06

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Kỳ nghi hè năm 2009 là "mùa tốt nghiệp" đầu tiên trong cuộc đời tôi. Đương nhiên ngày đó vẫn chưa có cái khái niệm hiện đại này, cũng chưa có những sàn thương mại điện tử giảm giá mạnh vào dịp tháng sáu, sáng tạo ra hàng loạt ngày hội giảm giá dành cho người tiêu dùng. Với chúng tôi mà nói thì "mùa tốt nghiệp" này cũng không có gì đặc biệt, dù sao thì trường cấp hai cùng tuyến với trường Tiểu học số 18 chỉ cách khu tập thể một ô phố*, từ gác xép nhà tôi có thể trông thấy đỉnh toà dạy học màu đỏ gạch. Nếu phải chỉ ra điểm khác biệt thì là kỳ nghỉ hè này vô cùng tự do, bởi vì không có bài tập hè (chúng tôi nên cảm thấy may mắn vì thời điểm đó loại hình lớp dự bị vẫn chưa phổ biến), ngày ngày điên cuồng đùa nghịch. Niềm vui lớn nhất khi ấy của chúng tôi là đi xem Triệu Quán Vũ và Chu Chí Hâm làm bài tập hè. Tính tình hai anh ấy đều rất tốt, cho dù chúng tôi có làm ồn thế nào cũng không sao. Chu Chí Hâm thỉnh thoảng tức giận muốn vật lộn phản kháng, bị chúng tôi ba chân bốn cẳng áp chế, Tô Tân Hạo lớn tiếng cười vang. Còn Triệu Quán Vũ thì hoàn toàn chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, bảo chúng tôi đi chơi đi, đi xem phim đi.

(*) Quy hoạch đô thị theo hình bàn cờ, phân thành các ô phố, xem hình ảnh minh hoạ ở đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%94_ph%E1%BB%91

Kỳ nghỉ hè đó trôi qua tiêu diêu tự tại. Lên cấp hai rồi mẹ cũng cho tôi ngừng tham gia lớp người mẫu nhí và lớp tiếng Anh. Thực ra cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ vì sao mẹ lại cho tôi ngừng lớp tiếng Anh, chắc là mẹ cảm thấy tiếng Anh của cấp hai và tiếng Anh khái niệm mới không giống nhau. Việc ngừng học thêm kết hợp với không có bài tập hè có nghĩa là ngày nào tôi cũng có thể chơi khắp từ tầng một lên tầng sáu, mỗi ngày thức giấc việc đầu tiên làm là chạy xuống lầu chơi.

Khoảng thời gian ấy trường học thỉnh thoảng còn tổ chức du lịch như là phúc lợi cho giáo viên. Năm tôi tốt nghiệp trường tổ chức cho học sinh khối lớp sáu và giáo viên cùng đi Bắc Kinh, tham quan Thiên An Môn, cố cung và Hậu Hải. Nhưng học sinh muốn đi thì phải đóng tiền, chi phí khá cao, thế nên cuối cùng chỉ có tôi, Trương Tuấn Hào và Tô Tân Hạo đi. Trương Trạch Vũ cũng muốn đi, nhưng bà cậu ấy tuổi cao quá rồi, cho nên cậu ấy không đề cập đến. Lúc ấy hiểu biết của mấy đứa chúng tôi quả thật ít đến đáng thương, còn tưởng Hậu Hải là Hải (biển). Biển đối với những đứa trẻ sống sâu trong đất liền như chúng tôi quả thực rất có sức hấp dẫn, tương đương như Ultraman vậy. Cho nên sau khi chúng tôi đến Bắc Kinh, phát hiện Hậu Hải thực ra không phải là biển*, Trương Tuấn Hào suýt nữa khóc thành tiếng ngay tại chỗ. Năm 2015 có một bộ phim truyền hình tên "Hậu Hải không phải Hải" lên sóng, cái tên gợi lên ký ức đau thương của chúng tôi, Trương Tuấn Hào bi phẫn thề rằng cả đời cũng không xem bộ phim đó. Về sau chúng tôi giao ước nhất định phải cùng nhau đi biển một lần để tự chữa lành ký ức đau thương mà Hậu Hải gây ra.

(*) Trong tiếng Bắc Kinh gốc, hải nghĩa là hồ chứ không phải biển.

Chuyến du lịch đó quả thực không thể coi là tuyệt vời. Đó là bệnh chung của những chuyến du lịch vào thời đại ấy rồi, đi bằng xe khách, tham quan danh lam thắng cảnh, lặn lội dưới ánh mặt trời gay gắt rồi quay trở về khách sạn, ăn bữa cơm toàn những món không phải đặc sản chính gốc vùng đó do công ty du lịch sắp xếp, lại còn phải dậy sớm nữa. Đến giờ tôi vẫn nhớ món mì tương đen Bắc Kinh của khách sạn đó, khó ăn như nhai phải dây giày vậy. Đến các khu danh lam thắng cảnh còn phải chụp ảnh, dưới sự chi huy của các mẹ, ba đứa tôi Tô Tân Hạo Trương Tuấn Hào phải tạo đủ mọi loại dáng, chụp cùng cố cung, chụp cùng Thiên Đàn... Đối tượng chụp ảnh cùng bao gồm nhưng không giới hạn bởi* cây cổ thụ, tượng điêu khắc, chiếc xe dừng ở bên đường... Ba người chúng tôi không tình nguyện bày ra đủ mọi tư thế, tay giơ chữ V, biến hoá đa dạng. Tôi thậm chí còn luyện được tuyệt kỹ cười trong nháy mắt, cười mà lòng không hề để tâm. Trương Tuấn Hào còn thảm hơn tôi, thỉnh thoảng tôi phản kháng vẫn có thể thành công, còn cậu ấy bị mẹ thẳng thừng đàn áp. Cuối cùng cậu ấy mặt như muốn khóc tạo dáng, mẹ cậu ấy còn vừa giơ máy ảnh vừa ép buộc: "Trương Tuấn Hào! Cười!". Cậu ấy đành trưng ra vẻ mặt dở khóc dở cười, giơ tay chữ V hướng về máy ảnh. Sau khi chúng tôi về tụ họp với hội Trương Trạch Vũ, các cậu ấy xem mấy tấm ảnh đó suýt nữa cười đến không thở nổi. Trương Trạch Vũ vuốt ngực thở phào, nói may là lúc đó cậu ấy không đi. Điều vui nhất của chuyến đi đó là buổi tối về khách sạn, sau khi tắm xong mấy đứa chúng tôi không ngủ mà rủ nhau làm loạn, chạy tới chạy lui ở hành lang. Ngày hôm sau mới năm sáu giờ sáng đã bị dựng dậy đi tham quan, đứa nào cũng ủ rũ, buồn ngủ ngáp ngắn ngáp dài, làm cho mẹ tôi mắng tôi không ra gì. Ngày trở về nhìn thấy toà nhà nhỏ màu vàng của khu tập thể, chúng tôi đều có cảm giác được hồi sinh, thiếu điều khóc vì sung sướng.

(*) bao gồm nhưng không giới hạn bởi: thuật ngữ dùng trong hợp đồng kinh tế, nghĩa là bao gồm những thứ được liệt kê ra nhưng không chỉ giới hạn ở những thứ đó. Tác giả để nguyên thuật ngữ nên mình cũng để nguyên.

Nghỉ hè chúng tôi thuê rất nhiều đĩa phim, bởi vì từ cấp một lên cấp hai áp lực bài vở không nhiều, bố mẹ cũng thoải mái hơn. Tất cả tụ tập, nằm la liệt ở nhà tôi xem hoạt hình. Tô Tân Hạo và Chu Chí Hâm nằm trên sô pha, Dư Vũ Hàm Đồng Vũ Khôn Mục Chỉ Thừa lăn lộn dưới đất, Đặng Giai Hâm mơ màng cuộn mình trong chăn lông (chúng tôi lúc nào cũng bật điều hoà rất thấp nên luôn phải đắp chăn). Tả Hàng ngồi dựa vào giường ăn snack khoai tây, Triệu Quán Vũ dựa vào sô pha, Diêu Dục Thần lại dựa vào anh ấy. Trần Thiên Nhuận ngồi bên bàn uống nước đọc cuốn sách liên quan đến tàu ngầm, vừa đọc vừa xem tivi, Trương Tuấn Hào cũng lấy một cuốn sách làm bộ làm tịch, đề phòng mẹ cậu ấy bất ngờ đột nhập kiểm tra. Trương Trạch Vũ cuộn mình trong chăn của tôi, sáp vào người tôi, xem đến đoạn hài hước lại cười lộ cái răng nanh chưa mọc hết. Cậu ấy vẫn nhỏ nhỏ gầy gầy, như thể không lớn được, vĩnh viễn thấp hơn tôi một khoảng. Có những lần chúng nằm từ chiều đến tận tối, ăn cơm tối xong lại tiếp tục nằm xem phim. Trong khoảng thời gian ấy Đồng Vũ Khôn và Dư Vũ Hàm sẽ lại vật lộn, Tô Tân Hạo và Chu Chí Hâm có thể tranh luận ba trăm hiệp để giành chăn, kết thúc luôn là Chu Chí Hâm đẩy Tô Tân Hạo xuống đất. Tả Hàng là người cực kỳ không thích động chạm thân thể, kiên trì đẩy Trương Tuấn Hào ra. Bởi vì Trương Tuấn Hào rất dính người, lúc nào cũng thích ôm ấp dựa dẫm, bị Tả Hàng đẩy ra lại sáp vào người Triệu Quán Vũ, được một lúc quên mất lại quay qua sáp vào Tả Hàng, sau đó vẫn lại bị Tả Hàng đẩy ra. Những cảnh tượng này giống như bọt nước dưới mặt biển, triền miên, rực rỡ, trào dâng dưới đáy biển yên ả. Tựa nhịp sống ngày ấy của chúng tôi, tựa nồi canh gà hầm trên bếp, thong thả mà đậm đà chất phác sôi ùng ục, chúng triền miên kéo dài mãi tưởng như vĩnh hằng.

Hôm đó chúng tôi nằm rất lâu, mọi người nằm la liệt khắp nơi. Tôi vẫn nhớ bộ phim hôm đó chúng tôi xem là "Vua hải tặc", xem xong lười đổi sang đĩa phim khác, tiếp tục xem hoạt hình của kênh CCTV-14. Sau đó mọi người lần lượt rời đi, về nhà ngủ hoặc làm bài tập, Trương Trạch Vũ cũng về với bà cậu ấy, chỉ còn lại tôi và Triệu Quán Vũ. Lúc đó quả thực tôi quá buồn ngủ rồi, mơ mơ màng màng không biết sao tivi lại bắt đầu chiếu một bộ phim. Tôi không rõ đó là phim điện ảnh hay là phim tài liệu, chỉ nhớ bộ phim kể về một tên hải tặc lái con thuyền của minh ra khơi, gặp phải muôn vàn trắc trở, cuối cùng chết chìm dưới lòng đại dương. Bộ phim quay theo góc nhìn của ngôi thứ nhất, tôi có thể cảm giác được bản thân dần dần chìm xuống, sau đó máu tuôn ra che lấp tầm nhìn. Tôi giằng co hồi lâu, sau khi hoàn toàn tỉnh táo lại mới cảm thấy bất thường, vô thức sợ hãi, tivi thì đã chuyển sang chiếu bộ phim hoạt hình khác rồi. Tôi quay qua lay Triệu Quán Vũ, anh ấy lúc đó đang ngủ thiếp đi trên sô pha, bị tôi lay tỉnh mơ màng hỏi tôi có chuyện gì. Tôi hỏi anh ấy có nhìn thấy không, anh ấy càng mơ hồ hỏi lại tôi: "Nhìn thấy cái gì?"

Tối hôm đó tôi sợ muốn chết, hễ nhắm mắt là cảnh tượng tên hải tặc ngã xuống lại hiện ra, doạ cho tôi không tài nào ngủ nổi, nửa đêm ôm chăn gối chạy đến phòng mẹ. Rất lâu rồi tôi không ngủ cùng bố mẹ, họ để tôi nằm ở giữa, lúc này tôi mới có cảm giác an toàn, yên tâm ngủ. Ngày hôm sau tôi kể chuyện đó với chúng bạn. Thời đó máy tính vẫn chưa phổ biến, càng không có khái niệm gì về Baidu, so với bây giờ thì thông tin tắc nghẽn như ở ngoài đảo hoang. Tôi không tìm được phương tiện để tra xem rốt cuộc có bộ phim nào như thế không. Chúng tôi nghĩ mãi không ra, Trương Trạch Vũ nói:

"Kênh thiếu nhi sao lại chiếu phim điện ảnh được?"

Trương Tuấn Hào gãi đầu: "Cũng có thể là phim điện ảnh dành cho trẻ con mà."

Lúc đó chúng tôi ngồi dưới gốc cây cạnh nhà, ai ai cũng chăm chú cau mày, chốc lại phát lên người tanh tách để diệt muỗi. Chỉ có điều tôi chẳng phát trúng được con muỗi nào, Trương Trạch Vũ mới trêu tôi là tôi doạ cho muỗi chạy mất dép. Mọi người đều tận lực suy nghĩ nhưng không đưa ra được giải pháp nào, không rõ là kênh thiếu nhi liệu có chiếu phim điện ảnh không, cũng không rõ là thật sự có bộ phim điện ảnh hoặc phim tài liệu như thế tồn tại hay không. Cuối cùng Trần Thiên Nhuận tổng kết: "Có khả năng xuất hiện ký ức giả, có nghĩa là cậu coi những thứ xuất hiện trong mơ là hiện thực."

Mọi người đều chớp mắt nhìn tôi tỏ vẻ đồng ý với Trần Thiên Nhuận. Dư Vũ Hàm ngồi ôm gối, tay khẩy đôi xăng đan an ủi tôi:

"Ôi dào ôi có gì đâu, chỉ là gặp ác mộng thôi mà, sợ gì chứ."

Nếu khi đó tôi không có trí nhớ cá vàng thì suốt một năm tiếp theo tôi sẽ hiểu thế nào là "hiệu ứng Mandela"*, mặc dù chưa từng trải qua nhưng lại cảm giác quỷ dị như thế, hoang đường như thế. 2009 năm đó, Mandela vẫn chưa qua đời, nhưng trong ký ức của một số người Mandela đã qua đời từ lâu rồi. Sự giáo dục tiếp thu từ nhỏ mách bảo chúng tôi mọi hiện tượng trên thế gian này đều có thể giải thích, vậy nên chúng tôi chỉ có thể lấy giả thuyết của Trần Thiên Nhuận tự thuyết phục bản thân. Tiếng ve trên tán cây cổ thụ râm ran không dứt, vô cùng hợp hoàn cảnh, tạo nên màu sắc của ngày hè. Đột nhiên ông lão bán dưa hấu ở ngoài đường nói với chúng tôi, thực chất là nói với Trương Trạch Vũ – người có thể tán gẫu với bất cứ ai:

"Ông đi gọi điện thoại một lát, các cháu trông hàng giúp ông nhé."

Cứ đến mùa hè ông sẽ kéo một xe dưa hấu đến đây bán, bất kể nắng mưa, khát thì trực tiếp bổ một quả ra ăn, còn nhất định phải chia cho đám nhóc chúng tôi. Nghe nói ông có một người con trai đang học tại đại học Chiết Giang. Anh ấy là niềm tự hào của ông, rất hiểu chuyện, nghỉ hè cũng không về nhà, ở nơi xa làm thêm, vùi mình trong phòng thí nghiệm cùng các thầy cô giáo. Ông sợ làm phiền con trai nên quy định thời gian gọi điện thoại với anh ấy, một tuần gọi một lần, mỗi lần gọi xong ông đều vui vẻ cả ngày. Những điều này đều là thông tin Trương Trạch Vũ thu được trong lúc nhàn rỗi nói chuyện phiếm cùng ông. Trương Trạch Vũ ngoảnh lại cười: "Vâng ạ, để bọn cháu trông cho."

Chúng tôi giống như đàn ong vây quanh xe dưa, giống như tổ chức xã hội đen đang phô trương thanh thế. Tả Hàng ngồi xổm trên xe như con khỉ, đùa rằng đáng ra Trần Thiên Nhuận phải đứng rao mời mọi người mua, bởi cậu ấy có chút ít nét giống người Tân Cương, mà hoa quả Tân Cương lại cực kỳ ngon. Tô Tân Hạo lập tức kiến nghị: "Hai cậu trông giống nhau thế, đứng ra kia làm biển hiệu sống được đấy". Đúng lúc này có một bác gái tiến đến mua dưa, hỏi Trần Thiên Nhuận đang đứng cạnh cái cân, "Dưa này bán thế nào nhóc đẹp trai?". Trần Thiên Nhuận luống cuống nhìn chúng tôi, biểu cảm giống hệt chú cún bự nhà Đặng Giai Hâm đang ngủ say thì bị chúng tôi đột ngột sà tới vuốt lông. Ngay sau đó Trương Tuấn Hào nghiệp vụ thành thục tiếp lời: "Hai hào một cân, dưa của chúng cháu bao ngọt!"

Chúng tôi đứng phía sau cười nghiêng ngả. Tả Hàng giúp bác gái chọn dưa, Trần Thiên Nhuận ngồi bên cạnh tìm tiền lẻ, ba người tạo thành chuỗi cung ứng dưa, không ngờ lại có rất nhiều cô chú đến mua. Dư Vũ Hàm còn nảy ra ý tưởng cung cấp dịch vụ chuyển phát dưa tận cửa, bởi vì có rất nhiều người cao tuổi sống gần đó, cậu ấy liền giúp các ông các bà xách dưa lên tận nhà. Sau đó chúng tôi cùng nhau làm, ai cũng xách túi vải khiêng dưa. Lúc tôi xách cùng Chu Chí Hâm anh ấy còn bị vướng chân té ngã, doạ cho bà cụ chúng tôi giúp đỡ không dám để anh ấy xách nữa. Ông lão bán dưa gọi điện thoại, chuyển tiền cho con xong quay lại đã thấy dưa bán gần hết rồi, Trần Thiên Nhuận còn giúp ông ghi chép sổ sách rất ngay ngắn. Ông rất vui, mời chúng tôi ăn dưa. Chúng tôi ngồi bên đường ăn, khắp mặt toàn là nước dưa hấu. Lúc về nhà người tôi đầy mồ hôi, tóc ướt sũng thành từng mảng, theo lời mẹ thì tôi giống hệt một người lang thang, vừa vào nhà là mẹ đẩy tôi vào phòng tắm tắm rửa. Cách lớp kính thuỷ tinh mờ của phòng tắm, tôi thao thao bất tuyệt với mẹ về chuyện tôi giúp các ông các bà xách dưa, vô cùng tự hào, cảm giác như mình đã làm được một chuyện hết sức vĩ đại.

Kỳ nghỉ hè thong thả trôi đi, những ngày nghỉ không có bài tập sảng khoái như ngâm mình trong nước mát. Kết quả sướng quá hoá khổ, lúc chúng tôi đi thuê đĩa phim phát hiện ở cửa tiệm băng đĩa dán một tờ quảng cáo rao bán lại tiệm. Lúc đó tôi còn đang đọc A Suy, là Trương Tuấn Hào tinh ý phát hiện ra, cậu ấy miệng ngậm kem, vô cùng đau khổ hét lớn: "Sao lại thế này?"

Chúng tôi đều không nỡ xa tiệm băng đĩa, chạy đi tìm chủ tiệm. Bác mập ôm Tam Hoa, từ từ mang những thứ bác đã chuẩn bị ra chia cho chúng tôi. Có đĩa phim Slam Dunk mà chúng tôi thích nhất, có truyện Vua hải tặc tìm khắp nơi không ra, có tiểu thuyết Kim Dung mà Dư Vũ Hàm hâm mộ, còn có sách ảnh Ultraman mà chúng tôi vẫn luôn yêu thích. Bác nói mấy thứ này đều không bán được, tặng cho chúng tôi làm kỷ niệm. Khoảnh khắc đó tôi đã biết là bác đang gạt chúng tôi, Vua hải tặc và Slam Dunk là phim hoạt hình nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, đến những đồ vật có tặng kèm hình dán hai phim đó cũng có biết bao người giành giật mua, cho dù hình in có mờ mờ ảo ảo. Nhưng trong vô thức tôi biết đó là lời nói dối trắng*, lời nói dối tiếp theo của bác cũng vậy. Bác nói con gái bác sắp kết hôn rồi, ở thành phố khác, bác phải đi dự đám cưới của con gái. Bác không giỏi nói dối, chúng tôi cũng không giỏi phân biệt thật giả. Bác gắng sức quét lên chia ly một lớp sơn mỹ lệ, chúng tôi cũng chỉ có thể làm theo tâm nguyện của bác, bước vào câu chuyện cổ tích bác thêu dệt nên. Từng cái kệ sắt trong cửa tiệm của bác đều trống không rồi, thành phố mộng mơ chúng tôi quyến luyến vô số lần trống không rồi. Nếu có thể tôi muốn làm một mô hình thu nhỏ, phục chế lại hình ảnh chúng tôi dừng ở khoảnh khắc ấy.

(*) lời nói dối trắng: lời nói dối khi bạn không muốn làm ai đó tổn thương, buồn phiền

Đó là lần đầu tiên chúng tôi trải qua chia ly trực tiếp như thế, hiểu ra trên thế gian này không có gì là vĩnh viễn không thay đổi. Trước đó chúng tôi luôn cho rằng tiệm băng đĩa sẽ không đóng cửa, không rời đi, sẽ vĩnh viễn là sắc màu của cuộc đời chúng tôi, sau ngày hôm đó mới nhận ra không phải, hoá ra nó chỉ có thể đồng hành với chúng tôi trên một đoạn đường nho nhỏ mà thôi. Thực ra bác mập lớn tuổi hơn bố mẹ chúng tôi nhiều, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy rất thân thiết với bác. Có lẽ do bác mở tiệm băng đĩa, thoã mãn ảo tưởng xem phim đọc truyện không giới hạn của chúng tôi, cho nên chúng tôi không cảm thấy bác là người lớn, mà là người bảo vệ thế giới trẻ thơ của chúng tôi. Ngày tiệm băng đĩa bị dỡ bỏ, chúng tôi đứng dưới lầu xem, nhìn thấy tấm biển luôn phủ bụi bị gỡ xuống, rơi trên đất vỡ thành nhiều mảnh. Cùng bụi bặm vương vãi trên mặt đất dường như không phải tấm biển hiệu bị vỡ mà là tuổi thơ rực rỡ tựa hoàng kim sắp trôi qua của chúng tôi. Tôi cảm nhận rõ được sự mất mát. Trước khi đi bác mập để Tam Hoa lại cho Trương Trạch Vũ, không bao lâu sau thì nó chạy đi mất, chúng tôi không còn gặp lại nó nữa. Từ đó trở đi mùa đông nào Trương Trạch Vũ cũng nhắc tới Tam Hoa, không biết nó có được ăn ngon mặc ấm không.

Sau đó trong lúc chơi đùa chúng tôi nghe các bác hàng xóm nói chuyện với nhau, biết được bác mập vào tù rồi, ai cũng không tưởng tượng nổi. Trở về nhà tôi cũng nghe thấy mẹ đang bàn về chuyện này, hỏi mẹ có chuyện gì thì mẹ quanh co "Chuyện người lớn trẻ con không cần nghe". Chúng tôi sốt ruột lo lắng nhưng không tìm được nguyên nhân. Vài năm sau chúng tôi mới biết, thì ra bác mập không đi dự đám cưới của con gái. Đúng là bác có một người con gái, lớn hơn chúng tôi mấy tuổi, lúc học cấp hai bị người ta cưỡng hiếp, tên đó chỉ bị phán vài năm tù, con gái bác thì tự sát, vợ bác không chịu nổi, ly hôn với bác. Ngày tên đó ra tù, bác mập canh ở cửa trại giam đâm hắn một nhát, tên đó mất mạng tại chỗ, bác mập bị áp giải vào trong nhà giam. Sau khi biết tin đó chúng tôi chấn động không nói nên lời, trong phòng yên lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng kim rơi. Nếu ví tuổi thơ tôi như dòng sông Gia Lăng thì bác mập và tiệm băng đĩa của bác là tảng đá lớn dưới đáy sông, đôn hậu, ấm áp, hiền lành, vĩnh viễn không thay đổi. Chúng tôi quả thực không ngờ được vẻ ngoài ấm áp như thế lại ẩn giấu nỗi đau tột cùng. Kỳ thực thế giới không hề trong sáng như trong con mắt của trẻ thơ, bác mập đã cạy mở một góc tối trong thế giới của chúng tôi, sau đó dùng cách thức bi tráng nhất lấp kín nó lại. Chúng tôi nhận ra mọi việc đều có nguyên do của nó. Ví dụ như bác mập cực kỳ thích trẻ con, luôn đặc biệt quan tâm đến đám nhóc chúng tôi, hoặc mỗi lần chúng tôi từ tiệm của bác về muộn, bác đều đi theo đưa chúng tôi về nhà, hoặc như việc bác luôn kiên nhẫn dặn đi dặn lại chúng tôi không được nghe lời người lạ, Những lời căn dặn lặp đi lặp lại ấy đối với bác chẳng khác nào tự tra tấn bản thân. Tôi chính thức nhận ra xấu xa trên thế gian này quá nhiều, đau khổ cũng quá nhiều. Về sau chúng tôi cùng nhau xem bộ phim "Hope", cảm giác như một lần nữa trải qua nỗi đau của bác mập, vừa tức giận vừa buồn thương.

Từ đó về sau mỗi lần nhìn sách ảnh Ultraman bác mập tặng, tôi đều cảm thấy nặng nề. Có phải bác cũng muốn biến thành Ultraman trong thế giới của trẻ con, vĩnh viễn đi theo bảo vệ con gái bác. Vậy nên lời nói dối cuối cùng của bác, là tương lai bác mong ước, nhưng vĩnh viễn không chạm đến được.

Sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc, tôi chính thức trở thành học sinh cấp hai. Sân vận động lớn hơn, bàn ghế ngồi cao hơn. Chúng tôi cuối cùng cũng thoát khỏi trường Tiểu học số 18, thoát khỏi lòng bàn tay của cha mẹ. Khai giảng xong trường đột nhiên thông báo phải thi đầu vào, sau đó mới tiến hành phân lớp song song và lớp thi đấu*, làm chúng tôi trở tay không kịp. Thi cử hồi tiểu học hoàn toàn không nề nếp, cũng không cạnh tranh như hiện tại, chỉ có bản thân biết mình thi được bao nhiêu điểm. Kiến thức tiểu học không khó, cơ bản thì tôi đều làm được. Nhưng thi đầu vào của chúng tôi vì để chọn ra lớp thi đấu nên đề ra toàn là đề toán Olympic chúng tôi chưa từng tiếp xúc. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thi để giấy trắng. Tôi lặng lẽ quay sang nhìn Trương Trạch Vũ, cậu ấy đang chăm chú giải đề, giấy thi cũng trắng tinh giống tôi. Trương Tuấn Hào ôm đầu trầm ngâm suy nghĩ, Tả Hàng buồn ngủ ngồi xoay bút, Tô Tân Hạo thì điên cuồng dùng tẩy chà lên giấy thi, Mục Chỉ Thừa múa bút như bay không biết đang làm cái gì. Chỉ có Trần Thiên Nhuận vẫn tập trung như mọi khi, như thể đang làm đề thi bình thường mà chúng tôi hay làm. Thi xong Mục Chỉ Thừa cho chúng tôi xem giấy nháp, cậu ấy vẽ mười ba người chúng tôi, lột tả chuẩn đặc điểm của từng người, vừa nhìn là có thể nhận ra ai với ai. Cậu ấy cười khổ: "Tớ chẳng làm được gì cả, chẳng nặn ra được chữ nào!"

(*) Lớp song song: lớp trộn lẫn học sinh tốp trên và tốp dưới

Lớp thi đấu: lớp tập hợp các học sinh xuất sắc về một hoặc nhiều lĩnh vực, tập trung ôn luyện để tham gia các cuộc thi

Chúng tôi ngồi ở hành lang buồn bã hồi lâu thì Triệu Quán Vũ và Chu Chí Hâm đến đưa nước. Tô Tân Hạo buồn nên Chu Chí Hâm đi dạo cùng cậu ấy. Nghỉ giữa giờ 20 phút xong là đến thời gian thi môn thứ hai – Ngữ Văn. Chúng tôi lại đau khổ quay về phòng học tiếp tục thi. Ngữ Văn trước giờ đều dễ thở hơn Toán, bởi vì dù biết hay không thì cũng có thể bịa ra, ít nhất có thể viết đầy giấy thi, trông không ngại ngùng bằng việc nộp giấy trắng. Đề văn cuối cùng là "Kỳ nghỉ hè của tôi", phải viết khoảng 400 chữ. Tôi cắn bút nghĩ về kỳ nghỉ hè của mình, về chuyến du lịch Bắc Kinh, về đĩa phim mình đã xem, cả về bác mập nữa. Tôi đặt bút viết vô cùng trôi chảy, giống như kỳ nghỉ hè lại một lần nữa vút qua dưới ngòi bút tôi. Chỗ ngồi của tôi ở cạnh cửa sổ, có thể nhìn thấy học sinh đang chạy trên sân vận động, những toà nhà dân ở phía xa, và cả dòng người đang không ngừng trôi. Tôi hoảng hốt cảm giác như mỗi một người trôi đi đều là tôi, là chính bản thân tôi vô tư chạy nhảy, vui đùa, vĩnh viễn vô lo vô nghĩ, tựa dòng Gia Lăng cuồn cuộn chảy siết. Tôi cần mẫn viết kín từng ô vuông trên giấy thi, lúc đặt bút xuống tôi lại nhớ đến tên hải tặc chìm trong biển nước. Có lẽ đó không phải mơ, cũng không phải phim điện ảnh mà là điềm báo mơ hồ rằng tôi sắp phải từ biệt tuổi thơ của mình, tên hải tặc chìm trong biển nước đó chính là tôi, là tôi của những ngày thơ ấu.

Thi xong chúng tôi cùng nhau vui đùa trở về nhà. Mọi người như đang giành công kể về bài văn của mình, Trương Tuấn Hào nói cậu ấy kể về việc cùng Trần Thiên Nhuận và Tả Hàng đứng rao bán dưa; Tô Tân Hạo lập tức nhảy lên nói cậu ấy viết về việc cùng Chu Chí Hâm chuyển phát dưa, Dư Vũ Hàm bất mãn nói rõ ràng là cậu ấy đề xuất, cậu ấy cũng phải có phần. Trương Trạch Vũ viết về tiệm băng đĩa của bác mập và Tam Hoa, do đó cảm xúc có chút suy sụp, bị tôi xoa đầu mấy cái lại hung hăng đòi cắn tôi. Bài văn của chúng tôi đặt cạnh nhau giống như mặt A mặt B mặt C của một mảnh ký ức, bổ sung hoàn hảo cho nhau. Sau đó có bảng điểm, Trần Thiên Nhuận dù không ngoài dự đoán nhưng vẫn làm tất cả chúng tôi kinh ngạc, giành được hạng nhất; Tô Tân Hạo lúc thi xong khóc to nhất hạng bảy (Trương Trạch Vũ tức muốn đánh cậu ấy); Trương Tuấn Hào hạng hai mươi ba. Còn lại tên mấy người chúng tôi giống như hạt vừng rắc trên bánh mì, rải rác mỗi người một nơi trên bảng thành tích. Tôi và Trương Trạch Vũ đều cảm thấy rất tiếc, chúng tôi cuối bảng là chuyện không ngoài dự đoán, chỉ tiếc là về sau không được làm bạn cùng lớp với Tô Tân Hạo và Trương Tuấn Hào nữa. Đặc biệt là Trương Tuấn Hào, cậu ấy quả thực là người bạn cùng bàn cực kỳ ưu tú, lúc nào cũng mang dư bút chì và tẩy. Về sau trường bị phụ huynh phẫn nộ báo cáo lên trên nên phải ngừng lớp thi đấu, phân lớp lại từ đầu, kết quả thi đầu vào không còn tác dụng nữa. Mấy đứa chúng tôi đều là con em của cán bộ công nhân viên trường tiểu học cùng tuyến nên lại được phân cùng lớp, tiếp tục làm bạn học với nhau ba năm.

Năm 2013 tổng thống Mandela qua đời, sau đó tôi hiểu thế nào là hiệu ứng Mandela. Nhiều năm về sau tôi vẫn thường hay nghĩ, liệu quãng thời gian đầu tiên trong cuộc đời tôi có khi nào cũng chỉ là hiệu ứng Mandela, chúng tôi đều có chung một phần ký ức sai lệch, bác mập thật sự đi dự đám cưới của con gái, còn tôi cũng có thể vĩnh viễn làm một đứa trẻ vô lô vô nghĩ. Nhưng tất cả đều là sự thật đã định, tôi tiễn đưa tuổi thơ trong khe nứt thời gian, nó kiên quyết chào tạm biệt tôi, và không bao giờ quay trở lại nữa.


TBC.


Chú thích dài nên mình để xuống cuối chap:

(*) Hiệu ứng Mandela: Là tình huống một số đông người đều có chung ký ức sai lệch về một thông tin hoặc sự kiện đặc biệt. Sự việc bắt đầu vào năm 2009, khi Fiona Broome đang ở phòng nghỉ tại Dragon Con và trò chuyện với mọi người về cái chết của tổng thống Nelson Mandela. Họ đều cho rằng ông mất trong nhà giam vào những năm 1980. Thậm chí có người còn chắc nịch đã từng đọc tin tức và xem đoạn phim về tang lễ đó. Nhưng sự thật là Nelson Mandela vẫn còn sống đến năm 2013. Khi phát hiện ra điều này, Fiona Broome đã lập một website để bàn luận và ghi lại xem có bao nhiêu người cũng có chung nhầm lẫn. Ngạc nhiên là con số không hề ít với nhiều trường hợp khác nữa. Hiện tượng này bắt đầu nổi lên trên Internet, và Fiona đặt tên nó là "Hiệu ứng Mandela".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro