II. Chuyện mùa ổi chín.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đã rất nhiều lần khi chàng buông tiếng hát, trong cái say mê não nùng của những câu hò thê lương, là ánh mắt ai dáo dác giữa biển người, lục lọi kiếm tìm một bóng hình đang dần tan vỡ.

Mỗi lần như vậy, chàng luôn tự hỏi rằng, người ấy liệu có đến hay không ?

Rồi chàng cúi đầu giấu đi nỗi buồn nơi khóe mắt, làm gì họ tìm đến được đây ? Khi mà tháng năm dài rộng người từng bỏ lại, có hay không trái tim xưa cũ đã đổi thay ?

Hay là mình về, họ đã lấy vợ rồi cũng nên.

Ánh đèn măng sông rọi lên gương mặt Thái Hanh. Ôi, đôi mắt phượng biêng biếc nỗi u hoài này đã khắc khoải trong trái tim ai mỗi đôn trời trở gió. Đôi mắt ấy vẫn đau đáu nỗi hoang hoải loang  màu cả trí nhớ của ai, như tấm màn khẽ buông cũng những tiếng thở dài trong đêm mất ngủ. Người ơi, nếu biết yêu là trăm bề đau đớn, ta sẽ nguyện làm kẻ không có trái tim...

Thái Hanh ôm cây guitar trong lòng, khẽ khàng mân mê lên từng nốt nhạc. Chiều giờ ngoài chút rượu trắng ra, chàng vẫn chưa bỏ gì vào bụng. Chắc tại cái cơn si tình tưởng chừng như đã nguôi ngoai này lại tái phát, nên mới hành hạ trái tim chàng trĩu nặng một hình hài nỗi nhớ xa xăm.

Này em hỡi, con đường em đi đó
Con đường em theo đó
Đúng hay sao em ơi ?

Xa nhau rồi
Thiên đường thôi lỡ
Cho thần tiên chấp cánh
Xót đau người tình si...

Xót đau người tình si

( Bài không tên cuối cùng - nhạc sĩ Vũ Thành An )
---

Khi hương ổi ngào ngạt phả vào từng ngóc ngách của mùa thu, cũng là lúc ông giáo đa tình Trịnh Hiệu Tích lại bồi hồi chờ thư từ một miền viễn xứ.

Nửa năm năm nữa đi qua, cái lời hứa sẽ trở về khi mùa ổi chín của người y thương, vẫn chưa một lần được hồi đáp. Đã nhiều cái thu đi rồi lại đến, nhiều mùa ổi rơi rụng khắp sân làng, vẫn luôn có một người ngồi ở đó, mỏi mắt chờ mong một người lầm lũi quay về.

Triền đê mọc đầy cỏ dại.

Còn nhớ mùa ổi năm y mười lăm tuổi. Sau khoảng sân vườn, lâu lâu sẽ bắt gặp một thằng nhóc gầy còm, lem luốc lén vào vườn nhà y trộm ổi. Nó là Thái Hanh, chẳng biết là ai đã đặt cho đứa trẻ mồ côi ấy cái tên mĩ miều như vậy, chỉ biết rằng đời nó lang thang, lãng du phiêu bạt như cánh chim trời. Lần đó bị y bắt được, nó không chối không chạy. Nhìn vào đôi mắt lanh lợi nhưng chất chứa u buồn của nó, Hiệu Tích dại khờ của năm mười lăm tuổi chẳng biết đã nghĩ gì, buông tay cho nó đi mà không một lời trách phạt. Sau này, cũng chính vì mấy trái ổi ấy mà hai đứa nhỏ làm bạn. Hiệu Tích trước giờ vốn không có bạn bè, cuộc sống trong nhung gấm lụa là vô tình ngăn cách đứa trẻ này với thế giới xung quanh. Có ai ngờ rằng thằng trộm ổi ấy, lại là người mang đến cho y một chân trời mới, chân trời tuổi thơ rộng lớn với những cánh diều và bạt ngàn bất tận, khác xa với cuộc đời sung túc mà nhàm chán của một thiếu gia. Hiệu Tích tự lúc nào đó mới ngẩn người nhận ra, thằng nhỏ còi cõm hôm nào trộm ổi sau vườn, giờ đã chễm chệ ngồi yên trong trái tim y khờ dại.

Chuyện chẳng lâu sau thì bị ông Tư Phú phát hiện. Người ta xì xào vụ hai chị em nhà đó bị cha nó nhốt trong nhà, không cho ra vườn nữa. Năm đó ông lão tưởng rằng thằng Thái Hanh kia có ý với con gái lớn của mình, tức cô hai Nguyên. Mấy lần Thái Hanh lén đến tìm đều bị nhà cho thả chó mà chạy chối chết. Nhưng đâu ai ngờ thằng nhóc đó to gan chí lớn, hết lần này đến lần khác tìm y. Rồi có một lần, ông Tư không thả chó, cũng không cho y ra gặp nó, ông đứng sừng sững giữa sân nhà, chỉ tay vào thẳng mặt Thái Hanh.

- chừng nào mày có được một trăm công đất thì hãy đến đây! Còn không thì biến cho khuất mắt. Cóc ghẻ bần tiện mà đòi trèo cao!

Người ta bu đông trước nhà lão như coi kịch, ai nấy lắc đầu nhìn nó. Thái Hanh khi đó không khóc, không nài nỉ van xin. Nó nhìn lão, bằng đôi mắt kiên định và lạnh lùng, mở miệng nói một câu mà cả đời này ông lão không bao giờ quên được.

- ông phải nhớ những gì ông nói! Đủ một trăm công đất, con về, ông phải gả Tích cho con!

Ông lão bẽ mặt ngỡ ngàng, chừng như ông không tin được. Thuở đó, tình trai là một thứ tình kiêng kị, nhất là với cháu đích tôn trong gia tộc có tiếng như nhà ông Tư, chuyện này càng không thể chấp nhận. Ông già sai người ở kéo thằng nhỏ ra ngoài, đánh cho thê thảm. Lời nói ngây ngô năm đó, chỉ như gió thoảng qua tai người đời, có ai dám tin thằng nhóc mồ côi mồ cút năm nào lại làm nên chuyện lớn. Rồi từ sau dạo ấy, nó biệt tích rất lâu. Chuyện qua mau tới nổi ngoài kẻ si tình là công tử Hiệu Tích đây, thì có lẽ đã chẳng còn ai nhớ nữa. Vì y vẫn còn giữ mãi lời hứa năm nào, dẫu rằng thời gian đã phai màu trên những nẻo đường kỉ niệm.

Em sẽ về khi ổi chín đầy sân, khi đã có trong tay một trăm công đất. Tích đừng lấy vợ, em hứa sẽ về rước anh đi!

---

Lần này Nam Phương về Tây Đô, mới ba bốn giờ chiều mà người ta đã tụ tập rôm rả ngoài sân đình. Mấy cô thiếu nữ má hây hây ngồi quán nước, lâu lâu liếc mắt kiếm tìm bóng dáng chàng kép chính nổi tiếng của đoàn. Nghe danh đã lâu, nhưng người ta thực sự muốn biết chẳng hay dung mạo tuyệt sắc đến nhường nào mà đã khiến biết bao nàng mê muội. Mấy ông bà lão lưng còng vẫn vui vẻ đi coi hát, cái miệng móm nhai trầu nhìn nhau cười tíu tít. Đám trẻ con nô đùa trước sân đình, tiếng nói cười rôm rả khắp một làng quê.

Kim Thái Hanh ngồi dưới gốc đa sau hè, miệng lẩm nhẩm lời thoại vở hát. Chàng nhắm mắt, cất tiếng ca lanh lảnh giữa ruộng đồng quạnh vắng. Có lẽ do trái tim buồn nên tiếng hát càng thêm sầu não. Nơi đây chính là ngôi làng năm cũ từng nuôi lớn mối tình đầu của chàng, là nơi có cái mùa ổi đầy kỉ niệm, là nơi cất giữ mảnh linh hồn chàng từng gửi gắm năm nao. Ấy vậy mà mùa ổi năm nay, có người thấy xót xa dâng lên màu mắt.

Vì một người đã trót quay lưng.

Hai chữ "đính hôn" đỏ rực treo trước cổng nhà người, mà sao cõi lòng ai như chết trân ở đó. Một trăm công đất, chàng vẫn chưa có được thì trách làm sao khi họ bước sang ngang. Đớn đau, bẽ bàng trong vỡ lỡ khiến trái tim thằng kép hát như chết lặng. Đêm nay rồi sẽ dài như thế kỉ, để cho ai khóc một chuyện tình dở dang.

Và một ước mơ xa xôi, chỉ còn lại nửa vời dĩ vãng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro