Bốn.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gần trưa hôm sau, bà Năm Hời mang một bộ áo dài vào phòng con trai.

– Việt, con mặc bộ áo dài này xem vừa không.

Lúc không diễn trên sân khấu, Bùi Việt chỉ mặc áo bà ba. Cậu trai hiếm khi mặc áo dài, trừ khi là cùng mẹ đi tiếp khách quý sau vở diễn.

Mặc bộ áo dài trắng lên người, Bùi Việt ra đứng soi mình trước gương.

– Bộ này đẹp mà vừa lắm má.

– Má mới may đợt Tết đó, sau này con lớn rồi đi đâu ra ngoài khu xóm mình phải mặc áo dài cho chỉn chu.

Bà mẹ đứng phía sau con, ngắm nhìn đứa con trai độc nhất trong gương mà thấy vui buồn lẫn lộn. Con trai mới lớn, gương mặt và dáng người đều đẹp, mặc áo dài vào khiến người khác rất thích thú. Nhưng con trai đẹp thì số mệnh không tốt, huống chi mình còn chưa rõ chuyện hôn ước với hoàng gia.

– Hay là má đi theo con nghen?

– Con lớn rồi, tự đi được mà. Chắc ông chủ Trương lần đầu xem cải lương mà con đóng cả hai vai nên thấy thú vị, muốn đàm đạo một tí về nghệ thuật sân khấu thôi.

– Má cũng mong vậy. Thôi con mặc thử áo dài xong rồi cởi ra treo lên đi, đặng tắm rửa sạch sẽ rồi chuẩn bị tươm tất. Ông ta hẹn giờ Mùi nhưng con nhớ đi sớm. Nhớ là vận mệnh của đoàn mình phụ thuộc rất nhiều vào ông Cai bạ, ông Trương là bạn của ông ấy thì chắc cũng có tiếng nói.

– Dạ, con nghe.

Bùi Việt nghe theo lời mẹ dặn, treo áo dài lên sào rồi ra sân sau tắm. Lúc cậu trai vừa rời đi, một bóng đen lại lẻn vào phòng.

Con trai tắm nhanh, Bùi Việt chỉ mất một khắc là đã xong xuôi. Mặc quần lụa mới, cậu trai để lưng trần vào nhà trong định lấy áo dài ra mặc thì phát hiện chiếc áo đang nằm trên sàn nhà và bị lấm bẩn hết cả. Trên lưng áo còn có dấu chân mèo.

– Trời đất ơi...

Mang áo dài lên phòng khách, Bùi Việt thấy mẹ mình đang ngồi tính toán chi tiêu trong đoàn.

– Má coi, con mèo nào nhảy vào nhà làm rơi áo dài xuống đất bẩn hết rồi.

– Chỉ có nhà bà Sáu mới nuôi, mà mèo nhà bà ta toàn nằm nhà không mà.

Bà Năm Hời cầm chiếc áo đã bẩn trên tay thì nghe tiếng gà trưa gáy Ngọ.

– Bây giờ mà giặt rồi phơi chắc không kịp, để má coi trong nhà còn chiếc áo nào tử tế không.

– Hay con mặc áo bà ba được rồi, chắc không sao đâu má. Ông chủ Trương chắc không để ý mấy chuyện này đâu.

– Nhưng hôm nay người ta mời con đến trà quán mà mình mặc vậy cũng không phải đạo.

Xoa vai người mẹ đang lo lắng mà nhíu cả đôi mày, Bùi Việt trấn an bà.

– Con mang bộ bà ba mới ra mặc là được mà. Mình là dân nghèo, ông ấy chắc cũng hiểu cho.

– Hay con lấy áo dài của má?

– Con cao lớn hơn má mà. Thôi nói nữa chắc trễ. Con vô nhà lấy áo mặc rồi đi liền. Má đừng lo.

– Ừ thôi cũng được, giờ mà chạy tìm áo dài chắc không kịp. Thiệt tình, má phải qua nhà bà Sáu mắng vốn mới được.

Thấy mẹ xuôi lòng, cậu trai chạy vào nhà tìm chiếc áo bà ba gấm màu xanh ra mặc. Mang theo một bị trái cây làm quà biếu, Bùi Việt tất bật ra đường lớn gọi phu xe vào trấn.

Đoạn đường đi không quá dài, nhưng không hiểu sao Bùi Việt thấy tim mình cứ đập nhanh. Cứ nghĩ đến cảnh mình lại bị nhìn với ánh mắt hôm nao, lòng dạ cậu trai lại rộn rạo không yên. Những ngôi nhà, quán xá bên đường hình như lạc khỏi tâm trí, để cả không gian như chìm đắm trong ánh mắt trực diện xuyên thấu của người đàn ông hôm nào.

– Việt, tới nơi rồi nè con.

Nghe bác phu xe gọi, Bùi Việt đang ngẩn người mới ngước nhìn lên, thấy trước mặt mình là bảng hiệu của Nhã Âm Quán.

– Dạ, con cảm ơn bác Lệnh. Cho con gửi tiền.

Nói rồi, cậu trai xuống xe, tự đi bộ ba con phố đến Lục Quán. Đoạn đường này Bùi Việt đã đi lại nhiều lần những lúc vào trấn mua hàng cho má, nhưng hôm nay, mỗi con đường như dài ra đến lạ. Những gương mặt thân quen ở hàng vải, viên gạch đã vỡ trước cửa hàng bông, bụi nứa chen chúc nhau đoạn hàng nón, tất cả đều trôi qua thật chậm.

Đi một lúc thì Bùi Việt tìm được bảng hiệu của Mộc Quán.

Bảng hiệu bằng gỗ không trang trí gì. Quán nhỏ, không thấy câu đối mừng khai trương. Bên trong chỉ có một ông già trông vài sạp với độ mười loại trà. Phía bên trái có bày hai bộ bàn ghế gỗ lim chạm trổ đơn giản. Chỗ này ngày xưa không có hàng quán gì, chỉ thấy cửa đóng im lìm, bây giờ có một trà quán bé nhỏ thế này cũng không thấy đổi khác là bao.

Cởi nón lá, Bùi Việt bước vào trong rồi cúi người chào người đàn ông già.

– Dạ thưa ông, cho con hỏi đây có phải là Mộc Quán của ông chủ Trương?

Ông cụ đang pha trà nhìn thấy Bùi Việt thì mặt mày sáng rỡ, liền đặt ngay chén trà xuống bàn rồi bước ra nói cười xởi lởi.

– Thưa đúng rồi cậu. Cậu để già giữ nón rồi đi vào thẳng bên trong, ông Trương đang đợi.

– Dạ.

Đưa nón cho cụ già, thấy điệu bộ ông ta có phần cung kính với mình, Bùi Việt bắt đầu cảm thấy ngại ngùng. Người gánh hát thường không được coi trọng, ngay cả với tầng lớp bình dân, huống chi cụ ông này mặc áo gấm đắt tiền, tuy chất liệu có thua ông Trương Kính hôm trước thì vẫn thuộc hàng khá giả.

Trái ngược với vẻ bé nhỏ từ ngoài nhìn vào, cửa gian ngoài mở ra nối liền với khoảnh sân sau rất rộng, có hòn non bộ và mấy khóm tre rất đẹp. Đi hết quãng sân rộng là đến một gian nhà khuất phía sau, to rộng hơn hẳn Mộc Quán bé nhỏ bên ngoài.

Bùi Việt ngoái nhìn lại thì cửa nối với gian ngoài đã khép từ lúc nào.

Một thế giới khác mở ra trước mặt khiến cậu trai đứng chôn chân mất một lúc. Trà quán thô sơ bên ngoài ắt hẳn là vỏ bọc cho ngôi nhà khang trang phía sau. Mộc Quán nằm ở ngã tư, mà góc đường này chỉ toàn những ngôi nhà thường khép cửa, không biết chừng phía sau tất cả những ngôi nhà ấy mới thực sự là nhà của ông chủ Trương.

Lúc này, cửa nhà trong bất thình lình mở ra khiến tim cậu trai đánh thót.

– Cậu Việt đã tới. Tôi cứ trông mãi.

Trương Kính hôm nay không đội mũ, cả gương mặt sáng bừng hiện rõ trước mặt Bùi Việt. Đàn ông độ hai lăm là khoảng thời gian sung mãn nhất, dù là thương nhân thì cơ thể vẫn tráng kiện hồng hào. Dáng vóc ông ta cao lớn bức người, cao hơn Bùi Việt gần một cái đầu dù cậu trai cũng vào hàng dong dỏng. Mày rậm cằm vuông, đôi mắt không to nhưng rất sáng, khi cười thì mắt nheo lại trông rất đáng yêu.

Đáng yêu? Đàn ông làm sao mà đáng yêu. Bùi Việt nghĩ mình đã bị nắng trưa làm cho mụ mị rồi.

– Dạ thưa ông chủ Trương.

Cậu trai cúi đầu, xong mới đưa bị trái cây cho người đàn ông kia, mắt vẫn không dám nhìn lên.

– Nhà chúng tôi không khá gì, chỉ có chút trái cây, mong ông không chê.

Đưa tay ra mà mãi không thấy có người nhận, Bùi Việt nhìn lên thì thấy ông ta đang chăm chú nhìn áo bà ba mình đang mặc, trên môi đã tắt nụ cười.

– Xin ông thứ lỗi. Tôi chỉ có duy nhất một bộ áo dài, mà hôm nay lại chẳng may bị lấm bẩn...

– Không sao, mặc thế này rất đẹp.

Dường như thấy được sự bối rối của cậu trai, nụ cười trở lại trên gương mặt Trương Kính nhằm trấn an người đối diện.

– Dạ...tạ ơn ông.

– Cậu theo tôi vào trong. Trà sắp pha xong rồi.

Giọng nói trầm ấm khiến Bùi Việt bắt đầu thả lỏng, ngoan ngoãn bước vào trong. Giọng nói người này to rõ và rất có uy lực dù chỉ ở cường độ vừa phải. Đã học qua thanh nhạc và đài từ sân khấu, cậu kép biết đây là một người đã từng học cách nói trước đám đông.

Bên trong nhà sau dù không quá xa hoa lộng lẫy thì vẫn có đầy đủ những vật dụng mà chỉ giới thượng lưu mới có được. Từ bức tranh đôi chim nhạn trắng đến hai chiếc lư đồng tinh xảo, mọi thứ đều thể hiện rõ giai cấp của chủ nhân ngôi nhà, xem chừng cũng ngang ngửa nhà quan. Dù là dân ít học và không có điều kiện tiếp xúc với tầng lớp quý tộc, Bùi Việt vẫn hiểu rõ mình phải cẩn thận cách hành xử với người này.

Đặt bị trái cây xuống ghế, cậu kép ra đứng chờ Trương Kính pha trà. Từng động tác tỉ mẩn đều chứng tỏ ông ta biết thưởng trà. Bùi Việt chỉ tiếp xúc với tầng lớp bình dân, quen uống loại trà rẻ tiền pha nhạt, nhưng hít ngửi hương trà sen cũng phải tấm tắc khen.

– Trà thơm lắm.

Trương Kính quay đầu lại thì thấy người em trai vẫn đứng yên một chỗ, tuy không còn khép nép như ban nãy thì vẫn ngại ngùng không dám ngồi.

– Cậu cứ ngồi chờ, tôi không phải là quan đâu mà giữ lễ.

– Dạ.

Được người kia mở lời, cậu trai cũng không ngại nữa, bèn ngồi xuống nhìn ông ta pha trà. Nó chăm chú nhìn đôi bàn tay to lớn nhưng không thô vụng, đến cả rót trà mà cũng điệu nghệ để nước trà vừa đầy chén nhưng không rơi sót một giọt nào. Chén trà sứ men lam cầm trên tay nóng hổi nhưng không đến mức bỏng tay, hương sen ướp trong trà lại dâng lên tận mũi. Nhấp môi thử một ngụm, Bùi Việt gật gù.

– Trà pha rất vừa, uống nóng nhưng lại thấy thanh mát, lại có vị ngọt hậu rất dịu, chỉ thoáng qua chứ không gắt, đặc biệt hương sen thơm thoang thoảng lúc nào cũng ở cánh mũi.

– Cậu nhận xét rất đúng. Đấy là cái hay của trà sen Hà Bắc.

– Ông hay đi buôn bán ngoài Bắc sao?

– Chỉ mới ra vài lần thôi. Tôi bận việc trong Nam nên không có thời gian ra Bắc nhiều.

– Tôi chưa được đi Bắc bao giờ. Nghe nói ngoài đó vào mấy tháng cuối và đầu năm rất mát.

– Đầu năm có thể nói là lạnh.

Bùi Việt bình thường rất tự tin khi tiếp chuyện với người lạ, kể cả là quan trên hay quý tộc, mà không hề cảm thấy tự ti với xuất thân của mình. Nó chỉ cảm thấy như bị khớp khi nói chuyện với người này lúc mới gặp. Vậy nhưng, sau vài ba câu nói mở đầu, lời đối đáp đã trôi chảy mạch lạc hơn. Cậu trai đặc biệt thấy dễ chịu mỗi lần mình nói điều gì, Trương Kính đều lắng nghe rất chăm chú, mắt nhìn thẳng vào mắt mình đầy ấm áp.

Đôi mắt của ông chủ Trương rất đẹp.

Xua đi suy nghĩ quái lạ trong đầu, Bùi Việt lái câu chuyện sang hướng khác.

– Đây có phải là lần đầu tiên ông đến Vĩnh Long không?

– Tôi đi Vĩnh Long mấy lần rồi, nhưng Ba Tri thì quả thật là lần đầu tiên. Thấy đất này phồn thịnh, tôi quyết mở thêm quán trà ở đây. Mấy quán trước ở Nam Thành và Định Tường.

– Vĩnh Long làm sao bằng được hai tỉnh kia. Tôi đi diễn ở Định Tường một lần, Nam Thành hai lần, thấy phố xá sầm uất hơn nhiều lắm. Đặc biệt rạp hát ở Nam Thành rất lớn, khán giả ngồi phải gấp đôi Nhã Âm Quán.

– Nam Thành đúng là to lớn và nhiều người thật. Đất kinh đô lúc nào chẳng nhiều người.

– Thế mà tôi vẫn thích ở Vĩnh Long hơn.

– Cậu không thích chỗ ồn ào náo nhiệt sao?

– Đôi khi đến thăm thì thấy vui, ở mãi thì sẽ mệt đầu lắm. Tôi dại nên tìm nơi vắng vẻ, để người khôn ở chốn lao xao vậy.

– Cậu cũng biết thơ?

– Tía tôi lúc sinh thời là tú tài, má tôi có đem sách của tía ra dạy.

Nói đến gia đình mình, ánh mắt cậu trai lại ánh lên nét vui buồn lẫn lộn. Buồn vì cha mất, vui vì vẫn còn mẹ. Trương Kính nhìn nét mặt sinh động dần dà, bỗng thấy buổi trưa chẳng hề nóng nực chút nào. Gió từ vườn thổi vào mát rượi, tiếng lá tre vỗ về nhau nghe rất vui tai.

Họ nói chuyện về cha mẹ Bùi Việt, về ông Tú Hòe và bà bầu Năm Hời. Gánh hát chỉ nổi tiếng trong tỉnh nên chưa bao giờ khá giả. Khán giả của họ bình thường là dân lao động và giới trung lưu, họa hoằn lắm mới diễn cho quan và quý tộc, nguồn thu nhập chỉ vừa đủ để nuôi mười mấy miệng ăn trong đoàn. Từ bé, Bùi Việt đã phải cùng mẹ tự tay làm áo mũ đi diễn, có nhiều khi thức đêm thắp đèn dầu mà khâu áo, lại có lúc chờ nồi cơm của cả đoàn đến hừng sáng để hôm sau họ đi lưu diễn xa. Tuổi thơ tuy không quá đỗi cơ cực bần cùng nhưng cũng không ít khó khăn. Bùi Việt lại kể với nụ cười trên môi, bởi nó không nghĩ mình sẽ làm gì khác được ngoài chuyện đi hát, đi diễn với đoàn. Cải lương là nghiệp, là cuộc đời của cậu kép trẻ tuổi này.

Nhắc chuyện quá khứ, Bùi Việt vừa kể vừa nhìn ra xa, không để ý Trương Kính vẫn nhìn mình không rời mắt. Vẻ đẹp của Bùi Việt nghiêng về phần thanh tú vốn dĩ là nét mặt thường thấy của dạ nhân, nhưng khung xương hàm và khuôn miệng của cậu trai thì khá nam tính, khi nói cười thấy rất sinh động và cuốn hút. Đặc biệt, lúc nói về đam mê cả đời mình, ánh mắt cậu ta sáng rực lên, chứa đầy sự tự tin và lạc quan của tuổi trẻ. Đã quen nhìn những ánh mắt tối tăm buồn bã, Trương Kính càng thêm yêu thích sự tươi mới của người con trai này.

Đàm đạo một lúc về gia cảnh của mình và gánh hát Minh Tâm, Bùi Việt cảm thấy đã đến lúc cần hỏi thẳng vấn đề đã làm mình băn khoăn mãi từ lúc mới bước chân vào quán trà này. Cậu trai đứng dậy rồi đi dạo vài bước xung quanh, mắt trông ra vườn.

– Hôm nay ông mời tôi đến không chỉ để thưởng trà, dúng không?

– Đúng mà cũng không đúng.

Người đàn ông tiến đến sau lưng Bùi Việt nhưng vẫn giữ khoảng cách độ hai gang tay.

– Tôi không chỉ muốn mời trà mà còn muốn hàn huyên với cậu. Tôi muốn biết thêm về cậu.

– Ông thấy tôi thú vị vì diễn được hai vai nam nữ trên sân khấu sao?

– Không.

Tiếng trả lời dứt khoát của Trương Kính không hiểu sao lại khiến Bùi Việt mừng thầm trong lòng. Nếu như ông ta chỉ cảm thấy thú vị nhất thời, cuộc trò chuyện hôm nay chắc sẽ không đi đến đâu.

– Hí kịch của đất nước phía Bắc có nam diễn viên đóng vai nữ, tôi đã từng xem qua rồi. Dĩ nhiên là ít ai diễn và hát được cả hai vai tốt như cậu, nhưng tôi là dân buôn có đi qua nhiều vùng đất, chuyện hay lạ đã thấy nhiều.

– Vậy lý do ông mời mình tôi đến đây là gì?

Bùi Việt biết mình hỏi vậy là thất lễ, nhưng Trương Kính đã khiến cậu trai buông lỏng đề phòng, trở về bản năng nói chuyện thẳng thắn thường ngày. Vả lại, nó thực sự muốn biết lý do người đàn ông này muốn gặp mình.

– Tôi thích cậu diễn vai Trần Đăng.

– Ai cũng thích tôi diễn vai Thụy Khuê cơ mà?

– Tôi xem nam diễn viên đóng vai nữ rồi. Điều duy nhất mà tôi chưa thấy bao giờ đó là khí chất khi họ quay trở về đóng vai nam. Vả lại, tôi thấy con người cậu nhiều hơn ở vai Trần Đăng. Thụy Khuê là cô tiểu thơ lá ngọc cành vàng, từ đầu đến cuối chỉ biết than khóc. Nhưng Trần Đăng muốn gì thì sẽ hành động ngay.

Thấy người này có quan điểm khác thường, Bùi Việt tiến một bước lại gần ông ta hơn. Đôi mày Trương Kính hơi nhướng lên khi thấy hành động này của cậu trai, trông vừa ngạo mạn vừa thích thú.

– Vậy theo ông, Trần Đăng muốn gì?

– Phạm Kiến.

– Ý ông là sao?

– Cậu hiểu rõ ý tôi mà. Trần Đăng muốn có được Phạm Kiến.

– Chuyện tày trời vậy mà ông cũng dám nói!

Lửa giận bốc lên đầu, Bùi Việt đi mấy bước bỏ ra ngoài sân.

– Sao lại là chuyện tày trời? Cậu thử nghĩ xem có người đàn ông nào vừa nhìn thấy một chàng trai khác là đã muốn kết thân, biết người ta có tình nhân ở quê nhà mà vẫn giúp chăm lo miếng ăn giấc ngủ...

– Đó là chuyện đồng đội làm cho nhau.

Bùi Việt cắt lời, gương mặt bắt đầu đỏ lên, nhưng Trương Kính vẫn thao thao bất tuyệt.

– Lại còn chắn tên cho Phạm Kiến.

– Đồng đội hy sinh vì nhau là chuyện bình thường.

– Bao người tử trận nơi sa trường, cớ sao lại chỉ chắn tên cho một người?

– Vì Phạm Kiến là anh em thân thiết của Trần Đăng.

Trương Kính quay mặt đi, nửa vô tình nửa cố ý phớt lờ sự tức giận của Bùi Việt.

– Hay vì Trần Đăng đã thương thầm Phạm Kiến từ lần đầu gặp mặt? Cậu thử nghĩ xem. Trần Đăng và Thụy Khuê không bao giờ xuất hiện trong cùng một phân cảnh. Lúc Trần Đăng xuất hiện sánh vai cùng Phạm Kiến thì Thụy Khuê đang bị cha mình giam lỏng nơi quê nhà. Phải chăng đây là ngụ ý của soạn giả, rằng Trần Đăng là một thế thân của Thụy Khuê, chỉ khác là nam nhi dũng mãnh nơi sa trường, kiên quyết bảo vệ tình yêu của mình, không như cô tiểu thơ kia chỉ bị động mặc cho dòng đời đưa đẩy?

– Ông đừng nói nữa!

Thấy bên má trái mình nóng rát, Trương Kính nhìn xuống thì thấy lồng ngực cậu trai đang phập phồng, cánh tay phải vẫn còn ở không trung.

Vài giây sau, nhận thức được việc mình vừa làm, Bùi Việt rút tay về nhưng giọng nói vẫn đanh thép.

– Ông xem cải lương, thấy thích thú đến đâu cũng đừng tự suy diễn kịch bản. Soạn giả không viết bậy bao giờ.

– Cậu là dạ nhân, sao lại phản đối chuyện này đến vậy?

Thấy sự bối rối trong đôi mắt xanh ngọc, Trương Kính tự ngăn mình nhếch mép cười thầm. Không để ý đến ánh mắt người đối diện, Bùi Việt tiếp tục hùng hồn.

– Tôi là dạ nhân không có nghĩa tôi được phép diễn giải kịch bản theo ý thích của riêng mình. Trên sân khấu không có dạ nhân, không có cả diễn viên nam nữ, chỉ có vai diễn. Nếu ông nhìn mắt tôi mà suy đoán thì tức là tôi diễn chưa tới, tôi xin tạ lỗi, nhưng tía tôi sẽ không bao giờ viết bậy.

Ông Tú Hòe ngày xưa rất đam mê văn nghệ. Lấy vợ xong mà mãi vẫn nghèo vì ông chỉ đỗ tú tài, ông lặn lội từ Thừa Thiên vào Nam để tìm kế sinh nhai. Việc làm kiếm tiền chưa thấy thì ông đã gặp bầu Tư Khởi, hai người nói chuyện ăn ý đành hợp tác với nhau viết kịch bản, lấy tên chung là soạn giả Hòa Tâm. Hòa là đọc chệch tên Hòe của ông, Tâm là một chữ trong tên gánh hát mà ông Tư Khởi rất thích.

Sau ông Tú Hòe ăn ở với bà Năm Hời, hai người từ đầu đến cuối vẫn chưa kết nghĩa vợ chồng vì ông tú chưa bỏ vợ ngoài Thừa Thiên. Sau mấy hồi đấu tranh tư tưởng, ông định viết thư mời vợ vào Nam, xin phép bà cho Năm Hời làm lẽ thì bản thân đột nhiên trở bệnh nặng.

Trong lúc bệnh nặng, ông nói với Năm Hời hai điều. Một là chúng mình chưa có duyên thành vợ chồng, nhưng tôi thương mình và con, sau mấy ngày đêm suy nghĩ thì đã có tên cho đứa nhỏ trong bụng mình. Hai là tôi cùng anh Tư có soạn nhiều vở với nhau, song vở "Tát nước đầu đình" là hoàn chỉnh nhất, cũng là tâm huyết của tôi mong có ngày thấy mình đóng vai Thụy Khuê.

Song Năm Hời chỉ đóng Thụy Khuê đúng một lần, sau tang ông Tú Hòe bà không bao giờ diễn nữa.

Là vở cải lương đầy tâm huyết của gia đình mình, "Tát nước đầu đình" khiến Bùi Việt tức giận khi Trương Kính suy đoán lung tung cũng là lẽ đương nhiên.

Bùi Việt bỏ đi, Trương Kính nhìn theo bóng người em trai mà tự trách mình làm người đẹp nổi giận. Ông ta chỉ không biết rằng, Bùi Việt nửa giận nửa thẹn. Thẹn với tía trên trời vì để diễn nhập tâm vai Trần Đăng, đặc biệt là cảnh chắn tên cho Phạm Kiến, nó quả thực có suy diễn tình cảm của nhân vật này lên hơn mức bình thường. Người đàn ông kia chỉ mới xem vở này có một lần, không hiểu sao lại nhìn ra tâm tư ấy. Ắt hẳn không chỉ vì màu mắt của nó, mà còn bởi những ân tình chứa chan trong đôi mắt này.

Đoạn đường về, Bùi Việt không dám gọi bác Lệnh phu xe. Cậu trai đi bộ mà mặt cắm xuống đất không dám nhìn ai, tự nhủ mình làm kép làm chi mà bậy bạ quá chừng.

Về đến nhà thấy mẹ, Bùi Việt bắt đầu sợ Trương Kính sẽ làm khó gánh hát nhà mình.

Nhưng đêm ấy ở sân vườn Mộc Quán, Trương Kính lại nhìn trăng mỉm cười.

Cả hai người nhìn trăng, tưởng như thấy nhau mà hoài thao thức.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro