-3- (END)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phải nói, Hà Yên cũng là một đứa hiền lành và hay im lặng, không thích sử dụng lời nói. Điểm này thì giống cậu Bình. Bảo sao, không phải tự nhiên mà hai người quen nhau. Nhưng nếu như thế thì ngược lại hoàn toàn với tính cách cậu Tuấn khá nhiều. Vậy nên, khi trao đổi thư, bình thường Đình Tuấn viết cả chục dòng thể hiện tình cảm với những lời yêu thương, đôi lúc là sến súa mà anh đã học từ đâu đó. Còn khi hồi âm lại, Hà Yên chỉ trả lời từng câu hỏi của anh, thêm vài câu hỏi thăm, dặn dò ăn uống, ngủ nghỉ. Không khác thư của một bà mẹ gửi cho con trai mấy. Thậm chí đôi khi, cô bảo anh viết ít thôi, không cần hồi âm lại thư cô. Cứ như cô chẳng tha thiết gì thư từ nơi anh chút gì.

Ban đầu, cậu Tuấn còn hờn dỗi, có chút hơi tủi thân nhưng sớm rồi, anh cũng đã quen. Qua lời Chu Bình kể, Hà Yên chỉ nói năng lạnh lùng, sắt đá vậy cho anh tập trung làm việc. Chứ vào ngày hai mươi mốt mọi tháng, cô đều dành nguyên cả ngày để chờ Chu Bình qua đưa thư.

Vì biết thế, mặc lời em nói, tháng nào Đình Tuấn cũng chăm chỉ hồi âm thư của em. Mỗi tháng chỉ có một lần, làm sao anh có thể bỏ qua cơ hội và kìm nỗi nhung nhớ ấy, chờ đợi sang tháng kế.

Thời gian trôi, mùa hè sắp trở về, chuẩn bị tròn một năm kể từ lần đầu tiên Tuấn gặp Hà Yên. Họ đã gặp gỡ trong hai tháng hè duy nhất, tất cả những gì còn lại họ có là những bức thư tình mỗi tháng nhận một lần và thi thoảng hiếm hoi lắm mới kèm theo ảnh.

Tuy hè năm nay kỷ niệm một năm quen nhau nhưng Đình Tuấn không thể về thăm em. May cho anh, Hà Yên hiểu chuyện, không hề hỏi han làm khó anh. Họ yêu nhau qua những dòng chữ trên lá thư một cách bình yên, chưa từng phải uất ức, buồn bã, tức giận vì điều gì.

Chỉ có duy nhất một lần, hai người không trao đổi thư trong ba tháng trời.

_bức thư thứ mười ba_

Nam Kinh, 17 tháng 9, 1938

Hà Yên thương yêu của anh,

Anh không biết viết cho em như này liệu có phải quá đường đột không. Yên biết mà, anh yêu Hà Yên đến nhường nào. Anh đã nghĩ hết tháng 8 năm nay, anh sẽ trở về Hà Nội hẳn luôn và không đi công tác xa nữa. Nhưng anh nào có ngờ được tương lai, anh vừa nhận được điện tín về mệnh lệnh tiếp theo, tất nhiên vẫn là ở Nam Kinh. Với đà này, anh sẽ còn nhiều lần phải trì hoãn dài dài những kế hoạch của mình.

Hơn thế, năm sau, Hà Yên tròn hai mươi. Yên sẽ sớm chuẩn bị lấy chồng em nhỉ?

Anh yêu Yên, nhưng anh không thể nào trở thành một kẻ ích kỷ, độc đoán bằng cách đòi thầy mẹ hỏi cưới em rồi bắt em theo cùng đi đến Nam Kinh.

Sau bức thư này, xin Yên đừng hồi âm anh nữa. Chúng ta kết thúc ở đây thôi. Một năm yêu xa dài đằng đẵng và bắt em chờ đợi đã quá đủ. Mong Yên thông cảm và hiểu cho tấm lòng anh! Anh chưa từng hết yêu em, anh sẽ mãi nhớ cô gái anh đã gặp trên chuyến tàu Vinh - Huế ấy. Còn em, hãy quên anh đi và lấy một người chồng tốt. Cảm ơn và xin lỗi Yên vì đôi ta đã gặp gỡ và quen biết.

Cầu chúc cho Hà Yên ngàn điều tốt đẹp! Xin tạm biệt em!

Anh.

Trương Đình Tuấn

Đây là lần đầu tiên Đình Tuấn là người nói rằng Hà yên đừng hồi âm anh. Sau ngày nhận được lá thư ấy, hai người đã không còn liên lạc. Đình Tuấn nghĩ dù gì chuyện cũng đã qua, anh làm vậy để tốt cho cả hai mà thôi.

Vào một ngày đông tuyết rơi trắng xóa ở Nam Kinh, tính từ đó đến nay đã tầm gần bốn tháng kể từ ngày anh cho rằng cả hai đã chia tay. Đình Tuấn bất ngờ nhận được một bức thư từ em khi Chu Bình ghé qua.

Ngồi yên vị trong phòng có lò sưởi ấm ấp, Chu Bình mới cởi áo và tháo khăn quàng ra, vừa rũ cho áo thẳng, cậu vừa hỏi:

"Cãi nhau sao?"

"Gì cơ?"

"Anh với Hà Yên cãi nhau à? Mấy tháng vừa rồi em qua hỏi thì Hà Yên bảo không cần gửi thư, anh cũng không gửi gì. Thế chẳng phải có chuyện!"

"Ừ."

Đình Tuấn mở bức thư trên tay ra xem. Còn Chu Bình đứng gần đấy, vừa treo áo lên móc vừa lẩm bẩm thầm chửi rủa điều gì đó chỉ anh mới biết.

Bức thư của Hà Yên luôn như vậy, ngắn gọn, súc tích nhưng khiến cho cậu Tuấn cảm động không thôi.

_bức thư thứ mười bốn_

Gửi anh Đình Tuấn,

Em chưa bao giờ nói rằng em chuẩn bị lấy chồng vào sắp tới cả. Em không nghĩ anh sẽ lại lựa chọn nói chia tay với em vì lý do này, thế nên em đã suy đoán anh có người khác nào bên đó chăng? Có phải vì vậy anh mới muốn khéo chia tay em qua thư không? Em không biết gì về cuộc sống của anh ở Nam Kinh, em đã nghĩ vậy và em rất buồn khi anh nói chia tay.

Nếu như bức thư trước anh gửi cho em giống lý do ở trên thì em không nói nữa. Nhưng nếu không phải vậy, mà anh thật sự nghĩ về việc em phải đi lấy chồng thì em viết thư này để nói với anh rằng em cũng rất yêu anh. Anh yêu em và nếu anh nghĩ chúng ta có thể nên duyên vợ chồng, em sẽ đợi ngày anh trở về.

Em.

Ngô Thị Hà Yên.

"Thư viết gì vậy? Sao anh lại cười thế, làm hòa rồi hả?"

Thấy anh trai im lặng, Chu Bình quay đầu hỏi:

"Sao không trả lời em?"

"Anh bảo, nếu tự dưng phải gọi Hà Yên là chị dâu thì mày thấy ngại không?"

Lần này, Chu Bình không chửi rủa lẩm bẩm, anh nói dõng dạc một câu.

"Đồ hâm!"

Thường thì, nếu Chu Bình lỡ nói sai trái như thế sẽ bị đá vào chân hay lườm cháy mặt. Nhưng hôm nay, cậu Đình Tuấn chẳng có tâm trạng nào để mà làm vậy, anh cứ say sưa mãi trong niềm vui sướng của mình. "Em sẽ đợi ngày anh trở về." Ôi chao, một câu nói bình thường ấy mà khiến anh có động lực hẳn.

Đình Tuấn vui vẻ đứng dậy, đi ra chỗ bàn giấy và bắt đầu viết từng chữ cái cho bức thư đầu tiên sau nhiều ngày chia xa:

Nam Kinh, 28 tháng 12, 1938

Em yêu dấu...

Và như thường lệ, anh kết thúc bức thư bằng câu nói đầy cảm tình, chẳng hạn như

Thương nhớ em nhiều.

Sau đó, anh viết nốt tên mình và ký ở cuối thư.

Lá thư đã được hoàn thành, Đình Tuấn đưa nó cho em trai, vui miệng nói thêm một câu:

"Chắc là năm sau anh sẽ hỏi cưới Hà Yên."

Chu Bình cười, nụ cười không biết đang bất lực hay mang ý chúc phúc. Ngoài trời tuyết vẫn rơi dày đặc, liệu không biết năm sau Đình Tuấn có được chuyển về một nơi mùa đông không tuyết không nhỉ?

Hà Yên và Đình Tuấn tiếp tục liên lạc qua thư với trung chuyển là cậu Chu Bình. Xuân đi, hè tới. Tháng 6 năm 1939, Hà Yên gặp lại anh ở nơi xứ Huế năm nào. Lần thứ hai được nắm tay, hẹn hò cũng là kỷ niệm hai năm quen nhau.

Thời gian trôi nhanh đến lạ. Anh ở Huế vỏn vẹn hai tháng như lần trước, sau đó phải vội vã trở lại Nam Kinh. Trước khi đi, anh tặng Hà Yên một món quà.

Cô không chắc về ý nghĩa của nó, nhưng những điều cậu Tuấn nói hôm ấy xem chừng rất chắc chắn, quyết liệt.

"Mấy tháng trước anh đi ăn quán đồ bọn Tây, đồ thường thôi, nhưng hôm đấy anh gặp chuyện hay lắm. Một ông Tây to béo đã tặng một chiếc nhẫn cho cô người yêu ngồi đối diện."

"Tặng nhẫn á?"

Hà Yên nhíu mày, nghi ngờ hỏi lại. Anh cười:

"Ừ, trong văn hóa phương Tây, khi người đàn ông muốn cưới người phụ nữ mình yêu, anh ta sẽ hỏi là cô ấy bằng lòng lấy anh ấy không? Nếu cô ấy bằng lòng, anh ta sẽ tặng chiếc nhẫn và đeo nó lên ngón áp út trái của của cô gái. Để món quà đó như chứng minh rằng anh ta và cô gái đó đã yêu nhau bấy lâu nay, họ sẽ sớm cưới nhau."

"Ồ hay nhỉ."

Đình Tuấn mỉm cười, anh không trả lời, chỉ lặng lẽ lấy ra từ đâu đó một chiếc nhẫn nhỏ. Anh đưa lên trước mặt Hà Yên, khẽ hỏi:

"Còn em, Yên đồng ý lấy anh không?"

"Em có, em hứa trong thư rồi mà. Anh hỏi lại làm gì!"

Chiếc nhẫn trên tay nhanh chóng được Đình Tuấn đeo lên ngón áp út của Hà Yên. Anh nói:

"Anh muốn chắc chắn rằng mình giữ lời hứa. Anh thật sự cảm ơn em, nhất định một ngày không xa anh sẽ về đây và cưới em làm vợ. Yên hãy đeo chiếc nhẫn này và chờ anh nhé!"

Hà Yên giơ bàn tay lên không trung nhìn cho rõ, chiếc nhẫn vàng sáng loáng được đeo lên ngón tay áp út trái. Tuy chưa hiểu ý nghĩa của cái phong tục, văn hóa gì kia của phương Tây nhưng cô cứ thấy trái tim rung động như thể vừa cùng anh thực hiện một việc trọng đại.

Sau hôm đó, anh về Nam Kinh. Hai người tiếp tục một năm giấy mực, thư từ. Tròn hai năm bên nhau, Hà Yên đã bước sang tuổi hai mươi, thầy mẹ bắt đầu mối gả chồng. Sợ rằng năm sau nếu anh chưa về hỏi cưới, Hà Yên sẽ bị gả đi thật. Mẹ cô đang ưng một tay nhà báo người Pháp, dạo này hắn hay lượn qua lượn lại ở nhà cô làm màu khủng khiếp. Người ta ra tận miền Bắc làm trò để cưới Hà Yên, còn cậu Tuấn nơi đâu mãi chưa để thầy mẹ thấy mặt.

Một năm nữa qua đi, mùa hè 1940, anh không về thăm Hà Yên được, nghe bảo anh đang chuyển công tác đến Hương Cảng. Lời hứa hỏi cưới lùi đến năm sau. Năm nay, Hà Yên đã hai mươi mốt rồi.

Chuyển về Hương Cảng có địa chỉ mới, công việc của anh nguy hiểm hơn ở Nam Kinh gấp trăm lần. Hà Yên không rõ, nhưng Chu Bình đã nói vậy thì không thể sai được.

Tháng 7, năm 1940, bức thư cuối cùng của anh được gửi đến tay cô từ Hương Cảng trước khi bặt âm vô tín.

_bức thư thứ hai mươi tám_

Hương Cảng, 16 tháng 7, 1940

Em thương,

Anh đã tới và ổn định chỗ sống tại Hương Cảng. Lần này anh không ở một mình, anh ở chung thêm với hai đồng chí mới sang đây từ cuối năm ngoái. Yên dạo này thế nào? Có khỏe không? Em đừng có đồng ý lấy mấy tay người Tây, người Pháp nhé. Anh xin lỗi vì phải trễ nải việc cưới xin, nhưng anh Tuấn đây hứa chắc chắn sẽ làm. Hà Yên chờ anh thêm chút nữa thôi, em nhé! Công việc ở Hương Cảng bận rộn hơn, có thể anh sẽ không gửi thư đúng mỗi tháng một lần như trước cho Yên được. Mong Yên hiểu và cho anh xin lỗi!

Mãi luôn yêu em.

Trương Đình Tuấn.

Kể từ bức thư ngày 16 tháng 7, Hà Yên không nhận được thêm gì. Cô gửi đi cũng không nhận được hồi âm. Hỏi Chu Bình, cậu chỉ nói rằng anh bảo anh đang rất bận rộn, Hà Yên đừng gửi thêm, chừng nào rảnh, anh sẽ viết cho cô.

Hà Yên có chút nghi ngờ, ngoài việc truyền thư, anh chưa từng nhờ cậu Bình chuyển lời.

Nhưng cô nghi ngờ vậy, cô cũng đâu có thay đổi được gì. Cô tiếp tục chờ đợi mà không tin tức, không thư từ.

Gần nửa năm mất liên lạc, vào một ngày cuối đông buốt giá, Hà Yên nhận được một tin tức.

Hôm ấy, cô đang ngồi đọc sách, con Hoài - con hầu riêng của của cô đang sắp lại quần áo cho cô chủ. Nó tiện mồm nói ra một tin dữ tưởng cô không để tâm:

"...hồi sáng nay, con đi mua bánh đúc cho bà với ghé qua chỗ chợ... đoạn người ta túm nghe lái buôn trên Hà Nội xuống kể chuyện ấy cô, con đứng hóng nghe ké... nghe bảo, cậu con cả ông lý Hòa ở Hà Đông chết bên Tàu rồi cô, nhà đó đang khóc thương đưa tang dữ lắm. Hình như đó là nhà cậu Bình bạn cô phải không? Tội cậu, anh cậu mất, cậu phải gánh thêm là bao trách nhiệm!...

Hà Yên tưởng Hoài nói nhầm, cô đóng sách, quay sang hỏi:

"Anh trai cậu Chu Bình mà cô quen hồi học trên Hà Nội đó à em?"

"Vâng cô, cậu Bình hay ghé đây mỗi tháng đó chứ ai! Em nghe người ta bảo thêm hình như chết do là sinh viên tham gia phong trào cách mạng gì đó. Đến khổ, sinh viên, học sinh dạo này tham gia nhiều lắm, chết biết bao nhiêu là mạng người!"

Nỗi đau đột ngột ập tới, trái tim cô siết chặt lại cảm tưởng như không thể thở nổi. Hà Yên lặng người, bấy lâu nay anh không gửi thư cho cô vì anh mất rồi ư? Hà Yên bị một cú sốc đả kích quá lớn, cô bàng hoàng đứng dậy đi ra ngoài phòng lớn. Ngoài trời mưa lạnh lay phay, mặc kệ mọi thứ, lập tức Hà Yên nói:

"Hoài, em để quần áo đó, kêu người chuẩn bị xe cho cô. Cô đi Hà Nội ngay bây giờ, không phải xin ông bà đâu em cứ làm ngay cho cô!"

Ngay trong cơn mưa, Hà Yên vội vã lên đường. Lòng cô chỉ thầm cầu mong đó là anh trai khác nào đó của Chu Bình, không phải Đình Tuấn của cô.

Đến xế chiều tối, xe đã đến Hà Đông, đỗ trước gần nhà của ông lý Hòa. Chỉ ngồi trong xe cô đã nghe tiếng khóc than vang vọng ra ngoài rõ ràng.

Hà Yên bước xuống xe, cô run rẩy, không biết vì cái giá lạnh mùa đông hay nỗi sợ trong lòng. Cô đứng trước nhà ông lý mà không dám vào, chỉ dám đứng cạnh bên cửa, nghe tiếng họ than khóc, nghe tiếng họ trách đứa con dại...

Không ai để ý ngoài cánh cửa đang có Hà Yên đứng nhìn, trừ một người, cậu Bình.

Hà Yên vội trốn đi khi bị nhìn thấy, nhưng lát sau, cậu đã lù lù xuất hiện trước mặt cô.

"Anh nào mất vậy? Cậu có hai anh trai sao?"

Cậu Bình nuốt nước bọt, không dám nhìn thẳng Hà Yên. Cậu rút ra một phong thư màu ngà đưa cho cô:

"Anh Tuấn... anh mất rồi..."

Vậy tin truyền xuống làng cô là thật. Anh hứa sẽ về cưới cô, sao anh nỡ lòng nào vội vàng ra đi, thất hứa với cô...

"Đây là bức thư cuối anh gửi cho Hà Yên. Anh hy sinh để giấu đồng đội đang bị truy đuổi. Bọn chúng theo sang tận đó để bắt mà. Anh Tuấn bị chúng nó đánh, đánh cả vào đầu đến chết. Tới giờ tôi vẫn không biết anh đang ở đâu, chỉ mong người ta chôn cất anh cẩn thận... Tôi xin lỗi Hà Yên vì hồi đó đã giấu mà không kể, nhưng nhìn vào tình cảm hai người, tôi không nỡ nói. Bây giờ quả thực không còn mặt mũi gặp Hà Yên nữa. Tôi thành thật xin lỗi!"

Và đúng là từ đó đến tận mãi hai năm sau, khi cậu Bình xuống hỏi cưới Hà Yên. Cô mới gặp lại cậu.

Năm đấy dưới mưa có bao nhiêu người than khóc không xuể. Hà Yên hận anh, ghét anh vô cùng. Chính anh đã hứa sẽ cưới cô, sau đó bỏ cô bơ vơ một mình. Ai mà biết được, hôm anh tặng nhẫn cho cô, bịn rịn chia tay để anh trở về Nam Kinh lại là lần tạm biệt cuối cùng.

Hai năm qua, cô từng nhiều lần có ý định đi theo anh. Kết quả đều không thành, bị thầy mẹ trách mắng là ngu dại. Sau khi cưới cậu Bình - người bạn thuở đi học, tưởng rằng sẽ có một cuộc sống tốt hơn, bỏ lại quá khứ về anh phía sau.

Nhưng, chẳng có gì thay đổi được, nhất là khi cậu Bình là em trai của anh. Hai người có nét mặt giống nhau. Nhiều đêm, nhìn gương mặt cậu Bình say ngủ, Hà Yên đã tưởng đó là anh. Tưởng người đã hỏi cưới cô chính là Đình Tuấn, tưởng anh là người ngủ bên cô hằng đêm, tưởng đứa bé trên tay là con của cô và anh.

Cuối cùng, khi nhìn thấy di ảnh trên bàn thờ ấy của anh, Hà Yên mới bừng tỉnh khỏi cơn mơ của mình. Vì tất cả do cô đã lầm tưởng, sự thật rằng người bên cô hàng ngày là cậu Chu Bình, không phải Đình Tuấn. Chỉ là cô quá thương nhớ anh, muốn được nhìn thấy gương mặt anh mỗi ngày, hay chỉ cần hao hao giống anh thôi

"Cậu Bình, tại sao cậu lại cưới tôi trong khi biết chuyện giữa tôi và anh Tuấn?"

"Trong bức thư cuối anh gửi tôi, anh bảo rằng tôi sau khi anh mất, anh mong tôi sẽ thay anh chăm sóc Yên suốt đời còn lại."

"Vậy cũng được sao?"

"Được, nhân duyên của anh và Hà Yên chuyển lại cho tôi. Tôi sẽ thay anh chăm sóc cho Hà Yên, nếu Hà Yên đồng ý!"

Và cũng không hiểu vì ma lực nào đó mà Hà Yên chấp thuận. Cô và cậu Bình cưới nhau, có bé An, dù chưa từng yêu, chưa từng thề non hẹn biển.

Đứng trên bờ kè nhìn xuống sông Đà đang chảy cuộn qua trước mặt, Hà Yên nhớ lại năm xưa, cô đã từng muốn và thử đi theo anh. Thầy mẹ đã phải cứu và chửi cho đến ngu người, Hà Yên mới hứa không bao giờ làm vậy nữa.

Hôm nay, lần đầu tiên cô lại thoáng qua suy nghĩ năm đó sau một khoảng thời gian bình tĩnh. Khi thấy di ảnh của anh trên bàn thờ, Hà Yên muốn gào khóc, tự trầm mình đến chết quách, đi theo anh cho rồi.

Cô hay bảo cậu Bình quên đi quá khứ và chấp nhận hiện tại, nhưng có lẽ cô mới là người không thể quên.

Nhìn dòng sông trước mắt, rồi cô lại nhìn đứa con nhỏ trên tay. Cô muốn chết, nhưng chuyện cũng đã lỡ dở, cô chết đi ai sẽ làm mẹ bé An?

Cậu Bình đứng từ xa nhìn Hà Yên, nhìn thấy đôi mắt của cô lạnh băng, hướng trông xuống dòng sông.

Trong lòng anh cũng rối ren không khác gì cô, ban đầu, anh thấy việc cưới và chăm sóc cho Hà Yên không đến nỗi nào. Nhưng từ khi có bé An, anh bắt đầu cảm thấy lạ lùng. Anh suy nghĩ rất nhiều, Hà Yên không thể nào chấp thuận lấy anh vì cô yêu anh.

Mà là vì anh quá giống Đình Tuấn. Đình Tuấn mất rồi, anh đành thay anh trai mình thực hiện những lời hứa năm xưa. Hỏi cưới cô, cùng chung sống hạnh phúc, có một đứa con kháu khỉnh.

Bây giờ, anh muốn giải thoát cho Hà Yên, giải thoát cho cả hai người. Đứng giữa những lựa chọn khó nhằn, nếu tiếp tục có lẽ sẽ chẳng ai hạnh phúc, nếu hai người chia tay, vậy còn bé An thì sao?

Đứa trẻ đã sinh ra, cũng không thể vứt bỏ nó.

Trước đứa con nhỏ, cậu Bình nhắm mắt làm ngơ như không thấy những nỗi khổ tâm của Hà Yên. Đứa trẻ cần có mẹ, cậu không thể để cô đi. Cậu quay người, bước vào trong nhà. Rốt cuộc là cậu sai, Hà Yên sai, hay anh Tuấn đã nhờ vả sai người?

Đến cuối cùng, ai cũng phải ôm khư khư lấy nỗi đau của riêng mình.

Tiếc thay cho mối tình của Đình Tuấn và em. Cũng tiếc thay, hôn nhân của em không thể nào "Bình Yên" như tên hai vợ chồng ghép lại.

Một người đã ra đi, một người duyên lỡ dở. Sau bao câu hẹn thề, họ lại không thể cùng nhau suốt một kiếp người này.

***

_bức thư thứ ba mươi_

Hương Cảng, 10 tháng 9, 1940

Mình ơi,

Anh xin lỗi Yên nhiều, anh yêu Yên biết nhường nào. Anh đã hứa năm sau sẽ cưới Yên, xin Yên thứ lỗi cho anh vì lần này anh sẽ phải thất hứa thật sự. Xin Yên thứ lỗi cho anh vì không thể chào em tử tế một lần cuối.

Xin hãy cho anh gọi Yên là "mình" một lần thôi... Vì sau này, anh sẽ không thể nào được gọi Yên như vậy nữa...

Mình à, anh nghĩ anh sắp phải hy sinh. Anh không biết cụ thể là bao giờ, nhưng sẽ sớm thôi, hai đến ba ngày nữa là cùng. Anh Văn ở cùng phòng là chỉ huy đội tuyên truyền, anh ấy có trách nhiệm cao cả với đất nước. Anh ấy đang bị truy nã, lục sùng khắp Hương Cảng.

Còn anh, anh chỉ là người làm bàn giấy tờ, thư từ thông tin ở Nam Kinh rồi chuyển tin về đó. Thế nên, anh đã quyết lựa chọn quyết định vô cùng có lỗi với mình để cứu anh ấy...

Mình này, anh sẽ mất vì mục đích cao cả, mất vì tương lai của một dân tộc. Anh mong mình đừng quá đau buồn! Từ nay về sau, mình phải sống thật hạnh phúc và lấy một người thật tốt. Anh mong rằng người ấy sẽ chăm sóc mình, quan tâm mình và luôn ở bên chứ không phải cách xa mình hàng vạn dặm như anh.

Hy vọng người ấy sẽ xoa dịu và xóa nhòa dần nhưng đau đớn anh đã để lại. Anh xin lỗi Yên thật nhiều vì sự lựa chọn của anh. Nếu có kiếp người khác, anh nguyện sẽ bù đắp cho Yên cả đời.

Chiếc nhẫn trên ngón áp út trái, xin mình hãy tháo nó ra, cất vào hộp tư trang cũ và đi cưới một người khác. Ta không thể cùng nhau kiếp này được, em hãy giữ những lá thư và tình yêu đã qua làm kỷ niệm. Hãy để thời gian dần xóa đi những kỷ niệm giữa chúng mình như một chiếc gương. Nhiều năm sau chiếc gương cũng vẫn đẹp như bây giờ nhưng nó đã cũ, đã bám đầy bụi bặm.

Nhưng chỉ cần em nhớ, em biết rằng chiếc gương ấy đã từng đẹp, từng sáng bóng như nào. Vậy là được rồi!

Thế nên, xin đừng chờ đợi anh nữa. Sau này, hãy sống thật hạnh phúc nhé!

Nguyện ước cho em cả đời này sung túc, may mắn và luôn bình an!

Xin chào và tạm biệt em! Chúng ta sẽ tao phùng vào một ngày mùa hè nắng đẹp, tia nắng ươm vàng cả con đường ở Huế như năm đó, em nhỉ?

Anh.

Trương Đình Tuấn.

_bức thư thứ ba mươi mốt_

Gửi mình yêu dấu của em,

Mình nằm bên đó có lạnh không? Năm nay là 1943, đã hơn hai năm từ ngày mình bỏ em mà đi.

Em hận mình lắm, em đã từng muốn đi cùng mình, nhưng rồi em vẫn cố tiếp tục sống.

Hôm nay, mình đã gặp con trai của em nhỉ? Bé An rất đáng yêu đúng không?

Em chỉ tiếc, An không phải là con của em và mình...

Mình thấy chưa, em đã giữ lời hứa sống thật tốt, cưới một người luôn bên cạnh em mỗi khi em cần.

Em giữ lời hứa với mình, mình đừng thất hứa với em nữa nhé? Kiếp sau, mình và em sẽ tao phùng vào một ngày nắng đẹp ở Huế, đúng không mình?

Hình ảnh mình đứng đợi em dưới gốc cây phượng đỏ, tia nắng vàng ươm nhảy nhót trên đường. Em sẽ không bao giờ quên.

Trong giấc mơ của em vẫn có bóng dáng mình. Khi ấy mình hai mươi ba, nụ cười ngọt ngào, tỏa nắng hơn cả ánh mặt trời. Còn em, hôm đó em đã mặc một chiếc váy hoa, mái tóc ngắn ngang vai như lần đầu ta gặp trên tàu hỏa.

Em đã mơ, em mơ em và mình hẹn gặp nhau trên phố. Chúng ta nắm tay nhau, cùng nhau đi trên những cung đường xa lạ của một mùa hè đã qua. Khi ấy, hoa phượng nở đỏ ngời...

Cảm ơn anh đã đến, đã yêu em, đã cùng đón, cùng em đi qua ba năm tuổi xuân đẹp đẽ nhất của một đời người.

Hà Yên viết nốt những chữ cuối, sau đó đóng nắp bút. Cô đứng dậy bước về phía giường, ngồi xuống bên cạnh và ngắm nhìn cậu Bình đang ôm con ngủ. Hai cha con tướng tá y như đúc, đến ngủ cũng thấy giống nhau.

Cô mỉm cười, chỉnh lại chăn cho cả hai. Rồi cô đi ra ngoài phòng lớn, cầm theo chiếc đèn Hoa Kỳ. Đứng trước bàn thờ của anh một lần nữa, cô ngắm kỹ gương mặt anh trên di ảnh, thì thầm những lời nói yêu thương cuối cùng.

"Anh nhớ đấy, anh không thất hứa, chúng ta chỉ lùi lại việc thực hiện nó thôi, phải không Đình Tuấn?"

Chúng ta đều biết rằng chẳng có gì bền vững, chẳng có gì là mãi mãi. Tình yêu của những ngày ấy sẽ dần qua đi, nhưng em đâu ngờ cơn mưa nhỏ giọt này đã làm thấm đẫm trái tim em. Dù em biết rằng, em chẳng thể làm gì hơn ngoài lau đi nước mắt và tiến về tương lai.



- The End -

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro