Phần 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi và Tiểu Tạ quay sang nhìn nhau, xem ra vụ án lần này khá phức tạp. Trong khi bác Lý Đào vẫn chưa được gạch tên khỏi danh sách đối tượng tình nghi, nay lại xuất hiện thêm một cái tên mới, Quý Mao Mao!

Theo lời Quý Nhị, Quý Mao Mao cũng là đầu bếp chuyên lo cỗ bàn trong thôn, vốn làm ăn cũng khấm khá, nhưng kể từ khi bác Lý từ huyện chuyển về đây kinh doanh, việc làm ăn của anh ta ngày càng đi xuống. Chỉ có những người quen cũ cực kì thân thiết mới nhờ đến anh ta. Vì vậy quan hệ giữa Quý Mao Mao và bác của Lý Đào cũng chẳng tốt đẹp gì, cứ đụng mặt là lại cãi nhau.

Nửa tháng trước, Quý Mao Mao cũng giống bác Lý, đến tiệm rèn mua 9 lon sắt. Lúc đó Quý Nhị cảm thấy khá kỳ lạ, vì sao 2 người đó lại mua số lượng giống hệt nhau, không hơn không kém, đúng 9 lon. Sau đó xảy ra vụ thảm án, Quý Nhị và người dân trong thôn đều đổ dồn sự chú ý vào vụ án, thế nên cũng không quá quan tâm đến chi tiết này nữa.
Nói đến đây, Quý Nhị bỗng nhiên biến sắc: "Đúng rồi, 9 cái lon! Trời ạ! Hai người này không phải có liên quan đến vụ án đó đấy chứ!"
Bác ta lắp bắp: "Quý... Quý Mao Mao và ông Lý, là hung thủ g.i.ế.t người ư?!"
Tiểu Tạ trở nên nghiêm túc, nói: "Bác Quý, chúng cháu đến để điều tra, mong bác đừng suy đoán lung tung, những lời nói bây giờ sẽ khiến bác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đó!"
Quý Nhị toát mồ hôi, cười gượng: "Tôi sai rồi, tôi hứa từ nay về sau sẽ không nói linh tinh nữa, mong cô đừng để bụng, bỏ qua cho tôi."
Tiểu Tạ giãn cơ mặt, hỏi Quý Nhị vài câu. Ngoài thông tin về địa chỉ nhà của Quý Mao Mao, chúng tôi không khai thác được điều gì có giá trị hơn, vậy nên cảm ơn Quý Nhị rồi rời đi.

Sau khi ra khỏi tiệm rèn, chúng tôi đến thẳng nhà Quý Mao Mao.
Nhà anh ta cách đó không xa, đi bộ hơn 10 phút đã tới nơi.

Vừa vào đến sân, chúng tôi đã nhìn thấy một cậu cảnh sát trẻ đang đứng đôi co với một người đàn ông.
Tôi và Tiểu Tạ chạy đến, hoá ra đó là Tiểu Mã. Tiểu Mã nhìn thấy chúng tôi như vớ được phao cứu sinh, vội nói: "Chị Tạ! Tốt quá, chị đến rồi. Chủ hộ này không liên lạc được với 2 con, cũng không đồng ý cho tôi vào nhà kiểm tra. Tôi gọi điện thoại báo cáo đội trưởng Lưu thì ông ấy lại mắng tôi không biết cách ăn nói. Tôi thật sự không biết nên làm thế nào."
Tiểu Tạ cười đáp: "Yên tâm, để chị đây ra tay."

Nói xong Tiểu Tạ quay lại, nhìn người đàn ông đối diện, khoảng hơn 40 tuổi, vẻ ngoài dữ tợn, đang đứng chặn trước cửa nhà.
Trong nhà có một người phụ nữ trung niên đang khuyên nhủ: "Bố nó cứ để họ vào xem cũng có sao đâu, nhà mình trong sạch, chẳng có gì phải giấu giếm cả."
Người đàn ông quát lớn: "Đàn bà biết gì mà nói, đi vào trong, còn lải nhải nữa thì biết tay tôi!" Sau đó quay đầu nhìn chúng tôi, lạnh lùng nói: "Có thêm vài người nữa thì cũng vậy thôi, các người không có lệnh khám xét, không có quyền xông vào nhà tôi. Các người dám vào thì tôi cũng dám kiện mấy người!"
Xem ra người này cũng khá hiểu luật đấy chứ.

Tiểu Tạ cười nhạt, nói: "Quý Mao Mao, chúng tôi vốn chỉ muốn nói chuyện nhẹ nhàng với anh, nhưng xem ra không cần thiết nữa rồi. Anh muốn có lệnh khám xét đúng không? Bây giờ quả thật không có, nhưng chỉ cần tôi gọi một cuộc điện thoại, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy ngay."
(Tất nhiên quá trình xin giấy khám xét chỗ ở của công dân không hề đơn giản như Tiểu Tạ nói. Đây chỉ là một trong những phương thức tấn công tâm lý mà thôi.)

Ánh mắt Quý Mao Mao lộ rõ vẻ khinh thường, thấy vậy Tiểu Tạ trầm giọng, nghiêm túc hơn: "Anh không tin phải không, được thôi! Tôi chỉ hỏi anh một việc thôi, 9 lon sắt trong nhà anh, biến đâu rồi?"
Quý Mao Mao mặt mày tái mét, giọng run lên: "Các người... biết hết rồi?"
"Tất nhiên. Nếu anh còn không phối hợp, vậy sẽ trở thành kẻ tình nghi số 1 của vụ án!"
Tiểu Tạ ngừng một chút, cười nhạt: "Vậy tôi hỏi anh lần nữa, bây giờ còn cần lệnh khám xét nữa không?"
Quý Mao Mao thở dài: "Các người đã biết hết rồi thì tôi còn cố làm gì nữa, mấy người vào đi."
Nói xong anh ta mở cửa phòng, dẫn 3 người chúng tôi đi vào.
Người phụ nữ trung niên ban nãy ngồi bên trong, sau khi nghe thấy toàn bộ cuộc hội thoại vừa rồi, sắc mặt thay đổi không ngừng, nhìn Quý Mao Mao ngập ngừng như định nói gì đó rồi lại thôi.

Quý Mao Mao đưa chúng tôi đến phòng để đồ. Căn phòng này cũng giống nhà bác Lý, chất đầy dụng cụ làm bếp. Nhưng có thể là do không có cửa sổ, thiếu ánh sáng nên mọi đồ vật bên trong dường như cũng trở nên lộn xộn hơn, mặt bàn mặt ghế phủ một lớp bụi dày.

Quý Mao Mao kéo mấy cái bàn ra, chúng tôi nhìn thấy một cái giỏ tre rất to bên trong, chứa đầy những lon sắt đen. Có thể thấy, bên trên là một số lon sắt mới, phía dưới là những lon cũ. Đếm đi đếm lại vài lượt, vừa hay có đúng 9 lon mới.

Quý Mao Mao đợi chúng tôi đếm xong mới nói: "Khi nãy vị cảnh sát này nói rằng muốn vào nhà điều tra người mất tích, nhưng tôi sợ anh ta phát hiện ra số lon này, không muốn rước họa vào thân nên mới ngăn cản. Nếu mọi người đã biết hết rồi, thì tôi cũng chẳng còn gì để giấu nữa. 9 cái lon sắt của vụ án, rất có thể là của nhà tôi."

Chúng tôi còn chưa kịp mở lời, người phụ nữ trung niên đứng bên cạnh đã gào lên: "Bố nó... g.i.ế.t người rồi à..."

Quý Mao Mao bực đến đỏ mặt, quay đầu quát lớn: "Con mụ kia, cả ngày chỉ biết nói linh tinh. Không làm được việc gì nên hồn, chỉ suy đoán vớ vẩn là giỏi! 9 cái lon sắt của nhà mình là bị trộm mất, rõ chưa, đừng có mà nói luyên thuyên."
Sau đó ái ngại quay ra nhìn 3 chúng tôi, bắt đầu kể toàn bộ sự việc.

Hoá ra vào nửa tháng trước, nhà Quý Mao Mao cũng xảy ra việc tương tự nhà bác Lý Đào. Một ngày nọ, khi kiểm tra phòng chứa đồ, Quý Mao Mao phát hiện mấy lon sắt trong nhà đã bị trộm mất, vừa đúng 9 cái. Tuy nhiên, Quý Mao Mao cũng giống bác Lý, không quá để tâm đến con số 9 này, tưởng rằng chỉ là một con số ngẫu nhiên. Vậy nên ngay ngày hôm sau, anh ta chạy đến tiệm rèn nhà Quý Nhị mua lại 9 lon nữa bù vào. Do vợ anh vắng nhà vào đúng mấy hôm đó, nên không kịp kể lại. Mà một khi nói ra, với tính khí ấy, chắc chắn cô ta sẽ làm ầm lên, phiền phức c.h.ế.t đi được.
Không lâu sau đó, vốn tưởng đây chỉ là chuyện cỏn con, vậy mà lại nghe tin có vụ án xảy ra gần thôn, hung thủ đã dùng 9 lon sắt để phi tang t.h.i th.ể! Nhớ lại, anh ta chắc mẩm thứ dùng để đựng x.á.c đó chính là số lon mình bị trộm.

Cũng giống với bác Lý Đào, Quý Mao Mao không đi báo án mà lại giấu nhẹm đi, mang tâm lý bớt được chuyện gì hay chuyện đó. Nếu hôm nay chúng tôi không hỏi đến, chắc chẳng ai hay biết việc này.

Vợ anh ta vốn là người hay bép xép, Quý Mao Mao sau khi biết việc cái lon có liên quan đến án mạng, tất nhiên cũng chẳng dám nói với cô ta. Bởi vậy mà vợ anh ta mới không hay biết gì.

Do Quý Mao Mao và bác Lý Đào đều chọn giấu kín mọi chuyện, nên cả 2 không hề hay biết nhà người kia cũng bị mất trộm như mình. Đều tưởng rằng 9 cái lon sắt nhà mình bị mất chính là vật chứng của vụ án.

Nhưng tại hiện trường chỉ phát hiện 9 cái lon sắt, vậy số lon này liệu có nằm trong 18 cái lon bị mất kia không? Nếu đúng, vậy đó là của nhà bác Lý hay nhà Quý Mao Mao, hay dính dáng tới cả hai người?
Mục đích của hung thủ là để làm gì? 9 cái lon sắt còn lại đã biến đi đâu?

Chúng tôi báo cáo việc này với cảnh sát Ôn, ông lập tức điều một xe đến đưa Quý Mao Mao và chỗ lon sắt về Sở cảnh sát đề điều tra thêm, nhằm xác định 9 lon sắt dùng để đựng x.á.c đó rốt cuộc là của nhà ai.

Sau khi giao người, Tiểu Tạ quay sang nhìn tôi một cái. Làm việc cùng nhau bao năm nay, tất nhiên tôi hiểu ý, chắc chắn cô ấy có chuyện riêng cần nói.  Vậy nên tôi theo bước Tiểu Tạ rời khỏi nhà Quý Mao Mao, đến một nơi không có ai. Đột nhiên cô ấy dừng lại, nhưng lại im lặng chẳng nói lời nào.

Tôi tò mò, cười: "Tạ đại nhân, cô gọi tôi ra có việc gì vậy? Hai chúng ta cô nam quả nữ đứng ở chỗ yên tĩnh như này, bị đồng nghiệp bắt gặp, không hay lắm đâu."

Tiêu Tạ "Xí" một tiếng, liếc tôi rồi nhìn đồng hồ nói: "Chắc cũng sắp đến lúc rồi."

Tôi ngó quanh, không có ai cả, Tiểu Tạ rốt cuộc bị sao vậy, trả lời chẳng đầu chẳng đuôi, hay điều tra nhiều quá tẩu hỏa nhập ma luôn rồi?

Ngay sau đó, điện thoại Tiểu Tạ reo lên, trong đó truyền tới giọng của cảnh sát Mao, vừa hưng phấn lại có phần nghiêm túc: "Tiểu Tạ, có manh mối mới!"

Hoá ra "sắp đến lúc" của Tiểu Tạ là để chỉ thời gian thẩm vấn của cảnh sát Mao với vợ chồng họ Quý.

Tiểu Tạ khi nghe cảnh sát Mao nói, lúc thì phẫn nộ, lúc lại kinh ngạc, tôi đứng bên cạnh tò mò không chịu được.

Một lúc lâu sau đó, Tiểu Tạ cúp máy, nhìn thấy tôi sốt ruột liền cười không ngừng: "Tôi chưa từng thấy tên con trai nào tò mò như anh đấy, bên cạnh Sở cảnh sát có nhà hàng đồ Tây, mai anh mời tôi đi, tôi nói với anh kết quả thẩm vấn."

Tính tò mò khiến tôi mất hết lý trí, đành đồng ý với điều kiện đó.
Kết quả xét nghiệm ADN để trước mặt vợ chồng họ Quý, vừa liếc qua họ ngay lập tức đơ người. Người vợ suy sụp, vừa khóc vừa nói: "Ông kia, tôi đã biết là không giấu nổi đâu, hay là cứ khai ra, không thì cảnh sát sẽ coi chúng ta là hung thủ thật sự mất, thể diện với chả không, đều có quan trọng bằng mạng sống đâu."

Cơ mặt người chồng không ngừng co giật, cuối cùng cũng thở dài, nói ra hết sự thật.
Có thể nói, về cơ bản, hai người này không hề nói dối. Điều họ giấu giếm duy nhất chính là thân phận thật sự của Quý Lôi, cũng chính là quá khứ đầy xấu hổ và nhục nhã của vợ chồng họ Quý.
30 năm trước, vợ chồng họ quen biết rồi yêu nhau. Tình yêu nảy sinh giữa hai người trẻ vốn là điều hết sức bình thường. Ở nông thôn khi ấy, 20 là độ tuổi thích hợp để bàn chuyện cưới xin. Theo lẽ thường, họ sẽ nhận được lời chúc phúc và ủng hộ từ bạn bè, người thân. Nhưng không, cuộc tình này lại bị hầu hết mọi người trong thôn phản đối, bởi 2 người, chính là anh em họ của nhau!

Ở thôn Quý Thuỷ, họ hàng sống trong cùng một xóm chiếm phần lớn. Cũng có không ít cặp đôi cùng họ nhưng vẫn kết hôn với nhau, tuy nhiên đa số đều có quan hệ huyết thống quá 5 đời.
(5 đời ở đây bắt đầu tính từ đời mình, đời cha mẹ, đời ông bà, đời cụ và đời kỵ. Chỉ cần không có quan hệ máu mủ trong 5 đời này đều có thể kết hôn, tỷ lệ sinh con dị tật gần như bằng không. Ngược lại, khả năng cao sẽ sinh ra con dị tật, cũng không phù hợp với đạo đức và luân lý)
Hai vợ chồng họ Quý là anh em họ của nhau, tất nhiên thuộc trong 5 đời. Cho dù đứng từ góc độ luân thường đạo lý hay y học đều không thích hợp để kết hôn.
Nhưng một khi đã rơi vào bẫy tình, vài lời khuyên nhủ của bạn bè hay người thân đâu thể nói bỏ là bỏ được. Khi mới bắt đầu yêu nhau, hai người giấu kín chuyện hẹn hò, sau đó quyết cùng bỏ nhà ra đi. Đến cuối cùng còn lôi cả cái c.h.ế.t ra đe dọa mọi người để được ở bên nhau.

Sau mấy lần 2 người tự sát không thành, bố mẹ hai bên chẳng còn cách nào khác, đành gật đầu đồng ý cho họ đến với nhau. Khi ấy, cặp đôi trẻ cứ tưởng mọi chuyện đã thành, nhưng đâu ngờ được rằng, sau khi kết hôn, ác mộng mới bắt đầu liên tiếp kéo đến.

Sau khi kết hôn không lâu, người vợ có thai, hai người vô cùng mong chờ đứa bé ra đời. Nhưng khi sinh ra, đứa trẻ lại bị dị tật bẩm sinh.

Tại vùng nông thôn lạc hậu của 20, 30 năm về trước, sinh con dị tật bị coi là một điềm không lành, do vậy, cuối cùng đứa bé đã bị buộc vào hòn đá, ném xuống dưới đáy ao.

Trùng hợp đúng vào năm đứa trẻ dị tật được sinh ra, trận lũ lụt lịch sử đã ập đến thôn nghèo Quý Thủy. Hai vợ chồng họ bị người dân trong thôn coi là thủ phạm gây nên tất cả những điều không lành. Người ta cho rằng do 2 vợ chồng họ Quý đẻ ra đứa con dị tật nên ông trời mới trừng phạt cái làng này. Hai người không những phải chịu áp lực cực lớn từ phía dân làng, mà còn bị trưởng tộc đe doạ nhiều lần, cho họ 2 lựa chọn: Ly hôn hoặc không bao giờ được sinh con.

Cặp đôi trẻ đang trong giai đoạn yêu đương mặn nồng đã lựa chọn không bao giờ sinh con nữa.
Những người lớn lên ở nông thôn chắc hẳn đều biết, bậc làm cha làm mẹ vô cùng coi trọng việc có con. Vì vậy để phòng khi về già không có nơi nương tựa, cuối cùng vợ chồng họ Quý đã nhận nuôi con của anh ruột, đứa trẻ này chính là Quý Lôi.
Thân phận thật sự của Quý Lôi chính là con của anh trai bố Quý, tức cháu ruột của ông!  
Bởi có quan hệ huyết thống gần gũi nên đôi vợ chồng tưởng rằng chuyện này sẽ không bao giờ bị phát hiện, do đó cũng không khai báo sự thật với cảnh sát. Nhưng nào ngờ, mọi chuyện đã bị lật tẩy bởi kỹ thuật khoa học phát triển.
Cuộc sống yên bình cứ vậy trôi qua, cho đến một hôm, người vợ phát hiện mình lại mang thai. Tuy rằng lo sợ đứa bé sinh ra sẽ bị dị tật, nhưng ý nghĩ muốn có con ruột đã đánh bại tất cả, cuối cùng cả hai quyết định lén lút sinh đứa bé.

Đã từng gặp ác mộng một lần, vậy nên lần này hai người vô cùng bồn chồn, hồi hộp, thấp thỏm không yên. Không ít lần họ cầu xin trời đất để có thể sinh ra một đứa trẻ lành lặn bình thường. Cuối cùng ông trời cũng đáp ứng lời thỉnh cầu của họ, đứa bé ra đời vô cùng khỏe mạnh. Họ vui mừng khôn xiết, hạnh phúc khi nghĩ rằng người trong thôn sẽ không chửi rủa nữa. Trôi qua nhiều năm, trưởng tộc cũng không trách mắng việc tự ý quyết định sinh con của họ. Hai vợ chồng cứ ngỡ câu chuyện sẽ dừng lại ở đó và hạnh phúc sẽ gõ cửa gia đình mình!

Nhưng vài năm sau, hiện thực tàn khốc ập đến, phá vỡ cuộc sống hạnh phúc mà họ hằng mong đợi! Họ phát hiện, IQ của đứa con ruột này thấp hơn nhiều so với lũ trẻ cùng trang lứa. Sau khi đưa con đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán mắc chứng chậm phát triển trí tuệ bẩm sinh, còn vì sao lại mắc chứng bệnh này, phần lớn liên quan đến việc kết hôn cận huyết!

Đứa trẻ xấu số đó chính là Quý Vũ!
Khi đó, Quý Vũ đã bên họ nhiều năm, tình cảm sâu nặng dành cho đứa con mình đứt ruột đẻ ra khiến họ không nỡ bỏ rơi em. Hơn nữa, hai vợ chồng cũng đã lớn tuổi, không dám mạo hiểm sinh thêm đứa nữa, nhỡ đâu... lại bị khiếm khuyết hay dị tật thì sao?
Trải qua nhiều sóng gió, đôi vợ chồng cuối cùng cũng chấp nhận số phận, không nghĩ ngợi gì thêm, chuyên tâm vào việc nuôi dưỡng 2 đứa trẻ khôn lớn thành người.
(Thực ra, tỷ lệ sinh con dị tật khi kết hôn cận huyết không cao như lời đồn. Việc bố mẹ Quý sinh liên tiếp hai đứa con đều bị dị tật là khá hiếm. Vậy nên, nếu họ sinh tiếp đứa con thứ ba thì tỉ lệ dị tật sẽ còn thấp hơn nhiều. Tuy nhiên cả hai vợ chồng đều không biết điều này, và tất nhiên họ cũng chẳng dám thử)
Nhưng người tính không bằng trời tính, khi Quý Lôi đang dần trưởng thành và có thể đỡ đần việc nhà cho bố mẹ, còn Quý Vũ cũng đã đính hôn, tìm được nơi nương tựa thì lại xảy ra vụ án mạng kinh hoàng như vậy!
Với tình hình trước mắt, vợ chồng họ Quý đoán rằng, đứa con rể tương lai rất có thể chính là kẻ sát hại Quý Lôi. Họ vốn muốn báo thù cho đứa con nuôi của mình, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ càng, cảm thấy mọi việc dù gì cũng đã xảy ra, giờ đây phải suy nghĩ về tương lai phía trước, lo cho cuộc sống của Quý Vũ mới là điều quan trọng nhất.
Vả lại nếu thân phận thật sự của Quý Lôi bị tiết lộ, quá khứ đáng xấu hổ về việc kết hôn cận huyết sẽ bị moi lên một lần nữa. Cứ như vậy, một đoạn lời khai vừa giả vừa thật được dựng lên, khiến cảnh sát tiếp nhận được thông tin không hoàn chỉnh.

Tiểu Tạ nói đến đây, tôi mới bàng hoàng hiểu ra tại sao khi nghi ngờ Quý Lôi bị Lý Đào sát hại, vợ chồng họ lại không đi báo án. Lý do chính là bởi họ muốn thông qua vụ này giành thêm một ít lợi ích cho Quý Vũ. Chắc hẳn bởi vì mối quan hệ tưởng ruột thịt mà lại không với Quý Lôi nên lúc này cán cân mới nghiêng về phía Quý Vũ.

Dù gì đi chăng nữa, khi đứng giữa hai đứa con, họ chắc chắn vẫn sẽ lựa chọn Quý Vũ - đứa con gái máu mủ của mình.
Còn anh trai của bố Quý (bố ruột Quý Lôi), rất nhiều năm về trước đã rời quê, lên thành phố định cư. Sau khi bố mẹ mất, hai anh em họ cũng không thường qua lại, mấy năm mới gặp nhau một lần. Vả lại hầu như không hỏi thăm chuyện Quý Lôi, vậy nên việc anh mất tích, bố Quý cũng không báo cho anh trai mình.
Đến đây, vợ chồng họ Quý đã khai ra toàn bộ sự thật, cũng bởi vậy những mảnh ghép quái dị ngày trước giờ đây đã khớp lại hoàn hảo. Trực giác mách bảo tôi, họ đang nói sự thật.
Sau khi thuật lại toàn bộ cuộc thẩm vấn, Tiểu Tạ lặng im, giống như đang suy nghĩ điều gì đó.
Tôi nhìn cô ấy, cảm thấy dường như vẫn còn điều gì chưa nói hết. Lúc nãy, khi Tiểu Tạ nghe điện thoại, cảnh sát Mao kích động hét lên đến mức vọng tiếng ra ngoài và bị tôi nghe được, ông nói: "Tiểu Tạ, có manh mối mới!"
Nếu chỉ là những điều Tiểu Tạ thuật lại bên trên, vậy thì không đến mức khiến ông phải kích động đến vậy chứ, chắc hẳn Tiểu Tạ còn giấu tôi điều gì đó.
"Tạ đại nhân à, cảnh sát Mao phát hiện ra manh mối gì mới đúng không? Nói ra đi, tôi giúp cô một tay." Với tư cách là người hỗ trợ phá án, việc tham gia quá sâu vào vụ án là điều không được phép. Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiết này đã khiến tôi đã không suy tính nhiều đến điều ấy.
Xuất phát từ lòng tin, Tiểu Tạ cũng không suy nghĩ gì nhiều, nói thẳng với tôi: "Manh mối mới mà cảnh sát Mao nói có liên quan đến Quý Lôi. Quý Lôi không phải là một tên què sao? Theo những lời mà 2 vợ chồng họ Quý nói, chân Quý Lôi bị như vậy là do một lần đi chơi với bạn, bị đẩy từ trên cây xuống mới bị ngã gãy chân. Do hồi đó điều kiện y tế còn nghèo nàn, mà bố mẹ Quý cũng tiếc tiền không chữa trị nên chân anh ấy không lành hẳn, chẳng làm được những việc như người bình thường. Có thể chính sự việc này đã thay đổi cả cuộc đời Quý Lôi! Tôi tin chắc rằng bất cứ ai, kể cả Quý Lôi đều sẽ vô cùng căm hận người khiến chân anh thành ra như vậy, chứ chẳng nói đến việc trở thành bạn thân với kẻ đó. Nhưng chuyện khó tin này ấy vậy lại thực sự xảy ra."
Tôi bỗng nhớ ra Tiểu Tạ có nhắc đến một việc, buột miệng hỏi: "Ý cô... lẽ nào là anh B?"
Chắc hẳn mọi người còn nhớ, sau khi vụ án xảy ra, để xác thực nạn nhân, cảnh sát đã đi điều tra từng hộ, sau đó tra ra được 2 người, trong đó có 1 người là anh B, 21 tuổi. Cảnh sát Trương lên thành phố điều tra thêm thông tin, phát hiện B đang đi mua sắm với bố và mẹ kế. Khi cảnh sát Trương thẩm vấn B, B nói mình là bạn thân nhất với Quý Lôi, Quý Lôi luôn xem mình là em trai ruột, vả lại chuyện Quý Lôi mất tích cũng là B tiết lộ cho cảnh sát Trương. Từ một khía cạnh nào đó, cuộc điều tra của chúng tôi có thể tiến triển đến bước này đều dựa theo manh mối mà B cung cấp.
Tiểu Tạ nói bạn tốt nhất của Quý Lôi... Cho đến hiện tại, chúng tôi chỉ biết có duy nhất anh B. Lẽ nào sau quá trình điều tra lâu như vậy, bây giờ mấu chốt của vụ án lại quay trở lại anh ta sao?
Tiểu Tạ nhìn tôi với ánh mắt không khỏi ngạc nhiên, cất giọng khen ngợi: "Đầu óc anh cũng nhanh nhẹn đấy! Đúng. Người khiến Quý Lôi ngã từ trên cây xuống, chính là anh B! Nhưng B lại nói mình là bạn thân nhất với Quý Lôi. Điểm này rất kỳ lạ. Đối với kẻ khiến bản thân trở nên tàn tật, cho dù không đến nỗi ghét bỏ cả đời, nhưng cũng sẽ rất khó để trở thành bạn tốt. Trừ khi đã có chuyện gì xảy ra khiến mối quan hệ của cả hai lại trở về bình thường hoặc là B đang nói dối!"
Tiểu Tạ dừng lại một chút rồi nói tiếp: "Cảnh sát Mao đã hỏi vợ chồng họ Quý và biết được quan hệ giữa B và Quý Lôi thật ra không thân thiết như lời B từng khai. Có điều, B và Quý Lôi thường ra ngoài làm việc xa nhà nên 2 vợ chồng cũng không thể khẳng định điều này. Vả lại Quý Lôi giờ đã mất, không thể kiểm chứng độ đúng sai, tuy nhiên khả năng B nói dối là rất cao. Nếu Quý Lôi chỉ mất tích, vẫn có khả năng quay về, anh B chắc chắn không dám nói dối, còn nếu B dám ngang nhiên nói dối, vậy thì chỉ có 1 lý do: Khi hay tin "bạn thân" mất tích, B đã chắc chắn về cái c.h.ế.t của Quý Lôi! Đồng nghĩa với việc, hung thủ sát hại Quý Lôi rất có thể chính là anh B!"
Suy đoán của Tiểu Tạ rất có lý, mới chỉ vào Sở mấy năm mà giờ đây cô đã trở thành một cảnh sát hình sự tài năng, khiến tôi vô cùng khâm phục.
"Nhưng vẫn còn một nghi vấn khác, cũng là lý do khiến tôi do dự." Tiểu Tạ cau mày nói: "Nếu hung thủ là anh B, tại sao anh ta lại cung cấp manh mối Quý Lôi mất tích cho sếp Trương, đây không phải tự chui đầu vào rọ hay sao?"
Tôi và Tiểu Tạ thảo luận một hồi, quyết định gọi điện cho đội trưởng Lưu, xem việc điều tra người mất tích đã có tiến triển nào mới hay chưa, từ đó tìm hiểu tình hình bạn bè của Quý Lôi, sau đó mới tiến hành thẩm vấn bất chợt anh B, nhất định phải làm rõ mối quan hệ thật sự giữa B và Quý Lôi.
Sau khi nói chuyện xong với đội trưởng Lưu, biết được nhiệm vụ điều tra người mất tích của họ cơ bản đã hoàn thành. Hai đứa con nhà Quý Mao Mao cũng đã liên lạc được. Về cơ bản có thể khẳng định trong thôn không còn ai mất tích.
Theo lời đội trưởng Lưu, anh B đã trở về từ thành phố, hiện đang ở nhà.
Đến nước này, không thể không đến nhà anh B một chuyến rồi.
Trước khi đi, chúng tôi buộc phải nắm rõ tình hình của anh B, vậy nên Tiểu Tạ gọi điện thoại cho đội trưởng Lưu, nhờ anh điều tra rõ. Một tiếng sau chúng tôi đã nắm trong tay toàn bộ thông tin của B do đội trưởng Lưu gửi đến.

Khi đội trưởng Lưu đi điều tra về tình hình của Quý Lôi trong thôn, người dân đều cảm thấy vô cùng thương tiếc. Trong mắt họ, Quý Lôi là đứa trẻ ngoan, lúc nhỏ rất nghe lời, hiểu chuyện. Nếu không phải vì chân què, ít ra cũng sẽ được như những thanh niên cùng tuổi trong làng, ra thành phố kiếm việc, có cuộc sống vô lo vô nghĩ.

Nhưng lại có rất ít người chơi với Quý Lôi. Điều này cũng dễ hiểu. Thứ nhất là vì những người trạc tuổi anh đều đi làm xa, ở lại quê chẳng có mấy người. Thứ hai, bố mẹ anh hay ra ngoài kiếm tiền, do vậy Quý Lôi thường sẽ ở nhà chăm em gái. Cộng thêm chân bị tật như vậy nên rất ít khi ra ngoài chơi với bạn bè, người quen.

Cũng chính bởi vậy mà ký ức của mọi người trong thôn về Quý Lôi chỉ dừng lại ở hình tượng một cậu bé hồi nhỏ rất nghe lời. Chỉ có mấy người hàng xóm gần nhà anh là cung cấp được một số manh mối có giá trị.
Họ đều nói, vẫn còn nhớ như in thời điểm Quý Lôi bị què chân, điều này gần như giống hệt với thời gian mà vợ chồng họ Quý đã cung cấp lúc trước, khi Quý Lôi 15-16 tuổi. Gãy chân không chữa trị kịp thời nên thành ra như vậy. Tuy rằng không tận mắt nhìn thấy sự việc xảy ra nhưng họ đều khẳng định người đẩy Quý Lôi ngã chính là cậu bé B kia.

Theo như những gì họ nhớ, mẹ anh B và bố mẹ Quý còn tranh cãi rất lâu về vấn đề viện phí, cũng chính bởi nguyên nhân này mà lỡ mất việc chữa trị, khiến chân Quý Lôi không hoàn toàn hồi phục được như ban đầu. Vậy nên quan hệ giữa hai nhà không tốt đẹp gì, gia đình hai bên đến bây giờ gặp mặt cũng không thèm chào hỏi nhau.

Nhưng hàng xóm cũng nhấn mạnh, anh B sau đó lại rất thân với Quý Lôi, thường xuyên qua nhà nhau chơi, khiến họ thấy rất lạ.
Còn về B, mọi người trong thôn đều đánh giá rất kém, trái lại hoàn toàn với Quý Lôi.

Khi B còn rất nhỏ, bố mẹ đã ly hôn, chỉ sống với mẹ. Mẹ bận việc chăm lo nhà cửa, kiếm tiền nên không ai đôn đốc tính tình hiếu động của cậu. Đi học thì buổi đực buổi cái, cả ngày chỉ đi trộm cắp, lười biếng, do vậy chẳng mấy ai trong thôn có ấn tượng tốt về B.

Không chỉ bị người lớn ghét, đến cả trẻ con trong xóm cũng cô lập, không chơi cùng. Càng như vậy, tính cách B càng trở nên ngang bướng quái dị, vậy nên khi có người nói B đẩy Quý Lôi ngã gãy chân, mọi người chẳng ai lấy làm lạ, đồng loạt quay ra quở trách B.
Nhưng khi ấy có thế nào B cũng nhất quyết không nhận mình là người làm ra chuyện đó. Đối mặt với sự chỉ trích, mắng mỏ của mọi người, trong một phút bốc đồng, B thề sẽ đánh c.h.ế.t Quý Lôi. Thậm chí mấy ngày sau, B đều loanh quanh gần nhà Quý Lôi, nói muốn đánh gãy nốt chân còn lại của anh. Mẹ B thấy vậy chỉ còn nước quỳ xuống dập đầu năn nỉ mới đưa được B về nhà.

Do đó, giữa Quý Lôi và B lẽ ra phải có mối hận thù sâu nặng với nhau mới đúng, nhưng sau này lại thấy 2 người đó chơi với nhau, khiến hàng xóm đều cảm thấy vô cùng khó hiểu.

Sau khi đội trưởng Lưu thuật lại toàn bộ, tôi và Tiểu Tạ đều nhận thấy những điểm đáng ngờ ở B. Xem ra lần này đến nhà B sẽ có chút thu hoạch đây.
Trước mặt chúng tôi là một ngôi nhà xây bằng gạch đất đã dột nát. Không chỉ có vẻ ngoài tan hoang mà diện tích còn nhỏ hơn nhà họ Quý rất nhiều. Có thể thấy hoàn cảnh gia đình B rất éo le.
Tiểu Tạ bước đến gõ cửa, từ trong nhà vọng ra âm thanh đầy mệt mỏi của một người phụ nữ: "B ơi, ra mở cửa đi con, xem ai đến kìa."
Một giọng nam đáp lại, nghe có vẻ đang rất khó chịu vì bị làm phiền: "Mẹ không nhìn thấy con đang bận à? Tự mở đi!"
Người phụ nữ thở dài, lật đật chạy ra. Cửa mở, lộ ra gương mặt của một người phụ nữ từng trải. Khi nhìn thấy gương mặt này, tôi và Tiểu Tạ có chút bất ngờ. Theo như lời giới thiệu của đội trưởng Lưu, nhà B chỉ có anh ta và mẹ, vậy chắc hẳn người phụ nữ này chính là mẹ B. Nhưng vẻ mặt già nua đã khiến chúng tôi tưởng rằng đây là bà của B.

Sau khi xác thực thân phận, người phụ nữ có chút tò mò hỏi: "Không phải mọi người đã điều tra nhà chúng tôi rồi hay sao? Nhà tôi chỉ có 2 mẹ con, không còn ai khác."
Tiểu Tạ vội vàng giải thích: "Chúng cháu không phải đến để điều tra vụ người mất tích, chỉ muốn tìm hiểu thêm thông tin của con trai cô thôi."
Mẹ B có chút căng thẳng nói: "Con tôi vừa từ trên thành phố về, nó thì biết cái gì mà để hai người hỏi cơ chứ?"
Tiểu Tạ cười, trấn an người phụ nữ, nói rằng chỉ là mấy vấn đề rất đơn giản, hỏi xong là đi, người phụ nữ tuy rằng có chút gượng ép, nhưng vẫn mở cửa mời chúng tôi vào.

Sau khi vào nhà, một nam thanh niên trẻ tuổi đang cúi đầu chơi điện thoại, nghe thấy tiếng bước chân mới ngẩng đầu lên, nhìn thấy Tiểu Tạ mặc cảnh phục, sắc mặt lộ rõ vẻ chán ghét, nói: "Không phải vừa mới điều tra xong hay sao, lại đến làm gì nữa? Phiền phức ghê!"

Tiểu Tạ không hề tức giận, chỉ cười và giải thích mấy câu, rồi bảo tôi cùng mẹ B đến phòng bên đợi, cô ấy cần hỏi riêng B mấy câu. Tôi hiểu ý, bởi biểu cảm trên khuôn mặt mẹ B có chút sốt sắng quá mức, vậy nên nếu vấn đề Tiểu Tạ hỏi quá nhạy cảm, mẹ B đứng bên cạnh quả thực có chút không tiện.

Để giảm bớt sự căng thẳng của mẹ B, tôi ngồi nói chuyện với cô một lúc, cũng để hiểu thêm về tình hình của B. Trong lời kể của cô, điều tôi nghe được nhiều nhất chính là việc tính cách B rất tốt, là một đứa con ngoan, chỉ là do bố ruột vô tâm đã hại đời B. Nếu không phải vì bố B, B chắc chắn là một đứa trẻ tài giỏi đứng nhất nhì trong làng. So sánh với những điều người dân trong thôn nhận xét về B, tôi không ngừng cảm thán, tính cách khiến người khác ghét bỏ của B, phần lớn nguyên nhân chắc hẳn đến từ người mẹ yêu chiều con quá mức này.

Tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp con cái có tính cách quái dị, lý do khiến chúng như vậy không phải là do bối cảnh gia đình hay phương thức giáo dục, mà đơn giản chỉ đến từ sự yêu chiều con không có giới hạn của bố mẹ.

Khoảng nửa tiếng sau, Tiểu Tạ gọi tôi: "Bác sĩ W, chúng ta đi thôi!"
Tôi đáp một tiếng rồi đi ra, Tiểu Tạ nhìn tôi gật đầu một cái, chắc hẳn đã điều tra xong xuôi.
Chúng tôi cảm ơn mẹ B, sau đó rời đi. Còn sự chú ý của mẹ B chỉ đặt vào đứa con trai, không hề để ý đến chúng tôi, nhanh chóng chạy vào gặng hỏi B đã bị hỏi những gì.
Rời khỏi nhà, chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng chửi rủa của B: "Bà già thần kinh, bà nhiều chuyện quá rồi đấy, phiền c.h.ế.t đi được!"
Tiểu Tạ nghe vậy, cười khổ, nói với tôi tình hình thẩm vấn B khi nãy.
Theo lời của Tiểu Tạ, tên B này, quả thực là một tên cặn bã!

Khi nãy bị Tiểu Tạ thẩm vấn, anh ta còn ra điều kiện, nói muốn Tiểu Tạ đưa tiền mới chịu khai hết, khiến Tiểu Tạ dở khóc dở cười, không biết phải làm sao.
Mãi đến khi Tiểu Tạ tỏ ra nghiêm nghị, đe dọa B nếu không phối hợp, sẽ bị liệt vào đối tượng tình nghi, B mới bắt đầu hoảng sợ, đành chịu khai báo với cô.
B nói, quan hệ của anh và Quý Lôi quả thực giống với những gì đã khai trước đó, trước nay đều rất tốt. Cho dù ngày trước có chút mâu thuẫn về chuyện Quý Lôi bị gãy chân, thì cũng chỉ là quá khứ. Sau chuyện đó hai người đã giải hoà, nên vẫn thường qua lại. Thậm chí khi Quý Lôi bận, B còn thay Quý Lôi chăm sóc Quý Vũ, mối quan hệ với Quý Vũ cũng không tồi. Tất nhiên gia đình hai bên vẫn có chút mâu thuẫn, B liên tục nhấn mạnh, mâu thuẫn đó chỉ là việc của người lớn, còn 2 người bọn họ hoàn toàn không có hiềm khích, trái lại quan hệ còn rất tốt.

Khi Tiểu Tạ nhắc đến chuyện Quý Lôi bị ngã gãy chân, B nói sự việc hoàn toàn khác với những gì hàng xóm nói. B khẳng định rằng người khiến Quý Lôi gãy chân không phải là mình, khi đó B mới chỉ 11 tuổi, Quý Lôi ngày ấy có thể nói là đứa trẻ được yêu mến nhất làng, bởi sự thông minh, trượng nghĩa nên có được sự tin tưởng của mọi người. Tuy rằng tính tình B nghịch ngợm khó bảo, nhưng cũng rất nể Quý Lôi. Vậy nên cho dù B không chơi với ai, nhưng quan hệ với Quý Lôi vẫn rất tốt. Chỉ khi có Quý Lôi, B mới tham gia vào trò chơi của bọn trẻ trong làng. Hôm xảy ra vụ việc, B và Quý Lôi đang chơi với mấy đứa trẻ quanh xóm. Bọn trẻ thời ấy không có trò gì chơi ngoài trèo cây, bắt cá, trốn tìm. Khi đó trong làng có một cái cây rất to, cành lá sum suê, trên đó có một tổ chim. Nghe thấy tiếng chim kêu, bọn trẻ biết chắc trên cây có chim non, nên đã tổ chức cuộc thi ai trèo lên cây bắt được chim non trước sẽ thắng. Vậy là chúng thi nhau trèo lên cây.
Lúc đó đã là sẩm tối, những tán cây to, rậm rạp cành lá, lũ trẻ con thi nhau trèo lên đầy vui vẻ, nhưng do tuổi tác và thể lực khác nhau nên bọn trẻ đều cách nhau một khoảng tương đối xa, không thể nhìn rõ xung quanh hay phía trước mình là ai. Vào lúc chúng đang hăng hái trèo lên bắt chim non, bỗng nghe thấy tiếng Quý Lỗi từ trên vọng xuống "Sao cậu lại đẩy tôi?!" Sau đó một tiếng "Á" thất thanh vang lên. Một bóng người vụt qua ngã xuống dưới đất. Lúc đó lũ trẻ sợ hãi, vội vàng trèo xuống. Chúng đều bị dọa cho phát sợ bởi cảnh tượng trước mắt: Quý Lỗi nằm dưới đất, cẳng chân bị gập lại nhìn rất đáng sợ, tuy rằng không chảy máu nhưng có thể thấy rõ xương đã bị gãy.
Khi bố mẹ Quý chạy đến, Quý Lôi đã bị đau đến mức gần như sắp ngất lịm đi, sau khi nhìn hiện trường và dựa vào những lời Quý Lôi kể lại, họ chắc như đinh đóng cột là do B đẩy Quý Lôi ngã.
Còn B rất ấm ức, nói rằng không phải do anh đẩy, lúc đó trời đã tối, B chỉ biết trèo lên trên cao, vả lại cách Quý Lôi một khoảng khá xa, chỉ nghe thấy tiếng hét của Quý Lôi chứ không hề động tay động chân.
Sau đó gia đình 2 bên vì vấn đề viện phí mà cãi nhau rất to. B cũng từng vì ấm ức mà có ý muốn qua đánh gãy chân Quý Lôi, nhưng đó chỉ là cảm xúc bồng bột nhất thời, sau đó Quý Lôi chủ động tìm B xin lỗi, B cũng tha thứ cho Quý Lôi.
Đây là tất cả những gì Tiểu Tạ khai thác được từ B.

Cuộc điều tra ngày hôm đó về cơ bản đã kết thúc, cảnh sát Ôn điều xe đến đón chúng tôi ở cổng thôn, trên đường trở về, Tiểu Tạ và tôi phân tích tất cả những manh mối hiện có.

Nạn nhân là 2 người, xác định 1 trong 2 là Quý Lôi, người còn lại có thể khẳng định gần giống với Quý Lôi, giới tính cũng là nam, những điểm khác tạm thời chưa rõ.

Thời gian xảy ra vụ án theo suy đoán: Do t.hi thể bị hầm quá nhừ nên không thể xác định thời gian tử vong cụ thể. Căn cứ theo kết quả khám nghiệm t.hi th.ể lần hai, có thể xác định thời gian từ khi nấu x.á.c đến lúc phát hiện nạn nhân là khoảng vào nửa tháng trước. Đồng nghĩa với việc, Quý Lôi gần như vừa mất tích là đã gặp nạn.
Dựa vào quyển sổ ghi chép của Quý Nhị, thời gian Quý Mao Mao và bác Lý Đào mua lon sắt về là gần giống nhau, đều trong cùng một ngày, chỉ khác thời điểm mua đó là sáng và chiều, đây cũng là khoảng thời gian sau khi Quý Lôi mất tích mấy ngày.
Nếu dựa theo kết quả xét nghiệm cuối cùng, có thể khẳng định lon sắt đựng x.á.c chính là của 2 nhà bị mất nêu trên, vậy thì có thể suy đoán được rằng, hung thủ sau khi sát hại Quý Lôi và một nạn nhân nữa, đã đem t.hi t.hể giấu ở đâu đó một thời gian, sau đó đến nhà 2 người kia trộm lon sắt, cuối cùng mới tiến hành hầm x.ác và vứt đi nhằm phi tang.
Những người đang được cảnh sát liệt vào diện tình nghi gồm 6 người: 2 vợ chồng họ Quý, Lý Đào, bác Lý Đào, Quý Mao Mao và anh B.

- CÒN TIẾP -
_________________

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#dieutra