47+48

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


47,

Năm Phương Phương mười sáu tuổi, thoạt nhìn trông giống như một đứa bé lớn hay ngại ngùng. Tuy rằng đã không còn "một chữ tựa nghìn vàng" giống như trước đây, thế nhưng vẫn không thích mở miệng nói chuyện như trước. Bình thường, ngoài tôi và bố của thằng bé ra thì thằng bé không muốn nói chuyện với bất kỳ ai khác cả. Thằng bé đã biết đọc sách viết chữ, ngoài tiếng mẹ đẻ ra thì còn học cả tiếng Anh và tiếng Nga nữa; đối với việc nhà, chỉ cần gọi thằng bé ra hỗ trợ thì thằng bé nhất định sẽ ngoan ngoãn ngừng việc mình đang làm để ra giúp.

Thằng bé thậm chí đã học được cách chăm sóc cho người khác. Có một lần tôi bị cảm, bố của Phương Phương không có ở nhà, không cần tôi nhắc nhở, thằng bé đã tự động đi đun nước để tôi uống thuốc, còn dặn tôi không được trộm nghịch nước nữa.

Tôi nằm trên giường, hỏi thằng bé tại sao lại biết nói như thế. Thằng bé nói lần trước thằng bé bị ho khan chảy nước mũi tôi cũng đã nói như vậy, cho nên thằng bé nhớ liền ghi nhớ vào trong đầu.

Tôi cảm thấy rất mừng, lại hỏi tiếp: "Thế nếu như mẹ uống thuốc rồi mà vẫn còn bị ho khan chảy nước mũi thì sao? Lúc đấy thì phải làm sao bây giờ?"

Thằng bé suy nghĩ một lúc rồi nói: "Vậy con sẽ đưa mẹ đi viện."

"Thế đường tới bệnh viện đi như thế nào nhỉ?" Tôi lại hỏi.

Thằng bé không trả lời được. Từ khi thằng bé cự tuyệt điều trị vào năm mười hai tuổi thì tôi đã không còn dẫn thằng bé tới bệnh viện nữa, chỉ thỉnh thoảng mời y sĩ tới để làm kiểm tra theo định kỳ cho Phương Phương mà thôi. Mà phạm vi hoạt động bình thường của thằng bé thì lại ít đến đáng thương, ngoài trong nhà ra thì cũng chỉ có loanh quanh ở xung quanh khu chung cư mà thôi, có lúc tôi và bố của thằng bé cũng dẫn thằng bé tới nơi bờ biển ít người hoặc là đi ra vùng ngoại thành, còn đâu thì thằng bé sẽ không chịu đi ra ngoài một mình, cho nên cũng không biết đường đi tới bệnh viện là như thế nào.

Tôi nhận ra đây là một cơ hội tốt để cổ vũ thằng bé đi ra ngoài nhiều hơn một chút, bèn nói: "Hay là bây giờ mẹ đưa con ra ngoài nhé, để con biết đường đi tới bệnh viện, nhỡ mà bệnh của mẹ có không đỡ thì con cũng có thể đưa mẹ đi bệnh viện."

Thằng bé nghĩ nghĩ rồi gật gật cái đầu.

Trong lòng tôi vừa vui sướng lại vừa cảm động. Bác sĩ nói Phương Phương sẽ sinh ra cảm giác sợ hãi đối với những nơi mà mình không quen thuộc, trừ khi là thằng bé tự nguyện muốn đi thì tốt nhất là không nên cưỡng ép thằng bé tới những chỗ xa lạ, nếu không sẽ càng làm tăng thêm cảm giác sợ hãi và bất an cho thằng bé, nghiêm trọng hơn thì còn có thể khiến cho thằng bé có hành vi đả thương người khác hoặc tự đả thương mình. Bởi vậy, đã qua rất nhiều năm, tuy biết rằng cứ giữ Phương Phương ở nhà như vậy là không tốt, thế nhưng tôi với bố của Phương Phương cũng không dám ép thằng bé phải hòa nhập với xã hội này.

Thằng bé tựa như một con búp bê thủy tinh vậy, chỉ cần xảy ra chuyện gì đó ở trong nhà thôi là tôi đã lo lắng lắm rồi, làm sao mà còn dám để cho thằng bé tự do đi ra ngoài được cơ chứ?

Hiện giờ thằng bé lại vì tôi mà lần đầu tiên chủ động đồng ý đi tới bệnh viện, tôi mừng đến choáng váng, suýt chút nữa thì nằm ngã xuống giường. Nhiều năm trôi qua, tôi càng ngày càng cảm thấy không phải là tôi đang chăm sóc cho Phương Phương, mà là thằng bé đang làm bạn với tôi thì đúng hơn. Thằng bé tựa như một chiếc áo bông nhỏ tri kỷ (*) của tôi, trong lúc bạn còn đang chưa kịp hồi thần lại thì thằng bé đã làm cho cả thể xác lẫn tinh thần của bạn trở nên ấm áp rồi.

(*) Xem lại chú thích chương 5.

Cũng may là bệnh cảm của tôi cũng không có gì nghiêm trọng lắm, vẫn có thể lái xe đưa thằng bé đi ra ngoài được. Dọc đường đi tôi cố ý lái xe thật chậm, vừa lái vừa giới thiệu thông tin về các cửa hàng ở bên ven đường cho thằng bé nghe. Tôi nói một tràng, phát hiện ra vẻ mặt thằng bé vẫn chẳng có một chút gì thay đổi cả, tay thì nắm chặt lấy dây an toàn, tôi liền biết ngay nhất định là thằng bé đang cảm thấy không ổn, bèn thở dài nói: "Phương Phương, hay là chúng ta về nhà trước nhé?"

Thằng bé lắc đầu, nhỏ giọng nói: "Không được, Phương Phương muốn dẫn mẹ tới bệnh viện." Thằng bé đang bị căng thẳng cho nên giọng nói chẳng những bị run mà còn cực kỳ nhỏ.

Tôi nghĩ nghĩ rồi quẹo xe vào một con phố yên tĩnh hơn một chút. Tôi chỉ vào cây ngọc lan cao lớn sum suê, nói: "Phương Phương, con có biết đây là cây gì không?"

Thằng bé nhìn qua rồi nói: "Là cây ngọc lan ạ."

"Trông cao quá nhở." Tôi nói: "Con xem thử xem chúng nó đã nở hoa chưa?"

Thằng bé chẳng hề nghĩ ngợi gì mà lập tức đáp lại luôn: "Nở hoa rồi ạ, con ngửi thấy được mùi của hoa ngọc lan." Ngưng một chút rồi lại nói: "Thơm lắm ạ."

Tôi hỏi: "Không phải là con thích hoa ngọc lan đấy à? Hay là tác phẩm tiếp theo con vẽ cây hoa ngọc lan của con phố này nhé, có được không?"

Thằng bé hơi do dự, đẩy cửa kính xe xuống, ló đầu ra nhìn xung quanh. Ánh mặt trời lọt chiếu qua cây tạo ra ra những vệt sáng loang lổ trên người thằng bé, thằng bé quay người lại, dùng cặp mắt trong sáng long lanh tựa như bầu trời để nhìn tôi, nói: "Mẹ, chúng ta tới bệnh viện trước đi."

"Đợi bao giờ mẹ hết bệnh rồi, mẹ lại đưa con tới đây để sờ những cái cây này nhé."

---

(*) Hoa ngọc lan:

48,

Từ lúc đó, tôi đã nắm được cách để thúc đẩy Phương Phương đi tiếp nhận thế giới bên ngoài, đó chính là để cho Phương Phương cầm trong tay những thứ mà thằng bé để ý tới, sau đó sẽ mở rộng chủ đề nói chuyện, rồi để cho thằng bé hành động.

Tỷ như: "Phương Phương, hình như lúc đi ra ngoài bố quên mang theo ô thì phải, con có thể đi xuống dưới nhà để đón bố được không?"

"Phương Phương, cây hoa cúc ở trong công viên nở hoa rồi đấy, con có thể đi chụp mấy bức ảnh giúp mẹ được không?"

"Phương Phương, nghe nói núi La Phù trông đẹp lắm, con có muốn đi xem không, con mà vẽ được cảnh đó thì nhất định là sẽ đẹp lắm đây!"

"...."

Cứ như vậy, thông qua những lời thỉnh cầu và đề nghị, Phương Phương đã dần dần càng lúc càng không còn sợ khi phải đi ra ngoài nữa, tuy rằng thằng bé vẫn không thích tới những chỗ có nhiều người, hay lúc đi trên đường có người chào hỏi thằng bé thì thằng bé cũng sẽ bày ra vẻ mặt không chút biến sắc, khiến cho người khác cảm thấy cực kỳ xấu hổ, rồi nghĩ rằng thằng bé là một người cực kỳ kiêu căng. Kỳ thật thì không phải là như vậy, thằng bé chỉ là căng thẳng quá, căn bản là không biết phải mở miệng đáp lại lời của người khác như thế nào cả.

Mỗi một năm qua đi Phương Phương lại càng thêm lớn, thừa hưởng ngũ quan anh tuấn của bố thằng bé, nhưng màu mắt thì lại được thừa hưởng từ tôi, tóc hơi xoăn một chút, nếu như chỉ nhìn vào mắt của thằng bé thôi thì bạn nhất định sẽ không thể tin nổi rằng thằng bé đã mười tám tuổi rồi, bởi vì mắt của thằng bé trông rất tĩnh lặng, trong suốt tựa như nước ở trong hồ vậy, không hề mang theo một chút vẩn đục nào cả.

Mười mấy năm trôi qua, nhờ có niềm tin toàn tâm toàn ý, thằng bé gần như là đã trưởng thành theo đúng như kỳ vọng của tôi và bố của thằng bé. Ôn hòa, hướng nội, cử chỉ có chừng mực, nho nhã lễ độ.

Thằng bé biết vẽ tranh, biết điêu khắc, biết thiết kế, biết làm đủ các loại công việc thủ công. Tôi đã cố ý dành ra một phòng để làm phòng làm việc cho thằng bé, để thằng bé có thể thoải mái làm những chuyện mà mình thích, làm ra được thành phẩm vừa lòng thì sẽ giữ lại, cái nào không hài lòng thì sẽ bán đi. Có một năm thằng bé tự dưng nổi hứng, tiêu tốn mất nửa năm để thay mới lại toàn bộ đồ dùng trong nhà, tất cả đều đổi thành các chế phẩm thủ công bằng gỗ do chính tay thằng bé làm. Thằng bé không thích những sản phẩm khoa học công nghệ, ngoại trừ những lúc cần phải thiết kế hoặc là trả lời mail ra thì thằng bé thường sẽ không làm việc ở trước máy tính. Thậm chí ngay khi cả smart phone đã dần trở nên phổ biến hơn, thằng bé cũng không muốn dùng.

Tôi hỏi thằng bé vì sao lại như thế, thằng bé suy nghĩ rất lâu, rồi nói có một số thứ ở trên đó khiến cho thằng bé cảm thấy cực kỳ không thoải mái, không thể tập trung tinh lực được. Phương Phương là một người đối với chuyện gì cũng sẽ hết sức chuyên chú, rất ghét những thứ làm cho mình dễ bị phân tâm.

Có điều, tuy rằng Phương Phương đã có thể sử dùng hai bàn tay của mình để tự nuôi sống bản thân, đã có thể tự lo được cho cuộc sống của chính mình, thế nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy không thể yên lòng được về thằng bé, bởi vì thằng bé chưa học được cách để yêu một người, hay tạo lập mối quan hệ tình cảm với người không phải là người thân của mình.

Tôi đã thử đưa thằng bé đi gặp gỡ con cái của bạn bè mình, nhưng vô dụng, đối với mấy đứa trẻ đó Phương Phương đều coi như không nhìn thấy. Đám con trai ở độ tuổi này, đứa nào cũng đều rất kiêu căng, không thể chịu nổi dù chỉ là một chút khinh thường, đương nhiên cũng sẽ không thèm để ý tới thằng bé. Kết bạn trên internet cũng không được, bởi vì Phương Phương không thích dùng internet một tí nào cả.

Nỗi lo âu của tôi càng ngày lại càng tăng, đặc biệt là sau khi tôi và bố của Phương Phương đã qua năm mươi, mà Phương Phương thì vẫn không thể nào hòa nhập được với xã hội này như trước, tôi lo sợ rằng thằng bé sẽ phải sống một mình như thế cả đời, như vậy thì sẽ rất cô đơn tịch mịch.

Nói thật, tôi đang bắt đầu cảm thấy hối hận vì lúc trước đã không giữ lại đứa nhỏ kia, lúc ấy tôi chỉ sợ là sau khi sinh con ra thì sẽ làm giảm bớt tình yêu của tôi đối với Phương Phương, nhưng lại không hề nghĩ tới chuyện có lẽ có thêm một đứa em trai hay một đứa em gái thì sẽ giúp cho Phương Phương có thêm được một người bạn kề bên, kể ra như vậy thì sẽ ấm cúng hơn nhiều.

Tôi nói ý nghĩ này ra với bố của Phương Phương, hỏi anh ấy là có muốn thêm một đứa nữa không. Bố của Phương Phương trấn an tôi, nói: "Đừng nghĩ nhiều nữa, thuyền đến đầu cầu tất sẽ thẳng, đã hơn năm mươi tuổi rồi mà còn nói đến chuyện này, anh thấy em còn trẻ con hơn cả Phương Phương ấy. Anh thấy gần đây có một đoàn múa ba-lê ở Nga có tới thành phố G để biểu diễn, còn có cả vở "Hồ Thiên Nga" nữa, anh đã bảo người đặt vé rồi, đến lúc đó anh với em cùng nhau đi xem để thư giãn nhé."

Tôi vui mừng đồng ý. Ai ngờ gần đến ngày biểu diễn thì công ty của bố Phương Phương đột nhiên lại nhận được một đơn đặt hàng lớn, ngày nào cũng phải tăng ca đến hơn mười hai giờ đêm mới về tới nhà. Bố của Phương Phương xin lỗi vì không thể tới xem biểu diễn cùng với tôi. Tôi cảm thấy rất tức giận đối với hành vi lật lọng này của anh ấy, nhưng nhìn thấy cảnh ngày nào anh ấy cũng mệt lử vì phải tăng ca, cho nên cũng chỉ có thể hào phóng mà tha lỗi cho anh ấy. Vé biểu diễn cũng đã mua rồi, cho nên tôi bèn hỏi thử Phương Phương là có thể đi xem biểu diễn cùng với tôi được không.

"Bố phải đi làm tăng ca rồi, mà mẹ đi xem biểu diễn một mình thì tội nghiệp lắm." Tôi cố ý bày ra vẻ mặt đáng thương trước mặt thằng bé.

Phương Phương cũng bày ra vẻ mặt khó xử, do dự một lúc, thằng bé hỏi tôi là có thể đội mũ đeo khẩu trang vào được hay không.

"Như vậy thì bọn họ sẽ không thể nhìn thấy con được." Phương Phương nói.

Tôi cảm thấy rất buồn cười đối với hành vi tự lừa mình dối mình (*) này của thằng bé, nhưng thằng bé có thể đi tới nhà hát - một nơi tụ tập cực kỳ nhiều người cùng với tôi đã là chuyện không hề dễ dàng gì rồi, cho nên tôi cũng không để ý đến chuyện thằng bé sẽ ăn mặc như thế nào cả.

Về sau ngẫm lại thì có lẽ tất cả những chuyện này đều là do ý trời cả.

----

(*) Nguyên văn là 掩耳盗铃 (bịt tai trộm chuông): Câu này gắn liền với một điển tích, một tên trộm vào nhà người khác để ăn trộm một chiếc chuông lớn, hắn đã nảy ra ý tưởng là đập vỡ chiếc chuông thành các mảnh nhỏ để mang đi cho dễ. Lúc hắn đập vào búa vào chuông thì đã tạo ra âm thanh rất lớn. Sợ bị người khác nghe thấy được âm thanh này, hắn đã bịt hai tai lại, sau đó lại tiếp tục dùng đập chuông, vì hắn nghĩ rằng chỉ cần hắn bịt tai lại thì những người khác cũng sẽ không nghe thấy tiếng gì cả. Kết cục là: vì tiếng động quá lớn cho nên tên trộm đã bị phát hiện và bị bắt lại.

=> "Bịt tai trộm chuông" có thể hiểu là tự mình làm ra hành động để lừa dối mình.

---

(*) Núi La Phù: Thuộc tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. Đây là một trong Thập đại danh sơn của Trung Hoa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#đam