07;

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Yên Linh và Hoài Tâm không phải chị em ruột. Hai chị em đều được ông Thôi mang về sau khi đã trả cho gia đình một số tiền ngoài sức tưởng tượng, chị Linh đến Thôi gia trước, hai ngày sau thì Hoài Tâm mới đến.

Lúc đó Hoài Tâm mới có năm tuổi không hiểu sao mình lại được đưa đến đây, nó vốn sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, cuộc sống ở nhà cũng không tốt đẹp gì, nó cảm thấy mình đi đâu cũng được nhưng nó thật sự thắc mắc, rốt cuộc Thôi gia cần nó để làm gì mà ông Thôi đã phải đích thân đến nhà đưa tiền cho cha mẹ rồi dẫn nó đi?

Lúc nó hỏi, ông chỉ cúi xuống nhìn nó rồi mỉm cười, nói rằng từ đây, nó sẽ là người hầu của thiếu gia.

Nó được sắp cho ở gian phụ cạnh bếp, đó cũng là nơi Thôi Tú Bân ở trước đây, bây giờ lại có thêm hai người khác, Yên Linh bằng tuổi anh, chị có mái tóc dài và nước da cháy nắng, Hoài Tâm nhỏ hơn hai người bốn tuổi.

Đêm đó cả ba cứ ngồi nhìn chằm chằm nhau, cuối cùng mới nói một vài câu, mong rằng sau này sẽ chung sống với nhau thật hòa hợp.

Chị Linh hỏi anh thiếu gia là người như thế nào, anh không đáp, chỉ nói họ sẽ sớm biết thôi, còn dặn dò thêm ở trong cái làng này thì cứ làm đúng những công việc được giao, ngoài ra thì càng ít tò mò, cuộc sống sau này có khi sẽ yên ổn hơn.

Mới đầu hai người còn không hiểu nhưng rồi ngày qua ngày, những điều mơ hồ càng trở nên rõ ràng. Khác với Thôi Tú Bân chỉ hầu hạ một mình Thôi Nhiên Thuân thì cả hai chị em vừa phải hầu hạ hắn, vừa phải hầu hạ cả người con nuôi kia nữa.

Tính tình Thôi Nhiên Thuân thật sự rất xấu, hắn luôn coi bản thân mình là nhất và không bao giờ có ý định đặt bất kì ai khác vào trong mắt, có chăng chỉ một mình Thôi Phạm Khuê được hắn ưu ái mà đối đãi dịu dàng hơn.

Ai cũng thấy rõ thái độ khác thường ấy của hắn, nhưng nói ra nếu bọn họ sợ hắn một, thì lại sợ cậu Khuê gấp vạn lần.

Hoài Tâm bằng tuổi với cậu Khuê, ngay từ đầu khi nó gặp người này nó đã biết, đây không phải một người bình thường, càng ở gần người này, nó càng cảm thấy kì lạ.

Nó đem chuyện này kể lại với chị Linh và anh Bân vào mỗi đêm khi Thôi phủ đã tắt đèn, Thôi Tú Bân không đáp lời nó, chỉ có chị Linh là cùng nó nói chuyện, ngay cả chị cũng nhận ra có gì đó rất lạ trong căn nhà này.

Tất cả những điều hai chị em nói anh đều biết rõ, và cũng biết cả chuyện đền thờ đang xây ở cuối làng kia sẽ được dùng để làm gì.

Đền thờ được xây rất nhanh, ông Thôi đã cho thuê đến hơn trăm người để gấp rút hoàn thành trong ba tháng, bức tượng vàng ròng cũng được đúc trong khoảng thời gian đó.

Ngày đền thờ được xây xong, bà Thanh gọi hai chị em đến gian chính, đền thờ rất rộng, bên trong được bài trí rất nhiều đồ thờ cúng bằng vàng ròng. Đương lúc mải mê ngắm nhìn, từ sau cánh cửa một người đàn bà trang điểm rất đậm bước ra, bà Thanh nói, bắt đầu từ hôm nay, vị Thanh Đồng (*) này sẽ dạy cho họ cách để chuẩn bị một buổi lễ hầu thần, đó cũng sẽ là một trong những việc mà hai chị em nó phải làm từ nay cho đến hết cuộc đời này.

Lúc bà Thanh đi rồi, Thanh Đồng mới lên tiếng, bấy giờ mới biết, Thanh Đồng trang điểm đậm như vậy nhưng hóa ra lại là đàn ông.

Hoài Tâm không biết hầu thần là gì, chị Linh thì có biết qua đôi chút, chị hỏi Thanh Đồng rằng việc hầu thần này có giống như công việc hầu đồng (**) hay không. Thanh Đồng lắc đầu, nói rằng chuyện này khác, và người đó ở đây chỉ để truyền dạy lại những phép tắc luật lệ cần phải biết khi hầu thần, những chuyện sau này, hai chị em họ ắt sẽ có thể tự mình làm được.

Buổi hầu thần đầu tiên diễn ra vào một đêm trăng non tháng Giêng, Yên Linh và Hoài Tâm đã làm đúng như những gì được chỉ dạy, chỉ có một điều làm chị Linh vẫn luôn thắc mắc, ở đây không có Thanh Đồng, vậy việc này sẽ do ai đảm nhận?

Nhưng rồi khoảnh khắc khi gia nhân của Thôi phủ mang lễ vật đến, cả hai chị em như chết lặng.

Thứ được gọi là lễ vật ấy gồm hai phần, một phần nhỏ được mang đến đền thờ, phần lớn còn lại sẽ được mang đến phủ của Thôi gia để chờ đến ngày làm lễ tiếp theo.

Không chỉ có Yên Linh và Hoài Tâm chết trân tại đó, toàn bộ những người có mặt tại đền thờ đều không hẹn mà cùng nhìn nhau run rẩy, nó cầm cái bình sứ trắng trên tay lặng nhìn thứ chất lỏng đỏ thẫm chảy từ miệng bình chảy vào trong bát, thứ mùi tanh tưởi đó, chính là máu.

Một khắc sau, ông Thôi đi vào đền, tay ông dắt theo một người nữa, người này vận áo tấc đỏ tươi, hoa văn trên chiếc khăn che phủ gương mặt giống hệt với hoa văn trên tấm màn che bức tượng trên cung thờ thần. Bà Thanh thấy ông đến thì mới cho người mang lễ vật lại, chị Linh vén tấm khăn che cái khay lên, sắc mặt chị và bà đều trắng bệch.

Thứ đỏ sẫm ấy, chính là một lá gan.

Máu, lá gan, tất cả đều còn mới, không biết là của thú vật, hay, là của con người?

Hai chị em bủn rủn như chuẩn bị rơi xuống đáy vực sâu. Ấy vậy mà sau này nghĩ lại, mười năm trôi qua, những nghi thức ấy đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc đời của hai người con gái, là những điều mà dù có đến chết cũng sẽ không thể nào quên đi.

Người ta bắt đầu la ó kinh sợ trước những gì mình vừa trông thấy, nói là thần linh nhưng những thứ này, làm sao có thể dâng lên thần?

Rốt cuộc Thôi gia đang bắt ép người ta thờ phụng thứ gì ở trong cái làng này?

Thôi Nhiên Thuân đứng ở trong góc, đầu hắn dựa lên bức tường. Đám người này thật nhàm chán, kì thực hắn cũng có chút nghi ngờ về chuyện cha hắn từng nói, nhưng nếu đã làm được tới đây, tội gì không diễn cho xong vở kịch này rồi muốn mắng muốn chửi chẳng phải đỡ phiền phức hơn hay sao?

Hắn nhìn người đứng trước hương án, trong lòng hơi nhộn nhạo.

"Mày có nghĩ chuyện này là thật không?"

Thôi Tú Bân chỉ nói là có thể, anh cũng không biết rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra, nhưng rõ ràng, người đang đứng đó nào phải thần như lời ông Thôi nói với mọi người.

Chị Linh và Hoài Tâm chỉ biết đứng sau lưng bà Thanh dõi theo tình hình trước mắt.

Người trong làng bắt đầu chất vấn ông Thôi lấy những thứ đó từ đâu, ông không đáp mà còn ngăn không cho bà Thanh chen ngang, rồi khi có người quyết định giật tấm khăn phủ diện của người kia xuống để xem kẻ nào giả thần giả quỷ thì đã ngay lập tức bị ngăn lại. Từng ngón tay thon dài giữ lấy tay của y, móng tay dài màu đỏ như máu ghim sâu vào trong da thịt.

Tiếng chim Lợn kêu lên từng hồi ai oán, cả gian phòng bỗng chốc im bặt, thứ âm thanh duy nhất vang vọng rõ ràng là tiếng máu trượt từ cánh tay người đàn ông nhỏ xuống đất từng giọt, từng giọt.

Ông Thôi nhếch mép, kể từ hôm nay, làng Yên Hà này sẽ bước vào một cuộc đời mới. Dù không ai nói ra, nhưng tất cả đều đang nghĩ trong đầu như thế. Những dòng ý nghĩ cứ thế bay lơ lửng trong không gian rồi không ngừng va chạm nhau, sau đó từ từ kết lại thành từng khối. Những cái khối ấy hiện lên một màu đen khó tả, đặc quánh, lửng lờ.

Thôi Nhiên Thuân đứng thẳng dậy, trong đáy mắt hắn lộ rõ vẻ thích thú.

Sau đêm hôm đó, người dân trong làng đã bị ép buộc phải tin rằng bắt đầu từ bây giờ, họ phải sống và thờ phụng vị thần trong đền thờ kia mà không được phép nghi ngờ điều gì. Đổi lại, thần sẽ cho bọn họ thứ mà họ khao khát nhất.

Vàng bạc, tiền tài, giàu sang, phú quý.

Còn thứ gọi là lễ vật để dâng lên thần, chính là máu thịt của con người.

Nói về khoảng thời gian đó, nghề dệt lụa ở Yên Hà đã sắp lụi tàn, nhưng rồi một ngày nọ, Thôi gia lại mang đến cho họ những thùng thuốc nhuộm đỏ tươi tỏa ra mùi ngòn ngọt. Ông Thôi nói, chỉ cần nhuộm lụa bằng thứ nước này, lụa của Yên Hà mai sau sẽ là báu vật, là thứ mà người người khao khát, là thứ sẽ giúp cho bọn họ đổi đời.

Có vài người nghi hoặc nhưng cũng có người lựa chọn tin tưởng. Quả thật, lụa ngâm trong thứ nước ấy đã nhanh chóng vang danh khắp thiên hạ. Người ta đồn đại với nhau về quần áo được may từ lụa đỏ Yên Hà không bộ nào giống bộ nào, đẹp đẽ lấp lánh, mặc lên người có cảm giác thoải mái dễ chịu như trẻ ra mấy tuổi, như trở về cái thuở còn đương sức tráng kiện, còn mặn nồng sắc hương.

Một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc người ta đổ xô đi tìm mua thứ lụa ấy, dù vậy họ vẫn ngại đặt chân đến cái vùng đất này, vì thế mà việc buôn bán chỉ diễn ra chớp nhoáng vỏn vẹn ở ngay cánh cổng đầu làng.

Lụa cứ thế được bán ra, những nhà nào đồng ý với lời ông Thôi lúc này vàng bạc thu về chất thành đống. Con người ta thật dễ dàng bị mờ mắt bởi những thứ phù phiếm như thế, nhất là thứ liên quan đến tiền tài.

Cuối cùng người ở làng Yên Hà đã thật sự phải thừa nhận vị thần này, họ cũng biết được người trùm khăn hôm nọ là cậu Khuê, con trai nuôi của ông Thôi, ông nói với mọi người rằng đứa trẻ này đã được chọn để truyền lời của bề trên đến nơi đây.

Mỗi hai lần trong năm thần sẽ lại hiển linh, khi đó lụa Yên Hà sẽ lại được nhuộm đỏ rực rỡ, nhưng muốn như vậy, bọn họ cũng phải dâng lên cho thần lễ vật thật xứng đáng.

Và người trong làng đã thật sự đồng ý.

Thôi Tú Bân cảm thấy chuyện này càng lúc càng đi quá xa, đó là quỷ, rõ ràng là quỷ, một vài người không bị đồng tiền làm cho lay chuyển cũng nghĩ như thế, anh và những người đó đều muốn rời khỏi đây, đi đâu cũng được, miễn là rời khỏi cái nơi quỷ quái này.

Nhưng những chuyện xảy ra sau đó đã dập tắt hoàn toàn đi mong muốn của họ.

Hoài Tâm vừa gánh nước từ giếng về đã thấy trước Thôi phủ đương đông kín người, lúc nó đi ngang chỉ thấy loáng thoáng dưới đất loang lổ vết máu đã khô lại, nó khó hiểu xách nước đặt vào trong bếp, lúc đi qua gian nhà phụ định tìm chị Linh, cảnh tượng trước mắt khiến nó suýt thì ngất xỉu tại đó.

Chị Linh đương ngồi cạnh anh Bân, áo anh dính đầy máu lẫn với đất cát, khuôn mặt anh tái đi như đang đau đớn. Chị Linh thì đang khóc, hai vai chị run lên bần bật, anh chỉ vỗ vai chị, nói là không sao đâu.

"Có chuyện gì thế ạ?"

Nó chạy đến trước mặt hai người, chị Linh không nói được gì ngoài những tiếng nức nở cố kiềm nén, nó thấy bên cạnh anh có cái hộp nhỏ, đang định chạm vào thì đã bị ngăn lại, nó ngước lên nhìn anh, nhìn cả mảnh vải trắng che lại bên mắt trái của anh, nhìn vết máu từ từ loang ra khi anh cố né tránh ánh mắt của nó.

"Anh Bân, anh làm sao thế?"

"Tâm, em có tin vào thần linh không?"

Lúc nghe thấy câu nói này nó không hiểu, nhưng rồi vài tháng, vài năm sau cuối cùng nó cũng hiểu, đấy không chỉ đơn thuần là một câu hỏi. Ý của Thôi Tú Bân chính là, dù có bất kì chuyện gì xảy ra, nó cũng phải tin, bắt buộc phải tin, rằng ở làng Yên Hà thật sự có thần.

Ngày hôm sau, người trong làng hốt hoảng khi nhìn thấy một cái xác treo lơ lửng trên cây đa cạnh đền thờ, lúc hạ cái xác xuống mới phát hiện, đó là một trong những người phản đối chuyện thờ thần và muốn rời khỏi đây. Có ai đã giết và khoét cả hai tròng mắt của người đó ra, miệng bị khâu bằng một sợi chỉ đỏ, kiểm tra thêm thì lại thấy ổ bụng bên trái bị rạch một đường lớn, lá gan cũng không còn nữa.

Đây là muốn nhắc nhở, thần đã mang đến cho họ thứ họ muốn, vậy nên nếu rời khỏi Yên Hà, bắt buộc phải trả lại những thứ thần đã ban phát, trả lại rồi thì có thể đi khỏi nơi này.

Nhìn cảnh tượng đó, nhìn cả lại bản thân mình, ngọn lửa le lói cuối cùng trong Thôi Tú Bân cũng bị dập tắt.

Cả cuộc đời của anh và của những con người ấy sẽ mãi mãi bị chôn vùi tại làng Yên Hà, bị chôn sâu dưới vạn tấc đất, giống hệt với thứ đang cố thoát khỏi những gốc rễ đằng kia.

































.

(*): Người đứng hầu đồng gọi là Thanh Đồng.

(**): Cúng hầu đồng là một nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần, … Về bản chất, hầu đồng là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các vị đồng nam, nữ. Người ta tin rằng, các vị thần có thể nhập hồn vào thể xác của ông đồng hoặc bà đồng ở trạng thái thăng hoa, cực lạc để trấn yểm trừ tà ma, chữa lành bệnh tật, phù hộ, ban lộc cho các con nhang, đệ tử.

(nguồn: https://luatminhkhue.vn/hau-dong-la-gi-hau-dong-co-pham-toi-khong.aspx)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro