16.1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông ngoại tôi cười chết. Ông ngoại ở trên từ đường bị người ta chọc cười, há miệng cười to, cứ thế qua đời.

Miệng ông vẫn cứ há to, có làm cách nào cũng không khép lại được.

Dù có ép buộc khép lại thì cũng bật ra.

Hai mắt thì trợn tròn như ếch.

Nói là cười chết, tử trạng lại cực kỳ khủng bố.

Đạo công trong làng nói ông ra đi quá đột ngột, không có người thân ở bên, không thể thanh thản trút hơi thở cuối cùng.

Dưới quê có một quy tắc, đó là người già trước khi chết phải được gặp người thân, nếu không sẽ chết không nhắm mắt.

Ông ngoại khi còn sống rất đề cao quy tắc, e là có di ngôn chưa kịp nói, thế nên mới trừng mắt há mồm.

Do vậy tất cả người thân cùng huyết mạch phải túc trực bên linh cửu bảy ngày, khóc lóc đưa tang mới có thể để ông yên tâm ra đi.

Đạo công sợ chúng tôi không đồng ý, nói lúc túc trực bên linh cữu, biết đâu ông ngoại sẽ về báo mộng dặn dò gì đó.

Tổ tiên của ông ngoại là địa chủ, từng đi học trường tư, sau khi có cải cách ruộng đất đã chủ động giao nộp tất cả đất đai, chỉ còn lại nhà tổ.

Dù chỉ là một tứ hợp viện cũ kỹ nhưng cũng đủ cho cả nhà bình yên sống qua ngày.

Ở làng ông ngoại là người đức cao vọng trọng, thậm chí từ đường nhà họ Thích là do ông ngoại tu sửa.

Đừng nói là ngày xưa, kể cả bây giờ trong thôn chỉ cần có tranh chấp đều sẽ tới tìm ông ngoại để xét xử công bằng.

Trong làng có lời đồn nhà tổ của gia tộc họ Thích có rất nhiều kho báu, thế nên trước đây mới chủ động giao đất đai chỉ vì giữ lại căn nhà.

Ông ngoại ra đi quá đột ngột, chưa kịp nói kho báu cất giấu ở đâu, nghe đồn chỉ cần tìm được một món cũng đủ mua nhà trên thành phố.

Tất cả tài sản này không đến lượt mẹ con tôi.

Ông ngoại có tổng cộng ba đời vợ, tất cả đều đã ra đi.

Mẹ tôi là con gái ông ngoại có năm sáu mươi tuổi, có sáu anh trai, bốn người trước không cùng một mẹ, tình hình cực kỳ phức tạp.

Sau khi tôi chào đời, bố mẹ đều làm ăn ở bên ngoài, tôi do một tay ông ngoại nuôi lớn.

Thế nên nhận được tin ông ngoại qua đời, dù nhóm cậu cả than vãn túc trực bên linh đường bảy ngày quá lâu, bảo chỉ về trước một ngày đưa tang, nhưng mẹ con tôi vẫn vội trở về.

Muốn liệm phải có mặt tất cả người thân, thời điểm chúng tôi trở về vẫn còn hai người cậu chưa đến, di hài của ông ngoại vẫn để ở sương phòng nhà tổ.

Hai mắt ông trắng đục mở to như cá chết, miệng thì há to cứ như khóe miệng có thể sẽ rách bất cứ lúc nào, yết hầu thì như như cái động đen không đáy, hai tay không khốc, các ngón tay cuộn chặt, ngay cả ngón chân cũng thế.

Nhìn qua không giống cười chết, cứ như chết rất đau đớn.

Ông ngoại trong trí nhớ mặt mũi rất hiền lành.

Nhìn bộ dáng dữ tợn này, tôi suýt chút không nhận ra.

Vào thu, thời tiết không quá nóng, nhưng miệng cứ há to như vậy, thỉnh thoảng vẫn có ruồi bọ bay vào, còn có những con sâu nhỏ.

Dù trong phòng có đốt nhang thì khắp nơi vẫn có mùi tanh tưởi không thể hình dung được.

Mợ cả hơn bảy mươi tuổi đeo khẩu trang, cầm vợt điện đuổi muỗi.

Thấy mẹ con tôi về, bà ta liền nhét cây vợt điện vào tay tôi: "Uyển Uyển về rồi à, ông ngoại cháu thương cháu nhất, mợ với mẹ cháu vào buồng trong thương lượng với các cậu của cháu. Vợt điện này hết điện rồi, bên kia còn dư một cái, cháu đổi dùng đi. Nhớ canh chừng nhang, không được để nhang tắt." Nói tới đây, mợ cả lại xỉa xói, "Cháu không thể vì mình mang họ Viên mà mặc kệ việc hương hỏa của nhà họ Thích được, ông ngoại cháu thương cháu từ nhỏ, cháu phải chăm sóc ông mình cho tốt đấy!"

Lời này rõ ràng là muốn ám chỉ tôi không phải người nhà họ Thích, đừng hòng có suy nghĩ chiếm lấy tài sản không thuộc về mình.

"Chị dâu." Mẹ tôi vội gọi bà ta.

Mợ cả chỉ ừ một tiếng, liếc nhìn mẹ tôi: "Sao hả, con tôi còn hơn mẹ nó mười tuổi, tôi không nói nó được sao!"

Mẹ tôi chỉ đành nói tôi đừng sợ, cầm vải trắng che di hài, không cho tôi nhìn ông ngoại nữa, sau đó mới cùng mợ cả vào buồng trong.

Mợ cả cười ha ha: "Che lại làm gì, phiền phức!"

Nhưng bà ta lại không nói tại sao, chỉ cười cười nhìn tôi rồi xoay người bỏ đi.

Trong sương phòng này tràn ngập mùi tanh tưởi, hơn nữa ruồi muỗi bay lung tung, những người khác đều đến đây vì cái gọi là kho báu, có lẽ là đang thương lượng xem sẽ chia thế nào.

Không ngờ chỉ mới một ngày mà đã có nhiều ruồi muỗi như vậy.

Tôi lấy khẩu trang trong túi ra, vừa đốt vàng mã vừa cầm vợt điện đuổi muỗi.

Nhưng sau một lúc, dưới tấm vải trắng bỗng có tiếng vo ve, thỉnh thoảng còn có thứ gì đó cử động.

Cứ như ông ngoại cởi bỏ áo liệm, lén nhìn ra ngoài.

Hơn nữa ngoài tiếng vo ve, dưới tấm vải còn tiếng vọng ra từ yết hầu của ông ngoại cứ như ông bị mắc đờm, hoặc là đang cố nói gì đó.

Tôi đang ngồi bên chậu than cũng sợ đến tóc gáy dựng thẳng.

Lúc này tôi mới hiểu tại sao mợ cả lại nói phiền phức.

Vốn tưởng ruồi muỗi là từ bên ngoài tới, nhưng với tình hình này, chúng là từ trong miệng ông ngoại bay ra!

Nhưng một người vừa chết sao có thể có ruồi muỗi từ trong cổ họng bay ra được?

Mắt thấy ruồi muỗi ngày càng nhiều, bên trong thì có tiếng thét chói tai của mợ cả và tiếng mợ năm châm chọc khiêu khích, đoán chừng sẽ không ai để ý tới mình, tôi đi đổi vợt điện, cầm cây nhang, cẩn thận mở vải trắng ra, quơ vợt điện bên ngoài cái miệng há to của ông ngoại.

Tiếng điện giật kêu lên liên tục, dù cách lớp khẩu trang, tôi vẫn có thể ngửi thấy mùi hôi thối khiến người ta phải buồn nôn kia.

Tôi nhân cơ hội này quan sát miệng của ông ngoại.

Không có răng.

Ngay cả đầu lưỡi hình như cũng không có, nhưng lại không có vết thương, cứ như cả cái lưỡi đều thụt vào trong.

"Miệng không răng, lưỡi giết người. Bụng đầy kinh luân, đều như ruồi muỗi hút máu." Ngoài cửa sổ đột nhiên truyền đến giọng của một người đàn ông.

Tôi giật mình suýt chút làm rơi vợt điện xuống mặt ông ngoại, vội ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ.

Đó là một thanh niên bụi tóc mặc đạo bào rộng thùng thình, lông mày sắc bén, ánh mắt sáng như sao lạnh lùng nhìn lướt qua di hài của ông ngoại.

Anh ta nói với tôi: "Cô không phải người họ Thích, thấy cô cũng lương thiện, tôi nhắc nhở cô một câu, mau chạy đi. Nếu người nhà họ Thích bảo cô ra đầm Tẩy Trinh múc nước, tuyệt đối không được đi."

Đầm Tẩy Trinh là một cái đầm nước sâu rộng khoảng mười thước vuông ở cạnh làng.

Gọi nó là Tẩy Trinh vì nghe đồn trước đây nữ tử bất trinh sẽ bị nhốt trong lồng heo rồi dìm mình xuống đó.

Mới trước đây, trong làng không có nước sinh hoạt, không phải nhà nào cũng có giếng, một vài người vợ lười đi xách nước, những ai đến đầm Tẩy Trinh giặt quần áo hay rửa rau củ đều sẽ vô tình rơi xuống chết đuối.

Khi vớt lên, trên chân không phải có dấu tay thì là bị thủy sinh đen kịt hoặc dây thừng quấn lấy.

Nghe đồn là do cô gái bị nhốt trong lòng heo biến thành ma nước tìm thế thân.

Bây giờ nhà nào cũng có nước sinh hoạt, sao phải ra đó lấy nước?

Miệng không răng, lưỡi giết người...

Đây không phải lời hay.

Tôi không khỏi cúi đầu thoáng nhìn cái miệng há to của ông ngoại, đang muốn hỏi thanh niên đạo sĩ kia đây là chuyện gì thì anh ta đã biến mất.

Đúng lúc này, mợ cả và những người khác quay lại.

Tất cả cậu đều đã có mặt đông đủ, đạo công nói cái chết của ông ngoại không tốt, không thể để thi thể ở ngoài quá lâu, phải nhanh chóng liệm nhập quan.

Cái miệng kia vẫn thu hút ruồi muỗi bay tới, e là do oán khí của người chết rất nặng, phải tìm cách bịt miệng trước.

Còn mắt thì chỉ cần đặt hai đồng xu che bên trên là được.

Nhưng cái miệng há to kia có dùng cách nào cũng không thể khiến nó khép lại, cho dù dùng sức, một lúc sau nó cũng sẽ bật ra.

Đạo công không biết lý do, những người khác cũng không ai hay biết.

Miệng há quá lớn, lấy cái bánh mỳ cũng tắc không hết, ruồi muỗi từ bên trong bay ra.

Cuối cùng đạo công nói trực tiếp bẻ cằm ông ngoại mới buộc cho cái miệng khép lại.

Nhưng miệng vẫn có khe hở, vẫn có ruồi bọ bay ra.

Hai con mắt lồi của một con ruồi đột nhiên xuất hiện, rồi nó dần chui ra ngoài, phát ra âm thanh vo ve, phản chiếu đôi mắt của ông ngoại, trông rất đáng sợ.

Cuối cùng chỉ còn cách lấy băng keo trong suốt dán miệng lại, lúc này mới không còn ruồi bọ bay ra.

Xong xuôi, lúc này mới lau người mặc áo liệm.

Việc này cần người thân làm.

Ông ngoại gần trăm tuổi mới qua đời, khi còn sống đức cao vọng trọng, sáu con trai một con gái, con cháu đầy đàn, tuy cái chết có hơi không khó xem nhưng vẫn tính là hỉ tang.

Áo liệm mặc ông là loại thêm tài thêm thọ.

Mợ cả liếc nhìn tôi, ý là không cho tôi nhúng tay vào.

Tôi muốn lui ra ngoài thì đạo công bỗng hỏi: "Viên Uyển còn là đồng trinh đúng không?"

Tôi sửng sốt.

Đã là thời đại nào rồi mà còn quan tâm con gái đồng trinh hả?

Tôi theo bản năng nhớ đến việc đạo sĩ thanh niên kia nhắc tới đầm Tẩy Trinh.

Đạo công nói: "Đúng lúc ông ngoại cháu trăm tuổi hỉ tang, nhưng di hài lại không sạch sẽ. Cháu cầm xô gỗ ra đầm Tẩy Trinh múc hai xô nước về dùng để lau người cho ông mình đi. Nhớ là không được để người khác làm giúp, trên đường trở về, nước cũng không thể rơi xuống đất."

Tôi híp mắt, lòng có dự cảm chẳng lành.

Mẹ tôi muốn lên tiếng từ chối thì mợ cả đã xen vào: "Sao hả, con bé do một tay ông cụ nuôi lớn, đồ ăn đồ dùng đều là ông cụ cho. Bây giờ kêu nó đi xách nước lau người cho ông cụ cũng không được sao? Đâu phải bắt con bé làm việc gì nặng đâu, chút việc này cũng không muốn làm. Hừ!"

Lúc bà ta hừ lạnh, lỗ mũi mở to, có con muỗi nhỏ bay và.

Bà ta vội hắt xì, mắng xui xẻo.

Những người khác cũng nhìn về tôi.

Hai người cậu mà tôi thân cũng khuyên tôi lau người cho ông ngoại trước, còn bảo anh họ đi giúp tôi, bảo là nếu cơ thể của ông ngoại không sạch sẽ, chôn cất trong phần mộ tổ tiên sẽ không tốt cho phong thủy của nhà họ Thích.

Lúc này ngay cả mẹ tôi cũng bị thuyết phục.

Tôi bắt đầu cảm thấy có chỗ không đúng, nhưng nhớ lại ông ngoại từng tốt với mình thế nào, tôi chỉ đành gánh đòn gánh đến đầm Tẩy Trinh.

Dù đã có biện pháp đề phòng việc đuối nước nhưng những năm gần đây thỉnh thoảng vẫn có người chết đuối trong đầm Tẩy Trinh.

Xung quanh toàn là biển báo và hàng rào.

Hai người anh họ đi cùng sợ tôi ngã xuống, lúc tôi muốn nước, bọn họ một trái một phải kéo góc áo của tôi.

Đầm này không lớn, nước rất trong, bên cạnh có dải tảo xanh biếc.

Khi múc nước, nước thoáng gợn sóng, hàng tảo đung đưa như những sợi tóc bay bay.

Tảo rất nhiều, mỗi lần múc nước tôi đều phải dùng tay đẩy ra.

Đạo công đã dặn ngoại trừ đồng trinh là tôi, trước khi về nhà, những người khác không được đụng vào, thế nên chỉ có mình tôi làm việc.

Tay đưa vào nước, dòng nước lạnh thấu xương, đám tảo lập tức cuốn lấy.

Toàn thân tôi vô cớ căng cứng, lồng ngực khó chịu, đột nhiên không thể hít thở, cả người như bị t ảo quấn lấy.

Cảm giác này cực kỳ khó chịu, tôi cố nén bả vai nặng trịch, rút tay về.

Đòn gánh không biết đã bỏ không bao năm, vừa gánh nước lên, đòn gánh liền phát ra tiếng vang khanh khách như ai đó đang cười, lại như đang khóc.

Càng gần về đến nhà, hai xô nước ngày càng nặng, đòn gánh cũng ngày càng thấp.

Bả vai vừa nóng vừa rát, tôi chỉ đành liên tục đổi từ vai trái sang vai phải, rồi ngược lại.

Đến nhà, hai bả vai đều đã sưng lên.

Đưa nước xong, tôi không còn việc gì phải làm nữa, mọi người sợ tôi cướp tài vận nên không cho tôi tham dự buổi liệm.

Ngay cả mẹ tôi cũng bị họ lấy cớ kiểm tra vai cho tôi mà bị đuổi ra ngoài.

Mẹ tôi không quan tâm, dùng dầu hoa hồng giúp tôi bóp vai, an ủi tôi đừng nghĩ nhiều, chúng tôi về chỉ để tiễn ông ngoại đoạn đường cuối thôi.

Liệm xong rồi nhập quan, kế đến là dựng linh đường.

Đạo công yêu cầu chúng tôi túc trực khóc tang, còn dạy chúng tôi phải khóc thế nào.

Đại khái là khi ông ta dừng khua chiêng gõ trống, chúng tôi sẽ bắt đầu khóc, càng to càng tốt.

Việc này đừng nói là thế hệ chúng tôi, mẹ tôi và mấy mợ nhỏ đều không làm được.

Chỉ có mấy mợ lớn xuất hiện trong trường hợp này khóc cực kỳ thương tâm, thậm chí còn vừa khóc vừa than vãn.

Ngày đầu tiên bày linh đường không cần canh giữ cả đêm.

Tới nửa đêm, chỉ cần vài người túc trực bên linh đường, những người khác có thể đi ngủ.

Mẹ tôi và hai người cậu thân thiết thảo luận.

Bả vai tôi quá đau, không ngủ được.

Ở trong nhà tổ luôn khiến tôi nhớ đến câu chuyện ông ngoại kể mình nghe lúc còn nhỏ.

Khi đó hầu hết thời gian ông ngoại đều dạy tôi luyện thư pháp, thổi sáo hoặc chơi đàn nhị.

Đến mùa hè, tôi ngồi bên giếng tận hưởng không khí trong lành, ông ngoại sẽ cầm quạt quạt cho tôi, nhìn tôi gặm dưa hấu, còn hay càm ràm nói ăn đồ lạnh không tốt.

Đang nghĩ ngợi, tôi đã vô tình đến cái giếng sau nhà tổ.

Từ xa, tôi thấy đạo công đứng đó.

Ông ta cũng đã tám mươi tuổi, gia đình mấy đời làm đạo công, trẻ con nào trong làng khó nuôi đều nhận ông ta làm cha nuôi.

Tôi có mấy người cậu cũng nhận ông ta làm cha nuôi, tôi cũng phải gọi ông ta là ông.

Trong làng ngoại trừ ông ngoại thì ông ta là người có danh vọng nhất.

Thế nên trong lễ tang của ông ngoại, ông ta nói gì, không ai dám hai lời.

Tôi định gọi ông ta, thì lại thấy đạo công quay đầu, há miệng, mở to mắt nhìn về phía tôi.

Tôi thắc mắc không biết có phải ông ta không nhìn rõ nên mới mở to mắt như vậy không, vội gọi: "Đạo công, là cháu Viên Uyển đây."

Tôi vừa dứt lời, đạo công liền tỏ ra hưng phấn, cái miệng càng lúc càng mở lớn khiến cả khuôn mặt biến dạng, để lộ hàm răng giả và nướu đỏ tươi.

Ông ta vỗ mạnh ngực mình như đang bị nghẹn.

Nhớ đến ông ngoại cũng vì vậy mà qua đời, tôi vội chạy tới, muốn gọi người giúp đỡ.

Nhưng cánh tay đột nhiên bị ai đó kéo lấy ôm tôi vào lòng, một bàn tay bịt kín miệng tôi: "Không được qua đó, ông ta đang trút hơi thở cuối cùng, ai qua đó sẽ chết."

Gương mặt đạo công lúc này vặn vẹo, hai mắt kinh hãi trợn to, miệng há hốc nhưng cái lưỡi không ngừng rút vào trong cổ họng.

Cổ họng ông ta như bị nghẹn lại, cứ phát ra tiếng lạch cạch, sau đó biến thành tiếng vo ve, miệng đầy ruồi muỗi giống như ruồi muỗi muốn ra khỏi tổ đồng loạt bay ra ngoài.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro