13

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương này là góc nhìn của Triệu Quán Vũ!


Zhihu: 《Năm nào khó quên nhất trong cuộc đời bạn?》


Trả lời ẩn danh:

2015, chắc chắn là năm đó.

2015 có một tin tức chấn động, một chiếc du thuyền ở Trùng Khánh bị lật, thương vong vô số, chỉ có vài người may mắn sống sót. Tôi là người Trùng Khánh, là người tận mắt chứng kiến sự kiện ấy, mấy đứa em tôi đều ở trên thuyền.

Em trai, không phải em ruột, chúng tôi cùng nhau lớn lên ở một khu tập thể. Mười ba đứa trẻ đồng trang lứa, tôi lớn nhất, mấy đứa gọi tôi là đại ca. Tụi nó hầu hết sinh năm 97, còn tôi sinh năm 95, lớn hơn tụi nhỏ hai tuổi. Năm 2015, khi tôi chuẩn bị kết thúc năm hai đại học, mấy đứa nhỏ thì vừa thi đại học xong, lập tức lên kế hoạch cùng nhau đi du lịch một lần. Dân Trùng Khánh mà, ở sâu trong đất liền, chưa từng được thấy biển, vẫn luôn tâm tâm niệm niệm muốn đi. Tôi nhớ trước đó một tuần mấy đứa còn gọi điện thoại cho tôi, hỏi tôi xem đi bằng máy bay hay du thuyền, tôi bảo du thuyền đi, buổi tối còn có thể đứng trên boong hóng gió biển. Mấy đứa lập tức hứng khởi cúp điện thoại đi mua vé.

Cả đời này chuyện tôi hối hận nhất chính là bảo mấy đứa đi du thuyền, thật đấy.

Gần sát ngày xuất phát, thầy hướng dẫn bảo tôi phải ở lại trường đăng ký thông tin, nghỉ muộn một ngày. Tôi bèn để mấy đứa đi trước, ngày hôm sau sẽ ngồi máy bay hội họp với tụi nó sau. Chập tối hôm ấy trời bắt đầu có mưa nhỏ, không hiểu sao lòng tôi không yên, tim đập nhanh đến phát hoảng, vừa nhắm mắt là tôi ngủ thiếp đi. Nửa đêm tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại, tim đập thình thịch thình thịch, tôi ấn nút nghe, người gọi là đứa em nhỏ tuổi nhất, tôi gọi nó là Tiểu Diêu. Tiểu Diêu nức nở nói với tôi, đại ca, thuyền sắp lật rồi, làm sao bây giờ. Tôi hoảng sợ, việc đầu tiên làm là lật đật xuống giường. Đầu bên kia điện thoại cực kỳ hỗn loạn, có tiếng kêu gào, có tiếng nước. Tôi bảo em đừng hoảng, nghe lời các anh và nhân viên trên thuyền, đừng chạy lung tung, anh đi báo cảnh sát, em ngoan ngoãn ở yên đấy.

Nó vừa khóc vừa vâng. Tôi lập tức tắt điện thoại, nhấn gọi 110 và 119, sau đó vội vàng đi giày ra cổng trường bắt xe đến bến tàu. Hôm đó mưa rất lớn, tôi không mang ô, bác tài còn tốt bụng cho tôi một bộ áo mưa. Tôi còn chưa kịp nói lời cảm ơn đã vội vã khoác áo mưa chạy ra bến. Bến tàu khi ấy đã có rất nhiều người tụ tập, có cảnh sát, có đội cứu trợ, còn có vài nhân viên cứu hộ đứng bên bờ thay quần áo. Mặt sông tối đen như mực, sóng lớn cuộn trào, vài nhân viên cứu hộ nhảy xuống nước rồi lại ngoi lên, vẫy tay với phía bờ. Tôi bước đến gần, có vị cảnh sát hỏi tôi là ai, làm nghề gì. Tôi đáp mình là người báo án, các em tôi đang ở trên thuyền. Chú ấy nói, viết tên của tụi nó vào đây. Khi tôi cúi người viết xuống mười hai cái tên, tay run không cầm chắc được bút, chữ viết lộn xà lộn xộn. Vị cảnh sát ấy cũng không nhiều lời nữa, bảo tôi đợi ở một bên. Qua một lúc có hai tình nguyện viên đưa cho tôi một cái khăn và một chai nước. Tôi vặn nắp chai nhưng không uống nổi một ngụm, dạ dày đau quặn lên như muốn nôn hết ra ngoài.

Qua vài tiếng, trên bờ ồn ào hơn vì vớt được người rồi. Tôi chạy ra phía bờ, kỳ thực trong lòng hồi hộp lo lắng , không hy vọng thi thể không chút sức sống được vớt lên là tụi nhỏ. Tôi bước đến rào cảnh báo thì bị cảnh sát ngăn lại, vị dân cảnh đó nói với tôi, vẫn đang xác nhận thân phận, có gì sẽ báo cho tôi, tôi đành quay về chỗ ngồi. Ước chừng ba bốn giờ sáng rồi, tôi không buồn ngủ chút nào, như thể đã uống mấy lon bò húc. Lúc tôi ngồi xuống, tay chân chỗ nào cũng đau nhức không nhấc lên nổi, huyệt thái dương cũng liên tục co giật, thế nhưng đầu óc lại cực kỳ tỉnh táo. Bến tàu càng lúc càng đông người, người thân của các hành khách khác cũng đến rồi. Tôi nhìn thấy mẹ của Trương Tuấn Hào, cũng nhìn thấy bà ngoại của Tả Hàng, nhưng tôi không tiến đến chào. Tôi cứ ngồi đó đợi, trời tờ mờ sáng, có một vị cảnh sát đến hỏi tôi, "Cậu là Triệu Quán Vũ đúng không? Tôi thấy cậu viết là người thân của mấy vị này? Chúng tôi vớt được vài...... thi thể, cậu có tiện qua giúp xác nhận danh tính không?". Tôi vô thức quay đầu nhìn, thấy mẹ Trương Tuấn Hào và bà ngoại Tả Hàng đang quỳ trên đất khóc. Tôi quay lại nói được, chú dẫn cháu đi đi.

Mấy đứa được đặt bên bờ sông, đắp vải trắng. Cảnh sát nói với tôi chưa vớt được hết, bên trong tàu khó tìm, vẫn phải đợi thêm. Chú ấy còn nói gì đó nữa nhưng tôi không nghe vào, tôi chỉ nhìn chằm chằm mấy thi thể đang nằm trên bờ ấy. Vị cảnh sát đó cẩn thận vén vài trắng ra cho tôi xem. Tôi bảo đúng rồi, đây là Trương Tuấn Hào, đây là Trần Thiên Nhuận, đây là Tả Hàng, đây là Tô Tân Hạo... Tôi xác nhận từng người từng người một, nhìn những gương mặt xanh tím vì cóng, tôi không rơi nước mắt, không có chút cảm xúc dư thừa nào, cảm giác như thể người nằm đó không phải tụi nhỏ, mà là ai đó tôi không hề quen biết. Tôi đếm thầm theo độ tuổi trong lòng, từ một đến chín, còn thiếu Tiểu Ngũ, Tiểu Bát và Tiểu Thập Tam. Vị cảnh sát đó lại nói, có hai người được đưa đi bệnh viện rồi, còn một người vẫn đang tìm nhưng chưa tìm được. Tôi lập tức biết người đó là Tiểu Diêu, nó thật sự nghe lời tôi, không chạy lung tung.

Cảnh sát nói sắp xếp thi thể xong sẽ giao lại cho người nhà, tôi cảm ơn rồi bắt xe đến bệnh viện. Kỳ thực lúc đó tôi không rõ bản thân đang làm gì, chỉ muốn thân thể cử động, không để đến mức cả tâm trí và thân thể đều trống rỗng, như đang trốn tránh vậy, chắc trong tiềm thức tôi cho rằng Tiểu Diêu là do tôi hại. Đến bệnh viện, tôi vào sảnh hỏi thăm xem người được cấp cứu trong vụ lật thuyền nằm ở đâu, y tá chỉ dẫn xong tôi lập tức chạy đến phòng cấp cứu. Đứa lớn thứ năm tên Đặng Giai Hâm, gần đến phòng cấp cứu tôi nhìn thấy bố mẹ Đặng Giai Hâm ngồi đối diện nhau ở ngoài cửa, dựa lưng vào tường không ai nhìn ai, mẹ Đặng Giai Hâm ngước nhìn trần nhà, bố cậu ấy thì nhìn xuống đất. Tôi cũng không tiến lại gần, cứ đứng từ xa nhìn, một lúc sau đèn phòng cấp cứu tắt, bác sĩ bước ra thông báo cấp cứu thất bại rồi.

Mẹ Đặng Giai Hâm lập tức ngã quỵ xuống đất khóc. Tôi như bị ai đó đánh úp, không còn biết khóc nữa, cũng chẳng có phản ứng gì, cử động chậm chạp như zoombie. Đặng Giai Hâm được che vải trắng đẩy ra, mẹ cậu ấy nhào đến gào khóc, từng câu từng chữ như cứa vào tim gan. Tôi đứng yên tại chỗ, cứ cảm thấy bản thân vẫn còn đang trong cơn mơ. Sao lại thành ra thế này? Sao tất cả đều rời đi vậy? Tôi ngồi thụp xuống nơi ngã rẽ rất lâu, y tá đi ngang qua hỏi tôi có phải khó chịu ở đâu không, có cần giúp gì không. Tôi nói cảm ơn, tôi chỉ ngồi một lúc thôi. Một lát sau cô ấy đưa tôi một cốc nước ấm, tôi nhấp vài hớp, nuốt không trôi. Mãi lâu sau tôi mới đứng dậy được, trước mắt tối sầm, cảm giác như ngực tôi nứt ra thành một lỗ lớn, trái tim cứ thế rơi mất. Y tá sợ tôi bị làm sao, cứ đứng bên cạnh cẩn thận quan sát. Tôi nghĩ nghĩ rồi hỏi cô ấy có biết học sinh nam khác tên Trương Cực cũng được đưa đến từ vụ lật thuyền ở đâu không. Y tá à một tiếng rồi nói với tôi, cậu học sinh ấy cứu được rồi, chuyển đến phòng bệnh theo dõi. Tôi cảm ơn rồi đi ra sảnh bệnh viện, cảm giác sức lực toàn thân bị rút cạn. Trước khi rời đi tôi nhìn thấy mẹ Đặng Giai Hâm ngồi khóc ở sảnh, bố Trương Cực cầm bình giữ nhiệt vội vội vàng vàng chạy lên tầng.

Ra khỏi cửa tôi cũng không biết phải đi đâu, bèn gọi xe về trường học, không dám quay về khu tập thể nơi chúng tôi cùng nhau lớn lên. Lúc mới nằm xuống giường tôi không ngủ được, trong đầu toàn là hình ảnh hội Trương Tuấn Hào mặt mũi xanh tím vì cóng, cả cuộc điện thoại tụi nó gọi cho tôi trước lúc đi, bảo tôi xong việc lập tức lên máy bay đến tụ tập. Tôi nhớ ra trong ngăn kéo còn lọ Melatonin*, hồi thi CET-4* mất ngủ Tô Tân Hạo giới thiệu dùng. Tôi bèn ngồi dậy uống hai viên, uống xong mới mơ mơ màng màng đi vào giấc ngủ. Đang ngủ thì tôi bị tiếng chuông điện thoại của giáo viên hướng dẫn gọi tỉnh, thầy hỏi tôi sao không đến văn phòng đăng ký tài liệu, tôi mới dậy đi một chuyến đến văn phòng, sau đó lại về phòng ngủ tiếp. Mấy đứa bạn cùng phòng đều không dám gọi. Tôi ngủ đến ngày hôm sau mới bị điện thoại của mẹ gọi dậy, mẹ hỏi tôi có muốn về nhà một chuyến không. Tôi không dám mường tượng khung cảnh ở khu tập thể, lập tức sợ hãi từ chối. Tắt điện thoại xong tôi lại nhắm mắt, ép bản thân phải ngủ, không thể ngủ nổi nữa mới bò dậy. Ánh mặt trời sau cơn mưa rất đẹp,... rọi vào phòng ký túc xá của tôi. Hồi cấp ba tôi thích nhất là thời tiết như này. Ngày ấy buổi trưa tan học cùng nhau về nhà, mặt trời dường như hận không thể thiêu đốt mặt đất. Trương Cực liên mồm kêu nóng, lúc nào cũng muốn dừng lại ven đường mua hai que kem ăn, ăn xong thì đau bụng. Cấp ba khi ấy cực khổ, nhưng ít nhất còn đông đủ mọi người. Tôi cuối cùng không nhịn được bắt đầu khóc, khóc đến nỗi cảm giác như sắp cạn hết nước mắt của cả một đời người.

(*) Melatonin là thuốc chữa mất ngủ còn CET-4 là chứng chỉ tiếng Anh đầu ra đại học ở Trung

Tôi trốn ở ký túc xá không dám về nhà, trong lúc đó ông ngoại Trần Thiên Nhuận có đến tìm tôi một lần. Ông ngoại Trần Thiên Nhuận già rồi lẩm cẩm, bệnh hay quên cực kỳ nghiêm trọng. Mẹ cậu ấy sợ ông không chịu nổi đả kích nên đã đón ông đi, đến lúc ấy vẫn chưa dám nói sự thật với ông, chỉ dám nói là Trần Thiên Nhuận đi tham gia trại hè. Chúng tôi bắt đầu kỳ nghỉ hè, canteen cũng đóng cửa. Buổi trưa hôm ấy tôi đi mua cơm hộp ở đối diện trường, gặp ông Trần Thiên Nhuận ở ven đường. Ông chống gậy, tay cầm khăn lơ đãng lau mồ hôi. Tôi tiến đến gọi ông ngoại, hình như ông nhận ra tôi, vui vẻ cười gọi tôi "Tiểu Vũ". Tôi hỏi ông sao lại đến đây, ông ra sức nắm tay đập vào đầu, như đang bắt bản thân mình phải nhớ ra điều gì đó. Mãi lâu sau ông mới a lên một tiếng rồi hỏi tôi, cháu có biết Thiên Nhuận đi đâu rồi không, ông gọi điện cũng không nghe, mẹ nó nói nó tham gia trại hè rồi, nhưng trong lòng ông vẫn không yên tâm.

Tôi đáp vâng, Thiên Nhuận tham gia trại hè rồi. Ông lão chống gậy xuống đất vài cái, nói thế thì tốt rồi, sao nó lại không nghe điện thoại nhỉ? Tôi nghĩ nghĩ rồi nói với ông, trại hè của cậu ấy phát sim điện thoại mới, còn không cho gọi điện, chỉ được nhắn tin, cháu cho ông số cậu ấy nhé. Ông ngoại Trần Thiên Nhuận môi run run, liên tục bảo được được rồi lần mò rất lâu mới lấy được chiếc điện thoại dành cho người cao tuổi từ trong túi áo ra, còn hết pin sập nguồn rồi. Tôi bảo để cháu viết ra giấy cho ông, ông về nhà rồi nhắn tin. Tôi mượn cửa tiệm bên cạnh cây bút và tờ giấy, viết cho ông số sim ở trường của mình rồi gọi điện cho mẹ xin số bố mẹ Trần Thiên Nhuận bảo cô chú đến đón ông. Không bao lâu sau thì mẹ Trần Thiên Nhuận đến, mẹ cậu ấy hốc hác tiều tụy đi nhiều, bên tóc mai còn có mấy sợi tóc bạc, nói với tôi ông đi lạc hơn một ngày rồi, cô chú còn báo cả cảnh sát. Sau khi cô chú đưa ông ngoại Trần Thiên Nhuận đi tôi quay lại lấy cơm hộp, bà chủ quán nói với tôi sáng sớm mở hàng đã thấy ông lão ngồi ở cửa rồi, sợ ông đói nên đã cho ông bánh để ăn, ông rất lịch sự, nhất quyết đòi trả tiền.

Tôi lại quay về ký túc xá ngủ một giấc, tỉnh dậy phát hiện điện thoại có tin nhắn mới:

Cháu ở đấy mọi thứ đều ổn chứ? Mấy hôm nay không liên lạc được, ông nhớ cháu lắm. Học hành vất vả, cháu phải chú ý thân thể, đừng lao lực quá, nghỉ ngơi nhiều vào. – Ông ngoại.

Tôi tưởng là màn hình bị mờ, lau một hồi mới phát hiện đó là nước mắt. Tôi nghĩ rồi nhắn lại: Mọi thứ đểu ổn ạ, ông cũng phải chú ý giữ gìn sức khỏe. Lần sau cháu sẽ tới thăm ông. Lúc chuẩn bị nhấn gửi tôi lại xóa đi câu cuối cùng.

Về sau trường cấp ba liên hệ với tôi, nói trường muốn tụ tập học sinh làm lễ truy điệu cho những học sinh gặp nạn, cần di ảnh. Thực ra trước đó tôi có lén lút về khu tập thể một lần. Theo tập quán cũ thì mấy đứa tính là chết yểu, không được làm lễ tang. Lúc tôi về đã qua tuần đầu, vàng mã vương vãi khắp nền đất, người trong tòa nhà chuyển đi gần hết. Ngày còn bé chúng tôi thường hay chơi ở cổng khu tập thể, ở đó có một cây đa lớn, xanh um tươi tốt, bên cạnh có một bậc đá nhỏ, có thể ngồi lên đó, hiện tại thì nó sụp rồi. Ngày bé chúng tôi chơi bắn bi, tình báo quanh gốc cây, lên cấp hai thì tập trượt ván, đánh cầu lông, dù chơi gì cũng luôn là khung cảnh náo nhiệt, cười đùa ầm ĩ. Bây giờ quả thực là cảnh còn người mất.

Tôi lục lại vòng bạn bè của cả bọn, tìm mãi mà không tìm ra được ảnh nào nghiêm chỉnh, sau đó phải liên lạc với giáo viên chủ nhiệm của mấy đứa xin ảnh thẻ chúng gửi lúc tốt nghiệp. Tôi lấy điện thoại chụp lại nên không được nét, sau đó dành cả buổi sáng photoshop từng cái cho nét hơn. Đồng Vũ Khôn kỹ tính, Chu Chí Hâm thì tự luyến, nếu biết tôi lấy mấy tấm ảnh thẻ này làm di ảnh chắc tức muốn cắn chết tôi mất. Thế là tôi lại dành thêm chút thời gian chỉnh sửa ảnh, cóp sang USB rồi tìm một tiệm ảnh in ra. Ông chủ ngậm điếu thuốc hỏi tôi, in mấy tấm? Tôi nói mười một tấm, đều phóng to ra, in đen trắng. Ông chủ vuốt râu, di ảnh à? Tôi đáp vâng, các em cháu.

Trong lúc ông chủ xử lý mấy tấm ảnh, tôi đứng tựa cửa nhìn sang phía đối diện, một đám học sinh nam ở bên đường giả bộ làm Ultraman, thi nhau chạy nhảy. Cứ chơi thế rồi bỗng có mấy đứa cãi nhau, một đứa tuổi có vẻ lớn hơn đám còn lại một chút đứng ra hòa giải, phút chốc cả lũ lại vui vẻ trở lại, tiếp tục chạy nhảy điên cuồng từ đầu đến cuối phố. Tôi nhìn đến thất thần, ông chủ gọi cũng không nghe thấy. Lấy ảnh xong tôi mang thẳng đến phòng trực ban của trường, lễ truy điệu cũng không tham gia. Xong việc giáo viên gửi ảnh cho tôi, hoa do các em học sinh tự mình mang đến. Mặt đất rải đầy hoa trắng, rất nguy nga, cũng rất chói mắt. Tôi nhìn gương mặt ngây ngô của từng đứa trên di ảnh, cuối cùng vẫn xóa đoạn tin nhắn trò chuyện ấy đi, chỉ trả lời một câu, cảm ơn cô.

Tôi đi thăm Trương Cực mấy lần. Lần đầu tiên đến nó vẫn chưa tỉnh, tôi ngồi bên giường nửa tiếng đồng hồ. Lần thứ hai đến nó tỉnh rồi, bác sĩ nói não bộ nó bị chấn động nhẹ. Nhìn thấy tôi nó bật khóc, nói với tôi nó không kéo được Trương Trạch Vũ, Trương Tuấn Hào nhường áo phao cho nó. Nó kể với tôi, ngày hôm ấy mưa cực kỳ lớn, thuyền chênh vênh, thấy thuyền sắp lật cả bọn chạy lên boong, nhân viên trên thuyền chỉ vứt cho mọi người vài cái áo phao. Nó lớn lên ở vùng sông nước Giang Nam, thông thạo kỹ năng bơi lội, sống chết giữ lấy Trương Trạch Vũ liều mạng bơi về phía trước, không dám ngoảnh đầu nhìn lại. Mưa rất lớn, quất vào mặt làm nó không nhìn thấy gì cả. Sau đó Trương Tuấn Hào hét tên Trương Cực, cố gắng đưa áo phao sang. Trương Tuấn Hào chỉ để lộ cái đầu trên mặt nước, vẫy tay với nó, vừa cười đã bị sóng lớn ụp lên người. Nó nhường áo phao cho Trương Trạch Vũ, Trương Trạch Vũ không cần, nước quá lạnh, sức lực của nó cũng dần kiệt quệ. Kể đến đây nó ngừng lại không nói nữa, nhắm mắt khóc. Y tá vào bảo tôi ra ngoài, nói không được để người bệnh kích động. Lần thứ ba tôi đến thì nó đến khoa thần kinh kiểm tra rồi. Bố mẹ nó kể nó băt đầu ngồi một mình trên giường nói chuyện với "Trương Trạch Vũ", hỏi "Trương Trạch Vũ" đám Tô Tân Hạo đi đâu rồi. Tôi đến thăm nó, nó cũng chỉ vui mừng hỏi tôi, đại ca, bọn họ đâu hết rồi.

Bác sĩ nói trong tiềm thức nó đã quên mất đoạn ký ức đau thương kia rồi, để nó nhớ lại rất khó, cũng rất đau khổ, có thể rất lâu sau cũng không khỏi được.

Sau đó tôi bị mất ngủ một khoảng thời gian rất dài, ban ngày cứ ngồi ngây ngốc, xem phim, nghe nhạc, dù làm gì cũng chỉ một mình, buổi tối thì cứ mở mắt không ngủ được, thế là lại ngồi dậy uống Melatonin, uống đến mức nhờn thuốc, ngủ không yên, vừa ngủ đã tỉnh. Phòng tôi ở tầng sáu, ngay bên trên là sân thượng, không ngủ được tôi lại lên đó uống rượu. Lan can cao cỡ một mét, tôi đã bước lên đó mấy lần. Có một lần quả thực tôi uống quá nhiều, dựa vào lan can nửa tỉnh nửa mê, nhìn thấy Chu Chí Hâm bước tới. Khoảnh khắc ấy tôi vui muốn chết, cho dù tôi biết đó không phải sự thực, nhưng có thể gặp lại mấy đứa em "giả", gặp lại để tạm biệt cũng tốt rồi. Chu Chí Hâm ngồi xuống cạnh tôi, anh, sao anh lại uống nhiều thế.

Ở trong mơ tôi không nói được, cứ tựa vào lan can nhìn nó. Nó ngồi bên cạnh tôi, đột nhiên cười nói, em không làm minh tinh được nữa rồi.

Tôi rất muốn nói với nó, không làm minh tinh cũng tốt, dù thế nào cũng tốt.

Nó hay cười, để tóc mái, tóc dày che mất mắt. Nó lại cười, nói tiếp, anh, anh thay em để ý bố mẹ chút nhé, anh cũng phải tự chăm sóc bản thân, uống ít thôi, em đi đây.

Sau đó nó dần dần biến mất phía trên lan can. Đứa tiếp theo đến là Tả Hàng, nó hai tay đút túi bước đến, chào tôi cũng không chào được bình thường, ngón trỏ và ngón giữa gõ gõ vào đầu, "Yo, đại ca". Nó ngồi xuống, khuỷu tay chống lên đầu gối, tiếp tục nói, anh, em đỗ Học viện cảnh sát rồi.

Nó ngừng một chút rồi tiếp tục, em không cầm được giấy báo đỗ rồi, vốn định cho mọi người một bất ngờ... haiz, biết thế đã nói với cậu ấy rồi, cuối cùng cậu ấy vẫn không biết, anh nói xem, giấy báo đỗ đấy còn gửi cho em nữa không, nếu gửi thì anh cầm giúp em nhé... Anh – nó nghiêm túc chưa từng thấy – anh nhất định phải chú ý giữ gìn sức khỏe.

Nó cứ như mấy hiệp khách trong phim, cuối cùng cười với tôi rồi biến mất.

Đứa tiếp theo đến là Đồng Vũ Khôn, chỉ cần không đánh đấm với Dư Vũ Hàm thì tính tình của nó cực kỳ tốt, lúc bước đến còn có chút ngại ngùng, như thể làm sai phải lên gặp thầy chủ nhiệm vậy. Nó lắp bắp gọi một tiếng đại ca. Bình thường nó không gọi tôi như vậy, gọi xong thì ngậm miệng giống như mắc cỡ. Nó ngồi cạnh tôi một lúc lâu rồi nói, cảm ơn mọi người.

Tôi muốn hỏi nó cảm ơn chúng tôi cái gì, nhưng không nói ra lời được. Đồng Vũ Khôn cười cười, chỉ là muốn cảm ơn mọi người thôi, sau khi bố em gặp chuyện, em biết mọi người vẫn luôn giúp đỡ em, em biết, bọn anh... cả Dư Vũ Hàm, lúc nào cũng giúp đỡ em, em còn hứa sẽ mời cậu ấy ăn mì khô nóng Vũ Hán nữa.

Cậu ấy nói tiếp, anh, kiếp sau, kiếp sau em sẽ mời mọi người ăn mì khô nóng, anh phải đi tìm bọn em đấy.

Sau khi Đồng Vũ Khôn đi thì Đặng Giai Hâm đến. Sau khi ngồi xuống nó cười rồi vươn vai duỗi người trước, chân duỗi ra rất dài. Nó vẫn luôn giữ cái biểu cảm thờ ơ như thế, sau đó nói với tôi, ai ya, có thể gặp Phúc Phúc rồi.

Sau đó nó chống cằm nói tiếp, không có em cũng tốt, bọn họ chắc sẽ thoải mái hơn, anh, bây giờ chắc cũng chỉ có anh nhớ đến em.

Tôi muốn nói không phải đâu, muốn nói cho nó biết lúc bác sĩ bước ra khỏi phòng cấp cứu báo tin, cô khóc thảm thương thế nào, nhào đến bên nó nức nở thế nào. Nhưng tôi không nói được, chỉ có thể trơ mắt nhìn nó. Nó tiếp tục, anh, em đi đây.

Dư Vũ Hàm cũng hai tay đút túi bước tới, không nhịn được cười. Tôi vỗ xuống đất ý bảo nó ngồi. Nó ngồi xuống, khoanh chân lại rồi nói, anh, anh uống nhiều thế, uống ít lại.

Tôi muốn đáp ừ, lần sau không uống nữa. Yên lặng một lúc rồi Dư Vũ Hàm vò đầu, ngửa người ra sau chống tay lên đất, anh, em không giữ được Đồng Vũ Khôn, cũng không giữ được Mục Chỉ Thừa.

Giọng nó trở nên gấp gáp, anh biết không, nước xiết lắm, Đồng Vũ Khôn bị sặc, em cố hết sức túm lấy không để cậu ấy chìm, sau đó Mục Chỉ Thừa bảo Diêu Dục Thần vẫn còn ở trong, muốn bơi về phía thuyền, em lại cố hết sức túm lấy cậu ấy, em bảo không vào được đâu, vừa nói nước vừa tràn vào miệng em, rồi, rồi... Dư Vũ Hàm ngồi thẳng dậy lau nước mắt, anh, em không giữ được ai cả.

Tôi rất muốn ôm nó, nói với nó rằng nó đã làm rất tốt rồi. Nhưng tôi chẳng làm được gì cả. Nó tự mình lau nước mắt rồi nói, anh, bây giờ em phải đi rồi, anh giữ gìn sức khỏe nhé, phải giữ gìn sức khỏe đấy.

Người tiếp theo đến là Tô Tân Hạo. Trong nhóm chúng tôi nó xếp thứ bảy, thuộc nhóm nhỏ tuổi, nhưng trên thực tế nó là một người lãnh đạo, tự tạo áp lực rất lớn cho bản thân. Lúc bước đến vành mắt nó đỏ ửng, ngồi xuống rầu rĩ không nói gì. Nhìn qua tôi cũng biết nó lại tủi thân tự trách mình. Từ nhỏ nó đã thế, thi kém một mình rầu rĩ khóc, không để ý đến ai, chỉ có Chu Chí Hâm khuyên nhủ mới có tác dụng. Tôi bấy giờ lại không có cách nào gọi Chu Chí Hâm đến, chỉ biết nhìn nó khóc. Qua một lúc nó mới mở miệng, em cứ trơ mắt nhìn Chu Chí Hâm chìm xuống, anh ấy bảo mọi người đều biết bơi em không cần kéo anh, em vừa buông tay... chỉ vừa mới buông tay thôi... có một cơn sóng ập đến, anh ấy cứ thế chìm xuống, em liều mạng cúi xuống kéo, nhưng nước đen quá, em không nhìn thấy anh ấy nữa...

Tôi vẫn không ôm được nó, vẫn không nói nên lời. Tôi chỉ có thể nhìn nó khóc, khóc xong rồi lau nước mắt, nhìn nó ngẩng đầu đôi mắt đỏ hoe nói với tôi, anh, giữ gìn sức khỏe, em đi trước đây.

Tôi thậm chí còn không kịp giữ nó lại.

Trương Trạch Vũ tươi cười bước đến, bước chân nhẹ nhàng, ngồi xuống bên cạnh tôi, cười nói, anh, tửu lượng được đấy. Nó còn ngoan ngoãn ngồi lùi lại, như thể sợ va phải đống chai lọ. Nó im lặng một hồi rồi nói với tôi, anh, em cũng không có nhiều điều muốn nói, thỉnh thoảng anh đến thăm bà em nhé, bà có một mình, em không yên tâm... bố mẹ em đều còn trẻ, nếu có thể thì lại sinh một đứa nữa, sinh thêm thì phải tự mình trông... còn Trương Cực nữa... Trương Trạch Vũ quay sang nhìn tôi, tóc mái nó dài, ướt sũng che mất đôi mắt, nó lại tiếp tục nói, anh, anh thường xuyên đi thăm Trương Cực nhé, cậu ấy tính tình hơi bướng bỉnh, hẹp hòi, anh chăm đến thăm cậu ấy vào, được không anh?

Tôi gật đầu, nó thấy vậy hài lòng, vẫy tay chào tôi rồi dời đi. Sau đó là Trần Thiên Nhuận, nó ngại ngùng gọi tôi một tiếng đại ca.

Nó ngồi xuống, vò đám tóc vốn đã loạn trở nên càng loạn, từ từ mở miệng, anh, ông ngoại em tuổi cao rồi, chắc là vẫn chưa biết chuyện, anh giấu ông giùm em nhé, còn bố mẹ em anh có thể thay em để ý không, bố mẹ đều rất bận, em lo sức khỏe hai người có vấn đề. Nói xong nó im lặng rất lâu, sau đó nghẹn ngào nói với tôi, anh, em nhớ cậu em rồi.

Lúc Trần Thiên Nhuận biến mất tôi nghĩ, đi đi, sắp được đoàn tụ rồi.

Người tiếp theo đến là Trương Tuấn Hào, hai tay đút túi, vẫn giống hồi nhỏ, mũi tròn mắt tròn cười với tôi. Nó đứng cũng không nghiêm túc, hết đá chỗ này lại đạp chỗ kia, cuối cùng vẫn ngồi xuống, vừa khẩy khẩy mặt đất vừa nói, anh, anh bảo sau này bố mẹ em phải làm sao, hai người chắc đã khóc rất nhiều.

Nó vùi mặt xuống gối một lúc mới tiếp tục mở miệng, anh, anh nói xem nếu em dũng cảm hơn một chút, có phải mọi chuyện đã khác?

Nó nói, hôm ấy mưa rất lớn, chỉ mình em nhận được áo phao, Trần Thiên Nhuận ở bên cạnh em, em giữ được cậu ấy rồi, em đưa áo phao cho cậu ấy, cậu ấy không cần, cậu ấy muốn đi cứu Tả Hàng... Em bảo cậu ấy làm vậy là tìm chết, không được, cậu ấy nói mình muốn cứu, thoáng cái, thoáng cái đã chìm xuống... Anh... bên cạnh em còn có một ông cụ, em cũng muốn kéo ông, nhưng không được, em không cứu được ai cả...

Thế nên nó đưa áo phao cho Trương Cực, cứu được Trương Cực. Tôi nhớ lại hồi nhỏ nó thích xem Ultraman, lớn lên bắt đầu xem Marvel, kể với chúng tôi nhân vật trong phim rất ngầu, nó cũng muốn trở thành một đại anh hùng như thế. Tôi rất muốn nói với nó, em đã là một đại anh hùng rồi. Nhưng tôi không mở nổi miệng, thậm chí cũng không có cách nào ôm nó một chút. Nó lau nước mắt cười với tôi, rồi cứ như vậy biến mất.

Tiếp theo Mục Chỉ Thừa đến, vẻ mặt buồn bã, mắt ửng đỏ nặng nề ngồi xuống bên cạnh tôi. Vừa ngồi xuống là lập tức rầu rĩ dụi dụi mắt. Nó còn nhỏ, cãi nhau không thắng được người ta thì không phục, thường tức đến phát khóc. Nó nói năng sốc nổi, như thể đang cãi lộn với người khác vậy, lần này vẫn gấp gáp như thế, cúi đầu kể với tôi:

... Em không nên cãi nhau với Diêu Dục Thần, cậu ấy muốn ở lại trong khoang thuyền, em thấy mọi người đều chạy ra ngoài nên cũng giục cậu ấy đi ra, kết quả kéo thế nào cậu ấy cũng không động đậy, thế là em tức giận, bảo cậu ấy cứ ở mãi trên thuyền đi, em, em không ngờ tới, thuyền lật rồi... anh, em muốn vào kéo cậu ấy ra, em muốn kéo cậu ấy...

Tôi nhìn từng đứa từng đứa khóc, tim đau như bị kim đâm. Mục Chỉ Thừa nước mắt giàn giụa ngẩng đầu mở mịt nhìn tôi, anh, em sai rồi, em thật sự sai rồi. Nó cứ khóc như thế rồi biến mất, vội vàng biến mất. Hồi tiểu học nó viết văn, cô giáo nhận xét là đầu voi đuôi chuột, không ngờ làm việc gì nó cũng như vậy, đến từ biệt cũng đầu voi đuôi chuột.

Đứa cuối cùng đến là Diêu Dục Thần, Tiểu Diêu, đứa em nhỏ tuổi nhất của tôi. Nó bước đến, không nói gì, chỉ cười với tôi như đang mắc cỡ. Lúc nó mới chuyển đến khu tập thể cũng như vậy, mắc cỡ, trốn sau lưng mẹ không dám bước ra, nói chuyện nhỏ nhẹ như tiếng muỗi kêu. Tôi bèn hứa với cô, cháu sẽ chăm sóc cho Diêu Dục Thần. Từ lúc đó tôi có thêm một cái đuôi nhỏ, nó ngày ngày chạy theo tôi, ở phía sau gọi tôi đại ca, lúc vui tìm tôi lúc buồn cũng tìm tôi. Cuối cùng là tôi bảo nó không được chạy lung tung, không ngờ nó thực sự nghe lời tôi không chạy lung tung, thế nhưng lại chết vì bị giam trong khoang thuyền.

Lần này đổi lại là tôi khóc. Qua màn nước mắt mờ mịt tôi thấy Diêu Dục Thần vẫn cười mắc cỡ như thế, nhưng lần này nó rất trịnh trọng nói với tôi, đại ca, cảm ơn anh.

Chỉ duy nhất câu nói ấy, nói xong nó liền biến mất. Nếu đây là báo mộng, nó thực sự chỉ có câu đó muốn nói với tôi sao? Tôi tựa vào lan can khóc, qua màn nước mắt nhìn thấy từng đứa từng đứa một từ phía cầu thang bước ra, mặc đồng phục cấp ba, bộ đồng phục thể thao mùa xuân màu đỏ xám, có in huy hiệu trường. Trương Tuấn Hào ôm một quả bóng rổ, trong tay Tô Tân Hạo là bình cà phê, Chu Chí Hâm đi cuối cùng, sau đó khoác vai mấy đứa còn lại cười nói với tôi, bọn em đi đây, đại ca. Giống hệt dáng vẻ mỗi lần tụi nó chào tạm biệt tôi ngày trước. Tôi rất muốn bảo tụi nó đừng đi, mở miệng nhưng lại không thốt ra được lời nào. Nhớ lại lời thầy giáo nói với chúng tôi, người chết báo mộng thì đừng đáp lời, không may mắn. Tôi sợ mấy đứa thật sự cho là tôi nghĩ chuyện đó không may mắn, từ đó trở đi không đến thăm tôi nữa. Tôi gắng sức mở miệng nói chuyện nhưng không phát ra được âm thanh nào, chỉ có thể cô đơn rơi nước mắt.

Sau đó mấy đứa thật sự đi rồi. Bầu trời buổi đêm của Trùng Khánh xanh thẫm, tựa như ngày hè khi tôi mới chuyển đến khu tập thể, Phúc Phúc vẫn còn, Trương Cực vẫn là một nhóc mập. Nhưng hiện tại vẫn khoảng trời ấy, người lại chỉ còn mình tôi.

Đó là mùa hè năm 2015. Về sau tôi tốt nghiệp, thi được vào biên chế, sau đó lại từ chức về gần khu tập thể mở tiệm sách. Tôi thuê nhà ở một tòa chung cư mới gần đó, kéo rèm cửa ra là có thể nhìn thấy tòa nhà màu vàng nho nhỏ ở khu tập thể. Về sau tôi hay tỉnh dậy giữa đêm sau những cơn mơ, tôi đã mơ rất nhiều lần, nhưng chưa từng mơ lại thấy mấy đứa. Có thể là do tôi không xứng với cái chức đại ca này, hoặc cũng có thể do tụi nhỏ sợ quãng đời còn lại của tôi không may mắn, thật sự không về thăm tôi nữa.

Tôi lại rất muốn gặp lại tụi nhỏ một lần.


END.


Sau khi viết chương này tác giả có viết hậu ký, có một số ý như sau:

- Có thể dưới góc nhìn của độc giả thì kết cục này rất bất ngờ, không kịp trở tay, nhưng với tác giả thì nó là kế hoạch từ đầu rồi, chỉ chờ tung ra.

- Một vài tiểu tiết báo trước kết cục: chương mở đầu viết về khu tập thể toàn vàng mã, Triệu Quán Vũ không nhìn thấy Trương Trạch Vũ, nến trong nhà Trương Tuấn Hào, đều tượng trương cho việc bọn họ xảy ra chuyện. Trong chương nào đó Trương Cực mơ thấy hải tặc chết chìm, bên cạnh chỉ có Triệu Quán Vũ mơ màng ngủ, biểu thị kết cục của bọn họ. Còn có chi tiết Thuận Thuận hay khịt mũi, Thuận Thuận hay khịt mũi do trước khi xảy ra tai nạn cậu ấy bị cảm, vậy nên trong ký ức của Trương Cực thì Trương Tuấn Hào luôn luôn khịt mũi. Tác giả vốn định thiết kế cho mỗi nhân vật một chi tiết "xuyên không" như vậy nhưng tác giả cứ viết viết xong quên mất chi tiết "xuyên không" đã đặt ra cho mấy đứa nhỏ, trong quá trình viết tác giả cũng quên rất nhiều tiểu tiết tiết lộ trước kết cục nên cuối cùng chỉ còn Thuận Thuận hay khịt mũi giọng khàn khàn.

- Trong Con thuyền giấy có rất nhiều hình tượng hư cấu: bác mập, Tiết Vũ, rich and power, cậu của Trần Thiên Nhuận. Tác giả muốn nói một chút về nhân vật tác giả thích nhất - cậu của Trần Thiên Nhuận. Cậu là một người hùng cô độc ấm áp, Trương Tuấn Hào là cũng là một người giống cậu, đây cũng là một trong số những lý do khiến Trương Tuấn Hào cố chấp với Học viện Cảnh sát. Ấm áp, khiêm tốn nhưng khi đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết lại phát ra năng lượng cực đại, lựa chọn dùng tính mạng của bản thân để bảo vệ người khác.


Về phần mình, mình vốn không thích kiểu đi kết cục thế này (mặc dù mình rất thích đọc BE), nếu bị spoil trước hướng đi của truyện từ đầu chắc mình sẽ không đọc.

Mình nhảy vào truyện này đúng lúc không để ý gì cả, không đọc phần chú thích trên lof (止航船, 止 nghĩa là ngừng lại, kết thúc, đồng âm với 纸 – giấy). Đọc chương mở đầu đến đoạn khu tập thể đầy vàng mã mình kiểu hỏi chấm nhưng vẫn mặc kệ, đọc được vài chương thì cảm nhận màu truyện kiểu bình yên nhưng vẫn có nét buồn man mác, đau thương nào đấy, lúc đấy mình đã ngờ ngợ rồi nhưng vì khi ấy rất thích nội dung mấy chương đầu nên mình quyết định đọc tiếp. Mình thích vì nó gợi lại cho mình nhiều ký ức tuổi thơ và thời học sinh, ví dụ như cảm giác lo lắng không biết người bạn mình cho là thân nhất khi gặp đề bài "Kể về người bạn tốt nhất của em" có viết về mình không, như cảm giác không được chọn thứ mình thích khi điền nguyện vọng đại học.

Tai nạn lật thuyền hình như là tác giả dựa vào sự kiện chìm thuyền có thật trên sông Trường Giang (con sông có đi qua Trùng Khánh) năm 2015. Ngoài ra mình cảm nhận trong truyện cũng có rất nhiều chi tiết báo trước kết cục khác, ví dụ như việc Trương Cực luôn cảm thấy tiếc nuối vì không nhận ra tình cảm của mình, cũng như không nhận ra tình cảm của Trương Trạch Vũ sớm hơn, tiếc nuối vì đã để lỡ Trương Trạch Vũ.

Mặc dù không thích hướng đi kết cục như này nhưng thực sự thì nó mới đúng với 12 chương truyện đầu mình đã đọc, thế nên khi đọc kết cục 2 (phiên ngoại) mình lại cảm thấy không chân thực, không đúng với 12 chương trước, thế nên ấn tượng không sâu lắm. Truyện còn kết cục 2 (đọc lâu rồi và ấn tượng không sâu nên mình không nhớ lắm nhưng hình như chủ yếu là Hàng Nhuận, HE), có thời gian mình sẽ dịch (vì 11k chữ lận TT).

Cuối cùng cảm ơn các bạn đã đọc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro