Năm.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bùi Việt lo lắng chưa được một ngày thì sáng hôm sau, Trương Kính đã xuất hiện trước cửa nhà Năm Hời.

– Nghe nói Ba Tri có dừa ngon, hy vọng bà không phiền tôi ghé thăm đột ngột.

Ngẩn người nhìn người đàn ông cao to trước mặt, thấy gương mặt ông ta tươi cười không có vẻ gì nguy hiểm, bà chủ gánh hát Minh Tâm mời khách vào trong.

– Mời ông ngồi. Để tôi gọi thằng Việt hái dừa cho ông. Hy vọng nó không làm gì thất thố hôm qua.

– Bà yên tâm. Cậu Việt hành xử rất đúng mực.

Gật đầu, bà Năm Hời vào nhà trong gọi con trai. Bùi Việt không nói với mẹ chuyện mình cãi nhau rồi dám động tay với vị khách quý, bà chỉ nhìn thấy gương mặt con đăm chiêu từ chiều hôm qua mà sinh lo.

Nghe mẹ gọi, Bùi Việt chần chừ một lúc rồi cũng đi hái dừa, định bụng lúc lên nhà trên sẽ cúi mình nhận lỗi.

Ở gian nhà khách, bà Năm Hời bưng khay trà lên thì lại không thấy ông khách đâu cả. Bà đi tìm khắp gian trên nhà dưới, đến lúc sợ Trương Kính bỏ đi rồi thì lại thấy ông ta đang ở sân sau, chăm chú nhìn con trai mình trên ngọn dừa cao.

Không dám làm phiền khách, bà đi lên nhà trên, giả vờ như chưa thấy gì.

Thực ra, lúc Bùi Việt buộc dây nài vào chân thì Trương Kính đang ở sân sau lấy nước lu rửa mặt. Tình cờ nhìn thấy cậu trai bước đến cây dừa sau giậu mồng tơi mà đôi mày nheo lại, Trương Kính bèn sinh tò mò đi theo sau. Không biết người em trai nheo mày vì lo lắng chuyện xảy ra hôm qua hay vì nắng chói, ông chủ Trương đành chắp tay sau lưng, lặng lẽ quan sát.

Nắng buổi sáng chưa quá gắt, chỉ dịu dàng rót trên chiếc áo bà ba màu nâu của cậu trai. Đôi chân khỏe mạnh lộ ra vì ống quần đã xắn lên gối, cơ tay cũng hiện rõ khi cậu trai bám cây dừa leo lên cao. Sợi dây nài buộc ở bàn chân nhích từng chút một, cơ thể thon mảnh kia cũng từng bước rướn lên cao. Lên đến ngọn cây, cậu trai thành thục lấy dao chặt dừa, lúc xoay người định thả dây cho quày dừa xuống đất thì lại vô tình giao mắt với Trương Kính đang đứng ở trong sân.

Thấy gương mặt cậu trai đỏ bừng lên, Trương Kính nhếch mép cười. Nhìn thấy nụ cười đó, Bùi Việt vừa giận vừa thẹn leo xuống.

– Không biết ông chủ Trương ghé thăm nên áo quần không chỉnh tề, mong ông bỏ qua cho. Chuyện hôm qua...

Thấy Bùi Việt cúi đầu xin lỗi mà gương mặt còn tỏ vẻ không phục, Trương Kính cắt ngang.

– Tôi có xin mẹ cậu uống thử nước dừa.

Bị phản ứng của người đối diện làm cho bất ngờ, lại thấy ông ta cười tươi như thể ngày hôm qua chưa xảy ra chuyện gì, Bùi Việt mang quày dừa dợm bước đi.

– Vậy tôi vào trong chặt dừa cho ông.

– Cậu chặt ở đây đi. Tôi muốn xem.

– Ông chưa nhìn thấy ai chặt dừa bao giờ sao?

– Tôi chưa nhìn thấy cậu chặt dừa bao giờ.

– Tôi sợ...

– Tôi ngồi ở phản nứa đằng kia. Cậu cứ ngồi đất mà chặt dừa.

Nói rồi không đợi Bùi Việt trả lời, Trương Kính xoay người đi lại phản nứa đặt ở hiên nhà ngồi xuống, mắt còn ra hiệu cho Bùi Việt mau lại gần mình. Tự nhủ thầm người đàn ông này kỳ lạ, cậu trai cũng đành nghe theo.

Lúc này, bà Năm Hời ngồi mãi ở phòng khách thì cũng đâm lo, bèn bước ra sân sau kiểm tra xem con trai đã hái dừa chưa, không ngờ lại thấy Trương Kính ngồi ngay ở phản.

– Tôi không biết ông chủ Trương ra đây ngồi chơi. Để tôi bưng khay trà bánh ra đây.

– Không cần đâu. Tôi muốn hàn huyên với cậu Việt nên ra mạo muội ra đây thôi. Uống nước dừa ngay ngoài sân, nhìn thấy mấy cây dừa phía xa mới thú.

Hiểu ý của ông khách, bà Năm Hời đành xuôi theo.

– Vậy tôi mang chén ra đây rồi không làm phiền nữa.

Trước khi đi, bà liếc nhìn con trai, ngầm ra ý cho nó phải biết nói năng giữ lễ. Bùi Việt lại phóng ánh mắt tỏ vẻ không muốn mẹ mình rời đi.

Công việc chặt dừa Bùi Việt đã làm biết bao nhiêu lần, thế mà hôm nay tay chân lại lóng ngóng không chịu nghe lời. Tim đập mạnh, mắt giả vờ chăm chú nhìn vào quày dừa trước mặt, cậu trai lại cảm thấy khó chịu hơn khi ông khách kia nhàn nhã ngồi uống trà trên phản.

Nhịn mãi không được, Bùi Việt đành mở lời.

– Tôi xin lỗi về chuyện hôm qua. Tôi phản ứng quá khích, mong ông lượng thứ. Tôi chỉ không hiểu vì sao ông lại kiên quyết muốn nói chuyện với tôi.

– Vì tôi thích cậu.

– Sao?

– Tôi thích nói chuyện với cậu.

Đường dao lệch, trái dừa nứt, nước chảy ra thềm gạch.

– Cậu là dân Ba Tri sao lại chặt dừa vụng như thế?

– Tôi...

– Mấy trái tiếp theo phải chặt cho đàng hoàng. Nếu không, tôi sẽ nói với ông Cai bạ hôm qua cậu dám vô lễ với khách quý.

– Ông!

Trương Kính cắt ngang lời Bùi Việt, đưa tay lên môi ra hiệu cho cậu trai im lặng. Thở ra một hơi dài, cậu trai đành quay lại công việc mình đang làm dở. Dằn lòng bình tĩnh lại, Bùi Việt chặt trái dừa tiếp theo, lần này không để xảy ra sự cố gì nữa.

Đổ nước dừa ra một cái chén to, Bùi Việt kính cẩn đặt xuống phản.

– Mời ông.

– Sao cậu không tự chặt cho mình một trái?

– Tôi không khát.

– Tôi uống một mình không phải đạo lắm, cậu tự chặt cho mình một trái đi.

– Nhưng...

– Nếu không tôi sẽ nói chuyện hôm qua với mẹ cậu.

Hiểu Trương Kính đang cố tình làm khó mình, Bùi Việt nén giận mà tự chặt cho mình một trái dừa rồi uống sạch một hơi.

Thấy người em trai ngửa cổ uống nước dừa mà để sót một dòng chảy xuống cổ, Trương Kính bỗng thấy cổ họng mình khô khan.

– Lên phản ngồi đi. Không cần ngồi dưới đất.

– Má tôi dặn không được ngồi ngang hàng với khách quý.

– Tôi bảo thì cậu cứ làm đi.

Khẽ nhíu mày, Bùi Việt cũng đành leo lên phản ngồi chung với ông khách. Gió từ con sông đằng xa thổi vào mát rượi, hàng dừa khẽ rung lá, ánh nắng dịu đi bảy tám phần.

– Chuyện hôm qua là tôi cố tình nói khích, cậu không cần bận tâm.

Nghe giọng nói trầm ấm bên tai, Bùi Việt quay sang thì bắt gặp nụ cười của người kia. Trong ánh nắng, nụ cười của người đàn ông ánh lên muôn phần rạng rỡ.

– Tôi sẽ không nói gì với ông Cai bạ. Cậu không cần phải sợ. Tôi xin lỗi vì đã tự ý suy đoán kịch bản của cha cậu.

Sự khó chịu trong lòng không còn nữa, Bùi Việt tự nhủ là do nước dừa. Cúi mặt xuống phản, nó nghịch gấu quần của mình mà nói khẽ.

– Thực ra...ông suy đoán không phải là sai hoàn toàn.

Nghe vậy, Trương Kính thở ra một hơi rồi nằm ra phản, tay gác sau đầu, chân bắc chéo điệu bộ nhàn nhã.

– Vậy sao?

– Không! Ý tôi là...tía tôi sẽ không bao giờ viết bậy. Nhưng tôi quả thực...đã dám nghĩ bậy. Ông nhìn ra được tâm tình đó của Trần Đăng là vì tôi diễn theo ý mình.

Thấy gương mặt cậu trai trầm hẳn lại, Trương Kính cất lời.

– Đừng dằn vặt bản thân. Cậu chưa chắc đã nghĩ bậy. Cha cậu mất rồi, dĩ nhiên là không ai có thể giải thích tường tận kịch bản nữa. Nhưng một kịch bản hay sẽ khiến mỗi người nhìn nhận một cách khác nhau, điều đó chỉ chứng tỏ vở "Tát nước đầu đình" đa chiều, còn cậu có một tâm hồn đa cảm. Cha cậu trên trời sẽ không trách mắng.

Giọng nói trầm ấm dịu dàng vang bên tai, Bùi Việt nghe như suối chảy vào lòng mình, không để ý tay Trương Kính đã nắm tay mình từ lúc nào. Đến khi người đàn ông kia dừng nói, nó mới cúi xuống nhìn bàn tay to lớn đang bao bọc lấy tay mình. Máu dồn về tim, trống vang thình thịch.

Trương Kính không làm gì nữa, chỉ nhắm mắt hưởng thụ gió sông và bàn tay của người em trai. Cả hai im lặng. Bùi Việt nhìn ra hàng dừa trước mặt, rồi không hiểu sao cũng đặt lưng xuống phản. Trương Kính mở mắt, quay sang trái. Bùi Việt quay sang phải.

Không hẹn nhau mà cũng mỉm cười.

Đằng xa, Út Nga đứng nấp sau cột nhà, bàn tay vò nát mép áo.

Tối hôm đó, bữa tối nhà bà Năm Hời diễn ra trong im lặng. Khi không đi diễn, chỉ có ba mẹ con họ ăn với nhau. Thông thường, Út Nga sẽ hào hứng kể chuyện trên trời dưới đất, bà Năm Hời sẽ cười giòn tan, còn Bùi Việt sẽ giục con bé ăn cho nhanh. Nhưng hôm nay, Út Nga chỉ ăn cơm trắng, nuốt từng miếng chậm chạp, bà Năm Hời lặng lẽ gắp vài cọng rau muống, còn Bùi Việt ngẩn ngơ thả hồn đi đâu.

Mãi đến khi không chịu được nữa, Út Nga mới đứng dậy, liếc mắt nhìn Bùi Việt rồi dợm bước bỏ vào buồng trong. Thấy cơm trong chén nó còn, bà Năm Hời mới gọi giật.

– Ăn cơm không được bỏ mứa. Út!

– Con ăn không nổi mà má.

Thấy con bé mếu máo, bà mẹ vẫn không bỏ qua. Đã từng trải qua cảnh thiếu gạo húp cháo loãng để sống qua ngày, bà không cho phép bất kỳ ai trong nhà, kể cả bản thân mình, để thừa một hạt cơm.

– Ăn không nổi cũng phải ăn hết, lần sau đong gạo ít lại. Con mà để thừa lần này là ngày mai má cho con nhịn đói nghen chưa.

– Dạ.

Tiu nghỉu quay trở lại bàn ăn, Út Nga lại chậm rãi gắp từng miếng cơm trắng vào miệng. Thấy mặt mày nó xám xịt, Bùi Việt cũng thoát khỏi mộng ban ngày mà gắp cho nó một miếng cá khô.

– Không ăn.

Út Nga gắp miếng cá bỏ ngược lại vào chén Bùi Việt. Bà Năm Hời thấy vậy liền mắng.

– Anh gắp con cũng không ăn. Bữa nay con sao vậy?

– Con...

– Thôi mà má. Chắc em nó mệt.

– Con không được bênh nó. Mình có mệt mỏi, buồn phiền gì thì lên mâm cơm gia đình cũng không được để ảnh hưởng người khác. Hai đứa ăn nhanh đi rồi dọn. Út chút nữa vô buồng má biểu.

– Dạ.

Cơm dọn xong, Bùi Việt mang chén đũa ra sân rửa, bà Năm Hời kéo con gái nuôi vào phòng. Kêu nó ngồi xuống giường, bà cũng ngồi bên cạnh rồi vuốt tóc con tém ra sau.

– Hồi chiều bị má la rầy, con thấy có oan không mà mặt mày ủ ê vậy?

– Dạ không. Con xin lỗi má.

– Thôi, má cũng thấy buồn bực trong lòng nên mới rầy con. Con buồn gì nói má nghe.

– Dạ...

Thấy con gái cúi gầm mặt, bà Năm Hời vỗ nhẹ vào tay nó.

– Nói má nghe.

Nghe giọng mẹ mình dịu lại, Út Nga mới dè dặt hỏi.

– Anh Việt sẽ phải gả đi cho ông chủ Trương phải không má?

– Ai nói với con như vậy?

Ra hiệu cho con nói nhỏ lại, người đàn bà hỏi tiếp.

– Bữa nay ông Trương đến, con thấy cái gì?

– Ông ta cầm tay anh Việt, mà anh Việt cũng không bỏ ra.

Nghe đến đây, bà Năm Hời thở dài rồi quay mặt đi.

– Thiệt tình...

– Còn chuyện hôn ước với hoàng gia thì sao má?

– Ai nói con hay chuyện đó? Thằng Việt nói sao?

– Dạ không, ảnh lỡ lời, má đừng rầy ảnh.

Út Nga bối rối xua tay, nó biết mẹ mình muốn giấu kỹ chuyện tiến cử không cho ai trong đoàn biết.

– Thôi, con là người trong nhà, biết cũng không sao. Thiệt ra, từ lần đầu gặp ông chủ Trương, má đã nghi ngờ ông ta có tình ý với thằng Việt rồi, mà Việt nó cũng ngượng ngùng lạ lắm. Nhưng mà, chuyện tiến cử cho ông hoàng làm lòng dạ má rối như tơ vò. Nó với ông Trương mà có gì với nhau, mình làm sao ăn nói với quan trên...

– Dù sao má cũng đừng gả anh Việt đi nghen má.

– Sao mà má quyết được? Ông chủ Trương là bạn ông Cai bạ, mình khó lòng đắc tội, mà triều đình thì lại càng quyền thế hơn. Chắc ông Cai bạ cũng bị dồn vào thế khó xử nên hôm ở Nhã Âm Quán mới bỏ đi không nói một tiếng.

– Mình cứ bỏ hết cả hai mối đi má. Anh Việt lấy chồng chỉ khổ ảnh thôi.

– Má biết, nhưng mà nói là má không tính được mà.

– Không từ chối được thì hay là mình nói anh Việt có hôn ước từ trước rồi?

Thấy con gái sốt sắng mà hỏi dồn dập, bà Năm Hời càng thêm đau đầu, chợt nghe bốn chữ "hôn ước từ trước" mà đầu óc choáng váng thêm.

– Nga.

– Dạ?

Quay sang nhìn mặt con gái, thấy hai mắt nó đỏ au, bà mẹ vuốt má con.

– Con biết rồi phải không?

– Má...

– Má xin lỗi con. Má không phải có ý ép uổng con.

– Không phải đâu má!

Quỳ xuống dưới đất, Út Nga nắm lấy hai tay bà Năm Hời.

– Con hiểu lòng má. Con...con cũng muốn lấy anh Việt.

Nói đến đoạn sau, nó gục mặt vào hai tay bà. Vuốt mái tóc con gái, bà thấy giọng mình khàn hẳn đi.

– Má cũng chỉ tính cho nó một mối sau này. Con nói đúng, đàn ông khó mang thai gấp mấy lần phụ nữ, về nhà người ta mà không giúp họ nối dõi tông đường thì bị hắt hủi lắm.

– Con thương anh Việt. Con thực lòng thương anh Việt. Con lạy má...lạy má...đừng gả anh đi.

Nghe con gái van nài mà giọng vỡ ra, bà hít một hơi rồi nói.

– Hôm qua thằng Việt đi gặp ông chủ Trương, là con bắt mèo nhà bà Sáu giẫm lên áo dài của nó phải không?

Ngước mặt lên nhìn mẹ mình, trong đôi mắt cô gái trẻ không giấu nổi sự ngỡ ngàng.

– Con lỡ dại, má tha lỗi cho con!

Trái ngược với sự sợ hãi của cô bé, bà Năm Hời chỉ thở dài rồi vuốt mặt nó.

– Khờ quá. Con làm vậy cũng đâu thay đổi được gì. Dù là ông chủ Trương hay ông hoàng thì mình cũng không làm gì được đâu con à.

– Con biết. Nhưng mà...con sợ. Con biết má nhận nuôi con chỉ vì muốn lo cho anh Việt về sau, con cũng nguyện lòng theo ảnh. Nhưng mà má không biết...đây cũng là con đường duy nhất của con. Con sợ mất ảnh, mất má.

Một dòng lệ chảy xuống cằm, bà Năm Hời không gạt đi mà chỉ nhắm mắt lại nói tiếp.

– Út khờ của má. Dù cho chuyện con với thằng Việt không thành, má vẫn thương con không biết để đâu. Má nuôi con từ nhỏ, sao nói bỏ là bỏ được. Chẳng lẽ bao năm qua con không thấy má thương con?

– Con thấy, tại...con sợ...

– Con không cần phải sợ gì hết. Hai má con mình phải dựa vào nhau dù có chuyện gì xảy ra với thằng Việt và gánh hát. Má thú nhận chuyện má từng nghĩ sẽ phối hôn cho con với thằng Việt, nhưng nếu một trong hai đứa không chịu thì má cũng không ép. Má vẫn thương con dù con không gả cho nó.

Nắm tay con kéo nó ngồi lên giường, bà Năm Hời để đầu con ngả vào vai mình.

– Chuyện áo dài của thằng Việt, má có nghi từ đầu tại con hay sang nhà bà Sáu chơi với con mèo. Tình cảm đầu đời làm mình khổ sở lắm, má biết. Má không trách con khờ dại, má chỉ muốn con hiểu rằng những chuyện nhỏ nhặt đó mình làm không thay đổi được chuyện gì, nó chỉ làm mình đau lòng thêm mà thôi. Má biết má không thể nói con quên đi tình cảm với thằng Việt ngay bây giờ, nhưng mình phải cố gắng mà nguôi ngoai. Thôi mình đừng nói chuyện của thằng Việt nữa, má cũng chẳng biết làm sao. Con chỉ biết là má thương con thôi nghen Út.

Ôm lấy vai cô bé, bà Năm Hời hôn tóc con.

– Má thương con nhiều nghen Út.

Bà Năm Hời nhận nuôi Út Nga từ khi cha mẹ nó đi rừng bị thú dữ tấn công. Bồng đứa bé một tuổi trên tay, cô Năm đút cho nó từng muỗng nước gạo mà chảy nước mắt. Sau này khi nó tập đi, bị ngã đau bà đều thủ thỉ má thương Út nhiều. Đến khi nó bốn tuổi bị anh Việt ăn hiếp, bà cũng đánh thằng con trai rồi nói nhỏ vào tai nó má thương Út nhiều. Đến lúc nó dậy thì, chịu đựng nỗi đau cơ thể lần đầu tiên, bà lại ôm nó vào lòng mà nói thầm má thương con nhiều nghen Út.

Có những câu nói nó nghe thành quen mà đến bây giờ mới hiểu hết ý nghĩa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro