2.1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông nội tôi là thanh niên trí thức lại xuống nông thôn tìm đến trại Miêu, cùng bà nội sinh ra bố cùng chú hai của tôi.

Sau này lúc ông nội về thành phố, bà nội không chịu đi theo nên ở lại đó.

Khi ấy bố và chú hai của tôi đều còn nhỏ, ông nội sau khi tái hôn cũng không hề nhắc tới nữa, bởi vậy đám con cháu chúng tôi gần như không biết đến sự tồn tại của bà.

Mãi đến tháng trước, người của trại Miêu tìm tới nói trại Miêu sắp làm đường, phải dời mộ của bà nội, bảo chúng tôi về nhặt xương đem đi chôn.

Ở trại Miêu có truyền thống nhặt xương chôn cất.

Ông nội và bà nội ở trên thành phố đương nhiên sẽ không về, vì vậy bảo bố và chú hai đưa hai đứa cháu là tôi và đưa em họ về.

Trại Miêu hẻo lánh, sau khi ra khỏi cao tốc, chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ rồi đến đường xi măng dưới thôn, lái xe thêm một tiếng.

Cuối cùng xe vẫn không thể vào trại, tôi chỉ đành gọi cho người liên lạc đến đón chúng tôi vào trại.

Em họ Lương Thần khi ở trên xe không phải chơi điện thoại thì là im lặng không nói gì, bây giờ bị bắt phải đi đường núi mệt mỏi, cứ oán giận nói mình chỉ có một bà nội, làm gì có bà nội ở cái trại Miêu hoang vắng kia.

Chú hai trước giờ cưng chiều cậu ta, không ngừng an ủi.

Tôi thấy đường đi quanh co, bối rối hỏi người dẫn đường nơi này không giống như sắp sửa đường thì phải.

Nếu đã không sửa đường, vì sao lại động vào mộ của bà nội, bảo người nhà đến nhặt xương an táng chỗ khác?

Người dẫn đường nói cho tôi thôn của họ không phải sửa con đường này, mà là mở rộng một con đường nhỏ khác.

Trước lúc bà nội qua đời, mỗi ngày bà đều đến đây ngóng trông ông nội dẫn bố và chú hai của tôi quay lại đón bà.

Sau khi qua đời, bà được chôn cất ở cạnh làng.

Tuy biết là không nên nhưng bây giờ phải mở rộng đường nên phần mộ của bà buộc phải di chuyển.

Tôi nghe mà thổn thức, quay sang nhìn bố, mặt bố cũng tái mét.

Ông nội đã nói bà nội mới là người không chịu rời khỏi trại Miêu.

Nhưng người dẫn đường lại kể rằng bà nội hy vọng chồng cùng con trai quay lại đón mình, đến khi qua đời cũng chỉ được chôn bên vệ đường.

Bố và chú hai im lặng.

Thím hai gần đây đang giảm cân, ăn rất ít, đi đường núi lâu như vậy vô cùng mệt mỏi, còn phải cùng chú hai một trái một phải đỡ Lương Thần.

Thím hai tức giận: "Thời đó có rất nhiều thanh niên bỏ vợ bỏ con lên thành phố, bố chồng nhà tôi bế hai đứa con trai đi xem như không để bà ta chịu liên lụy rồi. Bản thân bà ta có nặng mấy cân mấy lượng bà ta có đếm không? Không biết giá trị của bản thân còn mong chồng về đón bà ta lên thành phố hưởng phúc hả!"

Lời này quá sắc bén, người dẫn đường hừ lạnh: "Ngày xưa bà Long là mỹ nhân nổi tiếng của trại Miêu, còn là..."

Câu tiếp theo ông ta không nói hết, chỉ lướt nhìn chúng tôi.

Bố tôi ho khan, trừng mắt nhìn chú hai.

Mẹ tôi kéo tôi đi thật nhanh, không muốn dây dưa với thím hai.

Đêm đó, trại Miêu sắp xếp cho chúng tôi ở lại nhà sàn mà bà nội từng ở.

Chúng tôi có chuẩn bị đồ ăn, thím hai thậm chí còn mang theo cân điện tử để kiểm soát chế độ ăn uống và cân nặng của mình.

Tôi từng ở nhà sàn trong khu du lịch, nhưng phiên bản gốc thế này lại có một vẻ đẹp khác, thật ra chính tôi cũng thấy hào hứng.

Nhưng Lương Thần sau khi đùa nghịch điện thoại, phát hiện tín hiện không tốt liền xuống dưới nhà sàn, cầm gậy đập nát nhừ những chum vại ở đó.

Những món đồ ấy rõ ràng đã cũ.

Khi một số bị đập vỡ, có bọ rết chui ra.

Một bà lão đi ngang nhìn thấy, kinh hãi đến mức dùng tiếng Miêu la hét ngăn cản.

Đáng tiếc chúng tôi không hiểu tiếng Miêu, Lương Thần thậm chí còn đập mạnh hơn.

Cậu ta là đứa nghiện game, cộng thêm việc được chú thím hai cưng chiều nên càng ngày càng vô pháp vô thiên.

Thấy cậu ta càng đập càng mạnh, bà lão hoảng loạn muốn nhảy xuống, nhưng còn chưa kịp chạy tới, bà ta lại sợ hãi hét to.

Thấy vậy, tôi vội ngăn Lương Thần lại: "Ở đây là trại Miêu, nghe nói người dân ở đây quen nuôi cổ trong chum vài dưới nhà sàn, đám bọ này có thể là cổ."

Đúng lúc này, cậu ta vừa đập vỡ một cái chum, một con cóc vàng to bằng lòng bàn tay lập tức nhảy ra.

Cậu ta giật mình làm rơi cây gậy xuống đất, sau khi nhìn rõ, cậu ta có chút bực bội, cầm cây gậy lên, định đập con cóc vàng.

"Lương Thần!" Tôi quát, "Em mà không nghe lời thì lần sau có gì đừng có đi hỏi chị!"

Bình thường khi sản phẩm điện tử gặp vấn đề, cậu ta thường nhờ tôi hỗ trợ.

Nghe tôi rống lên, cậu ta chỉ có thể giận dữ ném cây gậy, chạy đi nằm trên võng tre lắc lư kêu kẽo kẹt.

Tôi đi xuống cầu thang, nhìn mớ chum vài bị đập nát dưới nhà sàn, sau đó cầm nhánh cây đuổi con ếch vàng kia đi, kẻo lát nữa Lương Thần lại muốn giết nó.

Tính ra tôi đã gặp cóc ếch ễnh ương nhưng chưa từng thấy một con ếch có màu vàng như vậy.

Nó mảnh khảnh như nhái bén, hai mắt đen tròn, lúc bị tôi đuổi đi còn đảo mắt nhìn tôi, không hề bỏ chạy.

Tôi chỉ đành lấy hai nhánh cây gắp nó lên, định ném vào bãi cỏ gần đó.

Bà cụ đứng bên ngoài chứng kiến cảnh tôi gắp con ếch vàng lên, dùng tiếng Miêu nói gì đó.

Kế tiếp bà ta bỗng quỳ xuống, dập đầu không ngừng, miệng liên tục lẩm bẩm.

Phản ứng thái quá này chọc Lương Thần đang nằm trên võng cười khúc khích.

Tôi trừng mắt nhìn cậu ta, sau khi đặt ếch vàng vào trong cỏ, tôi gật đầu với bà lão ra hiệu đã không sao rồi lên lầu.

Lúc đi lên cầu thang, tôi thấy bà lão xoay người, liên tục cầu nguyện với ngọn cỏ.

Mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng riêng, như người Hồi không ăn thịt lợn, có lẽ người của thôn này tôn thờ loài ếch.

Đã mệt mỏi cả ngày, đêm đó mọi người đều chìm vào giấc ngủ ngon lành.

Hôm sau lúc đi nhặt xương, bố tôi đặc biệt mời một thầy thầy phong thủy.

Đầu tiên là dựng một cái lều bằng trúc bên cạnh mộ, sau đó phủ một tấm vải đỏ để ngăn xương cốt tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời trước khi mở mộ.

Thôn thường cứ ba đến năm năm sẽ có người đến nhặt xương, nhưng bà nội mất hơn mười năm, con cháu không ở bên, vì không có người nhặt xương nên bà được chôn cất ở nơi này.

Vừa mở mộ đào lên, vô số sâu bọ, rắn rết sặc sỡ đủ loại bò ra.

Cả nhà chúng tôi đều bối rối, may mà thầy phong thủy nói bộ xương này đã hơn mười năm đã thay đổi khá nhiều, rất dễ nhặt.

Khó nhặt nhất là bộ xương chỉ mới được ba năm, khi đó da thịt vẫn chưa phân hủy hết, lúc nhặt xương xong phải mang đi rửa sạch.

Lương Thần vốn không có hứng thú cũng tò mò, hỏi thăm rất nhiều.

Vì đã chôn trong lòng đất hơn mười năm, chiếc quan tài đã trở thành mục nát.

Sau khi nhặt hết tàn gỗ, chúng tôi cẩn thận phủ áo liệm lên, lựa tóc ra, xua đuổi côn trùng rồi đeo găng tay nhặt xương.

Bố tôi đang cầm nhánh anh túc vàng, theo lời thầy phong thủy chúng tôi nhặt xương từ bàn chân đến cẳng chân, sau đó đến sườn, lên vai rồi cổ, cuối cùng là đầu.

Tôi và Lương Thần là cháu, chỉ nhặt chi dưới.

Vì xương ngón chân quá nhỏ, sợ Lương Thần không cẩn thận nên tôi là người nhặt, Lương Thần đi nhặt những cái xương to hơn như xương ống chân.

Trong lúc tôi đang cẩn thận nhặt xương ngón chân, Lương Thần tùy tiện rút một cái xương ống chân ra, vung lên như gậy, hỏi ông thầy phong thủy: "Xương này nặng bao nhiêu? Nó đã hơn mười năm rồi chắc là đã nhẹ đi đúng không? Cỡ hai lạng không?"

Có lẽ thầy phong thủy chưa từng bắt gặp kẻ nào ngu dốt như vậy, khuôn mặt ông ta tái nhợt vì sợ hãi, không nói được gì.

Thím hai đeo khẩu trang đứng bên cạnh thế mà giật lấy cái xương, ước chừng trong lòng bàn tay: "Xương này nhẹ lắm, chưa tới hai lạng."

"Chú hai!" Lần này ngay cả mẹ tôi cũng không nhịn nổi nữa, quát gọi chú hai.

Bố tôi giận tím mặt nhìn chằm chằm thím hai.

Thím hai lúc này mới sực tỉnh, ném cái xương cho tôi, kêu tôi xử lý.

Nhưng thầy phong thủy hình như lại đang sợ gì đó, vội lùi lại, dập đầu ba cái, dùng tiếng Miêu nói gì đó, rồi lại dập đầu.

Hành lễ xong, ông ta mới dùng tiếng Hán bảo chúng tôi cứ nhặt xương theo chỉ dẫn rồi gửi đến chỗ giữ xương, ở nhà ông ta còn có việc phải đi trước.

Ông ta cứ vuốt ve trước ngực, khom lưng cúi đầu nói gì đó rồi rời đi.

Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, mơ hồ đoán được Lương Thần và thím hai đã phạm vào điều cấm kỵ.

Cuối cùng bố mẹ tôi chỉ có thể vừa nhặt xương vừa tự trấn an mình đừng sợ, không biết không có tội.

Nhặt xương xong, chúng tôi niêm phong theo lời thầy phong thủy rồi bố tôi mang đi gửi ở chỗ giữ xương.

Hang động cất xương đầy anh túc vàng, trông rất u ám rùng rợn.

Sau khi tìm chỗ để cất nó, chúng tôi đốt ít giấy tiền, quỳ bái mấy cái rồi vội rời đi.

Phụ nữ chúng tôi về nhà thu dọn, còn bố và chú hai đi lấp mộ, dỡ bỏ lều, gửi lại áo liệm, để sáng mai cả nhà lên đường sớm.

Liên tục hai ngày vất vả trên núi, mọi người đều mệt mỏi, nhất là thím hai sau khi về nhà sàn không ngừng lắc cổ chuyển động cánh tay, than mệt đến mức xương cũng đau nhói như muốn nứt ra.

Vì chuyện khi nãy, mẹ tôi mặc kệ thím hai, cũng bảo tôi tránh xa bà ta.

Buổi tối, chúng tôi nấu chút mì để ăn.

Bố và chú hai ngồi ở mép nhà sàn hút thuốc, cả hai đều im lặng.

Chắc họ đều không ngờ khi mẹ con gặp nhau họ chỉ nhìn thấy một nắm xương tàn.

Mẹ con tôi cũng dựa vào lan can thư giãn, đúng lúc này, hình như có ai đó cất tiếng hát: "Ba cân ba, tro cốt của xác nữ vào núi. Bốn cân bốn, linh hồn của đàn ông bị hút ra khỏi thể xác, kéo về phương Tây."

Giọng hát phiêu diêu như tiếng Miêu, lại có nét như tiếng hát, tiếng hát rõ ràng, còn vang vọng tứ phía.

Tất cả chúng tôi đều nghe thấy, không thể không đứng dậy nhìn xung quanh.

Nhưng khi tiếng hát vang lên, những căn nhà sàn khác trong trại lại nổi tiếng "thùng thùng" nhưng tiếng mõ vừa như xua đuổi, lại như phụ họa.

Thím hai đau đớn xoay xương cổ tay, xoa vai: "Sáng sớm ngày mai chúng ta đi ngay đi, trại Miêu này kỳ lạ quá."

Mẹ tôi thở dài, không muốn nói chuyện với bà ta, kéo tôi về phòng ngủ.

Trại Miêu yên tĩnh chỉ có tiếng côn trùng ếch nhái kêu, hai ngày mệt mỏi, ai cũng dễ dàng chìm vào giấc.

Tôi mơ màng thiếp đi, lần nữa nghe thấy tiếng hát ấy, không thể không đi theo.

Tôi muốn xem ai đang hát bài hát kỳ lạ này.

Nhưng vừa nhấc chân, một người đàn ông mặc áo vàng đột nhiên xuất hiện ngay trước mặt, quát: "Tỉnh lại đi!"

Tôi bừng tỉnh, thấy mẹ mặc áo ngủ đi ra ngoài như mộng du.

Tôi vội kéo mẹ lại, bà nói cũng nghe thấy tiếng hát ấy, muốn đi theo.

Tôi cả kinh, vội kéo mẹ đi tìm bố.

Vừa ra khỏi phòng thì thấy bố và chú hai đang một trước một sau đi xuống.

Tôi và mẹ vội kéo họ lại, tát cho mấy cái.

Sau khi đánh thức họ, còn chưa kịp hỏi thăm, chú hai chỉ ra xa, gọi: "Lương Thần!"

Chúng tôi nhìn theo thì thấy Lương Thần đã đờ đẫn ra ngoài, hiển nhiên là mộng du.

Chúng tôi lập tức đuổi theo cậu ta, nhưng một thanh niên như Lương Thần quá mạnh mẽ, ngay cả khi đang bị mộng du, chúng tôi cũng không thể giữ cậu ta được.

Cậu ta đá những ai kéo giữ mình lại, đôi mắt cứ nhìn chằm chằm về phía những ngọn núi xa xôi, cười một cách kỳ lạ.

Tôi chỉ đành nhặt tảng đá đập vào gáy cho cậu ta tỉnh lại.

Đang nửa đêm lại xảy ra chuyện này, ai cũng hoảng sợ.

Bố và chú hai nâng Lương Thần về nhà sàn, khi tôi và mẹ đi lấy thuốc bôi cho cậu ta, chúng tôi mới phát hiện không thấy thím hai đâu.

Chú hai hét lên, vội về phòng tìm, quả nhiên không thấy!

Chú lập tức đi gọi bố rồi đi nhờ người trong trại.

Cơn mộng du đó xảy ra quá kỳ lạ, nhưng tất cả chúng tôi đều bị thì có nghĩa đó không phải mộng du.

Bố tôi không nghĩ nhiều, bảo tôi và mẹ ở lại chăm sóc Lương Thần, tuyệt đối không được ra ngoài, ông và chú hai đi tìm người giúp đỡ.

Người dân trại Miêu đơn thuần, nhiệt tình hiếu khách.

Một lúc sau, rất nhiều thanh niên trai tráng đã tụ lại, cầm đuốc và đèn pin đi tìm thím hai.

Mẹ con tôi đứng trên nhà nhìn dòng người hối hả, cứ cảm thấy bài ca dao ấy xuất hiện quá đáng ngờ.

Đúng lúc này, bà lão bắt gặp Lương Thần đập chum vại bỗng xuất hiện dưới nhà sàn, quỳ lạy bãi cỏ nơi tôi đặt ếch vàng, miệng lẩm bẩm gì đó.

Lúc này tôi mới nhớ đến người đàn ông mặc áo vàng trong mơ.

Tôi lật đật chạy xuống nhà sàn, định hỏi, nhưng bà lão vừa thấy tôi thì tía mặt, vội đứng dậy, run rẩy bỏ chạy.

Bây giờ đã là nửa đêm, bên ngoài không có đèn đường, tôi không dám đuổi theo, mẹ tôi ở trên cũng bảo tôi mau quay lại.

Tìm thím hai cả đêm, sau khi trời sáng, bố và chú hai mới cùng người dân nâng thím hai nằm trên cán về.

Bà ta được tìm thấy trên vách đá trong núi.

Quần áo vẫn còn nguyên vẹn, tóc tai không rối bù, cũng không có vết thương.

Nhưng cơ thể lại mềm nhũn nằm trên cáng cứ như một người không xương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro