09

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi có một loại thiên phú bẩm sinh, cho tới bây giờ tôi vẫn không biết mình tôi độc nhất vô nhị hay ai ai cũng có – tôi rất giỏi thông cảm*. Tôi có thể vô thức so sánh mùi vị, âm thanh bất kỳ với một khoảnh khắc nào đó trong quá khứ. Chẳng hạn như khi nghe thấy cải thảo "tách" một tiếng bị tẽ ra giòn tan, tôi có thể lập tức nhớ đến hình ảnh bà của Trương Trạch Vũ ngồi dưới đất muối cải thảo, rải từng lớp từng lớp cải vào cái vò tối đen như mực, còn tôi ngồi bên cạnh nhìn không chớp mắt. Các mùa cũng có mùi vị riêng của nó. Mùa đông là mùi của cái lạnh ngày trời nắng, là buổi tối ngồi ôn bài trước khi kết thúc ngày chủ nhật, cơn mưa nhỏ trút xuống như thể cả đời không tạnh bên góc phố, ánh đèn xe trải dài miên man trên mặt đường. Mùa xuân là mùi của ánh mặt trời, là buổi chiều sau giấc ngủ trưa, khoác lên mình chiếc áo len mỏng, gợn lên chút cảm giác ngứa ngáy. Mùa hè là mùi của dưa hấu và mồ hôi, tiếng ve kêu không chỉ là một loại âm thanh, mà còn là một loại vật chất kỳ diệu vắt ngang qua thính giác, khứu giác, thị giác, và đương nhiên là cả buổi tối cuối tuần, tự cho phép bản thân nhàn hạ. Mùa thu là mùi của mưa, mùi của bùn đất sau cơn mưa, không khí ẩm ướt, và còn cả hương hoa quế trong vắt diệu kỳ. Liên tưởng của tôi tới mùa thu là mạnh mẽ nhất, bởi trường học của chúng tôi trồng rất nhiều hoa quế, từ hoa quế lại có thể liên tưởng đến những giờ tự học buổi tối bắt đầu khi lên lớp chín. Ánh đèn vàng rực trên con đường tan học về nhà, hoặc cũng có thể không phải màu vàng mà là màu trắng, nhưng bây giờ tôi không cách nào xác minh. Có điều cũng không quan trọng lắm, dù sao trong ký ức của tôi, ánh đèn trên con đường đó vĩnh viễn là màu vàng, mang theo mùi vị của ấm áp.

(*) 通感: 通感 (thông cảm) hay còn gọi là "移觉" (di giác), là phương pháp tu từ dùng khi miêu tả sự vật khách quan, dùng ngôn ngữ hình tượng chuyển dịch cảm giác, làm những cảm giác khác nhau của con người như thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, thính giác nối liền với nhau, giao thoa, chuyển đổi lẫn nhau, dùng những từ ngữ vốn dùng để biểu thị cảm giác A dùng sang biểu thị cảm giác B, khiến cho hình ảnh càng trở nên sinh động, mới lạ. (Nguồn: baidu)

Khi ấy tôi mới lên lớp chín, sắp phải đối mặt với kỳ thi to lớn có ý nghĩa chân chính đầu tiên của đời người. Thời kỳ dậy thì bấp bênh không yên và cả áp lực thi cử vô cùng cấp bách đồng loạt ập lên người. Ở đây tôi phải nói rõ, bấp bênh không yên không phải chỉ tình cảm, mà là chỉ thế giới hoàn toàn mới tràn ngập mê hoặc, nào là trò chơi điện tử, tiểu thuyết, nào là phim truyền hình, phim điện ảnh. Tôi nêu ra những ví dụ này không có nghĩa tất cả chúng tôi đều lạc đường, sa đọa trong đó, trở thành sẩn phẩm độc đáo của thời đại ấy - "thiếu niên nghiện Internet". Dù sao chúng tôi cũng không phải những đứa trẻ phản nghịch, cùng lắm thì mới đi lầm đường được vài bước đã bị phụ huynh kêu khóc thảm thiết kéo về.

Chẳng hạn như kỳ nghỉ hè năm lớp tám, tôi chìm đắm trong World of Warcraft, ngày ngày đóng cửa phòng hừng hực khí thế chơi, khai giảng rồi cũng không biết tiết chế lại, buổi tối lén lút mở máy tính lên chơi, ánh sáng từ màn hình chiếu rọi cả căn phòng. Mới đầu mẹ tôi không biết, chỉ biết thành tích của tôi tụt dốc thảm hại, từ tốp đầu rớt xuống tốp cuối. Mẹ tối mắt tối mũi không biết phải làm sao, gấp gáp chạy khắp nơi tìm thầy cô của tôi trao đổi. Lúc đó tôi quả thực khốn nạn, vừa buồn vừa tiếp tục lén lút thực thi hành động phi pháp, cuối cùng vào một đêm tối nào đó bị mẹ tóm được, trực tiếp rút dây mạng. Mẹ tôi hiếm khi trở về với con người thật, rũ bỏ hết những giáo dưỡng mà mẹ được tiếp thu, túm lấy cây chổi đánh cho tôi một trận, tôi gào khóc sợ là cả tòa nhà đều nghe thấy. Chiêu thức này tuy cũ nhưng có hiệu quả, từ đó về sau tôi không thể không bắt đầu học hành chăm chỉ, dù sao tôi quả thực cũng được xem là một đứa trẻ ngoan, có lòng chỉ là không đủ sức, cũng không dám thực sự nổi loạn.

Nhưng cho dù như thế, thành tích của tôi cũng không leo lên lại được. Hổ thẹn nghĩ lại, Tiếng Anh khái niệm mới không chỉ đem đến cho tôi những tiết học ngượng ngùng, mà còn tôi luyện cho tôi kỹ năng thất thần tuyệt vời – tôi có thể xây cả một trường đua ngựa rộng lớn trong đầu nhưng ngoài mặt lại không để lộ bất kỳ biểu hiện gì, nếu thầy cô không hỏi đến nhất định sẽ nghĩ tôi đang chăm chỉ nghe giảng. Lớp bảy lớp tám tôi dựa vào chút khôn vặt cộng với việc nhồi nhét trước khi thi nên cũng qua quýt ứng phó được. Lên lớp chín những cảnh tượng hão huyền ấy hoàn toàn sụp đổ, thế là tôi lại rơi vào tình cảnh trong lớp Tiếng Anh. Sau khi lên lớp chín mọi người đều bắt đầu nỗ lực, tự giác mà bình thản quá độ từ nhi đồng sang "học sinh tốt nghiệp", còn tôi thì bị kẹt lại, giống như xe đẩy hàng trong siêu thị mắc kẹt tại đường rãnh giữa những viên gạch. Trần Thiên Nhuận thành tích tốt nhất, là thành viên có mức độ được yêu thích cao chưa từng thấy trong đám chúng tôi. Tô Tân Hạo ngày nào cũng hùng hùng hổ hổ đuổi theo Trần Thiên Nhuận thảo luận các câu hỏi, Trần Thiên Nhuận sẽ lấy bút ra giảng cho cậu ấy. Tô Tân Hạo thành tích cũng tốt, nắm chắc căn bản, nói phát là hiểu ngay, thường xuyên chưa kịp nói cảm ơn đã vội vàng quay về chỗ ngồi, còn bị vấp chân mấy lần. Trương Tuấn Hào thích tìm Trần Thiên Nhuận làm đề, chắc là vì cậu ấy yên tĩnh. Lên lớp chín chúng tôi tự chọn chỗ ngồi, tôi và Trương Trạch Vũ vẫn đồng cam cộng khổ như trước. Trương Tuấn Hào phá lệ chọn Trần Thiên Nhuận làm bạn cùng bàn (tôi và Trương Trạch Vũ đều nhất trí cho rằng cách này không công bằng với Trần Thiên Nhuận, bởi vì như thế này chỉ có người khác chọn cậu ấy chứ cậu ấy không có quyền chọn người khác), hai người họ thường cùng nhau làm đề. Hai người cũng không nhiều lời, chỉ thỉnh thoảng nghe được tiếng Trương Tuấn Hào khịt mũi, thỉnh thoảng nghe được tiếng cậu ấy nhỏ giọng hỏi bài nữa. Trạng thái thảo luận vấn đề của hai người cũng rất ôn hòa, đúng nghĩa thảo luận chứ không phải cãi nhau, cuối cùng thường là Trương Tuấn Hào gật gật đầu, cười hi hi: "Ra là như thế, tớ hiểu rồi."

Có lúc Trần Thiên Nhuận sẽ giảng bài cho Tả Hàng. Tôi và Trương Trạch Vũ đều cảm thấy Trần Thiên Nhuận rất quan tâm cậu ấy, có thể vì hai người trông giống nhau, cũng có thể vì con người Tả Hàng trượng nghĩa, luôn giống như hiệp sĩ nhảy ra giải vây giúp người khác. Có những lúc tôi nghĩ, nếu Triệu Quán Vũ là một cặp dấu Guillemet* ràng buộc chúng tôi lại với nhau, Trương Trạch Vũ là một dấu phẩy luôn ấm áp, gắn kết, vậy thì Tả Hàng chính là một dấu chấm lửng (...), khi ngừng khi tiếp, biến hóa tài tình, vĩnh viễn không có hồi kết, còn Trần Thiên Nhuận là một dấu gạch nối, điềm đạm, kiên định chuyển ý. Có thể về bản chất hai người tương tự như nhau, nhưng tiếc là khi đó tôi quá nhỏ, vẫn chưa thể lý giải được.

(*) Cặp dấu《》, dùng trong một số ngôn ngữ, trong tiếng Trung thường dùng ở tiêu đề sách, bài hát, phim ảnh, báo chí, văn kiện,...

Trần Thiên Nhuận giảng bài cho Tả Hàng luôn rất chăm chú, không chỉ giảng mà còn giúp cậu ấy viết, lấy giấy nháp ngay ngắn viết từng bước, giảng xong thì cũng viết xong rồi đưa cho Tả Hàng, không hề ngại phiền. Trần Thiên Nhuận giảng bài cho Tả Hàng, giảng từ cấp hai lên cấp ba. Mãi đến khi chúng tôi thi đại học xong, lần nữa khôi phục trạng thái ngựa hoang mất cương giương oai khắp chốn, lúc vào phòng Tả Hàng tôi mới vô tình phát hiện cậu ấy sắp xếp đống giấy nháp đó rất ngăn nắp, kẹp trong sách trợ giảng, mỗi tờ đều được ủi phẳng. Về sau hồi tưởng lại, tôi quả thực không biết người nhìn qua có vẻ cợt nhả tùy tiện như Tả Hàng ấp ủ tâm tư gì mà lại thu gom đống giấy nháp ấy lại như vậy.

Bởi vì mỗi lần trước khi thi tôi đều nước đến chân mới nhảy, lên lớp chín, ngoại trừ ba môn chính, các môn còn lại đều được chỗ này hỏng chỗ kia hệt trò đập chuột. Có lúc tôi ngẩn người nhìn sách, cảm giác trắng không chỉ là màu của trang sách mà còn là cái đầu trống rỗng của tôi. Đặc biệt Tô Tân Hạo ngồi đằng trước còn đang vội vã bàn chuyện bài vở với Trần Thiên Nhuận, tôi lại càng cảm thấy hoa mắt chóng mặt. Nhưng tôi không dám nói với người nhà, chỉ dám âm thầm ủ rũ một mình. Trương Trạch Vũ tinh tế, chưa từng nhắc tới những chuyện đó trước mặt tôi, khiến tôi dễ chịu rất nhiều.

Kỳ thi cuối kỳ một năm lớp chín kết quả của tôi lại nát bét, tất cả các môn đều báo động. Trước khi có điểm mọi người tạm thời nghỉ xả hơi ở trường, chơi bóng rổ cả buổi sáng, đến buổi chiều nghe thầy giáo chữa bài trong lớp. Đề trắc nghiệm abcd abcd tuần hoàn qua lại, tôi vừa chữa vừa đổ mồ hôi lạnh, trái tim như rơi xuống đáy vực, chữa được một nửa quả thực tôi không dám nghe nữa, gập đề thi lại giả làm đà điểu. Tôi cũng sợ Trương Trạch Vũ sẽ nhìn thấy bài thi chi chít toàn bút đỏ của mình. Từ nhỏ đến lớn tôi rất giỏi trốn tránh, gặp vấn đề khó không muốn giải quyết chỉ muốn trốn chạy. Trương Trạch Vũ thi không tệ, giấy thi toàn tích đúng, thế là tôi lại càng muốn trốn chạy, cũng không muốn để ý tới Trương Trạch Vũ. Thay vì nói không muốn thì không dám đúng hơn, tôi không muốn mất mặt trước cậu ấy. Có lẽ khi ấy theo bản năng đã có một loại tình cảm nào đó quấy nhiễu, chỉ là mãi về sau tôi mới nghiệm ra.

Kỳ thực bây giờ hồi tưởng lại, những việc tưởng chừng hết sức cam go và sợ hãi này đều không quan trọng đến mức ấy, chí ít thì kém xa so với mức độ hồi đó chúng tôi quan trọng hóa vấn đề. Chẳng hạn như rất lâu về sau tôi giở quyển nhật ký ra đọc lại những dòng hồi nhỏ thi thoảng nổi hứng viết, những dòng làm nhảm về chuyện trọng đại như thi kém, cãi nhau với Trương Trạch Vũ, Tô Tân Hạo, vân vân..., tôi đều không nhớ nữa rồi. Ví dụ như tôi cực kỳ căm phẫn viết trong nhật ký năm 2009: Cả đời này không thèm để ý Trương Trạch Vũ nữa! Sau đó còn căm phẫn vẽ mấy dấu chấm than to đùng, dùng bút chì tô đen kịt. Ngày hôm sau trong nhật ký tôi lại viết: Hôm nay cùng Trương Trạch Vũ ăn sô cô la, tôi nhường phần của mình cho cậu ấy. Sau đó tôi vắt óc cũng không nhớ ra khi đó rốt cuộc vì sao tôi lại cãi nhau với Trương Trạch Vũ, rồi sao lại làm hòa với cậu ấy.

Mọi người đặt cho quên lãng một cái tên nho nhã - hòa giải. Chúng ta gọi việc lãng quên cảm xúc là hòa giải với quá khứ, thực ra chúng chỉ là cổ tích của người lớn mà thôi. Sóng lớn cuốn trôi cát sỏi, cũng cuốn trôi đi hết những cảm xúc ấy, chỉ để lại ký ức vững như bàn thạch. Bây giờ hồi tưởng lại lớp chín đau khổ của mình, những cảm xúc phiền muộn ấy thậm chí tôi còn không khắc sâu bằng một trò chơi, một cuộc nói chuyện, một khung cảnh tôi nô đùa cùng chúng bạn. Chỉ có thể nói rằng trong quá trình trưởng thành ắt hẳn phải có những quên lãng, có những ký ức bị vứt bỏ, có những cảm xúc bị quên đi. Chỉ là khi tuổi còn nhỏ chúng ta không hiểu, lớn lên rồi cũng không lĩnh hội được.

Sau khi có kết quả thi cuối kỳ, phiếu điểm của tôi gần như kín bút đỏ. Mẹ tôi rút ra kinh nghiệm xương máu, không dám để tôi tự tung tự tác nữa, dựa vào quan hệ sắp xếp cho tôi học bổ túc một một với một thầy giáo nổi tiếng, ôn lại một lượt mấy môn liền. Cả kỳ nghỉ đông ấy, ngày nào mẹ cũng lái xe đưa tôi đến đầu kia thành phố, đợi tôi học cả ngày rồi lại lái xe đưa tôi về nhà. Trên đường về lúc nào mẹ cũng mua ít đồ ăn vặt gì đó đem về nhà, hết gà rán, đậu phụ thối đến bánh gạo chiên, coi như đồ mẹ thưởng cho tôi. Xuống xe tôi lập tức đi gõ cửa nhà tầng một, gọi Trương Trạch Vũ lên ăn cùng, dọc đường lúc nào cũng có vài người ngửi thấy mùi thơm rồi mở cửa, sau đó mặt dày lên nhà theo chúng tôi. Tôi vừa làm bộ ghét bỏ bĩu môi với các cậu ấy, vừa giở đống đồ ăn vặt ra, khoai tây chiên rồi bánh quy đầy một bàn. Còn Trương Trạch Vũ sẽ rất tự nhiên đi mở tủ lạnh lấy Coca. Cuối tuần tôi có thời gian nghỉ ngơi, có một ngày để thoi thóp. Ngày đó là thiên đường của cả bọn, bởi cả tòa nhà người bận nhất chính là tôi, đến Trương Tuấn Hào Tô Tân Hạo cũng còn đỡ hơn tôi nhiều. Thế là cả lũ lại tụ trong phòng tôi xem phim chơi game. Kỳ thực đã rất lâu rồi tôi không vui vẻ như thế, có lẽ do tâm tình tôi đã thoải mái hơn nhiều, cuối cùng cũng đọc hiểu đề Vật lý, cân bằng được phương trình Hóa học, do đó nhìn cái gì cũng thấy vui. Tô Tân Hạo chơi game cùng Chu Chí Hâm, Chu Chí Hâm chơi, Tô Tân Hạo ngồi sát bên cạnh xem. Động tác của Chu Chí Hâm không kịp Tô Tân Hạo sẽ sốt ruột, miệng không theo kịp não, chỉ có thể gấp gáp chỉ tay vào màn hình máy tính. Chu Chí Hâm sẽ nhăn mũi hỏi cậu ấy, "Em gấp cái gì", Tô Tân Hạo bị buộc phải hạ hỏa, á khẩu nhìn Chu Chí Hâm đánh bừa. Nhìn thấy cậu ấy khuất phục, chúng tôi ở bên cạnh vui vẻ cười trên nỗi đau của cậu ấy.

Ở bên này Tô Tân Hạo và Chu Chí Hâm chơi game, ở bên kia Đồng Vũ Khôn say sưa đọc tiểu thuyết võ hiệp. Sau khi lên lớp chín cậu ấy đắm chìm vào tiểu thuyết võ hiệp, thỉnh thoảng lại bật ra mấy từ ngữ tu tiên dọa chúng tôi, cả bọn đều cười trêu Mao ca sắp thành tiên rồi. Dư Vũ Hàm không có ai để trêu tay chân ngứa ngáy, thế là đi quấy rầy Mục Chỉ Thừa, làm Mục Chỉ Thừa tức đến nỗi hét lên: "Tớ chỉ làm trọng tài, trọng tài thôi". Trần Thiên Nhuận, Tả Hàng, Đặng Giai Hâm ngồi dàn hàng xem phim, nhập tâm y như nhau. Trương Tuấn Hào nằm trên giường xem, làm rơi bỏng ngô lên đầu Tả Hàng, Tả Hàng quay đầu lại trừng trị cậu ấy. Tôi dựa lên chân Trương Tuấn Hào, Trương Trạch Vũ thì một mình ngồi sát ngay trên đầu, như thể muốn xuyên vào trong tivi. Triệu Quán Vũ ngồi ở cửa, vẫn bộ dáng ấm áp, cười híp cả mắt như thường ngày, Diêu Dục Thần thì tựa vào anh ấy. Nhìn kỹ lại thì mọi người đều đang cao lên, căn phòng của tôi bỗng trở nên chật chội, sắp không chứa nổi tất cả nữa rồi. Nhưng tôi lại thường hay cảm giác phòng tôi như một viên hổ phách lớn, vây hãm vô số hồi ức bên trong, vĩnh viễn không thay đổi, bao năm nhìn lại vẫn tươi mới sống động như thế.

Nhập học trở lại mọi thứ trở nên bình lặng, chí ít thì trong ký ức của tôi đó là một khoảng không ấm áp. Thành tích của tôi tốt lên, dần dần vào quy củ. Đông qua rồi xuân đến, trong tiết xuân ấm áp chúng tôi lại trông chờ ngày hè tới. Trần Thiên Nhuận vẫn tiếp tục học mấy kiến thức để đi thi như trước, nghe nói cậu ấy đã học đến trình độ lớp mười một rồi. Tô Tân Hạo ngày nào cũng vội vội vàng vàng, ra sức uống cà phê hết cốc này đến cốc khác. Tôi và Trương Trạch Vũ thì vẫn không tranh cướp với đời, thế nào cũng được. Nhớ lúc chọn chỗ ngồi, hàng thứ ba là nơi phong thủy tốt, toàn là chỗ ngồi của các học bá, tôi và Trương Trạch Vũ không tranh được, chọn cho mình một lối đi mới, ngồi hàng năm, cạnh cửa sổ, có thể nhìn thấy một loạt cây hoa quế xếp thành hàng, chớm vào thu hương hoa tràn ngập khoang mũi. Sau khi rời xa được khu vực gió tanh mưa máu của các học bá, tôi và Trương Trạch Vũ đều thở phào nhẹ nhõm.

Trong lúc ngày xuân dần chuyển mình sang hạ, trường của chúng tôi tổ chức một cuộc thi ca hát quy mô lớn. Học hành căng thẳng cho nên chúng tôi không ai đăng ký tham gia, chỉ có Đồng Vũ Khôn đi góp vui, thế mà lại giành được giải. Chúng tôi ai nấy đều kinh ngạc rồi nháo nhào bắt cậu ấy khao chúng tôi ăn kẹo. Ngay sau đó thầy giáo tìm cậu ấy nói chuyện, nói có học viện âm nhạc ở tỉnh khác đặc biệt chiêu sinh cậu ấy, cần phải tham gia thi một vòng nữa, được nhận vào thì có thể được miễn học phí và bao toàn bộ sinh hoạt phí. Đó có lẽ là khoảng thời gian rối rắm nhất của Đồng Vũ Khôn, và cũng của Dư Vũ Hàm. Lúc Đồng Vũ Khôn nói cho chúng tôi biết, Mục Chỉ Thừa nhìn cậu ấy: "Cậu đi rồi có phải sẽ rất lâu không trở về đúng không?"

Mục Chỉ Thừa hỏi xong cũng tự cảm thấy mình hỏi thừa, cụp mắt không biết phải nói gì nữa. Mọi người đều ủ rũ, chúng tôi cùng nhau lớn lên trong tòa nhà này đã tròn chín năm, đã quen với việc coi nhau là một phần trong cuộc sống của mình, chứ không chỉ là một người bạn. Đồng Vũ Khôn cúi đầu, tóc mái che đi đôi mắt, không nhìn rõ cậu ấy có biểu cảm gì. Dư Vũ Hàm đột nhiên đẩy tôi ra bước lên trước khoác cổ Đồng Vũ Khôn: "Sợ cái gì chứ! Muốn đi thì đi đi, cũng không phải là không bao giờ trở về!"

Kỳ thực khi ấy có thể nhìn ra, nếu Đồng Vũ Khôn rời đi, người buồn nhất chắc chắn là Dư Vũ Hàm. Dư Vũ Hàm có chút miễn cưỡng khơi dậy hưng phấn của mọi người, như thể sợ Đồng Vũ Khôn lo nghĩ quá nhiêu. Một ngày trước khi Đồng Vũ Khôn thật sự hạ quyết tâm đi thi vòng hai, cả bọn tụ lại phòng tôi ăn quà vặt, Dư Vũ Hàm rót cho Đồng Vũ Khôn một cốc nước ấm, bảo cậu ấy phải giữ gìn cổ họng. Ngày hôm sau cả bọn chúng tôi dậy thật sớm tiễn Đồng Vũ Khôn, Dư Vũ Hàm tay đút túi quần đứng phía sau giả bộ ngầu, chỉ khi Đồng Vũ Khôn nhìn cậu ấy mới cười. Sau đó có kết quả thi, Đồng Vũ Khôn thành công được nhận, đúng lúc chúng tôi kết thúc kỳ thi hàng tháng, tất cả dành ra một buổi tối để chúc mừng cậu ấy, liên hoan ở một nhà hàng lẩu. Đó là lần liên hoan bên ngoài chính thức đầu tiên của chúng tôi, ai nấy đều cảm giác hết sức long trọng. Tối hôm đó chúng tôi vui mừng ồn ào hết nấc, may là cả bọn ngồi phòng riêng, nếu không chắc chắn sẽ bị người khác khiếu nại. Trận đánh tiên phong của Đồng Vũ Khôn giành thắng lợi là kèn phát lệnh cho kỳ thi vào cấp ba sắp tới của chúng tôi, chiến thắng hứa hẹn ngay trước mắt. Dư Vũ Hàm tối hôm đó uống nước ô mai như uống rượu, người cũng như say rồi, im lặng không nói gì. Đồng Vũ Khôn cố ý làm trò chọc cậu ấy, cậu ấy chỉ cười ủng hộ. Con người bao giờ cũng càng trưởng thành càng khép mình, Dư Vũ Hàm ngày tiểu học khiêng bình nước đi đánh nhau, lên cấp ba lại chỉ biết cười tiễn biệt Đồng Vũ Khôn. Đây chính là trưởng thành, học cách cảm thông, học cách chấp nhận, học cách trưng ra nụ cười run run khi đối mặt với chia ly. Tôi đoán cậu ấy có lẽ chôn rất nhiều lời muốn nói vào trong nước ô mai, bởi vì có quá nhiều, nên mãi mãi không nói ra được.

Ăn lẩu xong chúng tôi vào trung tâm thương mại chơi. Thực ra nói thì hay nhưng thực tế cũng chẳng thăm thú được mấy, mọi người đều là học sinh cấp hai trong túi chẳng có mấy đồng, chỉ có thể lượn quanh khu trò chơi. Kinh tế tôi dư dả nhất, nạp bốn trăm tệ, đổi được một đống đồng xu, cuối cùng cũng chỉ có thể chơi được trò gắp thú ít dùng não nhất. Bây giờ nghĩ lại cửa tiệm đó quả là gian xảo, que gắp thú quá lỏng lẻo, làm cả đám chúng tôi gắp tới gắp lui cũng không được gì. Cuối cùng vẫn là Đồng Vũ Khôn và Trương Trạch Vũ kết hợp mới gắp được một con kỳ lân. Trương Trạch Vũ nói nhân vật chính tối nay là Đồng Vũ Khôn nên nhường kỳ lân cho cậu ấy. Đồng Vũ Khôn cũng không khách khí nhận lấy, cẩn thận ôm nó về nhà. Tối hôm đó chúng tôi đều ăn rất no, cùng nhau hóng gió rảo bước về nhà. Ánh đèn đường hiu hắt, hai bên đường từng cây hoa quế nối tiếp nhau, chỉ tiếc là không có hoa quế. Chúng tôi hết đi lại dừng, thỉnh thoảng lại đánh đấm lẫn nhau. Không biết Tô Tân Hạo nổi điên cái gì lại bắt đầu kẻ bắt người chạy với Chu Chí Hâm, hai người chạy rất nhanh, sau đó chúng tôi cũng quay mòng mòng đuổi theo. Ánh đèn đường như một viên hổ phách cực đại, bao lấy hình ảnh chúng tôi chạy nhảy. Nó giống như một tiêu bản thì hiện tại tiếp diễn, đặt trong dòng ký ức, hồi tưởng lại vĩnh viễn vẫn là hình ảnh đang tiếp diễn. Chúng tôi chạy rất nhanh, dường như cái bóng không theo kịp, thời gian cũng không theo kịp. Cuối cùng Chu Chí Hâm chạy không nổi nữa phải dừng lại, chúng tôi cũng lần lượt dừng lại theo, hay tay chống gối thở hổn hển, nhìn những gương mặt ướt đẫm mồ hôi của nhau, không hẹn mà cùng cười phá lên.

Sau đó thời gian trôi thật nhanh, tiết giao mùa qua đi, bước vào mùa hạ rực rỡ. Tôi được thi ngay tại trường của mình, trước khi bước vào trường thi tôi bình tĩnh một cách lạ thường, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ bầu trời khi ấy đặc biệt xanh. Sau này nghĩ lại mới thấy tôi quả thực không giống người bình thường, đến chuyện quan trọng ắt sẽ gặp may, bất kể chuyện gì cũng thế, không biết là tốt hay không tốt nữa. Lớp bảy lớp tám nhắc đến thi chuyển cấp luôn cảm thấy xa vời, xa vời đến mức không chân thực, như thể vĩnh viễn sẽ không xảy ra ngày ấy. Thật sự đến ngày thi chuyển cấp rồi lại cảm thấy thật thản nhiên, cũng không có cảm xúc gì sâu sắc, chỉ cảm thấy nước sẽ chảy ngày sẽ trôi, bắt không được giữ cũng không xong.

Chúng tôi xả hơi vài ngày thì có kết quả thi, tôi thi cũng được, còn tốt hơn mấy lần thi thử trước đó, đạt được mục tiêu vào trường Cao trung số hai (Nhị Trung). Tả Hàng, Trương Trạch Vũ, Diêu Dục Thần lực học không chắc lắm cũng phát huy vượt xa ngày thường, thành công vượt qua điểm chuẩn của Nhị Trung. Đặng Giai Hâm, Dư Vũ Hàm, Mục Chỉ Thừa lên thẳng cấp ba liên kết với trường chúng tôi, cũng rất được. Mới đầu nghe tin lên cấp ba phải tách ra ai nấy đều không vui, sau đó phát hiện hai trường cách nhau không đến mười phút đi bộ mới vui vẻ trở lại. Từ đó trở đi mỗi buổi sáng chúng tôi không thể cùng nhau đến trường được nữa, thỉnh thoảng tình cờ gặp nhau ở cổng, đến đường lớn lại phải tách ra. Giống như sông lớn phân nhánh, mỗi người đều có con đường đời của riêng mình. Sông lớn lao nhanh, chúng tôi cũng không thể không lao đến những phương trời khác nhau.

Kỳ nghỉ hè đó không tính là dài, ngoại trừ lớp dự bị ra thì cũng toàn là chơi, giống với rất nhiều rất nhiều kỳ nghỉ hè đã qua trước đó. Chỉ có điều chúng tôi từ tụ lại một chỗ cười ngốc nghếch biến thành tụ lại chơi máy tính chơi game cùng nhau. Nếu phải viết nhiều hơn, tôi cũng có thể viết về rất nhiều thứ liên quan đến kỳ nghỉ hè đó, nhưng nghĩ kỹ lại thì, cả kỳ nghỉ ấy cũng có thể cô đặc lại thành một ngày, một ngày vĩnh hằng. Mọi chuyện tốt đẹp đều như vậy, những khoảng thời gian tuyệt vời trên thế gian này đa số đều giống nhau, bởi vì quá tốt đẹp cho nên không chân thực. Khi chúng ta còn ở trong bụng mẹ, thế giới với chúng ta mà nói là một khoảng đỏ thẫm mông lung, chúng ta không biết vạn vật trông như thế nào. Cái gọi là tốt đẹp chính là trở lại nguyên trạng, tất thảy trở về hình dạng khi chúng ta còn ở trong bụng mẹ, một khoảng mông lung, một khoảng mơ hồ.

Kỳ nghỉ sắp kết thúc cũng là lúc Đồng Vũ Khôn phải rời đi. Chúng tôi tới chơi xem cậu ấy thu dọn đồ đạc, cậu ấy chống nạnh ngại ngùng muốn đuổi cả lũ về. Mặc kệ cậu ấy kêu gào, chúng tôi hi hi ha ha nằm túm tụm lại trên giường của cậu ấy, nhìn cậu ấy như kiến chuyển nhà bỏ đồ đạc vào trong vali, túi du lịch. Mục Chỉ Thừa tinh mắt, nhổm dậy lấy một con gấu bông trong vali của cậu ấy ra, là con gấu chúng tôi gắp hôm đi khu trò chơi. Mục Chỉ Thừa kéo dài tiếng trêu chọc cậu ấy: "Ai yo~~ Lớn tướng rồi~~". Đồng Vũ Khôn cuống đến mức đỏ mặt, cướp lấy con gấu, giương nanh múa vuốt với chúng tôi: "..... Tớ giữ làm kỷ niệm....."

Cả bọn chúng tôi cười phá lên. Đặng Giai Hâm nói: "Chắc không phải Mao ca ôm gấu bông đi ngủ đó chứ!". Trương Trạch Vũ lập tức tiếp lời: "Mao ca phải nhìn vật nhớ người!". Đồng Vũ Khôn tức giận gào lên: "Lớn tướng rồi tớ còn lâu mới ôm gấu bông đi ngủ....."

Hôm đó chúng tôi ở lại chơi đến rất muộn, mẹ Đồng Vũ Khôn vào giục mới ra về. Bố Đồng Vũ Khôn cười gật đầu với chúng tôi, chú ấy mất một bên cánh tay nhưng lại béo lên, nghe nói dạo gần đây chú ấy đang luyện thư pháp, người lại thêm chút khí chất nho nhã, giống dáng vẻ vị đại hiệp mất một tay lúc già đi. Sáng sớm hôm sau chúng tôi đi tiễn Đồng Vũ Khôn, cùng cậu ấy đi ra đường lớn. Con đường này chúng tôi đã cùng nhau đi qua rất nhiều rất nhiều lần rồi, hàng cây hoa quế bên đường vẫn chưa ra hoa, vẫn là dáng vẻ đáng mong chờ điều tiếp theo xảy đến. Chúng tôi đứng đợi xe buýt tới, Dư Vũ Hàm rầu rĩ không nói gì, Đồng Vũ Khôn lại chọc cậu ấy. Đợi xe buýt đến rồi, chúng tôi sắp xếp hành lý thay, Đồng Vũ Khôn thì ung dung nhẹ nhàng lên xe, mở cửa sổ thò đầu ra vẫy tay với chúng tôi. Vẫn cái dáng vẻ ấy, cậu ấy thấy chúng tôi ủ rũ lại nhe răng trợn mắt chọc cho cả bọn cười rồi hét lên: "Tớ sẽ về ngay thôi~". Chúng tôi cũng vẫy tay lại với cậu ấy, cười đùa bảo cậu ấy mau biến đi. Cứ vẫy tay như thế rồi chiếc xe bắt đầu lăn bánh, Đồng Vũ Khôn đang làm mặt quỷ biến thành mặt cười sau đó lui vào trong xe, không thấy bóng dáng cậu ấy nữa. Dư Vũ Hàm đột nhiên đuổi theo xe, ban nãy cậu ấy vẫn luôn im lặng không nói gì, bất thình lình chạy làm chúng tôi ai nấy đều kinh ngạc không kịp phản ứng. Đến lúc chúng tôi phản ứng lại muốn đuổi theo, cậu ấy dường như cũng chợt bừng tỉnh, dừng bước không đuổi theo nữa, cúi người hai tay chống gối nhìn chiếc xe càng ngày càng xa, mãi đến khi nó biến mất khỏi tầm mắt của chúng tôi.

Tôi bước đến lay Dư Vũ Hàm, kéo cậu ấy lên vỉa hè. Dư Vũ Hàm khẽ nói: "Cậu ấy tặng kỳ lân cho tớ rồi."

Không biết Dư Vũ Hàm đang nói với ai, có lẽ chính cậu ấy cũng không biết phải nói với ai. Cậu ấy từ nhỏ đã là một nam tử hán, cố chấp bảo vệ Đồng Vũ Khôn. Lần này đổi thành Đồng Vũ Khôn để lại kỳ lân bảo vệ cậu ấy. Kỳ lân mang đến những giấc mộng đẹp, cho Dư Vũ Hàm một giấc mộng không bao giờ có chia ly.

Trước khi khai giảng vào lớp mười, trường học tổ chức một cuộc khi khảo sát, lấy 50 học sinh đứng đầu vào lớp thực nghiệm. Trần Thiên Nhuận đứng thứ ba vẫn làm cả bọn kinh ngạc, tên chình ình trên bảng vinh danh cả nửa năm, thuận lợi bước vào lớp thực nghiệm. Tô Tân Hạo thì không thành công, trước khi thi cậu ấy quá căng thẳng, thi được một nửa thì đau dạ dày phải vào nhà vệ sinh nôn đến xây xẩm mặt mày. Mấy người còn lại chúng tôi đều phát huy ổn định, không ngoài dự đoán vào lớp song song, chỉ xem là tham gia cho đủ quân số thôi. Ngày có kết quả chúng tôi không dám đi tìm Tô Tân Hạo, bởi vì tâm trạng cậu ấy rất kém, như thể ngay lập tức sẽ phát hỏa. Buổi tối ăn cơm cậu ấy cũng không đi, cuối cùng vẫn là Chu Chí Hâm đi tìm cậu ấy, không biết anh ấy nói gì, cuối cùng cũng khoác vai đưa được cậu ấy về.

Chúng tôi lại cùng trường với Triệu Quán Vũ, Chu Chí Hâm một năm. Mỗi ngày tự học buổi tối đến mười giờ, tan học chúng tôi sẽ hòa vào dòng người, đến tòa lớp mười hai đợi hai anh ấy. Sau đó chúng tôi cùng nhau về nhà, đi một lúc lại gặp Đặng Giai Hâm, Dư Vũ Hàm và Mục Chỉ Thừa hay to tiếng, từ xa đã hét lên gọi chúng tôi. Thế là cả bọn lại kề vai nhau bước dưới ánh đèn đường vàng như hổ phách, trong mùi hương hoa quế xộc vào khoang mũi, nhàn hạ nói chuyện phiếm. Nói một hồi không biết sao lại có hai người nào đó bắt đầu đánh nhau, những người còn lại cũng mặc kệ, đều quen cả rồi.

Rất lâu rất lâu về sau, trong lúc dạo quanh tiệm sách của Triệu Quán Vũ, tôi vô tình giở một tập thơ, trên đó có bài thơ viết:

"Dục mãi quế hoa đồng tái tửu, chung bất tự, thiếu niên du."*

Tôi đứng đó, nước mắt gần như rơi xuống.

Chung bất tự, thiếu niên du.

(*) Hai câu cuối trong bài thơ "Đường đa lệnh" của Lưu Quá.

""Dục mãi quế hoa đồng tái tửu, chung bất tự, thiếu niên du" chỉ hai mươi năm sau thăm lại chốn cũ, muốn mua rượu thưởng quế như ngày xưa, chỉ có điều vật đổi sao rời, không còn những tâm tình của thời niên thiếu nữa." (Nguồn: Baidu)



TBC.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro