao cậu cũng sang chơi với Văn Tư nhiều. Cậu mở mắt, lại ngờ ngợ thấy cái gì không đúng. Cậu hỏi tiếp:

- Mày không đi học à?

- Nay Chủ Nhật.

"À", Lý Duy gãi gãi đầu. Cậu chẳng bao giờ chịu đi học đàng hoàng cả, ngày đi ngày nghỉ, làm chú Kiên điên hết cả tiết lên, lần nào về nhà cũng phải nghe dân ca tiếng chửi thân thương của chú. Lý Duy còn soạn hẳn một bộ tuyển tập những câu chửi thấm nhất của Lý Kiên, cất trong ngăn kéo, thỉnh thoảng lại lôi ra viết một câu vào.

Thế nên, Lý Duy không bao giờ để ý ngày tháng.

Hai đứa trẻ lại yên lặng. Chúng miên man nhớ về quá khứ. Lý Duy lặng lẽ quay sang nhìn Văn Tư một lúc, trước khi quay phắt đi vì nhận ra hành động lén lút của mình bị anh phát hiện. Lần nào ngắm, Lý Duy cũng thầm tấm tắc khen sao Tư đẹp thế. Ngay cả hồi ở trên thành phố, Duy chưa lần nào thấy người đẹp như Tư.

Lí do Văn Tư có ngoại hình đặc Tây như thế là vì bên nội của anh. Bố anh không phải người Việt Nam, ông là dân Mĩ. Bố mẹ anh gặp nhau ở Liên Xô sau chiến tranh. Hai người nên vợ nên chồng rồi bố anh theo mẹ anh về Việt Nam, nhập tịch và định cư tại đây. 

Mới đầu, Văn Tư bị cả đám con nít trong làng kì thị bởi ngoại hình của anh lạ quá. Ngoài ra, bố anh lúc đó cũng không được chào đón lắm. Kể cả đối với người trong làng hay người nhà ngoại, bố Văn Tư vẫn luôn là "một tên Mĩ" gian tà ác độc, một con sói đen giữa bầy cừu trắng. Dù mẹ Văn Tư có cố gắng thuyết phục mọi người đến thế nào, nỗi đau chiến tranh vẫn là thứ gì ám ảnh, kinh hoàng, khủng khiếp, lan từ ngoài đời thực tới giấc mơ. 

Văn Tư đã có năm năm tuổi thơ bị bắt nạt, cho tới khi Lý Duy chuyển về đây.

Văn Tư lơ mơ nhớ về những năm quá khứ, ngay khi kí ức về ngày Duy đến làng hiện lên, anh len lén quay sang nhìn cậu. Lý Duy lúc này đã ngả người xuống nền đất, để mái tóc đen mượt như trời đêm lòa xòa với ngọn cỏ. Hàng mi rung rung trên đôi mắt khép hờ làm Văn Tư xao xuyến. Lý Duy đẹp như một người châu Á chính gốc, thứ khiến Văn Tư vừa mê mẩn vừa ghen tị.

Lý Duy từng sống trên thành phố. Thành phố xinh đẹp và mộng mơ, ước nguyện cả đời của đám trẻ con trong làng. Những từ bật ngay ra trong đầu chúng khi nghe đến từ "thành phố" là rực rỡ, chói sáng, hoa lệ; và đám con nít áp hình tượng ấy lên Lý Duy ngay khoảnh khắc chú cậu nói rằng họ từ thành phố xuống. Lý Duy ghét điều ấy lắm. Cậu thấy thành phố chẳng tuyệt vời như tưởng tượng mà tụi nhỏ vẽ ra. Thành phố đã giết mẹ của cậu. Một tai nạn ở xưởng may đã cướp mẹ khỏi Lý Duy, vĩnh viễn. 

Lý Duy không có bố, giờ thì không có mẹ. Cậu đã gào khóc một cách thảm thiết khi chú cậu đưa cậu đến bệnh viện. Cụ ông mới mất, rồi lại đến mẹ. Chú Kiên đáng thương của cậu tất bật lo tang hai người, xong xuôi liền đưa cậu về quê vì không đủ tài chính nuôi Lý Duy ăn học trên thành phố. Cuộc đời vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ hai chú cháu khi cụ ông để lại căn ngói cũ ở làng Tiến Kích từ bao đời thế hệ nhà họ cho Lý Kiên. Ít nhất thì, hai người còn chỗ để dung thân. 

Ngày đầu về làng, Lý Duy trầm lặng ít nói; không một đứa con nít nào dám lại gần cậu. Với danh tiếng "trai thành phố", Lý Duy vẫn nổi như cồn với cả con gái lẫn con trai; nhưng thái độ lầm lì khiến cậu mất điểm hẳn đi trong mắt bạn bè đồng trang lứa. Có một vài đứa bắt đầu nói xấu sau lưng cậu, một vài đứa thây kệ, một vài đứa vẫn sáp sáp lại gần nịnh hót vì cậu từ thành phố xuống. Lý Duy lúc ấy chỉ muốn trốn biệt đi; cậu không thích đi học rồi gặp lũ trẻ trong làng và cậu cãi nhau với chú Kiên nhiều. Những khi đó, Lý Duy chạy thẳng ra đê.

Ít ai trong làng len ven gần bờ đê lắm, nên chỗ ấy là nơi trốn lí tưởng của Lý Duy. Văn Tư gặp cậu cũng ở chỗ đấy; tư tưởng lớn gặp nhau ý mà. Hai đứa trẻ đều muốn né xa những người trong làng, nên ù té đến đây.

Ấn tượng ban đầu của Lý Duy với Văn Tư là ngoại hình anh đẹp như mơ. Cậu liên tưởng ngay về hoàng tử trong những câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể. Lý Duy chưa từng thấy mái tóc nào rực rỡ đến thế, chưa từng gặp đôi mắt trong đến thế. Văn Tư hớp hồn Lý Duy ngay lập tức, cướp luôn cả nhịp đập con tim.

Ấn tượng ban đầu của Văn Tư với Lý Duy là diện mạo cậu vừa mềm mại vừa mạnh mẽ. Lý Duy có một nét đẹp rất riêng mà không thể tìm thấy ở đâu khác. Đôi mắt Duy đen nhất trong những màu đen Tư từng thấy. Chúng thôi miên Tư và khiến anh tự nguyện bị cuốn vào. Dưới ánh nắng, đôi mắt Duy còn lấp lánh, giống như những vì sao buổi sớm sà xuống đôi mắt Duy và thắp lên trong Tư niềm thương đầu tiên dành cho người khác.

Văn Tư bồn chồn muốn ngồi gần Lý Duy trong lần gặp đầu tiên, trên bờ đê, nhưng bất chợt nhớ về phản ứng của người trong làng đối với mình, rồi sợ cậu cũng thế, lại định quay lưng bỏ đi. Đột nhiên, anh bị kéo lại bởi một câu hỏi phát ra từ cậu trai mắt đen xinh đẹp kia: "Đi đâu vậy? Không tính ngồi chung hả?"

Văn Tư giật mình quay đầu lại. Anh vẫn đứng cách Lý Duy một khoảng năm bước chân người lớn. Văn Tư thấp thỏm đặt tay ra sau lưng, mười ngón tay đan vào nhau, cử động loạn xạ. Anh mấp máy: "Cậu không ghét tớ hả?"

Đáp lại Văn Tư là một cái nhướng mày khó hiểu từ Lý Duy. Cậu hỏi: "Mày có nói xấu tao không?", anh lắc đầu. Cậu lại hỏi: "Mày có định nói xấu tao không?", anh lại lắc đầu. Cậu tiếp tục hỏi: "Mày có ghét tao không?", anh giật mình, kịch liệt lắc đầu, còn bổ sung thêm một câu: "Sao tớ ghét cậu được chứ?".

Và Lý Duy đáp lại trong sự ngỡ ngàng của Văn Tư.

"Thế tại sao tao phải ghét mày?"

Văn Tư bất ngờ, thấy lòng mềm ra, cứ như tảng đá trong lòng đã lăn xuống. Khoé mắt hơi cay, anh hít một hơi kiềm lại nước mắt. Văn Tư chạy ào đến chỗ Lý Duy, vui vẻ ngồi phịch xuống, còn quay sang cười he he. Lý Duy ngó ngó Văn Tư, khịt mũi, rất tự nhiên đưa bàn tay non mềm lên xoa xoa mái tóc vàng hoe của anh. Anh giật mình, nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đấy. Má Tư hồng lên một chút vì ngại ngùng.

Từ ngày đó, Lý Duy với Văn Tư dính nhau như keo. Đi đâu cũng có nhau. Một đứa ngỗ ngược và một thằng Tây lại đồng hành cùng nhau, làm người trong làng nhức mắt. Một số người lớn bắt đầu phản ánh với chú Kiên theo hướng công kích Lý Duy. Trái ngược với mong chờ của bọn họ, chú Kiên rồ lên, cầm cành chuối mới chặt quất quất cho mấy phát, đuổi đám người lỗ mãng ấy ra khỏi nhà.

Chú Kiên còn rất hào phóng mời Văn Tư về nhà chơi, bảo Văn Tư đúng là quý báu, chịu chơi cùng thằng cháu xấc xược của ông.

Có Lý Duy bảo kê bên cạnh, Văn Tư không bị đám con nít trong làng bắt nạt nữa. Chúng nó chỉ dám bôi nhọ uy tín của hai đứa trẻ đằng sau lưng, nhưng một số nhóc bắt đầu khó chịu với kiểu đâm chọt như thế. Vài đứa lân la đến gần Lý Duy và Văn Tư làm bạn. Mấy nhóc này đều chưa từng bạo lực Văn Tư, cũng chưa bao giờ nói xấu hay nịnh hót Lý Duy, nên được hai đứa trẻ đồng ý chơi cùng.

Cứ thế, Lý Duy và Văn Tư hình thành mối liên kết gắn bó. Đến một ngày, đương giai đoạn Lý Duy dậy thì, khi hai đứa đang phơi mình trên đê như thường lệ, cậu bất chợt hỏi: "Mày có muốn hẹn hò với tao không Tư?"

Văn Tư giật nảy mình, ngồi bật dậy. Anh cảm thấy đầu ong ong và tai ù ù. Văn Tư đập đập vài cái lên thái dương, rồi lắc lắc đầu, trước khi quay sang nhìn Lý Duy. "Cậu vừa nói cái gì cơ?"

"Mày có muốn hẹn hò với tao không?"

Mặt Văn Tư hết đỏ rồi lại xanh. Anh nhìn Lý Duy như thể cậu vừa ăn xong, còn dính vết mắm bên khoé miệng. Văn Tư đặt tay lên trán Lý Duy, lo lắng hỏi: "Cậu có bị sốt không?". Lý Duy bực mình, nhăn mũi lại. Cậu biết bản thân mình thích Văn Tư từ lần gặp đầu tiên rồi, chẳng qua đến tận khi dậy thì mới khẳng định chắc chắn tình cảm của bản thân. Lý Duy gạt phắt tay Văn Tư ra, đứng bật dậy, cộc cằn đút tay vào túi quần, rồi bỏ đi.

Đấy là lần đầu tiên Lý Duy với Văn Tư cãi nhau.

Trần Gừng - đứa thân nhất với cặp đôi nổi tiếng của làng Tiến Kích - đã phản ánh rằng nó hi vọng hai nhóc kia tốt nhất đừng bao giờ nên tranh cãi nữa, bất kể vấn đề có là gì. Trần Gừng chịu trách nhiệm truyền tin của một đứa cho đứa còn lại trong suốt hai tuần chúng nó cãi nhau; thậm chí, nó còn thay cả làng chịu trận gió rét mưa sa giữa tháng tư, cam chịu ngồi yên nghe tâm tình tuổi mới lớn của Văn Tư và Lý Duy.

Văn Tư còn nhẹ nhàng, chứ Lý Duy cứ vừa giãi bày vừa đập bàn. Cậu còn chửi thề nữa chứ, Gừng cảm thấy lỗ tai mình sắp phải đem đi sửa lại rồi.

May là, Văn Tư cuối cùng cũng thu đủ can đảm để gặp mặt Lý Duy trực tiếp. Anh đáp lại câu tỏ tình thô lỗ của cậu một cách dịu dàng, rằng: "Cậu có thể chờ đến khi tớ chắc chắn về bản thân được không?"

Và thế là chuỗi ngày bày tỏ cục súc của Lý Duy bắt đầu.

- Thế bao giờ mày mới định hẹn hò với tao? 

Lần này đánh dấu lần thử thứ ba mươi mốt của Lý Duy. Văn Tư cũng quen rồi, không còn ngại ngùng xấu hổ như những lần đầu tiên nữa. Hình như từ lần thứ mười hai, Lý Duy lẩm nhẩm nhớ lại, là Văn Tư đáp lại cậu cũng cộc lốc như cách cậu hỏi anh vậy. "Đoán xem", vậy là đôi câu hỏi lời đáp đã hoàn thành trọn vẹn.

Lý Duy đoán lần này cũng thế thôi. Cậu thấy vui vui mỗi lần hỏi Văn Tư; những giây phút ấy pha cả trêu chọc cả thật lòng. Đêm đêm khi nhớ về những lần bị từ chối, Lý Duy cũng gặp chút nản, nhưng cậu chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Cứ kiên trì thôi, Lý Duy chắc mẩm Văn Tư cũng thích mình. Còn ai trong làng này có thể vượt qua Lý Duy được chứ?

Lý Duy đang chuẩn bị tinh thần cho câu "đoán xem" như mọi lần. Đột nhiên, đôi mắt Văn Tư xoáy vào mắt cậu. Trời thu ấy phản chiếu nửa gương mặt Lý Duy một cách rõ ràng đến rùng mình. Cậu giật thót khi nhận ra chóp mũi Văn Tư cọ chóp mũi mình. Cảm giác thực tế tới mức Lý Duy không thể tin được. Cậu vô thức vò nắm đất dưới tay. Hơi thở ấm áp của người kia lẩn quẩn quanh gương mặt Lý Duy. Cậu cảm nhận được xúc cảm mềm mềm đọng trên môi.

Tách khỏi môi Lý Duy, Văn Tư nhếch mép cười xảo trá. Nắng sớm nhuốm nửa gương mặt Văn Tư trong màu vàng nhàn nhạt, nhẹ hơn tông màu tóc của anh một chút. Sáng tối phân rõ đường nét dung mạo của Văn Tư khiến Lý Duy trong một chốc đã nhầm tưởng anh là bức điêu khắc nghệ thuật được tạc ra tinh tế. Sau vài giây nắm bắt tình hình, mặt Lý Duy đỏ lựng lên trong điệu cười khoái chí của Văn Tư. Cậu lắp ba lắp bắp không thành tiếng, tai nóng như đổ lửa. Văn Tư thì thầm vào bên tai tội nghiệp của Lý Duy, chỉ khiến nó run rẩy thêm.

- Bây giờ, có được không?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro