giải thích.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

xin chào mọi người, mình là justseventh_, mình đã end 'tàn canh' khá lâu nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài bạn ib hỏi mình về diễn biến và dòng thời gian trong truyện, chắc vì cách hành văn của mình khó hiểu quá nên giờ mình up cái này tóm tắt và giải thích cho mọi người để mọi người có trải nghiệm tốt hơn nha.

1. dòng thời gian

như phần mở đầu 00; đêm nay rực rỡ ánh đèn lồng đã giới thiệu khái quát về bối cảnh diễn ra tại một ngôi làng nhỏ nằm ở phía đông đầm Xác Cáo tên là Yên Hà, các bạn có thể hình dung có hai dòng thời gian được nhắc đến. dòng thời gian thứ nhất là những gì diễn ra xuyên suốt từ chương 01 đến chương 19 không tính ngoại truyện.

dòng thời gian thứ hai các bạn để ý kĩ mình có nhắc đến, đó là sau này ở kinh thành có người lưu truyền câu chuyện cho hậu thế.

vậy nên để dễ hiểu, những gì các bạn đọc là những chuyện xảy ra ở quá khứ một thời gian sau được người khác kể lại và phổ biến rộng rãi.

2. chuyện gì đã xảy ra trong 'tàn canh'?

- đầu tiên mình chọn Tâm là nhân vật dẫn chuyện, theo chân Tâm, câu chuyện mở đầu vào mùng 1 đêm trăng non tháng Giêng, tức là đêm thần về. làng Yên Hà thờ tự một vị thần trong đền thờ cuối làng, đây là người đã chỉ dạy cho người trong làng cải tiến lụa bằng cách nhuộm lụa bằng thứ nước đỏ. từ đó mà lụa Yên Hà mới trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến.

- nói là thờ nhưng không ai trong làng biết rõ họ đang thờ ai, hay thứ gì vì bức tượng thần luôn được che đậy kín kẽ, ai có ý định lật giở tấm màn che thì đều sẽ bị thần phạt. thêm nữa thì từ ngày thờ vị thần này thì người dân không thể bước ra khỏi làng được nữa, trừ một số người được thần chọn để hầu thần vào những ngày thần về, tức là những người phải dâng lễ vật lên thần.

* Thôi gia là ai?

- Thôi gia là một dòng họ có địa vị trong làng, trước đây Thôi lão gia là người đứng đầu Thôi phủ, sau này khi ông chết đi, Thôi thiếu gia mới lên nắm quyền hành.

vậy Thôi gia từ trước tới giờ bao gồm những ai?

- Thôi lão gia

- bà hai

- bà ba

- Thôi thiếu gia (cậu hai): Thôi Nhiên Thuân - con trai cầu tự duy nhất của ông Thôi và bà hai, chính thất của ông.

- Thôi Tú Bân (cậu ba) - con riêng của ông Thôi và cô đào của một gánh hát lang bạt đến Yên Hà.

- bà Thanh (quản gia)

- hai cô gái Tâm và Yên: hai người con gái có sinh thần bát tự thuần âm được ông Thôi tìm và mang về, có trọng trách hầu hạ thần và thiếu gia, sau này còn có trông coi đền thờ.

cuối cùng là Khuê, một đứa trẻ được ông Thôi mang về vào một ngày mưa tầm tã, đứa trẻ khiến cho Thôi Tú Bân khiếp sợ ngay từ lần chạm mặt đầu tiên. Khuê được ông Thôi cũng như người trong làng xem như một cái vỏ để thỉnh thần linh nhập vào truyền dạy cách thức làm ra lụa đỏ, vào những ngày không phải đêm trăng tháng Giêng hay tháng Bảy thì Khuê chỉ là một cái xác không hồn không hơn không kém.

3. 'thần' thực chất là thứ gì?

ở phần mở đầu mình có nhắc đến truyền thuyết về một con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, thêm vào một số tình tiết nhỏ được cài cắm, thì các bạn có thể nhận ra vị thần ở đây chính là con cáo trắng.

vì sao cáo trắng lại xuất hiện ở Yên Hà?

bởi vì năm xưa khi bị Lạc Long Quân đuổi giết, con cáo trắng chạy ngang vùng đất này bị Lạc Long Quân dùng kiếm chém đứt một đuôi, một đuôi này tượng trưng cho một phách của con cáo. vạn vật sinh ra đều có hai phần hồnphách, nên cho dù sau khi bị Lạc Long Quân giết, xác bị thú hoang xé xác, hồn phách tiêu tan ngấm vào bên dưới đầm Xác Cáo thì một phách của nó vẫn còn tồn tại. qua mấy trăm năm từ nơi đó mọc lên một cây đa, rễ của cây đa đâm sâu vào lớp đất, giam cầm đoạn phách này không thể thoát ra bên ngoài.

gã thầy bói, hay, gã phù thủy, chính là người đã đắp nặn nên thân xác mà sau này gọi là Khuê, vì gã đã dùng bùn đất từ đầm Xác Cáo nên tàn hồn của con cáo nhập vào trong xác, mỗi khi đến đúng ngày, đoạn phách bị vùi dưới  cây đa được ánh trăng mang âm khí soi rọi sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, nó tìm lại về với hồn của mình trong thân xác của Khuê, nhưng không thể ở lại lâu, đó là lí do mà Thôi Nhiên Thuân muốn tìm người chặt cái cây đi để giải thoát cho đoạn phách hợp làm một với phần hồn, và chỉ có gã phù thủy mới có thể làm được chuyện này.

gã phù thủy có thể nhìn thấy trước tương lai, cho nên gã giúp ông làm mọi cách để cho lụa Yên Hà trở nên nổi tiếng, gã biết được dưới làng Yên Hà có đoạn phách của con cáo nên đã đưa cái xác trống rỗng cho ông và bắt buộc ông cùng người trong làng phải thờ phụng nó như một vị thần, vậy thì nó mới đáp ứng nguyện vọng của bọn họ.

mục đích của gã không phải giúp đỡ, mà là gã chỉ muốn đến Yên Hà để bắt hồn của bà hai vừa mới chết không lâu, vì đó là người mà gã yêu, và gã cũng căm thù Thôi gia đã cướp người này khỏi gã. vậy nên gã mới làm ra tất cả những chuyện này.

4. thân phận thật sự của Khương Thái Hiền.

Khương Thái Hiền sở hữu  hai con ngươi khác màu nhau, y xuất hiện không rõ lai lịch, chỉ biết mỗi khi y đến là làng Yên Hà sẽ có chuyện, và nó ảnh hưởng rất lớn tới Khuê.

ở những chương cuối, qua những lời đối đáp giữa y và Khuê thì có thể biết mối liên hệ duy nhất của cả hai là năm xưa khi Lạc Long Quân đánh nhau với cáo trắng, y đứng từ xa quan sát tất cả, khi đến Yên Hà y có mang theo một cái giỏ mây đeo sau lưng, trong đó chính là thanh kiếm mà Lạc Long Quân đã dùng để giết cáo, cho nên mỗi khi thấy y Khuê đều có cảm giác vừa quen vừa sợ là vì thanh kiếm này.

Khương Thái Hiền từng phủ nhận mình là vị đức thánh, bởi y chỉ là con trai của Lạc Long Quân, mục đích của y đến đây là để trả lại mọi thứ về đúng trật tự, đúng với lẽ trời. thần ra thần, quỷ ra quỷ chứ không để quỷ mang danh thần linh để lợi dụng con người.

5. mối quan hệ giữa Thôi Nhiên Thuân và Khuê.

tình yêu của cả hai trong truyện không được miêu tả rõ ràng, bởi nó không phải thứ mà mình muốn nhấn mạnh, vậy nên các bạn có thể xem đó là yêu, là tín ngưỡng, là khao khát, là bất cứ tính từ, động từ nào mà các bạn có thể nghĩ ra. Thuân xem Khuê là thần của hắn, cũng là thần của Thôi gia, thần của Yên Hà, cho nên dù biết được thân phận cũng như những chuyện xấu Khuê làm thì đối với hắn không quan trọng.

ở ngoại truyện, Thuân từng nói khi hắn đã trở thành một linh hồn trôi nổi, rằng hắn cũng muốn yêu Khuê như một con người bình thường, không phải quỷ, càng không phải thần. chỉ đơn giản là Khuê, là đứa trẻ có đôi mắt hoa đào đẹp đến mức khiến hắn ngơ ngẩn, khiến đời này hắn nguyện đắm chìm không lối thoát.

còn với Khuê thì sao, em có yêu hắn không hay chỉ muốn lợi dụng hắn để được người dân làng Yên Hà cung phụng như một vị thần?

câu trả lời, chắc chắn là có.

nhưng tình yêu của Khuê không giống với Thuân, nó không điên cuồng, không kiểm soát, đó là một tình yêu nhen nhóm trong suốt khoảng thời gian hắn làm mọi cách biến em trở thành một vị thần thật sự. đó không phải sự biết ơn, ma quỷ không bao giờ biết ơn, tình yêu của Khuê là dục vọng ích kỷ, điều được em đặt lên trên cả là làm sao để thành thần, kế đến, mới là Thôi Nhiên Thuân.

6. tóm tắt.

vậy tóm gọn lại ở đây, làng Yên Hà thờ tự một vị thần, mỗi năm hai lần thần sẽ về để biến các lễ vật được dâng lên thành nước nhuộm lụa, thứ gọi là nước nhuộm thực chất là máu thịt của con người được nung trong cái vạc lớn phía sau Thôi phủ, sau này người dân biết được nhưng vẫn làm vì khi này lụa Yên Hà đã quá nổi tiếng, mang về cho họ vàng bạc của cải nên dù trái với luân thường đạo lý, họ vẫn ra khỏi làng để mang lễ vật về dâng lên thần.

người nói cho họ biết điều này chính là Thôi lão gia, và từ đó có một quy định được đặt ra nếu gia đình nào được chọn hầu thần thì phải dâng lễ vật lên vào thời gian được quy định, và không ai có thể rời khỏi đây trừ người đi tìm lễ vật, dù có trốn cũng sẽ bị thần tìm thấy và trừng phạt.

vị thần này là hồn phách của con cáo trắng năm xưa bị Lạc Long Quân giết chết, nhờ được gã phù thủy đắp nặn thân xác mà có thể sống lại với tàn hồn không nguyên vẹn. Thôi Nhiên Thuân luôn cho người tìm kiếm gã phù thủy để gã làm phép đốn ngã cây đa cạnh đền thờ giải thoát cho đoạn phách bị giam cầm bên dưới gốc rễ.

Khương Thái Hiền là con trai Lạc Long Quân, chuyện y xuất hiện không ai lường trước được, y mang những cơn mưa đến để gột rửa vùng đất bị máu tanh vấy bẩn, cơn mưa này chứa máu rồng nên yêu quỷ như Khuê bị ảnh hưởng rất nặng, vậy nên cả Khuê và Thuân mới bắt người trong làng rút hồn của họ để gia tăng âm khí cho Khuê, đó là lí do vì sao người trong làng sau khi mất tích trở về đều như những cái xác không hồn.

gã phù thủy sau khi đến đây đã làm phép để cho cây đa càng lúc càng mục rữa, vì chỉ có như vậy thì những gốc rễ trói buộc đoạn phách kia mới tàn lụi, Khương Thái Hiền biết tất cả mọi thứ, nhưng y không ngăn cản, bởi y có nguyên tắc, ai làm sai thì phải đền tội, cái chết của Yên là mồi nhử để con cáo lộ diện bản chất và nguyên hình của nó.

cùng với chi tiết con mắt của Khương Thái Hiền lăn đi khắp làng, nó tái hiện lại tất cả những gì đã diễn ra trong suốt hai mươi năm nay ở làng Yên Hà. người ta giết chóc lẫn nhau, lừa lọc nhau, giẫm đạp lên nhau, biến nhau thành lễ vật dâng lên thần để đổi lại vàng bạc, tiền tài hay danh tiếng, đó là cách Khương Thái Hiền định tội mỗi con người nơi đây, nhưng y cũng là thần, cũng có lòng thương xót, cho nên những ai dù biết chuyện nhưng hai tay chưa nhuốm máu, y sẽ tha tội chết cho họ.

cuối cùng, Tâm và Bân là hai trong số những người còn sống sót khi làng Yên Hà bị cháy rụi, từ đây thì mọi người có thể đoán ra người kể chuyện ở kinh thành là ai. đó là Thôi Tú Bân và Tâm, Bân đã từng nói nếu anh có thể thoát khỏi Yên Hà, anh sẽ mang câu chuyện về những áng lụa nhuộm đỏ bởi máu thịt con người lưu truyền khắp nhân gian, để người đời nhận ra, là thần hay là quỷ đều không phải thứ bản thân mỗi người có thể tự phân định.

tàn canh thực chất là gói gọn của những dục vọng mà con người nào cũng có, dù ít hay là nhiều. ám ảnh về đồng tiền, về những dối trá con người đối đãi với nhau, về tình yêu biến chất, về vọng tưởng cao xa, về khát khao tự do vượt ra bên ngoài vùng đất nhỏ bé. và, về luật nhân quả.

7. ý nghĩa của cái tên 'tàn canh'.

tàn canh có nghĩa là gần hết đêm, hay đêm về sáng.

ở ngoại truyện, mình dùng hai câu để kết lại toàn bộ câu chuyện "Tàn canh, nắng lên, trời hửng sáng. Một triều đại mới lại bắt đầu."

nếu mọi người để ý, màu sắc và không khí trong truyện luôn là 'xám xịt', 'đen đặc', 'đặc quánh', việc yêu quỷ bị trừng trị cũng như việc bóng tối phủ lấy nơi này cuối cùng cũng tan biến đi, một triều đại mới lại khởi đầu như cách ánh nắng ló dạng, như cách trời hửng sáng, như cách một đêm dài cuối cùng cũng kết thúc.

à còn có một chỗ nữa, là khúc 'vị đế vương trẻ tuổi không ngừng khai hoang bờ cõi', thiệt ra cái này là chi tiết mình thêm vào vì mình thích thôi, vị đế vương này là nhân vật bên một bộ truyện khác của mình, nếu mọi người đã đọc bộ đó sau khi đọc tàn canh thì có thể sẽ biết đó là ai:)))))

chỉ vậy thôi, đúng ra mình nên up phần giải thích này sau khi end fic nhưng mình lại quên mất, gần đây đọc cmt thấy nhiều bạn không hiểu mình thấy có lỗi quá. xin lỗi mọi người nhiều nha TvT

#just


















Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro